Gạo Việt giá xuất khẩu chạm đáy, thịt lợn trong nước giá kịch trần

Hụt hơi trước Thái Lan, trụ cột tỷ USD ghi kỷ lục thấp nhất 12 năm

Giá gạo tấm Thái Lan, Ấn Độ đang có sự chênh lệch không hề nhỏ với gạo Việt Nam. Theo đó, mặt hàng thế mạnh của nước ta gần như đứng ở mức giá xuất khẩu thấp nhất trong vòng 12 năm qua.

Vẫn bán nhiều nhưng tiền thu ít: Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn trong tình trạng bán nhiều nhưng tiền thu ít. Cụ thể, 9 tháng năm 2019, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 5,2 triệu tấn, tăng 5,9%, song giá trị đạt 2,24 tỷ USD giảm tới gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 8 tháng đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 36% thị phần, đạt 1,76 triệu tấn và 720,4 triệu USD, gấp 2,9 lần về khối lượng và gấp 2,6 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Úc (75,2%), Bờ Biển Ngà (57,1%), Irắc (34,8%), Hồng Kông (34,7%), Tanzania (34%) và Ả rập xê út (27%).

Dù xuất khẩu qua các thị trường đều tăng mạnh, song giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2019 đạt 435 USD/tấn, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Giá gạo Việt xuất khẩu đang ở mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua).

Đáng chú ý, trong tháng 9/2019, trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu Ấn Độ tăng nhờ đồng Rupee hồi phục, đồng Baht tăng trở lại giúp giá gạo Thái Lan ổn định ở mức cao trong gần một năm qua và đắt hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác ở châu Á. Trong khi nhu cầu tiêu thụ ảm đạm giữ giá gạo Việt Nam ở mức thấp gần 12 năm.

Cụ thể, gạo đồ 5% tấm Ấn Độ tăng từ 366-374 USD/tấn lên 373-379 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Thái Lan tuy giảm từ 410-422 USD/tấn xuống 400-418 USD/tấn (FOB Bangkok) nhưng vẫn cao hơn giá gạo của Việt Nam. Hiện gạo 5% tấm của Việt Nam giảm từ 325-330 USD/tấn xuống còn 325 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn).

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nguồn cung gạo tăng lên khi mực nước lưu vực sông Mekong đang hỗ trợ tích cực cho tình hình sản xuất lúa gạo các nước khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, nhu cầu gạo vẫn hạn chế do thị trường toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi thương mại, suy thoái và đồng đô la Mỹ tăng giá làm hạn chế sức mua.

Thực tế hiện nay, tại ĐBSCL giá lúa gạo trong tháng 9 đang diễn biến theo xu hướng giảm đồng loạt với mức giảm 600-800 đồng/kg đối với lúa thường IR50404 và 100-200 đồng/kg đối với lúa chất lượng cao.

Gạo Việt tìm đường sang châu Phi: Dự báo giá lúa, gạo trong nước có thể giảm nhẹ do thiếu vắng nhu cầu mới, thị trường xuất khẩu gạo bế tắc trong thời gian tới. Chưa kể, trong tháng 9/2019, chính phủ Phillippines cho biết sẽ cân nhắc sử dụng đa dạng các biện pháp phi thuế, như yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh và kiểm dịch thực vật, để điều chỉnh hoạt động nhập khẩu gạo.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Phillippines cũng đề xuất áp thuế tự vệ đối với nhập khẩu gạo, dự kiến sẽ không thấp hơn 30%, do quy định trong Đạo luật Cộng hòa số 8800 của nước này có đề cập việc áp thuế 30-80% đối với gạo nhập khẩu vượt quá 350 nghìn tấn. Như vậy, gạo nhập khẩu vào Philippines, ngoài việc phải chịu thuế quan 35%, mức thuế phải chịu thấp nhất sẽ là 65% nếu lượng nhập quá 350 nghìn tấn.

Điều này có thể là sẽ gây trở ngại cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Gạo Việt Nam tính cách mở rộng sang các thị trường khác, đặc biệt là thị trường châu Phi).

Tuy nhiên, ở một diễn biến khác có chiều hướng tích cực, đối thủ lớn của gạo Việt là Thái Lan đang gặp tình hình hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản lượng gạo của của nước này. Trong khi Singapore - quốc gia thường xuyên nhập khoảng 30-40% gạo từ Thái Lan - đang xem xét chiến lược đa dạng hóa nhập khẩu từ các nguồn khác. Do đó, thời gian tới, cơ hội tiếp cận thị trường gạo Singapore sẽ mở ra với các quốc gia trên, đặc biệt là Việt Nam và Campuchia vì có lợi thế giao thương cùng với Singapore.

Ngoài ra, Nhật Bản, quốc gia thường xuyên nhập khẩu 50% gạo từ Mỹ, cũng xem xét chuyển hướng sang nhập khẩu gạo từ các quốc gia ký kết Hiệp định CPTPP, trong đó có Việt Nam.

Trao đổi với báo chí về ngành lúa gạo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm nay thị trường có sự thay đổi đột biến. Trung Quốc vốn nhập khẩu tới 2 triệu tấn mỗi năm thì từ đầu năm 2019 đến nay mới mua chưa tới 400.000 tấn.

Hiện gạo Việt xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh. Thị trường 1,4 tỷ dân này chỉ chiếm khoảng hơn 8% tổng giá trị xuất gạo của Việt Nam.

Theo ông Cường, ngành lúa gạo đang gặp nhiều khó khăn, nhưng năm nay, các doanh nghiệp, người nông dân chuyển dịch thị trường rất tốt. Đặc biệt, xuất khẩu gạo đã mở rộng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ, Philippines...

“Thương mại toàn cầu hiện nay một năm chỉ khoảng 36-40 triệu tấn gạo. Không lý gì một năm Việt Nam bán 7 triệu tấn gạo nhưng tiền đem về lại được rất ít, luôn bị động”, Bộ trưởng NN-PTNT cho hay. Về lâu dài, tới đây Việt Nam cần giảm diện tích trồng lúa, thay bằng các đối tượng nuôi trồng, sản xuất khác đang rất hiệu quả.

"Chúng ta vẫn giữ vững an ninh lương thực và xuất khẩu một phần phù hợp. Ngoài ra, vấn đề cần quan tâm tiếp theo là tổ chức lại thị trường trong nước để đảm bảo gạo có chất lượng, bao bì, khả năng cung ứng tốt", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Ngoài ra, cần thúc đẩy, mở rộng thị trường khu vực châu Phi, Trung Đông; những thị trường có khoảng cách địa lý gần như Indonesia, Philippines.

Lùng mua, vét cạn trong dân, thịt lợn tăng giá chưa từng có

Các doanh nghiệp chăn nuôi đang ồ ạt tăng giá, tiểu thương nhỏ lẻ lùng mua khắp vùng, giá thịt lợn từ chuồng trại cho đến chợ tăng cao chưa từng có, chạm mốc 60.000 đồng/kg.

Thịt lợn tăng giá từng ngày, xếp hàng chờ mua: Sau một thời gian dài giữ ổn định ở mốc 45.000-50.000 đồng/kg, mấy ngày đầu tháng 10, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tăng mạnh, thậm chí tăng từng ngày.

Sáng 7/10, Tập Đoàn Dabaco chính thức niêm yết giá thịt lợn hơi xuất chuồng lên mốc 59.000-60.000 đồng/kg tuỳ vùng miền. Tập đoàn C.P cũng chiều chỉnh giá lợn hơi tại miền Bắc tăng lên mức 56.500 đồng/kg.

Ngay trước đó, Tập đoàn C.P công bố giá bán lợn ngày 6/10 tăng thêm 1.500-2.000 đồng/kg tùy từng khu vực. Tại miền Bắc, giá lợn hơi của C.P tăng lên 55.000 đồng/kg, còn khu vực miền Nam được điều chỉnh tăng lên 50.000 đồng/kg.

Tương tự, sáng 6/10, Tập đoàn Dabaco Việt Nam công bố giá bán lợn hơi xuất chuồng tại miền Bắc là 57.000 đồng/kg, riêng khu vực Tuyên Quang giá mở trại đã chạm mốc 58.000 đồng/kg.

So với ngày 5/6, giá lợn hơi của tập đoàn này tăng thêm 2.000 đồng/kg, với ngày 4/10 tăng thêm 4.000 đồng/kg.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Giá thịt lợn được doanh nghiệp đẩy tăng lên mốc 58.000 đồng/kg vào ngày 6/10).

Lãnh đạo tập đoàn này lo ngại, công ty hiện không đáp ứng đủ nhu cầu, đơn hàng thịt lợn của thương lái, lò mổ. Bởi, sản lượng bán ra vẫn phải theo kế hoạch hàng ngày cũng như chỉ đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng cũ, với khách hàng mới lúc này vẫn phải chờ đợi và xếp hàng.

Trên thực tế, đến nay dịch bệnh đã phủ kín 63 tỉnh, thành phố, “cướp” đi gần 6 triệu con lợn kể từ khi Việt Nam công bố 2 ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên vào ngày 19/2 tại Hưng Yên và Thái Bình.

Trong khi đó, các trang trại lớn, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn không dám tái đàn do lo sợ dịch bệnh bùng phát trở lại, gây thiệt hại lớn. Điều này khiến nguồn cung thịt lợn ngày càng khan hiếm. Chưa kể, thời điểm này đang là mùa cao điểm tiêu thụ thịt lợn nên giá càng tăng mạnh.

Các doanh nghiệp chăn nuôi dự báo, giá lợn những ngày tới tiếp tục tăng mạnh và sớm cán mốc 60.000 đồng/kg - mức giá cao chưa từng có. Đáng chú ý, giá lợn được dự báo rất khó giảm, sẽ duy trì xung quanh ngưỡng 60.000 đồng/kg trước khi tăng giá và thiết lập mặt bằng giá mới.

Thương lái lùng mua, dân cạn lợn thịt: Chiều ngày 6/10, trao đổi với PV. VietNamNet, ông Lê Hoàng Quân, một thương lái chuyên gom mua lợn ở khu phực Việt Trì (Phú Thọ), thừa nhận, khoảng một tuần nay giá lợn tăng từng ngày và chưa có dấu hiệu ngừng lại.

“Giá tăng cao song lợn cũng không hề dễ mua như trước”. Ông Quân nói và cho biết, cách đây một tháng việc gom mua lợn vẫn khá dễ. Tuy nhiên, một tuần nay thì việc thu gom khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt là những lò mổ nhỏ lẻ.

Ông kêt, trước có thể mua vài con mỗi lần, giờ đi mua lẻ như vậy không có, trại không đồng ý bán. Các lò mổ nhỏ đành phải mua chung với số lượng lớn và chấp mua mua mức giá cao hơn so với giá công ty. Ví dụ như ngày 6/10, giá công ty là 58.000 đồng/kg thì thương lái nhỏ như ông phải chấp nhận mua lợn hơi xuất chuồng giá 59.000 đồng/kg.

“Nguồn lợn ở các hộ chăn nuôi đã cạn. Thương lái như tôi phải lùng mua khắp vùng, đặt cọc tiền mua cả đàn mà các trại vẫn không chịu bán, sợ hố hàng vì giá lợn đang tăng từng ngày”, ông chia sẻ.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Thịt lợn tại chợ cũng đang tăng giá mạnh do nguồn cung khan hiếm).

Ghi nhận tại các chợ ở Hà Nội, những ngày này giá thịt lợn có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, tại chợ Đại Từ giá các loại thịt mông, vai, ba chỉ, chân giò đều được điều chỉnh tăng lên mốc 95.000-100.000 đồng/kg, nạc thăn giá 110.000 đồng/kg, sườn lợn giá 115.000 đồng/kg,...

Chị Nguyễn Thị Nga - một tiểu thương bán thịt tại chợ Đại Từ, cho hay, do giá tại chợ đầu mối tăng mạnh nên thịt lợn tại chợ dân sinh cũng được tiểu thương điều chỉnh tăng theo.

“Sang mùa thu nhu cầu sử dụng thịt lợn tăng mạnh vì trời đã mát mẻ, nhưng nguồn hàng tại chợ đầu mối dịp này có vẻ khan hiếm”. Chị Nga kể rằng, mùa hè đi lấy thịt khá dễ dàng, giờ chỉ cần chậm chân nửa tiếng là ra chợ đầu mối không nhập được thịt ngon về bán nữa, thậm chí còn cháy hàng.

Trong khi đó, chị Đào Thị Nhàn, chủ một cơ sở làm giò chả tại Thường Tín (Hà Nội), cũng nhận xét, giá thịt lợn đang tăng mạnh. Nhà chị làm giò chả chủ yếu làm từ thịt mông, mấy hôm nay ra chợ đầu mối gom mua mặt hàng này giá đã tăng thêm khoảng 10.0000 đồng/kg.

Giá tăng cao hơn rất nhiều, chị Nhàn không thể gom đủ được số thịt mình cần mua.

“Ngày trước tôi gom mua khoảng trên 3 tạ thịt mông về làm hàng. Các đầu mối ở chợ họ còn chở đến tận nhà cho mình. Giờ thì khác, tôi phải ra tận chợ đầu mối gom, tranh nhau mua mãi mới được khoảng 2 tạ, có hôm còn được ít hơn”, chị chia sẻ.

Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Business Consulting ước tính quy mô đàn nái trên cả nước đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, trong đó các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là đối tượng chịu tác động lớn nhất từ dịch tả lợn. Rabobank cũng dự báo sản lượng lợn tại Việt Nam cả năm 2019 có thể giảm 15-19% so với cùng kỳ.

Ipsos ước tính Việt Nam có thể thiếu hụt 500.000 tấn thịt trước Tết Nguyên đán do nguồn cung chưa hồi phục.

(Nguồn: Vietnamnet)

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang