TRI ÂN NGƯỜI GÌN GIỮ TIẾNG VIỆT TẠI SÉC
Mới đây, Lễ Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại Séc đã được tổ chức.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đánh giá cao sự hưởng ứng tích cực đối với buổi Lễ Tôn vinh tiếng Việt của nhiều thế hệ bà con người Việt tại Séc.
Cùng chung nhận thức “Tiếng Việt còn – Dân tộc còn”, Thứ trưởng rất vui mừng khi các con em người Việt thế hệ thứ 2-3-4 tại Séc vẫn yêu thích và mong muốn được học tiếng Việt. Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí tổ chức lớp, tài liệu giảng dạy, Thứ trưởng rất tự hào và trân trọng những đóng góp thầm lặng của những “nhà giáo nhân dân” và những mạnh thường quân trong việc duy trì các lớp dạy và học tiếng Việt rất nhiều năm qua.
Thứ trưởng cũng chia sẻ những câu chuyện cảm động về các thầy, cô giáo tình nguyện dạy tiếng Việt tại những lớp tiếng Việt với điều kiện còn rất khó khăn ở nhiều nơi trên thế giới, khẳng định đó là tình cảm, trách nhiệm và sự đam mê, là tình yêu với dân tộc, quê hương, đất nước nhằm bảo tồn, gìn giữ tiếng Việt – “tiếng mẹ đẻ”.
Thứ trưởng nhấn mạnh buổi Lễ ngày không chỉ nhằm Tôn vinh tiếng Việt mà còn là dịp để tri ân các tổ chức và cá nhân, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh vẫn luôn nỗ lực trong việc gìn giữ tiếng Việt - tài sản vô giá của dân tộc bằng cả trái tim hướng về quê hương, đất nước. Khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng người Việt trên toàn thế giới trong các hoạt động Tôn vinh tiếng Việt, Thứ trưởng mong muốn bà con, với cả tình yêu và trách nhiệm, sẽ tiếp tục các nỗ lực bảo tồn, gìn giữ tiếng Việt – hồn cốt của dân tộc trong nhiều thế hệ tới.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Dương Hoài Nam tin tưởng rằng các hoạt động đa dạng của Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong CĐNVNONN sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy công tác dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài. Đồng thời khẳng định đây là hoạt động quan trọng, có ý nghĩa động viên rất to lớn đối với cộng đồng người Việt tại Séc nhằm duy trì, phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Séc.
Đại sứ nhấn mạnh Đại sứ quán sẽ tích cực hỗ trợ, đồng hành, khuyến khích cộng đồng duy trì bản sắc văn hóa, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa phong trào dạy và học tiếng Việt - chất keo gắn kết cộng đồng với quê hương, qua đó giúp xây dựng cộng đồng người Việt ngày càng đoàn kết, giữ gìn truyền thống, luôn hướng về quê hương, đất nước.
Đáp lại lời cảm ơn và lời đề nghị của Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng trong việc tiếp tục phối hợp cùng Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong các hoạt động Tôn vinh tiếng Việt, ông Phạm Vĩnh Thái, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong các chương trình xây dựng Tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng giảng dạy tiếng Việt cho các giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài trong thời gian tới.
Ông cũng khẳng định NXBGDVN sẽ tiếp tục phối hợp với UBNNVNVNONN trong việc cung cấp sách tiếng Việt cho bà con NVNONN, nhân rộng mô hình các lớp tập huấn cho giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài, cũng như sẵn sàng phối hợp với bà con trong việc nghiên cứu, biên soạn các bộ sách dạy tiếng Việt nhằm phù hợp với ngôn ngữ, đặc thù của cộng đồng sở tại.
Đại diện các cháu học sinh người Việt thế hệ thứ 2,3,4 tại Séc, em Hoàng Phương Linh – là sinh viên xuất sắc năm thứ 2 Đại học Charles Praha, Uỷ viên ban chấp hành Hội sinh viên VN tại Séc chia sẻ những trải nghiệm cá nhân khi tham gia chương trình “Trại hè Việt Nam” do UBNNVNVNONN tổ chức, giúp kết nối các bạn trẻ người Việt, gốc Việt trên toàn thế giới, hiểu hơn về nguồn gốc, văn hoá, lịch sử Việt Nam; cảm ơn Nhà nước Việt Nam rất quan tâm khuyến khích việc dạy và học tiếng Việt vì tiếng Việt là cội nguồn văn hoá của mỗi dân tộc, mong muốn các hoạt động này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa.
Đại diện các thầy, cô giáo dạy tiếng Việt, thầy Nguyễn Văn Sơn, cô Nguyễn Hồng Nhung – Trung tâm tiếng Việt Praha, cô Nguyễn Thị Mận – Trung tâm tiếng Việt Karlo, đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tiếng Việt trong cộng đồng, là cầu nối để bà còn kết nối với cộng đồng trong nước; chia sẻ những khó khăn về kinh phí duy trì lớp học, giáo trình dạy học thiếu và chưa phù hợp. Các thầy cô cũng mong muốn được quan tâm, hỗ trợ phần nào về thu nhập để có thể tiếp tục đam mê trong sự nghiệp giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hoá dân tộc. Ngoài ra cũng đề xuất Nhà nước hỗ trợ việc chuyển đổi số trong cách thức dạy tiếng Việt, hỗ trợ tập huấn giảng dạy, xây dựng tủ sách ở địa phương.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã trao 5 Kỷ niệm chương tri ân, quà tặng cho các tập thể và cá nhân, các giáo viên và học sinh đã có thành tích xuất sắc trong việc dạy và học tiếng Việt tại Séc.
Cũng tại buổi Lễ, Thứ trưởng cùng Đại sứ Dương Hoài Nam, ông Phạm Vĩnh Thái, đại diện các Hội, đoàn Trung ương, địa phương của Séc và các đại biểu đã khai trương Tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng. Việc tổ chức Lễ tôn vinh tiếng Việt (trong đó có hoạt động Tri ân và xây dựng Tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng) là hoạt động trong khuôn khổ Đề án Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023-2030, do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022.
4 QUÁN ĂN ĐƯỜNG PHỐ VIỆT NỔI TIẾNG Ở NƯỚC NGOÀI

Người Việt ở nước ngoài giới thiệu đến du khách thế giới những món ăn bình dân như bún đậu mắm tôm, bánh mì và được đón nhận nhiệt tình.
Ẩm thực Việt ngày càng có chỗ đứng trên bản đồ ẩm thực thế giới với nhiều món ăn được biết đến bên cạnh những cái tên quen thuộc như phở hay bánh mì. Những quán ăn do người Việt mở ở các nước trên thế giới được biết đến rộng rãi. Dưới đây là 4 địa chỉ ẩm thực do người Việt ở nước ngoài mở, thu hút khách, từng xuất hiện trong các bài viết do VnExpress giới thiệu và thu hút người quan tâm trên một số nền tảng mạng xã hội.
Bún đậu mắm tôm ở New York, Mỹ
Mắm NYC là quán bún đậu mắm tôm do chị Nhung Đào và chồng là đầu bếp Mỹ Jerald Head mở từ năm 2020 ở khu Chinatown, quận Manhattan. Từ cửa hàng nhỏ theo mô hình pop-up (cửa hàng thời vụ), vợ chồng chị Nhung đã gây dựng "đứa con tinh thần" thành nhà hàng nhỏ luôn kín khách nơi sầm uất bậc nhất nước Mỹ.
Năm 2023, Mắm NYC được NY Times xếp hạng 26 trong danh sách 100 nhà hàng ngon nhất thành phố New York.
Nhà hàng có khu vực ngồi trong nhà và dãy bàn ở vỉa hè với bàn ghế nhựa màu xanh giống các quán ăn bình dân ở Việt Nam. Bún đậu được bày biện trên chiếc mẹt đan tre, bên dưới lót lá chuối. Mỗi suất đặc biệt có giá 32 USD, gồm bún, đậu rán, chả cốm, lòng nướng, dồi luộc, thịt lợn và mắm tôm kèm nhiều loại rau thơm. Mắm tôm được pha với đường, nước cốt chanh và ớt Thái.
Ông chủ Jerald cho hay quán có quy mô nhỏ, lượng khách đông nên luôn trong tình trạng quá tải, nhiều khi khách phải ra về vì hết đồ. Khách thường phải đặt trước và xếp hàng chờ bên ngoài tối thiểu 30 phút. Hiện, nhà hàng bán trung bình khoảng 100 suất bún thập cẩm, 30 kg đậu phụ tươi mỗi ngày.
Nhiều người Mỹ tới Mắm NYC để ăn thử món độc đáo này. Đối với những khách hàng lần đầu trải nghiệm, chủ nhà hàng đều giới thiệu mắm tôm "nặng mùi và khó ăn nhưng là hồn cốt của món bún đậu".
Xe nước mía ở Cheongju, Hàn Quốc
Địa điểm này từng gây chú ý mạng xã hội nhờ một đoạn video người dân xếp hàng chờ mua nước mía ở Hàn Quốc đăng tải trên TikTok, thu hút gần ba triệu lượt xem. Người chia sẻ là chủ quán Huỳnh Chơn Phương, 33 tuổi, quê ở Cà Mau, đang sinh sống tại thành phố Cheongju, tỉnh Chungcheongbuk-do, Hàn Quốc.
Chia sẻ với VnExpress, chị Phương cho hay đoạn video gây sốt mạng xã hội do chị đăng tải từ năm 2023. Xe nước mía là công việc kinh doanh thêm nhưng "không ngờ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ mọi người", chị Phương nói.
Chị cho biết mỗi ly nước mía có giá 5.000 won (khoảng 90.000 đồng). Do điều kiện khí hậu, ở Hàn Quốc khó trồng mía, chị Phương phải nhập từ Việt Nam với phí khoảng 40.000 đồng mỗi kg.
Quán hiện ép mỗi ngày hơn 400 kg mía, lúc cao điểm lên đến hơn 600 kg. Thức uống bình dân này thu hút cả người Hàn và người Việt ghé mua.
Xe cà phê muối ở Phần Lan
Na Uy, 17 tuổi và hai người bạn Phùng Gia Phút và Phạm Minh Quân, đều là du học sinh tại Phần Lan, chung tay mở một xe cà phê muối di động nơi xứ người từ cuối tháng 10 năm 2023.
Na Uy cho biết sau khi ở Phần Lan vài tháng, cậu nhận ra người địa phương chuộng uống cà phê nhưng chỉ có loại đóng chai hoặc pha máy, vị rất nhạt và gần như không có hương, nếu có thể "phổ cập" cà phê Việt chắc chắn sẽ thành công.
Với ba chiếc phin mang từ Việt Nam sang, cà phê Việt mua ở chợ châu Á, bàn ghế cũ lấy từ nhà kho, vẽ thêm biển hiệu bằng tiếng Phần Lan, tiếng Anh, tiếng Việt, ba chàng trai Uy, Phát và Quân có ngày bán hàng đầu tiên trước cửa siêu thị cách nhà 500 m. Những ngày đầu mở cửa, xe cà phê lác đác 6-7 khách. Sau hai tuần, quán đã có khách quen, xe cà phê của ba chàng Việt xuất hiện nhiều trên các nền tảng mạng xã hội, bán được 30 cốc mỗi ngày.
Hiện, xe cà phê phục vụ khoảng 40 cốc vào ngày cao điểm, vượt mong đợi so với dự tính ban đầu của Uy, Phát và Quân. Xe cà phê chỉ phục vụ từ 11h đến 15h vì đây là khung giờ mọi người ra đường nhiều. Mỗi cốc cà phê muối giá 2 euro (53.000 đồng), cà phê sữa 1,8 euro (47.000 đồng) và cà phê đen 1,5 euro (39 nghìn đồng).
Xe bánh mì ở Nhật
Anh Nguyễn Huy Phước, 35 tuổi, quê Đà Nẵng, bắt đầu khởi nghiệp với những chiếc bánh mì Việt đầu tiên ở ngoại ô Tokyo từ năm 2018. Sau 6 năm, vợ chồng anh đã mở rộng xe bán bánh mì lưu động tại 8 tỉnh thành ở xứ Mặt Trời mọc. Trong một bài phỏng vấn với VnExpress vào tháng 8 năm 2023, anh Phước chia sẻ thời mới bán hàng, khách đến nhìn rồi bỏ đi, vợ chồng Phước phải ăn bánh mì trừ bữa nhưng 5 năm sau, có ngày họ bán được 1.000 chiếc.
Vợ chồng anh Phước quyết định bán bánh mì kẹp thịt kiểu Việt bởi tính tiện lợi, khách thuận tiện mua mang đi. Với số vốn ban đầu 100 man (khoảng 215 triệu đồng), anh tìm nơi thiết kế cải tạo ôtô tải cũ thành xe bán hàng cũng như tìm điểm đứng bán. Anh Phước cho biết ở Nhật mỗi thành phố có những quy định riêng về giấy phép kinh doanh, an toàn thực phẩm, cũng như quy cách về xe lưu động nên vợ chồng mất vài tháng chuẩn bị.
Anh Phước cho hay các ngoài các nguyên liệu tươi như thịt gà, thịt lợn, gan làm pate, hầu hết gia vị khác đều phải nhập từ Việt Nam. Việc tìm nơi sản xuất bánh mì Việt trên đất Nhật cũng không dễ dàng. Người Nhật quen ăn bánh mì vỏ cứng ruột đặc, không giống bánh mì Việt vỏ mỏng giòn, ruột xốp. Hương vị nhân bánh mì cũng được điều chỉnh phù hợp với sở thích ăn ngọt, mùi vị thanh nhẹ của người Nhật.
Những ngày đầu, xe bánh mì của anh Phước bán trung bình 20-30 bánh, hiện tăng lên 50-60 bánh mỗi ngày. Mỗi xe lưu động chỉ bán ba tiếng ăn trưa, từ 11h đến 14h, thực đơn thêm cơm với topping tương tự bánh mì.
NAM THANH NIÊN NGƯỜI VIỆT LÀM TÌNH NGUYỆN VIÊN CHO ĐỘI CỨU HỎA TẠI NHẬT
Với tình trạng khó khăn trong việc tuyển tình nguyện viên, một thành phố ở tỉnh Nagano, Nhật Bản đã quyết định tuyển thêm tình nguyện viên là người nước ngoài. Một sinh viên đại học 21 tuổi và một tình nguyện viên Việt Nam 28 tuổi đã gia nhập đội Cứu hỏa thành phố. Họ hy vọng sẽ trở thành một lực lượng mới có giá trị.
Họ là Shiraishi Yosuke (21 tuổi), sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Khoa học Suwa Tokyo, và Trần Văn Lương (?) (28 tuổi), quốc tịch Việt Nam đang làm việc tại một công ty trong thành phố. Cả hai đều tình nguyện phục vụ trong sở cứu hỏa và mới được bổ nhiệm gần đây. Đây là lần đầu tiên sở cứu hỏa thành phố có sinh viên đại học và người nước ngoài làm thành viên.
Anh Shiraishi Yosuke nói: “Tôi tham gia đội vì ngưỡng mộ nghề lính cứu hỏa. Tôi muốn cống hiến hết mình để đóng góp cho cộng đồng”.
Anh Trần Văn Lương cũng phát biểu: “Tôi tham gia để bảo vệ gia đình mình và những người xung quanh. Tôi nghĩ bộ đồng phục này rất ngầu và tôi muốn làm việc chăm chỉ hơn.”
Vào thời điểm việc tuyển dụng thành viên ngày càng khó khăn do các yếu tố như tỷ lệ sinh giảm, sở cứu hỏa mong muốn lực lượng tình nguyện mới này sẽ phục vụ cộng đồng tốt hơn.
Đội cứu hỏa Thành phố Chino, đại diện là ông Nagamine Tsuyoshi nói rằng: “Tôi hy vọng mọi người sẽ tiếp tục tiến về phía trước và dành thời gian làm công việc tình nguyện để giúp đỡ chúng tôi. Nếu hoạt động này được lan tỏa thì đội cứu hỏa sẽ có thể thực hiện được những hoạt động ý nghĩa.”
Cả hai sẽ tiếp tục được đào tạo để học cách sử dụng thiết bị chữa cháy.
Nguồn: Thời Đại; Vnexpress; LocoBee
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá