Khai trừ Đảng Đỗ Hữu Ca; Nguyễn Đức Chung & dự án trồng cây xanh; Vụ án Tất Thành Cang

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca bị khai trừ khỏi Đảng

(Ảnh minh họa).

Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Đỗ Hữu Ca và 3 cán bộ khác của tỉnh Hòa Bình, Hà Nam.

Ngày 28/3, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật một số cán bộ bao gồm các ông: Nguyễn Đồng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình; Trương Minh Hiến, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; Vũ Hữu Song, nguyên Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Nam; thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy những cá nhân trên đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, gây bức xúc trong xã hội.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng các cán bộ trên.

Ban Bí thư đề nghị các cơ quan chức năng kỷ luật về hành chính đối với các cá nhân trên đồng bộ, kịp thời với kỷ luật đảng.

Ông Đỗ Hữu Ca bị Cơ quan an ninh điều tra Công an Quảng Ninh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam hôm 22/2 với cáo buộc tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan vụ án Trốn thuế, Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.

Theo cáo buộc, bị can Trương Xuân Đước (sinh năm 1971, trú quận Hải An, Hải Phòng) từng có mối quan hệ với thiếu tướng Ca khi ông này còn làm Giám đốc Công an TP Hải Phòng. Khi xảy ra vụ án, Đước biết bản thân và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh (sinh năm 1979) bị Công an Quảng Ninh đưa vào diện nghi vấn, nên đã chủ động 4 lần tìm đến nơi ở của ông Đỗ Hữu Ca ở Hải Phòng để nhờ chạy án với số tiền 35 tỷ đồng. Sau đó, nhận thấy việc nhờ chạy án không thành, người thân của Đước đã làm đơn tố cáo hành vi nhận tiền của ông Ca với cơ quan công an.

Ngày 24/2, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Hải An, TP Hải Phòng, có quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối ông Đỗ Hữu Ca (sinh năm 1958, nguyên giám đốc Công an TP Hải Phòng). Ông Ca từng là đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ tổ dân phố Kiều Sơn thuộc Đảng bộ phường Đằng Lâm. Theo quyết định trên, thời gian đình chỉ theo quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam bị can Đỗ Hữu Ca của cơ quan có thẩm quyền.

(Nguồn: Zing News)

Mối quan hệ và lý do ông Nguyễn Đức Chung gọi người đang trốn nợ về làm dự án trồng cây xanh

Theo lời khai của bị can Bùi Văn Mận, do ông này từng đến nhà trồng cây cho ông Nguyễn Đức Chung, nên khi ông Chung gọi điện, ông Mận dù đang trốn nợ tại Lâm Đồng đã quay về Hà Nội lập công ty để làm dự án trồng cây xanh.

Không tổ chức đấu thầu theo chỉ đạo của Chủ tịch thành phố?

Trong vụ án “thổi giá” cây xanh xảy ra tại Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội (Công ty Cây xanh) và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh điều tra (C03) Bộ Công an kết luận, từ 2016 - 2019, dù việc trồng mới cây xanh ở Hà Nội đủ điều kiện đấu thầu, song qua các chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP), Ban Duy tu các công trình kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng không tổ chức đấu thầu mà ký hợp đồng đặt hàng trực tiếp với Công ty Cây xanh và Công ty Sinh Thái Xanh.

Theo đó, Ban Duy tu đã đặt hàng Công ty Cây xanh 10 hợp đồng trị giá hơn 241 tỷ đồng; Công ty Sinh Thái Xanh 6 hợp đồng trị giá hơn 43 tỷ đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng, nhóm cán bộ Ban Duy tu và người đứng đầu hai doanh nghiệp này đã bắt tay nâng khống giá, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 34 tỷ đồng.

Làm việc với cơ quan điều tra, bị can Bùi Văn Mận (Giám đốc Công ty Sinh Thái Xanh) khai quen biết với Nguyễn Đức Chung từ 2013, khi ông này đến trồng cây cho nhà của Chung.

Vào thời điểm năm 2016, bị can Mận đang trốn nợ ở Lâm Đồng thì Nguyễn Đức Chung gọi về thực hiện các dự án trồng cây cho UBND TP Hà Nội. Do đó, khoảng tháng 6 cùng năm, Mận và bị can Hoàng Thị Kim Loan thống nhất thành lập Công ty Sinh Thái Xanh để ký hợp đồng trồng cây. Doanh nghiệp này Mận làm Giám đốc nhưng không góp vốn, mọi hoạt động đều do Loan phụ trách.

Đầu tháng 9/2016, ông Chung tiếp tục gọi điện trực tiếp cho Mận hỏi tư vấn trồng cây tại nút giao đại lộ Thăng Long - Quốc lộ 21A. Khoảng hai ngày sau, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng (dù không quen biết Mận) đã gọi điện bảo Mận xuống gặp Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Ban Duy tu để bàn bạc, thực hiện việc trồng cây.

Theo bị can Mận, thông qua ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung, từ năm 2016 - 2019, Công ty Sinh Thái Xanh được Ban Duy tu thực hiện 6 hợp đồng đặt hàng. Quá trình hoàn thiện hồ sơ thanh, quyết toán, Mận và Loan đã thông đồng nâng khống giá cây Chiêu liêu, cây Keo, cây Long Não, cây Sộp. Hành vi này của ông Mận cùng nhóm bị can giúp Công ty Sinh Thái Xanh thu lời bất chính, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 17 tỷ đồng.

Mận và Loan sau đó thống nhất chi tiền của Công ty Sinh Thái Xanh có được từ việc thực hiện các hợp đồng với Ban Duy tu để lo "đối ngoại". Trong đó, đã chi 2,08 tỷ đồng cho việc trồng cây tại nhà thờ chú ruột của Chung ở Hải Dương, trồng cây tại nhà bố mẹ đẻ ông Chung và trường học ở xã Yển Khê, huyện Thanh Ba, Phú Thọ.

Theo C03, bị can Mận thừa nhận hành vi phạm tội, với số tiền thu lợi bất chính hơn 17 tỷ đồng, trừ đi các phí đối ngoại, Mận và Loan mỗi người hưởng 6,5 tỷ đồng.

Ăn chia tiền nâng khống giá cây xanh

Đối với Công ty Cây xanh, C03 cho hay, doanh nghiệp này trực thuộc UBND Hà Nội, có vốn điều lệ 310 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cho rằng nhằm rút ruột ngân sách nhà nước, bị can Nguyễn Xuân Hanh (Tổng giám đốc Công ty Cây xanh) đã cấu kết với Nguyễn Tuấn Nghĩa (chủ doanh nghiệp cung cấp cây) để nâng giá đầu vào cao gấp nhiều lần thực tế một số loại cây như Chà là, Bàng lá nhỏ.

Theo cáo buộc, nhóm này thống nhất trước về số lượng, chủng loại, đơn giá và địa điểm trồng. Ông Hanh chỉ đạo cấp dưới tính toán, đối chiếu để nâng khống 17 tỷ đồng. Nghĩa sau khi được thanh toán tiền đã chuyển lại 17 tỷ đồng cho Công ty Cây Xanh thông qua ông Hanh.

Trong số tiền chiếm hưởng này, ông Vũ Kiên Trung, Chủ tịch Công ty Cây xanh, nhận 1,5 tỷ đồng; ông Hanh nhận 600 triệu đồng; kế toán trưởng Bùi Phương Thảo nhận 380 triệu đồng và một số cán bộ chủ chốt của Công ty Cây xanh chia nhau 4,7 tỷ đồng.

Cạnh đó, kết luận điều tra còn thể hiện, ông Vũ Kiên Trung khai trích từ 17 tỷ đồng này đưa cho ông Nguyễn Đức Chung 2,6 tỷ vào các dịp lễ, tết năm 2016 - 2018 để cám ơn đã tạo điều kiện và chỉ đạo sở ngành Hà Nội đặt hàng công ty.

Ngoài 17 tỷ đồng tiền chênh lệch chuyển cho Công ty Cây Xanh, C03 cho rằng, bị can Nguyễn Tuấn Nghĩa được hưởng lợi 10 tỷ đồng. Số tiền này, Nghĩa đã nộp khắc phục hậu quả.

Căn cứ lời khai của các bị can trong vụ án, C03 kết luận, với tư cách là Chủ tịch UBND thành phố, là cán bộ lãnh đạo cao cấp, ông Nguyễn Đức Chung không những không đảm bảo tính công minh, liêm chính, vì động cơ cá nhân ông này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn áp đặt, chỉ đạo cấp dưới thực hiện sai trái các quy định của pháp luật.

“Nhằm che giấu hành vi phạm tội, ông Chung đã ‘ra văn bản một đằng, chỉ đạo miệng một nẻo’, quá trình điều tra, bị can khai báo quanh co, chối tội, đổ lỗi cho người khác”, C03 nêu trong kết luận và đề nghị các cơ quan tố tụng xử lý nghiêm khắc với ông Chung để răn đe, phòng ngừa.

(Nguồn: Soha)

Vụ án ông Tất Thành Cang 'duyệt bán rẻ đất công' gây thiệt hại bao nhiêu?

(Ảnh minh họa).

Tòa phúc thẩm xem xét kháng nghị của VKS - cho rằng thiệt hại trong vụ ông Tất Thành Cang duyệt bán đất công là 730 tỷ chứ không phải 283 tỷ đồng.

Ngày 27/3, TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm vụ án ông Tất Thành Cang (cựu phó bí thư Thành ủy); Trần Công Thiện (nguyên tổng giám đốc Công ty Tân Thuận) và 8 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.

Là người có chức vụ cao nhất trong vụ án, ông Cang không kháng cáo, chấp nhận mức án 6 năm tù. Trong khi đó, ông Thiện cùng những người khác xin giảm nhẹ hình phạt và trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

Còn Công ty Quốc Cường Gia Lai kháng cáo xin nhận lại hơn 16,9 tỷ đồng đã nộp vào tài khoản của cơ quan điều tra mà cấp sơ thẩm đã tuyên thu hồi; đồng thời đề nghị được tiếp tục thực hiện dự án Khu dân cư Ven Sông.

Các bị cáo bị TAND TP HCM (sơ thẩm) xác định có sai phạm trong việc bán rẻ dự án Khu dân cư Phước Kiển (Nhà Bè) và Khu dân cư Ven Sông (quận 7), gây thiệt hại 207 tỷ đồng. Tuy nhiên VKS kháng nghị, cho rằng số tiền thiệt hại như vậy là không đúng, tòa tính thiệt hại vụ án "tại thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng, thực hiện hành vi phạm tội" là sai quy định.

Theo VKS, thiệt hại của vụ án phải được tính tại thời điểm khởi tố vụ án. Như vậy, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng dự án Khu dân cư Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá thấp hơn thị trường, gây thiệt hại 202 tỷ đồng cho Nhà nước. Còn việc chuyển nhượng dự án Khu dân cư Ven Sông gây thiệt hại 532 tỷ đồng. Tổng thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án là hơn 730 tỷ đồng.

Hồi tháng 10/2022, TAND TP HCM xử sơ thẩm xác định, Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận có 100% vốn Nhà nước, thuộc Ban Tài chính quản trị Thành ủy TP HCM (nay là Văn phòng Thành ủy), được giao quản lý dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) và Khu dân cư Ven Sông (quận 7).

Việc chuyển nhượng dự án phải có thẩm định, đấu giá công khai theo Luật Quản lý tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, trong vụ án này, bị cáo Tất Thành Cang, Trần Công Thiện và những người khác đã không thực hiện đúng các quy định, chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá thấp hơn thị trường.

Trong đó, ông Tất Thành Cang với vai trò là Phó bí thư Thường trực Thành ủy, là người đứng đầu, đã không báo cáo Ban thường vụ Thành ủy, tự ý bút phê vào tờ trình của Văn phòng Thành ủy, đồng ý cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2.

Công ty Tân Thuận đã nhận của Quốc Cường Gia Lai 374 tỷ đồng cùng tiền thuế VAT là 23 tỷ đồng. Tuy nhiên, hợp đồng này sau đó bị hủy, Công ty Tân Thuận đã trả lại cho công ty Quốc Cường Gia Lai toàn bộ số tiền đã nhận cùng 21 tỷ đồng tiền lãi. Quá trình điều tra, Quốc Cường Gia Lai đã nộp số tiền 16,9/21 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.

HĐXX sơ thẩm cho rằng, số tiền thất thoát từ việc chuyển nhượng dự án Khu dân cư Phước Kiển là 154 tỷ đồng. Tuy nhiên, hợp đồng chuyển nhượng đã bị hủy, tài sản thất thoát đã thu hồi nên không xảy ra thiệt hại.

Bị cáo Trần Công Thiện là người có vai trò chính, xuyên suốt toàn bộ sai phạm ở hai dự án. Tòa xác định bị cáo là Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận và là thành viên Hội đồng thành viên - người được giao quản lý tài sản Nhà nước, thì phải biết việc chuyển nhượng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bị cáo chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện hồ sơ, chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu dân cư Phước Kiển và một phần dự án Khu dân cư Ven Sông, cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m2.

Hành vi sai phạm của các bị cáo tại thời điểm chuyển nhượng 2 dự án gây thất thoát cho Nhà nước tổng cộng 207 tỷ đồng. Đến thời điểm khởi tố vụ án, tiền lãi phát sinh khiến thiệt hại tăng lên 283 tỷ đồng.

Do một phần dự án Khu dân cư Ven Sông bán cho Quốc Cường Gia Lai đã được xây dựng bàn giao cho người dân không có khả năng thu hồi. Tòa giao dự án này cho UBND TP HCM xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật, nhưng đề nghị UBND đảm bảo quyền lợi của các cư dân, doanh nghiệp, tổ chức liên quan.

Các bị cáo Trần Công Thiện, Phạm Văn Thông và những người liên quan đến sai phạm tại dự án này phải liên đới bồi thường lại cho Công ty Tân Thuận 283 tỷ đồng. Tòa tuyên thu hồi số tiền 16,9 tỷ đồng Công ty Quốc Cường Gia Lai đã nộp.

Về trách nhiệm hình sự, tòa tuyên phạt ông Cang 6 năm tù. Tổng hợp với bản án trước đó, bị cáo phải chấp hành hình phạt là 14 năm 6 tháng tù.

Với vai trò cầm đầu, bị cáo Thiện lĩnh 13 năm tù. Các bị cáo khác nhận từ 3 đến 11 năm tù.

Tại tòa hôm nay, đại diện VKS, các bị cáo và người liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng nghị và kháng cáo.

Phiên xử kéo dài đến 4/4.

(Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang