Vật vã mua vé máy bay; Tiêu dùng trực tuyến lên ngôi; Loạt đại gia vướng lao lý 2022; Môi giới BĐS nghỉ Tết dài ngày

NGƯỜI DÂN 'VẬT VÃ' MUA VÉ MÁY BAY, KHÓ ĐẶT TAXI SAU TẾT

(Ảnh minh hoạ).

Nhiều người dân rất chật vật khi mua vé máy bay sau Tết, dù chấp nhận giá cao. Tương tự, nhiều hành khách cũng khó đặt xe taxi qua ứng dụng dù giá đội lên gấp đôi, gấp ba ngày thường.

Vé máy bay căng thẳng, giá xe cao vẫn khó đặt

Nhiều người về quê ăn Tết chỉ mua vé một chiều nên khi mua vé máy bay trở lại sau Tết mới 'tá hỏa' vì không còn vé máy bay. Từ mùng 6-8 tháng Giêng là những ngày cao điểm người dân ùn ùn trở lại thành phố nên vé máy bay rất căng thẳng. Theo khảo sát của Báo Phụ Nữ Việt Nam, chặng Đà Nẵng, Vinh, Huế đi TP.HCM từ mùng 6-8 tháng Giêng hầu hết đều cháy vé. Ở các đường bay như Hà Nội - TP.HCM vẫn còn vé, nhưng có giá tới 3,5-5 triệu đồng/chiều.

Tương tự, sau Tết, nhiều người khó đặt xe taxi qua ứng dụng dù giá cao gấp đôi, gấp ba ngày thường. Báo Phụ nữ TP.HCM phản ánh, nhiều người dân, lao động tại TP.HCM quay trở lại làm việc từ sáng 27/1 (mùng 6 Tết). Nhiều người cho biết dù đã hết thời gian phụ thu Tết, giá cước công nghệ vẫn cao, khó đặt xe.

Số lượng khách du xuân dịp Tết tăng, chi tiêu giảm

Trong 6 ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023 (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), toàn quốc ước phục vụ 9 triệu lượt khách nội địa. Trong số đó, theo Tổng cục Du lịch, khách lưu trú ước đạt 2 triệu lượt khách, giảm khoảng 37,5% so với cùng kỳ; công suất phòng trung bình ước đạt 40-45%. Tuy nhiên, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 17,5 nghìn tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.

Về giá phòng, nhìn chung, có sự tăng nhẹ 15-20%. Nhưng không xảy ra tình trạng cháy phòng, chặt chém giá phòng, bán sai giá niêm yết.

Nhiều cây xăng bị xử lý vì nghỉ bán không có lý do chính đáng

Ngày 25/1 (tức mùng 4 Tết), Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 - Cục QLTT tỉnh Hà Nam lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với Công ty TNHH Chiến Dưỡng về hành vi giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết mà không có lý do chính đáng.

Sáng 26/1 (mùng 5 Tết), Đội QLTT số 1 (thuộc Cục QLTT tỉnh Bình Phước) vừa lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt một cơ sở kinh doanh xăng dầu do ngưng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Trong ngày 26/1, trên địa bàn TP.HCM có 4 cửa hàng xăng dầu ngưng hoạt động để giải thể; 8 cửa hàng xăng dầu hết hàng, tạm ngưng nghỉ Tết.

Bộ Tài chính yêu cầu siết chặt thu phí tham quan, dịch vụ trông xe sau Tết

Theo Bộ Tài chính, sau Tết Nguyên đán là thời điểm các lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, đồ lễ sẽ có xu hướng tăng.

Bộ Tài chính yêu cầu các ban ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yết, thực hiện kiểm soát chặt và bình ổn giá cả đối với các mặt hàng liên quan dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại dịp lễ, Tết; tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí (nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô).

Giá hàng hoá tiêu dùng ổn định sau Tết

Tình hình cung cầu, giá cả thị trường sau Tết Nguyên đán cơ bản bình ổn và diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá do Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo.

Không chỉ ổn định giá trước và trong Tết, ghi nhận của PV. VTV tại các hệ thống bán lẻ và chợ dân sinh trong sáng 27/1, hàng hoá dồi dào, giá cả ổn định, thậm chí các hệ thống bán lẻ còn tăng chương trình khuyến mãi để kích cầu.

Ngân hàng tấp nập khách gửi tiền

Sau 1 tuần nghỉ Tết, ngày 27/1 (mùng 6 Tết), các ngân hàng đã hoạt động trở lại. Khắp các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng, lượng khách đến giao dịch ngày đầu năm mới Quý Mão khá đông.

Rất nhiều chương trình ưu đãi đang được các ngân hàng triển khai nhằm thu hút khách hàng gửi tiền như lì xì, lộc đầu năm, quay số trúng thưởng, tặng quà... Dù mặt bằng lãi suất đi ngang từ cuối 2022, tiền gửi vào các ngân hàng vẫn tăng tích cực.

(Nguồn: Vietnamnet)

TIÊU DÙNG TRỰC TUYẾN LÊN NGÔI

Nếu như trước đây, các hoạt động mua sắm thường được người tiêu dùng chọn mua trực tiếp tại siêu thị, cửa hàng thì những năm gần đây, nhiều người dần chuyển sang hình thức trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Xu hướng này đã tạo cơ hội cho TMĐT phát triển mạnh mẽ, từng bước thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Chia sẻ về thói quen tiêu dùng, anh Nguyễn Tuấn Anh, ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho hay: “Hai năm trở lại đây, tôi thường mua sắm trên các sàn TMĐT như Tiki, Shopee, Lazada, Voso… Điều này giúp tôi cùng lúc có thể mua nhiều mặt hàng, có thể so sánh về chất lượng, giá trước khi đưa ra lựa chọn. Mặt hàng tôi ưa thích là đặc sản vùng miền, đồ gia dụng, trung bình mỗi tuần tôi mua từ 7 - 8 đơn”.

Còn với chị Phạm Thu Thủy, ở quận Đống Đa (Hà Nội) thì thói quen mua hàng trên các sàn TMĐT giúp chị tiết kiệm được nhiều thời gian. Tại các gian hàng, chị Thủy có thể tham khảo thông tin về sản phẩm, đánh giá của những người đã mua hàng trước khi quyết định đặt mua. “Hàng giao đến, tôi được kiểm tra hàng, tiếp đó mới chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm”.

Nhận định tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, tại Việt Nam, mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Với gần 45 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2025 có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số khoảng 35 tỷ USD. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các DN lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.

Năm 2022 tiếp tục là cuộc đua giành thị phần giữa các “ông lớn” như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… trên sàn TMĐT. Cuộc đua giành thị phần này đang tạo ra sự phân hóa mạnh mẽ của thị trường. Để tăng năng lực chiếm lĩnh thị phần trên thị trường, các “ông lớn” đang đổ vốn đầu tư vào thị trường TMĐT.

Cùng với cuộc chạy đua đổ vốn mở rộng thị trường, việc một lượng lớn người dùng kỹ thuật số tương tác cao và hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển tạo ra các nền tảng cho tăng trưởng mạnh mẽ giúp nền kinh tế internet của Việt Nam tiếp tục thu hút vốn toàn cầu. Thị trường TMĐT đang phát triển mạnh mẽ khi người tiêu dùng ngày càng quen với việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến. Đáng chú ý, thị trường TMĐT năm 2022 phát triển theo cả 3 xu hướng: Cá nhân hóa trải nghiệm người mua hàng; thanh toán không tiền mặt và tiêu dùng thân thiện với môi trường.

Không phủ nhận thị trường TMĐT đang trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các DN Việt. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ưu điểm, hoạt động TMĐT cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong quá trình mua hàng qua mạng.

Theo Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn, các yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực TMĐT đang gia tăng liên tục. Trong giai đoạn 2019 - 2022, trung bình mỗi năm đã tiếp nhận và xử lý trên 200 khiếu nại, yêu cầu trong lĩnh vực TMĐT.

Một số hành vi bị phản ánh, khiếu nại thường xuyên bao gồm: Hàng nhận được khác với quảng cáo; thông tin giao dịch của người tiêu dùng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng; tự động hủy đơn hàng; người tiêu dùng không mua được hàng theo giá quảng cáo hoặc hàng khuyến mại đi kèm; bán hàng giả, hàng đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại…

Có thể thấy, thế mạnh của TMĐT đã rõ, song mặt hạn chế của nó cũng không ít. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng khi tham gia TMĐT, các cơ quan, đơn vị liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng; hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết hàng thật và phân biệt hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt các vi phạm về TMĐT cũng như công khai các trang TMĐT vi phạm để cảnh báo người tiêu dùng.

(Nguồn: Kinh tế & Đô thị)

LOẠT ĐẠI GIA VIỆT VƯỚNG VÒNG LAO LÝ NĂM 2022

(Ảnh minh hoạ).

Trong năm 2022, hàng loạt đại gia Việt đã bị khởi tố và xét xử vì liên quan đến những sai phạm gây rúng động trong dư luận

Vụ thao túng giá chứng khoán

Ngày 29-3-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT FLC) với tội danh "Thao túng thị trường chứng khoán".

Sau đó, cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xác minh thêm các cá nhân thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".

Tiếp đó, ngày 25-8-2022, ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục bị Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bổ sung tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" cùng với bà Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế (cùng em gái ông Quyết) và Hương Trần Kiều Dung. Bốn người này bị điều tra hành vi nâng khống vốn của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Quyết và các bị can được thực hiện từ đầu tháng 12-2021 đến phiên giao dịch ngày 10-1-2022. Riêng trong phiên 10-1, ông Quyết đã bán chui 74,8 triệu cổ phiếu.

Thủ đoạn của bị can Quyết khá tinh vi, chỉ đạo cùng lúc nhiều người cùng tham gia thổi giá cổ phiếu của chính tập đoàn mình nắm giữ lên mức cao để thu hút nhà đầu tư, rồi bán chui cổ phiếu đã mua rẻ trước đó, hưởng lợi bất chính. Cụ thể, từ ngày 1-12-2021, giá cổ phiếu FLC từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu liên tục tăng mạnh do nhóm của ông Quyết tạo cung cầu ảo, lên mức cao nhất là 24.000 đồng/cổ phiếu (tăng hơn 64%).

Sau đó, ông Quyết chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu mà không công bố trước, tổng số đã khớp lệnh là 74,8 triệu cổ phiếu, với giá trung bình là 22.500 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền thu về từ việc bán chui cổ phiếu là gần 1.700 tỉ đồng, trong đó ông Quyết hưởng lợi bất chính hơn 530 tỉ đồng.

Vụ án Tân Hoàng Minh

Ngày 5-4-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tân Hoàng Minh), Đỗ Hoàng Việt (con trai ông Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh), Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt) và các bị can có liên quan về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Bước đầu, Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định trong thời gian từ tháng 7-2021 đến tháng 3-2022, cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và một số thuộc cấp đã sử dụng pháp nhân của 3 công ty con gồm Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Đầu tư & Dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty Cung Điện Mùa Đông để thực hiện hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu.

Từ việc phát hành trái phiếu gian dối, nhóm đã huy động tiền trái quy định của nhiều nhà đầu tư. Tân Hoàng Minh đã phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư, nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Vụ án Vạn Thịnh Phát

Đầu tháng 10-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam các bị can Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor), Nguyễn Phương Hồng (trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Hồ Bửu Phương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Cơ quan điều tra xác định, bà Trương Mỹ Lan và các bị can có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định pháp luật để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của nhà đầu tư trong thời gian năm 2018 - 2019. Sai phạm này xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Vụ bà Nguyễn Phương Hằng

Tối ngày 24-3, bà Nguyễn Phương Hằng Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam bị Cơ quan cảnh sát điều tra (PC01) Công an TP HCM bắt về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đến đầu tháng 12-2022, 3 trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng là Nguyễn Thị Mai Nhi trợ lý của Nguyễn Phương Hằng, Lê Thị Thu Hà nhân viên Công ty CP Đại Nam và Huỳnh Công Tân Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam để điều tra cùng về hành vi nêu trên.

Theo cơ quan điều tra, bà Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của mình, tổ chức nhiều buổi livestream có nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác. Trong đó, bà Hằng sử dụng những ngôn từ "mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm" của những người liên quan.

Bà Nguyễn Phương Hằng là vợ của doanh nhân Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng "Lò Vôi"), có quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Cyprus. Trong đó, gia đình bà Hằng có những khối tài sản hàng ngàn tỉ đồng như Khu Du lịch Đại Nam, chủ đầu tư các khu công nghiệp gồm Sóng Thần 1, 2 và 3 với quy mô tầm cỡ.

Vụ án AIC

Những ngày đầu năm 2023, TAND TP Hà Nội đã tuyên án vắng mặt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) 14 năm tù về tội Đưa hối lộ và 16 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hình phạt là 30 năm tù. Trong vụ án này, Trong đó, hai lãnh đạo cao cấp của tỉnh Đồng Nai là cựub í thư Trần Đình Thành và cựu chủ tịch Đinh Quốc Thái đã phải nhận mức án lần lượt là 11 năm tù và 9 năm tù về tội Nhận hối lộ. 33 bị cáo còn lại lĩnh các mức án từ 30 tháng tù treo đến 25 năm tù.

Bản án xác định Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC, muốn trúng thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Đồng Nai nên gặp, nhờ bị cáo Trần Đình Thành, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, giúp đỡ. Thông qua ông Thành, bị cáo Nhàn và người trong AIC tiếp xúc với các lãnh đạo khác gồm Đinh Quốc Thái, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, cựu Giám đốc Sở Y tế; Bồ Ngọc Thu, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư.

Được nhóm trên "tạo điều kiện", Công ty AIC đã trúng 16 gói thầu tại Bệnh viện Đồng Nai với giá cao hơn thị trường, gây thiệt hại 152 tỉ đồng. Sau đó, Nhàn đã trực tiếp hoặc chỉ đạo cấp dưới hối lộ các bị cáo Thành, Thái mỗi người 14,5 tỉ đồng; Vũ 14,8 tỉ đồng.

(Nguồn: Người Lao Động)

MÔI GIỚI NHÀ ĐẤT NGHỈ TẾT DÀI NGÀY

Có lẽ 2023 là kỳ nghỉ Tết kéo dài nhất của nhiều môi giới bất động sản (BĐS). Còn nhớ, cùng kì năm trước, hoạt động mua bán BĐS đã rục rịch. Nhiều môi giới làm việc xuyên Tết.

Về quê trước ngày 23 Tết, hiện anh B, là một môi giới lâu năm tại thị trường khu Đông Tp.HCM chưa xác định được ngày trở lại TP. Khi được hỏi về thời gian quay lại công việc, anh B chia sẻ: “Nếu vào sớm cũng chưa có việc làm, nên cứ tạm thời ở quê chờ ổn ổn rồi vào”. Anh B nhớ lại, năm trước khoảng mùng 4 Tết là anh đã dẫn khách đi xem đất. Trong gần nửa đầu năm 2022, anh và nhóm bạn môi giới không có thời gian nghỉ ngơi. Thậm chí, có người bạn ở lại Thành phố làm xuyên Tết.

“Đó cũng là khoảng thời gian duy nhất cho đến nay anh em có thu nhập ổn định. Tết này gần như tình thế đảo ngược khi không xác định được thời điểm trở lại guồng công việc”, anh B chia sẻ.

Cùng tình cảnh, anh Hùng, là môi giới của một doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn Q.5, Tp.HCM cũng được thông báo nghỉ Tết đến hết tháng giêng. Đây là kỳ nghỉ Tết dài nhất mà anh Hùng trải qua kể từ khi bước chân vào làm môi giới BĐS. Theo anh Hùng, dù được thông báo như vậy nhưng kì nghỉ có thể kéo dài hơn vì tuỳ thuộc vào tình hình của thị trường.

Nhớ lại thời điểm cùng kì năm ngoái, anh Chí, ngụ tại Đồng Nai cho hay, khoảng vào mùng 9 Tết phòng công chứng trên địa bàn Định Quán (Đồng Nai) đã nhộn nhịp. Nhiều người xếp hàng làm thủ tục chuyển nhượng đất đai. Mua bán diễn ra liên tục ngay thời điểm đầu năm. Hiện tại, các phòng công chứng đìu hiu, vắng vẻ.

Tại các điểm nóng như Cẩm Mỹ, Định Quán gần như im ắng giao dịch từ thời điểm tháng 5/2022 đến nay. Nhiều nhà đầu tư ôm đất vườn, đất nông nghiệp hoặc rao bán dưới giá vốn, hoặc chờ đợi thị trường.

Ghi nhận cho thấy, nhiều môi giới BĐS bắt đầu nghỉ Tết từ giữa tháng 12/2022 . Các nhân viên tự hoạt động kinh doanh theo hình thức không lương, không thưởng Tết và nhận hoa hồng theo giao dịch thành công. Trong khi các chủ đầu tư cũng phải cắt giảm nhân sự, co cụm bộ máy để tiết giảm chi phí. Bên cạnh một số doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ Tết kéo dài 1- 2 tháng thì một số khác chưa hẹn ngày đi làm trở lại.

Lãnh đạo một công ty BĐS tại Tp.HCM cho hay, từ cuối quý 3/2022 đến nay gần như không có giao dịch. Càng duy trì hoạt động thì càng lỗ nên công ty đã quyết định đóng cửa sớm, cho nhân viên mảng kinh doanh về nghỉ tết, bắt đầu từ đầu tháng 12/2022. Vị này cũng than vãn vì không biết thời điểm nào nên cho nhân viên trở lại làm việc.

Thậm chí, một số doanh nghiệp địa ốc còn khuyến khích nhân viên nghỉ việc vì không đủ tài chính chi trả lương. Nhiều môi giới BĐS lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi giao dịch không có, lương không được nhận, hoa hồng cũng không.

Với các môi giới tự do gần như ở không xác định được ngày quay trở lại thị trường. Những người đã về quê trước đó hoặc xin việc khác làm tạm, hoặc tiếp tục “ăn chơi” ở quê chờ thời điểm BĐS hồi phục.

Tìm hiểu được biết, nhiều môi giới BĐS đang gặp khó khăn về tài chính. Trong số đó có nhiều người mua trả góp nhà hoặc dùng đòn bẩy đầu tư lướt sóng BĐS càng đuối sức khi mất thu nhập. Theo một doanh nghiệp địa ốc, thời điểm dịch Covid-19, việc cắt nhân sự hay giảm lương là tình thế tạm thời. Nhiều doanh nghiệp vẫn gồng gánh được các chi phí. Hiện tại, khó khăn dòng tiền, thanh khoản “đứt gãy” khiến nhiều doanh nghiệp không còn cách nào. “Nhiều lúc cố giữ nhân sự để chờ thị trường phục hồi. Thế nhưng, khó chồng khó khiến doanh nghiệp không còn cách nào. Nếu cứ đà này, nhiều doanh nghiệp sẽ chính thức rời thị trường”, vị này chia sẻ.

(Nguồn: CafeF)

(Xem thêm:=> Tết 'ế ẩm', Tết 'ảm đạm'; Rau xanh đắt gấp đội sau Tết; Thị trường 'khát' nhà ở; Vỡ kế hoạch mua nhà vì thất nghiệp ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang