Luật mới về quyền cư trú ở Đức cần biết: Khi nhận quan hệ cha con có thể bị kiểm tra ADN

Chính phủ Liên bang muốn có luật hữu hiệu hơn chống lại quan hệ cha con giả. Bộ Nội vụ và Tư pháp đã công bố dự thảo luật hôm 30.04.24 nhằm mục đích trên, được trình bày dưới dạng hỏi đáp dưới đây.

Sự thừa nhận quan hệ pháp lý cha con là gì?

Việc thừa nhận quan hệ pháp lý cha con có nghĩa là một người đàn ông thừa nhận quan hệ cha con về mặt pháp lý với một đứa trẻ. Người này có thể thực hiện, nếu thực sự là cha ruột, huyết thống, hoặc cha của đứa trẻ dược xã hội thừa nhận. Quan hệ cha con huyết thống có thể được chứng minh bằng xét nghiệm DNA. Quan hệ cha con về mặt xã hội được thể hiện, chẳng hạn như cách đối xử với đứa trẻ như con đẻ, trách nhiệm hoặc cấp dưỡng cho đứa trẻ, như con nuôi.

Khi nào việc công nhận quan hệ pháp lý cha con dẫn đến quyền cư trú?

Việc một người đàn ông Đức công nhận quan hệ cha con một đứa trẻ nước ngoài có thể tạo ra quyền cư trú cho cả đứa trẻ và mẹ của đứa trẻ ở Đức. Sau khi được công nhận, đứa trẻ là con của người Đức và đồng thời nhận được hộ chiếu Đức, người mẹ nhận được quyền cư trú với tư cách là mẹ của đứa trẻ này. Điều tương tự cũng áp dụng nếu mẹ là người Đức và bố không phải người Đức. Cả hai trường hợp đều xuấtn phát từ Điều §6 Hiến pháp Đức, quy định các thành viên trong gia đình có quyền sống chung.

Mỗi năm, Đức công nhận bao nhiêu quan hệ cha con với nước ngoài?

Số lượng hàng năm các giấy chứng nhận quan hệ cha con hoặc thai sản có mối liên hệ với nước ngoài không được biết rõ. Bộ Tư pháp Liên bang thông báo rằng không có số liệu thống kê nào được thu thập về vấn đề này. Trong dự thảo luật, Bộ Nội vụ Liên bang và Bộ Tư pháp Liên bang, chỉ ước tính có khoảng 65.000 trường hợp hàng năm sẽ bị ảnh hưởng bởi luật mới. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhấn mạnh con số này dựa trên giả định theo mô hình.

Khi nào việc thừa nhận quan hệ cha con bị coi là lạm dụng?

Sự thừa nhận quan hệ cha con bị coi là lạm dụng xảy ra khi một công dân Đức nhận một đứa trẻ nước ngoài mặc dù người đó không phải là cha đẻ cũng như cha xã hội của đứa trẻ. Sự lạm dụng nằm ở chỗ trong những trường hợp này việc công nhận chỉ nhằm mục đích tạo ra quyền cư trú cho đứa trẻ và/hoặc cho mẹ của đứa trẻ.

Có bao nhiêu trường hợp lạm dụng đã xảy ra?

Trong 4 năm từ ngày 01.01.2018 đến ngày 31.12.2021, Sở Ngoại kiều Đức đã phát hiện 290 mối quan hệ cha con bị lạm dụng. Trong cùng thời gian đó, theo Bộ Nội vụ Liên bang (BMI) và Bộ Tư pháp Liên bang (BMJ), tỷ lệ lạm dụng được xác định là rất thấp xảy ra tại các cơ quan đại diện của Đức ở nước ngoài.

Tại sao cần có luật mới?

Theo Bộ Nội vụ Liên bang (BMI) và Bộ Tư pháp Liên bang (BMJ), tình hình pháp lý hiện tại chưa đủ để kiểm soát lạm dụng một cách hiệu quả, nên cần luật mới. Đây là kết quả đánh giá do BMI, BMJ và Bộ Ngoại giao thực hiện cũng như thảo luận với các Sở Ngoại kiều, các cơ quan khác có liên quan và cuộc hội thảo với các Sở Ngoại kiều vào tháng 12.2023.

Dự thảo luật quy định điều gì?

Dự thảo luật quy định Sở Hôn thú Standesamt phải tuyên bố mọi đơn xin công nhận quan hệ cha con được xếp vào diện “kiểm tra” nếu có sự khác biệt về quyền cư trú giữa những người liên quan. Ví dụ: Người đàn ông là người Đức, trong khi đứa trẻ và người mẹ không có hoặc chỉ có giấy phép cư trú tạm thời, chẳng hạn như thị thực Visum hoặc tạm dung Duldung. Trong những trường hợp này, Sở Hôn thú không nên tự mình tiến hành kiểm tra; đây phải là trách nhiệm của Sở Ngoại kiều Ausländerbehörde.

Nếu có bằng chứng gen DNA chứng minh quan hệ cha con về mặt sinh học thì việc kiểm tra phải dừng lại ngay lập tức. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cha mẹ phải tự trả tiền cho kiểm tra DNA. Nếu không có bằng chứng DNA, các quy tắc giả định khác nhau sẽ được áp dụng, đó là quy tắc: Nghi ngờ lạm dụng. Ví dụ: Nếu người mẹ và người thừa nhận không thể giao tiếp với nhau hoặc người thừa nhận đã được hứa hẹn hoặc được trao lợi ích tài chính.

Không bị nghi ngờ có hành vi lạm dụng nếu người nhận đã cung cấp dịch vụ cấp dưỡng ít nhất sáu tháng cho 2 mẹ con trước khi nộp đơn và cam kết cung cấp cấp dưỡng trong tương lai, hoặc người nhận đứa trẻ đã nuôi dưỡng đứa trẻ trong ít nhất ít nhất sáu tháng trước khi nộp đơn và sẽ tiếp tục nuôi dưỡng trẻ trong tương lai.

Dự thảo luật có ý nghĩa gì đối với các cặp sinh con lai?

Luật mới sẽ hạn chế đáng kể quyền cơ bản đối với một gia đình sinh con lai, bị hạn chế về quyền cư trú. Theo đó, với luật mới, tất cả họ sẽ bị liệt vào quy tắc Nghi ngờ lạm dụng, vi phạm quyền cơ bản ghi trong Hiến pháp. Điều đó có nghĩa là đối với các cặp vợ chồng khác chủng tộc phải xét nghiệm ADN đồng nghĩa với chi phí xét nghiệm ADN hoặc kiện tụng mà nhiều người không thể chi trả được.

Theo công chứng viên Dirk Siegfried, người đã làm việc trong lĩnh vực chứng nhận quyền làm cha mẹ trong nhiều năm, luật mới sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quyền có gia đình theo Điều §6 của Hiến pháp và phúc lợi của trẻ. Luật mới nhằm mục đích tăng cường kiểm soát lạm dụng. Trên thực tế, nó chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến hàng chục nghìn bậc cha mẹ mang 2 sắc tộc muốn được công nhận tư cách làm cha mẹ của mình, mà không hề có động cơ lạm dụng. Việc công nhận quyền làm cha mẹ của những cặp vợ chồng này vốn đã khó khăn vì ở một số khu vực của Đức hầu như không có cuộc hẹn nào tại các văn phòng chứng nhận. Việc thay đổi luật sẽ khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn.

Giải pháp thay thế như thế nào ?

Giải pháp thay thế cho việc thắt chặt luật mới, nhằm vào tất cả các cặp vợ chồng đa tịch có “sự khác biệt về quyền cư trú”, sẽ là các biện pháp trừng phạt hiệu quả hơn đối với những trường hợp thực sự xảy ra hành vi lạm dụng. Trong quyết định về việc công nhận quan hệ cha con năm 2013, Tòa án Hiến pháp Liên bang đã chỉ ra rằng việc công nhận quan hệ cha con đi kèm với trách nhiệm trả tiền cấp dưỡng cho đứa trẻ mà nhà nước có thể thực thi. Công cụ ngăn chặn lạm dụng này đang tồn tại, chỉ là nó không được áp dụng.

Trả lời yêu cầu từ cơ quan truyền thông, Bộ Tư pháp Liên bang thông báo rằng việc áp dụng trách nhiệm cấp dưỡng không phải là một công cụ phòng ngừa thích hợp, vì việc thừa nhận quan hệ cha con một cách lạm dụng thường được những người đàn ông không có tài sản khai báo. Cả mối đe dọa trừng phạt lẫn khả năng bắt buộc thực thi nghĩa vụ cấp dưỡng đều không có tác dụng răn đe đối với những người không có tài sản.

Tòa án Hiến pháp Liên bang dường như nhìn nhận điều này theo cách khác. Trong quyết định của mình, họ giải thích rằng, cha của con chưa thành niên có nghĩa vụ phải cố gắng hết sức để có thể cấp dưỡng. Điều này buộc người có nghĩa vụ trả tiền cấp dưỡng phải đảm nhận bất kỳ công việc nào hợp lý đối với mình, mặc dù công việc tạm thời và không thường xuyên cũng được chấp nhận để đảm bảo việc nuôi dưỡng trẻ em chưa đủ tuổi vị thành niên và có thể yêu cầu thay đổi địa điểm và nghề nghiệp. Ngoài ra, hành vi vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng thậm chí còn bị trừng phạt theo Điều §170 Bộ luật Hình sự.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang