TT Mỹ đòi phe dân chủ xin lỗi, TT Anh thách Hạ viện

Thủ tướng Anh không từ chức, thách thức Hạ viện

Trong bài phát biểu trước Hạ viện hôm 25/9, một ngày sau khi Tòa án tối cao Anh tuyên bố việc ông đình chỉ hoạt động quốc hội là "bất hợp pháp, vô ích và không có hiệu lực", Thủ tướng Johnson đã dành vài phút lên án phe đối lập trước khi đề cập đến phán quyết của tòa.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trước Hạ viện. Ảnh: Reuters).

Theo báo RT, ông Johnson chỉ trích các chính trị gia đối lập vì "3 năm rối loạn và trì hoãn". Ông cáo buộc họ muốn nước Anh "bị khóa nhốt mãi mãi trong quỹ đạo của Liên minh châu Âu (EU)". Thủ tướng Anh tái khẳng định mong muốn đạt một thỏa thuận với Brussels trước hạn chót Brexit (Anh rời liên minh châu Âu) vào ngày 31/10, nhưng cho biết ông sẵn sàng chia tay EU mà không có thỏa thuận "nếu cần thiết".

Ông Johnson thông báo sẽ không tìm cách gia hạn Brexit ngay cả khi các điều kiện cho một dự luật do Công đảng đề xuất, vốn đòi hỏi trì hoãn "ly hôn" EU nếu không đạt thỏa thuận vào ngày 19/10, được đáp ứng.

Thủ tướng Anh cũng tin rằng, Tòa án tối cao đã sai lầm khi ngày 24/9 ra phán quyết rằng việc ông đình chỉ hoạt động của quốc hội là trái phép. Ông buộc tội các nghị sĩ chống Brexit đang giật dây các tòa án để ngăn cản và trì hoãn Anh rời EU.

Bài phát biểu của ông Johnson liên tục bị gián đoạn vì những tiếng la ó phản đối của phe đối lập. Điều đó buộc Chủ tịch Hạ viện John Bercow phải lên tiếng phê phán các nghị sĩ đã gây xáo trộn cho phiên điều trần, cũng như không suy nghĩ về cách người dân đang theo dõi phiên họp qua truyền hình sẽ đánh giá Quốc hội như thế nào.

Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn cáo buộc bài phát biểu của ông Johnson là "10 phút lớn tiếng của một vị thủ tướng nguy hiểm, người nghĩ ông ta ở trên luật pháp nhưng thực tế không phù hợp để lãnh đạo đất nước". Ông Corbyn gọi đây là "khoảnh khắc khác thường và bấp bênh" trong lịch sử đảo quốc sương mù.

Lãnh đạo phe đối lập cũng tái nhắc lại lời kêu gọi thủ tướng từ chức, với lí do điều đó tốt cho nước Anh. Song, Thủ tướng Johnson nói sẽ không rời ghế lãnh đạo chính phủ, đồng thời quả quyết ông sẽ theo đuổi Brexit tới cùng. Ông Johnson cũng thách phe đối lập kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của ông và tổ chức tổng tuyển cử sớm.

Nhà Trắng công bố tài liệu mật, ông Trump đòi phe Dân chủ xin lỗi

Ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 24/9 tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội chính thức đối với tổng thống xoay quanh nghi vấn ông lạm dụng quyền lãnh đạo Nhà Trắng và tìm kiếm sự trợ giúp của nước ngoài để hạ bệ Joe Biden, ứng viên đối thủ thuộc đảng Dân chủ, ông Trump đã lập tức cam kết trong ngày 25/9 sẽ công khai "toàn văn nội dung giải mật, không chỉnh sửa" của cuộc điện đàm với ông Zelensky hồi tháng 7.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Nội dung cuộc điện đàm xác nhận, Tổng thống Mỹ Trump (trái) đã yêu cầu người đồng cấp Ukraina (ảnh dưới góc phải) điều tra ông Biden (ảnh nhỏ, trên). Ảnh: Reuters, AP).

BBC đưa tin, các nội dung trao đổi giữa hai nguyên thủ vừa công bố trên trang web của Nhà Trắng là ghi chép của những quan chức Mỹ đã nghe cuộc điện đàm ngày 25/7. Cuộc gọi xảy ra chỉ vài ngày sau khi ông Trump chỉ đạo chính phủ Mỹ hoãn các viện trợ quân sự trị giá khoảng 391 triệu USD cho Ukraina.

Theo các nội dung mới công bố, khi trò chuyện với ông Zelensky, Tổng thống Trump đã đề cập tới việc ông Biden khi còn giữ chức Phó Tổng thống Mỹ vào năm 2016 từng vận động Ukraina sa thải công tố viên hàng đầu Viktor Shokin như thế nào. Văn phòng của ông Shokin lúc đó đang mở cuộc điều tra đối với công ty khí đốt tự nhiên Burisma, nơi con trai ông Biden là Hunter Biden giữ ghế thành viên hội đồng quản trị.

"Một điều khác nữa, có rất nhiều thứ phải bàn về con trai của Biden. Ông Biden đã ngăn chặn việc truy tố và rất nhiều người muốn tìm hiểu về điều đó, vì vậy bất cứ thứ gì ngài có thể làm với trưởng công tố cũng sẽ rất tuyệt vời. Biden đã đi đây đó huênh hoang về việc ông ta đã chặn đứng việc truy tố nên giá mà ngài có thể điều tra việc đó", ông Trump cho hay.

Trong cuộc điện đàm, lãnh đạo Nhà Trắng cũng đề xuất ông Zelensky hợp tác với Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr và luật sư riêng của ông là Rudolph Giuliani xem xét vấn đề.

Tổng thống Ukraina đáp lại rằng: "Chúng tôi sẽ quan tâm đến việc đó. Chúng tôi sẽ xúc tiến điều tra vụ việc. Trên hết, tôi muốn yêu cầu ngài rằng, nếu ngài có bất kỳ thông tin gì thêm, ngài có thể cung cấp cho chúng tôi. Việc đó sẽ rất hữu ích".

Ông Zelensky cũng cảm ơn ông Trump vì đã hỗ trợ Ukraina rất nhiều trong lĩnh vực quốc phòng. Theo lãnh đạo Kiev, Ukraina sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực này và đặc biệt đã mua nhiều tên lửa Javelin hơn từ Mỹ cho mục đích quốc phòng. Sau khi cảm ơn, ông Zelensky cũng nhắc lại việc từng lưu trú ở Tháp Trump tại thành phố New York trong chuyến công du trước đây tới Mỹ.

Theo Sputnik, ngay sau khi Nhà Trắng công khai nội dung cuộc điện đàm gây chú ý, Tổng thống Trump đã đăng đàn Twitter cảnh báo đảng Dân chủ cần phải xin lỗi ông sau khi đọc được toàn văn tài liệu này.

"Chưa có vị tổng thống nào trong lịch sử của đất nước chúng ta (Mỹ) từng bị đối xử tồi tệ như tôi. Phe Dân chủ bị đông cứng trong sự thù ghét và sợ hãi. Họ chẳng hoàn thành điều gì cả. Điều này không nên được phép xảy ra với tổng thống nào khác. Trò săn phù thủy!", ông Trump viết.

(Nguồn: Vietnamnet)

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang