Xuất khẩu rau quả tăng mạnh; Nhiều nông dân thành tỷ phú trên vườn đồi; Quặng sắt sập giá; Giá chung cư không ngừng tăng

XUẤT KHẨU RAU QUẢ VƯỢT KỲ VỌNG, NHIỀU LOẠI SẮP GIA NHẬP ‘CÂU LẠC BỘ’ TỶ USD

Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, nông sản Việt liên tục đón tin vui khi hàng loạt mặt hàng được cấp "visa" xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn. Đặc biệt, giá bán dừa tươi đang tăng mạnh, việc ký nghị định thư với Trung Quốc sẽ giúp xuất khẩu dừa tươi có thể đạt 250 triệu USD và đưa ngành dừa có thể cán mốc tỷ USD trong năm nay.

Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam vừa công bố, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 8 ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính trong 8 tháng, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,58 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 2,93 tỷ USD, chiếm tới 64% trong tổng thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tiếp đến là Mỹ với kim ngạch đạt 223,5 triệu USD, tăng 31% và Hàn Quốc đạt 223 triệu USD tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho rằng, với việc hàng loạt mặt hàng rau quả của Việt Nam vừa được khai thông thị trường mới (sầu riêng đông lạnh, dừa sang Trung Quốc, chanh leo chuẩn bị xuất sang Mỹ), nông sản Việt đang có nhiều cơ hội để vượt qua mốc kỷ lục - gần 5,7 tỷ USD năm ngoái.

Theo ông Nguyên, mặt hàng được các doanh nghiệp nông sản đánh giá có khả năng tạo đột phá nhất là sầu riêng đông lạnh. Đặc biệt, việc mở cửa thị trường sầu riêng đông lạnh sẽ góp phần hạn chế tình trạng rớt giá vào vụ thu hoạch rộ.

“Trước đây, giá sầu riêng đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam khá thấp do ảnh hưởng từ các nước đối thủ. Với việc thị trường 1,5 tỷ dân rộng cửa, dự báo giá sầu riêng đông lạnh sẽ tăng đáng kể, chỉ riêng mặt hàng này có thể đạt kim ngạch đến 300 triệu USD trong năm 2025”, ông Nguyên nhận định.

Với sản phẩm chanh leo, ông Nguyên cho biết, trong vòng 5 năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo nước ta đã tăng hơn 300%,và luôn nằm trong top 10 loại trái cây có giá trị xuất khẩu cao. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chanh leo đạt hơn 222 triệu USD.

Hiện chanh leo của Việt Nam cũng đã xuất khẩu tới các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm như: Australia, Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Trung Quốc... với tỷ trọng trong tổng nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia này đạt khá cao.

“Việt Nam xuất sang thị trường khó tính châu Âu khoảng 3-5% sản lượng quả, sang Trung Quốc khoảng 20%, còn lại là tiêu thụ và sản xuất trong nước dưới dạng ép nước. Với việc Mỹ mở cửa cho chanh leo, dự báo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này có thể tăng từ 50 - 100 triệu USD”, ông Nguyên cho hay.

Với sản phẩm dừa, việc ký Nghị định thư với Trung Quốc được kỳ vọng gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu sắp tới.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Đức - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre - đánh giá, việc dừa xiêm có "visa" xuất sang Trung Quốc là tin vui được đông đảo bà con trồng dừa đón nhận.

Theo ông Đức, khi sản phẩm dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch, giá bán dừa của người dân có thể tăng lên gấp 2-3 lần nhờ nhu cầu cao. Điều này cũng giúp ổn định giá cả trên thị trường trong nước, giảm thiểu tình trạng giá rớt vào mùa thu hoạch.

Ông Cao Bá Đăng Khoa - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dừa Việt Nam - cho biết, không chỉ thị trường Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu dừa tươi từ các thị trường khác như Ấn Độ, Trung Đông… cũng đang cao nên giá bán sản phẩm này đang tăng mạnh. Việc ký nghị định thư với Trung Quốc sẽ giúp xuất khẩu dừa tươi có thể đạt 250 triệu USD và đưa ngành dừa có thể cán mốc tỷ USD trong năm nay.

 

 

NÔNG DÂN BỘI THU 4,63 TỶ USD, THÀNH TỶ PHÚ TRÊN VƯỜN ĐỒI

Các khách nước ngoài mạnh tay gom mua giúp Việt Nam thu về hơn 4,63 tỷ USD nhờ xuất khẩu rau quả. Nhiều nông dân cũng trở thành tỷ phú trên vườn đồi sau vụ mùa bội thu.

Nông dân hối hả thu tiền tỷ

Đứng ở khu vườn đồi bạt ngàn sầu riêng, cây nào cũng sai trĩu quả khi đang vụ thu hoạch, ông Nguyễn Ngọc Tháo (xã Sơn Trung, Khánh Sơn, Khánh Hòa) phấn khởi khoe, năm nay sầu được mùa được giá.

Diện tích sầu riêng của gia đình ông Tháo vẫn duy trì 14ha. Thế nhưng, giá loại trái cây này không còn ở mức 20.000-35.000 đồng/kg như thời điểm 2022 đổ về trước.

“Năm ngoái, sản lượng sầu được 150 tấn, bán được giá cao. Vụ này, giá còn lên tới 82.000 đồng/kg”, ông nói. Vườn sầu Dona của ông Tháo năm nay cho thu hoạch trên 200 tấn quả, doanh thu ước khoảng 16 tỷ đồng. Trừ đi các khoản chi phí, ông “đút túi” khoảng 13,5 tỷ đồng.

Đây cũng là năm gia đình Tháo thắng đậm nhất sau hơn một thập kỷ gắn bó với cây sầu riêng trên vùng Khánh Sơn.

Tương tự, ông Mai Văn Khang (ở xã Sơn Lâm, Khánh Sơn) cho biết, gia đình ông có 10ha sầu riêng. Những ngày qua, cả nhà tập trung lao động để thu hoạch quả. Vụ sầu năm ngoái, gia đình ông thu hoạch khoảng 60 tấn. Năm nay, dự kiến sản lượng vườn sầu riêng cho thu khoảng 100 tấn quả.

Đặc biệt, giá bán sầu riêng năm nay cao hơn so với mọi năm nên ông Khang nhẩm tính có thể thu lãi 8 tỷ đồng.

Cách đó hơn nghìn cây số, trên vùng đồi rộng hơn 10ha chỉ trồng nhãn, ông Bùi Văn Quang (ở xã Chiềng Khương, Sông Mã, Sơn La) cũng chia sẻ, thời tiết nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến năng suất cây nhãn năm nay. Vườn nhà ông sản lượng nhãn chỉ đạt khoảng 60-70 tấn, giảm khá mạnh so với vụ năm ngoái.

Song đổi lại, giá bán nhãn gần như cao gấp đôi so với năm trước, trung bình đạt mức 40.000-45.000 đồng/kg. Nhờ đó, doanh thu từ loại quả đặc sản này ước đạt 2,4-2,8 tỷ đồng, ông cho hay.

Ở Bắc Giang, mùa vải thiều chín đỏ đồi kết thúc cách đây không lâu. Năm nay, sản lượng vải thiều của toàn tỉnh chỉ đạt 86.000 tấn, chỉ bằng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ thuận lợi, người nông dân bán được vải thiều với giá dao động từ 55.000-110.000 đồng/kg, cao gấp 3-4 lần vụ trước đó nên vẫn bội thu.

Sau vụ thu hoạch, nông dân Bắc Giang ôm về 4.814 tỷ đồng nhờ bán quả vải thiều đặc sản, tăng 156 tỷ đồng so với năm 2023 - doanh thu cao chưa từng có trong lịch sử.

“Các thị trường xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt. Công ty tất bật trả hết đơn hàng này đến đơn hàng khác”, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group chia sẻ với VietNamNet. Trong đó, tính đến hết tháng 7 năm nay, thị trường xuất khẩu lớn nhất của công ty là Mỹ ghi nhận tốc độ tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường Trung Quốc, công ty mới chỉ xuất khẩu quả sầu riêng tươi. Theo đó, lúc cao điểm mỗi ngày đưa 1-2 container sầu riêng sang thị trường tỷ dân này. Còn hiện tại, công ty xuất sang đó khoảng 10-15 container sầu riêng một tháng loại 18 tấn/container, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên cho hay.

Bội thu 4,63 tỷ USD, trái cây đón thêm nhiều tin vui

Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, chỉ riêng tháng 8 xuất khẩu rau quả đã thu về 750 triệu USD, tăng mạnh 61,6% so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng ghi nhận mức kim ngạch xuất khẩu cao thứ 2 trong 8 tháng qua (chỉ sau tháng 4 với kim ngạch 768,2 triệu USD).

Luỹ kế 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thế mạnh này của nước ta ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng mạnh 30,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Với tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức cao trong các tháng vừa qua, ngành hàng rau quả cũng đặt mục tiêu xuất khẩu có thể chạm mốc 7 tỷ USD năm nay. Bởi, những tháng cuối năm là mùa cao điểm thu hoạch các loại rau quả có sản lượng lớn, đặc biệt là quả sầu riêng có giá trị cao. Trong khi, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng.

Đơn cử, đầu tháng 8, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) báo tin vui quả bưởi Việt Nam chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Theo đó, bưởi là quả tươi thứ 3 của nước ta được phép nhập khẩu chính ngạch sang xứ sở Kim chi, cùng với thanh long và xoài.

Vừa mới đây, nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh và dừa tươi của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc cũng được ký kết.

Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Trung Quốc là thị trường lớn tiêu thụ sầu riêng và dừa tươi. Thế nên, việc mở cửa thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi dự kiến có thể tăng thêm 200-300 triệu USD trong năm 2024 và còn tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo.

 Hay như, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cũng có thể đạt kim ngạch 400-500 triệu USD ngay trong năm 2024 - năm đầu tiên sau khi ký kết nghị định thư và sẽ góp mặt trong danh sách mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị tỷ USD trong năm 2025.

Thực tế, 1 container sầu riêng đông lạnh giá trị lên tới 5-6 tỷ đồng. Do đó, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển, việc kiểm dịch cũng dễ hơn so với xuất khẩu sầu riêng tươi.

Đáng chú ý, trong danh sách các loại trái cây đang đàm phán mở cửa sang thị trường Trung Quốc còn có bưởi, bơ, na, roi. Đây đều là những trái cây thế mạnh của nước ta với vùng trồng quy mô lớn, sản lượng cao.

Chiều 28/8, Bộ NN-PTNT thông báo thêm tin về kết quả chuyến thăm và làm việc tại Mỹ của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Hafemeister. Trong đó, hai bên đã đạt được đồng thuận cho phép xuất khẩu chanh leo Việt Nam vào Mỹ. Quá trình đàm phán kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý cho phép nhập khẩu chanh leo Việt.

Ngoài ra, hai bộ cũng khởi động quy trình xem xét đối với một số trái cây mới của Việt Nam như: chanh không hạt, ổi, mít để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ.

Với sản lượng rau quả và trái cây của nước ta hiện nay, ngành nông nghiệp nhắm tới mục tiêu xuất khẩu sớm thu về 10 tỷ USD trong thời gian tới. Nhưng để đạt được con số này, ngành rau quả cần có giải pháp nâng cao giá trị hàng hóa, trong đó đẩy mạnh khâu chế biến sâu để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng hiện đại.

 

 

QUẶNG SẮT SẬP GIÁ

So với mức giá đỉnh điểm hồi đầu năm, giá quặng sắt đã giảm 30%.

Giá quặng sắt lại trở thành tâm điểm sau khi giảm xuống dưới ngưỡng tâm lý 100 USD/tấn tuần vừa qua. Đây là lần thứ 4 giá giảm xuống mức này trong vòng 2 tuần. So với mức giá cao nhất năm (144 USD/tấn) hồi tháng 1, giá quặng sắt đã giảm 30%.

Theo Reuters, giá quặng sắt giảm tuần thứ 6 liên tiếp bắt nguồn từ việc các nhà máy thép của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong khi lượng hàng tồn kho tại các cảng tăng cao.

Các nhà phân tích dự báo giá quặng sắt có thể còn giảm thêm trong phần còn lại của năm 2024 do suy thoái liên tục trong lĩnh vực xây dựng của Trung Quốc, dẫn đến giá thép giảm mạnh. Điều này khiến nhiều nhà máy thép không có lãi, khiến họ càng không muốn mua quặng sắt.

Quặng sắt là một trong những hàng hoá có hiệu suất kém nhất trong năm nay khi giá trị đã giảm 25%. Điểm sáng duy nhất của thị trường này nằm ở Úc, nơi quặng sắt vẫn được giao dịch ở mức khoảng 100 USD/tấn, bất chấp những vấn đề với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Úc gần đây công bố một dự báo rằng giá sẽ giảm còn khoảng 96 USD/tấn vào cuối năm nay.

Reuters trích lời một nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết do lượng tiêu thụ quặng sắt tiếp tục giảm, thị trường cần chứng kiến nguồn cung giảm để ngăn chặn tình trạng dư cung. Người này nói thêm mức giá dưới 100 USD là cần thiết kế để kích hoạt thị trường.

Trong khi đó, tình hình tài chính tồi tệ của các nhà máy thép Trung Quốc đang ngày càng rõ ràng khi hầu như không có nhà máy nào báo cáo lợi nhuận. Tình trạng này có thể khiến việc sản xuất giảm hơn nữa, gây thêm áp lực lên giá quặng sắt.

Giá quặng sắt đạt đỉnh hồi tháng 1/2024 và giảm xuống mức thấp nhất là 98 USD/tấn hồi tháng 4.

Cho đến nay, Trung Quốc đã thử nhiều biện pháp để khôi phục nền kinh tế, gồm cả việc cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, ngay cả những biện pháp này cũng chỉ nhận được sự phản ứng “hờ hững” của các mặt hàng lẽ ra sẽ được hưởng lợi ngay lập tức như quặng sắt.

Có một điểm bất ngờ là mặc dù sản xuất thép gặp khó, lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc đã chạm mốc 612 triệu tấn, tăng 6,8% trong nửa đầu năm 2024.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng lượng nhập khẩu tăng này không liên quan đến sản xuất thép, thay vào đó được dùng để gia tăng hàng tồn kho.

 

 

GIÁ CHUNG CƯ VẪN CHƯA DỪNG ĐÀ TĂNG

Thời điểm hiện tại, giá nhà chung cư đã tăng thêm khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, giá căn hộ chung cư tăng không chỉ ở những dự án mới mở bán mà còn ở cả những căn hộ cũ đã qua sử dụng nhiều năm.

Rất nhiều lo ngại về việc giá nhà không ngừng tăng sẽ ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội trong thời gian tới.

Giá căn hộ chung cư tiếp tục leo thang

Từ đầu năm 2024 đến nay, nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản (BĐS) trên thị trường đã có sự cải thiện rõ rệt, đặc biệt là phân khúc căn hộ chung cư. Theo số liệu báo cáo thị trường từ Bộ Xây dựng, tính riêng trong quý II/2024, cả nước có 9 dự án nhà ở thương mại hoàn thành, bằng 128,5% so với cùng kỳ năm 2023; 19 dự án được cấp phép mới và 50 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, lần lượt tăng 126,6% và 131,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù nguồn cung đã có sự cải thiện nhưng giá bán vẫn tiếp tục leo thang, một số dự án còn ghi nhận tăng đến 33%. Như tại Hà Nội, dự án khu đô thị Royal City tăng 33%; The Pride 33%, Mỹ Đình Sông Đà - Sudico tăng 32%; Vinhomes West Point tăng 28%. Một số khu đô thị cũ như Trung Hòa - Nhân Chính, giá chung cư tăng 25%, khu chung cư tái định cư tại Nam Trung Yên có mức tăng 20%…

Nếu muốn mua căn hộ có giá bán biến động tăng chậm hơn, người mua phải tìm đến các khu vực xa trung tâm như dự án Bình Minh Garden Đức Giang, Le Grand Jardin Sài Đồng... nhưng giá bán không dưới 3 tỷ đồng/căn từ 2 - 3 phòng ngủ, như dự án Lumi Hanoi (quận Nam Từ Liêm) giá từ 66 - 82 triệu đồng/m2 tại phường Tây Mỗ, dự án Grand SunLake (quận Hà Đông) giá từ 40 - 55 triệu đồng/m2, dự án The Wisteria (huyện Hoài Đức) khoảng 40 - 60 triệu đồng/m2.

Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, biến động giá rao bán căn hộ trung cấp (từ 35 - 55 triệu đồng/m2) tăng thêm 2%; cao cấp (trên 55 triệu đồng/m2) tăng thêm 5% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, giá bán nhiều dự án chung cư đã qua sử dụng có xu hướng tăng mạnh, nhất là ở khu vực nội thành. Đơn cử như dự án City Garden (quận Bình Thạnh) rao bán trung bình 85 triệu đồng/m2, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái; dự án Antonia (quận 7), Masteri Thảo Điền (quận 2) lần lượt tăng 11% và 10%.

“Theo khảo sát và tổng hợp báo cáo của một số tỉnh, TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư tăng trung bình khoảng từ tăng 5 - 6,5% trong quý II/2024 và 25% so với cùng kỳ năm 2023 tùy từng khu vực và vị trí. Đặc biệt, mức giá không chỉ ở những dự án mới mở bán mà còn ở cả căn hộ cũ, qua sử dụng nhiều năm. Theo nhận định, giá căn hộ chung cư có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do nguồn cung mới đưa ra thị trường đang khan hiếm” - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cho hay.

Cần động thái tích cực hơn từ phía Nhà nước

Với việc giá bán nhà liên tục leo thang trong thời gian gần đây sẽ làm cơ hội sở hữu nhà ở của nhóm người có thu nhập thấp - trung bình ở các đô thị ngày càng trở nên khó khăn hơn và tác động tiêu cực đến chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần phải nhanh chóng có giải pháp để bình ổn giá nhà, trong đó Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò quan trọng.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, muốn giá bán nhà được sớm bình ổn, Nhà nước cần phải có chính sách để tăng nguồn cung các sản phẩm nhà ở từ việc cải tạo chung cư cũ và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội (NƠXH).

Theo đó, đối với công tác cải tạo chung cư cũ, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 69/2021/NĐ-CP thì công việc này đã có sự cải thiện rõ rệt, nhưng đến nay chỉ mới có một số chung cư cũ nguy hiểm cấp D có kế hoạch cải tạo, xây dựng lại còn hầu hết vẫn đang phải chờ đợi. Nếu được triển khai theo đúng kế hoạch đây chắc chắn sẽ là nguồn cung lớn cho nhà ở phân khúc vừa túi tiền với người dân, đồng thời góp phần cải tạo chỉnh trang bộ mặt đô thị.

“Đối với Đề án phát triển 1 triệu căn NƠXH thì cần có một quỹ đầu tư riêng, nhưng không chỉ dùng để hỗ trợ tín dụng cho dự án mà nên có một phần dành cho các địa phương để tập trung hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cho các dự án NƠXH. Kèm theo đó là đơn giản hóa tối đa trình tự, quy trình thủ tục triển khai các dự án” - ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.

Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, DN phải có vốn, nhưng hiện nay việc tiếp cận tín dụng của DN BĐS rất khó, nên dẫn đến tình trạng DN BĐS thiếu tiền mặt, thiếu thanh khoản nghiêm trọng, tài sản lớn nhưng không bán được. Nhiều DN đã tái cấu trúc, cấu sản phẩm, giảm giá bán, dừng triển khai xây dựng, ngừng kinh doanh.

“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để DN có các khoản nợ tín dụng sắp đến hạn thì giữ nguyên nhóm nợ, cho phép tái cấu trúc không thành nhóm nợ xấu hơn. Đồng thời chỉ cho vay đối với những dự án đủ điều kiện như dự án có tài sản bảo đảm, điều kiện pháp lý rõ ràng và tính khả thi được ngân hàng đánh giá là có khả năng trả nợ” - ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.

Đồng quan điểm, theo GS. TS Hoàng Văn Cường - Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, đối với những dự án BĐS đang triển khai dở dang, nếu hoàn thành sẽ có khả năng đưa vào sử dụng, có khả năng thanh khoản ngay. Ngân hàng nên khoanh các khoản nợ cũ của DN và tiếp tục tài trợ vốn để hoàn thành dự án, đưa sản phẩm ra thị trường; đồng thời phải kiểm soát dòng vốn vay giải ngân vào đúng hoạt động hoàn thiện dự án và quản lý dòng tiền bán hàng để thu hồi các khoản nợ ngân hàng đã tài trợ.

“Việc làm như trên không chỉ giúp các hoạt động đầu tư, kinh doanh và thị trường BĐS được tái lập mà các nguồn vốn vay của ngân hàng đã đổ vào dự án sẽ được thu hồi. Cần kiểm soát chặt chẽ, không để dòng vốn tín dụng đổ vào những dự án không có khả năng hoàn thành, khó tiêu thụ hoặc đảo nợ các khoản vay cũ đến hạn. Đây chính là việc thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, mở rộng đối với dự án có triển vọng, nhưng thắt chặt đối với DN “xác chết” và mua BĐS đầu cơ” - GS. TS Hoàng Văn Cường nhìn nhận.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng Nhà nước nên tăng cường sử dụng công cụ thuế để tránh tình trạng đầu cơ BĐS. Vì đầu cơ BĐS là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá BĐS tăng nhanh. Ngoài ra, để mang lại hiệu quả tối đa cho công tác huy động vốn đầu tư của DN, cũng nên nghiên cứu biện pháp để hạn chế hoặc không cho phép DN BĐS tham gia đầu tư vào ngân hàng và ngược lại, bởi dòng vốn khi đó chỉ xoay quanh hoạt động của DN đó mà không có nhiều tác dụng với xã hội.

 

Nguồn: Soha; Vietnamnet; CafeF; Môi trường & Đô thị

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang