
Quốc tịch Đức có thể được cấp thông qua việc công nhận quan hệ cha con một cách không đúng đối với trẻ em nước ngoài nhận cha đẻ ở Đức, hoặc ngược lại nhận con với cha Đức để mẹ được ở lại Đức. Để ngăn chặn điều đó hiệu quả hơn, Chính phủ Liên bang đã thông qua dự thảo luật tương ứng.
Hợp tác với sở ngoại kiều và quy phạm chống cha giả
Quan hệ cha con giả từ trước tới nay đã bị luật cấm. Giờ đây Chính phủ Liên bang muốn hành động chặt chẽ hơn đối với quan hệ cha con giả để đảm bảo chặt chẽ về quyền cư trú, nhập quốc tịch. Nội các vừa thông qua dự thảo luật tương ứng do Bộ Nội vụ Liên bang và Bộ Tư pháp Liên bang dự thảo. Đối tượng áp dụng là những trường hợp đàn ông thừa nhận quan hệ cha con đối với một đứa trẻ nước ngoài mà họ không có mối liên hệ sinh học (cha ruột) hoặc xã hội nào (cha nuôi). Sự công nhận này có mục đích đảm bảo quyền cư trú cho người không được hưởng quyền đó, đặc biệt nhờ đứa trẻ có được quốc tịch Đức mà mẹ của nó được cư trú, nhập quốc tịch Đức. Đổi lại, thông thường người cha được trả tiền.
Những đề xuất thắt chặt giám sát quan hệ cha con bị bác bỏ
Xưa nay, quan hệ cha con giả rõ ràng đã bị cấm, nhưng theo các bộ có trách nhiệm, chính quyền hiện đang gặp khó khăn trong việc thực thi có hiệu quả chống lại nó. Năm 2008, cơ quan lập pháp đã hai lần cố gắng ngăn chặn tình trạng cha giả. Tòa án Hiến pháp Liên bang đã hủy bỏ cuộc cải cách đầu tiên vì những khó khăn đối với trẻ em, kết quả là những đứa trẻ có thể trở thành người không quốc tịch, không có quyền cư trú.
Cuộc cải cách lần hai, trong đó các công chứng viên và văn phòng phúc lợi thanh thiếu niên được yêu cầu báo cáo các trường hợp nghi ngờ lạm dụng quan hệ cha con cho cơ quan ngoại kiều, nhưng không tác dụng. Bởi các trường hợp lạm dụng thường chỉ được phát hiện muộn, nếu có. Theo Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, điều này là do các công chứng viên và văn phòng phúc lợi thanh thiếu niên không có bất kỳ thông tin nào có thể khiến họ nghi ngờ. Tuy nhiên, việc điều chỉnh sau đó không thể thực hiện được nữa.
Cơ quan ngoại kiều cùng quyết định
Dự thảo luật do Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Nancy Faeser (SPD) và Bộ trưởng Tư pháp Marco Buschmann (FDP) soạn thảo, quy định rằng trong tương lai các cơ quan ngoại kiều phải đồng ý trước khi đăng ký quan hệ cha con nếu có sự khác biệt về cư trú giữa cả cha lẫn mẹ, ví dụ cha là công dân Đức, nhưng mẹ không có giấy phép cư trú chính thức ở Đức. Nếu cơ quan quản lý nhập cư không đồng ý, cơ quan hôn thú Standesamt sẽ từ chối việc ghi tên người cha trên giấy khai sinh của người con.
Nếu người đàn ông có thể chứng minh quan hệ cha con sinh học của mình thì việc kiểm tra khả năng bị lạm dụng không còn cần thiết nữa. Nếu có dấu hiệu rõ ràng cho thấy người đàn ông đang chịu trách nhiệm về đứa trẻ chẳng hạn đã sống với mẹ của đứa trẻ hơn sáu tháng, thì cơ quan quản lý nhập cư thường phải coi người này là cha ruột. Trong vòng thời hạn 5 năm, nếu việc công nhận cha con thành công, nhưng sau đó phát hiện không đúng cha ruột, thì có thể rút lại chứng nhận quan hệ cha con. Hành vi giả mạo trên sẽ bị phạt hình sự.
Số trường hợp cha giả không được báo cáo cao hơn đáng kể
Theo thống kê của Chính phủ Liên bang, cơ quan ngoại kiều đã xử lý tổng cộng 1.769 trường hợp nghi ngờ cha giả từ năm 2018 đến năm 2021 và xác định được 290 trường hợp sai. Dư luận cho rằng trên thực tế có lẽ nhiều hơn đáng kể. Dự thảo đang chờ Hạ viện thông qua.
Đức Việt Online
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá