Nước Đức lại sôi sục: Sở Ngoại kiều không chịu cấp giấp phép cư trú cho chồng, từ chối gia hạn tạm dung cho vợ con ông Phạm Phi Sơn

Truyền thông Đức sôi sục trước các quyết định của Sở Ngoại kiều đối với quyền cư trú của gia đình ông Phạm Phi Sơn. Nhiều tờ báo bức xúc: Mặc dù chưa phải là quyết định cuối cùng, nhưng cơ hội cho gia đình ông Phạm Phi Sơn ở lại Chemnitz đang biến mất. Nguy cơ gia đình mất quyền ở lại Đức đã lên đỉnh điểm, khi Sở Ngoại kiều Chemnitz một mặt từ chối xét cấp quyền ở lại cho ông, và tìm cách đẩy trách nhiệm sang cho Ủy ban cứu xét, mặt khác ép vợ con ông vào ngõ cụt, phải rời khỏi Đức, bằng cách từ chối gia hạn tạm dung, rồi khuyên nên tự nguyện về nước. Biện pháp đe dọa trục xuất chưa bao giờ gay gắt đến thế. Cách xử lí đó đã gây chấn động nước Đức, bức xúc dư luận, thu hút ngày càng đông người dân khắp Liên bang chú ý, ủng hộ quyền ở lại cho gia đình ông. Tới nay đã có hơn 100.000 người ký vào bản kiến nghị cứu xét cho gia đình ông Phạm Phi Sơn do Hiệp hội ủng hộ người tị nạn tiểu bang Sachsen phát động trực tuyến.

Viện cớ phi lí hôn nhân không được công nhận ở Đức

Lý do cho cách xử lí tréo ngoe, gia hạn tạm dung cho chồng, nhưng từ chối đối với vợ con ông, được Sở ngoại kiều đưa ra bằng chứng là hai vợ chồng không có giấy kết hôn. Trong khi thực tế là cả hai chung sống cùng nhau thành một hộ gia đình, sinh và nuôi con gái tới nay đã 6 năm. Theo luật Đức được gọi là hộ gia đình không hôn thú.

Nữ luật sư bảo vệ thân chủ gia đình ông Pham Phi Sơn đã nộp đơn phản đối việc từ chối cấp tạm dung. Ngoài ra, cùng với Hiệp hội giúp đỡ người tị nạn tiểu bang Sachsen, nữ luật sư đang chuẩn bị cho việc đệ đơn cứu xét lên Ủy ban Cứu xét lần thứ 3. Ông Schmidtke nói: Chúng tôi hy vọng mọi vấn đề sẽ được làm rõ và sẽ tìm tất cả mọi biện pháp như có thể.

Tóm tắt trường hợp từ chối quyền ở lại cho gia đình ông Phạm Phi Sơn

Ông từ Việt Nam sang CHDC Đức năm 1987 với tư cách là lao động hợp đồng. Từ năm 2011, ông được cấp phép cư trú vô thời hạn. Năm năm sau, khi trở về Việt Nam ông đã ở lại Việt Nam tới 9 tháng vi phạm quy định ra khỏi Đức chỉ được phép không quá 6 tháng. Tuy nhiên mãi 3 năm sau, Sở Ngoại kiều Chemnitz mới phát hiện được sai phạm trên, và đã thu hồi giấy phép cư trú của ông. Ông Phạm Phi Sơn đệ đơn ra Tòa chống lại, nhưng bị xử thua. Rốt cuộc ông đệ đơn tới Ủy ban Cứu xét tiểu bang vào năm 2018 và một lần nữa vào tháng 2 năm 2023 đều bị từ chối. Vụ việc đã gây xôn xao nước Đức. Trong một đơn kiến nghị tập thể gửi Ủy ban Cứu xét, đòi quyền ở lại cho gia đình đã thu hút hơn 100.000 người kí tên ủng hộ.

Hiện gia đình ông Phạm Phi Sơn đang chịu rất nhiều căng thẳng về tinh thần. Người vợ hầu như không thể ngủ.

Ông Schmidtke muốn thấy những nỗ lực của gia đình trong những tháng gần đây cần được chính quyền ghi nhận tích cực, bởi ông Phạm Phi Sơn và vợ đã vượt qua kỳ thi tiếng Đức và đã được tuyển dụng làm việc lâu dài tại một điểm cấp đồ ăn sẵn tại Limbach-Oberfrohna. Con gái sẽ bắt đầu đi học vào mùa hè này.

Hội đồng tị nạn không loại trừ khả năng phát động cộng đồng biểu tình phản đối

Nếu quá trình pháp lý không mang lại giải pháp, Schmidtke không loại trừ một cuộc biểu tình công khai. Ông nói: Chúng tôi nhận được rất nhiều lá thư phẫn nộ từ người dân, họ không hiểu nổi tại sao gia đình ông Phạm Phi Sơn lại bị đối xử như vậy.

Các đảng phái trong hội đồng thành phố phẫn nộ

Nhóm nghị sĩ Die Linke trong hội đồng thành phố Chemnitz thể hiện tức giận bởi cách xử lí như trên. Hai ủy viên hội đồng thành phố Klaus Bartl và Carolin Juler nói: Đối với chúng tôi, thật không thể hiểu được tại sao Sở Ngoại kiều lại thực hiện kế hoạch 'mới' này, sau khi gia đình ông Phạm đã tuân thủ các yêu cầu đòi hỏi về bằng chứng hòa nhập trong những tháng gần đây. Bây giờ còn tìm cách tách một gia đình trong căn hộ chung là thái quá và hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Đảng SPD Chemnitz: Gia đình này thuộc cư dân Chemnitz

SPD Chemnitz cũng thể hiện bất bình. Attila Bihari, Ủy viên điều hành đảng SPD Chemnitz và là thành viên của ban nhập cư thành phố Chemnitz cho biết: Do quyết định mới, gia đình ông Phạm Phi Sơn hiện đang bị đe dọa chia cắt với nhau. Gia đình đã sống với nhau được sáu năm. Con gái Emilia một đứa trẻ sinh ra ở Đức bị từ chối nhập học. Chúng tôi thật sửng sốt. Tôi hy vọng Sở Ngoại kiều sẽ sử dụng quyền áp dụng pháp lý của mình và Ủy ban Cứu xét Sachsen sử dụng khả năng can thiệp của mình. Còn Renata Marwege, đồng chủ tịch SPD Chemnitz nói thêm: Đối với chúng tôi, có một điều chắc chắn là gia đình này thuộc về Chemnitz, tất cả cùng nhau.

Hơn 100.000 người ký tên thỉnh nguyện

Sự ủng hộ cho gia đình ông Phạm Phi Sơn trên toàn Liên bang vẫn tiếp tục không hề suy giảm. Có hơn 103.000 người, trong đó nhiều người ngoài tiểu bang như ở Hamburg, Ludwigshafen và Cloppenburg đã ký một bản kiến nghị chống lại việc trục xuất gửi đến Bộ trưởng Nội vụ Sachsen Schuster, Thủ hiến Kretschmer, Sở Ngoại kiều và Ủy ban Cứu xét Sachsen.

Đức Việt Online


Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang