EU: Tăng mạnh nhập khẩu LNG; Thịt nhân tạo 'chìm nổi'; Giá điện tăng cao ở Pháp; 'Sát thủ thầm lặng'; Thêm nơi thiên hữu

Châu Âu bất ngờ tăng mạnh nhập khẩu LNG nhằm mục đích gì?

Tại châu Âu, hoạt động nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang gia tăng đáng kể, với mức tăng đến những 76% so với tháng trước.

Khối lượng nhập khẩu khác nhau tùy khu vực cho thấy có sự phân bố đa dạng về mặt địa lý, dẫn đầu là Pháp (1,66 triệu tấn), theo sát là Tây Ban Nha (1,04 triệu tấn) và Vương quốc Anh (970.000 tấn). Những quốc gia khác như Hà Lan, Ý, Bỉ, Thụy Điển, Ba Lan, Đức, Bồ Đào Nha, Litva, Malta, Croatia, Hy Lạp và Phần Lan cũng đóng góp vào những con số ấn tượng này.

Những nhà cung cấp LNG chính cho châu Âu

Nguồn gốc của LNG cũng là một điểm đáng chú ý. Mỹ là nhà cung cấp chính cho châu Âu, chiếm hơn 52% tổng sản lượng nhập khẩu vào châu Âu. Bất chấp đang xảy ra căng thẳng địa chính trị và bị áp đặt trừng phạt, Nga vẫn cung cấp cho châu Âu tầm 13% LNG, còn Algeria đóng góp 11%.

Ảnh hưởng của khí hậu đối với nhu cầu LNG

Một động lực khác thúc đẩy nhập khẩu LNG: Kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng mạnh trước dự báo nhiệt độ giảm. Tuy nhiên, nhiệt độ hiện nay vẫn còn tương đối ấm, giúp kìm hãm giá khí đốt.

Tình hình lưu trữ khí đốt ở EU và những thách thức hậu cần

Một khía cạnh quan trọng khác là tình hình lưu trữ khí đốt ở EU. Hiện nay, tính đến ngày 18/11, trữ lượng vẫn ở mức 98,94% tổng sức chứa. Nguồn dự trữ tương đối dồi dào này tạo nên một phần cảm giác an toàn. Mặt khác, các nguồn tin thương mại cho biết, tình hình ở Kênh đào Panama làm lịch trình giao hàng bị chậm trễ, dẫn đến tình trạng chuyển hướng khối lượng hàng hóa của Mỹ từ châu Á sang châu Âu.

Theo ông Andres Rojas và ông Theo Kassuga – hai nhà nghiên cứu và phân tích về tình hình LNG toàn cầu tại S&P Global Commodity Insights, dòng chảy thương mại LNG đã ghi nhận nhiều thay đổi đáng kể trong hai năm qua, làm giảm đi nỗi lo âu về tình trạng tắc nghẽn ở Kênh đào Panama. Châu Âu, vì muốn tìm cách bù đắp thâm hụt nguồn cung, đã tăng cường cạnh tranh mua hàng với thị trường Đông Bắc Á và thu hút phần lớn khối lượng LNG của Mỹ.

Diễn biến gần đây của thị trường LNG châu Âu cũng cho thấy, châu Âu đang ngày một phụ thuộc hơn vào nhập khẩu, nhất là từ Mỹ, trong bối cảnh xảy ra căng thẳng địa chính trị và khí hậu đang thay đổi.

Số phận "chìm nổi" của thịt nhân tạo ở châu Âu

Italy trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấm sản xuất, bán và nhập khẩu thịt nhân tạo, loại thịt sản xuất bằng cách nuôi cấy tế bào động vật trong phòng thí nghiệm thay vì việc giết mổ động vật.

Lệnh cấm nói trên cũng bao gồm việc sử dụng các từ đề cập đến các sản phẩm thịt truyền thống, như "xúc xích Italy" hay "bít-tết", để tiếp thị các sản phẩm thay thế thịt làm từ thực vật.

Quốc hội Italy đã thông qua lệnh cấm nói trên sau nhiều tháng tranh luận. Những đối tượng vi phạm lệnh cấm có thể bị phạt lên tới 60.000 euro (gần 66.000 USD).

Lệnh cấm của Italy được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia khác, trong đó có Đức và Tây Ban Nha, đang đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu để cải thiện quy trình sản xuất thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng nên sản xuất thịt nhân tạo vì tính bền vững, do hoạt động này có tác động tới môi trường thấp hơn so với sản xuất thịt có nguồn gốc động vật.

Ngoài ra, thịt nhân tạo cũng có thể tốt hơn đối với sức khỏe người tiêu dùng, do thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm không cần sử dụng hormone tăng trưởng và các loại thuốc kháng sinh, đồng thời có thể có giá thấp hơn so với thịt có nguồn gốc truyền thống.
Bộ trưởng Nông nghiệp Italy Francesco Lollobrigida nhấn mạnh quyết định trên của chính phủ nhằm mục đích bảo vệ truyền thống ẩm thực và thị trường việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp của nước này.

Ông khẳng định Italy là quốc gia đầu tiên trên thế giới được an toàn trước những rủi ro kinh tế và xã hội của thực phẩm tổng hợp.

Người dân Pháp cố gắng không bị "chìm" trong giá điện tăng cao

Báo chí Pháp và châu Âu liên tục nhắc đến những quyết tâm trong việc đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm vào năm 2050.

Tuy nhiên, có một sự thay đổi khác sát sườn, ngay lập tức mà người Pháp và báo chí Pháp cũng quan tâm, đó là việc giá điện tại Pháp tăng.

Giá điện tăng kéo theo áp lực lạm phát. Một mùa đông tiết kiệm sắp tới chắc chắn sẽ đến trong nhiều ngôi nhà của người dân Pháp.

Ngày 22/11, trang web Tất cả về châu Âu đã ngay lập tức đưa thông tin và bảng so sánh về giá điện trên toàn lục địa già, có lẽ để giảm bớt nỗi lo lắng của người Pháp. Theo bảng so sánh này, Pháp vẫn còn là nước có giá tiền điện thấp hơn Hà Lan, Bỉ, Đức và Italy, đang ở mức khoảng từ 42 - 45 xu/kWh. Tuy vậy, tính từ năm 2019, giá điện ở châu Âu tăng hơn 40% và Pháp không phải nước có giá điện thấp như một số nước trong lục địa là Bulgaria, Hungary hay Croatia, giá chỉ khoảng hơn 10 xu/kWh. Trung bình hóa đơn tiền điện của người Pháp tăng 20% và ở mức giá 22 xu/kWh.

Trang Tin tức nước Pháp đưa thông tin về thỏa thuận của Chính phủ Pháp với Cơ quan Điện lực Pháp sau nhiều tháng thảo căng thẳng. Giá điện sẽ được duy trì ở mức giá tham khảo nhằm duy trì sự ổn định cho điện dân dụng. Trang tin cũng trích dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp Bruno Le Maire rằng "trên thực tế, hai năm qua, giá (điện) đã tăng 80, 90, 100 và 110%. Người tiêu dùng không nhìn thấy điều đó vì chính phủ đã đưa ra rào chắn về giá điện. Và điều này đã tiêu tốn của Chính phủ Pháp 40 tỉ Euro. Tuy nhiên, việc này không thể duy trì vĩnh viễn.

Tờ báo cũng trích dẫn một phát biểu khác của Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp rằng để bảo vệ môi trường, thế giới đang chuyển đổi sang điện khí hóa, ai đưa ra giá điện cạnh tranh sẽ là người chiến thắng trong nền kinh tế toàn cầu của thế kỷ.

Cho đến lúc này, túi tiền của người dân Pháp sẽ bị "lẹm" thêm một phần nữa cho điện

Tờ Người Paris sau khi đưa tin về thỏa thuận trên đã đặt ra câu hỏi, Chính phủ Pháp sẽ làm gì tiếp theo vào năm 2024 để giữ được sự bình ổn cho năng lượng điện và không biến việc tăng giá điện này trở thành một thuộc tính có tính chu kỳ bởi người người thiệt hại luôn là công dân Pháp.

"Sát thủ thầm lặng" tại châu Âu

Không khí ô nhiễm đã làm chết hơn 500.000 người ở Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2021 và khoảng một nửa số ca tử vong này có thể tránh được bằng cách giảm ô nhiễm xuống mức giới hạn như khuyến nghị của các bác sĩ.

Đó là thông tin được các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) đưa ra hôm 24-11.

Theo nghiên cứu, 253.000 ca tử vong sớm là do nồng độ bụi mịn PM2.5 cao hơn giới hạn tối đa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị. Ngoài ra, hơn 52.000 trường hợp tử vong là do nồng độ nitơ dioxide quá cao và 22.000 trường hợp tử vong do tiếp xúc ngắn hạn với nồng độ ozone cực cao.

Ông Virginijus Sinkevičius, Ủy viên Môi trường của EU, cho rằng những số liệu nói trên tiếp tục là lời nhắc nhở rằng ô nhiễm không khí vẫn là vấn đề sức khỏe môi trường hàng đầu ở EU.

Trong giai đoạn 2005-2021, số ca tử vong do bụi mịn PM2.5 ở EU đã giảm 41% và EU đặt mục tiêu con số này giảm 55% vào cuối thập kỷ này. Ông Sinkevičius cho rằng chất lượng không khí đang cải thiện nhưng EU vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề ô nhiễm.

Việc đốt nhiên liệu hóa thạch, lái xe và chăn nuôi gia súc thải ra một lượng lớn khí độc và các hạt bụi có hại mà con người hít thở. Những hạt bụi mịn có kích thước nhỏ nhất trong số này, gọi là PM2.5, có thể đi vào máu, nơi chúng lây lan khắp cơ thể và làm tổn thương các cơ quan từ não đến sinh sản.

Bà Leena Ylä-Mononen, Giám đốc điều hành của EEA, cho biết: "Thông tin tích cực là các cơ quan chức năng ở cấp châu Âu, quốc gia và địa phương đang hành động để giảm lượng khí thải thông qua các biện pháp như thúc đẩy giao thông công cộng hoặc đi xe đạp trong trung tâm thành phố và thông qua chỉnh sửa luật về ô nhiễm môi trường".

Châu Âu thêm nơi thiên hữu

Kết quả cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn vừa rồi ở Hà Lan thực sự là cơn địa chấn chính trị lớn ở nước này và cả châu Âu.

Đảng cực hữu và dân túy của chính trị gia Geert Wilders không những chỉ trở thành đảng phái chính trị lớn nhất trong quốc hội mới mà còn tăng được hơn gấp đôi số ghế dân biểu so với lần bầu cử trước đó vào năm 2021.

Chính trường Hà Lan đã thiên về phía hữu và cực hữu rất rõ ràng, và sự thiên hữu ở nước này góp phần củng cố xu hướng chuyển biến về cánh hữu và cực hữu đang diễn ra ở châu Âu. Ông Wilders có quan điểm bị đánh giá là cực đoan và dân túy như phi Hồi giáo hóa Hà Lan, đóng cửa các nhà nguyện và nhà thờ Hồi giáo, không tiếp nhận người nước ngoài di cư và tị nạn, đưa Hà Lan ra khỏi EU...

Đảng chính trị của ông chỉ có đảng viên duy nhất cũng chính là ông Wilders. Qua đó có thể thấy cử tri Hà Lan trong cuộc bầu cử vừa rồi chọn người lãnh đạo trước khi chọn đảng phái chính trị. Nỗi lo ngại về tương lai và sự sợ hãi về những bất định trong tương lai đã chi phối quyết định bỏ phiếu của cử tri. Tâm trạng bi quan và hoang mang này là mảnh đất màu mỡ cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy và xu thế cực đoan hóa chính trường và xã hội ở nhiều nước châu Âu hiện nay.

Hà Lan từ nhiều năm nay đã trở thành một phòng thí nghiệm về chính trị quyền lực ở châu Âu. Kết quả cuộc bầu cử quốc hội vừa qua ở Hà Lan vì thế nhiều khả năng sẽ trở thành kịch bản bầu cử diễn ra ở nhiều nơi khác trên châu lục này. Ông Wilders được dự báo thắng cử nhưng không dễ lên cầm quyền, bởi việc thành lập chính phủ mới rất khó khăn và mất nhiều thời gian đến nay đã trở thành truyền thống chính trị ở Hà Lan.

Nguồn: Năng Lượng Quốc Tế; Bnews; CafeF; Kenh14; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang