Việt-Trung: Ngừng bay tới Trung Quốc; Hủy mua Thanh Long, nhập khẩu trang Việt

Hàng không Việt Nam đồng loạt ngừng bay tới Trung Quốc

Cụ thể, Vietjet Air cho biết có kế hoạch ngừng bay các đường bay tới Trung Quốc từ khá sớm. Các đường bay sẽ ngừng khai thác ngay từ ngày 1/2.

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thông báo sẽ tạm ngừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến từ ngày 4/2; giữa Việt Nam và Thành Đô từ ngày 5/2; giữa Việt Nam và Ma Cao từ ngày 6/2. Đối với các đường bay đi Hong Kong, hãng sẽ tạm ngừng khai thác đường bay Hà Nội - Hong Kong từ ngày 6/2 và giảm tần suất đường bay TP.HCM - Hong Kong từ 10 chuyến/tuần xuống 7 chuyến/tuần.

Các máy bay sau khi bay từ Trung Quốc về Việt Nam sẽ được hãng tiến hành khử trùng để phòng ngừa nguy cơ lây lan virus nCoV.

Ngoài ra, Jetstar Pacific cũng tạm ngừng khai thác đường bay Hà Nội - Hong Kong từ ngày 6/2, Hà Nội - Quảng Châu từ ngày 9/2 và TP.HCM - Quảng Châu từ ngày 11/2.

Hành khách có nhu cầu sẽ được Vietnam Airlines và Jetstar Pacific hoàn vé hoặc chuyển đổi miễn phí sang các chuyến bay sớm trước khi tạm ngừng khai thác. Tất cả hành khách, đặc biệt là công dân Việt Nam tại Trung Quốc có kế hoạch về nước cần chủ động sắp xếp lịch trình trở về trước hạn trên.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Cục Hàng không Việt Nam tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch của Trung Quốc).

Các hãng hàng không cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, y tế, kiểm dịch, cảng hàng không... tuân thủ các quy trình y tế, hàng không của WHO và các nhà chức trách, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, đảm bảo an toàn cho tổ bay và hành khách.

Cụ thể, trong khoảng thời gian duy trì các chuyến bay giữa hai nước, Vietnam Airlines đã thay đổi một số tiêu chuẩn dịch vụ như: hạn chế, không cung cấp những vật phẩm dùng nhiều lần như tạp chí, báo, tai nghe, chăn; phục vụ nước đóng chai thay cho đồ uống, hộp dùng một lần thay cho khay ăn; cung cấp dụng cụ ăn uống sử dụng một lần; phục vụ khăn dùng một lần thay cho khăn bông...

Trước đó, trong các ngày 24, 25, 26 và dự kiến ngày 27/1, Vietjet Air đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép bay 4 chuyến chở khách Trung Quốc quay về TP. Vũ Hán, trong đó có 2 chuyến bay từ Đà Nẵng và 2 chuyến từ Cam Ranh. Đây là các chuyến bay hỗ trợ hành khách quay trở lại Vũ Hán và không chở khách tới Việt Nam.

3 hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific đang khai thác 87 đường bay thường lệ và thuê chuyến từ 5 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc đến 54 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần.

Có 11 hãng hàng không Trung Quốc hiện cũng khai thác 32 đường bay từ 14 điểm từ nước này đến 5 điểm trên của Việt Nam với tần suất khai thác 240 chuyến/tuần.

Hiện bệnh viêm phổi cấp do virus corona đã lan ra toàn bộ 31 tỉnh, thành của Trung Quốc và ít nhất 19 nước khác trên thế giới, khiến 213 người chết, 9.480 ca nhiễm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan của dịch bệnh, nhiều hãng hàng không quốc tế đã quyết định ngừng khai thác các đường bay đến và đi từ các sân bay Trung Quốc.

Một số hãng hàng không đã hủy toàn bộ các chuyến bay tới cuối tháng 3. Bắc Kinh và Thượng Hải là các thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

British Airways là hãng đầu tiên công bố ngừng bay đến và đi từ Trung Quốc. Lufthansa, Swiss Air, Austria Airlines, Finnair, Air Canada, United Airlines, KLM Royal Dutch Airlines, American Airlines, Delta Air Lines, Lion Air, Air Seoul... là các hãng hàng không tiếp theo có động thái ngừng khai thác các chuyến bay tới các thành phố của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Hãng hàng không quốc gia Kazakhstan Air Astana cho biết sẽ ngừng các đường bay Trung Quốc từ 3/2 khi chính phủ nước này quyết định thắt chặt kiểm soát giao thông giữa hai nước.

Air Canada cho biết sẽ cắt giảm các chuyến bay tới Trung Quốc và khuyến cáo khách hàng nên thay đổi, hủy bỏ lịch trình đến Trung Quốc. Air France cũng tuyên bố trên website rằng hủy bỏ toàn bộ các chuyến bay đến và đi Trung Quốc đến 9/2.

Tại Việt Nam, trong Chỉ thị số 02/CT-BGTVT ngày 29/1, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch của Trung Quốc và ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch đến Việt Nam.

Trung Quốc hủy mua, nguy cơ ế hàng vạn tấn, nông dân lo sợ

Hủy mua 6.000 tấn thanh long ruột đỏ: Trao đổi với báo chí về tình hình giá thanh long tại các tỉnh miền Nam, đặc biệt là Long An, đang có dấu hiệu lao dốc do Trung Quốc đóng biên, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho biết, Trung Quốc đang kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vì lo ngại dịch bệnh viêm phổi do virus corona gây ra. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng cho cán bộ công nhân viên nghỉ đến hết Rằm tháng Giêng âm lịch (tức ngày 8/2 dương lịch).

Ông Toản cho rằng thực trạng này sẽ tác động mạnh đến hàng hóa nông sản của Việt Nam. Do hệ thống nhà hàng khách sạn của Trung Quốc giảm nhu cầu ăn uống nên sức mua giảm.

Trong khi đó, trung tâm giao dịch nông sản Giang Nam (Quảng Tây) - đầu mối trung chuyển hàng hóa lớn nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc - hiện nghỉ giao dịch đến hết ngày 8/2.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Doanh nghiệp Trung Quốc hủy mua 6.000 tấn thanh long vì dịch viêm phổi do virus corona).

Tương tự, việc giao dịch các cặp chợ biên giới - phương thức giao dịch phổ biến của Việt Nam từ trước đến nay với hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam cũng hạn chế đến hết ngày 8/2.

Vì vậy, một số doanh nghiệp Trung Quốc nhập hàng nông sản của Việt Nam bị ảnh hưởng.

“Đã có doanh nghiệp Trung Quốc chuyên cung ứng mặt hàng nông sản trái cây cho TP. Vũ Hán giảm mua, như Tập đoàn Hồng Thái Dương vốn là đơn vị nhập 40% lượng thanh long của tỉnh Long An nay đã hủy một số đơn hàng khoảng 300 container - tương đương khoảng 6.000 tấn - đã đặt trước đó”, ông Toản nói. Dù doanh nghiệp này đã hỗ trợ đền bù 50 triệu đồng/container nhưng theo ông Toản, so với giá trị vẫn chưa tương xứng.

Lo tiêu thụ 90.000 tấn sắp thu hoạch: Ông Toản cho biết, thanh long ruột đỏ là mặt hàng cung ứng chủ đạo cho thị trường Trung Quốc nhưng đang gặp khó khăn, tốc độ tiêu thụ hiện nay chậm. Tình hình này cũng đã được Bộ NN-PTNT dự báo từ trước.

Qua rà soát, từ nay đến hết rằm tháng Giêng âm lịch, tại tỉnh Long An sẽ có một đợt thu hoạch khoảng 21.600 tấn. Đợt tiếp theo từ ngày 8-28/2 thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đến đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn.

Song vấn đề đáng lo ngại là các cửa khẩu quốc tế quay lại làm việc từ mùng 3/2, hàng hóa vẫn thông quan được nhưng các chợ đầu mối giao thương chưa mở cửa trở lại. Đây là nút thắt do có sự chênh lệch về thời gian mở cửa.

Dự báo tình hình cung cục bộ của thanh long sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống kho lạnh của một số địa phương trọng điểm, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, công suất chưa lớn. Riêng Long An có 150 cơ sở sơ chế, đóng gói, nhưng kho lạnh chỉ giải quyết được khoảng 12.000 tấn, ông Toản cho hay.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Gần 90.000 tấn thanh long đến kỳ thu hoạch, dự báo sẽ khó tiêu thụ).

Trước mắt, Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản gửi các địa phương sản xuất trọng điểm để rà soát lại từng cơ cấu sản phẩm trái cây theo lịch thời vụ cụ thể. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực chế biến, tăng cường thu mua, chế biến, lưu kho.

Đầu tuần tới, Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với Bộ Công Thương, hệ thống các siêu thị để thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Trong đó, Bộ sẽ đề nghị Bộ Công Thương làm việc với hệ thống logistics để phát huy hết khả năng của hệ thống kho lạnh để chia sẻ khó khăn với bà con, gia tăng các giải pháp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn các cơ quan của Bộ, các Sở NN-PTNT địa phương bám sát tình hình tới từng huyện, xã, vùng trọng điểm để phối hợp với các cơ quan chức năng cùng bà con nông dân giải quyết khó khăn.

“Tinh thần không phải giải cứu vì giải cứu là phi thị trường. Đây là cơ hội để tập trung vào chế biến, nâng cao năng lực các doanh nghiệp chế biến, tăng cường liên kết giữa bà con nông dân và doanh nghiệp thu mua”, ông nói. Về giải pháp lâu dài, chúng ta cần rà soát cơ cấu mùa vụ có lịch thu hoạch đảm bảo hợp lý. Vào cuộc chủ động, không chủ quan. Bộ trưởng cho rằng, “dịch bệnh là bất khả kháng, cần thích ứng với dịch bệnh. Bà con nông dân hết sức bình tĩnh”.

Trước đó, do virus corona hoành hành ở Trung Quốc, nhiều nhà kho mua thanh long tại Tiền Giang và Long An đã họp bàn cách khắc phục khó khăn trong việc phân phối và tiêu thụ thanh long sang thị trường này. Hiện Trung Quốc là nơi tiêu thụ khoảng 90% thanh long của Việt Nam.

Dù không nhận thanh long từ nhà vườn và thương lái, các nhà kho thu mua thanh long ở Tiền Giang và Long An thống nhất hỗ trợ cho nhà vườn và thương lái đã ký hợp đồng và có thời gian thu hoạch từ ngày 27/1 đến 3/2 là 5.000 đồng/kg.

Trung Quốc cháy hàng, xin nhập khẩu trang từ Việt Nam

Giá khẩu trang tăng chóng mặt: Dịch bệnh viêm phổi do virus corona gây ra ngày càng diễn biến phức tạp khiến cơn sốt khẩu trang chưa có dấu hiệu dừng lại. Trên thị trường, các loại khẩu trang tăng giá phi mã lên gấp 2-3 lần, thậm chí có loại bị hét giá tăng gấp 20 lần so với ngày thường.

Đơn cử, ngày 30/1 (mùng 6 Tết Canh Tý) - ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ lễ, nhiều người mua loại khẩu trang 3D nhãn hiệu Unicharm Nhật Bản hộp 100 chiếc giá 280.000 đồng, trong khi ngày thường giá loại này chỉ 250.000 đồng.

Thế nhưng, chỉ qua một đêm, ngày 31/1, giá khẩu trang 3D của Unicharm đã tăng lên 390.000-410.000 đồng/hộp 100 chiếc.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Xử lý gian thương tăng giá khẩu trang chóng mặt).

Trên một số trang thương mại điện tử, chủ shop còn "hét giá" khẩu trang nhãn hiệu trên là 3 triệu đồng/hộp 50 chiếc, hộp 100 chiếc giá 5,5 triệu đồng. Mức giá này gấp khoảng 22 lần so với ngày thường.

Dù vậy, vì quá lo sợ virus corona nên nhiều người dân vẫn chen lấn để mua cho gia đình được 1-2 hộp khẩu trang về sử dụng.

Tình hình đó khiến lực lượng quản lý thị trường phải vào cuộc khẩn trương.

Sau khi nhận được chỉ đạo từ Tổng cục QLTT và Cục QLTT Hà Nội, ngay trong sáng 31/1/2020, Đội QLTT số 1 (Đội cơ động) đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra 06 cơ sở kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế tại trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế HAPU- số 01 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Qua kiểm tra, Đội QLTT số 1 phát hiện hầu hết các cơ sở kinh doanh không niêm yết giá. Bước đầu có dấu hiệu găm giữ hàng hóa.

"Chúng tôi đã phải vào tận kho để kiểm tra hàng hoá, niêm yết giá bán khẩu trang tại đây và yêu cầu cửa hàng bán đúng giá niêm yết nếu không sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật. Đồng thời vận động và cùng các nhà thuốc bán cho khách hàng để tránh tình trạng hỗn loạn xảy ra" ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết.

Đội QLTT số 1 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế không niêm yết giá và yêu cầu các cơ sở kinh doanh lập tức niêm yết giá và bán ngay ra thị trường số khẩu trang hiện có cũng như cam kết bán đúng giá đã niêm yết và hàng hóa phải có đầy đủ chứng từ nguồn gốc, cũng như đảm bảo chất lượng.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Chủ cơ sở phải viết bản cam kết bán đúng giá sản phẩm).

Đủ cơ sở xử phạt: Chiều 31/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã chủ trì cuộc họp đột xuất của Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá các tình hình tác động tới công tác điều hành giá ngay trong tháng đầu năm 2020.

Liên quan tới giá khẩu trang và nước sát trùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Lê Thành Công cho biết nhu cầu đang tăng đột biến. Cả nước có 46 đơn vị sản xuất khẩu trang nhưng nguyên liệu phụ thuộc phía Trung Quốc và bị động kế hoạch sản xuất do sát Tết Nguyên đán. Vừa qua, có đơn vị ở Trung Quốc đề nghị nhập khẩu khẩu trang từ Việt Nam.

Vị này cũng cho biết các đơn vị sản xuất trong nước cũng đang tìm nguyên liệu mới từ châu Âu, các quốc gia khác để nhập khẩu, sản xuất. Về dung dịch sát khuẩn, chủ yếu dùng trong đơn vị y tế qua đấu thầu mua sắm, giờ mỗi gia đình mua thì việc đáp ứng sẽ khó khăn.

Đồng thời, đại diện Bộ Y tế khẳng định: “Không có chuyện bệnh viện bán khẩu trang, dung dịch sát khuẩn ra ngoài vì bản thân các bệnh viên rất lo các nguồn cung ứng nội bộ để phòng chống dịch”.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết khẩu trang không nằm trong diện bình ổn, quản lý giá nhưng theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 thì mặt hàng này phải niêm yết giá.

“Không niêm yết cũng bị xử phạt và niêm yết mà tăng giá bán thì sẽ phạt nặng hơn từ 10-15 triệu đồng và bồi hoàn tiền cho người tiêu dùng. Nghị định 109 quy định thanh tra tài chính, quản lý thị trường thực hiện kiểm tra, xử phạt”, ông Tuấn nói.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bổ sung thêm: “Điều 10, Luật Giá cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng thiên tai, địch hoạ để kinh doanh hàng hóa trục lợi. Nghị định số 185 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính cũng quy định mức xử lý với hàng (khẩu trang) giả, kém chất lượng. Điều 196 Bộ luật Hình sự quy định việc găm hàng làm khan hiếm hàng hóa khi thiên tai, địch hoạ sẽ bị phạt từ 30-300 triệu và phạt tù tới 3 năm”.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Quản lý thị trường sẽ thực hiện theo các quy định hiện hành khi kiểm tra, xử lý các hành vi này.

(Nguồn: Vietnamnet)

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang