- Tư vấn
- Ấn phẩm
Một trong những lí do chính để người nước ngoài được quyền nhập cư vào CHLB Đức cũng như vào các nước thuộc cộng đồng chung châu Âu là để đoàn tụ gia đình, thường chiếm tới 30% tổng số người nhập cư. Khác với nhập cư vì mục đích việc làm, nhập cư vì lí do đoàn tụ ở Đức đã đặt ra những thử thách lớn về mặt chính sách, do trọng tâm pháp lí của hình thức nhập cư này gắn liền với quyền cơ bản được luật pháp công nhận và bảo vệ. Bởi vậy việc kiểm soát hình thức nhập cư này được cho là cấp thiết nhằm mục đích đảm bảo chỉ thực sự những thành viên chính thức của một gia đình mới được hưởng quyền đó và việc tạo lập một gia đình không phải là biện pháp chỉ nhằm cho mục đích để được nhập cư.
Tư liệu về đoàn tụ gia đình bị ngờ vực kết hôn giả và nhận con giả này được tập hợp từ văn bản của Cơ quan quản lý người tị nạn và nhập cư CHLB Đức, Bundesamt für Migration und Flüchtlinge điều tra nghiên cứu từ năm 2012 làm nền tảng cho các chính sách tiếp theo, tới nay vẫn còn giá trị thực tế, những người có nhu cầu đoàn tụ gia đình cần tham khảo, trước khi quyết định.
I- QUYỀN VÀ ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC ĐOÀN TỤ GIA ĐÌNH
Quyền chung sống trong một gia đình của các thành viên được hiến pháp Đức và Luật lưu trú quy định. Trọng tâm của một gia đình bao gồm vợ, chồng hoặc cha, mẹ và những con dưới tuổi trưởng thành là hình thức gia đình được pháp luật đặc biệt bảo vệ.
- Đoàn tụ vợ chồng có thể thực hiện được đối với người nước ngoài đang sống ở Đức có giấy tờ lưu trú thuộc diện Niederlassungserlaubnis (giấy lưu trú vô thời hạn), Erlaubnis zum Daueraufenthalt-EG (giấy phép lưu trú dài hạn châu Âu) hoặc Aufenthaltserlaubnis (giấy phép lưu trú có thời hạn) và điều kiện nhà ở đảm bảo đầy đủ theo điều 29 khoản 1, mục 1 và 2 của luật lưu trú. Ngoài ra cả hai vợ chồng đều phải trên 18 tuổi, người xin đoàn tụ phải biết giao dịch bằng ngôn ngữ tiếng Đức (điều 30 khoản 1, mục 1 và 2 luật lưu trú), chi phí cuộc sống bảo đảm (điều 5 khoản 1, mục 1 luật cư trú).
- Vợ hoặc chồng của người có quốc tịch Đức được quyền xin cấp giấy phép cư trú khi người chồng hoặc vợ Đức có hộ khẩu thường trú ở Đức, cả hai phải đều trên tuổi 18 và người đặt đơn xin đoàn tụ giao dịch được bằng tiếng Đức (điều 28 khoản 1 luật cư trú).
Sau thời hạn 3 năm kể từ khi được cấp giấy phép lưu trú, người thuộc diện đoàn tụ sẽ được quyền lưu trú độc lập không còn phải phụ thuộc vào vợ hoặc chồng của mình như trước đó nữa (điều 31 khoản 1 luật cư trú). Quyền nhập cư đoàn tụ theo công dân các nước thuộc cộng đồng châu Âu được nới rộng hơn so với đoàn tụ theo công dân Đức và công dân các nước khác. Con cái của công dân các nước EU được quyền đoàn tụ đến tuổi 21, vợ chồng đoàn tụ không cần phải chứng minh trình độ ngoại ngữ của mình.
Cũng như quyền nhập cư vì mục đích đoàn tụ vợ chồng, đoàn tụ gia đình của cha mẹ có con nhỏ vị thành niên là người Đức hoặc là người nước ngoài nhưng có giấy phép lưu trú và đang sống ở Đức được luật pháp bảo hộ theo điều 6 khoản 1 bộ luật cơ bản. Theo đó chỉ mỗi bố hoặc mẹ của đứa con chưa đến tuổi trưởng thành là người nước ngoài không thuộc EU, có phép cư trú ở Đức được phép đoàn tụ với con, nếu đứa con đó chưa có bố mẹ hay người chăm nom nuôi dưỡng khác theo luật định đang sống ở Đức (điều 36 luật cư trú).
Đối với những trẻ em là người Đức, chưa đến tuổi trưởng thành và chưa lập gia đình riêng thì cả bố lẫn mẹ đều được quyền nhập cư để thực hiện nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng con, khi đứa con đó đang thường trú ở Đức (điều 28 khoản 1 luật cư trú).
II- KẾT HÔN GIẢ - NHỮNG DẤU HIỆU NGỜ VỰC
Luật pháp quy định về quyền lưu trú ở Đức không định nghĩa một cách rõ ràng về khái niệm kết hôn giả - Scheinehe. Nhưng luật lưu trú quy định loại trừ khả năng được đoàn tụ gia đình trong trường hợp kết hôn chỉ nhằm mục đích để được nhập cảnh và lưu trú ở Đức (điều §27 khoản 1a, số 1 Luật Lưu trú).
Kết hôn giả đóng vai trò đặc biệt trong các trường hợp „đoàn tụ gián tiếp“. Ở đó, kết hôn giả được sử dụng bằng hình thức kết hôn với một công dân nước thứ ba để có được giấy phép lưu trú cho bản thân, tạo cơ sở tiền đề để làm thủ tục đoàn tụ gia đình cho con riêng từ các cuộc hôn nhân trước đó, sau khi có quyền cư trú độc lập và không còn phải phụ thuộc vào người „vợ“ hoặc „chồng“ hờ.
Điều kiện pháp lý cho những biện pháp ngăn chặn hôn nhân giả được lập ra bằng cách thay đổi điều luật về hôn nhân cũng như điều khoản loại trừ của điều §27 khoản 1a câu số 1 Luật Lưu trú. Điều đó đã tạo cơ sở pháp lý cho không chỉ phòng hộ tịch mà còn cả sở ngoại kiều được phép kiểm tra suy xét mục đích của cuộc hôn nhân.
Thêm vào đó là quy định về truy nã hình sự đối với hôn nhân giả theo điều §95 khoản 2 câu 2 luật Lưu trú. Theo đó sẽ kết tội và trừng phạt một khi khai báo không đúng sự thật để được quyền lưu trú, cụ thể là kết hôn giả nhưng lại khẳng định là có sống chung một cuộc sống vợ chồng.
Ngoài ra khi làm thủ tục đoàn tụ vợ chồng, người đặt đơn có trách nhiệm phải chứng minh thực sự có ý định sẽ sống một cuộc sống vợ chồng với người mình kết hôn. Việc kiểm tra các cuộc hôn nhân khác sắc tộc, đồng thời kèm theo đó là việc xét duyệt đơn xin cấp giấy phép lưu trú dựa trên các cơ sở pháp lý liên quan, đã thể hiện là một biện pháp trọng tâm của chính quyền để phòng ngừa hôn nhân giả. Bước kiểm tra đầu tiên được thực hiện ngay trong quá trình xét thủ tục đặt đơn xin thị thực nhập cảnh của đương sự.
Bên cạnh biện pháp phòng ngừa và ngăn cản việc cấp giấy phép lưu trú cho các đối tượng nghi vấn khi làm thủ tục đặt đơn lần đầu, chính quyền các cấp địa phương còn dùng nhiều biện pháp khác để ngăn cản việc ổn định quyền lưu trú dài hạn bằng kết hôn giả. Ví dụ sở ngoại kiều Hamburg đã nghi ngờ hôn nhân của một cặp vợ chồng nhưng chưa đủ bằng chứng để bác đơn đoàn tụ, bởi vậy họ chỉ cấp giấy phép lưu trú với thời hạn 18 tháng, có nghĩa là ít hơn thời gian 3 năm theo điều §31 khoản 1 câu 1 của luật lưu trú để người này chưa được quyền ổn định và cư trú lâu dài. Bằng cách đó, họ đã ngăn cản quyền lưu trú độc lập không còn phụ thuộc vào vợ hoặc chồng của người này, để rồi sẽ lại kiểm tra tiếp, khi người này làm thủ tục gia hạn.
Khi có nhiều ngờ vực về kết hôn giả, nhưng chưa đủ bằng chứng để từ chối, sở ngoại kiều sẽ tạm hoãn cấp phép lưu trú và thông báo sự việc tới cơ quan cảnh sát hình sự. Cơ quan này sẽ tiến hành điều tra bằng những biện pháp chuyên môn, hơn hẳn các biện pháp mà sở ngoại kiều có thể thực hiện trong khuôn khổ và quyền hạn của họ. Kết quả điều tra sẽ được cung cấp lại cho sở ngoại kiều để sử dụng cho mục đích của mình.
Bên cạnh những biện pháp ngăn chặn nêu trên của chính quyền, ngược lại trong thực tế cũng có nhiều trường hợp công chúng vận động ủng hộ công khai hôn nhân giả vì mục đích cư trú. Điển hình là trang mạng có địa chỉ www.schutzehe.de đã không chỉ công khai ủng hộ „cưới vì giấy tờ“ mà còn cung cấp những thông tin cần thiết liên quan như hướng dẫn thủ tục cưới, phân tích những tình huống nhạy cảm khi kết hôn, đưa ra những câu hỏi mà sở ngoại kiều hay phòng hộ tịch có thể đặt ra khi làm thủ tục cưới và đoàn tụ.
Phần lớn những dấu hiệu khả nghi ban đầu để sở ngoại kiều chú ý, ngờ vực về một cuộc hôn nhân được cho chỉ vì mục đích đoàn tụ, được quy định thống nhất trên toàn liên bang trong điều khoản hành chính chung về luật lưu trú (AVwV AufenthG). Theo đó các dấu hiệu khả nghi ban đầu bao gồm:
- Khi cặp vợ chồng đưa ra nhưng thông tin mâu thuẫn về lí lịch của nhau, về hoàn cảnh gặp gỡ quen biết nhau cũng như mâu thuẫn về các thông tin có liên quan khác.
- Chưa gặp và quen biết nhau bao giờ trước khi kết hôn, không hiểu ngôn ngữ của nhau.
- Trả một khoản tiền bất thường để có được cuộc hôn nhân đó.
- Có dấu hiệu cụ thể về kết hôn giả của những cuộc hôn nhân trước đó.
- Người vợ, chồng hoặc bạn đời xin đoàn tụ đã từng sống bất hợp pháp hoặc đặt đơn tị nạn ở các nước thành viên thuộc cộng đồng Châu Âu (AVwV AufenthG 27.1a.1.1.7).
Ngoài ra, tùy thuộc vào từng tiểu bang, sở ngoại kiều ở đó có thể căn cứ vào các dấu hiệu khả nghi khác để theo dõi, ví dụ:
- Người làm đơn xin đoàn tụ vợ chồng trước đó đã có ý định kết hôn với một người khác.
- Người xin đoàn tụ vợ chồng đã nhận được quyết định trục xuất, có trách nhiệm phải xuất cảnh hoặc đang bị đe dọa và có nguy cơ sẽ bị trục xuất trong thời gian tới.
- Cặp vợ chồng sau khi kết hôn không sống chung với nhau hoặc người vợ, chồng xin đoàn tụ gần đây từng hôn thú với một người nước ngoài khác không có giấy tờ ổn định ở Đức.
Thêm vào đó, tùy thuộc từng sở ngoại kiều, những dấu hiệu khả nghi sau đây cũng có thể được coi là dấu hiệu của hôn nhân giả:
- Người xin đoàn tụ vợ chồng kết hôn nhiều lần trong thời gian ngắn, sau khi được cấp giấy phép lưu trú, quay lại cưới người vợ hoặc chồng cũ của mình.
- Không thực hiện trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng lẫn nhau.
- Khoảng cách về tuổi tác quá lớn giữa hai vợ chồng.
- Người xin đoàn tụ vợ chồng vừa mới bị bác đơn xin tị nạn.
- Người đó là công dân của một nước đang phát triển hoặc chậm phát triển.
- Người vợ hoặc chồng Đức có thu nhập quá thấp.
- Cuộc hôn nhân được môi giới qua dịch vụ hoặc công ty môi giới Heiratsvermittlung.
- Hoặc người xin đoàn tụ vợ chồng là công dân của một nước mà xác suất được công nhận tị nạn của công dân nước đó ở Đức là rất thấp.
Các lí do khác để có thể bị nghi ngờ là hôn nhân giả kèm theo cặp vợ chồng không hề có một kế hoạch rõ ràng cho việc xây dựng và đảm bảo cuộc sống gia đình.
Khi có những dấu hiệu khả nghi nói trên, sở ngoại kiều có thể tiến hành làm thủ tục phỏng vấn, kể cả phỏng vấn riêng từng người, đến nhà kiểm tra theo lịch hẹn hoặc thu thập thông tin từ những nơi khác để điều tra. Ở một số tiểu bang, như Bremen, sở ngoại kiều được trang bị những bộ câu hỏi để nhân viên tham khảo khi điều tra phỏng vấn. Trường hợp người xin đoàn tụ chưa nhập cảnh vào Đức, đại diện ngoại giao ở nước sở tại sẽ thực hiện thủ tục phỏng vấn lần đầu trước khi cấp thị thực.
Một vấn đề đặc biệt là đoàn tụ gia đình với công dân thuộc các nước thành viên EU. Phân tích thực tiễn từ các sở ngoại kiều cho thấy, vì lí do ưu đãi trong thủ tục đoàn tụ gia đình theo luật châu Âu, nhiều cặp vợ chồng có dấu hiệu hôn nhân giả nhưng việc kiểm tra hầu như không xảy ra và sở ngoại kiều cũng không thực hiện thủ tục phỏng vấn cũng như khám xét nhà ở. Nhưng một số sở ngoại kiều sẽ thông báo cho cơ quan chức năng để truy nã hình sự, khi nhận biết có những dấu hiệu cụ thể của kết hôn giả.
Trường hợp kết hôn được tiến hành ở Đức, thì nhân viên hộ tịch có thể phỏng vấn các đương sự trước khi kết hôn và nếu cần thiết có quyền từ chối làm thủ tục, trước khi sở ngoại kiều phải vào cuộc.
XEM TRỌN BỘ ẤN PHẦM GỒM CÁC CHƯƠNG
III- Trách nhiệm đối chứng và những biện pháp của chính quyền
IV- Nhận con giả, cơ sở pháp lý, kiểm soát lạm dụng
V- Kháng nghị, kiểm tra DNA và phán quyết của Toà bảo hiến
VI- Những cơ quan có thẩm quyền kháng nghị
VII- Hậu quả khi bị phát hiện nhận con giả
THEO ĐƯỜNG LINK => Đoàn tụ gia đình cần biết: Ngờ vực kết hôn, nhận con giả.
Đức Việt Online
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá