Vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2; Sắp phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát; Bài toán cân bằng lạm phát & tăng trưởng; ‘Đại phẫu’ chung cư cũ

XÉT XỬ VỤ CHUYẾN BAY GIẢI CỨU GIAI ĐOẠN 2: 3 BỊ CÁO LÀ CỰU PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ XIN GIẢM NHẸ HÌNH PHẠT

3 bị cáo là cựu Phó Giám đốc Sở của tỉnh Thái Nguyên và Quảng Nam, cùng 8 người vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 mong cấp phúc thẩm xem xét, giảm nhẹ hình phạt.

Theo báo Công an nhân dân, sau hơn 2 tháng diễn ra phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2, đến ngày 4/3, TAND TP.Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của bị cáo Trần Tùng (cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên). Trong đơn kháng cáo, bị cáo Trần Tùng đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét, cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Ngoài ra, còn 10 bị cáo khác cũng có đơn kháng cáo gồm: Nguyễn Văn Văn (cựu Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam), Lê Ngọc Tường (cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam), Trần Thị Quyên (Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt), Đặng Nhật Đức (Giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan), Vũ Hoàng Dũng (trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội), Trần Thanh Nhã (trú tại phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM); Nguyễn Mạnh Cương (Trưởng phòng Thương mại Điện tử Công ty cổ phần Thương mại hàng không Vietjet), Bùi Đăng Khoa (Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Du ngoạn thế giới), Phạm Quốc Thắng (Giám đốc Công ty TNHH PNR), Trương Thị Mỹ Dung (Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dịch vụ Du lịch Ánh Sao Thiên).

Trong đơn kháng cáo, tất các bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo. Các bị cáo bày tỏ mong muốn TAND Cấp cao tại Hà Nội cân nhắc mức độ, hành vi và bối cảnh các bị cáo thực hiện tội phạm để cho họ hưởng khoan hồng hơn nữa, có cơ hội sớm được trở về với gia đình và cộng đồng xã hội.

Thông tin thêm trên tờ Lao động, trước đó, trong các ngày từ 24 - 27/12/2024, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 17 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2 về các tội: Nhận hối lộ, Đưa hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Che giấu tội phạm.

Theo bản án sơ thẩm, quá trình tổ chức các chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước và chức vụ quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa, nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại địa phương.

Các bị cáo đã trực tiếp hoặc qua trung gian móc nối, thỏa thuận với cán bộ thuộc Bộ Y tế đưa và nhận hối lộ với số tiền lớn để có văn bản chấp thuật, xét duyệt cho công dân (khách lẻ) về trên các chuyến bay đơn lẻ. Ngoài ra, còn có bị cáo lợi dụng vị trí công tác hướng dẫn, xúi giục người liên quan khai báo gian dối, che giấu tội phạm, gây cản trở việc điều tra, làm rõ tội phạm của cơ quan chức năng.

 

 

CHUẨN BỊ PHÚC THẨM VỤ ÁN TRƯƠNG MỸ LAN GIAI ĐOẠN 2

TAND Cấp cao tại TPHCM đã ban hành quyết định đưa vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn cùng các tổ chức liên quan (thường gọi là vụ án Trương Mỹ Lan giai đoạn 2) ra xét xử phúc thẩm từ ngày 25-3 đến ngày 21-4.

Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 27 bị cáo, 35 bị hại và 7 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Dự kiến, Hội đồng xét xử gồm các thẩm phán Phạm Công Mười (chủ tọa), Chung Văn Kết, Hoàng Minh Thịnh. Đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM là các kiểm sát viên cao cấp: Võ Phong Lưu, Nguyễn Vi Dũng, Nguyễn Khánh Toàn.

Trước đó, tháng 10-2024, TAND TPHCM xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 12 năm tù về tội "Rửa tiền", 8 năm tù về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Tổng hợp hình phạt, Tòa tuyên bị cáo Trương Mỹ Lan án tù chung thân trong vụ án thứ 2.

Tòa cấp sơ thẩm nhận định, có đủ căn cứ xác định bị cáo Trương Mỹ Lan đã có hành vi lừa đảo hơn 35.000 bị hại qua hình thức phát hành trái phiếu khống, chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thông qua các hợp đồng "khống", bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là 4,5 tỷ USD (chuyển đi 1,5 tỷ USD, nhận về 3 tỷ USD).

Ở vụ án thứ nhất xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm về các tội vi phạm quy định về cho vay, đưa – nhận hối lộ, tham ô tài sản (thường gọi là vụ án Trương Mỹ Lan giai đoạn 1), TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 16 năm tù tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" (sơ thẩm 20 năm); 20 năm tù tội "Đưa hối lộ" và tử hình tội "Tham ô tài sản", buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung là tử hình.

Cung cấp hồ sơ cho cơ quan thi hành án bằng cách nào?

Trao đổi với phóng viên, Cục Thi hành án dân sự TPHCM cho biết, đã phối hợp Công ty CP Chứng khoán Tân Việt là đại lý đăng ký, lưu ký trái phiếu (gọi tắt là Công ty TVSI) trong việc thu thập thông tin cá nhân của các trái chủ (là người được thi hành án) trong vụ án Trương Mỹ Lan giai đoạn 2.

Các trái chủ được hướng dẫn cung cấp hồ sơ thi hành án, gồm:

- Đơn đề nghị nhận thông báo về thi hành án trên trang thông tin điện tử Cục Thi hành án dân sự TPHCM và nhận tiền bằng hình thức chuyển khoản (theo mẫu đính kèm, bản chính).

- CCCD hoặc hộ chiếu (đối với cá nhân); giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động (đối với tổ chức, bản sao y).

- Giấy xác nhận thông tin tài khoản ngân hàng (bản chính).

Ngoài ra, Cục THADS TPHCM có hotline 1900 599 802 (hoạt động 24/7) để cung cấp thông tin hỗ trợ người dân.

Người dân có thể truy cập thông tin điện tử Cục Thi hành án dân sự TPHCM và vào mục: "THÔNG TIN THI HÀNH VỤ ÁN VẠN THỊNH PHÁT" để theo dõi thông tin.

 

 

BÀI TOÁN CÂN BẰNG LẠM PHÁT VỚI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Mặc dù áp lực lạm phát gia tăng, nhưng theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều nền tảng tốt và yếu tố tích cực để kiềm chế lạm phát mà vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế.

Áp lực lạm phát có thể sẽ gia tăng nhưng chỉ tạm thời

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam Ngân hàng Standard Chartered mới công bố, dự báo lạm phát sẽ tăng trong thời gian tới, với mức tăng 3,8% trong tháng 2/2025. Như vậy, đây là tháng thứ 7 liên tiếp lạm phát duy trì dưới mức 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế ngân hàng Standard Chartered, đợt gia tăng lạm phát từ tháng 12 đến nay có thể tiếp tục trong tháng 2, dù chỉ tạm thời.

Bộ Tài chính đưa ra dự báo một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá năm 2025. Đó là, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp tăng giảm đan xen do tác động của các yếu tố địa chính trị. Giá một số vật liệu xây dựng có nguồn cung hạn chế có thể tăng giá do nhu cầu phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm. Giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, mặt hàng may mặc có thể tăng cục bộ vào một số thời điểm lễ Tết hoặc ảnh hưởng của bão lũ, thời tiết bất lợi...

Cũng theo Ngân hàng Standard Chartered, tăng trưởng doanh số bán lẻ được dự báo ở mức 8,2% so với cùng kỳ trong tháng 2 (mức 9,5% trong tháng 1). Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu có thể tăng ở mức 23,2% so với cùng kỳ, nhờ mức nền thấp và sự phục hồi liên tục của xuất khẩu hàng điện tử.

Bên cạnh đó, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp có khả năng tăng lần lượt 24,% và 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Song, thặng dư thương mại hàng tháng của Việt Nam có thể thu hẹp chỉ còn 1,5 tỷ USD, giảm so với mức 3,0 tỷ USD.

Niềm tin vào sự ổn định và tăng trưởng

Chính phủ đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 lên ít nhất 8%, so với mức 6,5-7%, với kỳ vọng lạm phát ở mức 4,5-5% nhằm tạo dư địa cho chính sách tiền tệ linh hoạt. Triển vọng tăng trưởng mạnh hơn có thể giúp duy trì lãi suất thấp trong ngắn hạn. Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý II/2025 nhằm ứng phó với lạm phát gia tăng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh các mục tiêu và chỉ số là yêu cầu khách quan và cần thiết. Song song với đó, Chính phủ cần nhanh chóng có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

"Rõ ràng, khi đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn thì cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận đối diện với mức lạm phát cao hơn. Điều quan trọng là giải quyết bài toán tăng trưởng - lạm phát như thế nào. Bối cảnh hiện tại rất cần những giải pháp nhanh chóng và quyết liệt từ Chính phủ để có thể cân bằng hai yếu tố này. Trong đó, tập trung vào những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân", ông Nguyễn Đoàn Tùng - Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương cho biết.

Mới đây, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2025 cần thực hiện kiểm soát tốt lạm phát trong điều kiện các nguồn lực được thúc đẩy mạnh mẽ để đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân...

Theo ông Tùng, xung đột quân sự, căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang và áp lực chính sách thuế quan của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Từ đó gây áp lực lạm phát gia tăng cho nhà nước, áp lực về tài chính, sản xuất, xuất khẩu hàng hóa gia tăng đối với doanh nghiệp và áp lực mặt bằng giá cả hàng hóa - thu nhập đối với người dân...Do đó, Chính phủ và các bộ ngành cần tạo thuận lợi về môi trường đầu tư, kinh doanh, ưu đãi về nguồn vốn và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. Điều chỉnh, cân bằng thu nhập bình quân của người dân tương ứng với mức tăng của hàng hóa thiết yếu.

Trong bối cảnh đó, theo ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế cấp cao Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered: “Triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn cần nên thận trọng, khi các chỉ số vĩ mô trong tháng 1 có dấu hiệu điều chỉnh cả trong và ngoài nước. Sự không chắc chắn trong các chính sách thương mại của Mỹ cũng tiềm ẩn rủi ro, do Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng bày tỏ sẵn sàng nhập khẩu thêm các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ”.

Còn theo bà Nguyễn Thu Oanh, vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất và kiểm soát tốt lạm phát, các bộ ngành cần tập trung cao độ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời cần đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ và tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ công, hàng hóa do nhà nước quản lý với mức độ và thời điểm hợp lý. "Bộ Tài chính cần tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế, như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế VAT, thuế TNCN...góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa và dịch vụ. Các bộ, ngành tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về giá đối với các mặt hàng theo lĩnh vực quản lý xăng dầu, điện, dịch vụ khám chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, vận tải, dịch vụ giáo dục...", bà Oanh nhấn mạnh.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế lạc quan, Việt Nam có rất nhiều nền tảng thuận lợi và yếu tố tích cực để kiềm chế lạm phát và vẫn đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng. Đầu tiên phải để đến là nguồn nông sản dồi dào và nền sản xuất hàng hóa phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, các quyết sách của Chính phủ để phát triển kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đã đạt nhiều kết quả thời gian qua. Bên cạnh đó, Chính phủ luôn kịp thời và quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ đời sống của người dân.

 

 

'ĐẠI PHẪU' CHUNG CƯ CŨ

TP.HCM đặt kế hoạch trong vòng 10 năm tới sẽ hoàn thành cải tạo, xây dựng lại gần 500 chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp.

Nguồn vốn đầu tư xây dựng chủ yếu là xã hội hóa

UBND TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp.

Theo đó, TP phấn đấu đến năm 2035 sẽ hoàn thành cải tạo, xây dựng lại 474 chung cư cũ trước năm 1975 cũng như số hư hỏng nặng hoặc hết niên hạn sử dụng xây dựng trong giai đoạn 1975 - 1994. Các chung cư này gồm 573 lô với 50.640 căn hộ, nằm ở nhiều quận, huyện. Phần lớn các chung cư này đang bị xuống cấp, hư hỏng do đã xây dựng trên 50 năm, trong đó có 16 chung cư cấp D hỏng nặng, nguy hiểm. Với các chung cư cấp D, TP tính phương án xây mới 7 tòa nhà đã di dời tháo dỡ; 9 chung cư còn lại (chưa hoặc đang di dời) sẽ được sửa, xây lại.

Đề án đánh giá nhiều chung cư có tình trạng lấn chiếm, cơi nới tăng diện tích sử dụng nhưng hầu hết không được bảo trì, sửa chữa, nâng cấp đã ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình, không ít chung cư bị hư hỏng nặng không đảm bảo an toàn để sử dụng. Không những vậy, tình trạng pháp lý sở hữu căn hộ phức tạp khi vừa có sở hữu riêng của tư nhân, vừa có sở hữu nhà nước cho thuê. Ngoài ra, còn có tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng sang tay không hợp pháp. Hệ thống kỹ thuật quá cũ kỹ, bị hư hỏng nặng, môi trường vệ sinh ẩm thấp, không đảm bảo theo quy định, trong khi hầu hết các hộ dân trong chung cư đều có thu nhập thấp.

Theo ông Phạm Minh Mẫn - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, TP xác định nguồn vốn đầu tư xây dựng chủ yếu là xã hội hóa, hạn chế đầu tư từ ngân sách. Các nhà đầu tư được lựa chọn cân đối hiệu quả đầu tư, đảm bảo tài chính thực hiện, đáp ứng đủ quỹ nhà để phục vụ nhu cầu tái định cư, đồng thời được kinh doanh quỹ nhà còn lại và các công trình thương mại - dịch vụ khác trong dự án.

Việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được thực hiện đồng bộ theo phương án tổng thể quy hoạch - kiến trúc hợp lý, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ với khu vực, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng hiện hành.

Trường hợp cần thiết thì điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc tại vị trí chung cư cũ để đảm bảo dự án được hiệu quả, khả thi nhưng vẫn phải đảm bảo phù hợp quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng tại khu vực.

Luật Nhà ở 2024 yêu cầu cấp thiết thực hiện công tác kiểm định, đánh giá, phân loại chất lượng chung cư cũ. Trên cơ sở đó, khẩn trương di chuyển kịp thời người dân tại các chung cư cũ được đánh giá là nguy hiểm, hỏng nặng đến nơi ở tạm cư (nhà ở tạm thời) đảm bảo an toàn tính mạng cho cư dân, đồng thời triển khai các công tác lập quy hoạch chi tiết, xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ phải phá dỡ.

"Để thực hiện đề án này, UBND TP chấp thuận cho UBND 14 quận và TP.Thủ Đức sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước đủ để tạm cư, tái định cư cho các hộ dân đang cư ngụ tại chung cư cấp D, làm cơ sở cho UBND các địa phương phê duyệt phương án và tổ chức di dời, tạm cư, tái định cư cho các hộ dân. Đồng thời, UBND TP đã chấp thuận cho UBND 14 quận và TP.Thủ Đức tự ứng ngân sách chi tạm cư cho các hộ dân trong trường hợp người dân không đồng ý tạm cư tại quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước", ông Mẫn thông tin.

Cơ chế hấp dẫn cho cả nhà đầu tư và cư dân

Kế hoạch sửa chữa, cải tạo chung cư cũ, xuống cấp đã được TP.HCM đưa ra để thực hiện giai đoạn 2016 - 2020, nhưng chưa đem lại kết quả như mong muốn, nhất là với các chung cư cấp D bị hư hỏng nghiêm trọng.

Cụ thể, với các chung cư cấp D, công tác di dời chỉ mới đạt 57,28% và công tác tháo dỡ chỉ đạt 5/16 chung cư, tương đương 31,25%. Theo báo cáo từ Sở Xây dựng TP.HCM, việc cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xuống cấp thời gian qua gặp nhiều thách thức do thiếu vốn, vướng mắc trong kiểm định chất lượng, bất cập trong quy hoạch khu vực cải tạo, vướng mắc về việc miễn tiền sử dụng đất hay bồi thường căn hộ thuộc sở hữu Nhà nước… Tuy nhiên thời điểm này với nhiều quy định thoáng hơn, nhiều người đánh giá đề án sẽ được thực hiện hiệu quả.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu khẳng định lúc này là cơ hội để cải tạo các chung cư cũ trên địa bàn TP sau nhiều lần lỗi hẹn bởi đã có nhiều cơ chế hấp dẫn, thông thoáng hơn trước. Hiện nay chủ đầu tư dự án nhà ở chung cư cũ được hưởng lợi nhuận từ 10 - 15%, không cố định 10% như trước đây, được đề xuất điều chỉnh dự án như tăng thêm số tầng dự án và được miễn tiền sử dụng đất. Với phần diện tích tầng điều chỉnh tăng thêm, chủ đầu tư phải nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung cho nhà nước và được hưởng lợi nhuận từ phần này nếu làm tốt. Song làm sao các thông tin này minh bạch, đến được với người dân.

Trong khi đó, người dân sở hữu nhà tại các chung cư cũ cũng có được nhiều quyền lợi hơn, được bảo vệ tối đa lợi ích khi ngoài chính sách bồi thường, hỗ trợ chung, cư dân ở tầng 1, tầng 2, căn góc các tòa chung cư cũ được ưu tiên mua, thuê phần diện tích kinh doanh khối đế tòa nhà mới để kinh doanh.

"Cơ chế đền bù, hỗ trợ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hiện đã công bằng hơn giữa chủ sở hữu chung cư cũ và chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Cơ chế tạm cư trong cải tạo chung cư cũ cũng được đồng bộ trong cả hai luật đất đai và nhà ở, vì thế tạo thuận lợi cho việc phá dỡ, xây dựng lại các tòa nhà", ông Châu phân tích.

Bên cạnh đó, theo ông Châu, dự án cải tạo nhà chung cư cũ là trường hợp duy nhất được thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của luật Nhà ở 2024 tại Sở Xây dựng thay vì Sở KH-ĐT. Trong bồi thường, tái định cư thì Nghị định 98 của TP cũng quy định chủ căn hộ chung cư cũ ở tầng 1, tầng 2 có hệ số bồi thường, hỗ trợ cao hơn, từ tầng 3 trở lên thì mức bồi thường và hỗ trợ giống nhau. Cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt tái định cư tại chỗ trong cải tạo chung cư cũ là bình đẳng giữa các chủ sở hữu nhà chung cư. Vấn đề xử lý phần sở hữu chung thuộc sở hữu nhà nước cũng được quy định cụ thể trong Nghị định 98 nên thuận lợi hơn so với trước. Tuy nhiên, để làm tốt điều này, chính quyền phải "cầm cái" cuộc chơi theo kiểu hợp tác xã nhà ở để phân chia quyền lợi công bằng cho các chủ sở hữu và nhà đầu tư.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, nhận xét đây là một kế hoạch lớn của TP và phải cấp thiết thực hiện, nhất là với những chung cư được phân loại không thể sử dụng. TS Nguyên cho rằng: Để thực hiện hiệu quả, ngoài quyết tâm cao còn phải đi kèm các điều kiện cụ thể. Cần nhìn lại một số dự án của TP bị kéo dài như Metro số 1, dự án chống ngập hay việc di dời nhà trên kênh rạch để rút ra kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch thật chi tiết, cụ thể.

Chuẩn bị vốn, nguồn lực

Đánh giá đây là kế hoạch lớn của TP, mang ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn, ông Huỳnh Phước Nghĩa (ĐH Kinh tế TP.HCM) lưu ý: Có nhiều vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện cải tạo, sửa chữa chung cư cũ. Một số khó khăn liên quan về chính sách có thể được tháo gỡ nhưng quan trọng nhất là liên quan người dân. Có những giai đoạn ngoài việc đàm phán, thỏa thuận để thực hiện di dời người dân trong các chung cư không còn sử dụng được thì phải cần đến sự thúc ép.

Ngoài ra, đề án này được cho chủ yếu thực hiện theo nguồn vốn xã hội, kêu gọi doanh nghiệp tham gia thực hiện thì phải có cơ chế chính sách phù hợp. Doanh nghiệp luôn phải tính đến hiệu quả kinh tế thì mới có thể tham gia. Nhưng mỗi chung cư ở các vị trí, địa bàn khác nhau cũng sẽ có giá trị khai thác, sử dụng khác nhau. Ví dụ, một chung cư cũ ở Q.4 chỉ với 4 - 5 tầng, nếu đập ra, xây lại chung cư mới ngay vị trí này được quy hoạch lên 15 - 20 tầng thì có thể thu hút được doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, khai thác. Nhưng cũng chung cư tương tự nhưng vị trí ở các quận, huyện xa thì doanh nghiệp sẽ đánh giá lại. Khi đó bắt buộc chính sách hỗ trợ, bồi thường, bán căn hộ mới cho người dân sẽ phải khác.

Quan trọng nhất trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước phải là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp cũng như cần nhìn ở góc độ của cả hai bên để có chính sách phù hợp. Tương tự, ngay với các chung cư để thực hiện sửa chữa cũng liên quan đến nguồn vốn, số tiền người dân phải bỏ ra…

"Muốn xã hội hóa thành công chương trình cải tạo, sửa chữa chung cư cũ thì cũng phải dựa trên việc dọn đường của nhà nước trước đó. Nên có lộ trình, không nhất thiết phải làm hết toàn bộ gần 500 chung cư chỉ trong vòng 10 năm mà có thể tập trung các chung cư hư hỏng trước. TP phải chuẩn bị nguồn lực, gồm cả nhân lực với rất nhiều việc phải xử lý, có thể kéo dài hơn và từng giai đoạn có điều chỉnh cụ thể cho kế hoạch phát triển của TP", ông Huỳnh Phước Nghĩa chia sẻ.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Nguyên nói cải tạo chung cư cũ nếu chỉ hoàn toàn trông chờ kêu gọi nhà đầu tư thì điều này là chưa thể chắc chắn. Thực tế cho thấy có nhiều dự án sau một thời gian công bố thì báo cáo không có doanh nghiệp tham gia nên phải hoãn lại. Sau vốn thì đến công nghệ. Ngày nay có những công nghệ mới giúp tiến độ xây dựng nhanh hơn nhiều. Một vấn đề quan trọng nữa là khả năng quản lý, điều hành.

"Kiểu như có đảm bảo đầy đủ vật tư, nguyên vật liệu của dự án và đã lường hết được các biến động của thị trường. Bởi đã có những dự án quan trọng nhưng làm giữa chừng bị ngừng lại vì thiếu cát, thiếu xi măng… Đó là chưa kể trước đó, hàng loạt việc chuẩn bị rất chi tiết như chung cư này sửa chữa thế nào? Tỷ lệ đóng góp của người dân đang cư ngụ ra sao? Bố trí tái định cư hay bán lại căn hộ mới…", TS Nguyễn Hữu Nguyên dẫn chứng.

Chuyên gia này nói thêm: Những chung cư đã đập bỏ xây mới còn dễ hơn chung cư người dân đang ở cần sửa chữa, cải tạo. Nhưng tất cả đều phải có kế hoạch thật chi tiết, cụ thể vì liên quan đến rất nhiều người dân. TP nên thực hiện lộ trình cuốn chiếu, cái nào ưu tiên làm trước, cái nào làm sau. Những vấn đề thắc mắc cần phải được công khai, đạt được sự đồng thuận của người dân. Chuẩn bị càng chi tiết thì thực hiện sẽ nhanh theo kế hoạch. Điều đó cũng giúp hạn chế tình trạng dự án kéo dài, tăng vốn. Ví dụ trong việc xây dựng nhà ở thông thường, nếu chi phí tăng trong khoảng 20% là bình thường. Còn nếu tăng lên gấp đôi và hơn nữa là không chấp nhận được. Không phải cứ cái nào gấp là làm được ngay mà phải có quá trình chuẩn bị kỹ.

 

Nguồn: Người Đưa Tin; Sài Gòn Giải Phóng; CafeF; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang