Mỹ: Bão tuyết tấn công; Chi 10,8 tỷ đô cho Black Friday; Tham vọng siêu cường bitcoin; Bán vũ khí cho Đài Loan; Trump đe dọa BRICS

BÃO TUYẾT TẤN CÔNG NƯỚC MỸ

Khối không khí lạnh từ Bắc Cực tràn xuống đang gây ra đợt giá rét ảnh hưởng hầu hết lục địa nước Mỹ trong cuối tuần này, trong đó một số vùng miền bắc và đông bắc hứng chịu đợt bão tuyết giữa mùa đi lại cao điểm nhất trong năm.

Theo Cơ quan Hàng không liên bang, từ ngày 24 - 28.11 có hơn 232.000 chuyến bay tại Mỹ, mức cao kỷ lục trong mùa Lễ Tạ ơn.

Dữ liệu từ trang Weather.com cho thấy tính đến sáng 30.11, nhiệt độ dưới mức đóng băng bao trùm khu vực của khoảng 196 triệu người Mỹ. Đối với hàng triệu người sống ở các bang dọc theo hành lang Xa lộ liên tiểu bang 95 ở bờ đông, đây là đợt không khí mở đầu mùa đông lạnh nhất trong nhiều năm. Dịch vụ Thời tiết quốc gia (NWS) cho biết nhiều vùng ở phía bắc vùng Đại bình nguyên và Trung Tây của Mỹ có nhiệt độ dưới mức đóng băng, trong khi một số khu vực ở bang Bắc Dakota có gió lạnh đến âm 40 độ C.

Các nhà khí tượng cảnh báo khẩn cấp về gió lạnh nguy hiểm tại Bắc Dakota và Alaska trong hai ngày 29 - 30.11, nhiệt độ có thể khiến da bị bỏng lạnh trong chỉ 10 phút, tờ USA Today đưa tin. Cảnh sát bang Michigan kêu gọi người dân lái xe cẩn thận vì đường trơn trượt dù tuyết rơi không quá dày. Chính quyền TP.Erie ở bang Pennsylvania ban bố tình trạng khẩn cấp về tuyết rơi vào hôm 29.11 và kêu gọi người dân hạn chế ra đường trong khi khu vực được dự báo hứng lượng tuyết dày đến 1,2 m trong cuối tuần này.

Thống đốc Kathy Hochul của bang New York cũng ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 29.11 tại 11 địa hạt vì đợt bão tuyết lần này. Dự báo đến đầu tuần sau, một số khu vực ở New York có lượng tuyết rơi dày đến 1,8 m.

Trong cuối tuần này, khối không khí lạnh sẽ tiếp tục tràn xuống miền nam và miền đông, khiến nhiệt độ giảm gần mức 0 độ C ở các bang Texas lẫn Florida. Theo Đài ABC News, hơn 13 triệu người ở miền nam Mỹ đang bị đặt trong tình trạng cảnh báo giá rét. Dự báo, khoảng 70% nước Mỹ sẽ có nhiệt độ dưới 0 độ C trong vài ngày tới.

 

 

NGƯỜI MỸ CHI GẦN 10,8 TỶ USD DỊP BLACK FRIDAY

Theo dữ liệu cập nhật của Adobe Analytics, người dân Mỹ đã chi gần 10,8 tỷ USD mua sắm trên mạng trong dịp Black Friday năm nay, tăng 10,2% so với năm ngoái.

Black Friday, ngày sau Lễ Tạ ơn, đã chính thức mở màn mùa mùa sắm cuối năm và các cửa hàng, siêu thị ở Mỹ bắt đầu đẩy mạnh cạnh tranh bằng cách hạ giá để thu hút khách hàng.

Do người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hình thức mua sắm qua mạng, các "đại gia" bán lẻ, như Amazon hay Walmart, đã "hốt bạc" nhờ áp dụng những chính sách mới. Với 4.700 chi nhánh khắp nước Mỹ, những năm gần đây, Walmart đầu tư mạnh vào việc giao hàng tận nhà cho khách vào mùa lễ cuối năm để tăng doanh số.

Theo Adobe Analytics, mặt hàng được mua nhiều nhất trên mạng trong ngày Black Friday vừa qua là mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da và tóc, loa kết nối bluetooth và máy pha cà phê. Doanh số đồ chơi bán qua mạng tăng 622% so với doanh số trung bình thường ngày hồi tháng 10, còn doanh số đồ trang sức tăng 561% và đồ gia dụng tăng 476%.

Bên cạnh đó, doanh số của các hệ thống siêu thị lớn, như Macy’s, Kohl’s và Target, được dự báo có thể giảm trong mùa lễ năm nay, do thời gian ngắn hơn những năm trước, khi chỉ có 26 ngày từ Lễ Tạ ơn tới Lễ Giáng sinh.

Trong dịp Black Friday 2023, người Mỹ đã chi 9,8 tỷ USD mua sắm trên mạng, trong khi con số này của năm 2022 là 9,1 tỷ USD.

Ngày hội mua sắm Black Friday (Ngày thứ Sáu Đen) 2024 đã trở thành điểm hẹn không thể bỏ lỡ đối với tín đồ mua sắm khắp nơi, trong khi những doanh nghiệp bán lẻ ở Mỹ và châu Âu chuẩn bị hàng loạt ưu đãi hấp dẫn. Từ những sản phẩm độc quyền như sách về tour diễn của ngôi sao ca nhạc Taylor Swift chỉ có tại các cửa hàng của Target với giá 39,99 USD, đến chiếc áo khoác phao hiệu Jessica Simpson giảm từ 84,99 USD xuống còn 50,99 USD tại Walmart, mùa mua sắm năm nay hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội hấp dẫn cho người tiêu dùng.

Năm nay, các nhà bán lẻ có một mùa mua sắm ngắn hơn, với chỉ 26 ngày giữa Lễ Tạ ơn (năm nay là ngày 28/11) và Giáng sinh (25/12) - ít hơn 5 ngày so với năm ngoái. Mặc dù vậy, các cửa hàng từ Mỹ đến châu Âu vẫn mở cửa sớm hơn bao giờ hết. Một số cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Mỹ, như Walmart và Target, đã mở bán bắt đầu từ 6 giờ sáng của ngày Black Friday (29/11), thậm chí J.C. Penney còn mở cửa từ 5 giờ sáng cùng ngày để mời gọi khách hàng.

Trong khi đó, ở Vương quốc Anh, chuỗi cửa hàng bách hóa John Lewis gây ấn tượng mạnh khi giảm giá lên đến 300 bảng Anh (khoảng 380 USD) cho các sản phẩm đình đám như máy thu hình (TV) của Samsung, máy pha cà phê Nespresso và các món đồ của "gã khổng lồ" công nghệ Apple. Những sản phẩm khác đang được giảm giá mạnh ở châu Âu là máy hút bụi không dây Shark, máy ảnh Polaroid, bếp nướng bánh pizza và máy giặt. Các cửa hàng điện tử nổi tiếng tại Anh như Currys cũng không kém cạnh khi giảm giá sâu cho nhiều món đồ gia dụng và điện tử.

Bên cạnh những sản phẩm giảm giá, Walmart và Target còn cung cấp các hàng hóa độc quyền để thu hút khách hàng. Các mặt hàng giảm giá bao gồm TV Samsung, máy hút bụi Dyson, những bộ xếp hình Lego, đồ chơi Hot Wheels và quần jeans Levi's. Đáng chú ý là những ưu đãi của Target bắt đầu từ ngày Lễ Tạ ơn và kéo dài suốt cuối tuần, với mức giảm lên đến 50% cho các sản phẩm như búp bê Barbie, máy pha cà phê Keurig và máy trộn bột KitchenAid.

Mặc dù vậy, giữa sức ép lạm phát và thói quen mua sắm thay đổi sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng hiện nay trở nên cẩn trọng hơn trong việc chi tiêu. Điều này khiến Black Friday mất đi phần nào sự hấp dẫn của ngày hội mua sắm đình đám nhất trong năm, khi nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến thay vì đến các cửa hàng truyền thống. Dù vậy, các nhà bán lẻ không ngừng sáng tạo để thu hút khách hàng, với những chuỗi cửa hàng lớn như Best Buy và Nordstrom đang giới thiệu các trải nghiệm tương tác đặc biệt, từ kính thực tế ảo Ray-Ban, TV siêu lớn đến những dịch vụ chăm sóc và làm đẹp cơ thể (spa) ở cửa hàng.

Với thời gian mua sắm ngắn hơn, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm ngẫu hứng hơn, điều này được các chuyên gia nhận định là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong mùa lễ hội. Dù đối mặt với nhiều thách thức, Black Friday 2024 vẫn là cơ hội vàng cho những người yêu thích mua sắm, khi hàng loạt sản phẩm giảm giá và ưu đãi hấp dẫn đang chờ đón. Các nhà bán lẻ hy vọng rằng, dù thời gian mua sắm bị rút ngắn và thói quen chi tiêu thay đổi, sự kiện này vẫn sẽ là cú hích mạnh mẽ cho ngành bán lẻ trong mùa lễ hội năm nay.

 

 

THAM VỌNG TRỞ THÀNH SIÊU CƯỜNG BITCOIN CỦA MỸ

Tại một hội nghị về bitcoin hồi mùa Hè vừa qua, ông Trump đã hứa sẽ thiết lập kho dự trữ chiến lược bitcoin sau khi đắc cử và xây dựng Mỹ thành “siêu cường bitcoin của thế giới”.

Theo mạng “Liên hợp buổi sáng”, sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cộng đồng tiền điện tử đã rất phấn khích. Các đồng tiền như bitcoin đã tăng giá mạnh, các giới đều quan tâm đến xu hướng và triển vọng của các loại tiền điện tử, cũng như những chính sách có lợi cho thị trường tiền điện tử sau khi ông Trump nhậm chức. Tuy nhiên, hiện tại tương đối ít người quan tâm và đề cập đến tác động tiềm tàng đối với hệ thống tiền tệ toàn cầu, khi ông Trump dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho tiền điện tử.

Không thể phủ nhận rằng, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này đã trở thành bước ngoặt cho sự phát triển của tiền điện tử tại Mỹ. Dư luận cho rằng việc ông Trump thắng cử có nghĩa là các cơ quan quản lý giám sát của Mỹ sẽ cởi mở hơn với các loại tiền số. Những người trong ngành chỉ ra rằng đây là chiến thắng lớn đối với tiền điện tử vì dưới thời chính quyền của đảng Dân chủ, tiền điện tử đã chịu "sự thù địch" ở mức độ đáng kể.

Ông Trump ban đầu không phải là người ủng hộ tiền điện tử. Năm 2021, ông từng tố cáo bitcoin là 'trò lừa đảo". Gần đây, ông đã chuyển sang ủng hộ tiền điện tử và tái khẳng định mình là người ủng hộ mạnh mẽ. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã quảng bá những lợi ích của bitcoin đối với nền kinh tế Mỹ.

Tại một hội nghị về bitcoin được tổ chức vào mùa Hè vừa qua, ông Trump, với tư cách là ứng cử viên Tổng thống, đã hứa sẽ thiết lập kho dự trữ chiến lược bitcoin sau khi đắc cử và xây dựng Mỹ thành “siêu cường bitcoin của thế giới”. Tại cuộc họp, ông cũng tuyên bố sẽ sa thải Chủ tịch Ủy ban chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) Gary Gensler ngay ngày đầu tiên nhậm chức.

Chủ tịch SEC, ông Gary Gensler là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ tiền điện tử, khẳng định rằng các dự án tiền điện tử cần phải được đưa vào phạm vi quản lý của SEC. Ông đã chỉ đạo truy tố nhiều công ty tiền điện tử lớn vi phạm luật chứng khoán, bao gồm Binance, Coinbase, Ripple và Cumberland. Trong bối cảnh Quốc hội chưa đạt được sự đồng thuận và ban hành các quy định rõ ràng về tài sản tiền điện tử, dưới sự lãnh đạo của ông Gensler, SEC đã ban hành các quy tắc kế toán mới vào năm 2022. Các quy tắc này yêu cầu các tổ chức nắm giữ mã thông báo kỹ thuật số cho khách hàng phải ghi nhận các mã thông báo này dưới dạng nợ phải trả trong bảng cân đối kế toán của họ.

Điều này tạo ra những trở ngại nhất định cho các ngân hàng lớn trong nước và các nhà quản lý quỹ tham gia vào thị trường tiền điện tử. Trong bối cảnh kết quả bầu cử cho thấy hai viện của Quốc hội đều do đảng Cộng hòa kiểm soát, dư luận cho rằng quy tắc này sẽ bị bãi bỏ và các vụ kiện chống lại các công ty tiền điện tử cũng sẽ bị đình chỉ.

Một số người cho rằng chính quyền ông Trump có thể cố gắng để Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai thay thế SEC làm cơ quan quản lý thị trường tiền điện tử nhằm giảm bớt sự kiểm soát của chính phủ đối với thị trường tài sản tiền điện tử. Trong mọi trường hợp, khả năng kiểm soát thị trường tiền điện tử dự kiến sẽ bị suy yếu đáng kể sau khi ông Trump quay lại Nhà Trắng, điều này sẽ mở đường cho nhiều khoản đầu tư hơn và việc sử dụng tiền điện tử rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, thách thức của thị trường tiền điện tử đó là rất "cồng kềnh" khi sử dụng trực tiếp và không thể dùng để mua nhu yếu phẩm hoặc đóng thuế. Việc sử dụng tiền điện tử trên thực tế đã không tăng đáng kể trong vài năm qua. Tình trạng thiếu niềm tin vào công nghệ bitcoin có thể là một yếu tố hạn chế việc áp dụng tiền điện tử rộng rãi hơn.

Việc bãi bỏ bớt các quy định cùng với việc triển khai các biện pháp tăng cường tiền điện tử như một phương tiện lưu trữ giá trị chắc chắn sẽ khiến loại tài sản này thu hút nhiều sự chú ý hơn. Kho dự trữ chiến lược bitcoin mà ông Trump cam kết thiết lập chính là một biện pháp quan trọng để củng cố các phương tiện lưu trữ giá trị. Cho đến nay, kế hoạch để tham khảo là "Đạo luật bitcoin năm 2024" được Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Cynthia Lummis, người ủng hộ kế hoạch dự trữ này, đề xuất vào đầu tháng 7/2024. Theo đề xuất này, Chính phủ Mỹ sẽ mua không quá 200.000 bitcoin mỗi năm trong 5 năm. Bitcoin có thời gian nắm giữ tối thiểu là 20 năm và việc bán bị hạn chế ngoại trừ việc sử dụng để trả các công cụ nợ liên bang. Nguồn tài trợ để mua số bitcoin này sẽ đến từ một nguồn quỹ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tiền thu được từ các khoản chuyển đến Kho bạc Mỹ và tiền thu được từ việc đánh giá lại việc nắm giữ chứng chỉ vàng. Ngoài ra, các cơ quan chính phủ đang nắm giữ bitcoin bị tịch thu sẽ phải chuyển chúng vào Kho dự trữ chiến lược bitcoin.

Có thể thấy, nếu chính quyền ông Trump thiết lập Kho dự trữ chiến lược bitcoin thì điều này sẽ tác động nhất định đến hệ thống tiền tệ toàn cầu. Vị thế là tài sản dự trữ của bitcoin sẽ được thiết lập, khiến các quốc gia khác làm theo và đưa bitcoin vào dự trữ ngoại hối. Dưới sự thúc đẩy của bitcoin, tỷ lệ tổng giá trị của tiền điện tử trên tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu chắc chắn sẽ tăng lên. Theo tính toán dựa trên cập nhật giá hàng ngày của Google, tổng giá trị hiện tại của thị trường tiền điện tử toàn cầu là 3.130 tỷ USD, tương đương gần 20% tổng dự trữ ngoại hối của thế giới.

Cùng với vị thế của bitcoin tăng lên ở cấp quốc gia, nhiều tổ chức và công ty của Mỹ dự kiến sẽ sửa đổi cách xử lý kế toán đối với việc nắm giữ bitcoin, giúp họ đi theo sự dẫn dắt của một số công ty như Tesla và Microstrategy nắm giữ bitcoin làm tài sản dự trữ. Tất nhiên, việc vội vàng sử dụng tiền điện tử làm tài sản dự trữ không phải là không có rủi ro tiềm ẩn. Khái niệm Kho dự trữ chiến lược bitcoin do ông Trump thúc đẩy dựa trên việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát thị trường tiền điện tử, chắc chắn sẽ dẫn đến sự suy yếu về địa vị và chức năng của ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý tài chính liên quan.

Khi ngày càng nhiều tài sản và nợ trong nền kinh tế thực được định giá bằng tiền điện tử, một cuộc khủng hoảng thanh khoản có thể xảy ra nếu thiếu đi một "người cho vay cuối cùng" . Trong trường hợp này, một lượng lớn giá trị ảo có thể biến mất. Nếu tình huống này không được xử lý kịp thời, nó có thể dẫn đến những kịch bản tồi tệ, chẳng hạn như yêu cầu tài sản thế chấp và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vốn trên thị trường.

Nói tóm lại, sự ủng hộ mạnh mẽ của ông Trump đối với tiền điện tử sẽ có tác động lớn hay nhỏ đến hệ thống tiền tệ toàn cầu tùy thuộc vào mức độ ông thực hiện lời hứa hỗ trợ thị trường tiền điện tử trong nhiệm kỳ của mình.

 

 

MỸ CHẤP THUẬN BÁN VŨ KHÍ CHO ĐÀI LOAN

Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt gói bán phụ tùng máy bay phản lực F-16 và radar cho Đài Loan, trị giá ước tính là 385 triệu USD.

Lầu Năm Góc đã thông báo điều này vào thứ Sáu 29/11, một ngày trước khi Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức bắt đầu chuyến công du Thái Bình Dương nhạy cảm, theo Reuters.

Theo luật pháp Mỹ, nước này có nghĩa vụ phải cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ, mặc dù không có quan hệ ngoại giao chính thức giữa Washington và Đài Bắc. Điều này luôn khiến Trung Quốc tức giận vì họ coi Đài Loan là một phần của mình.

Đài Loan - một hòn đảo dân chủ - bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Trung Quốc đã tăng cường áp lực quân sự đối với Đài Loan, bao gồm hai đợt tập trận trong năm nay.

Các nguồn tin an ninh đã nói với Reuters rằng Bắc Kinh có thể sẽ tổ chức nhiều hơn các đợt tập trận như vậy trong thời gian diễn ra chuyến công du Thái Bình Dương của ông Lại Thanh Đức.

Chuyến đi của ông Lại lần này sẽ bao gồm các điểm dừng chân ở Hawaii và Guam, một lãnh thổ của Hoa Kỳ.

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc cho biết thương vụ nói trên bao gồm 320 triệu USD phụ tùng thay thế và hỗ trợ cho máy bay chiến đấu F-16 và radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) cùng các thiết bị liên quan.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã chấp thuận việc bán cho Đài Loan hệ thống trang thiết bị thông tin liên lạc di động phục vụ mục đích quân sự với giá ước tính 65 triệu USD, Lầu Năm Góc cho biết. Nhà thầu chính cho đợt bán trị giá 65 triệu USD này là General Dynamics.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ kỳ vọng thương vụ này sẽ "có hiệu lực" trong vòng một tháng và các thiết bị trên sẽ giúp duy trì sự sẵn sàng chiến đấu của đội F-16 và "xây dựng một lực lượng phòng thủ đáng tin cậy".

"Đài Loan và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác an ninh và hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương," tuyên bố của Bộ Quốc phòng Đài Loan nêu.

Tháng trước, Hoa Kỳ đã công bố một gói bán vũ khí trị giá 2 tỷ USD cho Đài Loan, bao gồm việc lần đầu tiên chuyển giao cho hòn đảo này một hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến đã được thử nghiệm thực chiến ở Ukraine.

Ông Lại lên đường đến Hawaii vào thứ Bảy (30/11), sau đó đến Quần đảo Marshall, Tuvalu và Palau, ba trong số 12 quốc gia vẫn giữ quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc. Ông cũng sẽ dừng chân tại Guam.

Hawaii và Guam là nơi có các căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ.

Hôm thứ Sáu, Trung Quốc đã thúc giục Hoa Kỳ "cực kỳ thận trọng" trong quan hệ với Đài Loan.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi chuyến đi của ông Lại là riêng tư, thường lệ và không chính thức, và rằng không có lý do gì để lấy đó làm cái cớ cho sự khiêu khích.

 

 

TRUMP ĐE DỌA ĐÁNH THUẾ KHỐI BRICS

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa đánh thuế 100% hàng hóa của BRICS nếu nhóm này muốn thay thế đồng USD.

Bất kỳ ai muốn thay thế đồng USD đều có thể "vẫy tay tạm biệt nước Mỹ" - Tổng thống đắc cử tuyên bố.

Ông Donald Trump cảnh báo, các quốc gia BRICS sẽ bị đánh thuế 100% hàng hóa nếu đưa ra một loại tiền tệ dự trữ để cạnh tranh với đồng USD. Ông Donald Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ sử dụng thuế quan để đạt được các mục tiêu địa chính trị của mình.

"Ý tưởng rằng các quốc gia BRICS đang cố gắng tránh xa đồng USD trong khi chúng ta đứng nhìn đã qua rồi" - ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social của mình hôm 30.11.

Tổng thống đắc cử Mỹ tiếp tục viết rằng ông sẽ yêu cầu các quốc gia BRICS cam kết không tạo ra một loại tiền tệ chung, "hoặc ủng hộ bất kỳ loại tiền tệ nào khác để thay thế đồng USD hùng mạnh", nếu không họ sẽ phải đối mặt với mức thuế 100%.

"Họ có thể đi tìm một 'kẻ ngốc' khác!", ông Donald Trump viết tiếp. "Sẽ không có khả năng BRICS thay thế đồng USD trong thương mại quốc tế và bất kỳ quốc gia nào cố gắng làm như vậy đều nên vẫy tay tạm biệt nước Mỹ".

BRICS trước đây bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, và đã được mở rộng vào tháng 1 để bao gồm Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Khoảng 30 quốc gia khác đã bày tỏ quan tâm gia nhập BRICS.

Nga, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm, năm 2022 đã đưa ra ý tưởng giới thiệu đồng tiền chung BRICS.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nhắc lại đề xuất của Nga vào năm ngoái, lập luận rằng việc có lựa chọn giao dịch bằng một loại tiền tệ dự trữ khác sẽ làm giảm "mức độ dễ bị tổn thương" của các nước BRICS trước những biến động của tỷ giá USD.

Các nhà lãnh đạo BRICS không công bố kế hoạch về đồng tiền chung BRICS tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở thành phố Kazan của Nga vào tháng trước. Thay vào đó, nhóm cam kết thiết lập một hệ thống thanh toán xuyên biên giới để hoạt động cùng với mạng lưới SWIFT của phương Tây và tăng cường sử dụng các loại tiền tệ địa phương trong thương mại quốc tế.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố vào tháng 10 rằng "hợp tác trong BRICS không nhằm vào bất kỳ ai hoặc bất kỳ điều gì - không chống lại đồng USD hay các loại tiền tệ khác, mà theo đuổi mục tiêu chính là đảm bảo lợi ích của những quốc gia tham gia định dạng này”.

Sử dụng tiền tệ địa phương để thanh toán các hóa đơn thương mại song phương “giúp duy trì sự phát triển kinh tế không bị ảnh hưởng bởi chính trị” - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói vào thời điểm đó.

Ông Donald Trump tuyên bố sẽ sử dụng thuế quan để giải quyết thâm hụt thương mại của Mỹ, buộc các nhà sản xuất nước ngoài phải quay trở lại và đạt được một loạt các mục tiêu địa chính trị.

Ngoài việc đề xuất mức thuế chung là 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, ông Donald Trump đe dọa Canada và Mexico sẽ bị áp dụng thêm mức thuế 25% nếu họ không giảm được dòng người di cư và ma túy vào Mỹ.

Ông Trump cũng tuyên bố sẽ áp thêm thuế 10% đối với Trung Quốc, cao hơn bất kỳ mức thuế bổ sung nào, cho đến khi Bắc Kinh thực hiện việc trừng phạt những nhà sản xuất và buôn lậu fentanyl, một loại thuốc phiện tổng hợp mạnh.

 

Nguồn: Thanh Niên; CafeF; Bnews; BBC; Lao Động

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang