Thừa kế: Các quy phạm và những câu hỏi liên quan

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Thứ tự thừa kế theo luật pháp

Trong Bộ Luật Công dân, từ điều §1924 là những quy định về quyền thừa kế khi thân nhân qua đời. Theo đó, tài sản trước tiên sẽ do bạn đời thừa kế, sau đó chia tiếp theo thứ tự cho một hoặc nhiều thành viên trong gia đình.

Luật pháp chia gia đình của mỗi người thành 3 nhóm bao gồm: Con cái và cháu chắt nội/ngoại là những người có quyền thừa kế bậc I, bố mẹ và anh chị em là người có quyền thừa kế bậc II - nghĩa là những người này sẽ chỉ được nhận thừa kế, khi người lập di chúc không có con cháu nào khác. Những họ hàng tiếp theo như ông bà, cô dì chú bác, anh chị em họ thậm chí chỉ xếp hàng kế thừa kế bậc III - họ sẽ không được nhận bất cứ tài sản nào khi một trong số những người kế thừa bậc I và II tồn tại. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là điều chỉnh tài sản thừa kế qua di chúc, vì quy định thứ tự thừa kế theo luật pháp sẽ không còn hiệu lực nếu người quá cố để lại nguyện vọng cuối cùng của mình. Tuy nhiên, vẫn phải tính đến những phần thừa kế bắt buộc do luật pháp quy định (Plichtteilanspruch).

Di chúc

Mỗi người đều có thể tự chỉ định người thừa kế tài sản của mình trong di chúc. Dù vậy, nếu trong di chúc không nhắc đến bạn đời và con cái (thậm chí không nói đến cháu chắt và bố mẹ), những người này vẫn được nhận phần thừa kế bắt buộc, nhưng phần tài sản này chỉ bao gồm một nửa số tài sản được quy định khi không có di chúc. Bất cứ người nào cũng có thể tự soạn thảo di chúc, nhưng cũng phải tự tay viết toàn bộ bản di chúc đó, bao gồm cả ngày tháng, nơi viết và chữ ký. Lưu ý: Nên trả một khoản phí tổn để được công chứng chứng nhận, vì trước tiên, những người bình thường sẽ không biết và hiểu hết ý nghĩa của các từ chuyên ngành Luật học, ví dụ sự khác biệt giữa hai từ ‘Vererben’ (thừa kế lại - toàn bộ tài sản) và ‘Vermachen’ (để lại, di tặng - một kỷ vật). Thứ hai, công chứng viên ngay lúc đó có thể chứng nhận năng lực hành vi dân sự của người lập di chúc nhằm loại bỏ trường hợp phản đối di chúc sau này. Cuối cùng, người hưởng thừa kế sẽ không cần trình giấy chứng nhận thừa kế vì di chúc đã được công chứng - vậy người hưởng thừa kế ngược lại có thể tiết kiệm một khoản lệ phí.

Khoản được miễn khấu trừ thuế thừa kế và thuế quà tặng hiện tại:

- Vợ/chồng hoặc bạn đời cùng chung sống không đăng ký: miễn khấu trừ 500.000 Euro.

- Con ruột, con nuôi, con riêng cũng như cháu chắt đã mất cha mẹ: miễn khấu trừ 400.000 Euro.

- Cha mẹ và ông bà trong trường hợp được thừa kế: miễn khấu trừ 100.000 Euro.

- Cha mẹ và ông bà trong trường hợp được nhận quà tặng: miễn khấu trừ 20.000 Euro.

- Anh chị em, các cháu, bố/mẹ kế, các con dâu rể, bố mẹ của người vợ/chồng đã ly hôn: miễn khấu trừ 20.000 Euro.

- Các cháu nội/ngoại vẫn còn cha mẹ và các chắt: được miễn khấu trừ 200.000 Euro.

- Những người còn lại, đặc biệt là bạn cùng chung sống không đăng ký kết hôn, vị hôn thê/hôn phu của anh chị em dâu/rể, con nuôi cũng như những pháp nhân, các hội đoàn dân sự và các tổ chức cùng thừa kế: được miễn khấu trừ 20.000 Euro.

Một số câu hỏi điển hình về tranh chấp thừa kế được Văn Phòng Công Chứng Sachsen giải đáp:

Hỏi: Mẹ tôi tặng cho tôi một căn nhà với tổng giá trị là 250.000 Euro. Bà vừa qua đời và để lại khoản tiền 50.000 Euro. Vì bố tôi qua đời đã lâu nên phần tài sản này của mẹ được chia đều cho tôi và người em gái. Bố mẹ tôi không để lại di chúc gì. Tôi có mất đi căn nhà không?

Trả lời: Người em gái của ông quả thật không chỉ được nhận 25.000 Euro. Bà ấy còn có quyền hưởng thêm phần thừa kế bắt buộc được quy định theo luật pháp, vì: Một phần giá trị của những quà tặng vẫn được tính vào tài sản thừa kế trong vòng 10 năm, nếu trong thời gian này người tặng quà chết. Mỗi năm, món quà sẽ giảm bớt 10% giá trị, nghĩa là: Trước đây 6 năm, mẹ ông tặng cho ông căn nhà, vì vậy 40% giá trị của nó (cho 4 năm còn lại của thời hạn 10 năm) sẽ được tính vào tài sản thừa kế. Mẹ ông không chỉ để lại số tài sản là 50.000 Euro, mà là 150.000 Euro. Em gái của ông được thừa kế 25%, là 37.500 Euro, vì phần thừa kế bắt buộc bao gồm một nửa tài sản thừa kế được quy định. Ông phải trả thêm cho bà ấy 12.500 Euro.

Hỏi: Ngoài việc đi làm hàng ngày, tôi phải chăm sốc bố mẹ già yếu. Tôi có quyền được hưởng phần tài sản thừa kế lớn hơn các chị em của mình không?

Trả lời: Tất nhiên là được, vì ông/bà được quyền nhận bồi thường cho kinh phí và sức lực đã bỏ ra chăm sóc bố mẹ già. Đó là một quy định mới trong Luật thừa kế. Cho đến cuối năm 2009, con cái chăm sóc bố mẹ già chỉ được nhận bồi thường, nếu họ tự từ bỏ một phần thu nhập của mình. Luật thừa kế mới điều chỉnh lại vấn đề này và quyết định bồi thường cho những người con vừa đi làm vừa chăm sóc bố mẹ. Tuy nhiên, trong bộ luật này không chỉ ra cách tính mức bồi thường, vì vậy mức độ bồi thường sẽ được tính dựa trên những phương pháp chăm sóc của từng người trong từng trường hợp. Các mức tiêu chuẩn chăm sóc người bệnh được quy định trong Bộ Luật xã hội.

Hỏi: Anh trai của tôi đang ngồi tù, và bố tôi đã bãi bỏ quyền thừa kế của người này. Bố tôi có thể bác bỏ cả phần thừa kế bắt buộc của anh ấy không?

Trả lời: Điều này có thể được, nhưng cần theo một số điều kiện. Trước tiên, nếu anh trai của ông/bà bị xử cố tình phạm tội và đang chịu án tù tối thiểu một năm không được hưởng án treo. Thứ hai, khi bố của ông/ bà tự cảm thấy sẽ rất phi lý nếu phải để thừa kế lại cho người con này chút gì đó. Điều này tự ông ấy phải ghi chú trong di chúc.

Hỏi: Ngôi nhà chúng tôi đang ở là của chung cả hai vợ chồng. Chúng tôi đã cùng lập một bản di chúc có công chứng và chỉ định sẽ thừa kế cho nhau. Nếu vợ tôi qua đời và con cái đòi hỏi phần thừa kế bắt buộc theo luật định của chúng, tôi có cần bán đi căn nhà không?

Trả lời: Ông không nhất thiết phải làm vậy. Trong Luật thừa kế có quy định gia hạn hoặc trì hoãn quyền thừa kế, nghĩa là phần thừa kế bắt buộc có thể trả theo kỳ hoặc trả vào một thời điểm muộn hơn - quy định này thường được áp dụng khi tài sản thừa kế không thể đem ra chia chác, như trong trường hợp của ông không thể đem bán ngôi nhà của gia đình. Một lựa chọn khác là các con ông tự nguyện từ bỏ phần thừa kế bắt buộc, ví dụ khi vợ ông qua đời, họ sẵn sàng từ bỏ phần thừa kế bắt buộc của mình chừng nào ông còn sống, với điều kiện phải đưa ra công chứng chứng nhận điều đó.

Hỏi: Tôi có một căn nhà và vừa lấy vợ lần nữa. Cả bà ấy và tôi mỗi người đều có một người con riêng. Trong trường hợp tôi qua đời, ai sẽ là người được thừa hưởng căn nhà đó?

Trả lời: Nếu ông không tự quy định việc thừa kế bằng một bản di chúc, trong trường hợp ông qua đời, tài sản thừa kế sẽ được chia theo thứ tự như sau: Con trai riêng và vợ của ông mỗi người sẽ nhận một nửa căn nhà. Sau khi vợ ông qua đời, người con gái của bà ấy sẽ được hưởng toàn bộ tài sản do mẹ cô để lại. Tuy nhiên, ông có thể tự sắp đặt quyền thừa kế trong một bản di chúc, ví dụ bằng cách di tặng lại cho con riêng của mình phần tài sản lớn hơn.

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang