Vụ KATINAT bị ‘phốt’; Xuất khẩu tôm cá tăng mạnh; Ngành lúa gạo đánh mất 5 tỷ USD/năm; Khối tài sản của Trương Mỹ Lan bị ‘dòm ngó’

CHUYÊN GIA NÓI GÌ VỀ VỤ VỤ KATINAT BỊ "PHỐT"

Bàn về KATINAT, theo vị chuyên gia, nếu sự việc trên bắt nguồn từ cách làm content "bẩn", sự việc đã bị đẩy đi quá đà, trở thành trò lố trong mắt khách hàng.

Như Dân Việt đã đăng tải bài viết "Đu trend “giảm an tây" của người nổi tiếng, KATINAT bị chỉ trích nặng", thông tin về sự việc gây dậy sóng dư luận khi xuất hiện ly nước của thương hiệu KATINAT có nội dung bôi nhọ người khác, thiếu tôn trọng khách hàng. Dù ngay sau đó, Công ty CP Café KATINAT có thông cáo cho rằng xác nhận có sự việc và nguyên nhân bắt nguồn từ trò đùa của một cá nhân, đã được công ty xử lý nhưng thương hiệu này vẫn nhận về nhiều sự chỉ trích.

Người đứng sau thương hiệu KATINAT là ai?

Công ty CP Café KATINAT thành lập tháng 11/2020, địa chỉ tại phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm thành lập, Công ty đăng ký 38 tỷ đồng vốn điều lệ với 3 cổ đông sáng lập gồm bà Trương Nguyễn Thiên Kim, sở hữu 84,2% vốn; các cổ đông Lê Ngọc Khánh và Đinh Việt Hà cùng sở hữu 7.89%. Bên cạnh đó, ông Đinh Việt Hà cũng là người đại diện pháp luật doanh nghiệp với chức danh Chủ tịch HĐQT.

Theo tìm hiểu, bà Trương Nguyễn Thiên Kim là doanh nhân nổi bật trong lĩnh vực tài chính và dịch vụ ăn uống. Hiện, bà giữ nhiều vị trí quan trọng tài một số doanh nghiệp. Ví dụ như vai trò thành viên HĐQT của Công ty CP sữa Quốc tế (IDP); Thành viên HĐQT độc lập của Công ty CP thương mại dịch vụ Bến Thành. Ngoài ra, bà Thiên Kim cũng là Tổng giám đốc của Công ty CP D1 - Concepts; cổ đông chính của Công ty CP Phê La, cùng với nhiều thương hiệu khác.

Một điểm trùng hợp, các thương hiệu có liên quan đến bà Trương Nguyễn Thiên Kim thường xuyên xuất hiện vai trò tương tự như người tạo ra các trend giới trẻ và đứng tâm điểm giữa các dòng dư luận trái chiều.

Mới đây nhất như đã nêu trên, Café KATINAT bị chỉ trích trên mạng xã hội do xuất hiện cốc nước sử dụng danh từ "an tây" khi khách yêu cầu giảm đường, giảm đá. Nhiều người cho rằng cách dùng từ này nhằm ám chỉ đến một người mẫu, diễn viên có liên quan đến vụ tạm giữ để điều tra vì liên quan ma túy. Dù đây là sự việc liên quan đến hình sự, tuy nhiên rất nhiều khách hàng phản ứng tiêu cực và cho rằng nhân viên Café KATINAT sử dụng nội dung này để câu khách, khái niệm hóa "an tây" nên xứng đáng bị tẩy chay.

Trước đó, KATINAT cũng bị lên án do chiến dịch quyên góp nhằm hỗ trợ đồng bào bị miền Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Bằng cách trích 1.000 đồng từ mỗi ly nước bán ra, chiến dịch này đã gặp phải phản ứng trái chiều từ cộng đồng mạng.

Với thương hiệu sữa Kun, Công ty CP sữa Quốc tế (IDP) trước đó phối hợp với Hội Đồng đội trung ương tổ chức Chương trình Tuổi trẻ Việt Nam Rèn đức – Luyện tài, dẫn dắt tương lai.

Kết quả, Công ty cùng Hội đồng đội được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công nhận Kỷ lục Việt Nam với nội dung: Ngày hội "Tiến bước lên Đoàn" có số lượng trường Trung học cơ sở trên cả nước tham gia đồng diễn bài "Tiến bước dưới cờ Đoàn và Lof Malto - Khi nào mình lớn" cùng lúc đông nhất Việt Nam". Dù đây là thành quả của hàng triệu học sinh ở 10.200 trường tiểu học, trung học cơ sở trên toàn quốc, nhưng Vietkings chỉ cấp chứng nhận cho 2 đơn vị nêu trên.

Mặt khác, trong khuôn khổ Chương trình nêu trên, cuộc thi tinh thần "Nét chữ - Nét người" dành cho thiếu nhi có độ tuổi từ 6 đến 10 cũng được xây dựng. Nội dung gồm viết chữ đẹp và viết về lòng biết ơn, nhưng 4/6 bài thơ trong Danh mục tham khảo có nội dung gắn liền với các nhân vật của thương hiệu sữa Kun như: Chớp Chớp, Tám Tuốt.. nhiều bài thơ được xây dựng trên hình tượng các nhân vật của sữa Kun, qua đó khiến một số phụ huynh cho rằng đây là các bài thơ không nhiều ý nghĩa, hình tượng nhân vật hư cấu nên thiếu ý nghĩa giáo dục hình thành nhân cách.

Tạo ra khủng hoảng là làm tắt, nguy cơ bôi đen thương hiệu

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, Phó giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Life Việt Nam Lưu Thành Công cho rằng, việc các nhãn hàng cố tình tạo ra khủng hoảng là cách làm tắt, nhanh, nhưng rất phiêu lưu và mạo hiểm, tiềm ẩn nguy cơ thương hiệu bị bôi đen. Có thể hiểu, những marketer (người đảm nhiệm công việc nghiên cứu, phân tích thị trường, lên kế hoạch và chiến lược Marketing để quảng bá sản phẩm, dịch vụ - PV) sẽ tạo ra dạng content lấp lửng, ban đầu sẽ dùng phát biểu qua fanpage, pr, social (thậm chí thuê cả KOL, KOC, seeding..) để đẩy lên cao trào, tạo sự lan truyền. Sau đó, khi đo lường đạt độ viral đến mức họ kỳ vọng thì sẽ tung ra cách giải thích, sử dụng các kênh như trên để truyền tải, hay còn hay gọi là pha "quay xe", cú twist..

Theo ông Công, khi đưa ra dự án, đội ngũ marketing của nhãn hàng tính được mức an toàn để không bị mất kiểm soát, từ khủng hoảng giả thành khủng hoảng thật. Bởi không ít ví dụ về việc làm content quá đà, dẫn đến bước phải xử lý khủng hoảng thật.

Bàn về KATINAT, theo vị chuyên gia, nếu sự việc trên bắt nguồn từ cách làm content "bẩn", sự việc đã bị đẩy đi quá đà, trở thành trò "lố" trong mắt khách hàng.

"Ai cũng biết vụ An Tây, nhưng "câu" sự nổi tiếng bằng cách này thực sự rất thiếu tôn trọng người khác, thiếu tôn trọng khách hàng. Tuy vậy, theo thông cáo báo chí đã được KATINAT đưa ra thì đây là sai lầm của một cá nhân, chúng ta cũng nên có góc nhìn công bằng hơn với doanh nghiệp", Phó giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Life Việt Nam chia sẻ.

 

TÔM CA XUẤT KHẨU ĐƯỢC MÙA, ƯỚC ĐẠT TRÊN 10 TỈ USD

Nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu bật tăng trong những tháng cuối năm, giúp lĩnh vực này nhiều khả năng sẽ quay trở lại câu lạc bộ xuất khẩu chục tỉ USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu tôm cá của Việt Nam tiếp tục tăng trong tháng 10. Tính chung 10 tháng, xuất khẩu thủy sản đạt trên 8,2 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực cùng tăng mạnh.

Đáng chú ý, mặt hàng tôm xuất khẩu đạt tới 394 triệu USD trong tháng 10, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 10 tháng là 3,2 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt trong tháng 10, xuất khẩu tôm sang tất cả các các thị trường tiêu thụ chính đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số. Dự báo cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm có thể đạt tới 4 tỉ USD. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 10 năm nay đạt 91 triệu USD, tăng đến 44%. Tính chung 10 tháng, riêng thị trường này đạt 676 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu cá tra tháng 10 cũng đạt gần 202 triệu USD, tăng 17% so với tháng 10 năm trước. Trong 10 tháng, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt giá trị 1,7 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo xuất khẩu cá tra Việt Nam có khả năng vượt mốc 2 tỉ USD trong cả năm 2024.

Một mặt hàng quan trọng khác là cá ngừ, xuất khẩu tháng 10 đạt gần 93 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên trong 25 tháng quá, giá trị xuất khẩu cá ngừ theo tháng đã đạt mức hơn 90 triệu USD. Lũy kế 10 tháng qua đạt hơn 821 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Với đà tăng trưởng này, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt kim ngạch 1 tỉ USD trong năm 2024, tăng 18%.

Đáng chú ý, trong tháng 10 này xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong tháng 10 đã tăng gần 31% so với cùng kỳ.

Với đà tăng trưởng hiện nay, dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể về đích ở cột mốc 10 tỉ USD.

 

VÌ SAO NGÀNH LÚA GẠO MẤT 5 TỶ USD/NĂM

“Gạo sẽ là mặt hàng ngày càng khan hiếm trên toàn cầu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cực đoan mà khả năng phục hồi của nhiều quốc gia là không thể. Nếu cứ để ngành hàng lúa gạo sản xuất, kinh doanh như hiện tại thì mỗi năm Việt Nam tự đánh mất khoảng 5 tỷ USD.” - ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho hay.

Lúa gạo nhất nhì thế giới nhưng giá trị thấp

Phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững” vừa diễn ra ở Cần Thơ, ông Phạm Thái Bình cho biết trong chuỗi lúa gạo bắt buộc doanh nghiệp (DN) phải đầu tư vốn vay dài hạn (7-10 năm).

Vốn vay ngắn hạn để thanh toán tiền lúa tươi cho nông dân khi thu hoạch, nếu không sẽ không sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo được. Trường hợp không vay được vốn dài hạn mà các DN vẫn hoạt động được thì chỉ “giật gấu vá vai”, lấy vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hầu hết các DN trong ngành gạo không tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ.

Về nguồn vốn vay để đầu tư thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, theo tính toán của ông Bình, vốn vay dài hạn để đầu tư xây dựng và lắp đặt máy sấy lúa tươi ở mức 14.900 tỷ đồng; vốn vay trung và dài hạn để xây dựng và lắp đặt silo chứa lúa khô là 18.200 tỷ đồng; vốn vay dài hạn để xây dựng và lắp đặt (bổ sung) các hạng mục cơ giới hóa đồng bộ, xay xát, chế biến, chế biến sâu, đóng gói các sản phẩm… khoảng 15.000 tỷ đồng.

“Cộng 3 khoản trên khoảng 48.100 tỷ đồng. Con số này ngân hàng cho vay rải ra theo tiến độ thực hiện trong vòng 7 năm chứ không phải giải ngân một lúc. Trung bình mỗi năm ngân hàng chỉ giải ngân khoảng 6.870 tỷ đồng, con số quá khiêm tốn”, ông Bình nói.

Về vốn vay ngắn hạn để thanh toán tiền lúa tươi cho nông dân khi thu hoạch, theo ông Bình, con số này nằm ở mức 49.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản tiền trên ngân hàng chỉ cho vay phần ngọn, chưa đạt nhu cầu chuỗi liên kết lúa gạo cần có. Đây cũng chính là nguyên nhân lúa gạo Việt Nam đứng nhất nhì thế giới nhưng giá trị luôn thấp, sản xuất và tiêu thụ luôn bấp bênh, DN cạnh tranh nhau “bóp bụng” hạ giá gạo để bán lấy tiền đáo hạn ngân hàng khi đến hạn…

“Nay ngân hàng cơ cấu lại cho vay thêm đủ theo chuỗi liên kết để DN thu mua toàn bộ lúa nông dân, các DN chủ động bán gạo khi xuất khẩu. Chấm dứt cảnh khi vào vụ thu hoạch nông dân bị cò, thương lái ép giá , nông dân bán lúa giá thấp; DN do thiếu vốn phải tranh nhau hạ giá gạo xuống bán để có tiền đáo hạn ngân hàng”, ông Bình nói.

Đề án 1 triệu ha lúa mỗi năm thu về 10 tỷ USD

Theo ông Phạm Thái Bình, nếu được vay đủ vốn để thực hiện, Đề án 1 triệu ha lúa mang lại hiệu quả rất lớn. Tổng cộng giá trị thực thu khi liên kết sản xuất theo Đề án hơn 10 tỷ USD, còn khi không liên kết (sản xuất kiểu tự do) chỉ được gần 5 tỷ USD, tức chênh lệch hơn 5 tỷ USD giữa 2 cách thức sản xuất.

“Đây là số liệu cơ bản xuất phát từ sự đầu tư thực tế của công ty chúng tôi, cũng như một số doanh nghiệp khác từ mấy chục năm nay đã và đang thực hiện”, ông Bình cho hay.

Cũng theo ông Bình, ngân hàng, các tổ chức tài chính cho DN ngành hàng lúa gạo vay 2 tỷ USD vốn dài hạn (7-10 năm) và 2 tỷ USD vốn ngắn hạn (dưới 12 tháng), tổng cộng 4 tỷ USD. Số tiền này rất khiêm tốn so với lượng tiền nhàn rỗi của cộng đồng gửi tại ngân hàng 12 triệu tỷ đồng (khoảng 500 tỷ USD). Trong khi đó, thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa, mỗi năm chuỗi lúa gạo sẽ thu về 10 tỷ USD, chưa kể tiền thu được từ bán tín chỉ carbon.

“Gạo sẽ là mặt hàng ngày càng khan hiếm trên toàn cầu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cực đoan mà khả năng phục hồi của nhiều quốc gia là không thể. Nếu cứ để ngành hàng lúa gạo sản xuất, kinh doanh như hiện tại thì mỗi năm Việt Nam tự đánh mất khoảng 5 tỷ USD.” - ông Bình phát biểu.

"Phải có bàn tay Nhà nước mới thành công được"

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - khẳng định, nguồn vốn ngân hàng dành cho ĐBSCL từ trước đến nay không thiếu. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ vĩ mô, có một số vấn đề đặt ra. Đầu tiên là rủi ro trong nông nghiệp, nông thôn.

Ông Tú dẫn chứng, cơn bão số 3 vừa qua khiến nhiều nông dân mất hết. Cách xử lý chỉ có giãn, hoãn chứ không thể xóa nợ vì luật không cho phép. Còn khoanh nợ thì phụ thuộc chính quyền địa phương, nhưng chưa địa phương nào công bố "tình huống thiên tai" trên diện rộng và làm chính sách khoanh nợ cho DN, vì khoanh nợ ảnh hưởng đến ngân sách địa phương.

“Giống như Đồng bằng sông Cửu Long trước đây, khi lúa gạo bị sâu bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn cũng phải xử lý theo cách đó. Tóm lại, rất nhiều rủi ro ngành ngân hàng cuối cùng phải gánh chịu, trích lập dự phòng rủi ro” - ông Tú nói.

Nói về Đề án 1 triệu ha lúa, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết có 4 nguồn lực, trong đó ngân sách hỗ trợ giao thông, thủy lợi, cải tạo đất đai ; vốn vay của Ngân hàng Thế giới (chưa xong thủ tục); vốn đầu tư trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (chưa có); cuối cùng là vốn ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn các ngân hàng thực hiện).

"Nói vậy để thấy nguồn vốn cho Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng. Trong khi liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Trong việc liên kết chuỗi cũng như với Đề án 1 triệu ha lúa, phải có bàn tay Nhà nước mới thành công được", ông Tú nói.

 

KHỐI BẤT ĐỘNG SẢN CỦA TRƯƠNG MỸ LAN BỊ NHIỀU ĐẠI GIA ‘DÒM NGÓ’

Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội, công viên và khu nhà ở đô thị Mũi Đèn Đỏ, tòa nhà Capital Palace, dự án 6A… là những dự án bất động sản của bà Trương Mỹ Lan đang được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn đàm phán để nhận chuyển nhượng.

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư bào chữa cho bị cáo Lan cho biết, Công ty TNHH APM Luxe (Hàn Quốc) đã có đơn gửi Tòa án nhân dân Cấp cao tại TPHCM bày tỏ quan tâm đến việc đầu tư vào các dự án của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang bị kê biên.

Cụ thể, Công ty TNHH APM Luxe muốn đầu tư 3 dự án, gồm khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội tại khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (phường 12, 13 và 18, quận 4, TPHCM). Dự án này khoảng 31,5 ha với chức năng là đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng hỗn hợp bao gồm dịch vụ thương mại, chung cư, biệt thự, trường học, cơ sở y tế và hạ tầng kỹ thuật.

Dự án thứ hai là công viên và khu nhà ở đô thị Mũi Đèn Đỏ  (phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM), có diện tích khoảng 118 ha. Dự án này có chức năng là đầu tư xây dựng công viên, trung tâm thương mại, văn phòng khách sạn, hội nghị triển lãm và khu dân cư cao tầng hỗn hợp.

Dự án cuối cùng là Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp Vinhomes Metropolis (toà nàh Captial Place) tại số 29 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội. Dự án này rộng khoảng 3,5 ha, có chức năng là đầu tư xây dựng tòa nhà cao tầng có chức năng hỗn hợp gồm trung tâm dịch vụ thương mại, văn phòng,căn hộ cao cấp.

Công ty TNHH APM Luxe được thành lập tại Hàn Quốc vào năm 2011. Người đại diện kiêm chủ tịch là ông Song See-vong. Phía APM Luxe đề nghị tòa án xem xét, tạo điều kiện cho công ty tiếp cận, đàm phán để nhận chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư trên nguyên tắc hài hòa, có lợi cho tất cả các bên, đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Ngoài ra, tỷ phú Vincent Tan (người Malaysia) cũng đồng ý đầu tư vào dự án 6A với diện tích 26 ha tại Bình Chánh, TPHCM của bà Trương Mỹ Lan. Hiện tại, dự án 6A chưa bị kê biên, cũng chưa bị thế chấp nên sau khi trừ các chi phí, bị cáo Lan còn dư 20.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Dự án 6A nằm ở khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh, TPHCM có tổng mức đầu tư lên tới 13.400 tỷ đồng do Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư. Tại phiên toà, bà Trương Mỹ Lan cho biết, trước đây có nhiều nhà đầu tư trả mức giá 30.000 - 50.000 tỷ đồng để mua dự án. Tuy nhiên để có tiền đền bù cho người mua trái phiếu, bà Lan đồng ý bán rẻ 10.000 - 20.000 tỷ đồng, chỉ cần có tiền khắc phục hậu quả cho người mua trái phiếu.

Ông Vincent Tan là người sáng lập của Berjaya Corporation - một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề lớn tại Malaysia. Tháng 2/2007 Berjaya đã trở thành doanh nghiệp Malaysia đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư và phát triển về bất động sản tại Việt Nam. Kể từ đó cho tới nay, Tập đoàn Berjaya đã đầu tư nhiều dự án lớn tại đây.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2017 - 2019, Berjaya đã phải bán đi nhiều dự án như Làng đại học Berjaya Việt Nam (BVIUT) có tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD, Trung tâm Tài chính Việt Nam (BVFC) với tổng vốn đầu tư 930 triệu USD, 70% cổ phần tại Công ty Berjaya Long Beach LLC Việt Nam - chủ đầu tư dự án Long Beach Resort Phú Quốc, 75% vốn tại InterContinental Hanoi Westlake cho 1 công ty liên quan BRG Group.

Hiện tại, Berjaya Corp đang sở hữu nhiều tài sản tại Việt Nam, như 50% vốn điều lệ của Công ty Liên doanh TNHH Berjaya - Hồ Tây (khách sạn Sheraton Hà Nội), 80% vốn điều lệ của Công ty TNHH Berjaya-Handico12- chủ đầu tư dự án khu đô thị Ha Noi Garden City (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội), 100% vốn điều lệ của Công ty TNHH Berjaya-D2D - chủ đầu tư dự án khách sạn 5 sao và khu thương mại căn hộ cao cấp Biên Hòa City Square.

Trước đó, một người bạn của bà Lan ở Mỹ muốn thương thảo, bàn bạc việc mua bán dự án 6A. Người bạn này sẵn sàng nộp một khoản tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tố tụng và bà Lan sẽ giao lại dự án 6A cho họ. Không chỉ dự án 6A, nhân vật này còn muốn thay mặt 3 cổ đông lớn của tòa nhà Capital Place trả 250 triệu USD cho ngân hàng và tiếp tục cho bà Lan mượn thêm 130 triệu USD để bà Lan đền bù thiệt hại.

 

Nguồn: Dân Việt; Thanh Niên; Soha; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang