Đức chống bạo lực gia đình: Thực trạng nghiêm trọng; Cơ quan hỗ trợ cần biết, đường dây nóng, điểm tư vấn, nơi tạm trú…

Theo Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức, năm 2022, Đức có tổng cộng 240.547 nạn nhân bạo lực gia đình, tăng 8,5% so với năm trước. Bộ trưởng Bộ Gia đình Liên bang Paus và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên bang Faeser kêu gọi những người bị ảnh hưởng cần tố giác tội phạm.

Thực trạng gia tăng

Mặc dù nhiều vụ phạm tội không được báo cáo với cảnh sát và do đó số vụ bạo lực có thể cao hơn nhiều, nhưng báo cáo về tình hình bạo lực gia đình cho thấy số nạn nhân của bạo lực gia đình đã tăng lên trong năm qua.

Tại buổi báo cáo về tình hình bạo lực gia đình tại Berlin, Bộ trưởng Gia đình Liên bang Lisa Paus cùng Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Nancy Faeser và Chủ tịch Cảnh sát Liên bang BKA Holger Münch cho biết: Hầu như cứ hai phút lại có một người dân trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Hơn 14 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực bạn tình mỗi giờ. Hầu như ngày nào cũng có 1 người bạn đời hoặc người bạn đời cũ tìm cách giết một người phụ nữ.

Thống kê tội phạm "Báo cáo bạo lực gia đình" đã được BKA công bố hàng năm kể từ năm 2015. Ngoài bạo lực vợ chồng, các tội phạm được gọi là bạo lực gia đình bao gồm chống lại cha mẹ, con cái, anh chị em ruột và những người thân khác. Điều này tạo ra một cái nhìn tổng quan về tình hình bạo lực gia đình nói chung.

Xét trong phạm vi gia đình, chủ yếu phụ nữ bị bạo hành

Báo cáo bạo lực gia đình cho thấy số nạn nhân ở Đức đã tăng lên đáng kể. Năm 2022, có 240.547 nạn nhân bạo lực gia đình được ghi nhận, nhiều hơn 8,5% so với năm trước. Nạn nhân chủ yếi là phụ nữ, chiếm 71,1%, trong khi thủ phạm chủ yếu là nam giới 76,3%.

Khi xem xét các con số, Bộ trưởng Gia đình Liên bang Paus đã nói về sự cân bằng đáng buồn và thực tế gia tăng đáng kể.

Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Faeser nhấn mạnh: Bạo lực gia đình không phải là vấn đề riêng tư, mà là một vấn đề nghiêm trọng trong tất cả các nhóm xã hội. Bà kêu gọi tất cả nạn nhân hãy báo với cảnh sát về bạo lực! Thủ phạm chỉ có thể chịu trách nhiệm nếu tội phạm được cảnh sát biết đến.

Nạn nhân bạo lực gia đình năm 2022 qua số liệu:

-Nạn nhân bị sát hại: 702 (454 nữ, 248 nam).

-Nạn nhân bị tổn hại cơ thể: 135.502 (95.736 nữ và 39.766 nam).

-Nạn nhân bị đe dọa, đeo bám và ép buộc: 57.376 nạn nhân (44.044 nữ và 13.332 nam).

-Nạn nhân bị bắt giữ: 2.575 (2.138 nữ và 437 nam).

-Nạn nhân bị tấn công nghiêm trọng: 28.589 (17.312 nữ và 11.277 nam).

Một nửa nạn nhân sống với thủ phạm

Chủ tịch BKA Münch cho biết trong lĩnh vực bạo lực vợ chồng, gần một nửa trong số họ sống với thủ phạm.

Bộ trưởng Nội vụ Liên bang phát biểu: Đằng sau mỗi trường hợp này là nỗi đau khổ và nỗi kinh hoàng khi bị tấn công trong chính ngôi nhà mình hoặc những nơi xung quanh, nơi mình lẽ ra phải thực sự cảm thấy an toàn nhất.

Theo Lagebruch, phần lớn nạn nhân và nghi phạm đều từ 30 đến 40 tuổi. Nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình là trẻ em.

Ngày càng có nhiều đàn ông phải dọn ra ở riêng hoặc giữ khoảng cách vì họ đã gây ra hoặc đe dọa vợ, bạn đời mình bằng bạo lực.

Cần làm sáng tỏ bạo lực gia đình

Mặc dù số vụ bạo lực gia đình được trình báo ngày càng tăng, nhiều tội phạm vẫn không được báo cáo với cảnh sát, do sợ hãi hoặc xấu hổ. Do đó, Chính phủ Liên bang muốn bắt đầu một nghiên cứu quy mô lớn để thấy rõ bức tranh thật bạo lực gia đình. Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Faeser cho biết, kết quả sẽ giúp chúng ta thực hiện và mở rộng các đề nghị trợ giúp và hỗ trợ chính xác hơn. Chúng tôi muốn bảo vệ phụ nữ và nam giới khỏi bạo lực hiệu quả hơn.

Những cơ quan hỗ trợ nhanh chóng cho nạn nhân bạo lực gia đình

Cảnh sát

Cảnh sát và cơ quan tư pháp ở Đức có trách nhiệm bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình. Trong trường hợp nguy hiểm tức thời, có thể liên hệ với cảnh sát qua số điện thoại khẩn cấp miễn phí 110. Ở tất cả các tiểu bang, cảnh sát có các lựa chọn pháp lý để đuổi thủ phạm bạo lực ra khỏi căn hộ chung và ban hành lệnh cấm tiếp cận nạn nhân.

Đường dây nóng trợ giúp

Nhiều người ban đầu ngại đến cảnh sát hoặc trung tâm tư vấn. Vì vậy họ có thể sử dụng các đường dây trợ giúp, chẳng hạn như đường dây trợ giúp "Bạo lực đối với phụ nữ" (116 016) hoặc đường dây dành cho nam giới (0800 1239900). Sau đó nạn nhân cùng với người trợ giúp cân nhắc các biện pháp hỗ trợ tiếp theo.

Các trung tâm tư vấn

Các trung tâm tư vấn tại chỗ giúp đỡ những phụ nữ bị ảnh hưởng. Họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ tại các Trung tâm Tư vấn Phụ nữ Liên bang và Đường dây nóng Khẩn cấp dành cho Phụ nữ ở Đức (Frauenberatungsstellen und Frauennotrufe).

Nơi tạm trú dành cho phụ nữ

Ở Đức, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi bạo lực và con cái của họ được tìm tới nơi tạm trú dành cho phụ nữ và con cái tại khu vực mình sinh sống, xem đường Link bằng tiếng Đức => Frauenhauskoordinierung.

Chủ trương của Chính phủ Liên bang Đức
Chính phủ Liên bang đã ban hành nhiều chủ trương Bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực, như trong năm tới, Chính phủ sẽ thiết lập Đường dây nóng trợ giúp chống Bạo lực đối với phụ nữ Hilfetelefon „Gewalt gegen Frauen“ và chương trình Liên bang “Cùng nhau chống bạo hành phụ nữ”. Ngoài ra, Chính phủ Liên bang đã khởi xướng việc thành lập các cuộc tọa đàm ở cấp chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang