Luật về tài chính đối với vợ chồng có hôn thú và không hôn thú ở Đức, người Việt cần biết: Mười quan niệm sai lầm phổ biến nhất (TIẾP THEO KỲ TRƯỚC)

Mười sai lầm phổ biến nhất khi vợ chồng không hôn thú

1. Dù vợ chồng không hôn thú vẫn có trách nhiệm cấp dưỡng lẫn nhau.

Thực tế, không có trách nhiệm pháp lý nào buộc phải trả tiền cấp dưỡng giữa các bên trong quan hệ hôn nhân không hôn thú. Trách nhiệm cấp dưỡng hợp pháp chỉ tồn tại giữa vợ chồng có hôn thú. Có một ngoại lệ liên quan đến trách nhiệm cấp dưỡng của người chồng đối với người vợ khi sinh con. Người mẹ ngoài giá thú có quyền yêu cầu cha của đứa trẻ cấp dưỡng tạm thời. Điều này thường được thực hiện trong khoảng thời gian sáu tuần trước và tám tuần sau khi sinh.

2. Nếu muốn vợ chồng không hôn thú vào ở căn hộ thuê của mình thì không cần phải có sự đồng ý của chủ nhà.

Chỉ có vợ/chồng có hôn thú mới được vào ở cùng căn hộ thuê mà không cần sự cho phép của chủ nhà. Vợ chồng không giấy kết hôn cần được chủ nhà đồng ý. Tuy nhiên, chủ nhà chỉ có thể từ chối cấp phép nếu có lý do quan trọng liên quan đến người bạn đời không hôn thú, hoặc không gian sống sẽ bị chiếm dụng quá mức hoặc vì những lý do khác.

3. Trường hợp cả hai bên đều là người thuê căn hộ chung thì khi chấm dứt hợp đồng, chỉ cần một bên kí là đủ.

Nếu cả hai bên đều là người thuê chung căn hộ mà mình sử dụng thì cũng phải chấm dứt hợp đồng thuê nhà giữa họ và chủ nhà với nhau. Không thể chấm dứt hợp đồng thuê chỉ bởi một người. Nếu một người chỉ đơn giản rời khỏi căn hộ, người đó vẫn phải chịu trách nhiệm đối với tiền thuê chung. Nếu vợ hoặc chồng không hôn thú từ chối cùng chấm dứt hợp đồng, người kia có thể chấm dứt quan hệ hai bên được dùng làm cơ sở cho hợp đồng thuê nhà chung và kiện người kia buộc phải đưa ra tuyên bố chung về việc chấm dứt hợp đồng.

4. Nếu vợ chồng không hôn thú đã chung sống rất lâu thì có trách nhiệm cấp dưỡng lẫn nhau.

Ngay cả khi vợ chồng không hôn thú chung sống với nhau lâu dài cũng không có quyền đòi cấp dưỡng trong và sau khi kết thúc thời gian chung sống. Tuy nhiên, hai bên có thể thỏa thuận về yêu cầu cấp dưỡng của bên này đối với bên kia, ngay cả trong trường hợp ly thân.

5. Dù cha, mẹ không hôn thú thì khi sinh con đương nhiên vẫn phải có trách nhiệm pháp lý phải nuôi con.

Nếu cha mẹ không hôn thú thì một mình mẹ được quyền nuôi con theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cha mẹ có thể cùng nhau tuyên bố rằng họ muốn cùng có quyền nuôi con chung. Quyền nuôi con chung của cha mẹ không hôn thú cũng có thể được thực hiện theo quyết định của tòa án, miễn là tòa án xác định rằng điều này không mâu thuẫn với lợi ích tốt nhất của con.

6. Vợ chồng không hôn thú vẫn được coi như có hôn thú khi khai và nộp thuế.

Không đúng. Chỉ vợ chồng có hôn thú mới được khai thuế chung và đánh thuế theo biểu thuế dành cho vợ chồng.

7. Giống như vợ, chồng có hôn thú, vợ chồng không hôn thú cũng phải chịu trách nhiệm về các giao dịch của bên kia để trang trải nhu cầu sinh hoạt hợp lý cho gia đình.

Quyền đại diện hợp pháp lẫn nhau trong giao dịch nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt của gia đình (ví dụ: khi mua đồ nội thất hoặc đặt dịch vụ sửa chữa) chỉ tồn tại đối với các cặp vợ chồng có hôn thú, không dành cho các cặp vợ chồng không hôn thú. Vì vậy, các bên không phải là vợ chồng không thể bắt buộc bên kia trong các giao dịch đó.

8. Thu nhập và tài sản của vợ / chồng không hôn thú không có ý nghĩa đối với việc hưởng tiền công dân Bürgergeld của người phối ngẫu

Thu nhập và tài sản của vợ chồng không hôn thú vẫn được tính đến khi người phối ngẫu được hưởng tiền công dân nếu cả hai được coi là sống chung cùng căn hộ Bedarfsgemeinschaft. Điều kiện tiên quyết là cả hai cùng sống chung căn hộ và giữa họ có mong muốn chịu trách nhiệm vì nhau. Điều đó được mặc định nếu họ chung sống hơn một năm hoặc có con chung.

9. Di chúc lập quyền thừa kế cho người phối ngẫu không hôn thú trong mọi trường hợp đều không có hiệu lực.

Về nguyên tắc, các thành viên trong gia đình phải chấp nhận việc người lập di chúc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần tài sản của mình cho người ngoài gia đình. Vì vậy, người lập di chúc đã kết hôn thường có quyền tự do chuyển nhượng tài sản sau khi chết cho người có quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân, bất kể một hay cả hai người đã kết hôn. Chỉ ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn việc thừa kế như vậy theo luật thừa kế là trái đạo đức và không hiệu lực. Chẳng hạn thừa kế được coi là món quà chỉ có mục đích duy nhất là khen thưởng hoặc thúc đẩy sự tận tâm tình dục của bạn tình.

10. Trong trường hợp ly thân, vợ chồng không hôn thú có thể yêu cầu trả lại quà tặng cho nhau.

Chỉ vì sự chia ly của vợ chồng là không đủ để đòi trả lại quà. Người tặng chỉ được thu hồi quà nếu người nhận mắc tội “vô ơn trắng trợn” do có hành vi sai trái nghiêm trọng. Chẳng hạn hành vi bạo lực thể xác liên quan đến việc chia tay hoặc tiết lộ thông tin riêng tư cho bên thứ ba. Tuy nhiên, những món quà được coi là bắt buộc và nhỏ như quà sinh nhật và Giáng sinh thì không thể đòi lại.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang