Thừa kế ở  Đức cần biết:  Phân biệt di chúc và hợp đồng thừa kế

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Xét về luật pháp của Đức, có hai cách để ‘chỉ định người kế thừa di sản theo ước nguyện cuối cùng sau khi qua đời’ (tiếng Đức là ‘letztwillige Verfügung’) bao gồm: Viết di chúc (Testament, theo điều §1937 Luật Dân sự) và lập ra hợp đồng thừa kế (Erbvertrag, theo điều §1941 và từ điều §2274 Luật Dân sự). Sự khác biệt chính giữa hai hình thức này nằm ở chỗ: Di chúc là trình bày mong muốn hoạch định tài sản, nhưng đơn phương, không theo khuôn khổ nhất định và chỉ có hiệu lực sau cái chết của người lập di chúc. Người lập di chúc có thể hủy bỏ hoặc thay đổi mong muốn bất cứ lúc nào mà người được thừa hưởng di sản không hề có quyền đòi hỏi hay can ngăn. Di chúc vừa có thể tự viết tay và cất riêng, vừa có thể có công chứng xác nhận. Di chúc viết tay phải được viết từ đầu đến cuối hoàn toàn bằng tay, nếu là bản thảo in từ máy tính, máy chữ hoặc là chữ nổi của người mù đều không có hiệu lực pháp lý. Trên cùng phải đề rõ mục đích của trang viết, ví dụ ‘Di chúc’, ‘Chúc thư’ hay ‘Mong muốn cuối cùng của tôi’, kèm theo là ngày tháng, địa điểm, tên họ của người lập di chúc, đánh số các trang và cuối cùng là ký tên. Sau khi người lập di chúc qua đời, công chứng viên sẽ công bố di chúc trong một văn phòng luật gia, đồng thời giải thích các qui định và những ‘lắt léo’ của thuế thừa kế. Chi phí lúc đó phụ thuộc vào mức di sản của người quá cố để lại. Nếu là di chúc đã có công chứng từ trước thì không cần thêm chi phí làm giấy chứng nhận thừa kế. Nói chung, di chúc được ‘dân thường’ với mức tài sản tối đa là 1 triệu Euro khá ưa chuộng, trong khi hợp đồng thừa kế lại phù hợp với những ‘đại gia’, những gia đình giàu có với số tài sản lớn hơn.

Ngược lại với di chúc, trong hợp đồng thừa kế, người để lại tài sản lại hoàn toàn ràng buộc với ‘đối tác’ của mình. Mặc dù về mặt pháp lý, đây không thể hiểu là ‘nghĩa vụ nợ nần’, nhưng người được chỉ định hưởng thừa kế trong hợp đồng đó lại được đảm bảo một vị trí tuyệt đối, ‘bất di bất dịch’ dưới dạng là ‘ứng cử viên đủ điều kiện’. Nghĩa là người đã ký kết hợp đồng thừa kế không thể đơn phương thay đổi hay hủy bỏ những điều khoản trong hợp đồng đó, trừ phi có thỏa thuận riêng hoặc hai bên phải cùng thuận tình hủy bỏ. Hợp đồng thừa kế phải do chính người để lại tài sản lập ra trước mặt tất cả những người liên quan kèm theo xác nhận của công chứng viên, bên cạnh đó, nó có thể được kết hợp với những thỏa thuận không thuộc phạm vi Luật Thừa Kế (như chuyển nhượng bất động sản hoặc ghép với hợp đồng hôn nhân). Vì trong hợp đồng thừa kế còn có sự tham gia của ‘đối tác’, nên 2 điều kiện quan trọng nhất để có đủ thẩm quyền thỏa thuận hợp đồng thừa kế là khả năng lập di chúc (nghĩa là người lập di chúc phải đủ tuổi vị thành niên, khi lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép) và năng lực hành vi dân sự không bị hạn chế (tiếng Đức là unbeschränkte Geschäftsfähigkeit, nghĩa là khả năng xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự của các cá nhân bằng hành vi của mình, ví dụ như khả năng ký hợp đồng mua bán, cho tặng tài sản, lập di chúc để lại di sản sau khi qua đời v.v...). Tuy nhiên, điều bất lợi của hình thức này là người lập hợp đồng trước khi qua đời vẫn được toàn quyền sử dụng tài sản của mình. Vậy làm gì khi người đó chơi cờ bạc và mất trắng? Chỉ có thể nói rằng, người được chỉ định kế thừa vốn không gặp may, vì trên thực tế không gì đảm bảo rằng họ sẽ nhận đủ di sản như giao ước. Dù vậy, nhiều luật gia đánh giá cao hợp đồng thừa kế ở tính linh hoạt của nó - ví dụ mong muốn cuối cùng trong hợp đồng không nhất thiết chỉ được trình bày một chiều, mà có thể do cả hai bên hoặc thậm chí cùng lúc nhiều người tham gia - tùy theo hợp đồng và bằng cách đơn phương, đặc biệt là trong hợp đồng thừa kế hôn nhân. Các luật sư khuyến cáo rằng, nếu kết hợp với hợp đồng hôn nhân, nên lập thêm một giấy ủy quyền chăm sóc tuổi già (Vorsorgevollmacht).

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang