Mỹ: Tử vong vì dịch giảm; 300 tỷ đô trợ cấp Covid; Đòn bất ngờ tháng 10; Tất tay hạ bệ Trump; Trùm giang hồ Trump; Doanh nghiệp tại TQ bi quan

Mỹ: Tử vong vì COVID giảm dù vài nơi số ca nhiễm tăng

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Một vài tiểu bang tại vùng trung tây và đông bắc Mỹ chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trong hai tuần liên tiếp, dù trên toàn quốc số ca nhiễm và tử vong trong tuần qua có khuynh hướng đi xuống, phân tích của Reuters cho thấy.

Hoa Kỳ báo cáo hơn 287.000 ca mới trong tuần lễ chấm dứt vào ngày 6/9, giảm 1,4% so với tuần trước đó và đánh dấu 7 tuần liên tiếp sụt giảm. Tuần trước có hơn 5.800 người chết vì COVID-19, đây là số tử vong giảm trong 3 tuần liên tiếp.

Dù vậy, 17 tiểu bang đang có số ca nhiễm gia tăng ít nhất trong 2 tuần, Reuters loan tin dựa vào phúc trình của các tiểu bang và quận hạt. Những tiểu bang này bao gồm Missouri, North Dakota và Wisconsin, nơi có từ 10% đến 18% những người được xét nghiệm dương tính với virus corona.

Tại vùng đông bắc, Delaware, New Hampshire, New Jersey và New York cũng báo cáo các ca mới gia tăng ít nhất trong 2 tuần dù tỉ lệ xét nghiệm dương tính từ 0,9% ở New York cho đến 4,3% tại Delaware dưới mức quan ngại 5% của Tổ chức Y tế Thế giới.

Tại một số tiểu bang, xét nghiệm gia tăng vào lúc trường học mở cửa. Chẳng hạn New York xét nghiệm từ 10% đến 20% học sinh và nhân viên nhà trường mỗi tháng. Trường Đại học Illinois xét nghiệm sinh viên một tuần hai lần.

Trên toàn quốc tất cả các kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19 giảm trong năm tuần liên tiếp xuống còn 5,5% dưới mức cao điểm gần 9% của hồi giữa tháng 7, theo dữ liệu của Dự án Theo dõi COVID, một nỗ lực do những người tình nguyện điều hành để theo dõi virus bùng phát.

Tuần trước Mỹ xét nghiệm trung bình 741.000 người một ngày, tăng 5% so với tuần trước đó nhưng thấp hơn vào đỉnh điểm cuối tháng 7 là hơn 800.000 người một ngày.

Phe Cộng hòa tại Thượng Viện Mỹ đề nghị dự luật 300 tỉ đô trợ cấp COVID

Các nhà lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ ngày 8/9 đưa ra một dự luật cứu trợ Covid xấp xỉ 300 tỉ đô la, các phụ tá cao cấp cho biết. Dự luật này ngay lập tức bị phe Dân chủ bác bỏ là không đủ để đáp ứng nhu cầu do đại dịch gây ra.

Dự luật sẽ được tăng gia bằng một nguồn quỹ chưa dùng từ Đạo luật CARES, được ban hành vào cuối tháng 3, theo các phụ tá yêu cầu được giấu tên.

Bao gồm trong dự luật là 10 tỉ đô la cấp cho Bưu điện Mỹ để quán xuyến một lượng lớn phiếu bầu gởi qua bưu điện trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội ngày 3/11 vì cử tri không muốn đích thân đi bầu do sợ đại dịch virus corona.

10 tỉ đô la sẽ biến khoản vay của Bưu điện trong Đạo luật CARES thành một khoản tặng nếu tiền mặt dự trữ giảm xuống còn 8 tỉ đô la, theo bản tóm tắt.

“Phe Cộng hòa tại Thượng viện dường như nỗ lực về một dự luật khác không tiến gần đến việc giải quyết vấn đề và chẳng đi đến đâu cả,” lãnh đạo khối thiểu số ở Thượng viện Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói trong một thông báo.

“Đề nghị này đầy những viên thuốc độc, Đảng Cộng hòa biết Đảng Dân chủ không bao giờ ủng hộ,” hai nhà lãnh đạo này nói.

Vào giữa tháng 5, Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát chấp nhận gói trợ cấp về virus corona thứ năm tổng cộng hơn 3.000 tỉ đô la mà lãnh đạo khối đa số ở Thượng viện Mitch McConell chưa đưa ra biểu quyết.

Tháng trước, một loạt các cuộc thương thuyết giữa phe Dân chủ và Tòa Bạch Ốc thất bại không thỏa hiệp được, dù bà Pelosi đưa ra một đề nghị có thể giảm bớt chi tiêu trong dự luật của bà khoảng 1.000 tỉ đô la.

Bầu cử Mỹ: Đòn “Bất ngờ tháng Mười” của ông Trump liệu có bất ngờ?

Khi ngày bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần, giới phê bình chính trị trên thế giới bắt đầu đồn đoán về một “Bất ngờ tháng Mười” ngay trước cuộc bỏ phiếu vào ngày 3/11/2020 sắp tới.

Trong nền chính trị Mỹ, “Bất ngờ tháng Mười” là một sự kiện truyền thông được sắp xếp một cách chủ đích và đúng thời điểm nhằm thu hút hoặc gây phân tán cử tri, từ đó tác động đến kết quả bầu cử, đặc biệt là trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Do bầu cử tổng thống Mỹ luôn diễn ra vào đầu tháng 11, những đòn gây bất ngờ về truyền thông thường được lên kế hoạch vào cuối tháng 10. Những nỗ lực vào phút cuối này có khả năng tạo ra tác động rộng lớn lên sự lựa chọn của các cử tri Mỹ. Kiểu tác động vào truyền thông vào phút cuối như thế này có thể thay đổi kết quả bầu cử.

Hiệu quả “chết người” của đòn bất ngờ trước thời điểm bầu cử

William Casey đã sáng tạo ra thuật ngữ “Bất ngờ tháng Mười” khi ông làm người quản lý chiến dịch tranh cử của ứng viên Ronald Reagan. Ông Reagan đã giành được đề cử của đảng Cộng hòa cho cuộc đua vào ghế tổng thống năm 1980, với sự trợ giúp của một điều “Bất ngờ” (sẽ được đề cập ở phần sau của bài này).

Mặc dù thuật ngữ này hình thành mới đây, bản thân hiện tượng này đã có từ rất lâu trong lịch sử chính trị Mỹ.

Dưới đây là một số trường hợp Bất ngờ tháng Mười đảo ngược kết quả cuối cùng của một cuộc bầu cử Mỹ.

Năm 1972, Tổng thống phe Cộng hòa Richard Nixon ra tái tranh cử trong bối cảnh Chiến tranh Việt Nam vẫn đang diễn ra. Thượng nghị sĩ Dân chủ George McGovern ra tranh cử với cương lĩnh bầu cử phản chiến. McGovern dẫn trước Nixon trong các cuộc thăm dò dư luận. Vào ngày 26/10 năm đó, Henry Kissinger – Cố vấn an ninh quốc gia của Nixon, công bố đòn Bất ngờ là “hòa bình trong tầm tay” tại Việt Nam. Kết quả là, các cuộc tập hợp vận động tranh cử của phe Nixon tràn đầy các tấm biển nói về việc chấm dứt chiến tranh. Trên thực tế, hòa bình không nằm trong tay ai cả, nhưng Nixon vẫn tái đắc cử sát sao, dù cho đối thủ của ông đang dẫn trước đối thủ trong các cuộc điều tra dư luận tiền bầu cử. McGovern gọi tuyên bố của Kissinger là một đòn “đánh lừa chính trị độc ác”.

Tương tự, vào năm 1980, vấn đề trung tâm trong tranh cử là cuộc khủng hoảng con tin ở Iran. Chế độ chính trị tại Iran lúc đó đã bắt làm con tin 52 công dân Mỹ ở Đại sứ quán Mỹ tại Tehran vào ngày 4/11/1979. Ứng viên tổng thống của phe Cộng hòa là Reagan đã công kích đối thủ Dân chủ Jimmy Carter là một tổng thống yếu kém bằng cách viện dẫn tình trạng các công dân Mỹ tiếp tục bị giam giữ làm các con tin. Khi ngày bầu cử đến gần, Iran ngừng đàm phán với chính quyền của Tổng thống Mỹ Carter.

Theo phản ánh của Gary Sick – một cựu chuyên gia về Iran trong đội ngũ an ninh quốc gia của ông Carter, Thủ tướng Iran Mohammad-Ali Rajai bất ngờ thông báo rằng Iran sẽ không thả các con tin khi Carter vẫn còn tại vị trong Nhà Trắng. Kết quả là, Reagon giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 1980 (với khoảng cách đáng kể so với đối thủ). Iran đã phóng thích các con tin vào ngày Reagan nhậm chức, để đổi lại việc Mỹ nhả các tài sản Iran (khoảng 3 tỷ USD) bị Mỹ phong tỏa.

Vụ Bất ngờ tháng Mười gần đây nhất có lẽ là bức thư được gửi tới Quốc hội Mỹ vào ngày 28/10/2016 bởi James Comey, khi đó là giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI). Dù đã khép lại việc điều tra vào tháng 7 đối với cáo buộc cho rằng bà Hillary Clinton đã sử dụng server email cá nhân khi làm ngoại trưởng Mỹ giai đoạn 2009-2013, ông Comey đã tung ra một bức thư kích thích sự nghi ngờ, với nội dung nói rằng FBI đã tìm thấy các email mới có thể quan trọng hoặc không quan trọng với cuộc điều tra về bê bối email.

Đòn Bất ngờ này đã làm khuấy đảo chiến dịch tranh cử. Sự chú ý của các cử tri đã bị phân tán bởi việc bà Clinton bị đối thủ của mình Donald Trump mô tả là tham nhũng, xảo trá, và phản bội. Trước lúc có đòn Bất ngờ, bà Clinton dẫn trước đối thủ tới 4 điểm phần trăm (khi đó, 48% cử tri ủng hộ bà Clinton và chỉ có 44% cử tri ủng hộ ông Trump). Với chiêu Bất ngờ trên, ông Trump đã đắc cử.

Vậy trong năm 2020 này, đòn Bất ngờ tháng Mười của ông Trump sẽ là gì? Đã có một số giải thuyết.

Các quân bài “bất ngờ” của ông Trump cho cuộc bầu cử tới

Max Boot - cây bút chuyên cho chuyên mục của tờ Washington Post, nhận định rằng về mặt đối nội, ông Trump có thể công bố một kế hoạch chống đại dịch Covid-19. Khả năng cao là ông Trump sẽ công bố một vaccine trước khi kết thúc các thử nghiệm giai đoạn 3 dù cho chưa đạt được quy trình cần thiết để đưa ra phê chuẩn cuối cùng đối với vaccine.

Ông Boot cũng cho rằng, trên khía cạnh đối ngoại, ông Trump có thể công bố việc rút 26.000 quân khỏi Đức. Boot cũng dự đoán rằng ông Trump có thể ra lệnh rút 8.000 quân khỏi Afghanistan. Tương tự, ông có thể công bố rút một phần hoặc toàn bộ quân khỏi Hàn Quốc.

Giới bình luận chính trị cũng đoán rằng Tổng thống Trump có thể cố gắng tham gia Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), còn được gọi tắt là thỏa thuận hạt nhân Iran – ông Trump rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận này vào ngày 8/5/2018. Hoặc ông Trump cũng có thể hạ lệnh oanh tạc Iran dựa trên cáo buộc nước này mở rộng chương trình hạt nhân.

Một số nhà phê bình chính trị dự báo ông Trump có thể công bố một cuộc “ly dị” hoàn toàn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như một đòn Bất ngờ tháng Mười. Trên tờ New York Times, tác giả Michael Crowley trích dẫn cuốn sách do cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton viết, trong đó có chi tiết ông Trump liên tục nói rằng ông muốn rút khỏi liên minh NATO. Theo Crowley, ông Bolton ước tính rằng Trump có thể công bố trước ngày bầu cử một kế hoạch rút Mỹ khỏi NATO như đòn Bất ngờ tháng Mười.

Trong nhiều thư điện tử riêng gửi cho tác giả này, nhiều học giả Mỹ và Ấn Độ bày tỏ quan ngại ông Trump sẽ công kích Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông để tạo cơ hội tái đắc cử. Những học giả này lo lắng là vì điều đó sẽ gây xáo trộn lớn cho tình hình thế giới.

Tuy nhiên, ông Trump cũng có thể đi theo 1 hướng khác, đó là công bố một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Có thể Tổng thống Trump nhận thức được rằng cử tri Mỹ muốn có kết quả cụ thể chứ không phải là một cuộc chiến ngôn từ với Trung Quốc. Ông Trump có thể ký một thỏa thuận thương mại với điều kiện Trung Quốc nhập 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ và mua khoảng 7.500 máy bay (trị giá 1.200 tỷ USD) trong 20 năm tới. Đổi lại, Mỹ sẽ cho phép các công ty công nghệ Trung Quốc mua các sản phẩm của công ty Mỹ, đồng thời Mỹ sẽ mở cửa cho các công ty công nghệ Trung Quốc vào Mỹ làm ăn.

Chiến thuật “tất tay” hạ bệ ông Trump của đảng Dân chủ

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Bình cũ rượu mới

Thực tế đã chứng minh điều ngược lại: Ông Trump giành chiến thắng đầy thuyết phục. Đảng Dân chủ và những người ủng hộ đến nay vẫn dành phần lớn thời gian trên các phương tiện truyền thông, với nhiều cáo buộc khác nhau, phủ nhận kết quả bầu cử 2016 bằng mọi giá.

Tuy nhiên, gần đây, truyền thông thân đảng Dân chủ đang dần chuyển sang một điệp khúc mới. Qua nhiều bài bình luận và phân tích với nội dung lặp đi lặp lại, họ tập trung vẽ ra kịch bản nếu thất cử, liệu ông Trump có tìm cách phủ nhận kết quả hay sử dụng các biện pháp “vi hiến” để tiếp tục nắm quyền hay không.

Theo ông Jonathan S. Tobin, Tổng biên tập trang tin JNS.com, điều này chẳng những không thể hiện được những hành động thất thường của ông Trump khi điều hành nước Mỹ, mà còn chứng tỏ một điều rằng đảng Dân chủ vẫn chưa sẵn sàng cho việc phải chịu thất bại thêm lần nữa.

Tử năm 2016, Tổng thống Trump từng nghi ngờ về tính toàn vẹn của quy trình bầu cử tổng thống Mỹ, khi nhiều lần nói về những sai phạm có thể xảy ra trong quy trình kiểm phiếu. Lần này, sự lo ngại của ông Trump phần nào có cơ sở.

Tờ New York Post từng dẫn lời một cựu nhân viên đặc vụ thuộc đảng Dân chủ về việc gian lận bầu cử đang trở nên dễ dàng như thế nào. Với việc nhiều lá phiếu gửi qua đường bưu điện năm nay do dịch Covid-19, trong khi những biện pháp an ninh tương đối lỏng lẻo, tình trạng hỗn loạn có thể sẽ kéo dài trong nhiều ngày, nhiều tuần và thậm chí nhiều tháng sau bầu cử.

Theo ông Tobin, điều này đã khiến một loạt chuyên gia từ đảng Dân chủ công khai suy đoán về cách ngăn Tổng thống Trump “đánh cắp cuộc bầu cử” thêm một lần nữa.

Nhiều công thức đã được họ vẽ ra để cứu nền dân chủ của Mỹ khỏi ông Trump. Song, viễn cảnh duy nhất để đảm bảo một quá trình chuyển giao tổng thống trong hòa bình là một chiến thắng đậm cho ứng cử viên Joe Biden, với cách biệt lớn đến mức khiến ông Trump cũng phải tâm phục khẩu phục.

Chiến lược khiến người Mỹ lo lắng

Bất chấp những nhận định và diễn giải đầy lo lắng mà báo chí và truyền thông thân đảng Dân chủ đang cố tô vẽ, ông Tobin nhận định các thành viên đảng này đang biểu hiện rõ cách họ phản ứng khi thua cuộc. Đó là không bao giờ thừa nhận thất bại, giống như điều bà Hillary từng khuyên ứng cử viên Biden trong đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ.

Chỉ khác là lần này, đảng Dân chủ sẽ không dựa vào các thuyết âm mưu hoặc những cuộc điều tra về hành vi gian dối. Thay vào đó, họ đang dựa vào một chiến lược nhằm khiến người Mỹ lo lắng và quay sang bỏ phiếu cho ứng cử viên Biden, ngay cả khi nảy sinh những nghi ngại về năng lực lãnh đạo và sự quá khích từ những người ủng hộ của ông Biden.

Sau một mùa hè chìm trong hỗn loạn và bạo lực từ các cuộc biểu tình do phong trào "Mạng sống của người da đen cũng quan trọng" tại các thành phố lớn của Mỹ, ngày càng xuất hiện nhiều nghi ngờ về sự cấu kết ngầm giữa một số thế lực chính trị và những nhóm biểu tình để hạ thấp uy tín của tổng thống ngay khi ông đang có dấu hiệu thắng thế.

Ông Tobin cho rằng, phía sau tất cả những lời hoa mỹ từ những người muốn ngăn chặn một “sự lừa dối” của ông Trump là một thực tại phũ phàng rằng: Chính những thế lực nhân danh chống áp bức và phân biệt chủng tộc đang gây thiệt hại thậm chí còn tồi tệ hơn với nước Mỹ, để đảm bảo tiến trình tái đắc cử của Tổng thống bị cản trở.

Và điều này đã trở thành ẩn ý trong bài phát biểu của những người ủng hộ ông Biden về nền dân chủ. Con át chủ bài của họ không phải là số lượng phiếu bầu, mà là sự chắc chắn rằng các thành phố của Mỹ sẽ tiếp tục bất ổn cho đến khi các cử tri chấp nhận yêu cầu từ họ.

Ông Tobin nhận định, nếu dịch Covid-19 xấu đi tại Mỹ, ông Biden vẫn có cơ hội giành chiến thắng khiến ông Trump “tâm phục, khẩu phục”. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ ngày càng bị chia rẽ sâu sắc khi thời điểm bầu cử ngày một cận kề, sự lo lắng của nhiều người không chỉ là ở thái độ của ông Trump, mà còn là phản ứng của đảng Dân chủ nếu thất bại một lần nữa.

Luật sư cũ tố Trump ‘là trùm giang hồ và kẻ phân biệt chủng tộc’

Michael Cohen, luật sư cũ của Tổng thống Trump, đưa ra những cáo buộc động trời trong cuốn sách mới ra.

Theo lời cựu luật sư Michael Cohen của Tổng thống Mỹ, Donald Trump cư xử như một tên cướp và "coi thường tất cả người da đen".

Các cáo buộc đến từ cuốn sách mới của Cohen có tựa "Disloyal: A Memoir", được viết trong thời gian ông ngồi tù vì các vi phạm tài chính trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump, cùng các tội danh khác.

Cohen nói ông Trump cũng đưa ra bình luận phân biệt chủng tộc về Nelson Mandela và người Mỹ Latinh.

Nhà Trắng nói Cohen dối trá.

Thư ký báo chí Kayleigh McEnany cho biết trong một tuyên bố vào cuối tuần: "Cohen là một luật sư trọng tội và bị tước quyền hành nghề, người đã nói dối Quốc hội". "Ông đã mất hết uy tín và không có gì ngạc nhiên khi thấy nỗ lực mới nhất của ông nhằm trục lợi từ những lời nói dối."

Trong cuốn sách, Cohen cáo buộc rằng ông Trump "phạm những tội tương tự" khiến ông phải vào tù, và gọi sếp cũ của mình là "kẻ lừa đảo, kẻ nói dối, kẻ lừa gạt, kẻ bắt nạt, kẻ phân biệt chủng tộc, ..".

Ông nói ông Trump có tâm lý của một "trùm giang hồ".

Nhiều hãng tin của Hoa Kỳ đã đăng trích dẫn từ cuốn sách theo dự kiến sẽ ra mắt vào thứ Ba.

Dưới đây là một số tuyên bố chính.

Về người da đen và Mandela

"Trump coi thường tất cả người da đen, từ âm nhạc đến văn hóa và chính trị," Cohen viết trong cuốn sách của mình.

Ông tuyên bố Donald Trump nói cố tổng thống Nam Phi và nhà hoạt động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Nelson Mandela là "không phải nhà lãnh đạo".

"Hãy nói cho tôi biết một đất nước được điều hành bởi một người da đen mà không phải là hố phân. Các nước đó đều toàn là vệ sinh," ông Trump từng nói, theo Cohen.

Những lời này lặp lại những cáo buộc tương tự, từ năm 2018, rằng ông Trump đã gọi các nước châu Phi là các quốc gia "hố phân ".

Khi đó, ông Trump nói với các phóng viên: "Tôi không phải là người phân biệt chủng tộc. Tôi là người ít phân biệt chủng tộc nhất mà bạn từng phỏng vấn".

Các cáo buộc phân biệt chủng tộc đã làm gây hại cho nhiệm kỳ đầu tiên của ông và tiếp tục là một vấn đề khi tổng thống đảng Cộng hòa vận động cho cuộc bầu cử vào tháng 11 chống lại đối thủ đảng Dân chủ là Joe Biden.

Tổ chức Nelson Mandela đã phản hồi các cáo buộc liên quan đến cựu tổng thống Nam Phi, vốn được gọi bằng tên thân mật là Madiba.

"Chúng tôi không tin rằng các nhà lãnh đạo hành xử theo cách ông Trump làm lại có thể đưa ra những bình luận có trọng lượng về cuộc sống và công việc của Madiba," tổ chức này nói trong một tuyên bố.

"Suy ngẫm về khả năng lãnh đạo, Madiba từng nói: 'Một nhà lãnh đạo giỏi có thể tham gia vào một cuộc tranh luận thẳng thắn và thấu đáo, sao để biết rằng cuối cùng người đó và bên kia phải thân thiết hơn, và do đó trở nên mạnh mẽ hơn. Bạn không có suy nghĩ đó khi bạn kiêu ngạo, hời hợt và thiếu hiểu biết.' Chúng tôi muốn giới thiệu những lời này để ông Trump xem xét."

Về Obama

Trong cuốn sách, Cohen cáo buộc rằng ông Trump có "sự căm ghét và khinh thường" người tiền nhiệm Barack Obama.

Cohen viết: "Trump đã thuê một nhân vật thế vai Obama' trong một video mà ôngTrump đã 'coi thường tổng thống da màu đầu tiên và sau đó sa thải ông ấy'.

Truyền thông Mỹ kể từ đó đã chiếu một đoạn video cũ, cho thấy ông Trump đảm nhận vai trò người dẫn chương trình truyền hình The Apprentice và sa thải một người đàn ông đóng vai Tổng thống Obama.

Đoạn video này được cho là đã được làm cho dịp đại hội đảng Cộng hòa năm 2012, khi Mitt Romney được đề cử là ứng cử viên của đảng Cộng hòa, nhưng clip này đã không bao giờ được phát sóng.

Về cử tri Mỹ Latinh

Theo Cohen, ông Trump từng nói: "Tôi sẽ không bao giờ có được lá phiếu của cử tri Mỹ Latinh (Hispanic). Giống như những người da đen, họ quá ngu dốt để có thể bỏ phiếu cho Trump. Họ không phải người của tôi".

Những bình luận của ông về người Mỹ Latinh đã bị soi xét kỹ trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông, đặc biệt là sau khi ông liên tục miệt thị người Mexico trong chiến dịch tranh cử của mình.

Năm 2019, Tổng thống Trump nói tại một cuộc biểu tình ở New Mexico: "Không ai yêu người Mỹ Latinh hơn".

Về Putin

Ông Donald Trump ngưỡng mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin vì ông ấy có thể "tiếp quản cả một quốc gia và điều hành nó như thể đó là công ty riêng của mình - giống là Tổ chức Trump," Cohen viết.

Cohen nói rằng ông Trump đã đồng ý với Tổng thống Putin để đảm bảo tiếp cận nguồn tiền của Nga nếu ông ấy thua cuộc bầu cử năm 2016.

Tuy nhiên, Cohen cũng nói rằng chiến dịch của Trump "quá hỗn loạn và không đủ năng lực để đi đêm với chính phủ Nga" khi họ lên nắm quyền.

Về Stormy Daniels

Vào năm 2016, Cohen đã thu xếp một khoản tiền bịt miệng ngôi sao phim sex là Stormy Daniels, người tuyên bố có quan hệ tình ái với ông Trump. Việc trả tiền này, vi phạm các quy tắc tài trợ chiến dịch, là một trong những tội danh dẫn đến việc Cohen phải ngồi tù.

Cohen từ lâu đã khẳng định ông hành động theo lệnh của tổng thống, nhưng ông Trump luôn phủ nhận điều này.

"Không bao giờ phải trả tiền để giải quyết những việc này, nhưng rất nhiều bạn bè đã khuyên tôi nên trả tiền," ông Trump nói, theo cuốn sách của Cohen. "Nếu bị lộ, tôi không chắc sẽ phải ứng phó như thế nào với những người ủng hộ tôi. Nhưng tôi cá là họ sẽ nghĩ thật tuyệt khi tôi ngủ với một ngôi sao khiêu dâm."

Michael Cohen là ai?

Cohen đã làm việc chặt chẽ với ông Trump trong nhiều năm và thường được gọi là "người dàn xếp" của ông, nhưng họ đã va chạm và Cohen đã đưa ra một lời khai tàn khốc trước Quốc hội vào năm ngoái, trước khi ông Trump bị luận tội.

Năm 2018, Cohen bị bỏ tù vì trốn thuế, khai man và vi phạm tài chính chiến dịch tranh cử.

Luật sư bị mất bằng hành nghề này hiện đang thụ án bản án ba năm tại nhà riêng ở New York, sau khi được ra tù trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan của virus corona.

Ông bị đưa trở lại tù một thời gian ngắn, cho đến khi một thẩm phán liên bang can thiệp và phán quyết rằng chính phủ đã thực hiện hành động này để trả đũa việc ông viết cuốn sách của mình.

Ông Trump đã gọi Cohen là "một con chuột cống" và một kẻ dối trá.

Cohen đã từng nói rằng ông sẽ lấy mình che đạn cho Donald Trump. Kể từ đó, ông nói rằng ông đã nhận được những lời đe dọa giết từ những người ủng hộ Trump.

Doanh nghiệp Mỹ ngày càng bi quan khi hoạt động tại Trung Quốc

Các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc ngày càng tỏ ra quan ngại về nguy cơ căng thẳng thương mại song phương có thể kéo dài nhiều năm tới và gây ảnh hưởng dài hạn cho hoạt động kinh doanh tại nước này.

Phân nửa số công ty (50%) cho rằng tình trạng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ kéo dài ít nhất 3 năm nữa, so với con số 30% vào năm 2019, theo Reuters hôm 9.9 dẫn kết quả khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải kết hợp với hãng tư vấn PWC tổ chức.

Thậm chí 27% trong số này lo ngại cuộc đối đầu song phương trong lĩnh vực thương mại sẽ tiếp tục kéo dài vô thời hạn, trong khi chỉ có 13% số công ty nghĩ như vậy khi tham gia cuộc khảo sát năm ngoái.

“Các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc muốn hai nước nhanh chóng giải quyết các tranh chấp và giảm căng thẳng thương mại song phương”, theo Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc, ông Ker Gibbs.

Quan hệ Mỹ-Trung vốn đã xấu đi sau khi chiến tranh thương mại bùng nổ vào năm ngoái giữa hai nước và tình trạng càng thêm căng thẳng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như các động thái mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm loại trừ các tập đoàn công nghệ Trung Quốc vì lý do đe dọa an ninh quốc gia.

Với ngày bầu cử Mỹ đang đến gần, Tổng thống Trump trong tuần này một lần nữa nêu lên ý tưởng “phân ly” kinh tế với Trung Quốc, dựa trên lập luận rằng Mỹ sẽ không bị tổn thất thêm về kinh tế nếu ngừng hoạt động kinh doanh với Trung Quốc.

Trong bối cảnh hiện tại, chỉ có 29% số công ty tham gia khảo sát có kế hoạch tăng đầu tư tại Trung Quốc trong năm nay, giảm từ 47% trong năm 2019.

Gần 1/3 số công ty quan ngại về khả năng duy trì lực lượng lao động nếu quan hệ thương mại Mỹ-Trung không kịp thời cải thiện.

(Nguồn: VOA, Soha, Vietnamnet, BBC, Thanh Niên)

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Cuộc sống thường nhật

Cảnh báo: Đang xỉn lái xe, bị người dân báo cảnh sát ở Niedersachsen; Trùm ma túy Afghanistan 18 tuổi đến Hamburg lúc thiếu niên

26/04/2024

Mỹ: Tử vong vì COVID giảm dù vài nơi số ca nhiễm tăng   Một vài tiểu bang tại vùng trung tây và đông bắc Mỹ chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trong hai tu

Cảnh báo: Kiểm tra ô tô nước ngoài trên cao tốc, phát hiện hàng trộm cắp; Câu lạc bộ ở Berlin bị cảnh sát khám xét trong lúc đang hoạt động

24/04/2024

Mỹ: Tử vong vì COVID giảm dù vài nơi số ca nhiễm tăng   Một vài tiểu bang tại vùng trung tây và đông bắc Mỹ chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trong hai tu

Cảnh báo những tai nạn giao thông nghiêm trọng: Đâm trực diện; Cháy toa xe di động; Máy kéo lộn vòng; Xe đang chạy bùng cháy

24/04/2024

Mỹ: Tử vong vì COVID giảm dù vài nơi số ca nhiễm tăng   Một vài tiểu bang tại vùng trung tây và đông bắc Mỹ chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trong hai tu

An sinh - Thuế

Người hưởng trợ cấp, thu nhập thấp cần biết: Đệ đơn xin trợ cấp phụ phí chữa, trồng răng 

17/04/2024

Mỹ: Tử vong vì COVID giảm dù vài nơi số ca nhiễm tăng   Một vài tiểu bang tại vùng trung tây và đông bắc Mỹ chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trong hai tu

Tổng hợp tiền con Kindergeld 2024 - Cha mẹ cần biết (PHẦN I)

16/04/2024

Mỹ: Tử vong vì COVID giảm dù vài nơi số ca nhiễm tăng   Một vài tiểu bang tại vùng trung tây và đông bắc Mỹ chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trong hai tu

Người cao tuổi cần biết:  Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ Alzheimer

05/04/2024

Mỹ: Tử vong vì COVID giảm dù vài nơi số ca nhiễm tăng   Một vài tiểu bang tại vùng trung tây và đông bắc Mỹ chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trong hai tu

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang