- Tư vấn
- Ấn phẩm
Mức lương tối thiểu quy định trị giá mức lương thấp nhất ở Đức. Tuy nhiên, ở một số ngành và công ty, người sử dụng lao động được phép quy định trả mức lương tối thiểu của họ cao hơn mức lương luật định, chẳng hạn như khi họ bị ràng buộc với mức lương tối thiểu thống nhất trong ngành đã được thỏa thuận trên cơ sở Đạo luật Hợp đồng Tập thể hoặc Đạo luật chuyển giao lao động, cao hơn mức luật định. Theo quy định, thỏa thuận trên được đàm phán giữa các công đoàn và người sử dụng lao động cá nhân hoặc hiệp hội người sử dụng lao động.
Chú ý
Mức lương tối thiểu theo thỏa thuận tập thể không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định của pháp luật và thường chỉ mang tính ràng buộc đối với các đối tác tham gia thương lượng tập thể.
Kể từ ngày 01.10.2023 | Từ ngày 01.01.2024 | Từ ngày 01.01.2025 |
12 Euro mỗi giờ | 12,41 Euro mỗi giờ | 12,82 Euro mỗi giờ |
Vào tháng 06.2022, Hạ viện Bundestag và thượng viện Bundesrat quyết định tăng giới hạn lương tôi thiểu lên 12 Euro từ 01.10.2023. Tuy nhiên, cơ quan lập pháp không quy định mức lương tối thiểu cụ thể. Theo luật định, một ủy ban độc lập bao gồm các đối tác thương lượng tập thể sẽ quyết định mức lương tối thiểu. Mức lương tối thiểu 12 Euro là lời hứa bầu cử trọng tâm của SPD trong chiến dịch bầu cử liên bang hồi đó. Trong tương lai, như trước đây, Ủy ban sẽ một lần nữa đưa ra đề xuất hai năm một lần về việc liệu mức lương tối thiểu theo luật định có nên được điều chỉnh hay không và như thế nào.
Ủy ban tiền lương tối thiểu đã họp lại. Vào cuối tháng 06.2023, Ủy ban đã đề xuất với Bộ trưởng Lao động Liên bang Hubertus Heil rằng mức lương tối thiểu theo luật định sẽ được tăng lên 12,41 Euro vào năm 2024. như một bước tăng lương tối thiểu đầu tiên. Trong bước thứ hai, mức lương tối thiểu sẽ được tăng lên 12,82 Euro vào năm 2025 .
Lần đầu tiên, quyết định này không được đưa ra dựa trên sự đồng thuận. Christiane Schönefeld, hiên là Chủ tịch Ủy ban Lương tổi thiểu gồm đại diện người sử dụng lao động và người lao động cũng như các nhà khoa học, cho biết: Các đề xuất của các đại diện 2 bên cách nhau rất xa nên cần phải có đề xuất hòa giải. Đối với phía đại diện cho người lao động cho rằng mức tăng chưa đủ cao. Bộ trưởng Lao động liên bang Hubertus Heil (SPD) vẫn muốn thực hiện mức lương tối thiểu như đề xuất và đưa ra quy chuẩn tương ứng.
Với việc tăng lương tối thiểu theo luật định vào năm 2022, giới hạn mức lương công việc nhỏ cũng được tăng từ 450 Euro lên 520 Euro. Cơ quan lập pháp đã quy định rằng giới hạn thu nhập làm thêm gắn liền với mức lương tối thiểu. Nói một cách cụ thể, có nghĩa là mỗi lần tăng lương tối thiểu, giới hạn lương làm thêm cũng được điều chỉnh tăng lên.
-Vào năm 2024, giới hạn dự kiến sẽ tăng lên 538 Euro mỗi tháng.
-Vào năm 2025, sẽ tăng tiếp lên 556 Euro, với điều kiện khuyến nghị của Ủy ban tiền lương tối thiểu được thực hiện như đề xuất.
