VNĐ chịu áp lực mất giá; XK cá ngừ sang Trung Đông đạt mức cao; Bầu Đức trở lại; Du khách đổ về Sa Pa

Đồng VND có thể tiếp tục chịu áp lực mất giá trong nửa đầu năm 2024

Việc đồng USD neo cao trong thời kỳ đầu của chu kỳ nới lỏng tiền tệ có thể gây áp lực lên tỷ giá USD/VND và diễn biến này có thể kéo dài ít nhất trong nửa đầu năm 2024.

Tại báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong tháng 01/2024, tỷ giá USD/VND biến động tăng mạnh nhưng trong biên độ cho phép. Tại ngày 25/01/2024, tiền đồng mất giá 1,4% so với đầu năm và sau đó hạ nhiệt chỉ còn tăng 0,6% so với đầu năm đối với tỷ giá trên thị trường chính thức và 0,1% đối với tỷ giá trên thị trường tự do.

VDSC cho rằng nguyên nhân chính khiến tiền đồng mất giá trong tháng đầu năm là do sự phục hồi của đồng USD, xuất phát từ việc nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed.

Theo công cụ FedWatch, xác suất cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 03/2024 của Fed đã giảm từ mức 70% tại thời điểm đầu năm chỉ còn 34,5% sau thông cáo của Fed trong cuộc họp ngày 31/01/2024. Trong khi đó, kỳ vọng của thị trường về mức cắt giảm trong năm 2024 vẫn giữ nguyên ở mức 150 điểm cơ bản với xác suất 42,8%. Theo đó, đồng DXY trong tháng 01/2024 phục hồi lên mức 103, cao hơn 1,7% so với đầu năm.

Ngoài ra, mức chênh lệch dương của lãi suất USD-VND vẫn neo ở mức cao trong tháng đầu năm (~4,85 điểm %), cũng là yếu tố gây áp lực lên diễn biến của tiền đồng.

Mặt dù vậy, so với các đồng tiền khác, tiền đồng là một trong những đồng tiền giảm giá ít nhất so với đồng USD trong tháng 01/2024. Trong bối cảnh NHTW Trung Quốc tiếp tục thực hiện thêm biện pháp nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, tình hình kinh tế không khả quan trong tháng đầu năm khiến đồng NDT mất giá khoảng 1,1%. Trong khi đó, đồng Yên Nhật mất giá mạnh nhất (~3,8%) khi nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi tín hiệu thay đổi chính sách lãi suất âm từ NHTW Nhật Bản. Các đồng tiền khác trong khu vực ASEAN (trừ Việt Nam) đều mất giá từ 1-3% trong tháng 01/2024.

"Đặt trong tương quan về triển vọng kinh tế và chính sách tiền tệ của các NHTW, đồng USD có lợi thế hơn hẳn trong giai đoạn đầu năm 2024", VDSC đánh giá.

Theo VDSC, dù bối cảnh kinh tế năm 2024 là khác biệt, một so sánh về biến động của giá dầu, đồng USD và giá vàng trong giai đoạn Fed nới lỏng (2019-2021) và thắt chặt chính sách tiền tệ (2022-2023) đưa ra một số hàm ý.

Thứ nhất, trong giai đoạn Fed thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, đồng USD biến động tăng giá mạnh trong giai đoạn đầu và duy trì sức mạnh suốt một thời gian sau đó khi lãi suất neo ở mức cao.

Thứ hai, ở thời kỳ Fed cắt giảm lãi suất, các bước cắt giảm đầu tiên không tạo ra nhiều thay đổi với xu hướng của đồng USD, và sự suy giảm của đồng USD chỉ diễn ra sau đó khi chu kỳ cắt giảm lãi suất đi đến hồi kết.

Thứ ba, biến động giá dầu và giá vàng trong thời kỳ nới lỏng và thắt chặt chính sách của Fed khá thú vị. Cụ thể, dầu thô trải qua biến động tăng và giảm mạnh nhưng xu hướng chung là tăng trong thời kỳ Fed nới lỏng và giảm trong thời kỳ Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong khi đó, giá vàng tăng giá trong cả hai thời kỳ.

VDSC cho rằng việc nhìn lại lịch sử có thể giúp dự báo một phần biến động tỷ giá trong thời gian tới, việc đồng USD neo cao trong thời kỳ đầu của chu kỳ nới lỏng tiền tệ có thể gây áp lực lên tỷ giá USD/VND và diễn biến này có thể kéo dài ít nhất trong nửa đầu năm 2024.

Xuất khẩu cá ngừ sang Trung Đông đạt mức cao

Hiện, Trung Đông đang là khối thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam sau Mỹ, EU.

Trung Đông đang là khối thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 4 của Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường Trung Đông năm 2023 giảm 130%, đạt 82 triệu USD.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang Trung Đông không ổn định, có xu hướng sụt giảm so với năm 2022.

Đáng chú ý những bất ổn về kinh tế và cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas trong năm 2023 đã khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản nói chung, cá ngừ nói riêng sang khối thị trường này bị ảnh hưởng. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Trung Đông liên tục sụt giảm qua từng tháng từ đầu năm. Và chỉ cho tới tháng 11/2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này mới có xu hướng phục hồi.

Theo số liệu trên Công Thương xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang một số thị trường trong khu vực Trung Đông ghi nhận tăng so với cùng kỳ năm 2022 như: Israel (tăng 37%), Liban (tăng 17%), UAE (tăng 23%), Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 73%). Trong khi đó, xuất khẩu sang một số thị trường lại giảm mạnh như: Ai Cập (giảm 47%), Ả rập Xê út (giảm 78%)…

Hiện, Trung Đông đang là khối thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam sau Mỹ, EU và CPTPP, chiếm gần 10% tổng kinh ngạch xuất khẩu cá ngừ. Trong những năm qua, đối mặt với nhiều thách thức từ các thị trường tiêu thụ chính, các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đã tìm tới các thị trường nhỏ hơn nhưng có nhiều tiềm năng như Trung Đông để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, khu vực thị trường này cũng có những yêu cầu cao với các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu như yêu cầu phải có chứng nhận Halal. Nhà cung cấp cần phải chế biến và đóng gói phù hợp để đáp ứng tiêu chuẩn này.

Ngoài ra, theo thông tin mới đây từ Thương vụ Việt Nam tại Ả rập Xê út, Tổng Cục quản lý Dược phẩm và thực phẩm Ả rập Xê út (SFDA) đã có văn bản gửi lãnh đạo Liên đoàn các phòng Thương mại, Phòng Thương mại Riyadh, Jeddah, Dammam về việc một số sản phẩm thực phẩm xuất khẩu sang Ả rập Xê út có giấy chứng nhận Halal nhưng cơ quan cấp những giấy chứng nhận này không nằm trong danh sách được SFDA chấp thuận hoặc ủy quyền.

Trước những biến động trên, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ả rập Xê út cần tuân thủ các quy định về chứng nhận Halal và tiếp cận chứng chỉ Halal của đơn vị được SFDA ủy quyền để tránh bị lưu công hoặc trả hàng về.

Dự báo nhiều thách thức, xuất khẩu cá ngừ năm 2024

Năm 2024 sẽ là một năm còn nhiều khó khăn, thách thức với sản phẩm này. Theo nhận định của các doanh nghiệp, năm 2024 có nhiều khó khăn, nhất là việc Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo Thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Ngoài ra, giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm nhiệt, tuy nhiên căng thẳng tại Biển Đỏ đã khiến giá cước vận tải tăng cao làm cho giá cá ngừ thành phẩm vẫn sẽ cao.

Cùng với đó, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy nhưng phục hồi chậm nên nhu cầu nhập khẩu cá ngừ tại nhiều nước chưa có dấu hiệu hồi phục. Cạnh tranh tại các thị trường ngày càng gay gắt và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, XK cao. Tất cả các yêu tố này sẽ kìm hãm sự phục hồi xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam

Bên cạnh những khó khăn về thị trường, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do những bất cập về quy định kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) hiện hành của Việt Nam.

Thông tin trên Hải Quan theo “Chương trình kiểm soát ATTP thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU” ban hành tại Quyết định 5523 ngày 21/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – liên quan đến yêu cầu giấy Chứng thư an toàn thực phẩm (H/C) do cơ quan thẩm quyền các nước cấp (theo mẫu số “28” của EC) kèm theo các lô nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm cả các lô cá tàu (cá được các tàu đánh bắt, chuyển sang các tàu cấp đông trên biển (freezer vessel), không chế biến, đóng gói hay bảo quản trên đất liền.

Các tàu cấp đông này chở nguyên liệu từ biển vào giao cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, không thể có giấy H/C do cơ quan thẩm quyền nào cấp. Từ những quy định trên khiến các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập khi thực hiện quy định này. Ngành xuất khẩu cá ngừ 1 tỷ USD của Việt Nam có nguy co hẹp và bị cạnh tranh thị phần tại châu Âu cũng như nguồn cung nguyên liệu cá ngừ khi các doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế nhiều nguồn nguyên liệu cá ngừ tốt.

Bên cạnh đó, theo quy định của EU, nguyên liệu trên các tàu cấp đông như trên khi chuyển vào các nước thành viên EU, cơ quan thẩm quyền EU cũng không yêu cầu giấy H/C do cơ quan thẩm quyền cấp mà chỉ yêu cầu H/C do thuyền trưởng ký.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ, VASEP đề nghị cơ quan quản lý chuyên ngành cần tháo gỡ vướng mắc này cho doanh nghiệp.

Bầu Đức trở lại

Từng bị dư luận và giới đầu tư gán cho biệt danh không mấy hay ho là “Đức nổ” bởi ông hay nói quá những điều đang làm. Tuy nhiên, đến năm 2023 bầu Đức đã khác, ông làm đúng những gì đã hứa với cổ đông hồi đầu năm

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế nhưng với bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) có thể nói năm 2023 là năm thành công khi mang về khoản lợi nhuận gần 2.000 tỉ đồng cho tập đoàn, trả được nhiều khoản nợ lớn, đưa giá cổ phiếu lên cao nhất trong vài năm qua.

Những ngày sát Tết Nguyên đán, bầu Đức khẳng định sẽ xóa lỗ lũy kế của Hoàng Anh Gia Lai trong năm 2024, tất toán mọi khoản nợ để trở thành công ty đầu tiên trên sàn chứng khoán không có nợ, kể cả vay vốn lưu động vào năm 2026.

Năm 2023, bầu Đức liên tục tổ chức các cuộc gặp gỡ cổ đông Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) chưa kể đại hội đồng cổ đông để công bố các hoạt động và kết quả kinh doanh của tập đoàn, cũng như giải đáp những thắc mắc của cổ đông và các nhà đầu tư.

Tại các buổi gặp gỡ, bầu Đức đã trả lời hầu như tất cả các câu hỏi của cổ đông về định hướng phát triển của HAGL và tâm sự về hành trình đưa HAGL trở lại từ nợ nần đến mất thanh khoản vào năm 2016.

Chủ tịch HAGL nhiều lần chia sẻ quyết tâm trả hết nợ dù theo ông khoản nợ của HAGL hiện đều có tài sản đảm bảo và không là gì so với các công ty có quy mô tương tự như HAGL nhưng lại cứ vướng thị phi nợ nần.

Vào 23 tháng Chạp năm Quý Mão, tức 2-2-2024, HAGL công bố thông tin đã trả 357,52 tỉ đồng số tiền nợ gốc trái phiếu mã HAGLBOND 16.26 phát hành vào cuối năm 2016. Trước đó, vào tháng 11-2023, HAGL đã trả 200 tỉ đồng tiền nợ gốc đối với lô trái phiếu này, nguồn thanh toán lấy từ thu hồi nợ của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico).

Giữa tháng 12-2023, Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai (công ty con HAGL) đã thanh toán 750 tỉ đồng cho Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) để tất toán các khoản vay từ năm 2014.

Đáng chú ý, để tất toán xong khoản vay khá lâu này, HAGL đã được Eximbank miễn giảm gần1.425 tỉ đồng, bao gồm một phần lãi trong hạn, toàn bộ lãi quá hạn và tiền phạt chậm trả lãi. Khoản tiền này đã được ghi nhận chi phí các năm trước nên năm nay trở thành lợi nhuận của HAGL.

Theo báo cáo tài chính năm 2023 của HAGL, tổng lợi nhuận sau thuế của công ty là 1.817 tỉ đồng, mức cao nhất kể từ năm 2011 và chỉ thấp hơn năm hoàng kim của HAGL năm 2010 với lợi nhuận 2.081 tỉ đồng khi đang kinh doanh bất động sản.

Để trả được nợ, nguồn tiền của HAGL không chỉ đến từ lợi nhuận sản xuất kinh doanh mà HAGL đã phải liên tục thanh lý tài sản từ khách sạn HAGL, cổ phiếu HAGL Agrico và đang tiếp tục chào bán bệnh viện HAGL, cổ phiếu Bapi HAGL (công ty quản lý chuỗi bán lẻ thịt heo ăn chuối của HAGL).

Năm 2023, HAGL cũng công bố về kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp với trị giá 1.300 tỉ đồng, tương đương 130 triệu cổ phiếu với mục đích mua lại trái phiếu trước hạn, cơ cấu lại các khoản nợ cho công ty con và bổ sung vốn lưu động.

Sau nhiều lần điều chỉnh, hiện tại danh sách nhà đầu tư gồm: ông Lê Minh Tâm, Công ty CP chứng khoán LBBank và Công ty CP Tập đoàn Thaigroup – nếu kế hoạch phát hành thành công, bầu Đức có thể hoàn thành được mục tiêu xóa lỗ lũy kế trong năm nay.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, năm qua, HAGL vẫn tập trung vào trồng trọt (chuối và sầu riêng) và chăn nuôi heo. Trong đó, mảng sầu riêng có lợi nhuận không tưởng ở mức 1 vốn 5 lời nhưng sản lượng sầu riêng thu hoạch còn ít, chủ yếu trông đợi vào năm nay và các năm sau; mảng chuối đi vào ổn định khi HAGL đã có nhiều bạn hàng nên không có khái niệm tồn kho, chỉ là bán giá cao hay thấp.

Còn mảng chăn nuôi, từng là thương hiệu của bầu Đức khi đánh dấu sự trở lại của ông bầu nổi tiếng này với sản phẩm "heo ăn chuối" khi tận dụng được nguồn chuối loại thải sau xuất khẩu lại khó khăn khi cung vượt cầu, mặt bằng giá ở mức thấp.

Năm 2024, mảng sáng nhất trong 3 mặt hàng chủ lực của HAGL vẫn là sầu riêng khi cung vẫn chưa đủ cầu và khả năng Việt Nam sẽ xuất khẩu được thêm sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc.

Với ngành heo, dự báo của các chuyên gia thì nửa đầu năm 2024 vẫn chưa có thay đổi đáng kể trong khi xuất khẩu chuối vào cuối năm 2023 đã không còn thuận lợi như 2 năm trước đó. Do vậy, để đạt kế hoạch lợi nhuận ngàn tỉ đồng mỗi năm của HAGL trong năm 2024 sẽ không hề dễ dàng.

Du khách đổ về Sa Pa, khách sạn "cháy" phòng

Nhiều lễ hội đặc sắc tại Sa Pa, Lào Cai chính thức khai mạc ngày mùng 3 Tết Giáp Thìn. Các khách sạn, điểm lưu trú tại thị trấn mờ sương này gần như kín phòng.

"Lễ hội Khèn hoa - Ngày hội các dân tộc" và hội xuân "Mở cổng trời Fansipan" chính thức khai mạc ngày mùng 3 tết Giáp Thìn (12-2) tại Sun World Fansipan Legend, Sa Pa, Lào Cai.

Lễ hội Khèn hoa mang đến cho du khách nhiều hoạt động, trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn. Ngoài không gian mùa xuân rộn ràng mang đậm sắc xuân Tây Bắc, du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục múa khèn đặc sắc của người Mông, tham gia trải nghiệm các trò chơi dân gian tại Bản Mây như: Bịt mắt bắt dê, bịt mắt bắt vịt, cà kheo, leo cột mỡ…

Điểm nhấn của Lễ hội Khèn hoa năm nay là Ngày hội các dân tộc với chuỗi 5 lễ hội đặc sắc khác nhau kéo dài từ 13-2 đến 9-3, đại diện cho các dân tộc thiểu số Mông, Tày, Dao đỏ, Xa Phó, Giáy.

Đây sẽ là dịp để du khách trải nghiệm nhiều lễ hội truyền thống được tái hiện sinh động tại Bản Mây như: Lễ hội Gàu Tào của dân tộc Mông (từ 13-2 đến 14-2); Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày (từ ngày 17-2 đến 18-2); Lễ hội Pút Tồng của dân tộc Dao đỏ (từ ngày 24-2 đến 25-2); Lễ hội Quét Làng của dân tộc Xa Phó (từ 2-3 đến 3-3); Lễ hội Roóng Poọc của dân tộc Giáy (từ ngày 9-3 đến 10-3).

Tái hiện nhiều phong tục truyền thống độc đáo

Trong dịp này, nhiều phong tục truyền thống độc đáo của các dân tộc được tái hiện như: Dựng cây Nêu, tái hiện tục bắt vợ của người Mông; hoạt động Chầu Then của người Tày; lễ cúng và các điệu múa, hát giao duyên, hát đồng dao của dân tộc Xa Phó; các điệu múa xòe và tục nhuộm trứng của dân tộc Giáy…

Cũng trong ngày mùng 3 Tết, hội xuân Mở Cổng trời Fansipan 2024 sẽ diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa. Hàng ngàn Phật tử và du khách thập phương sẽ lại hội tụ về quần thể văn hóa tâm linh Sun World Fansipan Legend linh thiêng để tham gia nghi lễ mở cổng trời, dâng hoa, tắm Phật, viết lời nguyện ước đầu năm mới, tụng kinh niệm Phật cầu quốc thái dân an và nhiều chương trình ý nghĩa khác. Đặc biệt, chiều tối mùng 5 Tết, phật tử và du khách sẽ được tham gia nghi lễ dâng đăng linh thiêng tại khu vực Bảo An Thiền Tự - Ga đi cáp treo Fansipan.

Không chỉ được tham gia các hoạt động tâm linh ý nghĩa, Phật tử và du khách sẽ có chuyến hành hương đầu xuân thú vị khi được chiêm bái đảnh lễ trước Đại tượng Phật A Di Đà, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Đường La Hán với 18 bức tượng La Hán bằng đồng, Tháp chuông, Kim Sơn Bảo Thắng Tự…

Khách sạn "cháy" phòng

Trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các khách sạn, điểm lưu trú tại Sa Pa (Lào Cai) gần như kín phòng. Theo Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sa Pa, Lào Cai, trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các khách sạn, điểm lưu trú tại Sa Pa gần như kín phòng.

Ngay từ trước tết, tỉ lệ đặt phòng các ngày từ mùng 3 - 5 lên tới 97%, tập trung chủ yếu ở phân khu trung - cao cấp tại khu vực trung tâm. Riêng các điểm du lịch cộng đồng, công suất bình quân đạt 45%, tập trung đông nhất là xã Tả Van và Mường Hoa. Các dịch vụ nhà hàng, cà phê, điểm tham quan bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày mùng 2 Tết Nguyên đán đảm bảo điều kiện phục vụ khách du lịch.

Dự kiến trong dịp Tết, Sa Pa sẽ đón trên 100.000 lượt khách, tăng hơn 11.000 lượt so với cùng kỳ năm ngoái. Cao điểm là ngày mùng 3 và mùng 4 Tết sẽ đón khoảng 65.000 lượt khách.

Dịp này thị xã Sa Pa tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, chương trình du lịch đặc sắc phục vụ du khách và chuẩn bị các điều kiện lưu trú tốt nhất để đón chào du khách đến với Khu du lịch quốc gia.

Nguồn: Soha; Người Đưa Tin; Người Lao Động; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang