Xử lý 936 vụ tội phạm tham nhũng; Trương Mỹ Lan sắp hầu tòa; Tràn lan xây dựng trái phép; TP.HCM 'tắc' tách thửa đất

XỬ LÝ 936 VỤ TỘI PHẠM THAM NHŨNG, CHỨC VỤ

Trong năm 2024, lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý nhanh chóng những điểm nóng, nhóm tội phạm có tổ chức; phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.

Tội phạm đánh bạc trên mạng Internet tăng 113,2%

Sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2024 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.

Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm 2024, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật.

Lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý nhanh chóng những điểm nóng, nhóm tội phạm có tổ chức; phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.

Công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, chống khủng bố được triển khai đồng bộ, toàn diện. Việc tăng cường Công an xã chính quy và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở góp phần giáo dục, quản lý chặt chẽ hơn nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, đối tượng có liên quan đến ma tuý; chủ động phát hiện, giải quyết sớm các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu và tại cơ sở.

Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương, thiệt hại về tài sản; một số loại tội phạm tăng mạnh như: Tội phạm có tổ chức tăng 89,47%, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 89,90%, tham ô tài sản tăng 50,75%, đánh bạc trên mạng Internet tăng 113,2%... Xảy ra một số vụ giết người với tính chất man rợ, liều lĩnh, gây tâm lý phẫn nộ, lo lắng, bất an trong nhân dân.

Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập. Cụ thể: Một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chưa chặt chẽ dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền lợi dụng, "móc nối, hướng dẫn" doanh nghiệp thực hiện "lách luật" hoặc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện vi phạm trong một số trường hợp còn chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước trong phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Nhiều vụ vi phạm đấu thầu, đấu giá, đền bù giải phóng mặt bằng trong hoạt động đầu tư, xây dựng, khai thác tài nguyên, đất đai… với hành vi phạm tội phổ biến là đưa, nhận hối lộ, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi...

Tội phạm về tham nhũng, chức vụ phát hiện 936 vụ

Về công tác phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, năm 2024, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như: Tổng số vụ án/bị can được phát hiện, khởi tố tăng, về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được khẩn trương điều tra làm rõ.

Tội phạm về tham nhũng, chức vụ phát hiện 936 vụ, tăng 37,85%. Đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong một số lĩnh vực và trong đấu tranh với tội phạm ma túy. Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn còn có mặt cần lưu ý.

Cụ thể như: Tội phạm ma túy tiếp tục gia tăng, tăng 4,31% số vụ, 7,10% số đối tượng; vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phức tạp. Một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, quy mô lớn xảy ra tại nhiều địa phương.

Vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, quản lý thông tin cá nhân, tội phạm sử dụng công nghệ cao có xu hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Tuy nhiên, năng lực phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này tại một số địa phương còn hạn chế, không theo kịp diễn biến của tình hình.

Về công tác điều tra, xử lý tội phạm, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên, một số chỉ tiêu công tác vượt yêu cầu tại Nghị quyết số 96.

Trong 3 năm, từ năm 2022 đến năm 2024, không có tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố quá hạn nhưng chưa được giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng quá thời hạn quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Tỉ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm mới đạt 82,93%, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam vẫn còn vi phạm.

Bên cạnh đó, số trường hợp cơ quan điều tra phải đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm tăng 19 vụ.

CHUẨN BỊ XÉT XỬ TRƯƠNG MỸ LAN: LOẠT DN NỢ CHỤC NGHÌN TỶ TRÁI PHIẾU, NỢ LÃI TRẦY TRẬT

Nhiều doanh nghiệp liên quan tới bà Trương Mỹ Lan báo lỗ nặng trong nửa đầu năm 2024, nợ khoảng 14.300 tỷ đồng trái phiếu. Chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và hàng chục đồng phạm chuẩn bị hầu tòa giai đoạn 2.

Toà án Nhân dân TPHCM vừa có quyết định đưa vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” với bà Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm ra xét xử. Đây là giai đoạn hai của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Phiên tòa dự kiến diễn ra từ 19/9-19/10.

Đồng loạt báo lỗ triền miên

Một số doanh nghiệp liên quan tới bà Trương Mỹ Lan vừa có báo cáo tình hình tài chính gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hầu hết báo lỗ trong nửa đầu năm 2024, trong đó có Công ty Bông Sen, Setra, Quang Thuận.

Cụ thể, CTCP Bông Sen trong 6 tháng đầu năm 2024 lỗ 401 tỷ đồng, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước, tương đương trung bình mỗi ngày lỗ hơn 2,2 tỷ đồng. Trong kết luận của cơ quan điều tra, Bông Sen Corp. nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Công ty Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan.

CTCP Bông Sen sở hữu nhiều khách sạn, nhà hàng hạng sang, trong đó có Khách sạn Daewoo Hà Nội nằm ở vị trí đắc địa, trung tâm cửa ngõ phía tây của TP Hà Nội với hơn 400 phòng. Đây là một trong những khách sạn 5 sao nổi tiếng ở Hà Nội, được xây năm 1996, từng đón cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton (năm 2000) và các nguyên thủ khác.

Trong phiên xét xử ngày 15/3, bà Trương Mỹ Lan đã đề nghị bán khách sạn Daewoo và nhiều tài sản khác để khắc phục hậu quả trong vụ án Vạn Thịnh Phát.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, CTCP Bông Sen của gia đình bà chiếm 93,6% cổ phần tại khách sạn Daewoo Hà Nội, còn gia đình bà có cổ phần chi phối tại CTCP Bông Sen.

Bông Sen Corp. là một cái tên có tiếng trên thị trường bất động sản phía nam khi sở hữu hàng loạt nhà hàng, khách sạn ở những khu vực “đất vàng” tại trung tâm TPHCM như Khách sạn Bông Sen Sài Gòn (117-123 Đồng Khởi), Khách sạn Palace Saigon (56-66 Nguyễn Huệ), Khách sạn 2 sao Bông Sen Annex (61-63 Hai Bà Trưng), nhà hàng Lemongrass, Calibre, Bier Garden, Vietnam House, Buffet Gánh Bông Sen, bánh Brodard với hệ thống 18 cửa hàng, lữ hành Lotus Tours...

Mặc dù sở hữu nhiều đất vàng nhưng Bông Sen có kết quả kinh doanh yếu kém. Trong năm 2023, Bông Sen lỗ 668 tỷ đồng. Con số lỗ năm 2022 là gần 479 tỷ đồng và năm 2021 cũng thua lỗ.

Trong báo cáo tài chính gửi HNX, CTCP Dịch vụ - Thương mại TPHCM (Setra - STRC) báo lỗ gần 115 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, so với mức lỗ hơn 273 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Trong năm 2023, STRS lỗ gần 220 tỷ đồng, còn năm 2022 lỗ gần 479 tỷ đồng.

STRC được biết đến là một trong 4 doanh nghiệp nổi bật liên quan đến Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan, với lượng trái phiếu phát hành lớn.

Tính tới giữa năm 2024, STRC còn phải trả hơn 3.382 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 7.419 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số này vẫn rất lớn so với vốn chủ sở hữu hơn 409 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu còn hơn 1.998 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một doanh nghiệp khác cũng liên quan tới bà Trương Mỹ Lan là CTCP Quang Thuận (QTIC) báo lỗ gần 339 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, so với mức lỗ hơn 641 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Theo cơ quan điều tra, Setra cùng 3 công ty khác trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông, CTCP Đầu tư và Phát triển Sunny World, CTCP Đầu tư Quang Thuận đã huy động một lượng trái phiếu khủng. Số tiền này được bà Lan sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành, dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.

3 đơn vị nợ hơn 14.000 tỷ đồng trái phiếu, chậm thanh toán

Cũng theo báo cáo gửi HNX, CTCP Quang Thuận có tổng nợ phải trả tính tới cuối tháng 6/2024 là 8.875 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ trái phiếu khoảng 7.500 tỷ đồng so với vốn chủ sở hữu hơn 1.374 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm nay, Quang Thuận đã chậm trả lãi và phạt với 60 lô trái phiếu (mỗi lô giá trị 100 tỷ đồng). Tổng tiền lãi và phạt là gần 16,86 tỷ đồng/lô, tương đương khoảng 1.010 tỷ đồng do chưa thu xếp được nguồn vốn và “đang lên phương án xử lý”.

Đây là các lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm, có tài sản đảm bảo, được phát hành ngày 31/8/2020 do Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thu xếp. Lãi suất được đưa ra 11%/năm và có hạn trả lãi định kỳ 6 tháng một lần.

Với Setra, trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty đã chậm trả lãi kỳ thứ 3 liên tiếp (gồm kỳ 5 ngày 28/2/2023, kỳ 6 ngày 31/8/2023 và kỳ 7 ngày 29/2/2024) cùng lãi phạt kỳ 5 và kỳ 6 đối với tổng cộng 20 lô trái phiếu (mỗi lô giá trị 100 tỷ đồng). Tổng tiền lãi và phạt là gần 16,86 tỷ đồng/lô, tương đương khoảng 337 tỷ đồng.

Lý do chậm thanh toán là do Setra chưa thu xếp được nguồn thanh toán và tổ chức phát hành đang xử lý tài sản để thanh toán gốc lãi.

Tính tới cuối tháng 6/2024, Bông Sen có tổng nợ phải trả khoảng gần 8.370 tỷ đồng, trong đó có hơn 4.790 tỷ đồng nợ trái phiếu, so với vốn chủ sở hữu 5.264 tỷ đồng.

Tính tới cuối năm 2023, Bông Sen có lô trái phiếu BSECH2126003 phải thanh toán gốc là 4.800 tỷ đồng và số tiền lãi và phạt là hơn 1.061 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bông Sen đã chậm/không thanh toán gốc, lãi vì “tài khoản bị phong tỏa”.

Đây là khoản huy động được phát hành từ tháng 10/2021, có tài sản đảm bảo, do Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thu xếp. Lãi suất được đưa ra 10,5%/năm, hạn trả lãi định kỳ 3 tháng một lần. Lô này có kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 15/10/2026.

Tân Việt cũng chính là một trong những đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu của Tập đoàn Đầu tư An Đông - doanh nghiệp liên quan đến bà Trương Mỹ Lan.

Để khắc phục hậu quả của vụ án Vạn Thịnh Phát, theo nghị quyết ĐHCĐ của Bông Sen hôm 30/8/2023, đại hội cổ đông bất thường đã thông qua phương án chuyển tiền vào tài khoản chỉ định theo yêu cầu của Cơ quan điều tra Bộ Công an.

Đại hội cũng thông qua việc xử lý tài sản của công ty để thực hiện nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành. Các tài sản bao gồm: phần góp vốn của bà Trần Thi Phơ; cổ phần Công ty Daeha; hồ sơ thế chấp một loạt tài sản là bất động sản (tại 56-66 Nguyễn Huệ - Khách sạn Palace; 61-63 Hai Bà Trưng - Khách sạn Bông Sen 2; số 5 Nguyễn Thiệp, 93-95-97 Đồng Khởi... ).

Tại đại hội, Chủ tịch Bông Sen Corp. Vũ Thị Hồng Hạnh cho biết, trong các tài sản mà Bông Sen đưa vào để làm tài sản đảm bảo tại hồ sơ phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo là cổ phần tại CTCP Daeha. Đây là cổ phần sở hữu thuộc CTCP Hợp Nhất 1 và Bông Sen có sở hữu cổ phần chi phối tại công ty này.

TRÀN LAN XÂY DỰNG KHÔNG PHÉP TẠI TP.HCM

Sau khi Môi trường và Đô thị điện tử phản ánh về tình trạng xây dựng nhà trái phép tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM, nơi đây lại tiếp tục “mọc” lên nhiều công trình to đẹp và hoành tráng hơn rất nhiều.

Báo cáo một đằng, thực tế một nẻo…

Sau khi Môi trường và Đô thị điện tử đăng tải loạt bài phản ánh về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM, điều khó hiểu là, những ngôi nhà này không bị xử lý như chính quyền cam kết mà còn tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện, thậm chí to hơn, đẹp hơn trước.

Bên cạnh đó, một số ngôi nhà khác có dấu hiệu xây dựng trái phép cũng tiếp tục mọc lên trên địa bàn, bất chấp pháp luật và dư luận.

Như chúng tôi đã phản ánh trước đây, trong quá trình tác nghiệp PV đã phát hiện một ngôi nhà có dấu hiệu xây dựng trái phép tại một phần thửa 17 tờ bản đồ số 35 xã Vĩnh Lộc A bằng cách quây tôn xung quanh nhằm che mắt người dân và dư luận, sau đó chủ đầu tư chia tách thành nhiều căn nhỏ.

Trả lời báo chí, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A- Phùng Quốc Việt cho biết: “Qua kiểm tra xác minh thì không có công trình xây dựng tại vị trí phản ánh nêu trên”. Tuy nhiên, cũng tại vị trí này, UBND xã Vĩnh Lộc A lại khẳng định: “Vị trí phản ánh công trình xây dựng tại phần thửa 17 tờ bản đồ số 35 thuộc ấp 29, UBND xã đã lập biên bản vi phạm hành chính số 65/BB-VPHC ngày 22/7/2024 đối với ông Phạm Văn Út, hành vi chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn mà chưa được cơ quan chức năng cho phép”. Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn khác. Hiện nay tại vị trí thửa 17 tờ bản đồ số 35, công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại và đã hoàn thiện hết sức hoành tráng.

Theo quan sát của PV, khi công trình này được hoàn thiện toàn bộ thì phía trước là hai căn nhà xây liền kề với năm căn nhà nhỏ phía sau như kiểu khu nhà phố. Mỗi căn rộng vài chục m2, trong đó căn nào cũng có một lầu cùng ban công, cửa sắt được xây dựng hết sức kiên cố, công phu và được phủ lên lớp sơn màu trắng nổi bật ngay gần giữa cánh đồng…

Điều này khác hoàn toàn với sự khẳng định của UBND xã Vĩnh Lộc A là đã lập biên bản và xử phạt hành chính đối với hành vi “chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn mà chưa được cơ quan chức năng cho phép” của ông Phạm Văn Út.

Tương tự, tại hai phần thửa 64, tờ bản đồ số 42, PV cũng đã phản ánh về việc tại đây đang xây dựng hai công trình nhà ở một trệt, một lầu được quây tôn kín xung quanh, có dấu hiệu trái phép. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A cũng cho biết: “…Qua công tác tuần tra địa bàn ngày 25/6/2024, UBND xã Vĩnh Lộc A đã phát hiện một công trình xây dựng không có giấy phép theo quy định… UBND xã Vĩnh Lộc A đã lập Biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngưng thi công xây dựng  công trình vi phạm số 46/BB-VPHC đối với ông Trần Thanh Tùng về hành vi vi phạm: “Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép”. Diện tích vi phạm 8,0 m x 5,5 m = 44 m2; Tổng diện tích sàn xây dựng: 88 m2; Kết cấu: cột BTCT, vách gạch, mái tôn, sàn bê tông.

“Ngày 28/6/2024, UBND xã Vĩnh Lộc A ban hành Quyết định số 1045/QĐ-XPHC về xử phạt vi phạm hành chính. Ngày 22/7/2024, UBND xã Vĩnh Lộc A ban hành Quyết định số 1099/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Hiện nay, UBND xã đang tiếp tục xây dựng kế hoạch, lộ trình, xử lý dứt điểm các công trình vi phạm nêu trên trong tháng 8/2024”

Tuy nhiên, đến ngày 6/9/2024, khi quay lại hiện trường, PV phát hiện những ngôi nhà này không những không bị xử lý theo như khẳng định của lãnh đạo xã Vĩnh Lộc A mà còn ngang nhiên hoàn thiện hết sức hoành tráng. Qua quan sát, căn nhà này đã được xây dựng xong với cấu trúc một trệt, một lầu, cổng sắt, cửa kính và đưa vào sử dụng một cách công khai như không có chuyện gì xảy ra.

Từ thực tế mà PV đã chứng kiến, những căn nhà được xây dựng tại phần thửa 17 tờ bản đồ số 35 và một phần thửa 64, tờ bản đồ số 42 đã khiến cho người dân và dư luận địa phương vô cùng bức xúc. Bởi lẽ, sai phạm không hề được khắc phục như khẳng định của UBND xã Vĩnh Lộc A nhưng lại có văn bản phản hồi cho báo chí theo kiểu thờ ơ, bao che. Dư luận đang đặt câu hỏi: “Phải chăng, có thế lực nào đang chống lưng cho việc xây dựng trái phép này mà các đối tượng vi phạm bất chấp để phá vỡ quy hoạch, coi thường những quy định của pháp luật…(?)”.

Có hay không việc “bảo kê” xây dựng trái phép?!

Ngoài những sai phạm chưa được chính quyền xã Vĩnh Lộc A xử lý nêu trên, PV tiếp tục phát hiện một số căn nhà đang xây dựng có dấu hiệu vi phạm tại một phần thửa 222, tờ bản đồ số 37 và một phần thửa 36, tờ bản đồ số 42.

Cụ thể, tại vị trí một phần thửa 222, tờ bản đồ số 37 hiện có một căn nhà cấp 4 với tường gạch, mái tôn rộng hàng trăm m2 đang gần hoàn thiện và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Căn nhà này được quây tôn xung quanh và hàng rào tôn kết hợp thép B40 phía mặt tiền đường Bộ Đội An Điền để che giấu việc xây dựng phía trong.

Trao đổi với PV, một người dân (yêu cầu được giấu tên) cho biết: “Tranh thủ những ngày nghỉ lễ, chủ nhà đã thuê thợ về xây dựng liên tục. Đến nay thì đã gần như hoàn thiện, chỉ còn mái tôn và đấu nối điện nữa là có thể vào ở được…”.

Tương tự, tại một phần thửa 36, tờ bản đồ số 42 cũng tồn tại một ngôi nhà đang được hoàn thiện với diện tích vài chục m2 và cũng được che giấu bằng cách quây tôn cao xung quanh nhằm tránh sự quan sát từ bên ngoài.

Trong ngày 6/9, PV ghi nhận trên mái nhà này có một số nhân công đang tiếp tục hoàn thiện những công đoạn cuối cùng như lắp đặt bồn nước, đường điện, đường ống nước…

Trong khi đó, qua trao đổi với PV Môi trường và Đô thị điện tử vào ngày 27/7/2024, ông Phùng Quốc Việt – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A – cho biết: “UBND xã đã kiểm tra và phát hiện một số sai phạm liên quan đến việc xây dựng trái phép, không phép trên địa bàn mà báo chí phản ánh. Đồng thời, UBND xã cũng lập biên bản xử phạt hành chính và ra Quyết định cưỡng chế đối với những căn nhà xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật…”.

Thực tế, những sai phạm này không hề được xử lý, thậm chí lại còn tiếp diễn nhiều hơn, ngang nhiên hơn. Chính vì vậy, người dân đang đặt ra câu hỏi, liệu lãnh đạo xã Vĩnh Lộc A thực sự yếu kém trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng? Chúng tôi đề nghị UBND huyện Bình Chánh nhanh chóng vào cuộc kiểm tra và xử lý nếu có sự cấu kết, “bảo kê” khiến tình trạng xây dựng trái phép tại đây ngày càng diễn biến phức tạp hơn!

TP.HCM 'TẮC' TÁCH THỬA ĐẤT

TP.HCM đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Quyết định 60 về tách thửa trên địa bàn. Chính điều này đã khiến cho việc tách thửa đất của người dân, kể cả cho tặng cũng bị "đóng băng" từ ngày 1.8 đến nay.

Diện tích tối thiểu để tách thửa là 36m2

Tại dự thảo lần này, chỉ quy định tách thửa với 2 loại đất là đất nông nghiệp và đất ở. Diện tích tối thiểu tách thửa đối với đất trồng cây hằng năm, đất nông nghiệp khác là 500m2. Đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất chăn nuôi tập trung là 1.000m2.

Đối với đất ở, quy định chia thành 3 khu vực với điều kiện diện tích tối thiểu và chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất.

Trong đó khu vực 1 gồm: các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú diện tích tối thiểu là 36m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 3m.

Khu vực 2 gồm: quận 7, 12, Bình Tân, TP.Thủ Đức và thị trấn các huyện diện tích tối thiểu là 50m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 4m.

Khu vực 3 gồm: các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ (ngoại trừ thị trấn) có diện tích tối thiểu là 80m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 5m.

Khi người dân tách thửa đất phải đảm bảo diện tích tối thiểu. Đồng thời việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý.

Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi, khi thực hiện việc tách thửa đất hoặc hợp thửa đất thì không phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất để làm lối đi đó.

Như vậy, điểm mới trong dự thảo lần này so với trước đó là bỏ quy định ràng buộc liên quan đến quy hoạch. Bởi trong dự thảo trước quy định: để tách thửa đất quy hoạch là đất nông nghiệp, đất dân cư hiện hữu, đất dân cư hiện hữu chỉnh trang điều kiện là phải bảo đảm phù hợp quy hoạch tỉ lệ 1/2.000. Đối với đất ở quy hoạch dân cư xây dựng mới, đất hỗn hợp thì phải đáp ứng quy hoạch chi tiết 1/500.

Muốn tách để cho tặng cũng không được

Đáng nói là trong khi lấy ý kiến thì hoạt động tách thửa của người dân, kể cả tách thửa đất theo dạng thừa kế, cho tặng đều tắc nghẽn.

Anh Nguyễn Nghĩa (TP.Thủ Đức) kể, hồi đầu tháng 8.2024 anh đi nộp hồ sơ xin tách thửa khu đất trên phường Hiệp Bình Phước (TP.Thủ Đức) thành 3 miếng nhỏ để trao tặng cho hai người con theo dạng thừa kế. Tuy nhiên, hồ sơ của anh bị trả về, lý do thành phố chưa có quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa.

Anh Nguyễn Nghĩa không phải là trường hợp cá biệt, anh Tuân - người dân tại huyện Nhà Bè - cũng đã nộp hồ sơ xin tách 200m2 đất ở tại xã Phước Kiển làm đôi nhưng đến nay hồ sơ vẫn đang bị "treo" ở cơ quan chức năng. "Đã gần một tháng nay, hồ sơ của tôi không được giải quyết, trong khi tôi muốn tách thửa gấp lô đất trên để cho con tôi lập gia đình, xây nhà ra ở riêng", ông Tuân cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ ngày 1.8 đến nay, các hồ sơ về tách, hợp thửa đất trên địa bàn TP.HCM không thể thực hiện được. Tất cả đang bị "treo" ở chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện.

Trao đổi với Báo Thanh Niên, lãnh đạo một số chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở TP.HCM, cho biết, hồ sơ xin tách thửa của người dân nộp vào đến nay chưa được giải quyết do Quyết định 60 của TP.HCM về hạn mức tách thửa đã hết hiệu lực theo của quy định luật Đất đai 2024, trong khi quyết định hạn mức mới chưa có.

Chính vì vậy, cán bộ của chi nhánh phải thuyết phục người dân tạm thời chưa nộp hồ sơ tách, hợp thửa bởi lúng túng về cách giải quyết.

"Trước ngày 1.8, khi luật Đất đai 2024 có hiệu lực, việc giải quyết hồ sơ tách thửa, hợp thửa tại TP.HCM được giải quyết theo Quyết định 60/2017 quy định diện tích tối thiểu được tách thửa. Tuy nhiên, khi luật Đất đai mới có hiệu lực thì Quyết định 60 cũng hết hiệu lực. Trong khi đến nay, thành phố vẫn chưa có quyết định điều chỉnh hoặc thay thế nên không có cơ sở để giải quyết hồ sơ cho người dân", vị này cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ trước ngày 1.8, trừ những hồ sơ tách thửa không hình thành đường giao thông được giải quyết theo Quyết định 60, đối với các hồ sơ còn lại đã bị "tắc" từ hồi tháng 4.2021, sau văn bản đề nghị tạm ngừng tách thửa của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM. Từ đó đến nay, TP.HCM vẫn loay hoay lấy ý kiến sửa Quyết định 60 nhưng mãi không xong.

Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM), nhận xét: Trong nhiều năm qua thành phố đã nhiều lần lấy ý kiến sửa Quyết định 60 về hạn mức tách, hợp thửa đất. Trong khi luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực hơn 1 tháng, quy định rất chi tiết các điều kiện, nguyên tắc tách, hợp thửa đất. Cụ thể, luật quy định 8 nguyên tắc, điều kiện về tách, hợp thửa đất. Ngoài ra, việc tách thửa còn phải đảm bảo một số điều kiện. Đầu tiên các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của UBND cấp tỉnh. Trường hợp thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với thửa đất liền kề. Do vậy, thành phố cần nhanh chóng ban hành quy định mới để gỡ những ách tắc lâu nay.

Nguồn: Người Đưa Tin; Vietnamnet; Môi trường & Đô thị; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang