TP.HCM thu phí vỉa hè; Quy hoạch tuần qua; Dồn dập dự án siêu cảng tỷ USD; Khởi tố nguyên chủ tịch tỉnh Phú Yên

TP.HCM thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường từ đầu năm 2024

(Ảnh minh họa).

Theo tờ trình mà Sở Giao thông vận tải gửi UBND TP.HCM để trình HĐND TP thông qua vào kỳ họp chuyên đề sắp tới về quy định mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM, TP dự kiến sẽ triển khai thu phí từ đầu năm 2024.

Những trường hợp được sử dụng lòng đường, hè phố và đóng phí, gồm tổ chức, cá nhân sử dụng tạm lòng đường để tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm giữ ôtô phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; điểm giữ xe có thu tiền dịch vụ. Ngoài ra còn có các hoạt động khác như: tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua - bán hàng hóa; điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền người sử dụng và lắp đặt công trình tạm trên hè phố, dải phân cách; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng phục vụ thi công công trình.

Việc sử dụng tạm vỉa hè cần bảo đảm nguyên tắc chừa lại tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ và hai làn ôtô cho một chiều đi đối với lòng đường. Các hoạt động trên vỉa hè, lòng đường cũng phải đảm bảo không làm mất trật tự, an toàn và phù hợp với công năng, kết cấu chịu lực của các tuyến đường.

Mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe từ 20.000 - 350.000/m2 và mức thu phí cho các hoạt động khác từ 20.000 - 100.000 đồng. Mức phí được đề xuất tùy theo các tuyến đường trung tâm hoặc các tuyến khác tại 5 khu vực khác nhau tùy theo giá đất bình quân khu vực, trong đó khu vực 1, gồm địa bàn các Quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).

Theo quy định, nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày/tháng sẽ tính thuê nửa tháng, từ 15 ngày trở lên tính một tháng. TP.HCM dự kiến khi triển khai, mỗi năm sẽ thu được hơn 1.500 tỷ đồng để nộp vào ngân sách để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.

Thời gian bắt đầu thu phí dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2024. Trong đó, Sở Giao thông vận tải sẽ đảm nhận thu phí sử dụng lòng đường những tuyến sở này quản lý. Các đường thuộc quản lý của quận, huyện sẽ do địa phương thực hiện.

Được biết, hiện, TP.HCM có hơn 4.800 tuyến đường rộng từ 5 m trở lên, trong đó gần 2.600 tuyến không có vỉa hè. Thời gian qua, tình trạng mua bán, lấn chiếm trên vỉa hè, dưới lòng đường diễn ra phổ biến, ảnh hưởng giao thông, mỹ quan đô thị.

Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (9/9 - 15/9): Duyệt quy hoạch tỉnh Nghệ An, Hà Nội sẽ làm cầu Vân Phúc vượt sông Hồng từ quý II/2024

Phê duyệt quy hoạch tỉnh Nghệ An; Hà Nội sẽ làm cầu Vân Phúc vượt sông Hồng từ quý II/2024; Đà Nẵng khởi công đường ven biển kết nối cảng Liên Chiểu; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng vốn gần 3.700 tỷ đồng... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Duyệt quy hoạch Nghệ An

Ngày 14/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thay Thủ tướng ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch đưa ra các đột phá phát triển tỉnh Nghệ An như phát triển hai khu vực động lực tăng trưởng, gồm TP Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng.

Ngoài ra, tỉnh còn hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế, gồm hành lang kinh tế ven biển gắn với trục quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, đường ven biển, đường sắt quốc gia và đường biển.

Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế quốc lộ 7A; hành lang kinh tế quốc lộ 48A. Trong đó, phát triển hành lang kinh tế ven biển là trọng tâm.

Tỉnh được định hướng tập trung đầu tư 6 trung tâm đô thị gồm đô thị Vinh mở rộng, đô thị Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu), đô thị Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn), đô thị Diễn Châu, đô thị Đô Lương, đô thị Con Cuông.

Hà Nội sẽ làm cầu Vân Phúc vượt sông Hồng từ quý II/2024

Vừa qua, Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông TP Hà Nội đã lập báo cáo liên quan đến dự án đầu tư và xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra quốc lộ 32, huyện Phúc Thọ.

Dự án có tổng chiều dài 7,76 km. Điểm đầu tuyến nằm tại vị trí giao cắt với QL 32, thuộc địa phận xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ; điểm cuối nằm tại vị trí ranh giới hành chính giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc. Tổng mức đầu tư của dự án là 3.444 tỷ đồng.

Đà Nẵng khởi công đường ven biển kết nối cảng Liên Chiểu

Vừa qua, TP Đà Nẵng đã khởi công xây dựng tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu. Công trình này là một hợp phần quan trọng của Dự án bến cảng Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung được UBND TP Đà Nẵng tổ chức khởi công vào ngày 14/12/2022.

Dự án có điểm đầu khớp nối với đường ngoài cảng Liên Chiểu, điểm cuối giao với tuyến đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan. Tuyến đường có chiều dài gần 3 km, mặt cắt ngang 30 m, gồm 6 làn xe, vận tốc thiết kế là 60 km/h.

Tuyến đường này tổng mức đầu tư hơn 1.203 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương (500 tỷ đồng) và ngân sách thành phố. Thời gian dự kiến hoàn thành đưa công trình vào sử dụng trong năm 2025.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng vốn gần 3.700 tỷ đồng

Thông tin từ TTXVN, Báo cáo Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XV tình hình triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau hơn hai tháng khởi công, tính đến cuối tháng 8/2023, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 120/452 ha, đạt gần 27%.

Theo báo cáo của địa phương, chi phí giải phóng mặt bằng được tính toán tại thời điểm hiện tại của các dự án thành phần dự kiến tăng khoảng 3.674 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt, dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng hơn 3.665 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022.

Quảng Trị muốn phát triển thương mại, khu dân cư dọc đường ven biển

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã chủ trì buổi làm việc nghe báo cáo phương án khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến đường ven biển kết nối hành lang kinh tế đông - tây để tạo nguồn lực từ phát triển quỹ đất.

Báo cáo phương án định hướng quy hoạch hai bên tuyến đường ven biển kết nối hành lang kinh tế đông - tây tại cuộc họp, đơn vị tư vấn cho biết, toàn bộ các khu vực hai bên đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế đông - tây có thể nghiên cứu để định hướng quy hoạch phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khu dân cư...

Tổng diện tích khoảng 1.882 ha với 15 vị trí thuộc địa phận các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong và TP Đông Hà.

Thanh Trì sẽ có đường 4 làn xe nối Phan Trọng Tuệ - Vành đai 3,5

Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã duyệt chỉ giới đường đỏ 1/500 tuyến đường nối từ Phan Trọng Tuệ đến thôn Tả Thanh Oai, thuộc địa bàn các xã Thanh Liệt và xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì.

Tuyến đường này có chiều dài khoảng 2,1 km. Điểm đầu tuyến nằm tại nút giao với đường Phan Trọng Tuệ (đường 70); điểm cuối giao với đường vành đai 3,5. Quy mô mặt cắt ngang tuyến là 25 m, trong đó lòng đường xe chạy là 15 m với 4 làn xe, vỉa hè hai bên rộng 10 m.

Cần thêm hơn 30.000 tỷ đồng làm 3 đoạn khép kín vành đai 2 TP HCM

Trong văn bản khẩn vừa gửi UBND TP HCM về tình hình thực hiện các dự án khép kín vành đai 2, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, vành đai 2 dài khoảng 64 km, quy mô 6 - 10 làn xe. Đến nay, tuyến đường đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác khoảng 50 km, vẫn còn 14 km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn.

Trong đó, ngoài một đoạn đang được triển khai theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) là đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa, TP HCM cần thêm hơn 30.000 tỷ đồng để triển khai 3 đoạn còn lại dài 11,3 km để khép kín đường Vành đai 2 TP HCM trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Ba đoạn còn lại này bao gồm đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp); đoạn 2 (từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng) và đoạn 4 dài 5,3 km từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh.

Thống nhất bàn giao đường ven sông Sài Gòn

CTCP Vinhomes vừa có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận tải thành phố và quận Bình Thạnh về việc tiếp nhận đường nội bộ tại Khu đô thị Vinhomes Central Park tại phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM.

Theo đó, Công ty cổ phần Vinhomes - chủ đầu tư dự án Vinhomes Central Park (Khu phức hợp Tân Cảng Sài Gòn) đề nghị Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh và UBND quận Bình Thạnh xem xét tiếp nhận các tuyến đường D1 - D19 tại khu này.

Với việc bàn giao các tuyến đường D1 – D19; trong đó có tuyến đường ven sông Sài Gòn đi qua dự án, sẽ tạo điều kiện để TP Hồ Chí Minh hoàn thiện tuyến đường ven sông Sài Gòn, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn. Hiện tuyến đường ven sông bị chia cắt bởi bức tường giữa khu Vinhomes Central Park và Saigon Pearl.

Dồn dập dự án siêu cảng tỷ USD ở Việt Nam

(Ảnh minh họa).

Hệ thống cảng biển Việt Nam đang đứng trước cơ hội được đầu tư rầm rộ khi nhiều tập đoàn hàng hải hàng đầu thế giới muốn bắt tay với doanh nghiệp nội làm những dự án siêu cảng tỷ USD.

Mới đây, Nhà Trắng công bố công ty điều hành cảng SSA Marine (Seattle, Mỹ) và công ty Gemadept (Việt Nam) có ý định hợp tác trong các dự án cảng chiến lược ở miền Nam Việt Nam, bao gồm mối quan tâm chung trong việc phát triển Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD.

Sau khi hoàn thành, siêu cảng Cái Mép Hạ sẽ trở thành trung tâm logistics lớn nhất cả nước. Đây là một trong các siêu cảng có giá trị hơn tỷ USD đang được đề xuất xây dựng tại Việt Nam.

Nhiều đề xuất lập siêu cảng

Cảng Cái Mép Hạ (còn gọi là cảng Cái Mép - Thị Vải), được xây dựng ngay cửa sông Cái Mép và sông Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có nhiều lợi thế khai thác, nhưng đến nay vẫn chưa thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế.

Dự án ban đầu được quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 với diện tích khoảng 1.800ha, gồm hai phân khu chính là Trung tâm Logistics và Bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu. Đồ án sau đó được điều chỉnh nâng lên 2.200ha để có thể tiếp nhận các tàu có tải trọng lớn nhất thế giới, biến khu vực này thành cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới.

Với quy mô tầm cỡ và vị trí chiến lược trong bản đồ hàng hải Việt Nam, siêu cảng Cái Mép Hạ không chỉ nhận được sự quan tâm của liên doanh Gemadept-SSA Marine mà còn lọt vào “tầm ngắm” của nhiều ông lớn khác như Liên doanh Geleximco-ITC, Liên danh Besix-Boskalis-Hateco, IMG Innovations, CTCP Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương, Tập đoàn Mặt Trời, Saigontel, TCT Tân Cảng Sài Gòn.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mới được UBND TP.HCM đề xuất cũng không kém cạnh. Dự án này nằm ở cửa sông Cái Mép, được bao quanh bởi sông Thị Vải và sông Thuê. Thiết kế của cảng có thể tiếp nhận tàu mẹ lên đến 250.000 tấn, công suất khoảng 16,9 triệu TEU.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5,45 tỷ USD, tổng diện tích bến cảng 571ha và diện tích mặt nước gần 478ha. Dự án được phân kỳ làm 7 giai đoạn, giai đoạn đầu tiên sẽ đưa vào khai thác năm 2027 và hoàn thành toàn bộ cuối năm 2045.

Theo đánh giá của TP.HCM, cảng Cần Giờ có vị trí gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, hàng hóa của khu vực Đông Nam Á nếu đi qua khu vực này có thể giảm khoảng 30-70% về cự ly so với vận chuyển đến cảng ở Singapore, giá bốc xếp cũng tiết giảm đến 40-54%.

Dự án đang được hãng tàu MSC lớn nhất thế giới rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia hợp tác đầu tư, cũng như tích cực phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam (TCT Hàng hải Việt Nam - VIMC) cùng nghiên cứu đầu tư.

Đề xuất Cảng Trần Đề tại tỉnh Sóc Trăng cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị. Dự án có tổng diện tích khoảng 5.400ha. Tổng mức đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030 dự kiến 51.320 tỷ đồng và giai đoạn tổng thể đến năm 2050 là 145.283 tỷ đồng.

Cảng có thể tiếp nhận các tàu container trên 100.000 tấn, trở thành cửa ngõ của khu vực ĐBSCL. Việc đầu tư cụm cảng này sẽ giúp giải quyết thực trạng phần lớn lượng hàng hóa ĐBSCL đang phải luân chuyển lên các cảng ở khu vực TP.HCM, làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Tập đoàn Adani (Ấn Độ) cũng đang xúc tiếp việc nghiên cứu, đầu tư khu vực cảng biển tại Liên Chiểu (Đà Nẵng) với mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD, bao gồm đầu tư hạ tầng kỹ thuật để có thể làm được hàng tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí và container.

Hay giữa năm 2022, CTCP Xuân Thiện Nam Định đề xuất xây dựng cảng Xuân Thiện Nam Định với mức đầu tư dự kiến lên đến 35.000 tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD). Cục Hàng hải Việt Nam đã nhận được hồ sơ của doanh nghiệp và nghiên cứu hồ sơ về dự án.

Cần đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ GTVT về việc hoàn thiện “Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, tổng nhu cầu đầu tư cho hệ thống cảng biển tính đến năm 2030 vào khoảng 312.625 tỷ đồng.

Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng hơn 70.000 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng hơn 242.000 tỷ đồng.

Giai đoạn này cũng kêu gọi đầu tư bến cảng tại các cảng biển tiềm năng như Vân Phong và Trần Đề. Đến năm 2030 sẽ đầu tư bến khởi động khu bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), các bến cảng tại khu vực Cái Mép Hạ, hạ lưu Cái Mép Hạ và khu bến Trần Đề (Sóc Trăng).

Theo thống kê của Bộ GTVT, đến tháng 10/2022, cả nước có 296 bến cảng với chiều dài khoảng 107km cầu cảng (gấp 5 lần năm 2000). Đồng thời, đã hình thành các cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực phía bắc và phía nam cũng như tiếp nhận thành công tàu container đến 145.000 tấn tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng), đến 214.000 tấn tại khu bến Cái Mép.

Về nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực hàng hải, nguồn vốn ngoài ngân sách huy động đầu tư trong giai đoạn 2011-2020 là khoảng 173.400 tỷ đồng, xấp xỉ 86% tổng vốn đầu tư. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đã có mặt tại Việt Nam để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển.

Đơn cử như DP World của Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (nhà khai thác cảng số 5 thế giới) tham gia đầu tư bến cảng SPCT (TP.HCM), SSA Marine (nhà khai thác cảng thứ 9 thế giới) đầu tư khai thác bến cảng SSIT (Bà Rịa - Vũng Tàu), APMT của Đan Mạch (nhà khai thác cảng số 2 thế giới) đầu tư khai thác cảng CMIT (Bà Rịa - Vũng Tàu); các hãng tàu MOL, NYK đầu tư bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)...

Khởi tố nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên vì sai phạm trong quản lý đất đai

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - ông Phạm Đình Cự (sinh năm 1956) vào ngày 14/9 bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên tống đạt quyết định khởi tố bị can vì những sai phạm trong quản lý đất đai gây thất thoát hơn 10 tỷ đồng của Nhà nước.

Theo truyền thông Nhà nước, những sai phạm của ông Cự xảy ra trong vụ việc Công ty CP Pymepharco được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Kinh doanh dược, mỹ phẩm - dịch vụ y tế Phú Yên từ năm 2005-2007, nhưng không triển khai thực hiện, mà chuyển nhượng đất để hưởng lợi.

Vụ việc bắt đầu từ tháng 9/2007 khi UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng thửa đất nêu trên có diện tích 1.183m2 để giao cho Công ty CP Pymepharco triển khai thực hiện dự án trong thời hạn 70 năm. Doanh nghiệp được ưu ái giao đất không thông qua đấu giá với số tiền gần 3,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kể từ khi được cấp đất, Công ty CP Pymepharco đã lần lượt thế chấp vay vốn ngân hàng, rồi góp vốn bằng giá trị đất với Công ty CP Xuất nhập khẩu dược Phú Yên để kinh doanh.

Năm năm sau khi được cấp đất, Công ty CP Pympharco vẫn không xây dựng hạng mục công trình nào trên miếng đất được giao. Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên đã có ăn bản kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định chấm dứt dự án nhưng ông Phạm Đình Cự - khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh - đã không chỉ đạo thực hiện; Sở Tài Nguyên và Môi trường cũng không kiểm tra, thanh tra việc sử dụng đất của chủ đầu tư dự án để kiến nghị thu hồi đất theo quy định pháp luật.

Không những thế, vào tháng 11/2012, ông Đỗ Duy Vinh, Giám đốc Sở Tài chính vẫn ký văn bản tham mưu, đề xuất để ông Phạm Đình Cự ký thông báo cho phép công ty bán toàn bộ thửa đất tại dự án treo cho Ngân hàng Vietcombank với giá 16 tỷ đồng để tổ chức tín dụng này xây dựng trụ sở làm việc trong thời hạn 50 năm.

Cơ quan chức năng xác định ông Phạm Đình Cự hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí”, gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 10,1 tỷ đồng.

Trong cùng vụ án, vào ngày 13/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã tống đạt quyết định khởi tố bị can về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí” đối với ông Đỗ Duy Vinh (SN 1956, trú ở khu phố Chu Văn An, phường 5, TP Tuy Hòa), cựu Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Phú Yên.

Nguồn: Soha; Vietnammoi; Vietnamnet; RFA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Checklist các loại bảo hiểm có tác dụng GIảm Thuế

Những loại bảo hiểm nào có tác dụng giảm thuế/ được hỗ trợ thuế/ xin lại được thuế?

các loại bảo hiểm bắt buộc cũng như tự nguyện được chính phủ khuyến khích và có tác dụng tiết kiệm tiền thuế:

1. Bảo hiểm y tế/ Krankenversicherung

2. Bảo hiểm nuôi dưỡng lúc bị tàn phế / Pflegeversicherung.

3. Bảo hiểm thất nghiệp/ Arbeitslosenversicherung.

4. Bảo hiểm trách nhiệm khi vô tình gây hại cho ngườikhác / Haftpflichtversicherung.

5. Erwerbs- und Berufsunfähigkeitsversicherung/ Bảo hiểm mất sức lao động

6. Unfallversicherung / Bảo hiểm tai nạn

7. Bảo hiểm hưu trí / Altersvorsorgeleistungen.

8. Bảo hiểm nhân thọ / Risikolebensversicherung

9. Krankentagegeld- und Krankenhaustagegeldversicherungen.

10. Rechtschutzversicherung

Quan trọng cần để ý lúc này là giới hạn cho việc khấu trừ thuế tổng các loại không quá:

- 1900e (3800e đối với cặp vợ chồng) đối với: Người đi làm công (Angestellter), Công chức (Beamter), và người về hưu (Rentner)

- 2800e đối với người Selbständiger

Ở đây mình xin nói đến những nhóm bảo hiểm đặc biệt quan trọng trong việc khấu trừ thuế trước, từ từ mình sẽ thêm những mục khác vào sau.

Số 8: Bảo hiểm hưu trí / Altersvorsorgeleistungen Bảo hiểm được tính là chi phí đặc biệt (Sonderausgaben), thuộc nhóm này chính là các loại bảo hiểm về hưu trí (ví dụ: BasisRente, Rürup Rente, RisterRente..) các loại bảo hiểm tiết kiệm dài hạn (private Altersvorsorge, Vermögensaufbau…). Chính vì vậy việc dành một khoản hàng tháng tiết kiệm cho hưu trí là một điều quan trọng, và lại rất phải chăng khi chúng ta còn khấu trừ được thuế từ đó nữa.

Anh chị có thể liên hệ để biết chính xác loại Hưu trí của mình, hoặc liên hệ tư vấn để mua chính xác loại dành cho mình tại www.taichinh360.de

Số 1 và 2. Bảo hiểm y tế và bảo hiểm thương tật tàn phế Kranken- und Pflegeversicherung.

Đối với 2 loại bảo hiểm này bạn cứ khai đầy đủ lúc khai thuế, kể cả phần của vợ/chồng/partner và con cái. Phần lớn các anh chị làm công đều đã đạt mức tối đa giảm thuế trong mục này, nhưng chắc ăn thì mình vẫn liệt kê ra, finanzamt sẽ tự tính là phần nào còn giảm thuế được và không

Quan trọng của nhóm bảo hiểm này là Basisbeitrag (14,6% giống nhau giữa các hãng bảo hiểm) và Zusatzbeitrag (1,3-1,7% chênh nhau giữa các hãng bảo hiểm). Phần Basisbeitrag thường mọi người làm công đều đạt mức giảm thuế tối đa như ở trên mình có nói. Phần Zusatzbeitrag thì sẽ là phần được giảm thuế extra nữa mà mọi người đều nên để ý khi khai thuế

Basisbeitrag và Zusatzbeitrag của Krankenversicherung có thể tìm thấy ở đâu?

Basisbeitrag có thể thấy ngay trong Lohnabrechnung hàng tháng.

Zusatzbeitrag nằm trong hóa đón của hãng bảo hiểm gửi cho mình, họ có thống kê là ví dụ AOK là 1,7%, tương ứng với bao nhiêu đây tiền...

Loại bảo hiểm y tế nào còn được giảm thuế?

Đó chính là các loại bảo hiểm về Răng cỏ (Zahnzusatzversicherung), bảo hiểm du lịch nước ngoài (Auslandskrankenversicherung), bảo hiểm tai nạn (Unfallversicherung), bảo hiểm mất sức lao động (Berufsunfähigkeitsversicherung)

Số 4, 6, 10 Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (Haftpflichtversicherung), bảo hiểm tai nạn (Unfallversicherung), và bảo hiểm luật (Rechtschutzversicherung)

Các loại bảo hiểm này phần lớn đều được khấu trừ thuế một phần theo dạng là „sonstigen Vorsorgeaufwendungen“ là chi phí đặc biệt.

Ngày nay càng nhiều anh chị làm Homeoffice, vì vậy các loại bảo hiểm này cũng được xét thêm khấu trừ thuế trong trường hợp mình sử dụng nó cho mục đích công việc.

Ví dụ: Unfall xảy ra khi mình làm Homeoffice, mình vướng chân vào máy in khi đang làm việc khiến máy tính rớt xuống là gãy xương chân. Vì vậy trong trường hợp này Unfallversicherung vốn cho privat thì cũng được khấu trừ thuế một phần do Homeoffice

Huong Luu

Lên đầu trang