Khi đưa ra quyết định, Ủy ban lương Tối thiểu bị ràng buộc bởi nội quy của mình Geschäftsordnung. Nội quy quy định rằng mức lương tối thiểu phải theo kịp mức tăng tiền lương theo thương lượng hợp đồng lao động tập thể chung trong hai năm qua. Sự chênh lệch chỉ được phép nếu có lý do quan trọng và chỉ khi có đa số 2/3 thành viên Ủy ban thống nhất. Những lý do quan trọng có thể bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh hoặc tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Năm 2020, do cuộc khủng hoảng kinh tế bởi đại dịch Covid-19 gây ra, Ủy ban Lương tối thiểu gồm 9 thành viên đã thực hiện quyền của mình và đi chệch khỏi diễn biến mức lương chung. Trong năm 2018 và 2019, Tổng cục Thống kê Liên bang đã tính toán mức tăng lương theo các hợp đồng tập thể là 5,3% . Theo chỉ số tăng lương trong hợp đồng tập thể, Ủy ban lẽ ra nên khuyến nghị tăng 50 xu từ 9,35 Euro lên 9,85 Euro vào năm 2020. Tuy nhiên, các thành viên đã nhất trí về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu theo nhiều giai đoạn. Cụ thể, Ủy ban khuyến nghị Chính phủ Liên bang tăng mức lương tối thiểu từ 9,35 Euro lên 9,50 Euro vào đầu năm 2020/2021 . Tính đến ngày 01.07. 2021 là 9,60 Euro và một lần nữa vào đầu năm 2022 là 9,82 Euro. Bước cuối cùng được đề xuất là tăng lên 10,45 Euro vào giữa năm 2022. Chính phủ Liên bang đã thực hiện theo đề xuất này.
Ủy ban bao gồm một chủ tịch và sáu thành viên có quyền biểu quyết và hai thành viên cố vấn không có quyền biểu quyết. Các thành viên có quyền bỏ phiếu bao gồm, 3 đại diện cho mỗi bên người lao động và chủ lao động. Ủy ban được bổ nhiệm 5 năm một lần. Khi bổ nhiệm, Chính phủ Liên bang tuân theo các khuyến nghị của các hiệp hội hàng đầu của người sử dụng lao động và người lao động. Cơ cấu hiện nay bao gồm:
-Chủ tịch: Christiane Schönefeld.
-Đại diện công đoàn người lao động: Andrea Kocsis, Robert Feiger, Stefan Körzell.
-Đại diện chủ sử dụng lao động: Brigitte Faust, Steffen Kampeter, Karl-Sebastian Schulte.
-Thành viên khoa học: Lars Feld, Tom Krebs.
Về nguyên tắc, mức lương tối thiểu theo luật định áp dụng cho tất cả người lao động trên 18 tuổi, như người nghỉ hưu, người làm thêm, lao động nước ngoài, người lao động thời vụ, lao động nước ngoài được cử đến Đức và sinh viên tuổi trưởng thành (ở Đức có cả sinh viên nhí vừa học phổ thông vừa học một phần đại học dưới tuổi trưởng thành không thuộc điều chỉnh của Luật này). Tuy nhiên, Đạo luật về mức lương tối thiểu (MiLoG) cũng quy định các trường hợp ngoại lệ, sau đây:
-Học sinh học nghề, kể từ ngày 01.01.2020 thuộc diện hưởng thù lao học nghề tối thiểu Mindestausbildungsvergütung.
-Tình nguyện viên ehrenamtlich Tätige.
-Thanh niên dưới 18 tuổi chưa học xong nghề.
-Thất nghiệp dài hạn trong 6 tháng đầu làm việc.
-Người tự kinh doanh.
-Người làm việc nhà theo Đạo luật Công việc nhà Heimarbeiter nach dem Heimarbeitsgesetz.
-Thực tập sinh bắt buộc ein verpflichtendes Praktikum.
-Người đã hoàn thành chương trình thực tập bắt buộc (theo luật nhà trường, luật đại học, quy chế đào tạo, học viện nghề được pháp luật quy định).
-Những người thực tập tự nguyện tối đa ba tháng (có thể bổ sung các khoảng thời gian gián đoạn như nghỉ phép hoặc ốm đau) để định hướng học nghề hoặc bắt đầu một khóa học bổ sung cho đào tạo nghề hoặc đại học, nếu trước đây họ chưa từng thực hiện điều đó.
-Những người thuộc diện học hàm thụ, tại chức (theo Điều § 54a SGB III) hoặc chuẩn bị cho đào tạo nghề theo Đạo luật dạy nghề.
-Những người tham gia vào chương trình hỗ trợ tìm việc.
-Những người khuyết tật làm việc theo thỏa thuận tương tự như hợp đồng lao động.
Việc đưa ra mức lương tối thiểu theo luật định đã mang lại mức lương cao hơn cho nhiều người lao động ở Đức, hầu như không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đến thị trường lao động. Đây là kết quả của một số nghiên cứu do Ủy ban tiền lương tối thiểu ủy quyền. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bất bình đẳng về tiền lương đã giảm kể từ khi áp dụng mức lương tối thiểu.
Sau khi áp dụng mức lương tối thiểu, những tác động tiêu cực đến lao động ở các công ty bị ảnh hưởng không đáng kể. Điểm mấu chốt là các nhà khoa học đã báo cáo có sự sụt giảm chỉ khoảng 76.000 việc làm do quy định mức lương tối thiểu gây ra, tính đến năm 2020. Tuy nhiên, sau đó không có tác động tiêu cực nào nữa với việc tăng lương tối thiểu.
12 Euro/giờ là mức lương tối thiểu theo luật định kể từ tháng 10.2022. 12,41 Euro/giờ, tính từ ngày 01.01.2024. Thấp hơn Luật Lương tối thiểu không cho phép. Tuy nhiên, điều được phép là người sử dụng lao động có thể trả cho người lao động mức lương tối thiểu thấp hơn, đồng thời để bảo đảm bảo không vi phạm Luật Lương tối thiểu, có thể bằng cách trả bổ sung dưới các hình thức khác.
Sau một thời gian dài không rõ những khoản thù lao nào có thể được tính vào mức lương tối thiểu theo luật định, những khoản nào không, Tòa án Lao động Liên bang (BAG) và Tòa án Công lý Châu Âu (EuGH) hiện đã đưa ra quy định rõ ràng hơn.
Những khoản tiền trả cho người lao động không được coi nằm trong tiền lương tối thiểu theo luật định
Đó là các khoản thanh toán mà người sử dụng lao động thực hiện mà không tính đến hiệu suất làm việc thực tế của nhân viên hoặc dựa trên mục đích pháp lý đặc biệt, thì không được coi nằm trong mức lương tối thiểu. Chẳng hạn tiền bổ sung cho công việc ban đêm, tiền lương đóng góp vào chế độ lương hưu của công ty...
Những khoản tiền được coi nằm trong quy định lương tối thiểu
-Các khoản phụ phí và bổ sung, việc thanh toán chúng đòi hỏi ít nhất một trong các khía cạnh sau: Làm việc vào những thời điểm đặc biệt (ví dụ: làm thêm giờ, làm việc vào Chủ nhật, ngày lễ), hoặc làm việc trong điều kiện khó khăn hoặc nguy hiểm (ví dụ: bẩn hoặc nguy hiểm), hoặc làm nhiều việc hơn trên mỗi đơn vị thời gian (ví dụ: tiền thưởng theo sản phẩm), Kết quả công việc có chất lượng trên mức trung bình (ví dụ: tiền thưởng chất lượng).
-Các khoản thanh toán một lần, chẳng hạn như tiền thưởng Giáng sinh hoặc tiền nghỉ lễ bổ sung, nếu những khoản này không thể hủy ngang, và được trả trong thời gian hưởng lương tối thiểu.
-Các khoản phụ phí và phụ cấp chỉ trả cho công việc thường xuyên và dài hạn theo hợp đồng (ví dụ: phụ cấp xây dựng trong ngành xây dựng).
- Thỏa thuận về trả lương theo sản phẩm hoặc tiền lương tính theo tháng được cho phép nếu đảm bảo đạt được mức lương tối thiểu cho số giờ làm việc thực tế trong kỳ thanh toán.
Việc tuân thủ Luật Lương tối thiểu MiLoG đi kèm với các yêu cầu nghiêm ngặt về tài liệu đối với các công ty , đặc biệt đối với chủ lao động, tuyển dụng lao động, làm thêm hoặc kinh doanh trong các lĩnh vực quy định tại Điều §2a Luật chống lao động lậu SchwarzArbG:
-Ngành xây dựng.
-Ngành nhà hàng và khách sạn.
-Ngành vận tải hành khách.
-Ngành giao thông vận tải hàng hóa.
-Nghề hội chợ.
-Công ty lâm nghiệp.
-Ngành vệ sinh nhà cửa.
-Các công ty tham gia xây dựng, tháo dỡ hội chợ, triển lãm thương mại.
-Ngành công nghiệp thịt.
-Kinh doanh mại dâm.
- Ngành bảo vệ.
Trách nhiệm ghi chép
Theo Điều §17 Luật Lương tối thiểu MiLoG, người sử dụng lao động có liên quan phải ghi chép lại kịp thời thời điểm bắt đầu, kết thúc và thời lượng giờ làm việc hàng ngày của tất cả nhân viên. Hồ sơ phải đầy đủ và được lưu giữ ít nhất hai năm chậm nhất là vào cuối ngày thứ bảy sau ngày thực hiện công việc.
Hình thức mà người sử dụng lao động ghi lại giờ làm việc, luật không quy định. Về nguyên tắc, chủ lao động cũng được phép hướng dẫn nhân viên ghi lại giờ làm việc một cách độc lập. Hồ sơ phải đảm bảo thông tin đầy đủ và chính xác.
Trách nhiệm ghi chép hồ sơ được miễn áp dụng nếu nhân viên nhận được tổng mức lương hàng tháng ổn định, đều đặn trên 4.176 Euro. Đối với những nhân viên mức lương trên 2.784 Euro và đã nhận mức lương này như một mức lương ổn định từ cùng một chủ lao động trong 12 tháng qua, giờ làm việc cũng không cần phải ghi lại. Điều tương tự cũng áp dụng đối với vợ/chồng, bạn đời đã đăng ký ở chung cũng như con cái và cha mẹ của người sử dụng lao động làm việc trong một công ty hoạt động trong ngành được quy định tại Điều §2a SchwarzArbG.
Lưu ý: Trách nhiệm của chủ lao động kinh doanh trên lĩnh vực chuyển giao lao động
Các doanh nghiệp cấp lao động chuyển giao (tổng thầu) cho các công ty khác, phải chịu trách nhiệm về mức lương tối thiểu giống như một người bảo lãnh chịu trách nhiệm trực tiếp. Điều §13 MiLoG và Điều § 14 Luật Chuyển giao lao động AEntG quy định trách nhiệm của tổng thầu đối với các hành vi vi phạm mức lương tối thiểu của các doanh nghiệp nhận lao động chuyển giao (khách hàng nhận lao động chuyển giao).
Trách nhiệm pháp lý của khách hàng được áp dụng bất kể lỗi nào, tức là ngay cả khi khách hàng không trả đúng mức lương tối thiểu do sơ suất hoặc không đủ khả năng. Điều vi phạm này có thể dẫn đến các vụ kiện dân sự của người lao động đòi phải trả đúng lương tối thiểu. Họ có thể liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp chuyển giao lao động để yêu cầu mức lương tối thiểu mà không cần phải thực hiện hành động pháp lý đối với chủ sử dụng lao động.
Với một số trường hợp ngoại lệ được quy định trong Đạo luật Lương tối thiểu (MiLoG) nêu ở trên, mức lương tối thiểu theo luật định áp dụng cho tất cả lao động trưởng thành ở Đức. Trên thực tế, vào năm 2018, có tới 3,8 triệu nhân viên nhận được mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu, vào thời điểm đó là 8,84 Euro mỗi giờ.
Chủ lao động thường sử dụng thủ thuật lách luật theo nhiều cách khác nhau
Ví dụ: Thời gian chuẩn bị công việc không được trả lương, hoặc chi phí đồ dùng phục vụ cho công việc khấu trừ vào tiền lương. Làm thêm giờ không được trả lương và ngay cả khi lao động làm việc đó một cách tự nguyện.
Trách nhiệm của hải quan phát hiện những vi phạm đó
Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra bằng cách sử dụng phương pháp kiểm tra theo định hướng rủi ro. Biện pháp “kiểm tra lao động lậu Schwarzarbeit” cho phép cơ quan chức năng vào khu vực kinh doanh của người sử dụng lao động, ghi lại thông tin cá nhân và thực hiện các cuộc kiểm tra cá nhân đối với người lao động. Người sử dụng lao động không chỉ phải chấp nhận kiểm tra mà còn phải tích cực hợp tác. Ví dụ, hải quan có thể yêu cầu cung cấp các tài liệu kinh doanh như hợp đồng lao động, phiếu lương, bảng chấm công, lịch làm việc hoặc văn bản thỏa thuận về tài khoản thời gian làm việc.
Nếu bị Cơ quan kiểm soát tài chính đối với lao động lậu (FKS) hoặc trong quá trình kiểm tra thuế Betriebsprüfung, phát hiện lao động lậu, công ty sẽ phải chịu mức phạt lên tới 500.000 Euro. Vi phạm trách nhiệm lưu giữ hồ sơ tiền lương tối thiểu phát hiện được trong quá trình kiểm tra, chẳng hạn như không ghi lại giờ làm việc, có thể bị phạt tới 30.000 Euro. Các doanh nghiệp bị phạt ít nhất 2.500 Euro cũng có thể bị loại khỏi quy trình đấu thầu các hợp đồng mua sắm công, trong vòng từ ba đến năm năm với điều kiện hành vi vi phạm được lưu giữ trong sổ đăng ký kinh doanh Gewerbezentralregister.
Một rủi ro tài chính khác: Người lao động có quyền đòi chủ lao động bồi thường khi vi phạm luật tiền lương tối thiểu có hiệu lực tối đa ba năm. Bất kể người lao động có khởi kiện hay không, người sử dụng lao động bị kết án trong mọi trường hợp đều phải đóng thêm tiền bảo hiểm cho công ty bảo hiểm xã hội tính trên số tiền lương chưa trả đủ mức lương tối thiểu, cả phần đóng góp của chủ lao động lẫn của người lao động.
Tùy thuộc vào từng trường hợp, có thể bị phạt tới 500.000 euro hoặc thậm chí phạt tù lên đến mười năm. Tuy nhiên, trên thực tế, tiền phạt thường không cao như trong luật định. Ngoài tiền phạt hoặc phạt tù, yêu cầu truy thu hoặc trách nhiệm pháp lý có thể phát sinh. Ví dụ, liên quan đến trách nhiệm của người sử dụng lao động hoặc người chuyển giao lao động đối với chi phí trục xuất của người nước ngoài làm việc bất hợp pháp. Hoặc trong trường hợp tổ chức bảo hiểm tai nạn yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với người sử dụng lao động trong trường hợp tai nạn liên quan đến người lao động không khai báo. Yêu cầu truy đòi mở rộng hoặc yêu cầu trách nhiệm pháp lý cũng có thể phát sinh, ví dụ, trong quá trình công ty chuyển giao lao động chịu trách nhiệm về các khoản đóng góp an sinh xã hội. Dưới đây là một vài ví dụ về các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra do làm việc không khai báo và làm việc bất hợp pháp cũng như các biện pháp trừng phạt tương ứng:
-Không đăng ký bảo hiểm xã hội cho nhân viên: Phạt tiền lên tới 25.000 euro.
-Giữ lại các khoản đóng góp an sinh xã hội (phần đóng góp của người sử dụng lao động). Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp, phạt tiền hoặc phạt tù lên đến mười năm.
-Kinh doanh bất hợp pháp liên quan đến việc cung cấp dịch vụ hoặc làm việc trên quy mô đáng kể. Phạt tiền lên tới 50.000 euro.
-Hành nghề trái phép liên quan đến việc cung cấp dịch vụ hoặc công việc ở một mức độ đáng kể. Phạt tiền lên tới 50.000 euro.
-Ủy quyền sử dụng lao động không khai báo: Phạt tiền lên đến 50.000 euro.
-Trốn thuế liên quan tới lao động, do cẩu thả: Phạt tiền lên đến 50.000 euro.
-Trốn thuế liên quan tới lao động, có chủ đích: Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp, phạt tiền hoặc phạt tù lên đến mười năm
Các cơ quan chức năng khác nhau có trách nhiệm kiểm tra các dạng lao động lậu khác nhau:
-Đầu tiên và quan trọng nhất là Cơ quan kiểm soát tài chính đối với lao động lậu FKS. Thẩm quyền cơ quan này đã được mở rộng bằng cách sửa đổi Luật chống lao động lậu SchwarzArbG vào năm 2019. Trong quá trình kiểm soát, FKS kiểm tra xem các trách nhiệm chiểu theo luật an sinh xã hội có được đáp ứng hay không. Ngoài ra, FKS còn điều tra các hình thức lao động bất hợp pháp điển hình thường đi đôi với công việc không khai báo, chẳng hạn như đăng kí tự hành nghề nhưng lại đi làm thuê nên không khai báo lao động, hay vi phạm Luật cư trú, vi phạm đạo luật chuyển giao lao động, cũng như vi phạm luật lương tối thiểu.
-Là một phần thuộc chức năng kiểm tra bảo hiểm lao động ở các doanh nghiệp, các hãng bảo hiểm hưu trí kiểm tra xem các khoản đóng góp an sinh xã hội đã được thanh toán chính xác hay chưa và liệu trách nhiệm đăng kí lao động theo luật an sinh xã hội đã được đáp ứng hay không.
-Các cơ quan thuế khu vực có trách nhiệm điều tra các hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Trong nhiều trường hợp, ngoài kiểm tra thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng, thuế kinh doanh, thuế lương, trong nhiều trường hợp họ còn chịu trách nhiệm truy thu thuế.
-Các hành vi phạm tội theo luật thương mại và thủ công, chẳng hạn như thực hiện giao dịch mà không có đăng ký kinh doanh hoặc thực hành nghề thủ công mà không đăng ký trong sổ đăng ký thợ thủ công, bị trừng phạt bởi các cơ quan có thẩm quyền theo luật tiểu bang liên bang tương ứng, tức là bởi các cơ quan hành chính khu vực hoặc thành phố, quận...
-Hải quan được hỗ trợ bởi nhiều cơ quan chức năng khác, chẳng hạn như cơ quan thuế, Cơ quan Lao động, văn phòng phúc lợi gia đình. Các cơ quan trên có trách nhiệm trao đổi thông tin cho Hải quan khi nhận thất bất kỳ ngờ vực nào.
Tùy thuộc cơ quan có chức năng kiểm tra lao động. FKS thực hiện kiểm tra theo cách định hướng rủi ro trên cơ sở thông tin từ các cơ quan chức năng khác hoặc công dân tố cáo phản ảnh, cũng có thể kiểm tra không báo trước hoặc kiểm tra xác suất. Với việc sửa đổi Luật chống lao động lậu năm 2019 SchwarzArbG 2019, Cơ quan Kiểm tra tài chính lao động lậu FKS cũng có thể kiểm tra và phạt lao động trên Internet không khai báo. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra người nộp thuế một cách thường xuyên. Các tổ chức bảo hiểm hưu trí kiểm tra người sử dụng lao động xem họ có thực hiện đúng trách nhiệm đóng bảo hiểm an sinh xã hội cho lao động hay không. Đặc biệt, họ kiểm tra tính chính xác của các khai báo đóng bảo hiểm xã hội ít nhất bốn năm một lần.
Tòa án Tài chínhLiên bang Đức (BRH) đã cảnh báo các vấn đề trong cuộc chiến chống lại lao động lậu và việc làm bất hợp pháp trong nhiều năm. Vào năm 2020, BRH đã chỉ trích thực tế là FKS thường chỉ thực hiện "kiểm tra theo nguyên tắc suy đoán vô tội" để đạt được số lượng lớn các cuộc kiểm tra được thực hiện nhanh, nhưng không chính xác. Các vấn đề hiện nay, chẳng hạn như thiếu nhân sự kiểm tra, đã được BRH chỉ ra cho Bộ Tài chính Liên bang trong nhiều năm.
Trong những năm gần đây, đã có nhiều báo cáo phương tiện truyền thông lặp đi lặp lại rằng nhiều vị trí tại FKS thiếu cán bộ nhân viên. Ví dụ, vào cuối tháng 03.2020, khoảng 1.000 nhân sự tại FKS đã không tuyển được nhân viên. Đáp lại một cuộc điều tra nhỏ của các thành viên khác nhau của Bundestag và nhóm nghị sĩ Đảng cánh tả về chủ đề kiểm soát tiền lương tối thiểu ở các tiểu bang, Chính phủ Liên bang đã trả lời vào tháng Ba này rằng: Sẽ có một kế hoạch tăng cường nhân sự cho cơ quan hải quan. Từ năm 2022 đến năm 2025, sẽ có sự gia tăng tổng cộng 4.437 nhân viên. FKS có vị trí tốt cho cuộc chiến hiệu quả chống lại công việc không khai báo và việc làm bất hợp pháp, bao gồm cả việc kiểm soát và trừng phạt các vi phạm liên quan đến việc tuân thủ mức lương tối thiểu theo luật định.
Đức Việt Online
Hỏa hoạn lớn bùng phát tại trung tâm mua sắm Marywilska tại thủ đô Warsaw vào rạng sáng 12.05.2024 thiêu rụi hàng trăm gian hàng. Bao người Việt kinh doanh ở đây bất lực nhìn tài sản bỗng chốc tan thành mây khói.
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá