Vé bay hè 'nóng', hàng không tăng chuyến; 'Đại bàng' bắt đầu xây tổ; Cuộc đua tiện ích dự án; Bất an chung cư không sổ

Vé bay hè bắt đầu nóng, hàng không tăng 30% chuyến bay

(Ảnh minh họa).

Từ ngày 1-6 đến 15-8, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO (thuộc Vietnam Airlines Group) sẽ cung ứng hơn 7,3 triệu ghế trên toàn mạng bay nội địa và quốc tế.

Trong giai đoạn cao điểm nhất, các hãng sẽ khai thác gần 500 chuyến bay mỗi ngày, tăng xấp xỉ 30% so với thường lệ.

Các đường bay nội địa "nhộn nhịp" nhất là các đường bay kết nối những điểm du lịch nổi tiếng, như giữa Hà Nội, TP HCM với Đà Nẵng, Côn Đảo, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc…

Còn trên đường bay quốc tế, các điểm đến có nhiều chuyến bay nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.

Vietnam Airlines Group ghi nhận lượng khách đặt chỗ đang tăng khá nhanh, nhiều chuyến bay dịp cao điểm hè đã có tỉ lệ lấp đầy hơn một nửa số ghế. Các hãng triển khai chính sách dải giá vé linh hoạt, với nhiều mức giá từ tiết kiệm đến linh hoạt, phù hợp với khả năng chi tiêu và nhu cầu dịch vụ đa dạng của khách hàng.

Hãng hàng không khuyến nghị hành khách nên đặt vé sớm so với ngày khởi hành dự kiến để có nhiều lựa chọn chuyến bay, cũng như gia tăng khả năng mua được mức giá vé hấp dẫn.

Đồng thời, hành khách nên sử dụng các hình thức tự làm thủ tục trước chuyến bay để tiết kiệm thời gian như: Làm thủ tục tự động (auto checkin), qua website, ứng dụng di động (mobile checkin), điện thoại (telephone checkin) hoặc tại các quầy tự làm thủ tục (kiosk check-in).

Hành khách lưu ý có mặt tại sân bay 2 tiếng trước giờ khởi hành với chuyến bay nội địa, 3 tiếng trước giờ khởi hành với chuyến bay quốc tế để hoàn thiện các thủ tục.

(Nguồn: Soha)

'Đại bàng' bắt đầu xây tổ ở Việt Nam

Nhiều "đại bàng" sau thời gian thăm dò, tìm hiểu, đã quyết định đặt những viên gạch đầu tiên để xây tổ ở Việt Nam.

Apple mở cửa hàng, Boeing sẽ đầu tư chuỗi cung ứng phụ tùng…

Thông tin vừa được Bộ Công thương phát đi bên lề Hội nghị Bộ trưởng thương mại APEC và Hội nghị Bộ trưởng thương mại khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) tại thành phố Detroit (Mỹ) ngày 28.5, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với ông Steve Biegun - Phó chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Boeing (Mỹ). Nửa tháng trước, ngày 12.5, Boeing đã có lễ khánh thành văn phòng đại diện tại Hà Nội. Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Steve Biegun cũng tiết lộ chiến lược kinh doanh của Boeing tại VN. Cụ thể, Boeing sẽ hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù, như máy bay trực thăng, vận tải.

Đặc biệt, tập đoàn này sẽ đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại VN. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, một số nhà cung cấp tại VN đã và đang hỗ trợ sản xuất một số thành phần máy bay thương mại của Boeing như linh kiện, nội thất máy bay và vật liệu tổng hợp. Tuy vậy, đa số các nhà sản xuất này có vốn đầu tư của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Doanh nghiệp (DN) Việt chỉ mới sản xuất được những linh phụ kiện nhỏ, giá trị gia tăng chưa cao.

Do đó, ông Diên mong muốn Boeing giúp "tác động lan tỏa mạnh mẽ hơn" tới việc nâng cao năng lực sản xuất, chế tạo của các DN Việt. Cũng tại hội nghị này, Phó chủ tịch thường trực kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng AES (Mỹ) cũng cho biết sẽ đẩy nhanh các dự án năng lượng đang được triển khai tại VN nhằm sớm cung cấp điện năng, đảm bảo đầy đủ năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.

Trước đó, ngày 18.5, Apple đã công bố sự kiện ra mắt cửa hàng trực tuyến cho thị trường VN, trong đó cung cấp đầy đủ các dòng sản phẩm Apple và hỗ trợ tiếng Việt trực tiếp cho khách hàng trên toàn quốc. Trên trang web của Apple, Phó chủ tịch cấp cao mảng bán lẻ của Apple - bà Deirdre O'Brien bày tỏ: "Chúng tôi tự hào được mở rộng hoạt động tại VN". Theo Hãng tin Reuters, các cửa hàng trực tuyến đi trước là động thái "mở đường" cho việc mở các cửa hàng bán lẻ trực tiếp. Giám đốc điều hành Tim Cook của Apple "đặt cược" vào các thị trường mới nổi. Ông xem đây là cơ hội để Apple tăng trưởng khi dân số tại các thị trường này còn trẻ, số lượng iPhone vẫn chưa bão hòa.

Đến nay, Apple vẫn chưa đề cập đến kế hoạch mở cửa hàng trực tiếp tại VN nhưng từ nhiều năm qua, Apple đã bán sản phẩm tại thị trường VN qua các nhà phân phối chính thức, hãng này cũng có nhiều đối tác lắp ráp, sản xuất các thiết bị tại VN để xuất khẩu. Cửa hàng trực tuyến của Apple tại VN chỉ ra đời vài tuần sau khi hãng này đã mở cửa hàng trực tiếp đầu tiên tại thành phố Mubai và Delhi (Ấn Độ).

Boeing và Apple cũng là 2 trong số 50 doanh nghiệp Mỹ đến VN để thảo luận về các cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh vào tháng 3 vừa qua. Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, nhận định: "Điều chúng ta mong muốn đã và đang diễn ra. Sau chuyến đi đó, sau những cuộc trao đổi làm việc giữa các lãnh đạo cao cấp với các tập đoàn, việc Boeing chính thức đặt văn phòng tại VN là tín hiệu rất tích cực cho nền kinh tế VN, trong bối cảnh nhiều lo lắng suy thoái kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến thu hút vốn FDI. Chính sách về giảm phát thải ròng của VN đang hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ, tôi tin sẽ có những "đại bàng" khác trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo".

Cần đi nhanh hơn nữa

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong 5 tháng đầu năm đã có sự "cải thiện đáng kể". Đặc biệt, số dự án đầu tư mới tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng 66,4%); vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần cũng tăng mạnh. Trong đó, phải kể tới dự án mua cổ phần của nhà đầu tư Nhật Bản tại VPBank, với tổng giá trị thương vụ lên tới 1,5 tỉ USD, giúp vốn FDI vào ngành tài chính, ngân hàng trong 5 tháng tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ. Tuy vậy, các số liệu cũng cho thấy, chưa có nhiều nhà đầu tư lớn đổ hàng trăm triệu, hàng tỉ đô vào VN. 70% dự án mới có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD. Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá: "Các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào VN trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu".

Dù lạc quan, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng vẫn lưu ý VN cần theo dõi chặt chẽ các thay đổi về chính sách của các nước, đặc biệt các tập đoàn đa quốc gia đã vào VN có còn duy trì phong độ tăng trưởng hay chững lại, hay chuyển nhà máy… Tất cả phải có biện pháp phòng bị để không bị bất ngờ, lạc hậu. Ngoài ra, thuế tối thiểu toàn cầu VN chậm ngày nào là thiệt thòi ngày ấy, bởi các quốc gia có DN lớn đầu tư tại VN đã tuyên bố áp dụng thuế này từ năm sau. Nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ, mục tiêu thu hút FDI của VN khó đạt.

Nói rõ hơn, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhấn mạnh VN cần theo dõi đến thay đổi chính sách của các nước, chiến lược đối ngoại của từng nước và đặc biệt là chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia đã và sẽ đầu tư vào VN. "Môi trường kinh doanh và đầu tư toàn cầu đã và đang thay đổi nhiều dưới tác động của những yếu tố địa chính trị phức tạp, những biến cố chưa từng có tiền lệ như trong và sau đại dịch Covid-19, rồi chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu… ảnh hưởng lớn đến thu hút vốn FDI, từ dòng vốn mở rộng, đến vốn chuyển dịch từ các thị trường kém hấp dẫn. Thế nên, các thị trường vốn chất lượng cao đều có sự hạn chế đầu tư ra nước ngoài, kể cả Mỹ, Nhật Bản, EU hay cả Hàn Quốc".

Tỏ ra khá sốt ruột, ông Lạng đặt vấn đề một trong những chính sách ưu đãi mà VN vẫn đang áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài là giảm thuế, phí thuê đất… nhưng hiện với thuế tối thiểu toàn cầu, VN sẽ mời gọi những "đại bàng" bằng chính sách nào? Vì thế, phải có sự thay đổi mạnh mẽ các hình thức tiếp cận. Không thể ngủ quên trên những gì đã đạt được, cũng chưa nên quá hân hoan trước thành tựu mới xuất hiện. Hiện, Indonesia và Ấn Độ là 2 quốc gia có thể coi là đối thủ nặng ký, cũng là đối tác quan trọng trong thu hút vốn FDI. VN cần theo dõi, điều chỉnh chính sách để một mặt giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu, mặt khác tăng tốc thu hút nhà đầu tư mới.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nói thêm: "Những con đại bàng lớn luôn dẫn dụ những đại bàng khác để tạo nên một trung tâm sản xuất linh kiện cho máy bay lớn mạnh. Thế nên, tôi vẫn mơ một giấc mơ về trung tâm sản xuất linh kiện cho máy bay, tàu vũ trụ, công nghệ cao trong tàu thủy… của VN sớm được kích hoạt trở lại".

(Nguồn: Thanh Niên)

Cuộc đua tiện ích dự án: “Át chủ bài” thời khó của nhiều chủ đầu tư

(Ảnh minh họa).

Với quan điểm, khi thực sự đầu tư mạnh vào giá trị bên trong dự án thì giá trị gia tăng của bất động sản sẽ không phụ thuộc vào sự biến động của thị trường bên ngoài, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng chi hàng trăm tỉ đồng đến hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng hệ thống tiện ích dự án, đặc biệt ở phân khúc bất động sản cao cấp, hạng sang.

Mới đây, Tập đoàn Bất động sản Vạn Phúc (Van Phuc Group) gây bất ngờ khi khánh thành công trình nhạc nước với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 200 tỷ đồng tại KĐT Vạn Phúc City (Tp.Thủ Đức). Đây là công trình có quy mô và hiện đại hàng đầu Đông Nam Á do tổ chức kỷ lục Việt Nam ghi nhận, có sức chứa trên 5.000 người. Được biết, khu đô thị quy mô gần 200 ha này đã đầu tư tổng cộng 15.000 tỉ đồng vào tiện ích, hạ tầng dự án trong 8 năm phát triển.

Tương tự, dự án Vinhome Grand Park cũng từng gây ấn tượng với bất động sản khu Đông Tp.HCM khi đầu tư hơn 160 tiện ích nội khu quy mô. Trong đó, có công trình đại công viên ven sông quy mô hàng đầu Đông Nam Á rộng 36ha là điểm nhấn. Với quy mô dự án hơn 270ha, đây là khu đô thị được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào tiện ích, cảnh quan.

Thị trường bất động sản phía Nam cũng từng chứng kiến một số dự án bất động sản khu đô thị đầu tư hàng trăm đến hàng nghìn tỉ đồng để phát triển cảnh quan, tiện ích tạo nên cuộc đua sôi nổi. Phải kể đến dự án Mizuki Park 26ha tại khu Nam Tp.HCM; dự án Waterpoint quy mô 355ha tại Bến Lức, Long An; Aqua City 1.000ha, Izumi City170ha tại Biên Hoà, Đồng Nai…

Hay, mới đây, người tìm mua nhà bị thu hút bởi dòng sản phẩm căn hộ của một dự án ở Tp.Thủ Đức khi có điểm nhấn kiến trúc xanh 3D độc đáo. Mỗi tòa tháp tại đây được bao phủ bởi 24 khu vườn treo thẳng đứng xung quanh. Chưa hết, hồ bơi nội khu tại đây được chủ đầu tư cho biết thiết kế theo chuẩn Olympic.

Trong khi đó, một dự án ở Đồng Nai bám sát dòng sông Sài Gòn, mạnh tay chi cho các tiện ích như bến du thuyền 5 sao, quảng trường mặt trời, bảo tàng xe hơi, đường chạy bộ ven sông... với chi phí hàng trăm tỉ đồng.

Nhờ mạnh tay đầu tư hàng chục triệu USD nâng cấp hạ tầng cảnh quan và tiện ích, một số dự án khu đô thị tại Tp.HCM và vùng phụ cận đã được giới nhà giàu mở hầu bao xuống tiền. Đầu tư vào tiện ích cảnh quan vừa là cách mà các ông lớn bất động sản gây dựng thương hiệu, vừa cạnh tranh thu hút khách hàng trong bối cảnh thị trường biến động. Đây được xem là “át chủ bài” của các chủ đầu tư giữa thời điểm thị trường khó khăn.

Từng chia sẻ về vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp bất động sản phía Nam cho rằng, ở các dự án bất động sản hiện nay câu chuyện hạ tầng chỉ là 1 vế, câu chuyện về tiện ích sống, đáp ứng được nhu cầu ở thực của người dân mới là quan trọng. Một số doanh nghiệp tập trung làm kỹ sản phẩm, phát triển chiều sâu không theo chiều ngang là cũng xuất phát từ câu chuyện ở thực này.

“Làm sản phẩm bất động sản đích cuối cùng là thu hút được người dân về ở. Đây là bài toán cân đối giữa việc đầu tư và nhu cầu sở hữu”, vị này nhấn mạnh.

Thực tế, đây không phải là bài toán dễ. Để đầu tư được hạ tầng, tiện ích nội khu chỉn chu phụ thuộc vào tiềm lực tài chính, kinh nghiệm phát triển dự án và tâm huyết của chủ đầu tư đó. Chẳng hạn, có những khu vực ban đầu nhìn vào không có tiềm năng nhưng chủ đầu tư lại làm tốt cả về hạ tầng lẫn đầu tư tiện ích thì nó cũng trở thành khu đáng sống.

Hay có những vùng sâu xa nhưng chủ đầu tư có tầm nhìn, phát triển được hệ sinh thái cộng hưởng, các công trình thiết thực, đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí, sống tiện ích của cư dân thì vẫn thu hút người vào ở thực.

Cũng theo các doanh nghiệp, tiện ích nội khu tạo giá trị vô hình cho dự án, ít phụ thuộc vào sự lên xuống của thị trường. Đó là lý do, dù bất động sản giảm giá, tại một số dự án khu đô thị, giá nhà phố, biệt thự hay căn hộ vẫn biến động tăng đều theo sự hình thành của tiện ích nội khu. Tuy vậy, mức tăng có phần chững hơn so với trước đây.

Thực tế, có khá nhiều doanh nghiệp địa ốc đặt mục tiêu ngay từ ban đầu là phát triển bền vững chứ không phải tối ưu hóa lợi nhuận. Đa số những doanh nghiệp này thường làm khá ít dự án trong năm, thậm chí có doanh nghiệp 5-10 năm theo đuổi một dự án quy mô. Theo đó, câu chuyện đầu tư tiện ích được doanh nghiệp chú trọng làm lợi thế cạnh tranh.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cộng với việc khách hàng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, không gian sống thì việc các chủ đầu tư phải chi nhiều tiền hơn cho việc xây dựng các tiện ích, dịch vụ cao cấp phục vụ khách hàng là điều phải làm để lôi kéo khách, bán được hàng. Sự khác biệt ở việc đầu tư các tiện ích, dịch vụ độc, lạ tại các dự án bất động sản không chỉ thu hút khách hàng xuống tiền mua nhà mà nó còn tạo lập thương hiệu cho dự án, chủ đầu tư.

Quan sát cho thấy, nhóm khách hàng mua bất động sản cao cấp đều là những người khá kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm đầu tư hoặc để ở. Do đó, họ không chỉ nhìn nhận về góc độ giá cả, chất lượng công trình mà ngày càng có những yêu cầu khắt khe hơn về thiết kế kiến trúc, không gian sống, tiện ích... mang tính đẳng cấp, thời thượng. Chính điều này đã làm cho cuộc đua cạnh tranh tiện ích giữa các dự án ngày càng trở nên gay gắt.

Không chỉ bất động sản nhà ở, cuộc đua giữa các ông chủ dự án bất động sản nghỉ dưỡng thông qua việc chi hàng trăm tỷ cho loạt tiện ích phục vụ du khách cũng đã bắt đầu mấy năm gần đây.

Trước đây, vị trí đắc địa luôn được xem là yếu tố then chốt giúp các dự án gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, khi nhu cầu sống và hưởng thụ của khách hàng ngày càng cao, những dự án được đầu tư hạng mục tiện ích chỉn chu chiếm được nhiều lợi thế hơn.

(Nguồn: CafeF)

Bất an chung cư không sổ

Giá nhà ở tại các thành phố lớn nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn rất cao so với thu nhập của đại bộ phận người lao động. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở lại rất lớn, vì vậy nhiều người đã tìm mua những căn hộ không có sổ đỏ để được hưởng mức giá mềm hơn.

Nhiều khách hàng chấp nhận rủi ro

Chị Trương Mỹ Ánh, nhân viên một công ty bất động sản cho biết, trong 2 tháng trở lại đây, có tới 6 khách hàng hỏi mua chung cư. Trong đó có 3 khách yêu cầu căn hộ phải có sổ đỏ, còn lại 2 khách hàng cho biết chỉ cần căn hộ phù hợp với tài chính.

Anh Hoàng Huy, một khách hàng của chị Ánh cho biết, anh có khoảng 2,2 tỷ đồng, muốn mua một căn chung cư, song với khoản tiền này khó có thể mua được căn hộ ở nội đô, vì các dự án mới thường có mức từ 50 triệu đồng/m2 trở lên. Nếu muốn mua căn hộ khoảng 70m2, phải có ít nhất 3,5 tỷ đồng. Chính bởi giá căn hộ chung cư quá cao, nên anh Huy buộc phải chuyển hướng mua căn hộ chưa có sổ để được hưởng giá mềm hơn.

Anh Huy cho biết: Cùng trong 1 dự án, có căn hộ được cấp sổ đỏ, có căn hộ chưa cấp sổ đỏ. “Như toà nhà The Pride (Hà Đông, Hà Nội) tôi có tham khảo, với căn hộ chưa có giấy tờ đầy đủ, giá thấp hơn căn hộ có giấy tờ đầy đủ khoảng 150 triệu đồng” – anh Huy nói.

Trong khi đó, một khách hàng khác là anh Trần Hùng Hậu (phố Pháo Đài Láng, Hà Nội) cho biết, anh vừa bán một căn nhà 3 tầng với giá 5 tỷ đồng để chuyển lên chung cư. Hơn 3 tháng ròng rã tìm nhà, anh cũng quyết định chọn mua căn hộ 2 phòng ngủ ở toà nhà King Place – Nguyễn Trãi. “Căn hộ tôi chọn mua có giá 60 triệu đồng/m2, nhà cũng chưa có sổ đỏ, song tìm mỏi mắt mà không có dự án nào hợp lý hơn vì ở Nguyễn Trãi cũng tiện cho giao thông” – anh Hậu nói.

Trực tiếp phân phối sản phẩm cho dự án MHD Trung Văn – Tố Hữu (Hà Nội), chị H.H giới thiệu với khách hàng căn hộ ở toà dịch vụ 50 năm giá sẽ mềm hơn. Và khi được hỏi, liệu không có giấy tờ gì sau 50 năm, sẽ không còn nhà nữa? chị H.H thẳng thắn cho biết: “Vì là căn hộ dịch vụ sở hữu 50 năm nên giá mới mềm hơn căn hộ ở toà nhà chung cư thương mại có sổ”.

Anh Mai Tuấn Anh đang sở hữu một căn hộ 3 phòng ngủ tại một toà nhà ở đường Trường Chinh cho hay, vì toà nhà nằm trong danh sách các dự án không đủ điều kiện nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy nên không được cấp sổ hồng. Giá các căn hộ nơi đây so với mặt bằng chung thấp hơn 5 triệu/m2.

Người mua cần nắm rõ thông tin

Luật sư Tô Hà Dũng – đoàn Luật sư TP Hồ Nội nhấn mạnh rằng, mua nhà là một việc lớn, nếu mắc sai lầm thì hậu quả kinh tế và hậu quả pháp lý rất khó lường, gây ra nhiều hệ lụy mệt mỏi về sau. Chưa kể với nhiều người, ngôi nhà là tài sản để dành cho thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu mua căn hộ chung cư chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) thì rủi ro cao bởi có nhiều vấn đề pháp lý mà người mua không thể kiểm tra, xác minh do là bên yếu thế trong giao dịch mua bán.

Bởi vậy, theo luật sư Dũng, người mua cần tìm hiểu rất kỹ về dự án xem có phù hợp với Giấy phép xây dựng về số tầng, diện tích xây dựng (bao gồm diện tích sàn của tòa nhà và của căn hộ dự định mua). Người mua có thể tìm hiểu các căn hộ trong cùng tòa nhà đã được cấp sổ đỏ chưa. “Nếu có căn hộ được cấp, về cơ bản dự án đó an toàn về pháp lý” – ông Dũng nói và cho rằng, dù bất kỳ trường hợp nào người mua vẫn phải rất cẩn trọng, có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các tài liệu, giấy tờ liên quan để chứng minh tính minh bạch và đúng đắn của dự án. Trước khi ký hợp đồng mua bán căn hộ, khách hàng cũng cần tìm hiểu trình tự, thủ tục, thời gian sẽ được cấp sổ đỏ để xem xét các yếu tố đó có phù hợp với khả năng và nhu cầu của bản thân hay không.

Theo các chuyên gia bất động sản, để có thể giảm thiểu rủi ro khi mua nhà chưa có sổ hồng, người có nhu cầu mua nhà nên tìm hiểu rất kỹ về dự án đó. Đồng thời phải đặc biệt chú ý: Nếu mua căn hộ trực tiếp từ chủ đầu tư mà chưa có sổ hồng thì hợp đồng mua bán cần được ký trực tiếp với chủ đầu tư. Nếu tại thời điểm giao nhà mà chủ hộ vẫn chưa giao sổ thì hợp đồng cần được công chứng. Ngoài ra, trong hợp đồng phải ghi chú rõ thời điểm giao sổ là khi nào. Để chắc chắn an toàn, khách hàng cũng nên đàm phán giữ lại bao nhiêu phần trăm giá trị của ngôi nhà, cho đến khi nhận được sổ hồng mới thanh toán nốt số tiền còn lại.

Nếu trường hợp mua lại căn hộ chung cư từ chủ đầu tư thứ cấp thì phải thực hiện mua nhà chung cư chưa có sổ hồng thông qua sàn giao dịch bất động sản theo quy định tại Thông tư 16/2010/TT-BXD và pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, hai bên mua bán nên lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà chung cư ở văn phòng công chứng để đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch và đảm bảo sự an toàn cho người mua nhà.

Giá chung cư đi ngang

Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn trong 4 tháng đầu năm 2023, giá rao bán chung cư ở Hà Nội và TPHCM gần như đi ngang ở tất cả các phân khúc. So với cùng kỳ năm trước, giá rao bán chung cư Hà Nội tăng nhẹ từ 2 - 4% ở phân khúc bình dân và trung cấp, giảm 1% đối với phân khúc cao cấp. Tại TPHCM, chung cư bình dân không có bất kỳ thay đổi nào về giá rao bán, chung cư trung cấp có giá tăng 2%, trong khi chung cư cao cấp tăng giá 6%. Như vậy, giá chung cư tại các thành phố lớn đã trải qua nhiều tháng cầm chừng, không còn tăng nóng như trước đây nhưng cũng không giảm.

Tại Hà Nội, giá chung cư ở các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai... đã vượt mức 35 triệu đồng/m2, không hiếm dự án có giá bán 40 – 45 triệu đồng/m2.

Ông Vũ Cương Quyết - Tổng Giám đốc Đất Xanh miền Bắc cho biết, tại thị trường Hà Nội, nhu cầu ở thực luôn cao. Trong khi đó, nguồn cung có giới hạn. Giá chung cư ở Hà Nội không giảm. Bởi nguồn cung khan hiếm nên dù thanh khoản giảm, một số chủ đầu tư cũng sẽ không giảm giá.

Theo nhận định chung, hiện quỹ đất khu vực nội đô ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM ngày càng ít. Cùng với đó, những thay đổi trong quy hoạch, chính sách thắt chặt hơn nữa sẽ khiến nguồn cung dự án nhà ở thương mại, căn hộ chung cư tại khu vực này khó dồi dào. Trong khi đó, nhu cầu sở hữu nhà ở chung cư của người dân vẫn rất cao. Điều này khiến giá căn hộ chung cư khó hạ.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ thị trường đã được đưa ra, song rất cần thời gian để các chính sách của Chính phủ được thị trường “thẩm thấu”. Tâm lý nhà đầu tư đã dần tích cực, góp phần để đà phục hồi diễn ra nhanh hơn trong thời gian tới. "Diễn biến tích cực từ chính sách điều hành kinh tế, tài chính tiền tệ của Chính phủ đang tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường, góp phần định hướng nhu cầu bất động sản trở về với giá trị thực. Thị trường bất động sản sẽ đảo chiều vào năm 2024 trong điều kiện các chính sách điều hành vĩ mô tiếp tục tích cực" - ông Quốc Anh dự báo.

(Nguồn: CafeBiz)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang