Chính sách tị nạn của EU trước tình trạng nhập cư lậu ồ ạt: Kiểm soát biên giới; Bùng nổ vượt biên; Những lí do; Vũ khí của Nga

Vẫn chưa thể biết trước được làn sóng người tị nạn do chiến tranh ở Israel, nhưng dòng di cư đang trở thành tâm điểm của các chính phủ Đông và Trung Âu vì những lý do khác nhau. Một tình huống hiện đang trở nên nghiêm trọng ở đó gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng di cư 8 năm trước năm 2015.

Tranh cãi biện pháp kiểm soát biên giới

Hiện sau khi Đức công bố các biện pháp kiểm soát tạm thời ở biên giới với Ba Lan và Cộng hòa Séc vào tháng 9, Áo, Ba Lan và Cộng hòa Séc cũng đang làm theo.

Kể từ thứ Năm, Slovakia cũng đã tiến hành kiểm tra bất thường ở biên giới với Hungary. Điều này đã tiến hành từ năm 2015. Tuy nhiên, hiện nay đang gây phản ứng dây chuyền.

Thủ tướng Slovakia Ludovit Odor, người đứng đầu nội các chuyển tiếp, đã chỉ trích gay gắt biện pháp này. Ông nói, việc kiểm soát gây ra chi phí cao cho các bên và lợi ích mang lại rất đáng ngờ, khi hàng trăm km biên giới tự do không thể được kiểm soát hoàn toàn. Cần có một giải pháp cấp Âu châu.

Thực tế là thỏa thuận về cơ chế khủng hoảng trong hiệp ước di cư của EU vào tuần trước đã được thực hiện, nhưng hầu như không xoa dịu được tình hình chính trị ở Đông Trung Âu.

Bất đồng quan điểm

Điều đáng chú ý là tất cả các tiếng nói bất đồng đều đến từ khu vực: Áo, Cộng hòa Séc và Slovakia bỏ phiếu trắng, Ba Lan và Hungary phản đối bất kỳ cơ chế phân chia số người tị nạn bắt buộc nào cho các quốc gia thành viên, ngay cả khi một quốc gia có thể tránh chấp nhận người xin tị nạn thông qua thanh toán bằng tiền mặt. Theo Thủ tướng Hungari Viktor Orban, hai nước đã bị “bắt buộc hợp pháp” bởi quyết định của EU.

Bùng nổ vượt biên

Hiện chỉ một phần số lượng các cuộc vượt biên bất hợp pháp gây ra căng thẳng khiến chính quyền phải phản ứng. Năm 2015, hơn một triệu người di cư đã đến châu Âu, và vào năm 2023, có gần 200.000 người trong 8 tháng đầu tiên, chủ yếu qua Địa Trung Hải. Ngoài ra, có hàng triệu người tị nạn Ukraine đã tràn vào Liên minh châu Âu kể từ khi Nga xâm lược vào tháng 02.2022.

Sự gia tăng đột ngột trong những tuần gần đây trên tuyến đường Tây Balkan và qua biên giới đất liền ở Đông Âu là điều đáng lo ngại. Trọng tâm chủ yếu tập trung vào Slovakia, quốc gia cho đến nay vẫn nằm ngoài các tuyến đường chính. Từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2023, chính quyền đã phát hiện 25.000 trường hợp vượt biên trái phép ở biên giới với Hungary, chủ yếu là người từ Syria và Afghanistan. Chỉ riêng trong tháng 9 có 15.000 người, nhiều hơn cả năm trước.

Mục tiêu để được cảnh sát bắt giữ

Biên giới với Hungary, phần lớn là nông thôn và chạy dọc theo sông, dài 655 km. Phương tiện truyền thông đưa tin về những cư dân sợ hãi, những ngôi làng xa xôi đột nhiên nhìn thấy hàng trăm người di cư đi qua họ.

Cho đến nay hầu như không có bất kỳ sự cố nào xảy ra. Mục tiêu của họ chỉ đơn giản là được cảnh sát giam giữ và đăng ký để họ có thể đến Đức cùng với giấy tờ. Họ hy vọng rằng sự hiện diện của họ ở khu vực Schengen sẽ được chính thức ghi nhận. Hungary hay Serbia dường như không thực hiện việc đăng ký như vậy.

Những lý do đằng sau sự gia tăng đột ngột nhập cư lậu

Chính phủ Hungary, thường đi đầu trong vấn đề di cư, đáng chú ý là đang giữ thái độ khiêm tốn. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều báo cáo về những nỗ lực bạo lực vượt biên giới từ Serbia. Chính quyền Đức cũng cho rằng, mạng lưới buôn người đang hoạt động ngày càng chuyên nghiệp và tàn nhẫn hơn.

Việc hàng rào biên giới của Hungari có những khoảng trống không phải là mới. Câu hỏi tế nhị hơn vẫn là liệu các quan chức ở biên giới bên ngoài EU chỉ đơn giản là bị quá tải trước cuộc tràn ngập nhập cư lậu hay đang cố gắngtìm hướng khác, vì tính toán chính trị hay thậm chí do tham nhũng.

Khi Hungary trả tự do cho hàng trăm kẻ buôn người vào tháng 5 vì lý do quá tải, đã vấp phải sự khó hiểu ngay cả các đối tác thân thiết của họ là Áo. Tại Slovakia, các chính trị gia từ nhiều đảng phái khác nhau cho rằng Budapest gần đây đã cố tình cho người di cư đi qua để hỗ trợ chiến dịch tranh cử cho đồng minh của Orban là Robert Fico.

Bằng chứng ý kiến trên chưa thuết phục. Nhưng cuộc bầu cử ở Slovakia và cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Ba Lan đã thúc đẩy tâm trạng trên. Tại Warsaw, triển vọng của đảng Cực hữu và Công lý (PiS) cầm quyền là không chắc chắn sau 8 năm nắm quyền, cũng vì vấn đề nhập cư. PiS tự nhận mình là người bảo vệ biên giới bên ngoài của Châu Âu, nhưng đang đối mặt với vấn đề tham nhũng mua bán thị thực. Mức độ của điều này vẫn chưa rõ ràng. Nhưng nó khiến đảng có vẻ cực kỳ bất lợi,

Nhập cư như một vũ khí địa chính trị của Nga đối với EU

Ba Lan gần đây đã xây một bức tường cao ở biên giới với Belarus vì nhà độc tài Alexander Lukashenko đã đưa hàng nghìn người di cư vào đất nước của ông vào năm 2021, bằng cách đưa họ đến biên giới. Warsaw coi đây là vũ khí trong một cuộc xung đột địa chính trị, một cuộc diễn tập chuẩn bị cho cuộc xâm lược Ukraine. Do đó, cảnh sát và quân đội đã không ngần ngại dùng bạo lực xua đuổi đẩy lùi người nhập cư.

Sự gia tăng các vụ vượt biên trái phép cũng qua tuyến đường này làm dấy lên nghi ngờ về tính hiệu quả của chính sách này. Cảnh sát Liên bang Đức gần đây cho biết 15.000 người di cư đã đi về phía Tây qua Ba Lan trong nửa đầu năm, 2/3 đến từ Belarus.

Có một số dấu hiệu cho thấy các cơ quan mật vụ có nhúng tay vào vấn đề trên. Rolf Mützenich, lãnh đạo nhóm nghị sĩ SPD, người trước đây được coi là thân thiện với Nga, cáo buộc Moscow cố tình chở người di cư từ Syria và đưa họ đến biên giới bên ngoài EU. Putin và Lukashenko muốn gây bất ổn cho nước Đức.

Những cáo buộc này rất khó xác minh, nhưng chúng phù hợp với những quan sát được người Ba Lan và vùng Balt đưa ra cách đây một tháng: Theo đó, nhiều người di cư bị bắt ở biên giới của họ đã có thị thực hoặc tem nhập cảnh của Nga.

Hầu hết đều đến từ các quốc gia bị chiến tranh tàn phá và có rất nhiều lý do để chạy trốn. Nhưng Nga đang lợi dụng sự tuyệt vọng của họ cho các mục tiêu địa chính trị của mình. Điều này làm cho diễn biến hiện tại của cuộc khủng hoảng di cư thậm chí còn trở nên khó lường hơn so với năm 2015.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang