Tai nạn liên hoàn, QL5 ùn tắc; Lúa chết hàng loạt, dân lo lắng; Ồn ào ở đám tang, 'cạn lời' về văn hóa

Kinh hãi cảnh 3 xe đầu kéo va chạm liên hoàn

(Ảnh minh họa).

Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 15/3, tại km36+800m, khu vực điểm mở dải phân cách giữa quốc lộ 5 đoạn xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa 3 xe ôtô khiến quốc lộ 5 ùn tắc kéo dài.

Vào thời điểm trên, xe ôtô đầu kéo mang BKS 34C-240.11 kéo rơ-móoc BKS 34R-024.55 do tài xế Nguyễn Đình H. (SN 1991, trú tại phường An Sinh, thị xã Kinh Môn) điều khiển hướng Hải Phòng - Hà Nội. Khi đi đến km36+800 m, để tránh xe đang quay đầu, anh H. đã phanh gấp khiến xe đầu kéo cùng rơ-móoc xoay ngang sang chiều đường Hà Nội - Hải Phòng và va chạm vào ôtô đầu kéo mang BKS 15H-017.45 kéo theo rơ-móoc BKS 15R-158.20 do tài xế Nguyễn Văn Th. (SN 1987, trú tại xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy, (tỉnh Thái Bình) điều khiển, theo hướng Hà Nội - Hải Phòng.

Hậu quả, cả ba xe ôtô đầu kéo cùng hư hỏng, tổng thiệt hại tài sản khoảng 400 triệu đồng. Xe đầu kéo mang BKS 34C-24011 kéo theo rơ-móoc BKS 34R-02455 hư hỏng nặng nhất, ước thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Cả 2 tài xế H. và Th. bị xây xát nhẹ.

Bước đầu, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân sơ bộ do tài xế Nguyễn Đình H. điều khiển xe ôtô không chú ý quan sát, không giảm tốc độ, không chấp hành biển báo hiệu đường bộ.

Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông, lực lượng CSGT Công an tỉnh Hải Dương đã khẩn trương điều tiết giao thông không để ùn tắc cục bộ kéo dài, khám nghiệm hiện trường và điều tra, làm rõ nguyên nhân.

(Nguồn: Kenh14)

Nam Định: Lúa chết hàng loạt, nông dân lo lắng

Mấy ngày gần đây, nhiều diện tích lúa trên cánh đồng thuộc địa bàn TT.Thịnh Long (H.Hải Hậu, Nam Định) bỗng nhiên héo úa, chết hàng loạt.

Lúa chết hàng loạt, trồng dặm lại vẫn chết

Ngày 15.3, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Trần Thị Khương (trú khu 10, TT.Thịnh Long) cho biết, gia đình bà có hơn gần 270 m2 ruộng. Tính đến sau Tết Nguyên đán Quý Mão, ruộng của bà đã cấy được khoảng 1 tháng, bỗng nhiên diện tích lớn lúa chết hàng loạt.

Ngay sau đó, bà Khương và nhiều hộ dân có lúa chết đã báo với chính quyền xem xét, đồng thời nhổ bỏ lúa đã chết, cày bừa và cấy lại lúa mới. Đến nay, bà Khương đã 2 lần dặm lúa nhưng cây lúa vừa dặm xong vẫn chết vì cây không thể bén rễ.

"Chi phí tiền giống, phân bón, tiền công cày bừa, tiền thuê người cấy của 5 sào ruộng hết hơn 1,5 triệu đồng. Chi phí này không hề nhỏ đối với bà con chúng tôi", bà Khương nói.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, liên quan đến tình hình lúa chết hàng loạt, UBND H.Hải Hậu đã mời cơ quan chuyên môn của tỉnh về phối hợp, xác định nguyên nhân khiến lúa chết diện rộng là do ngộ độc rễ cây và ảnh hưởng của mặn. UBND H.Hải Hậu đã có văn bản về việc tập trung chỉ đạo khắc phục hiện tượng lúa bị ngộ độc sau cấy.

Vị lãnh đạo UBND H.Hải Hậu cho hay, tổng diện tích đất lúa vụ xuân của địa phương này trên 200 ha, trong đó có 70% diện tích bị ảnh hưởng nhiễm mặn. Phần diện tích lúa bị chết phải cấy lại khoảng 30%, tương đương hơn 60 ha.

Lúa chết do không làm tốt quá trình thau, rửa mặn ?

Ngày 16.3, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Định, Phó trưởng Phòng NN-PTNT H.Hải Hậu cho biết: "Nước phục vụ nông nghiệp lấy từ cống Xuân Hương 2, sau đó tưới tiêu cho cánh đồng Tân Hùng (xã Hải Hòa, H.Hải Hậu) và cánh đồng TT.Thịnh Long. Tuy nhiên, đến nay, lúa tại cánh đồng Tân Hùng vẫn xanh, tốt. Do đó, hoài nghi của người dân về nắp cống bị kênh khiến nước mặn chảy vào ruộng là không có cơ sở".

Theo ông Định, nguyên nhân chính khiến lúa chết là do bốc mặn, nghĩa là mặn trong đất tích tụ nhiều năm, năm nay bốc lên. "Theo quy trình, trước khi cấy, cán bộ thủy nông phải lấy nước vào ruộng, sau đó tháo nước ra. Việc làm này phải được thực hiện nhiều lần nhằm mục đích rửa mặn để độ mặn trong đất giảm xuống, sau đó mới thực hiện cấy lúa. Chính quyền huyện chỉ đạo như vậy nhưng tôi không rõ phía thủy nông xã đã thực hiện như thế nào dẫn đến tình trạng này. Nếu thau, rửa nước tốt thì chắc chắn lúa không bị chết như vậy", ông Định nhấn mạnh.

Được biết, hiện vẫn chưa họp các bên liên quan để tìm nguyên nhân và xác định trách nhiệm người liên quan. Chính quyền địa phương đã đặt nhiệm vụ hàng đầu là việc khắc phục đất, để người dân sớm cấy lúa trở lại.

"Ruộng bị nhiễm mặn được xác định độ mặn ở ngưỡng 2,8 - 2,8 phần nghìn, cao hơn gấp nhiều lần so với chỉ số cho phép (tỷ lệ độ mặn dưới 1 phần nghìn). Ngay sau đó, tận dụng con nước lên, xuống, huyện đã tiến hành thau chua, rửa mặn 4 lần liên tiếp. Hiện độ mặn đã về mức an toàn. Trước mắt, việc khắc phục đã hoàn thành. Đây cũng là bài học cần rút kinh nghiệm cho những năm sau bởi đây là lần đầu tiên địa phương gặp phải tình trạng này", ông Lê Văn Định nói.

Theo tìm hiểu của PV, đây là lần đầu tiên địa phương xảy ra tình trạng đất nhiễm mặn, bốc mặn sớm và trên diện rộng. Các năm trước, tình trạng bốc mặn vẫn xảy ra nhưng trên phạm vi hẹp, khoảng vài ba ha.

(Nguồn: Thanh Niên)

Ồn ào ở đám tang, “cạn lời” về văn hóa

(Ảnh minh họa).

Vì like, vì view và vì rất nhiều thứ khác, các streamer có thể làm mọi thứ, chen lấn xô đẩy để livestream, rồi cười đùa rôm rả, hô vang tên nghệ sĩ nổi tiếng đến viếng - bất chấp không khí trang nghiêm, kính cẩn của một tang lễ.

Những ngày qua, dư luận lại bức xúc khi hình ảnh các streamer và cả người hiếu kỳ đã gây náo loạn khi chen lấn, xô đẩy, thậm chí còn trèo lên mộ người đã khuất để livestream, ghi hình nghệ sĩ tại đám tang NSƯT Vũ Linh. Điều đáng nói đây không phải trường hợp cá biệt, rất nhiều đám tang của các nghệ sĩ khác cũng cùng chung cảnh ngộ. Bất kể với lý do gì thì đó đều là những hành vi không thể chấp nhận, không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng, thiếu đồng cảm, sẻ chia nỗi đau với gia đình người đã khuất mà còn là sự vô văn hóa, rất đáng lên án.

Xem ra người dùng mạng xã hội ở nước ta quá dễ dãi, nên những nội dung “rác” như thế này mới có “đất sống”, nếu không muốn nói là mỗi ngày thêm nở rộ. Bằng chứng là các video kiểu này luôn thu hút lượng lớn người xem, từ vài ngàn đến vài chục ngàn thậm chí còn hơn thế, tốc độ lan truyền thì gia tăng một cách chóng mặt. Vì like, vì view và vì rất nhiều thứ khác, các YouTuber, Facebooker, TikToker có thể làm mọi thứ, chen lấn xô đẩy, “dọn chỗ” bất chấp để livestream, rồi cười đùa rôm rả, hô vang tên nghệ sĩ nổi tiếng đến viếng - một sự phấn khích rất vô văn hóa trong không khí trang nghiêm, kính cẩn của một tang lễ. Buồn thay!

Trở lại với lễ tang NSƯT Vũ Linh, trong một clip được đăng tải ngay sau đó, cư dân mạng không khỏi xót xa, phẫn nộ khi chứng kiến cảnh các streamer còn giẫm đạp lên nhiều ngôi mộ xung quanh để "tiện bề" livestream. Như mộ phần của NSƯT Thanh Kim Huệ ở ngay cạnh đó cũng bị hư hại, phần mái trên mộ bị gãy, hỏng... Sự vô cảm, vô văn hóa đến mức bất chấp ấy đã khiến nhiều người phát sợ. Điều này cũng cho thấy sự “lệch chuẩn” trong cách ứng xử của một bộ phận người dân. Một sự thiếu chuẩn mực của hành vi xã hội khi người ta chẳng để ý gì đến cảm xúc, đến hoàn cảnh và những gì đang diễn ra xung quanh, chỉ vì câu like, câu view.

Mới đây, những người yêu nghệ thuật lại chứng kiến sự ra đi của một nghệ sĩ gạo cội - NSND Diệp Lang. Gia đình nghệ sĩ đã không hề giấu giếm khi bày tỏ mong muốn “tang lễ được diễn ra trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh, không có sự hoạt động của đội ngũ YouTuber, TikToker”. Một mong muốn có lẽ khiến bất cứ ai trong chúng ta cũng phải suy ngẫm.

Người Việt ta có câu “không ai chê đám cưới, không ai cười đám tang”, thể hiện nét đẹp của người Việt Nam trong hành vi ứng xử với những hoàn cảnh đặc biệt. Khi nhà người khác có đám tang thì đó là một nỗi đau và mất mát rất lớn, nên việc chúng ta đến chia sẻ hay đơn giản là chúng ta đi ngang qua cũng nên cúi đầu chào vĩnh biệt lần cuối, điều này thể hiện nét văn hóa cũng như hành vi chuẩn mực trong đạo đức của người Việt. Một điều tưởng chừng rất đỗi giản đơn mà giờ xem ra thật quá khó với không ít người.

(Nguồn: VOV2)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang