Ông Nguyễn Xuân Phúc thôi chức Chủ tịch nước; Biến động nhân sự cấp cao; Khởi tố nguyên Cục trưởng Đăng kiểm

TRUNG ƯƠNG ĐỒNG Ý ÔNG NGUYỄN XUÂN PHÚC THÔI CHỨC CHỦ TỊCH NƯỚC

(Ảnh minh hoạ).

Trung ương đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng cá nhân.

Quyết định được Ban Chấp hành Trung ương thống nhất tại cuộc họp bất thường chiều 17/1, sau khi xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Nguyễn Xuân Phúc.

Theo thông cáo phát ngay sau cuộc họp, Trung ương đánh giá ông Nguyễn Xuân Phúc là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị các khóa tín nhiệm phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Trên cương vị Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021, ông đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai Phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hai Phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, hai bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.

"Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu", thông cáo nêu.

Theo Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước đứng đầu Nhà nước, thay mặt đất nước về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, do đó, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình miễn nhiệm Chủ tịch nước với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Nguyễn Xuân Phúc 69 tuổi, quê Quảng Nam, trình độ cử nhân kinh tế. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị ba khóa liên tiếp từ 11 đến 13; Ủy viên Trung ương Đảng bốn khóa liên tiếp từ 10 đến 13; đại biểu Quốc hội bốn khóa 11, 13, 14, 15.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, ông về quê làm cán bộ Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ chuyên viên, phó văn phòng, chánh văn phòng UBND tỉnh, ông làm Giám đốc Sở Du lịch kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị khu du lịch Furama Đà Nẵng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Từ năm 1997 đến 2006, ông làm Phó chủ tịch tỉnh kiêm Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam.

Tháng 3/2006, ông giữ chức Phó tổng Thanh tra Chính phủ, sau đó làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, rồi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Tháng 8/2011, ông được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng, 5 năm sau được Quốc hội bầu làm Thủ tướng.

Tại Đại hội 13 đầu năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong hai "trường hợp đặc biệt" Bộ Chính trị khóa 12 tái cử. Tháng 4/2021, ông Phúc được bầu làm Chủ tịch nước.

Đầu nhiệm kỳ khóa 13, Bộ Chính trị có 18 ủy viên. Sau khi ông Phạm Bình Minh và Nguyễn Xuân Phúc thôi chức, Bộ Chính trị còn 16 ủy viên.

(Nguồn: Vnexpress)

VIỆT NAM: NHÂN SỰ CAO CẤP CHUYỂN ĐỘNG MẠNH TRONG TUẦN TRƯỚC TẾT CON MÈO

Các nguồn tin chính thống ở Việt Nam hôm 16/01/2023 cho biết một loạt vị trí cao cấp trong bộ máy được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản cầm quyền công bố trước Tết Nguyên đán.

Trang web chính phủ cho hay sáng 16/01, Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ, điều động ông Lê Tiến Châu về làm Bí thư Thành ủy Hải phòng.

Buổi họp có tân Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự.

Trước đó, ông Trần Lưu Quang đã rời chức Bí thư Hải Phòng để lên làm Phó Thủ tướng.

Cũng các báo VN cho hay hôm 12/01, ông Mai Văn Tuất được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình, theo sau quyết định của Ban Bí thư TW Đảng CSVN phong ông làm Phó Bí thư tỉnh này.

Sắp xếp lại công việc của ba phó thủ tướng

Sự thăng tiến lên cấp chính phủ của ông Trần Lưu Quang, người cũng có thời gian dài làm lãnh đạo ở Tây Ninh, xảy ra sau khi hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam mất chức Phó Thủ tướng.

Trong cùng một quyết định được Thủ tướng Phạm Minh Chính trình Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm hai nhân sự thay thế các ông Phạm Bình Minh và Võ Đức Đam, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang được QH phê chuẩn bổ nhiệm, thay thế ngay trong một ngày.

Cũng trong mấy tuần đầu năm 2023, trước Tết Quý Mão, chính phủ Việt Nam đã sắp xếp lại nhiệm vụ của dàn phó thủ tướng hiện gồm các ông Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, trong bối cảnh hai vị trước "thôi chức vụ" và một bị bệnh.

Theo trang báo Chính Phủ hôm 16/01 nói về một quyết định của Thủ tướng hôm 15/01 thì ba phó thủ tướng hiện nay đều phải chia sẻ nhiệm vụ của ông Lê Văn Thành trong thời gian ông vắng mặt.

Ví dụ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, bên cạnh nhiều nhiệm vụ khác, còn "chỉ đạo giải quyết công việc liên quan đến thương mại - xuất nhập khẩu, dự trữ và cung ứng nguồn cung xăng dầu, dịch vụ logistics; các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất trong thời gian Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vắng mặt".

Còn Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thì, "làm nhiệm vụ Chủ tịch các Hội đồng, Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo theo lĩnh vực liên quan, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trong thời gian Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vắng mặt".

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thì sẽ "làm nhiệm vụ Chủ tịch các Hội đồng, Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo theo lĩnh vực liên quan, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành..."

Ông Lê Văn Thành được cho là lâm bệnh nặng.

Chia sẻ nhiệm vụ hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam để lại

Trang web chinhphu.vn không nêu rõ ai lo các nhiệm vụ của ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam để lại.

Tuy thế, có thể nhận thấy các nhiệm vụ của họ được chuyển lại cho cả ba vị hiện nay, căn cứ vào một số chức danh.

Ví dụ, ông Trần Lưu Quang sẽ làm nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế. Đây là chức vụ mà ông Phạm Bình Minh nắm, theo báo Nhân Dân hồi 2020.

Còn ông Trần Hồng Hà nay nắm chức Chủ tịch Hội đồng quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực, vị trí từng do ông Vũ Đức Đam nắm trước khi hạ đài.

Các thay đổi nhân sự cao cấp ở Việt Nam thu hút sự chú ý lớn của dư luận trong và ngoài nước.

Có lo ngại rằng việc một nhà ngoại giao nổi tiếng châu Á như ông Phạm Bình Minh ra về, sẽ "để lại khoảng trống trong ngành này", theo The Diplomat gần đây.

Trong khi đó, dư luận Việt Nam tuần giáp Tết Quý Mão lại rộ lên nhiều tin đồn đoán về sự thay đổi cao cấp khác mà họ tin rằng sẽ xảy ra.

Thế nhưng, các báo chính thống tập trung vào việc đưa tin các lãnh đạo cao cấp nhất đi chúc Tết và thăm các địa phương.

Ví dụ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa tới chùa Huê Nghiêm, TP HCM chúc Tết Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính thì đến thăm đồn Biên phòng Tà Lùng, Cao Bằng, theo báo Nhân Dân.

Hôm 11/01, trong chuyến công tác đầu tiên trên cương vị mới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã tới thăm hỏi người dân và công nhân dịp Tết ở tỉnh Khánh Hoà, báo VN cho hay.

Bên lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng một đoàn công tác đã tham dự một chương trình cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức tại tỉnh Lào Cai, còn Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải thăm và chúc Tết ở tỉnh Hòa Bình.

(Nguồn: BBC)

KHỞI TỐ NGUYÊN CỤC TRƯỞNG ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM TRẦN KỲ HÌNH

(Ảnh minh hoạ).

Chiều 17/1, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tổ chức họp báo, thông tin việc khởi tố, bắt giữ thêm ông Trần Kỳ Hình, nguyên Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam.

Chiều 17/1, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tổ chức họp báo thông tin thêm về quá trình điều tra, diễn biến mới vụ án tiêu cực trong ngành đăng kiểm mà dư luận quan tâm.

Thượng tá Trần Văn Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM thông tin, quá trình điều tra vụ án, chiều 17/1, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam ông Trần Kỳ Hình (SN 1961, ngụ TP Hà Nội, nguyên Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam) về tội "Nhận hối lộ".

Theo Thượng tá Hiếu, trong giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 8/2021, ông Hình với vai trò Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam đã trực tiếp và thông qua bị can Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng Kiểm định phương tiện cơ giới) nhận tiền hối lộ của một số Giám đốc Trung tâm đăng kiểm để ký duyệt cấp mã số đăng kiểm và giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, mặc dù các trung tâm đăng kiểm này chưa đủ các điều kiện theo quy định.

Ngoài ra, trong thời gian đảm nhận chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Hình đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, trực tiếp nhận tiền hối lộ định kỳ hàng tháng, hàng quý của các Giám đốc Trung tâm đăng kiểm nhằm bỏ qua sai phạm của các trung tâm này trong việc nhận tiền hối lộ của chủ xe, đối tượng môi giới để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Bắt các đối tượng viết phần mềm chỉnh sửa kết quả kiểm định

Thượng tá Hiếu thông tin thêm, quá trình mở rộng điều tra, khám xét tại Trung tâm đăng kiểm 71-02D ở tỉnh Bến Tre, Công an phát hiện việc các bị can là Phó Giám đốc và Đăng kiểm viên của Trung tâm này sử dụng phần mềm có tính năng đọc và sửa chữa thông số kỹ thuật đối với xe cơ giới, gồm: tốc độ, nồng độ khí thải, tốc độ cầm chừng, tốc độ cực đại, hệ số K... để can thiệp, chỉnh sửa kết quá kiểm định khí thải của xe cơ giới.

Công an xác định, Hoàng Hữu Thịnh (31 tuổi, quê Quảng Bình, nhân viên Trung tâm đăng kiểm 73-02D), Trương Duy Đức (41 tuổi, quê Quảng Bình, nhân viên Trung tâm Đăng kiểm 15-05D), Hồ Ngọc Nam (34 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) và Trần Thế Khánh Hổ (34 tuổi, quê Khánh Hòa, nhân viên kĩ thuật của Công ty TNHH Việt Net) đã bàn bạc thống nhất viết phần mềm để can thiệp trái phép vào cơ sở dữ liệu và chỉnh sửa thông số kiểm định xe cơ giới.

Nhóm này đã bán phần mềm cho một số Trung tâm đăng kiểm (trong đó có Trung tâm đăng kiểm 71-02D) để sử dụng vào mục đích trái pháp luật trong quá trình đăng kiểm xe cơ giới.

Ngày 17/1, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố bị can đối với Hoàng Hữu Thịnh, Trương Duy Đức, Hồ Ngọc Nam, Trần Thế Khánh Hổ về tội “Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”, quy định tại Điều 285, Bộ luật hình sự.

Như đã thông tin, ngày 11/1, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam về tội "Nhận hối lộ".

Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM gồm 3 đơn vị là: Văn phòng Cơ quan CSĐT; Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ phối hợp cùng một số Cơ quan CSĐT Công an cấp huyện gồm: TP Thủ Đức; Quận 12; Bình Tân; Nhà Bè; Củ Chi; Hóc Môn... đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của 89 bị can về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác.

(Nguồn: Vietnamnet)

(Xem thêm:

=> Những đứa trẻ sống mòn trong BV; 2 xe khách va chạm kinh hoàng; 16 ngày chưa rút được cọc bê tông ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang