Việt kiều mua nhà đứng tên trong nước như thế nào?

Hỏi: Tôi sống ở Đức đã 20 năm, hộ chiếu Việt Nam, giấy phép lưu trú vô thời hạn. Vậy xin hỏi tôi có phải Việt kiều không? Và có được mua nhà, đứng tên chủ hộ tại Việt Nam không ? Vì tôi nghe nói Việt kiều là người mang quốc tịch nước ngoài, còn tôi mang quốc tịch Việt Nam nên như người trong nước, mua nhà đứng tên mình bình thường, bao người vẫn làm vậy ! (Một độc giả).

Trả lời: Việt kiều là từ Hán Việt, thường dùng để gọi chung những người Việt sinh sống ở nước ngoài, không hề đưa ra giới hạn về quốc tịch, huyết thống, thời gian lưu trú... Tuy nhiên trong các văn bản luật nhà đất ở Việt Nam lại chỉ dùng khái niệm Người Việt định cư ở nước ngoài. Theo nghị định chính phủ số 81/2001/NĐ-CP, người Việt định cư ở nước ngoài được định nghĩa là công dân Việt Nam (mang quốc tịch Việt Nam) và người gốc Việt (con cái mang cả hay 1 phần huyết thống Việt, và người nòi giống Việt mang quốc tịch nước ngoài) đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài.

Vậy Qúy độc giả được coi là người Việt định cư ở nước ngoài.

Điều 3 Nghị định trên quy định người Việt định cư ở nước ngoài chỉ những đối tượng sau đây mới được mua nhà, đứng tên:

a) Người về đầu tư lâu dài tại Việt Nam;

b) Người có công đóng góp với đất nước;

c) Nhà văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam;

d) Người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam.

Để mua được nhà, những đối tượng trên còn phải thoả mãn điều kiện quy định tại điều 6 Nghị định trên. Theo đó họ phải về thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam mang theo các giấy tờ: Hộ chiếu hợp lệ của Việt Nam hoặc hộ chiếu, giấy tờ hợp lệ của nước ngoài cấp. Trong trường hợp sử dụng hộ chiếu, giấy tờ hợp lệ của nước ngoài thì phải có Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy xác nhận đăng ký công dân Việt Nam cùng giấy tờ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận thuộc các đối tượng quy định tại Điều 3.

Nếu Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc diện nêu trên nhưng đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ sáu tháng trở lên, sẽ được quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ. Nghĩa là, trong mọi trường hợp, nếu đúng luật, Qúy độc giả đều không thể sinh sống ở Đức, để mua bán, đứng tên sở hữu nhà tại Việt Nam được.

Tuy nhiên trên thực tế, nếu Qúy độc giả còn chứng minh nhân dân và hộ khẩu thường trú tại Việt Nam, hoặc vẫn còn nhà ở mang tên Qúy độc giả tại Việt Nam, thì Qúy độc giả vẫn có thể mua bán đứng tên nhà đất bằng các giấy tờ đó như người sống trong nước. Qúy độc giả cũng có thể nhờ nhân thân đứng tên, hoặc bằng cách hợp pháp hoá nào đó, như Qúy độc giả từng nghe: “bao người vẫn làm vậy”.

Đức Việt Online

(Mọi vướng mắc có thể gọi tới đường dây tư vấn: 09001510529, hoặc gửi qua E-Mail: info@Viet Duc Online.de, info@thoibaovietduc.de).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang