Y án tử hình Trương Mỹ Lan; Bác kháng cáo của Đỗ Thị Nhàn; Chuyện lót tay ở dự án Đại Ninh; Liên tiếp dừng các vụ đấu giá đất

TRƯƠNG MỸ LAN BỊ Y ÁN TỬ HÌNH

Nếu sau khi bị kết án, bị cáo nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, có thể được xem xét chuyển hình phạt sang chung thân.

Gần 10 giờ ngày 3-12, TAND Cấp cao tại TP HCM bắt đầu tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 47 đồng phạm.

Cấp xét xử phúc thẩm cho biết, ban đầu bà Lan kháng cáo toàn bộ nội dung vụ án nhưng sau đó đã thay đổi, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

HĐXX nhận định đây là vụ án có tính chất tổ chức chặt chẽ, trong đó bị cáo Trương Mỹ Lan đóng vai trò chủ mưu, trực tiếp đề ra chủ trương và chỉ đạo các đồng phạm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các bị cáo trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, làm việc tại SCB, đã lập ra hàng loạt hồ sơ vay vốn giả để rút ra số tiền khổng lồ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng.

Cụ thể, từ ngày 1-1-2012 đến 31-12-2017, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập 368 khoản vay khống, chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 64.000 tỉ đồng từ SCB, sử dụng vào các mục đích cá nhân. Tiếp đó, từ ngày 9-2018 đến 7-10-2022, bà Lan tiếp tục chỉ đạo lập thêm 916 hồ sơ vay giả, rút số tiền khổng lồ hơn 304.000 tỉ đồng từ ngân hàng này.

Bên cạnh đó, để che đậy tình trạng tài chính yếu kém và các sai phạm trong hoạt động cấp tín dụng của SCB, Trương Mỹ Lan đã trực tiếp tiếp xúc và trao đổi với Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra, nhằm thực hiện các hành vi hối lộ. Cụ thể, bà Lan đã chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc SCB, thực hiện 4 lần đưa hối lộ với tổng số tiền 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn, để đảm bảo SCB có thể tiếp tục tái cơ cấu và duy trì các hoạt động tín dụng.

HĐXX đánh giá để giúp bị cáo Lan chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại cho SCB, các bị cáo từng là lãnh đạo, cán bộ cao cấp của SCB đã thực hiện thủ đoạn cấp tín dụng ngược.

Cụ thể, sau khi nhận chỉ đạo từ Trương Mỹ Lan về nhu cầu sử dụng tiền, các bị cáo từng là lãnh đạo của SCB thống nhất chủ trương, phân bổ chi nhánh thực hiện. Sau đó, Nguyễn Phương Anh chỉ đạo nhân viên tìm người đứng tên thành lập các pháp nhân hoặc thông tin cá nhân để SCB làm phương án vay vốn.

Đồng thời, Nguyễn Phương Anh liên hệ Đặng Phương Hoài Tâm để lấy thông tin như tên công ty, địa chỉ trụ sở để Nguyễn Phương Anh chỉ doạ nhân viên thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp tại cơ quan chức năng. Bị cáo Tâm cũng là người quản lý toàn bộ pháp nhân, cá nhân tham gia góp vốn cũng như tài sản đảm bảo của bị cáo Lan để tránh sự trùng lập, chồng chéo gây nghi ngờ khi hồ sơ vay vốn bị kiểm tra.

Toàn bộ thông tin được chuyển cho SCB để làm hồ sơ vay vốn sau đó chuyển lại cho Nguyễn Phương Anh để chuyển cho các cá nhân, pháp nhân đứng tên ký hoàn tất. Sau khi tiền giải ngân về tài khoản bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Dung thông báo để Nguyễn Phương Anh biết nhằm liên hệ với Hồ Bửu Phương để lên phương án giải quỹ bằng thủ đoạn ký các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần. Hành vi của các bị cáo thể hiện sự câu kết chặt chẽ, tổ chức phân công nhiệm vụ rõ ràng.

Ngoài ra, khi thực hiện các bị cáo còn dùng thủ đoạn tinh vi nhằm che dấu sự thanh, kiểm tra của các cơ quan năng. Cụ thể, các công ty sau khi thành lập đều được mua số điện thoại liên lạc, giao cho các nhân viên lễ tân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát quản lý, trực điện thoại và trả lời khi có người liên lạc xác minh, trung bình mỗi nhân viên được giao quản lý khoảng 70 điện thoại di động có gắn sim điện thoại của từng công ty, quá trình điều tra các nhân viên này đã giao nộp lại; dùng thủ đoạn lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần lòng vòng làm phương án giải quỹ nhằm cắt đứt dòng tiền, gây khó khăn trong điều ra khi bị phát hiện đồng thời còn tránh việc truy thu thuế của các cơ quan thuế; dùng thủ đoạn bán nợ đối với các khoản vay đã được tái cơ cấu nhiều lần để hạch toán ngoại bảng nhằm nới room tín dụng, tiếp tục rút tiền bằng hình thức cho vay đồng thời tránh sự kiểm tra đối với các khoản vay trên.

Đối với bị cáo Trương Huệ Vân và Dương Tấn Trước tham gia giúp sức với vai trò là người thực hiện trong khâu cung cấp pháp nhân đứng tên vay vốn trong cùng một đợt giải ngân. Mặc dù biết mục đích vay vốn là theo chỉ đạo của bà Lan nhưng các bị cáo chỉ tham gia 1 số hồ sơ nhất định, trong thời gian ngắn, không tham gia vào các khâu giải quỹ, che giấu dòng tiền giải ngân và việc hợp thức nhằm qua mặt các cơ quan chức năng.

Xem xét vai trò của bị cáo Lan, hậu quả hành vi phạm tội đã gây ra, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên phạt tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan tử hình về các tội danh "Tham ô tài sản", "Đưa hối lộ" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng".

Hành vi của Trương Mỹ Lan là đặc biệt nghiêm trọng, cùng lúc thực hiện ba hành vi nghiêm trọng, làm mất niềm tin của khách hàng gửi tiền tại SCB, gây thiệt hại nghiêm trọng đến nền kinh tế.

HĐXX xét thấy mặc dù bị cáo Lan có ý thức khắc phục hậu quả vụ án, số tiền của bị cáo và các cá nhân nộp khắc phục hậu quả vụ án đến nay là hơn 200.000 tỉ đồng. Đồng thời bị cáo cũng tự nguyện xử lý các tài sản như hơn 400 mã tài sản bảo đảm cho các khoản vay chưa được định giá, dự án 6A Bình Chánh… Tuy nhiên, HĐXX xác định các tài sản này chưa được cơ sở pháp lý để xác định giá trị. Do đó, chưa đủ căn cứ để HĐXX xác định giá trị tài sản khắc phục hậu quả là tỉ ¾ tài sản tham ô tại quy định của Bộ Luật Hình sự và Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Tuy nhiên, cấp phúc thẩm ghi nhận tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo Lan thể hiện sử ăn năn hối cải, nhận thức sâu sắc về nhận thức, thông qua phương án khắc phục hậu quả đã trình bày. Đây là tình tiết giảm nhẹ mới được ghi nhận. Tuy nhiên, xét tổng thể thiệt hại vụ án đặc biệt lớn, tội phạm bị cáo gây ra đặc biệt nghiêm trọng nên không có cơ sở giảm nhẹ hình phạt về tội "Tham ô tài sản" và tội "Đưa hối lộ".

HĐXX nhấn mạnh, căn cứ Bộ Luật Hình sự, nếu sau khi bị kết án, bị cáo nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trước thì có thể được cơ quan chức năng xem xét chuyển hình phạt tử hình sang chung thân.

Từ những phân tích nêu trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 16 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng"; 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ" và án tử hình về tội "Tham ô tài sản".

HĐXX đang tiếp tục tuyên án đối với các bị cáo đồng phạm.

 

 

BÁC KHÁNG CÁO CỦA BỊ CÁO ĐỖ THỊ NHÀN

Bị cáo buộc nhận 5,2 triệu USD từ Trương Mỹ Lan để báo cáo sai lệch kết quả thanh tra, bị cáo Đỗ Thị Nhàn thừa nhận tội, nộp lại toàn bộ tiền tham ô và có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt mới, nhưng vẫn không được giảm án.

Ngày 3/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án đối với các bị cáo liên quan trong vụ đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan (giai đoạn 1).

Trong phần nhận định trước đó, HĐXX cho rằng hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, tác động tiêu cực lên nhiều mặt của đời sống xã hội, nền kinh tế…nên cần có mức án nghiêm khắc.

HĐXX cấp phúc thẩm cũng cho rằng mặc dù bị cáo Lan có thiện chí trong việc khắc phục hậu quả vụ án, nhưng những tài sản mà bị cáo Lan đưa vào chưa có căn cứ pháp lý để xác định giá trị nên xét tổng thể, bị cáo vẫn chưa khắc phục được ¾ thiệt hại. Do đó, chưa có căn cứ xem xét giảm án tử hình đối với bị cáo.

Đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước, Trưởng đoàn thanh tra Ngân hàng SCB), HĐXX cho rằng, quá trình thanh tra SCB từ 2017 đến 2018, bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã 4 lần nhận tổng cộng 5,2 triệu USD tiền hối lộ của bị cáo Trương Mỹ Lan thông qua bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, để chỉ đạo cấp dưới ban hành kết luận thanh tra, không kiến nghị đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt và không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra để xử lý… để SCB tiếp tục được tái cơ cấu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của bị cáo Nhàn dẫn đến việc SCB bị thiệt hại hơn 514.000 tỷ đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nhàn bày tỏ sự hối hận, thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Ngoài ra, bị cáo Nhàn cung cấp thêm các tình tiết mới như đã nộp lại đủ số tiền 5,2 triệu USD đã nhận hối lộ, đã đóng án phí sơ thẩm, nộp thêm 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả chung của vụ án. Quá trình công tác, bị cáo Nhàn được tặng huân chương, bằng khen và gia đình có công cách mạng…

Tuy nhiên, HĐXX xét thấy bị cáo Nhàn phạm tội nhiều lần, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; gây xói mòn niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác tiếp tục hành vi sai phạm, chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại cho SCB với số tiền đặc biệt lớn…

Từ đó, HĐXX cho rằng cần xử phạt bị cáo Nhàn mức án nghiêm khắc để răn đe, bác kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên mức án tù chung thân với bị cáo về tội Nhận hối lộ.

Trước đó, trong quá trình xét xử phúc thẩm, bị cáo Nhàn thừa nhận sai phạm, tỏ ra hối hận vì đã đánh mất tất cả quá trình cống hiến trong hơn 30 năm công tác.

Bị cáo Nhàn tha thiết mong được giảm án để có cơ hội trở về. Luật sư bào chữa cho bị cáo Nhàn cũng đưa ra nhiều lập luận, kèm tình tiết giảm nhẹ để xin toàn giảm một phần án phạt cho thân chủ mình.

Tuy nhiên, đại diện VKS khẳng định, căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu và áp dụng quy định pháp luật, xét thấy bị cáo Nhàn có đủ cơ sở áp dụng điểm điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS cho bị cáo Nhàn và đề nghị HĐXX áp dụng thêm tình tiết này để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Mặc dù có tình tiết giảm nhẹ hình phạt mới nêu trên, tuy nhiên xét tính chất, mức độ phạm tội, hậu quả hành vi phạm tội, cấp sơ thẩm tuyên bị cáo mức tù chung thân là có cơ sở, đúng người đúng tội, không oan sai.

Cũng theo VKS, bị cáo Nhàn phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tham nhũng số tiền đặc biệt lớn. Hành vi của bị cáo Nhàn đã gây thiệt hại cho SCB, xâm phạm uy tín cơ quan tổ chức, ảnh hưởng nhiều mặt trong đời sống xã hội, đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền SCB đến nay vẫn chưa khắc phục được, tạo dư luận xấu.

VKS nhấn mạnh, với hành vi đã gây ra, đáng lẽ phải áp dụng mức cao nhất là tử hình với bị cáo Đỗ Thị Nhàn. Nhưng do trước khi xét xử, bị cáo đã nộp 3/4 số tiền nhận hối lộ nên tòa sơ thẩm đã cân nhắc giảm nhẹ, tuyên phạt bị cáo Nhàn mức án chung thân về tội Nhận hối lộ là tương xứng mức độ, hành vi phạm tội.

 

 

CHUYỆN PHONG BÌ LÓT TAY TẠI DỰ ÁN ĐẠI NINH

Liên quan đến vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan, VKSND Tối cao đã truy tố một số cán bộ Thanh tra Chính phủ.

Theo cáo trạng, việc đề xuất, sau đó được lãnh đạo Chính phủ đồng ý chuyển đơn của  Công ty Sài gòn Đại Ninh (SGĐN) cùng ý kiến chỉ đạo Thanh tra Chính phủ kiểm tra, giải quyết theo yêu cầu và hướng lợi ích cho ông Nguyễn Cao Trí (Tổng giám đốc Công ty SGĐN) là trái pháp luật, là tiền đề cho hàng loạt sai phạm trong việc Thanh tra Chính phủ thành lập Tổ công tác điều chỉnh, sửa đổi kết luận thanh tra, cho dự án Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ trái pháp luật.

Cáo buộc chỉ rõ, tháng 3/2021, sau khi được ông Trần Văn Minh (khi đó là Phó Tổng Thanh tra Chính phủ) phê duyệt Kế hoạch kiểm tra, xác minh, ông Lê Quốc Khanh (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc Cục II, Thanh tra Chính phủ) đã họp với các ông Hoàng Văn Xuân và Nguyễn Nho Định (đều là cựu thanh tra viên Cục II) để phổ biến kế hoạch và truyền đạt ý kiến chỉ đạo ông Trần Văn Minh về việc xem xét, tạo điều kiện cho Công ty SGĐN được gia hạn thực hiện dự án Đại Ninh.

Ngày 15/3/2021, tại trụ sở Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, Tổ công tác gồm các ông Lê Quốc Khanh, Hoàng Văn Xuân và Nguyễn Ngọc Ánh (cựu thanh tra viên Cục II) làm việc với đại diện Công ty SGĐN. Khi đó, Tổ công tác yêu cầu công ty làm rõ một số nội dung kiến nghị và cung cấp bổ sung các tài liệu phục vụ yêu cầu kiểm tra, xác minh, chứng minh năng lực tài chính để xem xét việc gia hạn dự án.

Sau buổi làm việc, ngày 15/3/2021, ông Nguyễn Cao Trí đã gặp và đưa cho ông Ánh phong bì đựng 100 triệu đồng tại phòng làm việc của ông Ánh, để nhờ ông này quan tâm, giúp đỡ cho Công ty Đại Ninh được gia hạn dự án.

Chiều hôm đó, ông Trí đến một khách sạn ở Đà Lạt gặp ông Hoàng Văn Xuân để trao đổi, thống nhất về nội dung và ký biên bản làm việc. Sau đó, ông Trí qua gặp riêng ông Lê Quốc Khanh để nhờ ông Khanh quan tâm, tạo điều kiện ủng hộ Công ty SGĐN.

Ông Trí đưa cho ông Khanh 1 túi quà đựng 500 triệu đồng và nhờ ông Khanh đưa cho ông Định, Xuân 1 phong bì đựng 100 triệu đồng. Sau đó, cựu Phó Cục trưởng đưa lại cho ông Xuân phong bì đựng 100 triệu đồng và đưa cho ông Định 50 triệu đồng từ số tiền mà ông Trí đã đưa, có nói rõ "đây là quà của Trí đưa”.

 Khi tổ công tác xuống TPHCM để làm việc, thu thập tài liệu, tối ngày 23/3/2021, ông Trí liên hệ mời ông Khanh đi ăn tối tại một khách sạn ở quận 1 (TPHCM) để cung cấp tài liệu chứng minh năng lực tài chính theo hướng dẫn của ông Khanh.

Theo lời khai của ông Trí, tại cuộc gặp này, ông Trí đưa cho ông Khanh 1 phong bì đựng 200 triệu đồng để cám ơn và tiếp tục nhờ ông Khanh giúp đỡ. Tuy nhiên, ông Khanh phủ nhận việc cầm tiền.

Ông Trí còn chỉ đạo người khác đưa tài liệu giải trình bổ sung của Công ty SGĐN và phong bì đựng 50 triệu đồng cho ông Hoàng Văn Xuân tại Nhà khách Thanh tra Chính phủ ở quận 3, TPHCM.

Theo cáo buộc, ngoài việc nhận các tài liệu đã được hợp thức do ông Nguyễn Cao Trí cung cấp, Tổ công tác không kiểm tra, xác minh về năng lực tài chính và các sai phạm khác trong việc thực hiện dự án của Công ty SGĐN đã được nêu trong Kết luận 929.

Như vậy, Tổ công tác đã không thực hiện đúng trách nhiệm kiểm tra, xác minh mà thông đồng, câu kết, hướng dẫn ông Nguyễn Cao Trí hợp thức tài liệu về năng lực tài chính để cung cấp cho Tổ công tác, giúp ông Trí đạt được mục đích trục lợi.

Trong tháng 4/2021, ông Trí 2 lần đến nhà riêng của ông Trần Văn Minh để đưa cho ông Minh tổng số 10 tỷ đồng, tiếp tục nhờ ông Minh thực hiện thủ tục điều chỉnh Kết luận thanh tra 929 theo hướng cho phục hồi dự án Đại Ninh.

 

 

LIÊN TIẾP CÁC VỤ ĐẤU GIÁ ĐẤT PHẢI DỪNG: CẦN XÓA TÂM LÝ 'CÙNG LẮM MẤT TIỀN ĐẶT CỌC’

"Khi có bảng giá đất mới, giá khởi điểm trong đấu giá đất được kéo sát giá thị trường và tiền đặt trước tăng theo. Lúc đó, các phiên đấu giá sẽ trở nên chuyên nghiệp, lành mạnh hơn, thay vì tình trạng lộn xộn thời gian vừa qua", chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh nói.

Mới đây, ngày 29/11, huyện Sóc Sơn đã tổ chức đấu giá 58 thửa đất ở thôn Đông Lai (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn). Tại phiên đấu giá, đến vòng 5 có 3 thửa được trả giá tới 30 tỷ đồng/m2. Tuy nhiên, đến vòng 6 những người này đã bỏ ngang khiến phiên đấu giá phải dừng lại.

Tiếp đó, ngày 30/11, UBND huyện Thanh Oai tổ chức phiên đấu giá 22 thửa đất tại xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai). Đến vòng thứ 7, giá cao nhất được nhà đầu tư trả 70,3 triệu đồng/m2. Nhưng đến vòng thứ 8, khách hàng đồng loạt không trả giá tiếp dẫn đến phiên đấu không thành công.

Khi thông tin được chia sẻ, nhiều người cho rằng, có hành vi phá hoại phiên đấu giá nên cần phải xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai, trong phiên đấu giá đất ngày 30/11 do UBND huyện tổ chức không có chuyện bị can thiệp.

Theo vị lãnh đạo này, hầu hết người tham gia đấu giá đất tại phiên vừa qua là người của các sàn bất động sản hoặc văn phòng nhà đất. Do đó, họ nắm rõ các quy định pháp luật hiện hành về đấu giá đất. Vì vậy, huyện cũng không đề nghị công an vào cuộc.

Với phiên đấu giá ở Sóc Sơn, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh nêu quan điểm, việc trả giá 30 tỷ đồng/m2 đất ở tại Sóc Sơn không phải hình thức thổi giá , làm nhiễu loạn thị trường. Bởi nếu cố tình gây nhiễu loạn, người tham gia sẽ trả một mức giá cao hơn bình thường nhưng vẫn ở trong mức khiến mọi người phải suy đoán về tính hợp lý của mức giá đó. Ví như, tại các cuộc đấu giá tại các huyện vùng ven Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức (một số lô đất trúng đấu giá trên 100 triệu đồng/m2).

Với việc trả giá trên 30 tỷ đồng/m2 thì người trả giá không muốn tham gia nữa, do giá quá cao, quá khả năng chi trả của người này. Vì vậy, quyết định trả giá cao gấp gần 1.000 lần và chấp nhận mất khoản tiền đặt trước.

Nói rõ hơn về việc mất tiền đặt trước, chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, trường hợp này có thể xác định người tham gia đấu giá cố tình “phá” cuộc đấu giá. Bởi người này biết và buộc phải biết về việc khi trả giá trên 30 tỷ đồng/m2 thì cuộc đấu giá sẽ phải dừng lại mà không có người thắng cuộc.

Nhiều kẽ hở trong đấu giá

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, công tác đấu giá đất thời gian vẫn còn nhiều khe hở. Để khắc phục tình trạng này, vị chuyên gia đề xuất cần sàng lọc khách hàng đấu giá bằng năng lực tài chính. Đồng thời cần có quy định về thời gian đưa đất vào khai thác sử dụng, cũng như thời gian chuyển nhượng. Đặc biệt, cần xác định lại giá đất khởi điểm để người đấu giá khó có thể bỏ cọc.

Trao đổi với báo Tiền Phong, đại diện Công ty Đấu giá hợp danh đấu giá Việt Nam, đơn vị phối hợp với huyện Thanh Oai tổ chức phiên đấu giá ngày 30/11 cho biết: Theo quy định hiện hành về đấu giá thì các trường hợp dừng đấu giá giữa chừng như ở Thanh Oai thì không có căn cứ để thu tiền đặt trước của khách hàng.

Cụ thể, khoản 6, Điều 39, Luật Đấu giá tài sản 2023 đã quy định rõ những trường hợp người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước. Nếu khách hàng không vi phạm các khoản trên thì sẽ không mất tiền đặt trước. Với vụ việc ở Thanh Oai, thì việc trả giá là quyền của khách hàng. Họ trả như thế nào thì quyền của họ.

Vị đại diện này cũng cho biết, các quy định về đấu giá hiện nay vẫn còn lỏng lẻo, nhiều kẽ hở. Trong khi đó, nhiều người tham gia đấu giá tìm hiểu rất kỹ các vấn đề thuộc quyền và trách nhiệm của họ và họ sử dụng hết quyền đó.

“Về mặt hiện tượng thì chúng ta có thể thấy việc trả giá rồi dừng lại như vừa qua là không bình thường. Tuy nhiên, để kết luận xem có phá bĩnh hay không là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Từ vụ việc này, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu giá tài sản cho phù hợp”, vị đại diện này nói.

Cần sớm ban hành Bảng giá đất mới

Ông Đỉnh cũng cho rằng, nguyên nhân các vụ việc trên là do thời gian qua nhiều người tham gia đấu giá sẵn sàng trả giá cao bất chấp và chấp nhận mất khoản tiền đặt trước. Bởi theo Điều 159 Luật Đất đai 2024, giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất tính theo bảng giá đất. Do bảng giá đất của Hà Nội và nhiều địa phương hiện quá thấp nên kéo theo giá khởi điểm rất thấp. Hơn nữa, tiền đặt trước được tính bằng 20% giá khởi điểm cũng rất thấp, tạo ra sức hấp dẫn lớn để thu hút nhiều người tham gia.

Tại các phiên đấu giá gần đây, nhiều người sẵn sàng “thi đấu”, trả giá cao với tâm lý “cùng lắm là mất tiền đặt trước”. Từ đó, tạo ra những màn “so kè” trong trả giá và gây tâm lý ức chế, muốn phá cuộc đấu giá như ví dụ tại cuộc đấu giá ở huyện Sóc Sơn.

Để chấn chỉnh tình trạng này, chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, các địa phương cần thực hiện nghiêm quy định của Luật Đất đai 2024. Đồng thời, sớm rà soát để điều chỉnh, cập nhật bảng giá đất, đảm bảo nguyên tắc thị trường. Khi giá khởi điểm trong đấu giá đất được kéo sát giá thị trường và tiền đặt trước tăng theo, các cuộc đấu giá sẽ trở nên chuyên nghiệp, lành mạnh hơn, thay vì tình trạng lộn xộn thời gian vừa qua.

Được biết, giá đất ở hiện tại của Hà Nội đang được áp dụng theo Quyết định 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019. Theo đó, giá đất ở tại Sóc Sơn từ 660.000 đồng đến 909.000 đồng/m2, trong đó giá đất ở tại xã Quang Tiến là 660.000 đồng/m2. Còn tại xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai), giá đất ở từ 420.000 đồng đến 904.000 đồng/m2 tùy theo vị trí, khu vực.

Trước những biến động giá bất động sản thời gian qua, dư luận cho rằng bảng giá đất ở hiện nay của Hà Nội không còn phù hợp, cần phải sửa đổi. Về vấn đề này, UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện đã giao cho Sở TN&MT Hà Nội xây dựng bảng giá đất mới.

Trong thời gian thành phố chưa ban hành bảng giá đất mới, thành phố sẽ vẫn tiếp tục áp dụng bảng giá đất theo Quyết định 30/2019.

 

Nguồn: Kenh14; Người Đưa Tin; Vietnamnet; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang