Vẽ lại bản đồ dầu mỏ; Vàng Nga đi đâu?; Vụ tập kích Belgorod; Củng cố lợi ích song trùng; Thaksin không còn 'bất bại'

Dòng chảy của Nga sang châu Á vẽ lại bản đồ dầu mỏ thế giới

(Ảnh minh họa).

Bản đồ dầu mỏ toàn cầu đang được vẽ lại trong bối cảnh tác động lâu dài từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến dầu của Nga chảy về các nền kinh tế lớn của châu Á.

Theo thống kê của công ty tình báo dữ liệu Kpler, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 30% tổng lượng nhập khẩu dầu mỏ từ ba quốc gia là Nga, Iran và Venezuela trong tháng 4. Con số này tăng từ mức chỉ 12% vào tháng 2/2022, thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Hoạt động xuất khẩu từ các nhà cung cấp truyền thống đang bị siết chặt. Dòng chảy đến Trung Quốc và Ấn Độ từ Tây Phi và Mỹ đã giảm lần lượt hơn 40% và 35%.

Cựu chuyên gia kinh tế Wang Nengquan tại tập đoàn năng lượng Sinochem, người đã làm việc trong ngành dầu mỏ hơn ba thập kỷ cho biết: “Rõ ràng khách hàng châu Á là những người chiến thắng ở đây vì được hưởng giá dầu rẻ”.

Theo ông Wang, trong những tháng gần đây, châu Á - dẫn đầu là Ấn Độ - đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Điều này về cơ bản đã giúp Moskva khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu mỏ trở lại bình thường.

Việc định hình lại bản đồ dầu mỏ cũng minh chứng cho dòng chảy trong thị trường hàng hóa quan trọng nhất thế giới, nơi nhu cầu toàn cầu đạt khoảng 100 triệu thùng mỗi ngày, với sự tăng trưởng dẫn đầu là Ấn Độ và Trung Quốc.

Sau khi xung đột nổ ra giữa Nga và Ukraine, các quốc gia phương Tây đã ngăn chặn dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga vào thị trường, đồng thời áp đặt cơ chế giá trần. Lệnh trừng phạt này được thiết kế như một biện pháp để hạn chế thu nhập của Điện Kremlin, đồng thời bảo đảm nguồn cung cho thị trường thế giới.

Nhóm chuyên gia Andreas Economou, Bassam Fattouh và Ahmed Mehdi viết trong một báo cáo của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford: “Ở châu Á, gần 90% hàng xuất khẩu của Nga hiện nay là dành cho Trung Quốc và Ấn Độ”.

Nhóm chuyên gia này cho hay trong khi Nga đã thành công trong việc chuyển hướng dòng chảy dầu mỏ, thì họ đã mất hầu hết khách hàng cũ.

Ấn Độ có nhu cầu lớn nhất đối với dầu thô của Nga, trong khi Trung Quốc cũng mua lượng lớn dầu của Nga kết hợp với duy trì mua dầu của Iran và Venezuela, đi kèm với chiết khấu cao. Mỹ từ lâu đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với dầu thô của hai quốc gia này.

Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã chỉ ra rằng các biện pháp trừng phạt đối với Nga đang hoạt động như dự kiến, với xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 3 ở mức cao nhất kể từ đại dịch COVID-19, nhưng doanh thu lại giảm gần một nửa so với một năm trước đó.

Theo Bloomberg, bất chấp lệnh trừng phạt, EU vẫn đang cấp năng lượng cho nền kinh tế của liên minh này bằng dầu mỏ của Nga. Các quốc gia thành viên hiện được cho là đang mua nhiên liệu bị trừng phạt thông qua dòng chảy tái xuất khẩu từ Ấn Độ.

Trong năm 2022-2023, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã mua từ 970.000 - 981.000 thùng dầu của Nga mỗi ngày, chiếm hơn 1/5 tổng lượng nhập khẩu của cả nước là 4,5 - 4,6 triệu thùng mỗi ngày.

Dữ liệu của Kpler và Vortexa cho thấy Ấn Độ không chỉ trở thành khách hàng mua dầu hàng đầu của Nga kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực, mà New Delhi còn đang trên đường trở thành nhà cung cấp nhiên liệu tinh chế lớn nhất cho châu Âu.

Các nhà máy chế biến của Ấn Độ đã nắm bắt cơ hội để mua dầu giá rẻ của Nga, biến nó thành nhiên liệu và bán lại cho EU với giá cạnh tranh.

(Nguồn: Soha)

Vàng Nga đi đâu sau các lệnh trừng phạt của phương Tây?

Kể từ khi cuộc xung đột diễn ra ở Ukraine vào tháng 2/2022, vàng Nga phải tìm kiếm thêm thị trường nhằm lấp đầy khoảng trống mà phương Tây để lại.

Hồ sơ hải quan của Nga cho thấy, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã trở thành một trung tâm thương mại quan trọng đối với vàng của Nga kể từ khi các lệnh trừng phạt của phương Tây cắt đứt các tuyến đường xuất khẩu truyền thống của Nga.

Trước khi cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra vào ngày 24/2/2022, vàng của Nga thường được chuyển đến London, một trung tâm dự trữ và giao dịch vàng. Tuy nhiên, ngay sau thời điểm này, nhiều ngân hàng đa quốc gia, nhà cung cấp dịch vụ logistics và nhà tinh chế kim loại quý đã ngừng xử lý vàng của Nga.

Ngày 7/3/2022, Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London (LBMA) đã cấm sản xuất vàng thỏi tại Nga năm 2022. Hơn một tháng sau đó, Liên minh Châu Âu, Anh, Thụy Sĩ, Mỹ, Canada và Nhật Bản cũng cấm nhập khẩu vàng thỏi của Nga.

Sự dịch chuyển vàng xuất khẩu của Nga khỏi London không được coi là một đòn giáng mạnh mẽ vì khu vực này không phụ thuộc quá nhiều vào Nga. Năm 2021, vàng từ Nga chiếm 29% lượng nhập khẩu của London, nhưng con số này chỉ ở mức 2% vào năm 2018, theo dữ liệu thương mại của Anh.

Do Nga không thể nào tự tiêu thụ hết 20 tỷ USD vàng được khai thác mỗi năm, quốc gia này đã tìm đến những đối tác nhỏ hơn nhằm lấp đầy khoảng trống mà những người mua như JPMorgan và HSBC để lại.

Hồ sơ xuất khẩu cho thấy, các nhà sản xuất vàng của Nga đã nhanh chóng tìm thấy thị trường mới ở các quốc gia chưa áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow, chẳng hạn như UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.

Theo Reuters, các công ty Nga đã bán vàng thỏi với mức chiết khấu khoảng 1% so với giá chuẩn toàn cầu nhằm khuyến khích giao dịch.

Hồ sơ hải quan từ tháng 2/2022 đến tháng 3/2023 cho thấy, UAE đã nhập khẩu 75,7 tấn vàng trị giá 4,3 tỷ USD từ Nga. Con số này chỉ ở mức 1,3 tấn vào năm 2021.

Quốc gia vùng Vịnh từ lâu đã có một ngành công nghiệp vàng phát triển mạnh và là nhà xuất khẩu vàng thỏi và đồ trang sức lớn của thế giới. Dữ liệu thương mại cho thấy nước này đã nhập khẩu trung bình khoảng 750 tấn vàng nguyên chất mỗi năm từ năm 2016 đến 2021.

Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là những điểm đến lớn tiếp theo với khoảng 20 tấn vàng mỗi nước kể từ ngày 24/2/2022 đến 3/3/2023. Cả 3 quốc gia này chiếm 99,8% lượng vàng xuất khẩu của Nga trong giai đoạn này.

Hầu hết các lô hàng vàng của Nga đến Trung Quốc đều cập bến ở Hồng Kông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, sự hợp tác của nước này với Nga “sẽ không bị gián đoạn hoặc ép buộc từ bất kỳ bên thứ ba nào”.

Dữ liệu hải quan nói trên cho thấy, Nga xuất khẩu 116,3 tấn vàng từ ngày 24/2/2022 đến ngày 3/3/2023. Tuy nhiên, theo ước tính của công ty tư vấn Metals Focus, Nga đã sản xuất khoảng 325 tấn vàng vào năm 2022.

Phần còn lại của số vàng được khai thác ở Nga có thể vẫn ở trong nước, hoặc đã được xuất khẩu trong các giao dịch không có trong hồ sơ hải quan

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Vụ tập kích Belgorod nguy cơ kéo căng phòng tuyến Nga

(Ảnh minh họa).

Các vụ tập kích liên tiếp vào tỉnh Belgorod có thể buộc Nga điều quân khỏi tiền tuyến ở Ukraine để bảo vệ biên giới, khiến tuyến phòng thủ bị dàn mỏng.

Giới chức Belgorod, tỉnh tây nam Nga giáp biên giới với Ukraine, ngày 24/5 thông báo nhiều UAV đã xâm nhập, thả thiết bị nổ xuống nhiều công trình tại thành phố thủ phủ của tỉnh. Vụ tập kích UAV xảy ra một ngày sau khi hai nhóm vũ trang thân Ukraine ngày 22/5 sử dụng nhiều xe bọc thép vượt biên vào Belgorod, tấn công một chốt kiểm soát biên phòng, khiến một sĩ quan thiệt mạng và 13 người bị thương.

Đây là những vụ tập kích qua biên giới có quy mô lớn nhất và táo bạo nhất kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch ở Ukraine. Chúng cũng diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine chuẩn bị tiến hành chiến dịch phản công lớn, buộc Nga phải triển khai lực lượng củng cố thế trận phòng thủ trên chiến tuyến hơn 1.000 km.

"Người Ukraine đang cố kéo giãn lực lượng Nga theo các hướng khác nhau để tạo ra khoảng trống. Nga sau đó sẽ buộc phải gửi quân chi viện đến lấp các khoảng trống này, khiến lực lượng của họ càng bị kéo căng hơn", Neil Melvin, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói.

Nga đang tập trung phần lớn lực lượng ở vùng Donbass, nơi chứng kiến các cuộc giao tranh dữ dội nhiều tháng qua, đặc biệt tại thành phố Donbass. Nhiều đơn vị tinh nhuệ của Nga cũng được bố trí ở mặt trận phía nam, đề phòng nguy cơ Ukraine tấn công vào bán đảo Crimea.

Trong khi đó, các cuộc tập kích qua biên giới gần đây được phát động từ vùng Kharkov ở miền bắc Ukraine, cách tiền tuyến khoảng 160 km. Dù các đợt xâm nhập đó không gây thiệt hại lớn cho Nga, chúng tạo ra rối loạn đáng kể trong cuộc sống của người dân, buộc Moskva phải nhanh chóng triển khai lực lượng đối phó.

"Họ sẽ phải đáp trả và đưa thêm quân tới đó, bố trí nhiều đơn vị củng cố khu vực biên giới, dù có thể đây không phải hướng tấn công của Ukraine", Melvin nói.

Quân đội Nga phải mất hai ngày để triển khai lực lượng và đẩy lùi nhóm vũ trang tấn công vùng Belgorod từ ngày 22/5. Họ tuyên bố tiêu diệt hơn 70 "phần tử khủng bố" và cáo buộc Ukraine đứng sau vụ tập kích.

Kiev bác bỏ, nói rằng vụ tấn công do công dân Nga thực hiện, coi đó là vấn đề nội bộ của Nga. Hai nhóm vũ trang hoạt động tại Ukraine gồm Binh đoàn Tình nguyện Nga (RVC) và Quân đoàn Tự do Nga (FRL) đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công. Đây là hai nhóm dân quân quy tụ các tay súng người Nga từng tham gia quân đoàn quốc tế của Ukraine.

Sau khi rút về biên giới Ukraine, đại diện hai nhóm này đã tổ chức họp báo trong một khu rừng ở miền bắc, tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động xâm nhập qua biên giới Nga trong thời gian tới và cho rằng lực lượng an ninh Nga đã phản ứng "chậm chạp, yếu kém" với vụ tấn công.

Marl Galeotti, người đứng đầu công ty tư vấn Tình báo Mayak ở London, cho rằng cuộc tập kích của hai nhóm vũ trang có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với các chiến dịch của lực lượng chính quy Nga - Ukraine ở tiền tuyến. Dù vậy, chúng vẫn đóng vai trò như hoạt động "định hình chiến trường" của Ukraine trước thềm chiến dịch phản công.

"Đây là nỗ lực bắn một mũi tên trúng hai đích. Nó khiến Moskva cảm thấy bất an, lo lắng về nguy cơ an ninh trong nước, đồng thời buộc quân đội Nga phải phân tán lực lượng vốn đã chịu nhiều tổn thất của họ sau hơn 15 tháng giao tranh", ông nói.

Sergey Radchenko, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, cho biết các cuộc tập kích vùng biên giới cũng cho thấy an ninh Nga đã suy giảm sau hơn một năm chiến sự ở Ukraine.

"Đây là lý do tình báo Ukraine quan tâm tới các hoạt động tấn công qua biên giới của các nhóm dân quân, vốn không mang lại ý nghĩa chiến lược nào. Thông điệp họ gửi đi từ những cuộc tập kích như vậy là nhằm phơi bày lỗ hổng trong mạng lưới an ninh của Nga", ông nói. Những lỗ hổng như vậy sẽ buộc Nga phải tốn nhiều nguồn lực để vá lại, ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ trên chiến trường Ukraine.

Igor Girkin, cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) từng tham gia dân quân miền đông Ukraine, ngày 24/5 viết trên Telegram rằng các cuộc tập kích sẽ dẫn đến "việc hình thành một mặt trận mới dọc biên giới", buộc quân đội Nga phải phân bổ lại lực lượng để củng cố thế trận.

Điều này sẽ mang lại lợi thế quan trọng cho quân đội Ukraine, khi họ lên kế hoạch cho chiến dịch phản công lớn, theo Girkin.

"Các cuộc tập kích cho thấy biên giới Nga cực kỳ dễ bị tổn thương. Lực lượng Ukraine không chỉ tiến hành những cuộc tấn công tầm xa nhắm vào cơ sở hạ tầng ở Crimea hay Lugansk, mà còn phối hợp hoạt động với lực lượng dân quân tiến hành hoạt động quấy phá", Samuel Ramani, chuyên gia về hoạt động quân sự Nga tại Đại học Oxford, nói.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng cho rằng vụ tập kích có thể phần nào mang lại lợi ích cho giới lãnh đạo Nga trong cuộc chiến thông tin, đặc biệt khi nhóm vũ trang thân Ukraine sử dụng thiết giáp Mỹ để tấn công mục tiêu ở Belgorod.

"Quân đội Nga đã ca ngợi nỗ lực ngăn chặn thành công một chiến dịch phá hoại, khủng bố được Ukraine và phương Tây hậu thuẫn. Điều đó để khơi dậy nỗi lo trong công chúng Nga về mối đe dọa từ phương Tây, giúp củng cố sự ủng hộ và đoàn kết cho chiến dịch tại Ukraine", chuyên gia Ramani nói.

(Nguồn: Vnexpress)

Củng cố lợi ích song trùng

Sáu cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Australia Anthony Albanese chỉ trong vòng một năm và hai chuyến thăm song phương cấp nhà nước của hai nhà lãnh đạo trong vòng 2 tháng qua đã “phản ánh chiều sâu và sự trưởng thành trong quan hệ" giữa hai nước.

Thủ tướng Modi cũng đã cho thế giới thấy tầm quan trọng của Australia trong chính sách đối ngoại của New Delhi khi ông tiếp tục hành trình tới Caberra cho dù nhóm Bộ tứ an ninh (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia) hủy kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại đây. Bên cạnh đó, ông đã dành tới một nửa trong tổng số 6 ngày công du khu vực châu Á - Thái Bình Dương (từ 19-24/5) cho các hoạt động tại Australia. Đây là chuyến thăm chính thức Australia lần thứ hai của nhà lãnh đạo Ấn Độ. Ông đánh giá kể từ chuyến thăm trước đó vào năm 2014 tới nay, quan hệ song phương đã “chuyển đổi căn bản”, thể hiện qua các hội nghị thượng đỉnh thường niên, hợp tác kinh tế, các hiệp định thương mại và nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.

Về giao lưu nhân dân - được coi là một trụ cột vững chắc của quan hệ song phương, Thủ tướng Modi đánh giá: “Chúng tôi đã tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đầu tư, giáo dục, y tế và văn hóa…" Sự gắn kết giữa Ấn Độ với Australia nằm ở cộng đồng người gốc Ấn sinh sống tại đảo quốc này, cộng đồng hải ngoại lớn thứ hai (sau Anh) ở Australia với 673.000 người. Yếu tố này, cùng sự đồng điệu trong quan điểm chính trị và phát triển là thứ giúp hai bên duy trì quan hệ tốt đẹp trong khoảng thời gian dài vừa qua.

Thủ tướng Modi mô tả cộng đồng hải ngoại là sức mạnh thực sự của mối quan hệ song phương đang phát triển, trong khi Thủ tướng Albanese cho rằng cộng đồng người Ấn Độ ở Australia sẽ luôn là “huyết mạch” của mối quan hệ giữa hai nước. Ông Albanese nhấn mạnh: “Australia và Ấn Độ là những người bạn và đối tác thân thiết hơn bao giờ hết” và rằng "Australia trở nên tốt đẹp hơn nhờ sự đóng góp của cộng đồng người Australia gốc Ấn và chúng tôi muốn thấy nhiều mối liên hệ hơn giữa các quốc gia của chúng ta”.

Về thương mại, nhằm thúc đẩy quan hệ song phương tổng thể bao gồm các lĩnh vực thương mại và đầu tư, lãnh đạo hai nước đều thể hiện “tham vọng chung” trong việc sớm ký kết Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện (CECA) trong năm nay. Điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh và định hướng mới cho hợp tác kinh tế và thương mại song phương. Thương mại song phương giữa hai nước đã lên tới gần 27 tỷ USD vào năm 2021-2022 và dự kiến vượt qua 45-50 tỷ USD vào năm 2035.

Về tầm nhìn chung đối với hợp tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo cũng nhắc lại quyết tâm đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, hòa bình, thịnh vượng và bao trùm, được củng cố bởi một trật tự quốc tế dựa trên luật định. Trả lời phỏng vấn báo The Australian, Thủ tướng Modi bày tỏ mong muốn nâng cấp mối quan hệ Ấn Độ và Australia lên một tầm cao mới, bao gồm quan hệ mật thiết hơn nữa về quốc phòng và an ninh để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ông cho rằng, tình hình căng thẳng trong khu vực khiến quan hệ đối tác của Ấn Độ với Australia trở nên "quan trọng hơn bao giờ hết".

Để củng cố mối quan hệ này, hồi tháng 6/2020, Ấn Độ và Australia đã nâng mối quan hệ của song phương lên thành đối tác chiến lược toàn diện và ký Thỏa thuận Hỗ trợ hậu cần lẫn nhau (MLSA) mang tính bước ngoặt. Đáng lưu ý, trước khi tới Australia, Thủ tướng Modi đã tham dự Diễn đàn Hợp tác Ấn Độ - Các quốc đảo Thái Bình Dương tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea. Ông đã công bố một bản kế hoạch gồm 12 bước nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác với các quốc đảo tại khu vực Thái Bình Dương.

Đánh giá về tầm quan trọng của quan hệ song phương Australia-Ấn Độ qua chuyến thăm của Thủ tướng Modi, Giáo sư Ian Hall, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Griffith ở Brisbane, nói: “Những gì chúng ta thấy trong lần xuất hiện chung này là sự hài hòa trong các chính sách đối nội và đối ngoại của Australia và Ấn Độ. Cả hai nhà lãnh đạo đang tìm kiếm nguồn tài trợ và hỗ trợ, tập trung vào cộng đồng người Ấn Độ ở Australia và tận dụng lợi thế của quan hệ hợp tác song phương”. Việc hai bên ký kết thỏa thuận hợp tác di cư sẽ tăng cường hơn nữa hoạt động giao lưu nhân dân – cầu nối hữu nghị giữa hai nước.

Trong một bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách vào năm ngoái, cựu Đại sứ Australia Peter Varghese cho rằng “cả Australia và Ấn Độ đều ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” và rằng họ là đối tác “trong việc tìm cách xây dựng các thể chế khu vực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang tính bao trùm, thúc đẩy hội nhập kinh tế hơn nữa và có thể giúp quản lý căng thẳng khi tăng trưởng kinh tế trên khắp khu vực thay đổi trọng tâm và tính tương đối chiến lược”.

Theo trang mạng “afr.com”, Ấn Độ đang gắn kết lợi ích của mình ngày càng chặt chẽ hơn với phương Tây, và điều đó đã đưa Australia vào danh sách đối tác quốc tế hàng đầu của New Delhi. Sự phát triển nhanh chóng gần như đáng kinh ngạc của quan hệ Australia - Ấn Độ trong những năm gần đây là hiếm có trong một hệ thống quốc tế căng thẳng, chia rẽ và đầy rủi ro.

Giới chuyên gia cho rằng, cùng với vai trò ngày càng nổi bật của Ấn Độ trong nhóm Bộ tứ an ninh, New Delhi đang xuất hiện trên trường quốc tế với tư cách là một cường quốc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này đã dần được hiện thực hóa kể từ khi ông Modi trở thành thủ tướng vào tháng 5/2014. Những nỗ lực và thành quả của ông trong hoạt động đối ngoại đã được thế giới công nhận.

Ngày nay, Ấn Độ là quốc gia hiếm hoi có thể đối thoại được với cả Nga và Ukraine. Trong thời kỳ khủng hoảng như đại dịch và thảm họa thiên tai, nhiều quốc gia mong đợi sự giúp đỡ từ Ấn Độ. Bản sắc của một Ấn Độ mới đã hình thành trong thời kỳ ông Modi cầm quyền. Ngày nay ông được coi là một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng trên thế giới, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Ấn Độ. Chuỗi thành công trong 9 năm cầm quyền của ông Modi đã được bổ sung bằng chuyến công du Australia lần này thông qua những thỏa thuận hợp tác và cam kết nâng mối quan hệ song phương lên tầm cao mới.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Ông Thaksin không còn ‘bất bại’

(Ảnh minh họa).

Việc Pheu Thai thất thế cuộc tổng tuyển cử Thái Lan dường như phản ánh rằng ông Thaksin không còn khả năng vô song trong việc đọc bối cảnh chính trị và tình cảm của công chúng.

Chiến thắng gây sốc của đảng Tiến bước (MFP) trong cuộc bầu cử ngày 14/5 có thể đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới cho nền chính trị Thái Lan. Theo Nikkei Asia, đây sẽ là một kỷ nguyên ít bị chi phối bởi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Khoảng một tuần sau cuộc bỏ phiếu, MFP đã tập hợp được một liên minh gồm 8 đảng đối lập - trong đó có đảng Pheu Thai của ông Thaksin. Liên minh này chiếm 313 ghế trong Hạ viện gồm 500 ghế. Dẫu vậy, đó vẫn chưa đủ để ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Tiến bước, lên làm thủ tướng.

Bên lề cuộc chiến để giành được tổng số 376 phiếu cần thiết, một cuộc tranh luận đã nổ ra trong liên minh. Tâm điểm của nó vẫn là một gương mặt quen thuộc.

Trong một video trên YouTube được đăng hai ngày sau cuộc bầu cử, ông Thaksin đã nói về đảng Tiến bước với cả những câu ca ngợi và lời lẽ chỉ trích.

Sân khấu của ông Thaksin

Theo ông, đảng này có thể đã sử dụng một mạng lưới để lan truyền tin đồn rằng Pheu Thai đang hướng tới một liên minh khác với liên minh của đảng Tiến bước, khiến một số cử tri mất lòng tin vào đảng của ông. Ông cũng gọi đảng Tiến bước là "kẻ phá bĩnh" vì việc họ khéo léo sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và nội dung do người dùng tạo.

Trong khi đó, phó lãnh đạo đảng Tiến bước Phicharn Chaowapatanawong bác bỏ cáo buộc, nói rằng đảng này không có ngân sách và không có ý định làm vậy.

Move Forward chiếm được cảm tình của cử tri trẻ với các chính sách cấp tiến như sửa đổi luật khi quân và chấm dứt nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, điều khiến hầu hết mọi người ngạc nhiên là sự thất thế của Pheu Thai.

Đảng này lần đầu nhường lại vị trí dẫn đầu sau năm chiến thắng liên tiếp trong các cuộc tổng tuyển cử kể từ khi ông Thaksin thành lập đảng Thai Rak Thai - tiền thân của Pheu Thai - năm 1998.

Sau đó, ông Thaksin tiếp tục duy trì ảnh hưởng trong chính trường Thái Lan, ngay cả sau khi bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và phải sống lưu vong.

Tầm ảnh hưởng của ông được duy trì nhờ vào “kỹ năng vô song” trong việc đọc bối cảnh chính trị và cảm tình của công chúng. Các cuộc bầu cử trước đó đã mang đến cho ông một sân khấu để thể hiện tài năng này.

Điều đó bắt đầu vào năm 2001, cuộc bầu cử đầu tiên mà cử tri bỏ phiếu cho các đảng và cử tri riêng lẻ. Các đảng cũng phải trả lời cử tri về ý tưởng của họ về cách điều hành đất nước.

Thai Rak Thai đã đưa ra một bản tuyên ngôn dễ hiểu và thu phục được công chúng bằng các chính sách nhằm hồi sinh nhiều vùng nông thôn và chống đói nghèo. Họ đã thắng một cách dễ dàng bằng cách khuấy động tinh thần của những người nghèo ở nông thôn.

Thai Rak Thai đã giành được 3/4 số ghế tại Hạ viện trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào năm 2005.

Năm 2007, sau cuộc đảo chính, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra lệnh giải tán Thai Rak Thai với cáo buộc gian lận bầu cử. Các thành viên đã chuyển sang đứng dưới ngọn cờ của đảng Quyền lực Nhân dân.

Tổng cộng 111 quan chức cấp cao của đảng Thai Rak Thai đã bị cấm tham gia chính trị, dường như khiến phe của ông Thaksin yếu đi nhiều.

Tuy nhiên, ông Thaksin đã chọn cựu Phó thủ tướng Samak Sundaravej, một người theo chủ nghĩa quân chủ xuất thân từ một gia đình thuộc tầng lớp quý tộc cũ, làm ứng cử viên cho chức thủ tướng.

Trong khi ông Samak bị chế giễu như một “di tích của quá khứ”, chính trị gia kỳ cựu này đã lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân giành được chiến thắng vững chắc.

Khi các cuộc biểu tình chống lại ông Thaksin lại bùng lên vào năm 2008, cựu thủ tướng rời khỏi đất nước và đảng Quyền lực Nhân dân bị giải tán vì những cáo buộc về hành vi sai trái trong bầu cử, một lần nữa mất quyền kiểm soát chính phủ.

Mặc dù các nhà lập pháp đã tập hợp lại dưới đảng Pheu Thai, vẫn có thêm 109 quan chức bị cấm tham gia chính trường.

Với 220 quan chức từ các đảng tiền nhiệm hiện không thể tham gia chính trường, Pheu Thai không được kỳ vọng nhiều trong cuộc bầu cử năm 2011. Tuy nhiên, sau khi ông Thaksin chọn em gái mình là Yingluck làm gương mặt đại diện cho đảng, với tư cách là nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, Pheu Thai đã giành chiến thắng áp đảo.

Khi nhìn lại, cuộc bầu cử đó là nơi "phép thuật" bầu cử của ông Thaksin đạt đến đỉnh cao. Những canh bạc sau này của ông thường không mang lại nhiều tác dụng.

Vào tháng 11/2013, khi Pheu Thai thúc đẩy cuộc bỏ phiếu về một dự luật ân xá nhằm đưa ông Thaksin trở lại đất nước, các cuộc biểu tình quần chúng đã nổ ra sau đó. Giữa lúc không có biện pháp rõ ràng nào để thoát khỏi vòng xoáy bất ổn, quân đội đã tổ chức một cuộc đảo chính khác để loại bỏ chính phủ của bà Yingluck.

Kỷ nguyên mới?

Liên quan đến cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2019, chính phủ quân đội đã đưa ra các quy tắc gây khó khăn hơn cho một đảng giành chiến thắng quá đậm, nhằm kéo dài quyền kiểm soát và ngăn chặn sự trở lại của phe Thaksin.

Ông Thaksin đã tìm cách giải quyết vấn đề này bằng việc chia nhỏ Pheu Thai thành nhiều đảng. Dẫu vậy, nhiều người vẫn cho rằng đảng này đang phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn.

Nhằm lật ngược tình thế, cựu Thủ tướng Thaksin tung ra một nước đi bất ngờ khiến không chỉ người Thái mà cả cộng đồng quốc tế sửng sốt. Đảng Thai Raksa Chart, một đảng ủy nhiệm của Pheu Thai, đã đề cử Công chúa Ubolratana Rajakanya, em gái của Vua Maha Vajirusongkorn, làm ứng cử viên thủ tướng của đảng.

Tuy nhiên, chính nhà vua nói rằng việc hoàng gia tham gia vào chính trị là "không phù hợp" và Tòa án Hiến pháp đã giải tán đảng này trước cuộc bầu cử.

Bốn năm sau, bà Paetongtarn Shinawatra, con gái của ông Thaksin, được chọn là một trong những ứng cử viên thủ tướng của Pheu Thai với hy vọng lặp lại hiện tượng Yingluck hơn chục năm trước đó.

Đảng này đã dẫn đầu trong cuộc thăm dò trong hầu hết thời gian của chiến dịch. Tuy nhiên, cuộc thăm dò trước bầu cử cuối cùng của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia, được công bố vào ngày 3/5, cho thấy tỷ lệ ủng hộ Pheu Thai giảm so với nửa tháng trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ của đảng Tiến bước đã tăng.

Quan ngại về việc tỷ lệ ủng hộ sụt giảm có thể đã dẫn đến bước đi tiếp theo của ông Thaksin. Vào ngày 9/5, năm ngày trước cuộc bầu cử, ông tuyên bố sẽ trở lại Thái Lan vào ngày 26/7 (sinh nhật của ông).

Ông đã mở lời về khả năng này nhiều lần trước đây, nhưng đây là lần đầu tiên cựu thủ tướng Thái Lan đưa ra một ngày cụ thể. Nỗ lực này có thể nhằm nâng cao tinh thần của đảng và những người ủng hộ ông, nhưng dường như nó đã có phản tác dụng.

Quốc hội tổ chức bầu chọn thủ tướng mới vào tháng 7. Các cử tri có thể nhận định rằng việc ông Thaksin không đợi đến khi chính phủ mới nhậm chức vào tháng 8 là bằng chứng cho tin đồn về một thỏa thuận bí mật giữa Pheu Thai và đảng cầm quyền thân quân đội để thành lập chính phủ liên minh.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Thaksin khẳng định việc mình thông báo về nước vào tháng 7 không liên quan đến kết quả bầu cử.

Cuộc bầu cử mới nhất đã ghi nhận con số kỷ lục 75,2% cử tri đủ điều kiện tham gia. Những người theo chủ nghĩa tự do không thích thỏa hiệp với phe ủng hộ quân đội có thể đã bỏ phiếu cho đảng Tiến bước, trong khi những người không thích ông Thaksin có thể thiên về liên minh ủng hộ quân đội.

Cuộc bầu cử gần đây đã tạo ra cuộc đọ sức giữa những người ủng hộ quân đội với phe đối lập, cũng như giữa những người ủng hộ ông Thaksin với những người gièm pha ông.

Pheu Thai là mục tiêu trong cả hai trận chiến. Kết quả bầu cử cho thấy Pheu Thai đã bị gạt sang một bên như một “di tích chính trị lỗi thời”, Nikkei Asia nhận định.

Cựu Thủ tướng Thaksin từ lâu đã là “lá cờ đầu” đại diện cho ý nguyện của nhân dân Thái Lan, nhưng huyền thoại về ông với tư cách là một chính trị gia "bất khả chiến bại" đã đi đến hồi kết.

Liệu sự kết thúc của một kỷ nguyên có đánh dấu một khởi đầu mới cho nền chính trị Thái Lan hay không là điều vẫn cần phải chờ xem, theo Nikkei Asia.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang