Thấy thành phố ngập mà thương; 3 cha con tử nạn vì lật thuyền; Bệnh viện thiếu thuốc trị tay chân miệng

Thấy thành phố ngập mà thương!

(Ảnh minh họa).

Càng ngày khu vực đô thị ngập càng nặng, lâu rút nước nên không còn cách nào khác, cư dân đô thị phải miễn cưỡng sống chung với ngập.

Đến sáng 17-11, nước đã rút dần ở TP Huế, Nha Trang. Thế nhưng niềm vui mới nhóm, người dân lại tiếp tục lo lắng khi đài khí tượng thủy văn thông báo trong những ngày tới khu vực này sẽ tiếp tục mưa lớn.

Nông thôn nhẹ hơn đô thị

Sáng 15-11, nghe đài báo mưa lớn, Nha Trang ngập nặng vội gọi điện hỏi thăm người bà con ở Dốc Lết (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Giọng anh tỉnh bơ: "Ừ thì mưa lớn, ngập mấy chỗ nhưng ngớt mưa thì rút à. Nghe Nha Trang ngập mà thương, đồ đạc hư hỏng, ô tô ngụp lặn, đến nay 3 ngày rồi mà chưa rút hết".

Tại Huế cũng thế. Ngập nặng nhất vẫn là khu vực thành phố. Mà đã ngập thì rút rất chậm. Đến nay đã là ngày thứ 4 nhưng nước vẫn chưa rút hết. Còn Đà Nẵng, đợt này không ngập nhưng hơn nửa tháng trước cũng chật vật chạy lũ dù chỉ qua một đợt mưa lớn.

Tất nhiên, ngập lụt là do mưa lũ. Lý do này dễ được sử dụng để giải thích cho những khốn khó mùa mưa. Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nên chuyện mưa lớn là không thể tránh khỏi. Muốn giảm thiệt hại chỉ còn cách ứng phó thích hợp. Nhưng tần suất bị ngập ở các đô thị ngày càng cao, hậu quả ngày càng nặng nên phải nghiêm túc xem xét lại các quy hoạch đô thị, mật độ xây dựng và quan trọng nhất là hạ tầng thoát nước đã hoàn thiện hoặc đáp ứng được nhu cầu phát triển nóng hiện nay.

Đơn cử như vào tháng 11-2021, Nha Trang bị ngập nặng 2 đợt, gây thiệt hại lớn. Các chuyên gia xây dựng cảnh báo rằng tốc độ xây dựng ở TP Nha Trang quá nhanh, mật độ quá cao và thường án ngữ dọc bờ biển, cạnh sông. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước không đồng bộ, chưa được xây dựng đúng tầm để thỏa mãn các điều kiện thoát nước cho một thành phố đang phát triển. Những cảnh báo này đến nay vẫn còn nguyên giá trị và thực tế chưa được khắc phục.

Rất nghịch lý là những thành phố trên nằm sát biển và cạnh những vùng đầm phá chứa nước lớn. Thế nhưng con đường tiêu thoát nước lại rất chậm chạp nên thường bị ngập sâu và lâu.

Sống chung với... ngập

Ngay trong đợt mưa vừa qua, một cư dân ở Huế đưa lên mạng Internet kinh nghiệm chống ngập cho ô tô 4 chỗ của mình. Do mưa gấp, anh dùng tấm bạt nhựa dùng để phơi lúa đặt dưới sàn cho xe chạy lên. Sau đó cột dây vào bốn góc kéo trùm lên xe. Nước ngập vào tầng trệt nhà anh gần 1 m nhưng không thấm vào ô tô của anh. Kinh nghiệm này nhanh chóng được các cư dân mạng học hỏi và chia sẻ.

Sống ở nông thôn, trước khi bị ngập, người dân lo đưa xe máy, ô tô lên vùng đất cao hơn. Còn ở đô thị, vấn đề này nan giải. Khi nghe đài khí tượng dự báo mưa lớn, ai có ô tô vội vã đưa xe ra khỏi các hầm ở các cao ốc. Kinh nghiệm này được rút ra sau các đợt mưa lớn những năm trước, khi hầm cao ốc bị ngập, toàn bộ xe hư hỏng.

Khổ nỗi, có nhiều đợt ngập toàn thành phố như vừa qua, kiếm một chỗ cao ráo quá khó khăn nên một số doanh nghiệp cho ra sản phẩm mới: túi nhựa chống ngập cho ô tô. Nguyên lý rất đơn giản, như một túi nhựa thông thường, căng túi ra cho ô tô đi vào rồi kéo dây khóa lại gài trên nóc. Túi chống ngập này đã vượt ngoài dự tính của các nhà sản xuất ô tô. Từ túi nhựa cho ô tô, thị trường đã có thêm túi cho máy giặt, tủ lạnh, xe máy… Âu cũng là thích nghi. Thích nghi một cách miễn cưỡng.

3 cha con tử nạn vì lật thuyền: Cả xóm bàng hoàng xót xa

Sau một đêm xảy ra vụ 3 cha con tử nạn do bị lật thuyền trên đập Rào Băng (huyện Nam Đàn, Nghệ An), lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đã tìm thấy thi thể các nạn nhân.

Người dân sống xung quanh nơi xảy ra vụ lật thuyền khiến 3 cha con tử vong, ai cũng bàng hoàng, xót xa. Bà Minh chia sẻ: “Đập nước này được cải tạo từ nhiều năm qua, khu vực 3 cha con bị nạn khi đi thuyền có mực nước sâu nhất hồ. Cả gia đình vợ chồng, con cái còn nhỏ đều sống hiền lành, ai cũng quý mến. Ai ngờ cả 3 cha con tử nạn, thật thương tâm”.

Ông Trần Đăng Khoa - Chủ tịch UBND xã Nam Thanh cho biết, vào khoảng 15h30 ngày 18/11, anh P.H.Tr. (SN 1984) cùng các con P.H.P.Q. (SN 2017) và P.T.Q.A. (SN 2018), trú tại xóm 6 (xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn) đi thuyền trên đập Rào Băng, không may bị lật thuyền khiến 3 cha con chìm sâu trong nước.

Thông tin ban đầu, vào giờ trên, anh T. nhận được thông tin có người đang bắt trộm cá của gia đình nhận thầu nuôi ở đập Rào Băng, nên đã cùng 2 con đi thuyền máy ra kiểm tra.

“Khu vực xảy ra tai nạn có ít người dân sinh sống, chủ yếu là các trang trại nuôi trồng. Thứ 7 là ngày nghỉ, các con không đi học nên theo cha lên thuyền”, ông Khoa nói.

Ngay sau khi nhận được thông tin sự việc, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng phối hợp tìm kiếm nạn nhân, đến gần 19h thì tìm thấy thi thể cháu Q.

“Do mực nước sâu nên phải dùng xuồng thả móc câu để tìm kiếm các nạn nhân. Trong quá trình kéo đến gần 23h phát hiện thi thể anh Tr. rồi tìm thấy chiếc thuyền bị lật” - ông Khoa thông tin. Khoảng 6h sáng nay thì tìm thấy thi thể cháu A ở gần bờ.

Hiện gia đình cùng chính quyền địa phương đang chuẩn bị lo hậu sự và dự kiến ngày mai sẽ đưa 3 cha con anh Tr. về nơi an nghỉ cuối cùng.

Hàng loạt bệnh viện ở tỉnh thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng

(Ảnh minh họa).

Trước tình hình gia tăng của các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh tay chân miệng và hô hấp, Sở Y tế TP.HCM đã họp trực tuyến với các bệnh viện khu vực phía nam để nắm bắt tình hình và tìm giải pháp điều trị.

Tại cuộc họp chiều 17.11, TS-BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, cho biết từ đầu năm 2023 đến nay 4 BV tuyến cuối tại TP.HCM (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh nhiệt đới) tiếp nhận khám khoảng 77.000 ca bệnh tay chân miệng (TCM). Toàn khu vực phía nam đã có 11 ca tử vong do TCM tại các BV của TP.HCM. Trong khi đó, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng khiến nhiều trẻ đến 4 BV này khám. Từ đầu năm 2023 đến nay đã có 17.947 trẻ đến khám SXH, trong đó có hơn 6.300 ca nhập viện và 2 ca tử vong (20 tỉnh phía nam tử vong là 21 ca).

Cũng tại cuộc họp, có nhiều BV nhi, sản nhi, BV khu vực các tỉnh thông tin thiếu thuốc điều trị TCM, như: IVIG, Phenobarbital, Milrinone. Một số BV chỉ còn vài lọ. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu máy lọc máu, vật tư lọc máu điều trị bệnh TCM nặng cũng diễn ra ở nhiều nơi, khiến các BV này phải chuyển hầu hết bệnh nhân nặng lên 4 BV tại TP.HCM và đã gây ra quá tải. Nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư... được các BV này lý giải là không mua được, không đấu thầu được, chờ thầu và cuối cùng là "cầu cứu" các BV ở TP.HCM hoặc nhận bệnh hoặc chia thuốc…

Tại cuộc họp, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định: "Một trong những khó khăn lớn nhất của các BV tuyến tỉnh là thiếu vật tư tiêu hao và máy lọc máu, thiếu thuốc trong điều trị TCM, tất cả liên quan mua sắm chứ không phải thiếu nguồn cung ứng. Tại TP.HCM, các BV tuyến cuối cam kết tiếp tục hỗ trợ các tuyến về chuyên môn, tổ chức điều trị và các tình huống khó khăn thì sẽ tiếp nhận bệnh để hồi sức". Ông cũng đề nghị các BV tuyến tỉnh phải trang bị đủ thuốc vật tư tiêu hao trong điều trị TCM. Sở Y tế TP.HCM sẽ có công văn đề nghị lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh hỗ trợ các BV mua sắm vật tư tiêu hao và thuốc điều trị.

Nguồn: Ken14; Vietnamnet; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang