Không để lãng phí vốn công; Bỏ hay giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu; Vụ cưỡng chế đất Đồi Cù Đà Lạt; Kỷ luật loạt cán bộ 3 tỉnh

KHÔNG ĐỂ LÃNG PHÍ VỐN CÔNG

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công phải là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan

Ngày 16-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024.

Nhiều địa phương giải ngân vốn thấp

Năm 2024, Thủ tướng giao gần 670.000 tỉ đồng vốn công cho các địa phương và đặt mục tiêu giải ngân 95% số này. Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30-6 là 196.700 tỉ đồng; đạt 29,39% kế hoạch; cùng kỳ năm 2023 đạt 30,49%.

Có 11/44 bộ, cơ quan Trung ương và 35/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước, như các bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng,…; các địa phương Nam Định, Thanh Hóa, Lào Cai, Phú Thọ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang.

Phân tích kỹ hơn về kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng tỉ lệ chung của cả nước thấp so với với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, tỉ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt 28,77%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (32,76%).

Đáng chú ý, nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt như cùng kỳ năm 2023. Một số địa phương được giao kế hoạch năm 2024 cao hơn năm 2023 nhưng có giá trị giải ngân thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 như: TP HCM, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Nai.

Một số dự án được giao kế hoạch vốn năm 2024 lớn nhưng có tỉ lệ giải ngân thấp như dự án Vành đai 3 - TP HCM; Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh…

Gắn kết quả với đánh giá cán bộ

Là bộ giải ngân cao nhất trong cả nước khi đạt tỉ lệ 41,16% trong 6 tháng qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết để đạt được kết quả đó, ngành giao thông đã phân công, phân cấp rõ trách nhiệm, xác định trách nhiệm người đứng đầu gắn với xếp loại và kiểm tra công vụ. Trong phân công nhiệm vụ, Bộ GTVT thực hiện phân công có trọng tâm, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả, để dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá, dễ khen thưởng, phê bình, kỷ luật. Bên cạnh đó, Bộ GTVT tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn trong thời gian nhanh nhất, đạt hiệu quả cao nhất.

Trong khi đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết tổng các nguồn vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh là hơn 20.706 tỉ đồng, trong đó có hơn 1.747 tỉ đồng vốn ngân sách Trung ương.

Tới nay, tỉnh đã phân bổ 100% vốn từ ngân sách Trung ương cho 4 dự án. Tính đến hết ngày 30-6, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giải ngân hơn 5.902 tỉ đồng (tất cả các nguồn vốn) đạt 29,94% so với kế hoạch được giao. Tỉ lệ giải ngân này thấp hơn cùng kỳ 2023 do số vốn được giao năm 2024 cao hơn năm 2023. Dù vậy, giá trị tuyệt đối giải ngân cao hơn 6 tháng đầu năm 2023 là 1.054 tỉ đồng.

Tính đến ngày 30-6, TP Đà Nẵng giải ngân đạt 1.892,533 tỉ đồng, bằng 25,95% kế hoạch vốn được Thủ tướng giao. Xác định 6 tháng cuối năm phải tập trung các giải pháp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của năm 2024, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện các dự án; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, xác định đây là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024.

"Chỉ bàn làm, không bàn lùi"

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính phê bình nghiêm khắc các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng giao và 33 bộ/cơ quan, 28 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Lý do giải ngân vốn công chậm, Thủ tướng cho rằng kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm; khâu chuẩn bị dự án sơ sài, chất lượng kém và năng lực nhiều ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, nhà thầu yếu. Theo Thủ tướng, vẫn còn tình trạng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm khi được giao nhiệm vụ; huy động nguồn vốn chưa kịp thời, nhất là từ đất đai, trái phiếu chính quyền địa phương. "Một số địa phương còn chưa chủ động, chưa quyết liệt, còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, chưa thể hiện được tinh thần trách nhiệm chính trị cao. Việc triển khai thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có lúc, có nơi còn chậm" - Thủ tướng nêu.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần "5 quyết tâm" và "5 bảo đảm". Trong đó, "5 quyết tâm" gồm: Quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi tiêu cực; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng kịp thời gian; tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, thủ tục; đổi mới phương pháp, cách làm; khắc phục bằng được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai.

Đối với "5 bảo đảm", Thủ tướng yêu cầu: Bảo đảm chủ động nguyên vật liệu và các điều kiện cần thiết cho dự án; nhân lực có tâm, có tầm, có trách nhiệm; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; quản lý đúng quy định, không kéo dài, đội vốn, gây thất thoát vốn; bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường.

Nhấn mạnh vốn đầu tư công là tiền của Nhà nước, nhân dân, phải sử dụng hiệu quả, không chậm trễ, lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết Chính phủ, chỉ thị/công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Cùng với đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; "chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn. Kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công và các quy định tại các luật liên quan theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền; tháo gỡ các chồng chéo, vướng mắc; xóa bỏ xin - cho; chống phiền hà, sách nhiễu…, đặc biệt là các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

TRANH CÃI BỎ HAY GIỮ QUỸ BÌNH ỔN GIÁ XĂNG DẦU

Tại dự thảo mới nhất về nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương không còn quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu và để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu. Vậy số tiền quỹ đang tồn gần 7.000 tỉ đồng sẽ được quản lý thế nào?

Đề xuất đưa về Nhà nước quản lý

Theo Bộ Công thương, để thực hiện đúng quy định của luật Giá về bình ổn giá (BOG) 2023 (có hiệu lực từ ngày 1.7), dự thảo nghị định không quy định riêng về Quỹ BOG xăng dầu mà hướng tới quy định BOG xăng dầu tương tự như BOG các mặt hàng khác thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ BOG.

Quỹ sẽ không sử dụng thường xuyên, khi giá xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công thương sẽ chủ trì phối hợp các bộ, ngành xây dựng biện pháp bình ổn gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương để thực hiện theo quy định của luật Giá.

Một đề xuất mới đây của Bộ Công thương là số dư của Quỹ BOG xăng dầu thay vì để tại doanh nghiệp đầu mối như xưa nay, sẽ xem xét chuyển về ngân sách và việc trích lập, chi quỹ này theo luật Giá 2023.

Luật Giá 2023 quy định có 5 biện pháp bình ổn, trong đó có biện pháp thứ 5 là sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng đã thành lập quỹ. Như vậy, Quỹ BOG xăng dầu vẫn được duy trì.

Góp ý về nội dung này, Bộ Nội vụ đề nghị làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của quỹ; phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với Quỹ BOG xăng dầu phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành để trình Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ KH-ĐT cũng nêu quan điểm cho rằng, Quỹ BOG xăng dầu thực hiện theo luật Giá, hoạt động quản lý điều tiết giá của Nhà nước đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ BOG; việc tổ chức, quản lý Quỹ BOG do bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện. Song đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể đối với Quỹ BOG xăng dầu để làm căn cứ triển khai.

Trong khi đó, Bộ Công an cho rằng công tác quản lý nhà nước và sử dụng Quỹ BOG xăng dầu thời gian qua còn nhiều sơ hở, bất cập. Đã để một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chiếm dụng, sử dụng sai mục đích; một số cơ quan chức năng và dư luận doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có ý kiến trái ngược về sự cần thiết duy trì Quỹ BOG xăng dầu.

Thế nên, Bộ Công an đề nghị Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài chính đánh giá kỹ vai trò, tác dụng của Quỹ BOG trong thực hiện mục tiêu ổn định giá xăng dầu trong nước trước các biến động đột ngột về giá của thị trường xăng dầu thế giới. Đánh giá sự phù hợp quy định về Quỹ BOG với quy định của pháp luật.

"Trong trường hợp tiếp tục duy trì Quỹ BOG, đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vào dự thảo nghị định quy định chặt chẽ việc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ BOG xăng dầu", Bộ Công an nêu quan điểm.

Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu VN lại đưa ra 2 phương án. Đó là bỏ Quỹ BOG xăng dầu vì nếu thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày một lần thì mức độ biến động giá giữa 2 lần điều chỉnh cơ bản không lớn, giá trong nước đã bám sát diễn biến giá thế giới. Do đó, tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế xã hội không lớn. Phương án 2 là nếu vẫn còn duy trì Quỹ BOG, Hiệp hội Xăng dầu VN đề xuất giao cho một cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp quản lý quỹ này; quy định cụ thể trích, chi quỹ đảm bảo kịp thời, thuận lợi và không ảnh hưởng đến doanh nghiệp; bổ sung vào giá bán xăng dầu vì không có trích, chi Quỹ BOG trong giá cơ sở. Việc này nhằm khắc phục những bất cập về tình trạng sử dụng Quỹ BOG xăng dầu như thời gian qua, đồng thời để minh bạch các thông tin về quỹ.

Quỹ đã "hết phép", nên bỏ

Trái lại, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn bảo lưu quan điểm nên bỏ hẳn Quỹ BOG xăng dầu trong bối cảnh giá trong nước đang được điều hành sát giá thế giới và cho phép doanh nghiệp tự quyết giá, nhà nước không can thiệp.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả và thị trường (Bộ Tài chính) đặt câu hỏi: Tại sao dự thảo nghị định còn không bỏ hẳn Quỹ BOG mà vẫn cho duy trì, chỉ khác trước để tại tài khoản của doanh nghiệp đầu mối, nay đưa về Nhà nước như một quỹ. Cái gốc của vấn đề là Nhà nước phải tạo ra thị trường xăng dầu thực sự, để thị trường tự vận hành và điều tiết theo nguyên tắc cạnh tranh. Khi doanh nghiệp tự tính toán, tự quyết giá bán ra hằng tuần theo giá thế giới rồi thì duy trì quỹ làm gì?

"Việc đề xuất chuyển quỹ về cho cơ quan nào đó đi quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách cần cân nhắc về tính hiệu quả. Theo tôi, mục đích thành lập Quỹ BOG từ đầu nay đã không còn hiệu quả, nên tốt nhất bỏ đi, đừng cố giữ quỹ này nữa", ông Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), đồng quan điểm nên bỏ Quỹ BOG vì nó "không còn ý nghĩa gì nữa" khi dự thảo đã có quy định để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu. Tuy nhiên, Quỹ BOG xăng dầu được lập và hình thành từ tiền của người tiêu dùng trả trước để mua xăng dầu. Nay số tiền còn tồn quỹ khá lớn, nếu đưa về cơ quan quản lý Nhà nước thì chính sách cũng cần có cơ chế giám sát để bảo đảm tính minh bạch, công khai, tránh thất thoát và chiếm dụng tiền của người dân.

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, đồng tình việc bỏ Quỹ BOG xăng dầu vào thời điểm này là có cơ sở. Cụ thể, nếu thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay thì mức độ biến động giá giữa 2 lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn. Hơn nữa, để phòng ngừa rủi ro về giá trong kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp không thể trông chờ hay ỷ lại vào Quỹ BOG, mà phải sử dụng các phương thức công cụ khác, thuế, đặc biệt là doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải thực hiện công cụ hedging (tức là cố định giá trước để hạn chế tác động giá xăng dầu tăng hay giảm - PV) - một công cụ quan trọng trong lĩnh vực tài chính, nhằm mục đích giới hạn rủi ro và tối ưu hóa tỷ lệ rủi ro, tỷ lệ lợi nhuận.

"Hiện cả nước còn hơn 30 doanh nghiệp đầu mối, gần 400 thương nhân phân phối và đặc biệt đã có 2 nhà máy lọc dầu trong nước, cung ứng 70% lượng xăng dầu cho thị trường. Nên có thể thấy nguồn cung đã được bảo đảm và hệ thống lưu thông phân phối đã được củng cố ngày một tốt hơn. Bên cạnh đó, thị trường xăng dầu có sự cạnh tranh nhất định, từng bước vận hành theo cơ chế thị trường, thế nên vai trò của công cụ quỹ không còn cần thiết như giai đoạn trước", PGS-TS Ngô Trí Long nói.

DIỄN BIẾN MỚI VỤ CƯỠNG CHẾ CÔNG TRÌNH SAI PHẠM ĐỒI CÙ ĐÀ LẠT

Chính quyền TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) huy động nhiều lực lượng tổ chức cưỡng chế phần xây dựng vi phạm tại sân golf Đồi Cù, nhưng chưa thực hiện được vì chủ đầu tư đưa ra lý do công trình đang tranh chấp.

Sáng nay (17/7), nhiều lực lượng của UBND phường 1, UBND TP Đà Lạt, cùng các đơn vị liên quan khác được huy động để cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm về xây dựng tại dự án tòa nhà câu lạc bộ sân golf Đồi Cù do Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL làm chủ đầu tư.

Theo UBND TP Đà Lạt, cụm công trình vi phạm về xây sai phép và trái phép tại dự án trên bị cưỡng chế có tổng diện tích 20.406m2. Trong đó, có công trình tại khối 1 quy mô 2 tầng, kết cấu móng, trụ, dầm. Khối lượng công trình này là 3.333m2, sàn bê tông cốt thép, chưa xây tường.

Khối 2 có quy mô 5 tầng, gồm 1 trệt, 2 lầu và 1 hầm. Khối lượng công trình hơn 17.000m2, có kết cấu trụ, dầm, móng, sàn bê tông cốt thép, tường gạch.

Thời gian thực hiện tháo dỡ, cưỡng chế từ ngày 17/7 đến 17/9/2024.

Phương án cưỡng chế phải đảm bảo đúng pháp luật, an toàn, an ninh trật tự, theo kế hoạch được cơ quan chức năng ban hành.

Tuy nhiên, sau khi đại diện cơ quan chức năng có mặt tại dự án đọc quyết định cưỡng chế thì có diễn biến bất ngờ. Cụ thể, ông Trần Quốc Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL đưa ra quyết định số 16/2024/QĐ-BPKCTT ngày 16/7/2024 của TAND TP Thủ Đức (TPHCM) áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: “Cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản tranh chấp”.

Theo quyết định của TAND TP Thủ Đức: "Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản tranh chấp" quy định tại Điều 122 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản tòa nhà câu lạc bộ golf Đà Lạt… cho đến khi có quyết định khác của cơ quan có thẩm quyền thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời này".

Quyết định này dựa trên cơ sở xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản tranh chấp" của Công ty TNHH Văn Lang, tại TP Thủ Đức là nguyên đơn trong vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm thụ lý số 236 ngày 7/6/2024 về việc "tranh chấp hợp đồng thi công" đối với Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL - là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án nêu trên.

Trước quyết định trên, Ban cưỡng chế đã hội ý, đưa ra quyết định tạm hoãn việc cưỡng chế đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng tại dự sân golf Đồi Cù.

NHIỀU CÁN BỘ 3 TỈNH BỊ ĐỀ NGHỊ KỶ LUẬT

Nhiều cán bộ lãnh đạo các tỉnh An Giang, Bình Thuận, Vĩnh Phúc bị kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật

Ngày 15 và 16-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì kỳ họp thứ 43 của ủy ban; qua đó xem xét, kết luận một số nội dung.

Vi phạm liên quan đến khai thác khoáng sản

Sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật Ban Cán sự đảng UBND tỉnh An Giang, UBKT Trung ương nhận thấy: Ban Cán sự đảng UBND tỉnh An Giang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh; một số cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát lớn ngân sách nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Trách nhiệm chính đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban Thường vụ Tỉnh ủy các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; Ban Cán sự đảng UBND tỉnh các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026; Đảng đoàn HĐND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2016-2021 và các ông: Nguyễn Thanh Bình, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, chủ tịch UBND tỉnh (đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và xử lý hình sự); Vương Bình Thạnh, nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, bí thư Ban Cán sự đảng, chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Nưng, phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, bí thư Đảng đoàn, chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Phước, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phó bí thư Ban Cán sự đảng, phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lâm Quang Thi, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bí thư Thành ủy Châu Đốc, nguyên ủy viên Ban Cán sự đảng, phó chủ tịch UBND tỉnh và một số tổ chức Đảng, đảng viên khác.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh An Giang các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 và các ông: Vương Bình Thạnh; Nguyễn Trọng Thành, phó bí thư Đảng ủy, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Phạm Thành Nhơn, phó bí thư Thị ủy, chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên; Đinh Minh Hoàng, phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang.

Kỷ luật khiển trách Đảng đoàn HĐND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2016-2021 và các ông: Lê Văn Nưng; Lê Văn Phước; Lâm Quang Thi; Tô Hoàng Môn, phó giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị tỉnh An Giang.

UBKT Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025. UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh An Giang khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra; xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo thẩm quyền.

Kỷ luật cán bộ tỉnh Bình Thuận, Vĩnh Phúc

Xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên vi phạm tại Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, UBKT Trung ương nhận thấy các ông Phan Đoàn Thái, nguyên Tỉnh ủy viên, bí thư Đảng ủy, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Xà Dương Thắng, nguyên Tỉnh ủy viên, bí thư Đảng ủy, giám đốc Sở Xây dựng, nguyên bí thư Huyện ủy Bắc Bình, đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị công tác.

Căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật ông Phan Đoàn Thái, Xà Dương Thắng.

Tiếp tục thực hiện kết luận của UBKT Trung ương tại kỳ họp thứ 40 đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và một số tổ chức Đảng, đảng viên có liên quan; căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo các cá nhân, gồm: Bùi Hồng Đô, bí thư Đảng ủy, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Phan Tuệ Minh, bí thư Đảng đoàn, chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Lê Nguyễn Thành Trung, phó bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường; Đinh Văn Mười, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Đỗ Tràng Quảng, nguyên phó bí thư Thường trực Thành ủy, chủ tịch HĐND TP Phúc Yên; Đặng Quang Thủy, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường.

Kỷ luật khiển trách các ông: Đào Anh Dũng, phó bí thư Thường trực Thành ủy, chủ tịch HĐND TP Phúc Yên; Trần Ngọc Hải, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, chủ tịch HĐND TP Vĩnh Yên; Hoàng Trọng Lợi, Thành ủy viên, phó chủ tịch UBND TP Phúc Yên.

Nguồn: CafeF; Thanh Niên; Vietnamnet; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Tỷ phú Elon Musk rơi lệ trên sóng truyền hình khi nhắc đến Việt Nam – Chuyện gì đã xảy ra?

Elon Musk – người đàn ông đứng sau SpaceX, Tesla, và hàng loạt công nghệ thay đổi thế giới - đã bất ngờ bật khóc ngay trên sóng truyền hình trực tiếp khi được hỏi về Việt Nam. Khoảnh khắc ấy khiến cả thế giới sững sờ, còn người dẫn chương trình không dám hỏi thêm một lời nào. Điều gì ẩn sau giọt nước mắt của một tỷ phú từng được xem là "người thép"? Trong video này, bạn sẽ được chứng kiến toàn bộ câu chuyện chưa từng được công bố: Từ bức thư cũ mà Elon nhận được từ một cậu bé Việt Nam, cho đến lời hứa bí mật giữa ông và một người lính gốc Á năm xưa. Mỗi chi tiết hé lộ một phần của sự thật – một sự thật có thể thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam mãi mãi.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Đức

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Leipzig, CHLB Đức

Chiều Chủ Nhật, ngày 06.04.2025, tại thành phố Leipzig, Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Buổi lễ thu hút hàng trăm người Việt và gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức, và các đại biểu, khách mời các Hội đoàn Âu châu và tại Đức cùng về dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tác giả: Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang