'XH siêu già' HQ; Tỷ phú TQ chưa hết lo; Vụ Nga bắn tên lửa Dnipro; Lối ra cho khủng hoảng Ukraine; Kịch bản cho nước Nga

HÀN QUỐC CHẠM NGƯỠNG 'XÃ HỘI SIÊU GIÀ'

(Ảnh minh hoạ).

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn số liệu thống kê của Bộ Hành chính và An ninh Hàn Quốc (MOIS) công bố ngày 16/1 cho thấy dân số của nước này tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm trong năm thứ 3 liên tiếp với mức giảm ngày càng lớn, từ 21.000 người (năm 2020) đến 190.000 (năm 2021) và 200.000 (năm 2022). Bên cạnh đó, số hộ gia đình 1 thành viên cũng chuẩn bị vượt ngưỡng 10 triệu.

Số liệu của MOIS cho thấy, tính đến ngày 31/12/2022, dân số đăng ký cư trú tại Hàn Quốc là 51.439.038 người, giảm 199.771 người (0,39%) so với năm 2021 (51.638.809 người). Dân số đăng ký cư trú bao gồm: người có địa chỉ cư trú, người không rõ địa chỉ cư trú nhưng có đăng ký và người Hàn Quốc đang cư trú tại nước ngoài. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này xuất phát từ xu hướng “lười” kết hôn và sinh con của giới trẻ Hàn Quốc cũng như vấn đề già hóa dân số đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở đây.

Mức giảm dân số theo yếu tố tự nhiên (sinh/tử) năm 2022 là 118.003 người, dân số tạm trú dài hạn không xác định bị hủy đăng ký là 101.938 người. Trong khi đó, số trẻ em được sinh ra là 254.628 trẻ, giảm 3,23% so với năm 2021. Trong khi số trẻ được sinh ra liên tục giảm kể từ năm 2016 thì số người chết lại tăng trong 3 năm liên tiếp, dẫn đến mức giảm dân số theo yếu tố tự nhiên cũng ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay.

Chênh lệch dân số về giới tính (nữ/nam) ở Hàn Quốc cũng lớn chưa từng có với số hộ độc thân chuẩn bị vượt ngưỡng 10 triệu. Xét theo giới tính, dân số nam giới ở Hàn Quốc đã giảm 4 năm liên tiếp xuống còn 25.636.951 người (chiếm 49,8%), dân số nữ giới cũng giảm trong 2 năm liên tiếp xuống còn 25.802.087 người (chiếm 50,2%). Chỉ tính riêng trong năm 2022, số ca sinh con trai là 130.167 ca, trong khi sinh con gái là 124.461 ca. Tỷ số giới tính khi sinh (số bé trai/số bé gái x 100) là 104,6, giảm so với năm 2021 (105,1). Tuy nhiên, khoảng cách số lượng dân số giữa nam giới và nữ giới lại đạt mức cao kỷ lục 165.136 người. Tại Hàn Quốc, dân số nữ giới lần đầu tiên vượt nam giới là vào năm 2015.

Trong khi dân số cư trú tiếp tục giảm, số lượng hộ gia đình lại ghi nhận xu hướng tăng đều đặn khi tỷ lệ hộ gia đình 1 người tăng lên. Tổng số hộ gia đình vào năm 2022 được ghi nhận là 23.705.814 hộ, tăng 232.919 hộ (0,99%) so với năm 2021. Ngược lại, số thành viên trung bình trong hộ gia đình giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 2,17. Hộ gia đình độc thân tiếp tục tăng sau khi lần đầu tiên vượt 40% vào năm 2021 và 41% vào năm 2022 (9.724.256 hộ) và chuẩn bị phá vỡ mốc 10 triệu hộ. Nếu xét chung số hộ gia đình có 1 hoặc 2 thành viên, con số này chiếm tới 65,2%, tăng 1% so với năm 2021 (62,4%).

Tỷ lệ già hóa dân số ở Hàn Quốc cũng tăng nhanh khi dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 18%. Theo định nghĩa của LHQ, dân số cao tuổi dùng để chỉ những người trên 65 tuổi, khi tỷ lệ dân số cao tuổi trong tổng dân số của khu vực vượt quá 7% là xã hội già hóa, khi tỷ lệ này là 14% trở lên đó là một xã hội dân số già, và khi chạm mức 20% thì quốc gia đó đã bước vào xã hội siêu già. Hàn Quốc đã bước vào xã hội già hóa từ năm 2001 khi dân số cao tuổi chiếm 7,2%. Năm 2018, tỷ lệ dân số cao tuổi đạt 14,4% đã khiến quốc gia này chính thức bước vào xã hội dân số già. Cơ quan Thống kê Hàn Quốc dự đoán với xu hướng như hiện nay, đến năm 2025 Hàn Quốc sẽ đạt 20,6% dân số cao tuổi và nước này sẽ chính thức bước vào giai đoạn xã hội siêu già.

Xét theo nhóm tuổi, dân số dưới 10 tuổi và nhóm tuổi 20, 30, 40 đồng loạt giảm trong khi các nhóm tuổi từ 50 trở lên đều ghi nhận xu hướng tăng. Cụ thể, trong tổng dân số, những người ở độ tuổi 50 vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 16,7%, tiếp theo là những người ở độ tuổi 40 với 15,7%, những người ở độ tuổi 60 là 14,4%, những người ở độ tuổi 30 là 12,9%, những người ở độ tuổi 20 là 12,48% và nhóm từ 70 tuổi trở lên là 11,82%. Dân số ở độ tuổi thanh thiếu niên và vị thành niên chỉ chiếm lần lượt là 9,1% và 6,9%.

Thứ trưởng Bộ Hành chính và An ninh Hàn Quốc Han Chang-seop cho rằng: “Có thể coi tình trạng suy giảm dân số hiện nay là một thách thức của quốc gia. Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực hết mình để đối phó với hiện trạng này, trong đó sẽ tích cực hợp tác với các bộ, ngành liên quan để hỗ trợ chính quyền địa phương thực hiện các chính sách hồi sinh khu vực như cải thiện điều kiện định cư và tạo việc làm”.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

CÁC TỶ PHÚ TRUNG QUỐC CHƯA THỂ THỞ PHÀO

Giới chức Bắc Kinh đang đảo ngược một số chính sách quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng các tỷ phú nước này có thể không bao giờ gia tăng tài sản nhanh chóng như trước đây.

Theo Forbes, với các tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, năm ngoái có lẽ là năm tệ hại nhất trong nhiều thập kỷ. Tài sản của họ giảm mạnh vì dịch bệnh và việc Bắc Kinh siết chặt kiểm soát đối với những doanh nghiệp tư nhân.

Giới chức Bắc Kinh đang đảo ngược một số chính sách quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng Forbes lo ngại rằng các biện pháp hỗ trợ chỉ là tạm thời.

"Một khi các điều kiện kinh tế ổn định trở lại, mọi thứ sẽ trở lại như những gì xảy ra trước tháng 11/2022", ông Chen Zhiwu - giáo sư tài chính tại Đại học Hong Kong - nhận định.

"Thịnh vượng chung"

Ông Chen nhắc tới cuộc trấn áp đã kích hoạt làn sóng vỡ nợ trong ngành bất động sản, và khiến tăng trưởng doanh thu của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc chững lại.

Việc chấn chỉnh khu vực tư nhân của Bắc Kinh giờ được gạt sang một bên để thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng các nhà chức trách sẽ không bao giờ từ bỏ hoàn toàn mục tiêu này.

Giới phân tích nhận định "thịnh vượng chung" là mục đích đằng sau cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh đối với các công ty tư nhân của đất nước. Hàng loạt tập đoàn lớn từ lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính), giao đồ ăn, gọi xe đến giáo dục đều bị nhắm đến.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của việc mang đến "của cải vừa phải" cho tất cả người dân, hay còn gọi là "thịnh vượng chung".

Mới đây, theo công ty dữ liệu Qichacha, một bộ phận của Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã nắm 1% cổ phần tại công ty truyền thông số của Alibaba tại Quảng Châu.

Nguồn tin của Financial Times cho biết các bên liên quan cũng đang thảo luận về việc một tổ chức chính phủ sẽ nắm giữ cổ phần trong Tencent.

Các cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh sắp nới lỏng kiểm soát đối với ngành công nghiệp Internet tại đất nước 1,4 tỷ dân. Jack Ma đã bỏ túi thêm 2,3 tỷ USD kể từ đầu năm nay, dù với 25,6 tỷ USD, ông vẫn mất 50% tài sản so với năm 2021.

Khó trở lại thời kỳ hoàng kim

Các nhà chức trách cũng bật đèn xanh cho kế hoạch huy động vốn 1,5 tỷ USD của Ant Group. Cách đây hơn 2 năm, Sàn giao dịch Thượng Hải đình chỉ đợt IPO của Ant vào phút chót sau bài phát biểu gây tranh cãi của ông Ma.

Mới đây, CNBC đưa tin Jack Ma sẽ từ bỏ quyền kiểm soát tại gã khổng lồ công nghệ tài chính. Những thay đổi có thể cản trở việc Ant tái khởi động IPO vì các quy định về niêm yết.

Thị trường cổ phiếu hạng A nội địa của Trung Quốc yêu cầu các công ty hoãn lên sàn 3 năm sau khi thay đổi quyền kiểm soát. Đối với sàn STAR thiên về công nghệ của Thượng Hải và thị trường Hong Kong, thời gian chờ lần lượt là 2 năm và một năm.

Giới phân tích tin rằng các biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản cũng chỉ là tạm thời, dù giới chức Bắc Kinh được cho là đang cân nhắc nới lỏng chính sách 3 lằn ranh đỏ.

Chính sách này lần đầu xuất hiện vào năm 2020 nằm hạ đòn bẩy trong lĩnh vực bất động sản đã phát triển quá nóng.

Với các gói hỗ trợ gần đây, giá cổ phiếu của một số công ty bất động sản Trung Quốc đã tăng vọt. Kể từ đầu năm, bà Yang Huiyan - đồng Chủ tịch Country Garden, tập đoàn địa ốc lớn nhất đất nước - kiếm thêm 465 triệu USD.

"Với bất động sản, nếu việc nới lỏng phát huy tác dụng, giá nhà sẽ tăng trở lại còn bom nợ lại phình to. Do đó, Bắc Kinh có thể phải đảo ngược hướng đi", ông Victor Shih - phó giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học California - nhận định.

Còn với các công ty công nghệ, ông Shih cho rằng họ vẫn sẽ phải vận hành trong một hệ thống được kiểm soát bởi Chính phủ.

Trong một cuộc họp với các cơ quan chống tham nhũng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo về sự "xâm nhập của tư sản vào chính trị làm suy yếu hệ sinh thái chính trị và môi trường phát triển kinh tế", nhấn mạnh việc kiểm soát đối với các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất đất nước.

"Một mặt, các công ty công nghệ đại diện cho quá trình hiện đại hóa thành công của Trung Quốc và năng lực cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng. Một mặt khác, Bắc Kinh từ lâu đã muốn kiểm soát những công ty lớn này trong nền kinh tế", chuyên gia Kendra Schaefer tại hãng tư vấn Trivium China nhận xét.

Còn theo giáo sư Zhu Ning tại Học viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải, trong vài thập kỷ qua, nhiều công ty Internet Trung Quốc mở rộng nhanh chóng nhờ nguồn vốn khổng lồ. Đáng nói là ảnh hưởng của chúng đã lớn đến mức có thể làm lung lay các chính sách của Chính phủ và tăng nguy cơ xáo trộn xã hội.

(Nguồn: Zing News)

SỐ THƯỜNG DÂN CHẾT TRONG VỤ NGA BẮN TÊN LỬA VÀO DNIPRO TĂNG LÊN 40

(Ảnh minh hoạ).

Số người thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga ở thành phố Dnipro của Ukraine đã tăng lên 40 người hôm 16/1 với hàng chục người khác mất tích, khiến nó trở thành vụ tấn công dân sự đẫm máu nhất trong chiến dịch tấn công tên lửa suốt ba tháng qua của Moscow vào các thành phố nằm cách xa tiền tuyến.
Các quan chức Ukraine thừa nhận họ có rất ít hy vọng tìm thấy thêm người sống sót trong đống đổ nát sau cuộc tấn công hôm 14/1 ở Dnipro, nhưng Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết họ sẽ tiếp tục nỗ lực giải cứu tại thành phố miền trung này ‘chừng nào vẫn còn cơ hội dù là nhỏ nhất để cứu người’.

“Mấy mươi người đã được giải cứu ra khỏi đống đổ nát, trong đó có sáu trẻ em. Chúng ta đang chiến đấu vì từng người!” Ông Zelenskiy nói trong bài phát biểu vào tối muộn.

Moscow phủ nhận họ cố tình nhắm vào dân thường trong chiến dịch không kích kể từ tháng 10 vốn đã phá huỷ hệ thống cấp điện nước của các thành phố Ukraine, và nói rằng vụ việc ở Dnipro là do lực lượng phòng không Ukraine gây ra.

Kyiv cho biết họ không có cách nào bắn hạ tên lửa chống hạm mà họ nói là đã bắn trúng một tòa nhà chung cư ở Dnipro hôm 14/1 trong loạt tấn công mới nhất của Nga.

Ít nhất 40 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công và 30 người khác vẫn chưa được tìm thấy, quan chức thành phố Gennadiy Korban cho biết. Ông cho biết 75 người bị thương trong đó có 14 trẻ em.

Ukraine đã cảnh báo rằng Moscow có thể đang trù tính một cuộc tấn công mới trong những tuần tới, bao gồm cả tấn công từ nước đồng minh thân cận Belarus, nước cho phép Nga sử dụng lãnh thổ làm bàn đạp tấn công Ukraine, nhưng cho đến nay vẫn không tham chiến trực tiếp.

Nga và Belarus đã bắt đầu các cuộc tập trận trên không chung hôm 14/1. Minsk cho biết các cuộc tập trận mang tính phòng thủ và họ sẽ không tham chiến.

“Chúng tôi đang tiếp tục giữ kiềm chế và kiên nhẫn để không đụng đến kho đạn pháo của mình,” ông Pavel Muraveyko, phó thư ký thứ nhất của Hội đồng An ninh Belarus, viết trên tài khoản Telegram của Bộ Quốc phòng Belarus hôm 15/1.

(Nguồn: VOA)

TÌM LỐI RA CHO KHỦNG HOẢNG UKRAINE

Ông Ibrahim Kalin, cố vấn kiêm người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nhận định, khủng hoảng tại Ukraine chỉ có thể được giải quyết khi Nga và phương Tây đạt thỏa thuận.

Theo hãng tin Tass, quan điểm của ông Kalin về cuộc xung đột ở Ukraine được đưa ra tại một buổi gặp gỡ các phóng viên nước ngoài. Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ này cho rằng, điểm mấu chốt trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine hiện nay là bức tranh địa chính trị rộng lớn hơn mà trong đó, Nga tìm kiếm một thỏa thuận mới với phương Tây, chủ yếu với Mỹ.

Do đó, ông Kalin cho rằng để chấm dứt xung đột tại Ukraine, sẽ cần có thỏa thuận quan trọng để giải quyết một số vấn đề địa chính trị giữa Nga và phương Tây. Nếu không, xung đột vẫn kéo dài.

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định, nước này giữ lập trường trung lập về vấn đề giữa Nga và Ukraine, đồng thời thúc đẩy hai bên tiến tới đối thoại nghiêm túc về giải pháp chấm dứt xung đột hiện nay.

Về phía Nga, trả lời hãng tin RT về những cách tiềm năng để nối lại cuộc đối thoại trên, Phó Đại diện Thường trực của Nga tại Liên hiệp quốc Dmitry Polyanskiy khẳng định, phương Tây cần thay đổi lập trường để có cuộc đàm phán thiện chí với Nga về các nguyên tắc an ninh tại châu Âu.

Tuy nhiên, ông Polyanskiy cho rằng, điều này sẽ mất một thời gian. Trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc Zhang Jun đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo điều kiện cho đối thoại và đàm phán giữa Nga và Ukraine, đồng thời tăng cường nỗ lực để mở ra triển vọng hòa bình mới trong năm 2023.

Trong một diễn biến có liên quan, Cơ quan phụ trách các vấn đề tù binh của Ukraine cho biết, nước này và Nga dự kiến tiến hành thêm một đợt trao đổi tù binh ngày 14-1 vừa qua, nhưng Moscow đã hủy bỏ kế hoạch này vào phút chót. Nga và Ukraine đã tiến hành nhiều đợt trao đổi với hàng trăm tù binh của mỗi bên được trao trả trong suốt cuộc xung đột, hiện đã bước sang tháng thứ 11.

(Nguồn: Soha)

CÁC KỊCH BẢN CHO NƯỚC NGA HIỆN NAY

(Ảnh minh hoạ).

Hãy đọc thêm bài viết sau đây đăng trên báo Dialog.ua, 15-01-2023.

“Các nhà phân tích cho rằng sự tan rã, sụp đổ của Nga chỉ là một lựa chọn trong ba kịch bản:

EU dự đoán ba kịch bản cho tương lai của Nga. Cuộc chiến ở Ukraine sẽ gây tổn hại cho Nga về mặt quân sự, kinh tế và địa chính trị, nhưng Moscow vẫn sẽ gây nguy hiểm cho châu Âu. Cho đến nay, các nhà phân tích đang xem xét ba kịch bản cho tương lai của Liên bang Nga, Deutsche Welle viết, trích dẫn các nhà phân tích từ Phòng nghiên cứu của Nghị viện Châu Âu.

Kịch bản đầu tiên được gọi là “chủ nghĩa toàn trị”, theo đó sự đàn áp, độc tài sẽ mạnh mẽ hơn và có thể tuyên bố thiết quân luật ở Nga. Các chuyên gia dự đoán sẽ có sự gia tăng trong việc khuyễn khích tăng dân số, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Việc thực hiện kịch bản này đã đang diễn ra ở Nga, nhưng trong tương lai, chế độ Nga có thể mang hình thức siêu độc đoán.

Kịch bản thứ hai giả định sự sụp đổ của chế độ Điện Kremlin trong bối cảnh thất bại quân sự sẽ làm xói mòn niềm tin của giới tinh hoa và người dân bình thường vào chính phủ hiện tại. Theo các nhà phân tích chính trị, chế độ có thể tránh được kịch bản như vậy nếu được lãnh đạo bởi một người có “khả năng thực hiện điều động lớn hơn” so với Tổng thống Nga hiện tại Vladimir Putin. Việc loại bỏ Putin khỏi quyền lực có thể được tổ chức bởi các cơ quan mật vụ hoặc do vấn đề sức khỏe của người đứng đầu Điện Kremlin.

Kịch bản thứ ba là sự sụp đổ của nước Nga. Các chuyên gia gọi sự phát triển của các sự kiện như vậy là khó xảy ra, nhưng rất nguy hiểm. Lựa chọn này có thể thành hiện thực nếu quyền lực ở Liên bang Nga bị các phong trào cánh hữu cực đoan nắm giữ với những luận điệu ủng hộ và tăng cường chiến tranh.

Đối với Ukraine, các nhà nghiên cứu thấy được tương lai của đất nước này sáng sủa hơn, bất chấp chiến tranh. Đất nước này đã nhận được tư cách là một ứng cử viên cho tư cách thành viên EU và con đường hội nhập châu Âu vẫn mở. Các chuyên gia nhấn mạnh, vẫn chưa rõ khi nào Ukraine có thể gia nhập EU, nhưng đây là một kịch bản cụ thể.

Nhớ lại rằng Bộ Ngoại giao Latvia đã kêu gọi chuẩn bị cho các kịch bản khác nhau về sự sụp đổ của Nga và tuyên bố rằng phương Tây không nên sợ hãi trước sự phát triển của các sự kiện như vậy. Trước đó, nhà khoa học chính trị Andrei Piontkovsky cho rằng Hoa Kỳ có “nỗi sợ nhảy vào cái chưa biết”, vì vậy Washington muốn sắp xếp một “sự sụp đổ có kiểm soát” của Liên bang Nga không phải bởi người Ukraine, mà bởi người Mỹ.

(Nguồn: Bauxite Việt Nam)

(Xem thêm:

=> Tâm điểm ở Davos; 'Chiến địa' ngành ôtô; Nghịch lý ở Iran; 'Vũ khí' tối thượng của Nga; Kiev thừa nhận mất Soledar ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang