Xe ben ‘lùa’ người dừng đèn đỏ; Nhà bốc cháy, 2 vợ chồng già mắc két; Kinh hoàng tòa nhà đổ sập; Nữ danh ca dám tát Hoài Linh là ai?

XE BEN “LÙA” NGƯỜI DỪNG ĐÈN ĐỎ, TÀI XẾ BỊ TẠM GIỮ

Chiếc xe ben lao tới tông vào 4 phương tiện đang dừng chờ đèn đỏ khiến 2 người thương vong. Nam tài xế 47 tuổi bị tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Tối 4/11, đại diện Công an TP Tân Uyên ( Bình Dương ) cho biết đã tạm giữ hình sự tài xế Lê Minh Trung (47 tuổi, ngụ Bình Dương) để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Theo thông tin từ cơ quan công an, trưa cùng ngày, Trung điều khiển xe ben biển số tỉnh Bình Dương chở đất lưu thông trên đường ĐT.746 (Huỳnh Văn Nghệ) theo hướng từ cầu Tân Lợi (huyện Bắc Tân Uyên) về TP Tân Uyên.

Khi đến ngã tư Thành Đội giao nhau với đường Tố Hữu (thuộc địa bàn khu phố 6, phường Uyên Hưng, TP Tân Uyên) thì xảy ra va chạm với 4 phương tiện khác đang dừng chờ đèn đỏ phía trước gồm 2 xe tải, 1 ô tô 5 chỗ và 1 xe máy.

Vụ tai nạn đã làm anh T.H.A. (21 tuổi, quê Đồng Nai) lái xe máy tử vong . Tài xế Trung cũng bị thương. Toàn bộ diễn biến sự việc được camera an ninh khu vực hiện trường ghi lại.

Đại diện Công an TP Tân Uyên cho biết, kết quả kiểm tra nồng độ cồn và ma tuý với những người liên quan không phát hiện vi phạm.

Quá trình điều tra bước đầu, công an xác định tài xế xe ben không giữ khoảng cách an toàn với các xe liền trước. Tài xế xe ben khai nhận, thời điểm xảy ra tai nạn, hệ thống phanh của xe ben không hoạt động dẫn đến mất kiểm soát phương tiện và gây tai nạn.

 

 

2 VỢ CHỒNG GIÀ HOẢNG LOẠN KHI MẮC KẸT TRONG CĂN NHÀ BỐC CHÁY

Ông Nguyễn Ngọc Hữu kể: "Lúc ấy, lửa khói bốc lên ngùn ngụt từ tầng 1 khiến tôi và vợ hoảng loạn, chỉ cầu mong sao lực lượng công an sớm tới cứu giúp...".

Nhớ lại vụ hỏa hoạn ở nhà mình vào 2h30 cùng ngày, ông Nguyễn Ngọc Hữu (SN 1948, phố Trần Kim Xuyến, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy) và vợ vẫn chưa hết bàng hoàng.

"Tôi đang ngủ say trên tầng 4 thì giật mình tỉnh giấc bởi tiếng nổ lớn và khói độc bốc lên từ tầng 1", ông Hữu kể lại khoảnh khắc kinh hoàng khi ngôi nhà của mình bất ngờ bốc cháy.

Trong cơn hoảng loạn, ông Hữu vừa gọi điện báo lực lượng chức năng, vừa hô hoán vợ chạy lên tầng thượng để cầu cứu. "Lửa mỗi lúc một lớn, kèm theo tiếng nổ và khói mù mịt bốc lên. Hai vợ chồng tôi chỉ biết cầu mong lực lượng công an đến cứu giúp. Chúng tôi đều đã lớn tuổi, không biết phải làm sao", ông Hữu chia sẻ.

Rất may, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an Thành phố Hà Nội đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, triển khai dập lửa và cứu người bị nạn.

"Chúng tôi sống rồi! Cảm ơn các anh cảnh sát PCCC!", ông Hữu và vợ xúc động bày tỏ lòng biết ơn với những người lính cứu hỏa.

Thời gian cứu người được tính bằng giây

Theo Thượng tá Đỗ Ngọc Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH quận Cầu Giấy, tình huống lúc bấy giờ rất khẩn cấp, thời gian cứu người chỉ được tính bằng giây. Ông cho biết: “Nếu không kịp thời đưa ra phương án ứng cứu, nạn nhân có thể gặp nguy hiểm khi hết oxy hoặc khi đám cháy bùng phát mạnh.”

Sau khi dập tắt đám cháy, lực lượng cứu nạn đã di chuyển theo lối cầu thang bộ lên các tầng nhà, tiếp cận người bị nạn, thuyết phục họ lấy lại bình tĩnh và nhanh chóng đưa ra ngoài an toàn.

Trung tá Nguyễn Minh Đức, Phó Đội trưởng Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Khu vực 2, cho biết: “Sự tàn phá của lửa trong các đám cháy diễn biến rất nhanh và khó lường. Điều duy nhất chúng tôi nghĩ đến là làm sao cứu được tính mạng và bảo vệ tài sản của người dân một cách an toàn và hiệu quả nhất.”

Trước đó, vào rạng sáng 4/11, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) quận Cầu Giấy đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội để giải cứu hai người mắc kẹt trong đám cháy xảy ra tại ngõ 20, phố Trần Kim Xuyến.

Đám cháy bùng phát tại tầng 1 của ngôi nhà 5 tầng kiên cố, nơi có hai người mắc kẹt bên trong. Lực lượng chức năng nhanh chóng triển khai dập lửa và tìm kiếm cứu nạn, đưa hai nạn nhân ra ngoài an toàn. Đám cháy sau đó đã được khống chế kịp thời.

 

 

KINH HOÀNG TÒA NHÀ 2 TẦNG BẤT NGỜ ĐỔ SẬP

Theo nhân chứng, trước khi đổ sập, căn nhà 2 tầng đã xuất hiện rung lắc, vênh nền kèm vết nứt toác do người hàng xóm đào móng ở nhà liền kề.

18h40 ngày 4/11, căn nhà 2 tầng tại số 62, đường Quang Trung, thị xã Sơn Tây, Hà Nội đổ sập. Gia chủ và người dân có mặt ở bên kia đường bất lực, tiếc nuối, đứng nhìn từng mảng bê tông sụp xuống, phát ra âm thanh rào rào. Trong vòng ít giây, mọi thứ trở thành đống đổ nát.

Đã có dấu hiệu báo trước

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, con trai chủ nhà (xin giấu tên) cho biết, vụ sập nhà xảy ra do ảnh hưởng của việc đào móng sâu tại nhà liền kề - số 60 đường Quang Trung.

Căn nhà bị sập có 2 tầng, diện tích mỗi sàn hơn 50m2, trong đó tầng một là  tiệm làm tóc, tầng hai là nơi ở của vợ chồng con trai chủ nhà cùng 2 người con.

Trong khi hàng xóm đào móng, căn nhà đã có dấu hiệu rung lắc, xuất hiện nhiều vết nứt.

Chiều 4/11, khi nhìn thấy các vết nứt toác ngày càng lớn và không đóng được cửa do nền nhà bị vênh, chủ nhà đã kêu gọi nhân viên, khách và mọi người sơ tán ra bên ngoài. Với các dấu hiệu cảnh báo từ trước, việc sập nhà xảy ra hoàn toàn không quá bất ngờ.

"Sau tiếng rung lắc, tầng 2 bị nghiêng sang một bên rồi toàn bộ các bức tường sập xuống chỉ trong ít giây. Phần mái tầng một bị giật sập, biển hiệu tan tành... Chỉ trong tích tắc, căn nhà kiên cố ngổn ngang bụi và bê tông.

Toàn bộ đồ đạc của tiệm tóc hư hỏng hoàn toàn. Nhìn tài sản đổ sập ai cũng xót xa, chúng tôi chỉ biết động viên của đi thay người. May mắn, chúng tôi kịp sơ tán nên không có thiệt hại về người, nếu không thì không biết điều gì sẽ xảy ra", con trai chủ nhà cho biết.

Hiện, vợ chồng con trai chủ nhà cùng hai con chuyển đi nơi khác sống tạm, chờ phương án giải quyết để sớm gây dựng lại cuộc sống.

"Cửa tiệm của tôi mới sửa sang lại hồi đầu năm nay, sự việc xảy ra cũng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và việc kinh doanh. Tôi chưa ước tính con số thiệt hại, dù sao sự việc cũng đã xảy ra rồi", người đàn ông này cho biết.

Chuyên gia nhận định mối nguy từ đào móng nhà

Trao đổi với phóng viên Dân trí, một chuyên gia đồng thời là chủ một đơn vị chuyên thi công xây dựng ở Hà Nội nhận định, nguyên nhân chính khiến ngôi nhà 2 tầng đổ sập là do nhà bên cạnh thi công, đào móng sâu hơn móng của ngôi nhà 2 tầng. Đất đỡ chân cột của nhà 2 tầng bị chảy ra, gây lún móng và phá hoại kết cấu căn nhà.

Chuyên gia này không đồng tình với ý kiến cho rằng, ngôi nhà 2 tầng đổ sập là do kết cấu yếu.

"Công trình này có thể đã tồn tại nhiều năm và vận hành sử dụng từ trước đó. Chỉ có một khả năng khiến ngôi nhà này tự sập đó là khi gia chủ cải tạo nhà, tải thêm phía trên. Tuy nhiên, hình ảnh thực tế cho thấy, công trình hiện không có hoạt động sửa chữa nào diễn ra", vị chuyên gia nói.

Cũng theo chuyên gia này, trên thực tế không hiếm những vụ nhà hàng xóm lún nứt, đổ sập khi có công trình xây chen bên cạnh. Đặc biệt, hầu hết những ngôi nhà làm tầng hầm trong phố, khi xây chen đều ảnh hưởng đến nhà bên cạnh.

Vì thế, khi xây dựng công trình xen kẽ trong các khu đô thị, khu phố, chủ nhà nên thuê những đơn vị có chuyên môn đánh giá rủi ro có thể xảy ra trước khi thi công và phương án phòng tránh, khắc phục.

"Theo quy định của Luật Xây dựng, chủ hộ trước khi khởi công xây dựng buộc phải hoàn thành biên bản xác nhận hiện trạng hộ liền kề, đánh giá kết cấu của nhà hàng xóm. Sau quá trình đánh giá, chủ hộ và đơn vị thi công phải có biện pháp làm giảm tối đa ảnh hưởng đến nhà hàng xóm. Chẳng hạn, nếu đào móng sâu hơn thì phải ép cừ để đất nhà bên cạnh không trôi sang, giữ chân móng của nhà bên cạnh, đào đến đâu cần gia cố móng và tường của nhà bên cạnh để tránh việc đổ…", vị này nói.

Tất cả quá trình nêu trên cần được thực hiện bởi đội ngũ có chuyên môn, kinh nghiệm. Tuy nhiên, chi phí để thuê các đơn vị đánh giá không rẻ, ít nhất khoảng 70 triệu đồng-80 triệu đồng/công trình nhà ở. Nhiều gia đình cảm thấy công tác đánh giá này không quá quan trọng, thường không muốn chi tiền.

Chuyên gia thi công này cũng chia sẻ, nhiều gia đình vì tiếc khoản thuê đơn vị đánh giá mấy chục triệu nhưng sau đó lại phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng thậm chí 1-2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả khi nhà hàng xóm bị lún nứt, đổ sập.

Liên quan đến nội dung này, kiến trúc sư Đặng Duy Khánh cho hay, thiết kế xây chen là thiết kế khó, phức tạp, đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức chuyên môn, hiểu được các nguyên lý trong xây dựng, đánh giá được tác động của công trình mới tới công trình lân cận để có giải pháp khắc phục, không làm ảnh hưởng đến công trình lân cận.

"Có những công trình khi xây dựng không chỉ ảnh hưởng tới 2-3 nhà bên cạnh hay đằng sau, có thể ảnh hưởng tới hàng chục hộ khác (những nhà trong những phố đông đúc, dân cư sinh sống san sát)… Vì vậy, nếu chỉ dựa vào những kinh nghiệm xây dựng thông thường sẽ khó đánh giá được rủi ro", kiến trúc sư Đặng Duy Khánh nói.

 

 

NỮ DANH CA DÁM TÁT HOÀI LINH LÀ AI?

Danh ca này được xem là giọng hát số 1 của dòng nhạc dân ca Nam Bộ.

Mới đây, tại một livestream, danh ca Hương Lan đã tiết lộ câu chuyện cô từng tát nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh.

Cô nói: “Có lần tôi đang ngồi thì một người quen gọi điện cho tôi, bảo rằng: Mẹ phải tới nhà xử thằng Bốn đi, nó gặp chuyện nên đang uống rượu bê bết kìa.

Tôi tới nhà, Hoài Linh vừa thấy tôi liền bảo: Em muốn chết chị hai ơi, em buồn lắm. Tôi lập tức tát vào mặt Hoài Linh vào bảo: Mày sảng hả Bốn? Mày tỉnh chưa Bốn.

Hoài Linh hét lên: Sao chị hai đánh em? Tôi bảo: Tao đánh cho mày tỉnh lại. Chị hai đánh cho em tỉnh lại. Em là Hoài Linh, em có biết không? Lúc này, Hoài Linh mới bình tĩnh lại và nói: Em biết rồi.

Tôi thương Hoài Linh vô cùng và phải có tình thương lớn thế nào thì tôi mới làm vậy để giữ tinh thần Hoài Linh trở lại, không làm chuyện dại dột”.

Nhiều khán giả thắc mắc danh ca Hương Lan là ai mà có tầm ảnh hưởng đến Hoài Linh đến thế.

Nữ danh ca số 1 của dòng nhạc dân ca Nam Bộ

Danh ca Hương Lan sinh năm 1956 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cô là con gái của nghệ sĩ cải lương Hữu Phước nên từ nhỏ đã được dạy hát và tiếp xúc với âm nhạc. Hương Lan bước lên sân khấu từ rất sớm, được báo giới ngày đó gọi là "thần đồng".

Sau này, Hương Lan nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình quê hương, dân ca và Bolero. Cô sở hữu tiếng hát đẹp lộng lẫy và mùi mẫn cảm xúc, cùng kỹ thuật hát dân ca điêu luyện ít ai sánh kịp, được xem là đàn chị, người thầy của nhiều thế hệ ca sĩ.

Dù nổi tiếng muộn hơn và thuộc thế hệ đàn em nhưng Hương Lan xứng đáng được xếp ở vị trí danh ca, cùng các bậc tiền bối như Thanh Thúy, Hà Thanh, Thanh Tuyền, Phương Dung, Hoàng Oanh.

Điều nổi bật ở Hương Lan là dù không được học hành trường lớp bài bản nhưng lại nổi tiếng có kỹ thuật cực kỳ điêu luyện, đứng nhất nhì trong các nữ ca sĩ hát nhạc trữ tình quê hương miền Nam.

Đa số ca sĩ chỉ phát triển quãng trầm, trung, hoặc cao tương ứng với loại giọng của họ. Nhưng ở Hương Lan, trình độ điều khiển giọng hát đã đến bậc thượng thừa. Cô có thể hát đẹp ở cả ba quãng trung, trầm, cao với sự nhất quán về âm sắc và support, cũng như độ tự nhiên, không chút khác biệt.

Dù là light lirico soprano (nữ cao trữ tình sáng mảnh) nhưng quãng trầm của Hương Lan rất tốt. Cô có thể xuống tới C3, support F3 đầy sức nặng và vô cùng rõ ràng.

Hương Lan hát trầm tròn vành và chắc nịch nhưng quãng cao cũng vô cùng đẹp. Chẳng hạn, trong màn song ca Đố ai nếu Ý Lan hơi mất kiểm soát ở C5 thì Hương Lan lại bình tĩnh đưa note nhạc đó lên một cách nhẹ nhàng nhất có thể.

Hương Lan chuyển giọng cũng rất tốt, không lộ liễu và rất ngọt. Thế nên, khi cô chuyển từ giọng thật sang giọng giả thanh, khán giả vẫn cảm thấy có sự liên kết liền mạch, mịn màng.

Chẳng hạn, trong màn song ca Đố ai, Hương Lan ngân lên chữ "đố" và chuyển từ giọng thật qua giả thanh một cách ngọt ngào như dòng suối, kèm ngân rung tự nhiên vô cùng đẹp, như đưa người nghe vào một giấc mơ.

Không những vậy, và làn hơi bất tận của cô còn kéo dài từ chữ "đố" đến hết câu hát tiếp theo.

Có thể thấy, chỉ với một câu hát, Hương Lan đã thực hiện được những kỹ thuật chuẩn mực nhất của thanh nhạc cổ điển, từ vị trí âm thanh chuẩn xác, làn hơi vững chắc tới khả năng chuyển quãng linh hoạt và vibrato (ngân rung) vô cùng tự nhiên.

Là một cây đại thụ của dòng nhạc Bolero nên kĩ thuật luyến láy của Hương Lan thực sự đạt tới mức thượng thừa, ít ai sánh kịp. Một trong những kĩ thuật đỉnh cao cô từng thực hiện là mezzo trillo.

Trillo (rung láy) là hát láy đi láy lại 2 note liên tiếp với tốc độ cao. Trillo đôi khi được kết hợp với một note cao ngân dài ngân dài sử dụng vibrato. Đây là kĩ thuật khó của dòng Opera Bel Canto Ý, rất hiếm khi được sử dụng trong nhạc đại chúng. Ngay cả trên thế giới, cũng rất ít diva thực hiện được trillo.

Tuy nhiên, Hương Lan vẫn dư sức sử dụng mezzo-trillo (rung láy ngắn) một cách nhẹ nhàng.

Có thể thấy, dù không qua trường lớp bài bản nhưng kĩ thuật hát của Hương Lan rất tốt và thực hiện được cả những trang trí màu sắc, hoa mỹ. Nhưng vì yêu cầu của Bolero là sự mộc mạc, chân thành, nên khán giả ít thấy cô vắt vẻo những kĩ thuật phức tạp vào bài hát.

Hương Lan hát Bolero với tâm hồn của người con vọng cổ, cải lương, nên tạo ra một chất nhạc rất riêng, thấm đẫm màu sắc dân gian, dân ca. Với người nghe Bolero hiện đại, cách hát này có vẻ hơi cũ, nhưng lại là cách hát thuần Việt nhất.

Nói cách khác, Hương Lan đã biến Bolero từ dòng nhạc ngoại lai thành âm hưởng trọn vẹn của dân tộc.

Người thầy, thần tượng của nhiều thế hệ ca sĩ

Hương Lan sở hữu kỹ thuật hát điêu luyện cùng một lối sống chuẩn mực, lại luôn giúp đỡ, chỉ dẫn các đàn em khi mới vào nghề. Vì vậy, cô được nhiều ca sĩ kính trọng học hỏi. Có nhiều ca sĩ còn gọi Hương Lan là "mẹ" để thể hiện tình cảm ngưỡng mộ, trân quý của họ.

Ca sĩ Leon Vũ từng tâm sự rằng, chính Hương Lan là người dạy anh hát tiếng Việt cho hay và tròn vành, rõ chữ.

Hương Lan cũng chính là người hướng dẫn Quang Lê cách hát Bolero cho đúng, có hồn để chiếm được tình cảm khán giả. Anh từng chia sẻ trên Youtube cá nhân:

"Tôi may mắn được nhờ mẹ Hương Lan dạy hát cho nên mới được như ngày hôm nay. Nói thật, trường phái của tôi và mẹ Hương Lan khác nhiều người lắm.

Nhiều người nghe tôi và mẹ Hương Lan hát không quen, muốn phải ngân nga tràn giang đại hải thì mới chịu nhưng hai mẹ con tôi không hát như thế.

Kể cả bài hit Sương trắng miền quê ngoại. Hồi xưa tôi vừa vào câu đầu đã luyến, mẹ Hương Lan còn bảo nghe sợ quá nhưng giờ ai nghe tôi hát sẽ thấy không còn luyến nhiều như thế nữa”.

Như vậy, có thể thấy rằng, Hương Lan tuy đi sau nhiều danh ca lớn nhưng lại có được lối hát Bolero hoàn toàn riêng, kỹ thuật nhưng vẫn giữ được sự mộc mạc, chân phương, phát huy cảm xúc, âm sắc tự nhiên và biết tiết chế, xử lý tinh tế. Cách hát này được Quang Lê kế thừa một cách thành công.

Được khán giả ngưỡng mộ tặng vàng

Hương Lan được xem là nữ danh ca số 1 trong dòng nhạc dân ca Nam Bộ, đến nay chưa một ai vượt qua được. Cô còn hát được cả cải lương rất hay, đúng chất con nhà nòi.

Vì thế, Hương Lan không chỉ được các đàn em trong nghề ngưỡng mộ, tôn trọng mà còn được nhiều khán giả yêu quý.

Cô từng tâm sự: “Tôi có những người khán giả yêu thương, cưng tôi lắm. Có những người cho tôi nhà, đất. Với người ta có thể là nhỏ nhưng với tôi, điều đó rất lớn. Tôi chỉ xin nhận tình cảm của những người đã yêu thương tôi, ủng hộ tôi trong sự nghiệp. Tình thương quý vị dành cho tôi là những gì quý nhất với tôi”.

Có một fan hâm một vừa gặp Hương Lan đã nói: "Chị ơi, em thương cái cằm của chị quá nên bây giờ em phải đi gặp bác sĩ để bảo người ta sửa cằm em giống cằm chị".

Một lần nọ, Hương Lan đang hát ở Mỹ thì có một khán giả dúi vào tay cô một sợi dây chuyền vàng 24K. Một lần khác, Hương Lan đi hát ở miền Tây cũng có một khán giả làm như vậy. Điều đó cho thấy, khán giả ở khắp nơi, từ trong nước ra hải ngoại đều yêu mến Hương Lan.

 

Nguồn: Kenh14; Vietnamnet; Dân Trí; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang