Xe hàng ùn ùn sang TQ; Siêu thị mở buffet chay mùa; Tố cáo dự án Aloha Village lừa đảo; DN BĐS đóng cửa hàng loạt

Xe hàng ùn ùn sang Trung Quốc, tiền bán sầu riêng tăng vọt 573%

Xe chở sầu riêng ùn ùn lên cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến 573,1%, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm tới 84,5%.

Thông tin từ Bộ NN-PTNT, chỉ trong tháng 5/2023, xuất khẩu rau quả giúp nước ta thu về 600 triệu USD, tăng 53,3% so với tháng 4/2023 và tăng đột biến 137,7% so với tháng 5/2022.

Tính đến hết tháng 5/2023, giá trị xuất khẩu rau quả ước đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói, trong khi nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu sụt giảm sâu thì ngành hàng rau quả tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh, chỉ đứng sau gạo.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hầu hết chủng loại rau quả xuất khẩu đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt trong 4 tháng đầu năm 2023.

Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là chủng loại quả đạt 920,7 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu chính, chỉ có trái thanh long và chuối ghi nhận tăng trưởng âm trong 4 tháng năm 2023. Ngược lại, các trái cây chủ lực xuất khẩu khác đều ghi nhận tốc độ tăng hai con số. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sầu riêng đạt 190,5 triệu USD, tăng đột biến 573,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Sầu riêng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 84,3% tổng giá trị xuất khẩu loại quả này. Đáng chú ý, số lượng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng cao sau khi hai nước ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch.

Cuối tháng 5 vừa qua, lượng phương tiện chở hàng hóa lên khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tăng đột biến do sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang vào mùa vụ thu hoạch. Song, mặt hàng này chỉ được xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế, khiến ùn tùn tắc tái diễn.

Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã phải gửi công văn tới các địa phương, các doanh nghiệp và thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh này về tình hình ùn tắc hàng hoá chờ xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và có các khuyến nghị.

Trao đổi với PV. VietNamNet, chuyên gia ngành hàng rau quả nhận định, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong tháng 5 sẽ tăng mạnh hơn so tháng 4/2023 và cùng kỳ năm ngoái. Bởi, miền Tây mới bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng và Tây Nguyên cũng sắp rộ vụ. Sản lượng sầu ước đạt 650.000 tấn trong quý II và III/2023.

Đặc biệt, sầu riêng Việt vừa đón thêm tin vui khi phía Hải quan Trung Quốc duyệt thêm 47 mã số vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói đạt yêu cầu xuất khẩu. Theo đó, nước ta có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này.

"Các doanh nghiệp đã ký kết được đơn hàng lớn xuất khẩu sầu sang Trung Quốc. Có doanh nghiệp nhận được đơn xuất khẩu 1.500 container cho các đối tác phía Trung Quốc. Trong khi một số doanh nghiệp khác, trung bình một ngày họ có 2-3 container chở sàng xuất sang thị trường này", vị chuyên gia cho hay.

Ngoài sầu riêng chính ngạch, Việt Nam và Trung Quốc còn ký nghị định thư với chủng loại quả măng cụt, chuối và đang đàm phán để ký nghị định thư với Trung Quốc các loại quả như: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài.

Cùng đó, cơ quan chức năng Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc mở cửa thêm cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa.

Cục Xuất nhập khẩu cũng thông tin, các sản phẩm chế biến từ rau quả xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 356,4 triệu USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Đây là chủng loại có nhiều tiềm năng xuất khẩu do nhu cầu ăn uống của người dân trên thế giới đang tăng sử dụng trái cây, rau củ đã qua chế biến. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng khai thác phân khúc này, góp phần gia tăng trị giá xuất khẩu ngành hàng rau quả trong thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu lưu ý.

(Nguồn: Vietnamnet)

Siêu thị mở buffet chay mùa Phật Đản

Lần đầu tiên, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Finelife... tổ chức chương trình buffet chay với hàng chục món hấp dẫn, phục vụ cho khách hàng có nhu cầu ăn chay ngày rằm tháng tư. Bên cạnh đó, các siêu thị còn tăng lượng hàng chay, giảm giá các mặt hàng chay cho khách dễ mua sắm

Chương trình buffet chay chỉ diễn ra duy nhất ngày 2-6 (nhằm rằm tháng tư) với thực đơn gồm 30 món chay hấp dẫn bao gồm đầy đủ các món chính, salad rau củ, chè 3 miền, các loại ngũ cốc, canh và trái cây tráng miệng, giá vé chỉ 49.000 đồng/người, trẻ em tùy theo độ tuổi được miễn phí hoặc tối đa 25.000 đồng/vé.

Hàng chay tăng gấp 2-3 lần ngày thường

Đặc biệt, hệ thống siêu thị cao cấp Finelife tại TP HCM cũng tham gia đại tiệc buffet chay với menu hoàn toàn sử dụng rau củ quả hữu cơ, mang đến những trải nghiệm thú vị cho khách hàng.

Người dân TP HCM thường chọn ăn chay vào các ngày rằm, mùng 1, dịp lễ Phật Đản, Vu Lan… Có rất nhiều trường phái ăn chay. Ngoài ra, ăn chay đã trở thành một xu hướng ẩm thực phổ biến đối với người Việt nhằm thanh lọc cơ thể.

Có sinh nhật ngay ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 nhưng chị Hà Kiều, nhân viên kế toán một công ty xây dựng có văn phòng tại phường Linh Trung (TP Thủ Đức), quyết định để đến trưa 2-6 dẫn cả phòng ăn buffet chay. "Ngày 1 và 2-6 rơi vào 14, 15-4 âm lịch. Trong phòng nhiều người ăn chay nên rủ nhau trưa 2-6 vào Co.opXtra Linh Trung Mall ăn buffet chay, xong sẽ "lượn" 1 vòng shopping trong siêu thị. Công ty ở gần đại siêu thị này nên thỉnh thoảng tụi mình vào siêu thị ăn trưa, ăn chiều" - chị Hà Kiều cho biết. Chị tiết lộ, phòng kế toán của chị toàn những chị em "hai giỏi", đa số nấu ăn rất ngon nhưng "chấm" thức ăn của Co.opXtra Linh Trung vì khu bếp sạch sẽ, thức ăn vừa miệng, tươi ngon, giá rất bình dân.

Để phục vụ lượng khách ăn chay tăng mạnh trong 2 ngày 1 và 2-6, siêu thị này đã tăng lượng thực phẩm chay lên gấp 2-3 lần so với ngày thường. Tương tự, tại các siêu thị khác thuộc hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Finelife… ở TP HCM cũng như trên toàn quốc, lượng hàng chay cũng được chuẩn bị tăng gấp 2 lần, với những điểm bán trong bán kính phục vụ có các cơ sở tôn giáo thì tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường. Các mặt hàng chay năm nay chất lượng, đa dạng, phong phú về chủng loại như mì rau cải, mì gấc, chao đậu/môn, chả cá chay, bò lát chay, há cảo chay… với sự tham gia của các thương hiệu Việt uy tín như Cholimex, Cầu Tre, Phạm Gia, Miliket, Minh Hảo, Co.op Select.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho hay các mặt hàng thực phẩm chay bày bán tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra luôn được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Bảo đảm giá tốt

Không dừng lại ở đó, những mặt hàng dự báo sẽ tiêu thụ mạnh mùa chay cũng được Saigon Co.op sớm tính toán khuyến mãi giảm giá để có mức giá tốt nhất cho khách hàng.

Cụ thể, chương trình "Thực đơn chay cho cả nhà" áp dụng từ nay đến 7-6 giảm giá tốt cho các sản phẩm chay gồm mì Samyang Ramen rau cải 115 g còn 22.000 đồng/gói, mì Milliket chay thùng 30 gói x 70g còn 109.000 đồng/thùng, mì Soon Veggie Ramyun 112g còn 17.200 đồng/gói, mì gấc New Way 280g còn 20.000 đồng/gói, bún/phở gạo lứt Minh Hảo 250g còn 12.200 đồng/gói, nước mắm chay ăn liền Cholimex chai thủy tinh 290g còn 21.400 đồng/chai, nước mắm chay thủy tinh Cholimex chai thủy tinh 245ml còn 16.700 đồng/chai, nước tương Nam Dương thượng hạng pet 210ml còn 13.500 đồng/chai, dầu hào nấm hương Maggi 350g còn 23.200 đồng/chai, chao đậu/môn Mikiri hũ 380g còn 28.200 đồng/hũ, chả cá chay Phạm Gia Phát 500g còn 52.600 đồng/gói, bò lát chay/gà viên chay 150g còn 48.500 đồng/gói, há cảo chay Cầu Tre 500g còn 44.600 đồng/gói...

Các sản phẩm chay hàng nhãn riêng Co.op Select cũng có giá giảm sâu gồm dứa MD2 Co.op Select còn 33.900 đồng/kg, xà lách Crispi/mỡ Co.op Select còn 64.900 đồng/kg, dưa leo gống Nhật Co.op Select còn 34.900 đồng/kg, khoai tây vàng Co.op Select còn 33.500 đồng/kg, khoai lang Co.op select túi 33.500 đồng/kg, nấm mối trắng Co.op Finest 200g còn 41.900 đồng/hộp, đậu hũ trắng Co.op Select 300g còn 10.800 đồng/hộp, nước mắm chay Co.op Select pet 300ml còn 16.500 đồng/chai, gạo lứt đỏ/tím than Co.op Finest kg còn 39.500 đồng/hộp, hạt nêm Co.op Select nấm rong biển 450g còn 30.500 đồng/gói, rau hỗn hợp Co.op Select 500g còn 33.900 đồng/gói, chả giò khoai mỡ Co.op Select 450g còn 30.900 đồng/gói, sủi cảo chay Co.op Select 530g còn 56.500 đồng/gói…

Ngoài ra, các sản phẩm rau củ quả tươi sống có mức giảm từ 15% - 25% gồm hạt sen tươi, mướp hương, bắp cải trắng, khoai tây Đà Lạt, táo Fuji Nam Phi/Mỹ, cam Mỹ/cam Ai Cập, chôm chôm giống Thái, dừa xiêm trái. Các sản phẩm bò lát chay, gà viên chay, cốt lết chay/sườn non chay, bò nướng chay giảm 25%...

(Nguồn: Người Lao Động)

Vụ khách hàng tố dự án Aloha Village lừa đảo: Cơ quan công an đã vào cuộc

Ngày 3.6, những người dân mua nhà của dự án Aloha Beach Village (Bình Thuận) tiếp tục cung cấp những chứng cứ mà theo họ chủ đầu tư của dự án không bàn giao nhà, có dấu hiệu lợi dụng tín nhiệm, lừa đảo. Hiện công an đã vào cuộc xác minh.

Ngày 3.6, ông Phan Đình Mãi, trú P.Tân Thuận Tây, Q.7 (TP.HCM) thay mặt nhóm khách hàng mua nhà của dự án Aloha Beach Village (xã Thuận Quý, H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng của Bình Thuận tố cáo chủ đầu tư của dự án này lợi dụng tín nhiệm, lừa đảo người mua nhà.

Ông Phan Đình Mãi cho biết, đại diện Công an tỉnh Bình Thuận (Phòng PC03) đã mời một số người mua nhà đến trụ sở để lấy lời khai 2 lần. "Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Thuận cũng đã có văn bản trả lời các hộ dân và đề nghị chúng tôi khởi kiện ra tòa để đòi nhà, tiền", ông Mãi nói.

Theo trình bày của ông Phan Đình Mãi, mặc dù dự án Aloha Beach Village chưa hoàn thiện về xây dựng, chưa đầy đủ pháp lý nhưng chủ đầu tư là ông Từ Văn Phước đã yêu cầu khách mua nhà phải ký vào "biên bản bàn giao nhà".

Tiếp theo, các khách hàng tiếp tục ký vào bản hợp đồng "cho thuê căn hộ" giữa một bên là khách hàng mua nhà, một bên là chủ dự án, cũng là bên thuê lại nhà với lợi nhuận phân chia: người cho thuê 75%, người thuê hưởng 25%.

"Ngay sau đó, phía chủ đầu tư làm giấy tờ yêu cầu chúng tôi đóng 2% quỹ bảo trì nhà, cho dù chúng tôi chưa biết căn nhà 'mặt mũi' như thế nào. Trong khi chúng tôi đã đóng tiền đủ 95% giá trị căn nhà đã mua cho chủ đầu tư từ năm 2017", ông Mãi nói.

Theo ông Mãi, nhóm của ông có khoảng 54 người, đều trú ở TP.HCM, nhiều người quen biết chủ đầu tư (ông Từ Văn Phước) nên tin tưởng, vay ngân hàng để mua nhà. Người ít nhất đã giao cho chủ đầu tư 1 tỉ đồng, người nhiều thì gần 2 tỉ đồng nhưng từ năm 2017 đến nay không được giao nhà, trong khi trả lãi ngân hàng suốt 5 năm qua.

Ông Mãi cho biết, dự án này có khoảng 370 căn nhà (căn hộ) và đã bán khoảng 156 căn, như vậy chỉ tính bình quân 1 tỉ đồng/căn thì chủ đầu tư đã thu của người mua hàng trăm tỉ đồng trong suốt 5 năm qua nhưng vẫn chưa giao nhà cho khách hàng.

Tại phiếu tiếp công dân ngày 31.5.2023 của Ban Tiếp công dân (thuộc UBND tỉnh Bình Thuận), cán bộ tiếp công dân của UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, UBND tỉnh này thời gian qua đã nhận các đơn thư phản ánh liên quan đến dự án Aloha Beach Village (chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Việt Úc).

Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có hướng dẫn các công dân này có đơn khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Đồng thời, theo phiếu tiếp công dân, hiện nay UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có văn bản chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát, xử lý theo trách nhiệm của mình.

Trả lời PV Thanh Niên, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng bài "Khách hàng từ TP.HCM ra Bình Thuận treo băng rôn đòi nhà", Thường trực Tỉnh ủy đã có chỉ đạo khẩn yêu cầu báo cáo vụ việc.

Hiện nay, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở TN- MT Bình Thuận chuẩn bị báo cáo UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 5.6 về vụ việc báo nêu.

(Nguồn: Thanh Niên)

Doanh nghiệp BĐS đóng cửa hàng loạt

Nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) tại TPHCM, Bình Dương dừng triển khai các dự án mới, không ít DN phải đóng cửa hoặc giảm đến 70% lao động…, vì rơi vào cảnh “nợ chồng nợ”.

Từ tháng 5, khi không còn khả năng gồng gánh, Công ty H.P có trụ sở chính và 2 chi nhánh đặt tại Bình Dương, 1 chi nhánh tại TPHCM phải thông báo đến toàn thể nhân viên việc dừng hoạt động do cạn tiền. Một lãnh đạo công ty cho biết, gần hai năm qua, có tháng không bán được sản phẩm nào. Nợ ngân hàng phải trả, bán không hết hàng thì mất tiền cọc cho phía chủ đầu tư và hằng tháng phải chi tiền tỷ trả lương, thuê mặt bằng…

Công ty Đầu tư và Phát triển bất động sản An Thành (trụ sở đặt tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) nhận một dự án khu dân cư tại thị xã Bến Cát, “chạy” thị trường hơn 5 tháng nhưng chỉ bán được 3 căn nhà liền kề, lợi nhuận không đủ trả lương và chi phí vận hành. “Mỗi tháng DN phải bỏ ra gần 2 tỷ đồng để hoạt động song gần 200 nhân viên không có việc để làm. Lỗ chồng lỗ kéo dài khiến DN kiệt quệ, trong khi các khoản hoa hồng (chi phí môi giới) của năm trước đến hạn thu tiền về lại bị chủ đầu tư khất nợ vì cũng đang gặp khó khăn. Công ty kiệt sức nên phải đóng cửa” - ông Thái Văn Thành, Giám đốc công ty, nói. Ông chấp nhận tiếp tục gắn bó với BĐS trong vai trò mới là người môi giới (cò đất).

Nhiều sàn giao dịch BĐS ở TPHCM đã ngưng hoạt động và giải thể, như: Vieland, Goland, Kim Cúc Land, Hoàng Anh, DPV, Wonderland, Hiệp Long, Milestone Land…

Ông Lương Duy Sinh, Công ty GIBC cho biết, với tình hình khó khăn hiện nay, việc hàng loạt công ty BĐS giải thể là điều bình thường bởi các DN lớn gặp khó khăn về dòng tiền, còn các DN nhỏ khó khăn về sản phẩm để bán. Để tháo gỡ khó khăn, cần tập trung giải quyết cơ sở pháp lý và dòng vốn. Về pháp lý, các vướng mắc chủ yếu là xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất theo thị trường… Trong khi đó, lãi suất cho vay hiện nay tuy có giảm nhưng DN vẫn gặp khó khi tiếp cận.

Về pháp lý, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nhận định, ngoài nguyên nhân là vướng mắc từ luật và các văn bản dưới luật, còn vướng do việc thực thi pháp luật của các địa phương. Ông Châu dẫn chứng, năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 148 giao thẩm quyền cho UBND các tỉnh, thành giải quyết vấn đề đất công xen cài dự án. Hiện nay gần 50% tỉnh, thành chưa ban hành quy định chi tiết.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2023, cả nước chỉ có 550 DN kinh doanh BĐS thành lập mới, giảm 62,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, 235 DN BĐS giải thể, tăng gần 20%.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang