- Tư vấn
- Ấn phẩm
Học viên có thời gian thử việc trong quá trình đào tạo bao lâu? Nó có thể được kéo dài hoặc rút ngắn? Điều gì sẽ xảy ra nếu học viên bị ốm trong thời gian dài hoặc có thai khi bắt đầu học nghề? Và nên lưu ý điều gì nếu hủy hợp đồng đào tạo trong thời gian thử việc? Dưới đây là những câu trả lời quan trọng nhất.
Giai đoạn thử việc trong đào tạo được ví như giai đoạn tìm hiểu nhau, rất rủi ro cho cả 2 bên. Trong thời gian thử việc, cả hai bên trong trường hợp này là công ty đào tạo thực hành và học viên đều có quyền chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào mà không gặp trở ngại lớn về mặt pháp lý. Nói một cách cụ thể, điều này có nghĩa là: Không cần phải đưa ra lý do cho việc chấm dứt và nó sẽ có hiệu lực ngay lập tức không cần thông báo trước.
Trong thực tế, các học viên và các công ty đào tạo sử dụng nó tương đối thường xuyên. Vào năm 2022, khoảng 155.000 hợp đồng đào tạo đã bị chấm dứt sớm, một phần ba trong số đó đang nằm trong thời gian thử việc.
Về cơ bản, thời gian thử việc mang lại lợi ích cho cả hai bên. Công ty đào tạo có thể có được bức tranh chính xác hơn về học viên của mình trong vài tháng đầu tiên trước khi ký hợp đồng chính thức với họ. Ví dụ, cơ quan đào tạo có thể kiểm tra xem học viên có phù hợp với nhóm làm việc hay không, có đáng tin cậy và đáp ứng các yêu cầu chuyên môn cơ bản hay không. Ngược lại, học sinh học thực hành có thể sử dụng thời gian để tìm hiểu xem liệu công việc có đáp ứng được mong đợi của mình hay không và liệu có thể được học tốt như thế nào ở xí nghiệp đã chọn hay không.
Khác với công việc làm thử, học viên vẫn được hưởng tiền thù lao lao động ngay từ ngày đầu tiên trong thời gian làm thử. Cuối cùng thì học viên vẫn phải cung cấp sản phẩm của mình làm ra cho người sử dụng lao động. Nhưng trong thời gian thử việc hoàn toàn khác. Ở đây, học sinh thử việc chỉ được phép xem chứ không được làm dưới bất kỳ hình thức nào để tăng thêm giá trị cho sản phẩm. Do đó, các công ty chỉ được phép trả cho người học thử việc một khoản trợ cấp chi phí nhất định, ví dụ như chi phí đi lại.
Thời gian thử việc ít nhất một tháng là bắt buộc, theo quy định tại Điều § 20 Đạo luật Đào tạo nghề (BBiG). Theo đó, việc thỏa thuận về thời gian thử việc thậm chí còn ngắn hơn sẽ không hiệu quả, ngay cả khi cả hai bên đều đồng ý.
Trong một mối quan hệ lao động bình thường (tức không phải học việc), về mặt pháp lý không bắt buộc phải có thời gian thử việc. Trong thực tế, điều này có nghĩa là: Nếu một người bắt đầu làm việc chính thức tại công ty nơi anh ta đang đào tạo hoặc ở một công ty khác sau khi học nghề, thì không có trách nhiệm phải thỏa thuận về thời gian thử việc trong hợp đồng lao động.
Thời gian thử việc bắt đầu khi nào được ấn định trong hợp đồng đào tạo. Đối với hầu hết các khóa học nghề, đây là ngày 01.08 hoặc ngày 01.09. Ngày ký hợp đồng không liên quan đến thời gian bắt đầu thử việc.
Theo Điều §20 Luật Đạo luật Đào tạo nghề BBiG, thời gian thử việc tối đa đối với học viên là bốn tháng; thời gian thử việc tối thiểu là một tháng, bất cứ khoảng thời gian nào cũng có thể xảy ra miễn là hai bên đồng ý. Nếu thời gian thử việc nằm ngoài khung thời gian trên được thỏa thuận trong hợp đồng đào tạo thì hợp đồng không hợp lệ. Thời hạn đã được thỏa thuận trong từng trường hợp thường có thể được tìm thấy trong hợp đồng đào tạo. Nếu không có gì bất thường, thì thời gian thử việc tối thiểu là một tháng sẽ được áp dụng.
Thời gian thử việc không thể dễ dàng kéo dài quá bốn tháng được quy định trong Đạo luật Dạy nghề Berufsbildungsgesetz. Theo đó, các trường hợp ngoại lệ chỉ áp dụng nếu học viên bị ốm trong thời gian dài trong quá trình thử việc hoặc nghỉ thai sản hoặc nghỉ chăm sóc con sơ sinh. Quan trọng là thời gian gián đoạn nghỉ việc nói trên phải kéo dài chiếm ít nhất một phần ba toàn bộ thời gian thử việc đã thỏa thuận. Sau đó, các bên có thể thỏa thuận do gián đoạn nên kéo dài thời gian thử việc đúng bằng thời gian gián đoạn. Đây là điều mà Tòa án Lao động Liên bang đã quyết định trong án quyết Số 6 AZR 396/15. Nếu không có thỏa thuận tương ứng nào được thực hiện thì việc gián đoạn sẽ coi như không có, và do đó thời gian thử việc sẽ hết hạn theo đúng lịch trình, không bị kéo dài, có lợi cho học viên.
Nếu không có lý do nào nêu trên được áp dụng thì thời gian thử việc không được kéo dài quá thời gian tối đa là bốn tháng. Tuy nhiên, nếu muốn, vẫn có thể kéo dài tối đa thời gian thử việc, chẳng hạn bổ sung thêm hai tháng do nghỉ việc, để kéo dài thời gian này lên bốn tháng nếu cả hai bên đồng ý. Chẳng hạn, nếu xí nghiệp đào tạo nói rằng họ sẽ đưa ra thông báo chấm dứt hợp đồng vào lúc này, nhưng có thể cho học viên thêm thời gian thử việc hai tháng nữa, thì việc gia hạn này được nâng lên tối đa bốn tháng, và phải thỏa thuận bằng văn bản.
Vì thời gian thử việc theo luật định tối thiểu chỉ một tháng nên thời gian thử việc dài hơn đã thỏa thuận có thể dễ dàng được rút ngắn xuống mức tối thiểu là một tháng theo quy định của Đạo luật Đào tạo nghề Berufsbildungsgesetz. Theo đó, xí nghiệp đào tạo có quyền đơn phương rút ngắn thời gian thử việc trên 1 tháng xuống đúng một tháng mà không cần có sự đồng ý của học viên. Tuy nhiên, học viên không được quyền rút ngắn thời gian thử việc. Điều này cũng được áp dụng nếu học viên đã hoàn thành khóa thực tập tại xí nghiệp trước khi bắt đầu khóa đào tạo. Đào tạo quy định các quyền và trách nhiệm riêng của nó khác với thực tập. Tòa án Lao động Liên bang đã bác bỏ vụ kiện tương ứng vào năm 2015, số 6 AZR 844/14. Theo đó, vụ kiện được đệ trình bởi một thanh niên bị sa thải ngay trước khi kết thúc thời gian thử việc ba tháng. Bởi nguyên đơn muốn thời gian thực tập mình đã hoàn thành trước khi bắt đầu khóa đào tạo được tính vào thời gian thử việc. Vì vậy, không được phép thải hồi ngay lập tức, bởi đã hết thời gian thử việc.
Không có quy định đặc biệt nào trong Đạo luật Đào tạo nghề Berufsbildungsgesetz để áp dụng các quyền nghỉ phép bình thường Urlaubsrecht của nhân viên. Quyền này quy định nghỉ phép chỉ được áp dụng sau thời gian làm việc tối thiểu là sáu tháng. Trên thực tế, Đạo luật Ngày lễ Liên bang (BUrlG) không quy định công ty đào tạo phải cho học viên của mình nghỉ phép hay không trong sáu tháng đầu tiên, nhưng vẫn có thể thực hiện một cách tự nguyện. Tuy nhiên không liên quan gì đến thời gian thử việc.
Ví dụ 1
Đối với hợp đồng đào tạo bắt đầu vào ngày 01.04 và kéo dài hơn sáu tháng, học viên chỉ được nghỉ phép từ ngày 01.10. Xí nghiệp đào tạo có thể từ chối yêu cầu nghỉ phép trong khoảng thời gian từ ngày 01.04 đến ngày 30.09 mà không cần đưa ra lý do. Bởi học viên, không có quyền được nghỉ phép trong thời gian này.
Theo Điều §5 Đoạn 1a Đạo Luật Nghỉ phép Liên bang BUrlG, một ngoại lệ sẽ được áp dụng nếu không còn đủ sáu tháng trong một năm đó, chẳng hạn nếu quá trình đào tạo bắt đầu vào nửa cuối năm, thì trong nửa cuối năm đó học viên được quyền nghỉ phép.
Ví dụ 2
Hợp đồng đào tạo bắt đầu vào ngày 01.10. Vì chỉ còn lại ba tháng trong năm dương lịch nên “thời gian chờ đợi” sáu tháng không thể đạt được nữa. Trong trường hợp này, học viên được nghỉ phép trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến hết tháng 12 kể từ ngày đầu tiên. Với kỳ nghỉ hàng năm theo quy định 1 tháng tức 30 ngày thì học viên này được nghỉ phép là 7,5 ngày. Theo Điều §5 Đoạn 2 Luật BUrlG, thì 7,5 ngày này phải được làm tròn thành số ngày nghỉ phép đầy đủ, tức là 8 ngày. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi sáu tháng cho kì nghỉ phép tiếp theo sẽ bắt đầu từ tháng Giêng. Do đó, từ tháng 1 đến cuối tháng 3, năm tới, học viên sẽ không có quyền được nghỉ phép theo quy định pháp luật.
Theo luật định, một căn bệnh ‘bình thường’ không bao giờ ngăn cản việc chấm dứt hợp đồng trong thời gian thử việc, cả trong thời gian làm việc chính thức. Ngoại lệ duy nhất chỉ dành cho những người khuyết tật nặng. Trong trường hợp này, việc chấm dứt chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của Cơ quan Hòa nhập người khuyết tật Integrationsamt. Còn lại, về mặt lý thuyết, trong thời gian thử việc có thể bị chấm dứt hợp đồng mà không cần thông báo do bị bệnh hoặc số ngày ốm ngày càng tăng trong thời gian thử việc. Xí nghiệp dạy thực hành không cần phải đưa ra lý do. Trường đào tạo cũng có thể đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng nếu học viên hiện đang trong thời gian nghỉ ốm .
Hậu quả pháp lý của việc mang thai trong thời gian thử việc là người sử dụng lao động chỉ có thể đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng khi có sự đồng ý của cơ quan nhà nước có trách nhiệm. Mang thai không nhất thiết có nghĩa là kéo dài thời gian thử việc, trừ khi có thỏa thuận hợp đồng quy định tương ứng.
Vì chính sách bảo vệ chống sa thải đối với các bà mẹ tương lai có hiệu lực khi bắt đầu mang thai, học viên có thể thông báo cho nhà trường về việc mang thai của mình mà không phải lo sợ bị sa thải. Tuy nhiên, không bắt buộc có thai là phải khai báo. Nếu người chủ không biết về việc mang thai, họ không thể hoàn thành trách nhiệm luật định đối với người mang thai. Vì lợi ích riêng của mình, việc người mẹ tương lai thông báo về việc mang thai của mình là hợp lý.
Nếu một học viên đang mang thai bị chấm dứt hợp đồng trong thời gian thử việc và người này chưa thông báo cho xí nghiệp thực hành về việc mình mang thai thì người đó có 2 tuần lễ chống lại kể từ khi nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng. Học viên mang thai phải thông báo cho xí nghiệp thực hành trong thời gian 2 tuần lễ này.
Ngoài ra, người thử việc có quyền nộp đơn khiếu nại việc chấm dứt hợp đồng trước Ban Trọng tài Schlichtungsausschuss hoặc tòa án lao động trong vòng ba tuần. Để việc bảo vệ chống sa thải cũng có hiệu quả trong trường hợp này, học sinh thử việc phải chứng minh được rằng mình đã mang thai khi bị sa thải.
Trừ khi có thỏa thuận khác trong hợp đồng đào tạo, cả công ty đào tạo và người học có thể chấm dứt thời gian thử việc bất cứ lúc nào mà không cần thông báo trước. Việc chấm dứt sau đó có hiệu lực ngay khi nhận được thông báo chấm dứt, nghĩa là học sinh không phải và không được làm thêm một ngày nào tại công ty.
Các bên thường được tự do ấn định thời hạn thông báo dài hơn khi đưa ra thông báo chấm dứt. Khoảng thời gian tối đa có thể kéo dài theo thỏa thuận 2 bên mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ quy định pháp lý nào.
Sau khi hết thời gian thử việc từ một đến bốn tháng, học sinh học nghề chỉ có thể bị thôi việc vì những lý do bất thường. Một lý do bất thường, chẳng hạn như nếu mục tiêu đào tạo không thể đạt được nữa, chẳng hạn như do học viên nghỉ học quá nhiều ngày ở trường dạy nghề hoặc kiểm tra bài học không đạt thường xuyên. Vắng mặt không lý do, trộm cắp hoặc lăng mạ cũng có thể là lý do bị chấm dứt hợp đồng bất thường.
Sau khi thời gian thử việc kết thúc, học sinh học thực hành có thể chấm dứt hợp đồng với điều kiện thông báo trước bốn tuần và đưa ra lý do. Không có yêu cầu cao về lý do chấm dứt hợp đồng. Chỉ cần học viên nêu rõ bằng văn bản rằng mình muốn từ bỏ đào tạo nghề này, hoặc đang tìm kiếm đào tạo ở một ngành nghề khác là đủ.
Nếu học viên muốn tránh thời hạn báo trước 4 tuần sau thời gian thử việc, họ phải đồng ý thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với công ty đào tạo hoặc đưa ra lý do quan trọng. Điều này có thể xảy ra, ví dụ, nếu trợ cấp đào tạo liên tục bị trả chậm hoặc không được trả chút nào.
Để chấm dứt hợp đồng có hiệu lực trong thời gian thử việc, phải đáp ứng một số tiêu chí. Trước hết, điều quan trọng là thông báo chấm dứt hợp đồng phải được gửi đến giữa 2 bên xí nghiệp đào tạo và học viên học việc trong thời gian đang thử việc. Để chắc chắn, nên giao giấy hủy hợp đồng trực tiếp cho nhau và có nhân chứng, mỗi bên có một bản ghi rõ ngày tháng và chữ ký hai bên.
Nếu không thể thực hiện được, thông báo chấm dứt hợp đồng cũng có thể được gửi đến hộp thư của chủ lao động và học viên học việc. Thông báo chấm dứt được coi là đã đến tay người nhận, trong ngày người nhận lấty thư. Chẳng hạn, nếu gửi thư vào Chủ Nhật, hay buổi tối, thì ngày thứ 2 hoặc ngày hôm sau mới được coi là đã đến tay người nhận.
Ví dụ
Hợp đồng đào tạo bắt đầu từ ngày 01.08 và thời gian thử việc kéo dài 4 tháng đã được thống nhất. Trong trường hợp này, thời gian thử việc kết thúc vào ngày 30.11. Giả sử ngày đó rơi vào thứ Năm và học viên gửi thông báo chấm dứt hợp đồng vào hộp thư vào lúc 18 giờ chiều ngày 30.11. Khi đó, thông báo chấm dứt hợp đồng sẽ không được chuyển đi cho đến ngày 01.12, và trong trường hợp này việc hủy hợp đồng bị nằm ngoài thời gian thử việc. Sau khi hết thời gian thử việc, hai bên chỉ có thể chấm dứt hợp đồng ngay lập tức.
Ngoài thời điểm, hình thức chấm dứt hợp đồng lao động cũng quyết định việc chấm dứt hợp đồng đào tạo có hiệu lực hay không. Việc chấm dứt phải được thực hiện bằng văn bản. Tuy nhiên, yêu cầu về nội dung văn bản này không quá cao. Một câu ngắn như “Tôi chấm dứt hợp đồng kể từ ngày (…)” kèm theo chữ ký là đủ. Quan trọng: Bên bị chấm dứt hợp đồng phải nhận được bản gốc. Việc chấm dứt không được truyền đi dưới dạng bản sao, bằng fax, email hoặc bằng phương pháp kỹ thuật số khác. Nó phải được lập thành văn bản có chữ ký.
Trong trường hợp học viên học việc chưa đủ tuổi thành niên cũng cần lưu ý rằng người giám hộ hợp pháp có tiếng nói và quyền được biết thông tin. Điều này có nghĩa là: Nếu người học việc muốn chấm dứt hợp đồng đào tạo thì cha mẹ của họ cũng phải ký vào thông báo chấm dứt hợp đồng. Điều tương tự cũng áp dụng nếu công ty đào tạo đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng. Thông báo chấm dứt sau đó phải được gửi đến ít nhất một trong các phụ huynh của trẻ. Thông báo chấm dứt thường được coi là đã nhận được ngay cả khi nó được bỏ vào hộp thư của gia đình.
Những ngày nghỉ phép tiêu chuẩn nhưng chưa thực hiện phải được công ty đào tạo thanh toán bằng tiền. Để tính số ngày nghỉ phép còn lại, số ngày nghỉ phép hàng năm trước tiên phải được chia cho 12 tháng và kết quả sau đó nhân với số tháng làm việc trọn vẹn của công ty.
Ví dụ: Học sinh học nghề được nghỉ phép 30 ngày/năm. Sau khi khóa đào tạo bắt đầu vào ngày 01.09, hợp đồng hủy ngang vào ngày 21.11 trong thời gian thử việc. Người học nghề được nghỉ phép 2,5 ngày vào tháng 9 và tháng 10. Không có quyền nghỉ phép trong tháng 11 vì hợp đồng đào tạo đã kết thúc trước cuối tháng. Nếu chưa nghỉ phép thì cơ sở đào tạo phải trả lương cho người học sinh học thực hành tổng cộng là 5 ngày nghỉ. Tuy nhiên, nếu xí nghiệp đã cấp và học sinh đã sử dụng nhiều ngày nghỉ phép hơn thì những ngày nghỉ này xí nghiệp không thể đòi lại. Nếu trong hợp đồng đào tạo có thỏa thuận làm thêm giờ sẽ được trả tiền, thì số tiền này phải được trả khi chấm dứt hợp đồng.
Sau khi kết thúc thời gian thử việc, học viên được cấp chứng chỉ quá trình đào tạo. Tuy nhiên, trong chứng chỉ không được nêu rõ ai đã chấm dứt hợp đồng đào tạo và tại sao việc chấm dứt được đưa ra. Trừ khi học viên đã tự hủy hợp đồng và muốn có thông tin này, để làm bằng chứng cho quá trình học tập của mình.
Để có thể nhận được trợ cấp thất nghiệp, việc làm phải đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 12 tháng trong 30 tháng trước đó. Một học viên hoàn thành chương trình học nghề ngay sau khi tốt nghiệp ra trường không đáp ứng được tiêu chí trên. Chỉ có thể khác, nếu học viên đã làm việc trước khi bắt đầu học nghề.
Ví dụ: Một học viên kết thúc thời gian học lý thuyết sau 10 tháng để bắt đầu học nghề ở một xí nghiệp khác. Người này bị chấm dứt hợp đồng ở đó sau hai tháng trong thời gian thử việc. Trong trường hợp này, người học việc có thể nộp đơn xin tiền thất nghiệp Arbeitslosengeld nếu việc chấm dứt hợp đồng do chủ sử dụng lao động quyết định. Nếu người học việc đã tự xin nghỉ việc mà không có lý do quan trọng, cơ quan việc làm có thể không cầp tiền thất nghiệp lên đến 12 tuần. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu về xin tiền thất nghiệp, học viên có thể nộp đơn xin cấp tiền công dân .
Nếu một học viên được nhận làm nhân viên chính thức sau khi học nghề xong, người sử dụng lao động có thể lại đưa ra thời gian thử việc lên đến sáu tháng vào hợp đồng lao động. Không có nghĩa vụ pháp lý nào về thời gian thử việc mới. Nhìn chung, thời gian thử việc không được đặt ra về mặt pháp lý đối với mối quan hệ lao động, không giống như mối quan hệ đào tạo.
Tác giả Dr. Nguyễn Sỹ Phương – Đức Việt Online
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá