XK tôm hùm bông sang TQ bị tắc; Đại gia thủy sản lao dốc; Vụ án Trương Mỹ Lan; Nở rộ cho thuê chung cư theo ngày, giờ

Xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc bị ách tắc: Người nuôi lo lỗ nặng

Trung Quốc sửa Luật bảo vệ động vật hoang dã, cấm bắt và buôn bán tôm hùm bông thiên nhiên khiến Việt Nam khó xuất khẩu sang nước này, người nuôi tôm lo lỗ nặng.

Sau ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 khiến xuất khẩu tôm hùm bông ách tắc, đến nay, người nuôi tôm hùm bông lại thêm khốn khó khi từ tháng 8 đến nay, loại tôm này không thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Đáng nói hơn, cơ hội trở lại thị trường này cho con tôm hùm bông Việt Nam càng xa vời hơn khi Trung Quốc sửa luật.

Tại các cơ sở nuôi còn lượng lớn tôm hùm chờ xuất bán, giá đang giảm mạnh khiến doanh nghiệp và người nuôi hoang mang.

Thông tin với VTC News, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - chủ hộ chăn nuôi tôm hùm bông tại vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, vựa nuôi tôm hùm bông lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa - cho biết, gia đình ông nuôi gần 250 lồng, sản lượng hàng năm khoảng 20 tấn. Từ năm 2022 đến nay, việc nuôi tôm liên tục trục trặc, gây lỗ vốn nặng nề.

“Tôi nuôi tôm hùm bông lỗ quá rồi. Nào là ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nào là việc tôm bị chết hàng loạt do môi trường biển ô nhiễm. Tuy nhiên, những năm trước dù giá rẻ nhưng con nào còn sống vẫn còn bán được. Sang năm nay, một nửa tôm đã chết do dịch bệnh (khoảng 10 tấn), đáng lo hơn là đến thời điểm này còn con nào sống cũng không bán được, vì không có người thu mua. Tình trạng này nếu kéo dài, lỗ chồng lỗ thì chỉ còn nước phá sản”, ông Tuấn than.

Cũng lo lắng như ông Tuấn, anh Nguyễn Duy Văn ở Vạn Ninh chia sẻ, gia đình anh đang rất hoang mang khi thị trường tiêu thụ yếu, giá giảm hơn 40% so với trước dịch. Loại tôm này rất kén khách, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc. Vì thế, việc Trung Quốc yêu cầu không được đánh bắt trực tiếp từ biển và phải có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế hệ F2) khiến việc bán tôm hùm bông phục vụ xuất khẩu càng thêm khó khăn hơn.

“Gia đình tôi hiện có khoảng 15 tấn tôm đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng không có người mua. Trong khi đó chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn phải đầu tư, càng nuôi càng lỗ. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp định hướng nhằm tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi”, anh Văn nói.

Anh Văn cũng cho biết thêm, so với tôm hùm xanh, tôm hùm bông nuôi khó hơn, chi phí cao hơn và đầu ra bấp bênh, vì thế nhiều hộ nuôi tôm hùm bông vốn đã thua lỗ nay càng thua lỗ nhiều hơn. Lâu nay người dân nuôi tự phát, nếu phía Trung Quốc yêu cầu phải chứng minh được nguồn gốc tôm hùm bông không phải tự nhiên thì không dễ dàng gì người nuôi chứng minh được.

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có 2.700 hộ nuôi tôm, trong đó khoảng 900 hộ nuôi tôm hùm bông, số lượng gần 100.000 lồng, tương đương 1.000 tấn. Hiện nay tôm loại 1 cơ bản đã tiêu thụ được hơn 70%, còn tôm loại 2 dưới 1kg/con khoảng 150 tấn. Tổng sản lượng tồn còn khoảng 500 tấn.

Ông Chánh đánh giá, Trung Quốc ban hành Luật bảo vệ động vật hoang dã là việc làm tích cực trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên trên biển. Tuy nhiên quy định này ngay lập tức đã gây khó khăn cho người nuôi tôm Việt Nam, trước mắt là với sản lượng còn lại hiện nay chưa thể tiêu thụ.

“Muốn xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc, người nuôi phải truy xuất nguồn gốc theo quy định, đồng thời đảm bảo nguồn gốc con giống F2. Tuy nhiên, điều này rất khó khăn bởi việc con giống của Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu và khai thác tự nhiên, trong nước chưa nhân tạo được. Do vậy, việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ từ con giống đến chăn nuôi cũng là cả một vấn đề và cần nhiều thời gian”, ông Chánh nói.

Ông Chánh cho rằng, đã đến lúc cần tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường khác ngoài Trung Quốc, đồng thời phải có giải pháp bền vững là chế biến sản phẩm để đảm bảo gia tăng giá trị, tránh tình trạng thị trường ùn ứ, giá lại bị hạ. Ngoài ra, người nuôi cũng cần nuôi đa dạng các loại khác như tôm hùm xanh, cá biển để thay thế tôm hùm bông khi gặp sự cố…

“Chi cục cũng đề xuất các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn để người nuôi tôm hùm bông thực hiện quy định, thoát cảnh khó khăn”, ông Chánh nói.

Trong khi đó, trả lời VTC News, ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, trước quy định từ phía Trung Quốc, các tỉnh đang chờ ý kiến chỉ đạo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mong muốn bộ sớm làm việc với phía Trung Quốc để có giải pháp cụ thể.

Theo ông Quang, hiện tôm hùm bông vẫn đang được tiêu thụ tại thị trường trong nước nhưng giá không cao. “Hiện giá tôm hùm bông tùy địa điểm, thời điểm có giá đắt nhất khoảng 1,5 - 1,7 triệu/kg. Khi thị trường ít thì giá tăng, khi thị trường nhiều thì giá giảm”, ông Quang nói.

Tại tỉnh Phú Yên, ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, thông tin, thị xã Sông Cầu là địa phương có số lượng gia đình nuôi tôm hùm nhiều nhất ở khu vực miền Trung và cả nước.

Trước đây người dân địa phương nuôi rất nhiều tôm hùm bông. Tuy nhiên, hơn 4 năm qua, do nắm bắt được xu thế người tiêu dùng cũng như việc nhập con giống tôm hùm bông gặp khó khăn, thời gian nuôi tôm hùm bông lại kéo dài 18 tháng mới cho thu hoạch, trong khi nuôi tôm hùm xanh là 12 tháng, rút ngắn thời gian, cho lợi nhuận nhanh hơn nên chính quyền địa phương đã vận động người dân chuyển sang nuôi tôm hùm xanh.

Hiện nay cả thị xã Sông Cầu có gần 60.000 lồng nuôi tôm hùm xanh, mỗi năm thu hoạch khoảng 2.000 tấn, thu tổng tiền khoảng 2.000 tỷ đồng và địa phương cũng không gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Mới đây, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM) có báo cáo gửi lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả làm việc trực tuyến với Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật của Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến việc xuất khẩu tôm hùm bông.

Theo đó, Trung Quốc cho biết tôm hùm bông Việt Nam bị ngưng xuất sang thị trường này do vướng quy định mới. Tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã sửa đổi Luật Bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh, buôn bán đối với tôm hùm bông và các loài trong danh mục động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo tới các hải quan địa phương để thực hiện quy định trên khiến xuất khẩu chậm lại.

Trong quy định mới này, với tôm hùm bông nuôi, Trung Quốc yêu cầu phải có chứng minh quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế́ hệ F2).

Về thủ tục nhập khẩu tôm hùm bông nuôi vào Trung Quốc, nhà nhập khẩu các nước (gồm Việt Nam) phải xin cấp phép về Bảo vệ động vật hoang dã từ Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).

Các cơ sở bao gói, nuôi tôm hùm bông xuất khẩu phải thực hiện đăng ký danh sách kèm theo thông tin cụ thể về cơ sở nuôi tôm hùm. Riêng thủ tục thông quan lô hàng và kiểm tra an toàn thực phẩm không thay đổi so với trước đây.

Vụ giám sát kiểm dịch động thực vật thông báo sẽ gửi cho phía Việt Nam biểu mẫu đăng ký mới (thông qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc) để tiến hành rà soát, thực hiện đăng ký với các cơ sở bao gói, nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc.

Sau khi nhận được danh sách đăng ký của phía Việt Nam, Trung Quốc sẽ tổ chức kiểm tra trực tuyến hoặc trực tiếp đối với cơ sở nuôi và công bố trên website của Tổng cục Hải quan nước này.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của tôm hùm Việt Nam. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đạt 76 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ 2022.

Cơ hội lớn, các đại gia thủy sản vẫn lao dốc

CTCP Vĩnh Hoàn của nữ hoàng thủy sản Trương Thị Lệ Khanh bất ngờ báo lãi giảm mạnh. Minh Phú thua lỗ cho dù trước đó rất được kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp trong ngành.

Lợi nhuận giảm mạnh

CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với lợi nhuận sau thuế giảm hơn 56% so với cùng kỳ năm trước xuống 200 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận giảm nửa còn 883 tỷ đồng.

Trước đó, Thủy sản Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh xin được gia hạn nộp báo cáo tài chính quý III do doanh nghiệp phải tiếp đoàn kiểm tra của Bộ Thương mại Mỹ hồi cuối tháng 10 cho kỳ kiểm tra hành chính lần thứ 19 đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã từ chối đề nghị gia hạn.

Trong quý III, nhiều doanh nghiệp thủy sản báo lợi nhuận lao dốc, trái ngược với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư về một kịch bản xuất khẩu tăng trưởng mạnh sang Mỹ, khi quốc gia này bước vào mùa cao điểm tiêu thụ, các tập đoàn bán lẻ ghi nhận hàng tồn kho giảm. Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện…

CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI) báo lợi nhuận sau thuế quý III/2023 giảm 77% so với cùng kỳ xuống còn 23 tỷ đồng và giảm 15% so với quý trước. Doanh thu giảm 11% so cùng kỳ xuống còn 1.749 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận gộp của IDI giảm sâu, còn 6% trong quý III, so với 11% cùng kỳ và 8% trong quý liền trước. IDI chịu khoản lãi vay còn rất lớn trong bối cảnh lãi suất ngân hàng vẫn treo ở mức cao.

CTCP Chế Biến Thủy Sản và Xuất Nhập Khẩu Cà Mau - Camimex (CMX) ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 74%, chỉ còn 8,8 tỷ đồng trong quý III do doanh thu thuần giảm 34% xuống còn 538 tỷ đồng. CTCP Nam Việt (ANV) trong khi đó báo lãi lao dốc 99% từ 120 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn 1 tỷ đồng. Doanh thu thuần giảm 11% xuống còn 1.099 tỷ đồng.

Thủy sản Minh Phú (MPC) thậm chí còn lỗ 26 tỷ đồng trong quý III, so với mức lãi 332 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần giảm 41% xuống dưới 3.000 tỷ đồng.

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), doanh số xuất khẩu cá tra 9 tháng năm nay giảm 30,7%. Tính chung cả ngành thủy sản, doanh số xuất khẩu 9 tháng giảm 22%.

Trước đó, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia kỳ vọng các doanh nghiệp thủy sản sẽ có kết quả kinh doanh tích cực trong 2 quý cuối năm với dự báo cho rằng xuất khẩu sẽ tăng khi sức cầu tiêu thụ của một số nước hồi phục và thị trường vào "mùa vàng" cuối năm.

Xuất khẩu sang Mỹ cũng được kỳ vọng sẽ tích cực khi quan hệ Việt - Mỹ được nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện. Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nhập khẩu thủy sản Việt Nam…

Nhóm cổ phiếu thuỷ sản do đó được đặt kỳ vọng khá cao. Tuy nhiên, không ít mã nhóm ngành này giảm mạnh trong 2 tháng qua. Cổ phiếu MPC giảm từ 20.000 đồng xuống còn 17.000 đồng/cp. Thủy sản Vĩnh Hoàn giảm từ trên 80.000 đồng/cp về mức 70.000 đồng/cp như hiện tại…

Tín hiệu tích cực từ thị trường số 1

Trong một báo cáo giải trình, Tổng Giám đốc Thủy sản Vĩnh Hoàn Nguyễn Ngô Vĩ Tâm cho biết, sở dĩ lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý III giảm mạnh là do sản lượng và giá bán giảm.

Trên thực tế, trong quý III, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu giảm hơn 19% so với cùng kỳ về còn 2.700 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu giảm 30% xuống 7.680 tỷ đồng. Trong khi doanh thu giảm mạnh, giá vốn được duy trì ở mức cao. Doanh thu giảm bất chấp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và châu Âu gần đây có tín hiệu tích cực.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh tháng 10, Vĩnh Hoàn cho biết, xuất khẩu của doanh nghiệp này vào Mỹ sụt giảm 59% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa giảm 14%.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này ghi nhận xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 10 tăng 43% và xuất khẩu sang châu Âu tăng 20%.

Với Thủy sản Minh Phú, giải trình về kết quả thua lỗ trong quý III, doanh nghiệp của vợ chồng “vua tôm” Lê Văn Quang-Chu Thị Bình cho biết là do doanh thu giảm. Luỹ kế 9 tháng, Thuỷ sản Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.466 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một vấn đề nữa mà các doanh nghiệp ngành thủy sản đang phải đối mặt là việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Đây là yếu tố hạn chế các doanh nghiệp như MPC ký kết các đơn hàng mới.

Đây là một kết quả khá thất vọng khi mà vài năm gần đây Mỹ luôn giữ vị trí số 1 với giá trị nhập khẩu tôm Việt Nam với trị giá cả tỷ USD/năm. Kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu thủy sản vào Mỹ là rất lớn.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng mạnh kể từ sau khi Mỹ - Việt Nam xác lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013. Việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện gần đây được xem là một cú hích cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hơn thế, gần đây, lạm phát của Mỹ hạ nhiệt và tồn kho hàng hóa của các tập đoàn bán lẻ của Mỹ thời hậu Covid cũng đã giảm mạnh. Nhiều người kỳ vọng xuất khẩu vào Mỹ trong đó thủy sản sẽ tăng.

Mặc dù xuất khẩu thủy sản sang Mỹ chưa khởi sắc trong 9 tháng đầu năm nhưng theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có tín hiệu tích cực trong tháng 9 và tháng 10.

Trong 9 tháng, xuất khẩu sang top 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn giữ vị thế số 1 với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022.

Riêng trong tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, EU đều hồi phục, tăng từ 4-17% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo VASEP, thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý IV.

Thông thường, đơn đặt hàng từ các hãng bán lẻ nước ngoài có xu hướng tăng vào cuối năm do nhu cầu dịp lễ tết. Nền kinh tế số 1 thế giới có dấu hiệu thoát suy thoái và đang hồi phục.

Trung Quốc trong khi đó được đánh giá có dư địa lớn cho thủy sản Việt. Trong năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, tăng 66%.

Thế "kiềng bốn chân" và kế hoạch tinh vi thâu tóm SCB của bà Trương Mỹ Lan

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỷ đồng.

Cẩn trọng từng bước để thâu tóm Ngân hàng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan.

Để thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan cùng đồng bọn đã lập nên một kế hoạch vô cùng tỉ mỉ và có tiến trình thực hiện kéo dài trong nhiều năm.

Cụ thể, với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng trong việc huy động nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu kinh doanh của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân bằng việc mua, sở hữu phần lớn số lượng cổ phần rồi thực hiện hành vi thao túng.

Quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng nên hệ sinh thái với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau gồm: Nhóm định chế tài chính (SCB, Chứng khoán Tân Việt, Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú); nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông…); nhóm các công ty “ma” tại Việt Nam (thành lập để góp vốn đầu tư dự án, vay vốn ngân hàng, đảo nợ…) và mạng lưới công ty tại nước ngoài (xây dựng công ty vỏ bọc tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế” để quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình bà Trương Mỹ Lan tại nước ngoài…).

Từ tháng 12/2011, bằng hình thức nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, bà Trương Mỹ Lan nắm giữ hơn 81% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), hơn 98% cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và hơn 80% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đệ Nhất.

Sau khi ba ngân hàng trên hợp nhất thành Ngân hàng SCB, bà Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên hơn 85% cổ phần của nhà băng này. Chủ tịch Vạn Thịnh Phát tiếp tục mua và nhờ người đứng tên để tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần tại SCB lên hơn 91,5% vào ngày 1/1/2018.

Với việc sở hữu, nằm quyền chi phối số cổ phần của SCB, bà Trương Mỹ Lan đã đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân tin tưởng, thân tín đều là những người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng vào các vị trí chủ chốt của SCB. Họ đều nghe theo chỉ đạo của bà Lan và được trả mức lương cao từ 200-500 triệu đồng/tháng.

“Thực tế, các lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB đều do Trương Mỹ Lan tuyển chọn và giao nhiệm vụ cụ thể”, kết luận điều tra nêu rõ.

Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng thông qua nhóm lãnh đạo chủ chốt tại SCB, bà Trương Mỹ Lan sử dụng nhà băng này như một công cụ tài chính để huy động tiền gửi của người dân và các tổ chức. Tuy nhiên trong hoạt động cho vay, SCB lại chủ yếu phục vụ mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan.

Thành lập cả một đường dây để “rút ruột” của SCB

Kết quả điều tra xác định từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, SCB đã cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng, trong đó liên quan trách nhiệm của Trương Mỹ Lan và đồng phạm vay 2.500 khoản với tổng số tiền 1.066.608 tỷ đồng.

Đến ngày 17/10/2022, các khoản vay tại SCB còn dư nợ hơn 677.286 tỷ đều thuộc nhóm không có khả năng thu hồi. Trong đó dư nợ gốc các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc của hơn 23.000 khoản vay còn dư nợ tại SCB.

Theo kết luận, sau khi thâu tóm SCB, bà Trương Mỹ Lan đã thông qua các cá nhân thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại đây và các cán bộ chủ chốt tại Vạn Thịnh Phát triển khai các hoạt động rút tiền của ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được lập khống. Thậm chí có nhiều khoản vay rút tiền trước hoàn thiện hồ sơ sau.

Mỗi khoản cần rút ra, trong các giai đoạn đều có cách làm khác nhau và được giao cho từng nhóm của Vạn Thịnh Phát để dựng công ty "ma", "vẽ" ra phương án đầu tư tại các dự án, giao cho các bộ phận tính toán tài sản đảm bảo cho phù hợp….

Theo kết luận, Ngân hàng SCB đã huy động tiền gửi từ 50 chi nhánh nhưng chỉ tập trung giải ngân đối với nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại 3 đơn vị hội sở, 3 chi nhánh lớn, nhỏ lẻ ở 6 chi nhánh.

Các hồ sơ cho vay, giải ngân của nhóm Trương Mỹ Lan tại các đơn vị, chi nhánh trên đều có ký hiệu theo dõi riêng như "HSTT", "phương án, dự án" để các nhân viên ngân hàng nhìn vào đều hiểu là cho vay các công ty trong "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát".

Thực hiện hoạt động này, Trương Mỹ Lan đã giao cho các thân tín tại SCB phối hợp cùng các thuộc cấp tại Vạn Thịnh Phát sử dụng các phương án vay vốn khống đã tạo lập để thực hiện giải ngân, chuyển tiền vào các tài khoản của cá nhân, pháp nhân "ma" để thực hiện chuyển tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng hoặc cho các cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.

Theo kết luận, thủ đoạn của nhóm Trương Mỹ Lan sử dụng để vay tiền SCB gồm: Tạo lập khách hàng vay vốn khống, thuê hoặc nhờ người đứng tên tài sản; Tạo lập hồ sơ vay khống; Đưa tài sản đảm bảo được định giá trị, để tạo ra một bộ hồ sơ đúng như quy định nhằm che giấu, đối phó với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, thực chất là để "rút ruột" ngân hàng.

“Hầu hết các khoản vay của Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được giải ngân trước và thực hiện hợp thức sau”, kết luận chỉ rõ.

Kết quả xác minh hồ sơ vay vốn 1.284 khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan còn dư nợ tại SCB thì có 201 khoản vay, hồ sơ vay vốn không có phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Các khoản vay này giải ngân hơn 10.000 tỷ đồng, đến nay tổng dư nợ 11.600 tỷ đồng.

Nhóm của Trương Mỹ Lan còn tạo lập, sử dụng khách hàng vay vốn khống, thuê người đứng tên tài sản đảm bảo để vay 1.200 khoản tại SCB.

Nhóm bà Lan đã thành lập hàng nghìn pháp nhân, thuê hàng nghìn cá nhân làm đại diện pháp luật, đứng tên cổ đông, đứng tên ký hồ sơ vay vốn, đứng tên tài sản bảo đảm để hợp thức rút tiền của Ngân hàng SCB. Sở dĩ "kho" pháp nhân này càng ngày càng phình to ra vì phải thành lập nhiều pháp nhân, "dựng" nhiều cá nhân mới để đứng tên khoản vay thì khi kiểm tra tín dụng sẽ không có dư nợ tín dụng lớn, kết luận nêu.

Để Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện được hành vi rút tiền, chiếm đoạt tiền từ SCB thông qua thủ đoạn vay còn có sự tiếp tay của các đối tượng tại các công ty thẩm định giá. Lãnh đạo, nhân viên các công ty này không thực hiện công tác thẩm định nhưng đã phát hành các chứng thư thẩm định giá tài sản theo yêu cầu của SCB để thông đồng, hợp thức thủ tục vay vốn, nâng khống giá trị.

Trong đó, từ ngày 9/2/2018 đến 7/10/2022, bà Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỷ đồng.

Hành vi trên phạm vào tội tham ô tài sản. Ngoài ra, hành vi này của bà Lan còn gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh hơn 129.000 tỷ đồng

Nở rộ cho thuê căn hộ chung cư theo ngày, giờ

Dịch vụ cho thuê căn hộ theo ngày, giờ gia tăng mạnh trong vài năm trở lại đây.

Dịch vụ lưu trú ngắn ngày tại căn hộ chung cư nhiều bất cập

Thay vì kinh doanh lưu trú dưới dạng khách sạn, có biển hiệu, đăng ký, những điểm cho thuê này được đặt trong các tòa nhà, khu dân cư… Khách đến thuê cũng được hưởng các tiện ích giống như cư dân. Loại hình kinh doanh này đang bộc lộ nhiều bất cập.

Chia sẻ với phóng viên VTV, các cư dân tại chung cư Millennium cho biết, từ tháng 4/2022, tại đây bắt đầu bộc phát mô hình kinh doanh căn hộ chung cư cho thuê ngắn ngày. Các đoàn khách du lịch liên tục đến đây lưu trú đã làm ảnh hưởng cuộc sống của các cư dân tại chung cư này.

Các cư dân cho biết, thông tin cho thuê căn hộ ngắn ngày tại chung cư của họ đang xuất hiện tràn lan ở các trang đặt phòng trực tuyến. Vì có lợi thế giao thông thuận tiện ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh, nên theo các cư dân, chung cư Millennium hiện được khá nhiều người lựa chọn thuê ngắn ngày.

Ông Phùng Đăng Hưng - Cư dân chung cư Millennium, Quận 4, TP Hồ Chí Minh ch ohay: "Do lượng du khách quá nhiều cho nên tận dụng tất cả mọi cơ sở vật chất chung của người dân. Ví dụ như hồ bơi là suốt 6 tháng nay cư dân rất ít xuống bơi, vì lượng khách quá đông. Bên cạnh đó, các cơ sở vật chất của chung cư xuống cấp 1 cách trầm trọng sau 1 năm. Ví dụ như thang máy dường như là phải sửa liên tục hàng tuần".

Theo thống kê từ Ban quản trị chung cư, chỉ tính trong tháng 10 vừa qua, số du khách vãng lai, lưu trú qua đêm tại đây là gần 1.300 người, trong đó trên 80% là khách nước ngoài.

Anh Lương Bá Trung - Cư dân chung cư Millennium, quận 4, TP Hồ Chí Minh cho hay: "Mình lên mình search thì chung cư mình hiện ra rất rõ ràng luôn. Kinh doanh rất là vô tội vạ và người dân khó chịu lắm. Họ không có đăng ký qua phường gì cả".

"Công năng của chung cư Millennium là để ở, không phải công năng hoạt động của một khách sạn. Họ ở đây thì họ cũng ít khi chấp hành các quy định của cư dân, quy tắc của hội nghị nhà chung cư chẳng hạn. Tại vì họ là khách du lịch nên khi các cơ quan chức năng kiểm tra về lưu trú cũng rất là khó khăn. Thường là họ không hợp tác, không mở cửa, phải thông qua người môi giới", ông Lê Trường Sơn - Phó Ban quản trị chung cư Millennium, quận 4, TP Hồ Chí Minh phản ánh.

Các cư dân cho biết họ đã gửi nhiều văn bản báo cáo hiện trạng này đến các cơ quan chức năng.

Cần cơ chế quản lý kinh doanh căn hộ cho thuê

Thay vì kinh doanh lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ, có biển hiệu, có đăng ký với cơ quan chức năng... loại hình cho thuê căn hộ thường giao dịch qua các ứng dụng trực tuyến. Hoặc giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa người thuê và người cho thuê. Cách thức vận hành này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo Luật sư Hà Hải - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, những người muốn cho thuê chung cư ngắn hạn luật pháp không cấm, nhưng phải thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

"Những người chủ sở hữu chung cư muốn cho thuê cũng có thể làm được, luật cho phép họ làm mà. Họ cứ việc đăng ký hộ kinh doanh cá thể. Nếu cơ quan thẩm quyền họ thấy rằng thỏa mãn các điều kiện theo quy định pháp luật thì họ cấp phép, lúc đó anh mới được quyền cho thuê", Luật sư Hà Hải nói.

Còn theo quan điểm của các cư dân chung cư, họ không can thiệp việc kinh doanh của cá nhân, tổ chức nào, tuy nhiên cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan chức năng, tránh tình trạng phát sinh nhiều nguy cơ mất an toàn.

Theo ông Lê Trường Sơn - Phó Ban quản trị chung cư Millennium, quận 4, TP Hồ Chí Minh: "Đây thực chất là một mô hình lưu trú qua đêm cũng như nhà nghỉ, khách sạn. Chung cư nào được phép, chung cư nào không được phép cũng cần sự quản lý của một số Bộ, ban ngành để phối hợp quản lý tốt dịch vụ này".

Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, cần bổ sung trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định chủ sở hữu nếu muốn sử dụng căn hộ cho thuê lưu trú du lịch ngắn ngày phải đăng ký kinh doanh và chịu trách nhiệm quản lý khách thuê theo nội quy chung cư, từ đó đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống cư dân chung cư.

Nguồn: Kenh14; Vietnamnet; Người Đưa Tin; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang