Vấn đề bị lãng quên ở TQ; Chiến lược 'TQ + 1'; Thượng đỉnh Nhật-Hàn; Đài Loan cảnh báo Honduras; 'cuộc chiến trừng phạt' ở Nga

Vấn đề bị ‘lãng quên’ trong kỳ họp lưỡng hội của Trung Quốc

(Ảnh minh họa).

Dù đang đối mặt với các vấn đề về nhân khẩu học, Trung Quốc không đề cập nhiều đến kế hoạch giải quyết tỷ lệ sinh thấp và dân số già trong kỳ họp lưỡng hội quan trọng.

Trung Quốc đang bước vào một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học chưa từng có tiền lệ về tốc độ và quy mô. Dân số nước này bắt đầu giảm vào năm 2022, khi tỷ lệ sinh trên toàn quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong khi số người già tiếp tục tăng.

Tình trạng đó không chỉ đe dọa làm quá tải cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe và khiến hệ thống hưu trí gặp rủi ro, mà còn đặt ra thách thức đối với tham vọng kinh tế của nước này.

Tuy vậy, những báo cáo gửi tới Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc trong kỳ họp Lưỡng hội không đề cập nhiều đến cách Bắc Kinh lên kế hoạch giải quyết các vấn đề nhân khẩu học, liên quan đến tỷ lệ sinh thấp và dân số già đi nhanh chóng. Kỳ họp này là sự kiện chính trị trọng đại của Trung Quốc trong năm 2023.

Nút thắt chưa được tháo gỡ

Trung Quốc đã đạt tới thời điểm quan trọng: Dân số bắt đầu giảm, sau khi tỷ lệ sinh giảm liên tục trong nhiều năm. Hôm 17/1, chính phủ Trung Quốc cho biết trong năm 2022, 9,56 triệu em bé được sinh ra, trong khi 10,41 triệu người qua đời.

Sự mất cân bằng nhân khẩu học ngày càng gia tăng tiếp tục gây khó khăn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn hưởng lợi từ “lợi tức dân số” (demographic dividend) khổng lồ.

“Về lâu dài, chúng ta sẽ chứng kiến một Trung Quốc mà thế giới chưa từng thấy”, Wang Feng - giáo sư xã hội học tại Đại học California ở Irvine, chuyên nghiên cứu về nhân khẩu học Trung Quốc - cho biết. “Sẽ không còn là Trung Quốc có dân số trẻ, năng động. Chúng ta sẽ bắt đầu nhìn nhận Trung Quốc là quốc gia già hóa và dân số giảm”.

Dù các quan chức Trung Quốc đã cố trì hoãn thời điểm này trong nhiều năm, đến nay Bắc Kinh vẫn chưa thể đưa ra một chiến lược nhất quán và hiệu quả để giải quyết thách thức dân số, theo South China Morning Post.

Không giống chính sách một con từng được thực hiện mạnh mẽ trên toàn quốc dưới chế độ pháp lý và hành chính nghiêm ngặt suốt hơn ba thập kỷ, những nỗ lực tăng tỷ lệ sinh của Trung Quốc vẫn chưa ghi nhận hiệu quả, dù là ưu tiên hàng đầu. Các biện pháp hiện tại như chính sách cho phép mỗi cặp vợ chồng sinh con thứ ba không đủ tăng tỷ lệ sinh của nước này.

Trong khi đó, việc khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh con chủ yếu do chính quyền địa phương thực hiện đơn lẻ.

Chẳng hạn, tại trung tâm công nghệ Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, chính quyền thành phố thông báo sẽ trợ cấp một lần cho mỗi cặp vợ chồng sinh con thứ ba 20.000 nhân dân tệ (tương đương 2.875 USD), và con thứ hai 5.000 nhân dân tệ (558 USD). Tại Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang, mỗi cặp vợ chồng cũng sẽ nhận trợ cấp 1.000 nhân dân tệ/tháng trong ba năm khi sinh con thứ ba.

South China Morning Post nhận định dân số là một trong những chủ đề nóng cho các đề xuất trong kỳ họp lưỡng hội năm nay. Tuy nhiên, các báo cáo không đề cập nhiều đến kế hoạch tăng tỷ lệ sinh hay cung cấp dịch vụ chăm sóc cho số lượng người cao tuổi ngày càng tăng.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 1 cho thấy hầu hết sinh viên đại học ở nước này không coi hôn nhân là điều cần thiết, và các chính sách khuyến khích sinh con không mấy tác động đến tâm lý của họ.

Báo cáo do nhiều tổ chức đồng công bố, trong đó có Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc, cho thấy giờ đây giới trẻ nước này coi hôn nhân là một cách nâng cao chất lượng cuộc sống cả về tinh thần và vật chất - sự thay đổi rõ rệt so với các thế hệ trước.

Số người kết hôn lần đầu ở Trung Quốc đã giảm xuống còn 11,6 triệu vào năm 2022, giảm gần 700.000 so với một năm trước, theo Niên giám Thống kê Trung Quốc 2022. Con số này giảm mạnh so với mức đỉnh 23,9 triệu vào năm 2013.

Theo báo cáo, “gây dựng sự nghiệp trước khi lập gia đình” đã trở thành nguyên tắc cho cả nam giới và phụ nữ, trong khi “nỗi đau sinh nở” là nỗi sợ hãi chính với phụ nữ.

“Tương lai lý tưởng của tôi là tìm được ai đó cùng thực hiện lối sống DINK (gấp đôi thu nhập, không có con). Tôi vẫn có thể kết hôn nhưng thực sự không muốn có con. Thế hệ cha mẹ tôi nghĩ rằng việc nuôi dạy một đứa trẻ thật dễ dàng - chỉ cần thỉnh thoảng cho ăn rồi chúng sẽ tự lớn. Nhưng thời đại nay khác rồi”, Sophie Wang, nhân viên marketing ở Bắc Kinh, chia sẻ.

Nguy cơ già trước khi giàu

Trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc bắt đầu hôm 5/3, một đại biểu đề xuất nước này nên cung cấp cho sinh viên sau đại học và tiến sĩ hỗ trợ tài chính, cùng chính sách “hợp lý” nếu họ muốn kết hôn và sinh con khi đang đi học.

Điều đó cho thấy mối lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng sâu sắc tại nước này đang thúc đẩy các đề xuất chính sách mới.

Vị đại biểu cho biết hệ thống giáo dục nên xem xét độ tuổi sinh con tối ưu và điều chỉnh cho phù hợp, để những người trẻ tuổi có thể sắp xếp kết hôn và sinh con hợp lý.

Tuy nhiên, nhà nhân khẩu học He Yafu cho rằng không nên phản đối hay khuyến khích sinh viên đại học kết hôn và sinh con. “Trách nhiệm chính của sinh viên đại học là học tập, và việc lập gia đình chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến điểm số”, ông nói.

Trong khi đó, ông He Dan, đại biểu Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số - Phát triển Trung Quốc, đề xuất Bắc Kinh nên tăng trợ cấp tiền mặt cho các gia đình chỉ có một con, vì nhiều bà mẹ Trung Quốc vẫn không muốn sinh con thứ hai do gặp khó khăn khi nuôi con đầu lòng.

“Những vấn đề như chất lượng cuộc sống giảm sút sau khi sinh, căng thẳng khi nuôi dạy con cái, quá trình giáo dục quá mệt mỏi và lo lắng, cũng khiến các gia đình không muốn sinh thêm con”, ông nói thêm.

Trung Quốc đã có một số hỗ trợ cho việc sinh con. Tuy nhiên, đối với nhiều người, những ưu đãi không giúp giải quyết lo ngại về chăm sóc cha mẹ già, hay về chi phí giáo dục và nhà ở tăng cao.

“Vấn đề cơ bản không phải là mọi người không thể sinh con mà là họ không đủ khả năng chăm con”, Lu Yi, một y tá 26 tuổi ở Tứ Xuyên, chia sẻ. Cô cho biết bản thân cần kiếm được ít nhất gấp đôi mức lương hàng tháng - tức 8.000 nhân dân tệ (khoảng 1.200 USD) - để có thể tính tới chuyện sinh con.

Bên cạnh đề xuất của ông He Dan, một số đại biểu khác đã đưa ra ý tưởng tăng tỷ lệ sinh. Chẳng hạn, phát biểu trước truyền thông nhà nước, ông Xu Congjian, đại biểu của CPPCC, cho biết Trung Quốc nên cho phép phụ nữ chưa kết hôn sử dụng các công nghệ hỗ trợ sinh sản như đông lạnh trứng.

Sáng kiến ​​này đã tô đậm tính cấp bách của việc thúc đẩy tỷ lệ sinh tại Trung Quốc nhằm ngăn chặn tình trạng suy giảm lao động. Viễn cảnh dân số già đi nhanh chóng có thể làm chậm nền kinh tế khi nguồn thu giảm, nợ chính phủ tăng do chi phí phúc lợi và y tế tăng vọt. Các nhà nhân khẩu học cảnh báo rằng Trung Quốc có thể già trước khi giàu.

(Nguồn: Zing News)

Nhiều công ty đẩy mạnh chiến lược "Trung Quốc+1": Lùng sục ASEAN để đặt nhà máy, Việt Nam là điểm đến lý tưởng

Theo truyền thông quốc tế, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đang ở trong tầm mắt của nhiều tập đoàn khi bắt đầu triển khai các cơ sở sản xuất mới.

Động thái nằm trong nỗ lực giảm rủi ro chuỗi cung ứng khi căng thẳng địa chính trị giữa phương Tây và Bắc Kinh ngày càng tăng.

Các công ty cấp tập dồn về Đông Nam Á

Financial Times đưa tin, Tập đoàn Siemens của Đức đang "lùng sục" khắp Đông Nam Á để tìm kiếm các thỏa thuận.

Tập đoàn của Đức, một trong những tập đoàn công nghiệp lớn nhất thế giới, đang tuyển nhân viên và xem xét bổ sung các nhà máy tại các nền kinh tế đang phát triển nhanh bao gồm Indonesia, Việt Nam và Thái Lan - Judith Wiese, Giám đốc nhân sự của Siemens, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Đó là một khu vực rất đa dạng và có nhiều tiềm năng, bà Wiese nói thêm.

Các chuỗi cung ứng đang bị ảnh hưởng trong bối cảnh Mỹ nỗ lực hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của Trung Quốc, cộng thêm hệ quả từ dịch Covid-19 trước đây tại nước này cũng như tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Bên cạnh đó, tờ Nikkei (Nhật Bản) đưa tin, tập đoàn Keppel của Singapore đang khai thác các thị trường mới nổi như Việt Nam để tăng trưởng.

Nikkei viết, Việt Nam đang có sức hút như một trung tâm sản xuất cho các nhà đầu tư đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Giám đốc điều hành của công ty, Loh Chin Hua, đã lưu ý trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia rằng các doanh nghiệp đang nghiêng về chiến lược "Trung Quốc + 1" - nỗ lực nhằm đa dạng hóa các khoản đầu tư từ Đại lục sang các điểm đến thay thế để giảm rủi ro.

Các công ty công nghệ đã bắt đầu vào Việt Nam, coi Việt Nam là một cơ sở sản xuất khả thi, ông Loh nói.

"Chúng tôi đang ở một vị trí rất tốt để... đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam. Chúng tôi cũng nhận thấy rất nhiều cơ hội ở Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng,” Loh nói thêm.

Tập đoàn Singapore đang xem xét các khả năng kinh doanh từ chất thải thành năng lượng tại Việt Nam và tất nhiên là cả các trung tâm dữ liệu, lĩnh vực mà tập đoàn Keppel khá mạnh - theo Nikkei. Ngoài Việt Nam, công ty đang để mắt đến các thị trường khác trong ASEAN như Indonesia, Thái Lan [và] Malaysia.

Chiến lược "Trung Quốc + 1" đang thành hiện thực

Một số công ty đa quốc gia đang trong chiến lược sản xuất “Trung Quốc + 1”. Sony, Apple, Samsung và Adidas nằm trong số các doanh nghiệp đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Thái Lan - tờ Financial Time cho hay.

Một luật sư ở Singapore cho biết, các công ty châu Âu đã chậm hơn trong việc chuyển chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á, nhưng xu hướng này sẽ đẩy nhanh ngay bây giờ.

Ấn Độ cũng hưởng lợi tương tự từ việc các công ty chuyển hoặc bổ sung dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Ấn Độ là một thị trường lớn và được cho là có tiềm năng tái lập các điều kiện đã giúp Trung Quốc trở thành cường quốc sản xuất của thế giới.

Bà Wiese nói rằng mặc dù Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất chính của châu Á, nhưng dễ dàng bị thay thế hơn khi những nơi khác phát triển.

Đông Nam Á “có cơ hội với tư cách là một thị trường cũng như từ góc độ sản xuất”, bà nhấn mạnh.

Các đại gia công nghiệp Đức phải chịu áp lực ngày càng tăng để xem xét lại sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.

Philip Buller, nhà phân tích tại Berenberg, cho biết động lực đằng sau quyết định đầu tư của Siemens, là triển vọng về nhu cầu và tăng trưởng. Ông nói thêm: “Trong vài thập kỷ, Trung Quốc là động lực tăng trưởng, nhưng điều đó hiện đang giảm dần".

Dan Harris, thành viên sáng lập của Harris Bricken - công ty luật quốc tế thường đại diện cho các công ty kinh doanh tại các thị trường mới nổi - cho rằng "Trung Quốc + 1" hiện đang quay trở lại và trở lại mạnh mẽ.

Theo ông, mong muốn của các công ty chuyển ra khỏi Trung Quốc ngày nay mạnh mẽ và cấp bách hơn so với năm 2014-2015, khi chính sách này mới được nhắc đến.

Khi nhiều công ty chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, thì càng có nhiều nhà sản xuất phụ tùng linh kiện đang và sẽ tiếp tục chuyển hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc.

Ông cũng nhận thấy sự gia tăng mạnh mẽ các nhà sản xuất linh kiện ở Trung Quốc chuyển hoạt động sản xuất sang những nơi như Việt Nam và Mexico.

Điều này đã xảy ra trong một số ngành công nghiệp, nhưng còn chậm, ông nói thêm.

(Nguồn: Soha)

Hội nghị thượng đỉnh trọng đại giữa hai láng giềng Nhật-Hàn

(Ảnh minh họa).

Lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản họp mặt tại Tokyo hôm thứ Năm trong sự kiện được ca ngợi là một "cột mốc" mới trong mối quan hệ đầy căng thẳng giữa hai quốc gia. Cuộc họp diễn ra ngay khi Bắc Triều Tiên bắn đợt tên lửa thứ tư trong vòng một tuần.

Các phóng viên của BBC đánh giá những vấn đề xoay quanh cuộc gặp đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 2011.

Seoul có bước đi đầu tiên - nhưng mong muốn nhiều hơn

Jean Mackenzie từ Seoul

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã thực hiện khá thành công cuộc đảo chính để có được hội nghị thượng đỉnh này.

Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Hàn Quốc được mời tới Tokyo cho một cuộc gặp như vậy sau 12 năm.

Mối quan hệ giữa hai nước láng giềng này đã gặp nhiều trở ngại trong nhiều thập kỷ bởi lịch sử sóng gió. Hàn Quốc là thuộc địa của Nhật Bản từ năm 1910 cho đến khi kết thúc Thế chiến II. Lính Nhật buộc hàng trăm nghìn người Triều Tiên làm việc trong các hầm mỏ và nhà máy của họ. Phụ nữ bị buộc phải làm nô lệ tình dục.

Những vết sẹo này dù không còn mới nhưng không bị lãng quên và cũng không được tha thứ ở đây.

Tuy nhiên, hồi tuần trước, Tổng thống Yoon đã từ bỏ yêu cầu Nhật Bản bồi thường cho một số nạn nhân thời Nhật Bản đô hộ. Ông đồng ý rằng thay vào đó, Hàn Quốc sẽ gây quỹ. Làm như vậy, ông đã tìm cách gác lại quá khứ vì lợi ích an ninh của Đông Bắc Á.

Lãnh đạo phe đối lập coi thỏa thuận này là "sự sỉ nhục lớn nhất trong lịch sử của chúng ta".

Nhưng quyết định đó đã đem lại cho Tổng thống Yoon chuyến đi tới Tokyo. Các nhà ngoại giao ở đây âm thầm ngạc nhiên, thán phục. Họ coi đó là một bước đi dũng cảm và khôn ngoan, đặc biệt là đối với một người mới bước chân vào lĩnh vực chính trị, không có kinh nghiệm về chính sách đối ngoại như ông Yoon. Cho đến năm ngoái, ông Yoon là luật sư.

Kể từ khi nhậm chức, ông đã coi việc hàn gắn mối quan hệ rạn nứt này là nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình. Với việc Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, Seoul sẽ được hưởng lợi từ việc chia sẻ thông tin tình báo với Tokyo và quân đội hai bên hợp tác với nhau.

Ông cũng muốn làm hài lòng đồng minh của mình, Hoa Kỳ, quốc gia đang nỗ lực hết mình kéo các đối tác lại gần hơn để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden ca ngợi thỏa thuận với Nhật Bản của ông Yoon là "một chương mới đột phá". Ngày hôm sau, ông đã gửi lời mời nhà lãnh đạo Hàn Quốc đến Nhà Trắng, thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước danh giá.

Điều này cũng báo hiệu một chương mới cho vị trí của Hàn Quốc trên thế giới. Tổng thống Yoon muốn chấm dứt những gì ông coi là tầm nhìn hạn chế của đất nước mình đối với Bắc Triều Tiên.

Thay vào đó, ông đang hướng ra bên ngoài, xuyên suốt khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với vai trò lớn hơn mà Hàn Quốc có thể đóng. Lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng Năm ở Hiroshima sẽ khiến một sứ mệnh được hoàn thành.

Cũng có cả những gặt hái trong phần thưởng kinh tế. Vào năm 2019, khi các mối quan hệ đặc biệt trở nên căng thẳng, Nhật Bản đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với các hóa chất mà Seoul cần để chế tạo đồ bán dẫn. Một quan chức cấp cao của chính phủ cho biết việc dỡ bỏ những điều này là ưu tiên hàng đầu.

Hội nghị thượng đỉnh này mang đến cơ hội hàn gắn niềm tin vốn đã bị phá vỡ trong nhiều năm.

Cho đến nay Seoul đã chịu nhún nhường nhiều hơn Tokyo. Như một nhà ngoại giao cấp cao nói với tôi, Hàn Quốc đã bước ngang qua sàn nhảy, bật đèn, nơi mọi người đang theo dõi, để mời nước láng giềng của mình cùng bước ra. Nhật đã đồng ý khiêu vũ. Nhưng Hàn Quốc đang mong đợi nhiều hơn thế.

Cũng là một chiến thắng chiến lược cho Nhật Bản

Shaimaa Khalil từ Tokyo

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc sẽ có một số cuộc hội đàm cấp cao trong chuyến thăm rất được mong đợi của ông. Nhưng Yoon Suk Yeol cũng sẽ được thưởng thức một trong những món ăn yêu thích của ông - "omurice", tức là cơm chiên với trứng tráng - theo truyền thông địa phương.

Báo Yomiuri của Nhật Bản đưa tin ông Fumio Kishida có kế hoạch đưa ông Yoon đến nhà hàng nổi tiếng Rengatei sau khi hai người tổ chức hội nghị thượng đỉnh.

"Đi xa hơn nữa" là cách một số báo cáo phương tiện truyền thông ở đây mô tả cuộc họp - trong khi những người khác trên phương tiện truyền thông xã hội gọi đó là "ngoại giao Omurice".

Các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng cũng sẽ nối lại các cuộc đàm phán an ninh, hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin.

Hai quốc gia chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ mối quan hệ gần gũi hơn. Nhưng đây là một chiến thắng chiến lược và ngoại giao cho Nhật Bản. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng Năm tới tại Hiroshima.

Các mối đe dọa do Bắc Triều Tiên và Trung Quốc gây ra chắc chắn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Hàn Quốc sẽ mang lại cho Nhật Bản một vị thế vững chắc hơn nhiều khi họ đối phó, xử lý các mối đe dọa này.

Điều này cũng gửi một thông điệp quan trọng đến Hoa Kỳ. Tokyo muốn trấn an Washington rằng Washington vẫn có thể dựa vào họ với tư cách là một đồng minh chủ chốt và một nhà trung gian quyền lực trong một khu vực ngày càng bất ổn và đầy biến động.

Ông Yoon là tổng thống Hàn Quốc đầu tiên đến thăm Nhật Bản kể từ năm 2019, là thời điểm quan hệ giữa Tokyo và Seoul suy giảm nghiêm trọng do tranh cãi về vấn đề lao động cưỡng bức trong thời kỳ Nhật Bản cai trị bán đảo Triều Tiên.

Lãnh đạo hai nước đã gặp nhau thoáng qua tại G20 năm đó, nhưng lần gặp gỡ không có ý nghĩa quan trọng vì đã không có cuộc đàm phán song phương nào diễn ra.

Căng thẳng cũng leo thang khi Tokyo áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với các vật liệu công nghệ cao như hóa chất được sử dụng để sản xuất màn hình điện thoại thông minh, màn hình TV và đồ bán dẫn.

Đầu tháng này, khi Hàn Quốc công bố kế hoạch giải quyết tranh chấp lâu dài, đã có cảm giác phấn khích cho một khởi đầu mới - ít nhất là trong số các nhà ngoại giao và chính trị gia.

Ông Kishida hoan nghênh động thái này và Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi hoan nghênh nỗ lực "đưa quan hệ trở lại trạng thái lành mạnh" trong khi cả hai bên tuyên bố đàm phán về việc dỡ bỏ các hạn chế thương mại được áp đặt gần bốn năm trước.

Mối quan hệ hợp tác này diễn ra vào thời điểm không thể quan trọng hơn. Không chỉ đối với hai nước láng giềng mà cả đồng minh chiến lược chung của họ - Hoa Kỳ.

Ông Joe Biden cho biết trong một tuyên bố rằng đây là "một chương mới mang tính đột phá về hợp tác và đối tác giữa hai đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ".

“Khi được thực hiện đầy đủ, các bước đi của họ sẽ giúp chúng ta duy trì và thúc đẩy tầm nhìn chung của chúng ta về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở,” ông nói thêm.

Nhưng điều này sẽ không thuận buồm xuôi gió cho cả hai nhà lãnh đạo. Vẫn còn rất nhiều căng thẳng mang tính lịch sử và sự ngờ vực giữa các chính trị gia theo đường lối cứng rắn ở cả hai nước.

Tuy nhiên, ngay bây giờ, những người hàng xóm phải đối mặt với một mối đe dọa chung và ngày càng gia tăng. Chuyến thăm này diễn ra cùng tuần với việc Bắc Triều Tiên phóng ít nhất hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía Biển Nhật Bản.

Bình Nhưỡng đang phát triển tên lửa mạnh hơn, hiện đại hơn - và có những lo ngại rằng nước này sẽ sớm thử vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc đang ráo riết bành trướng trong khu vực, và dự án bị nghi là xây dựng căn cứ quân sự của nước này ở quần đảo Solomon (điều Bắc Kinh phủ nhận) đã khiến Washington và các đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương lo ngại.

Tháng trước, sau khi Hoa Kỳ bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, chính phủ Nhật Bản cho biết họ nghi ngờ ba vật thể bay không xác định được phát hiện trên lãnh thổ quốc gia kể từ năm 2019 chính là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết họ sẽ xem xét lại các quy định của mình về việc sử dụng vũ lực liên quan đến bất kỳ hành vi xâm phạm không phận nào trong tương lai do khinh khí cầu nước ngoài thực hiện. Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada trước đó ám chỉ rằng chính phủ sẽ không loại trừ khả năng bắn hạ những khinh khí cầu ngoại đó.

Nhật Bản cũng thường xuyên lo lắng về khả năng Bắc Kinh có hành động gây hấn đối với Đài Loan - điều chắc chắn sẽ kéo Nhật Bản vào cuộc. Những lo lắng đó tiếp tục trở nên nghiêm trọng hơn khi Bắc Kinh ngả về Moscow trong cuộc chiến Ukraine.

Nhật Bản và Hàn Quốc có chung một lịch sử đầy sóng gió - nhưng hai nước hiện đang phải đối mặt với một hiện tại ngày càng căng thẳng và một tương lai không chắc chắn khi nhắc đến an ninh khu vực.

(Nguồn: BBC)

Đài Loan cảnh báo Honduras: Viện trợ từ Trung Quốc chính là “liều thuốc độc”

Đài Loan hôm thứ Năm 16/3 cảnh báo Honduras chớ bị cám dỗ bởi viện trợ giống như “liều thuốc độc” từ Trung Quốc cho dù nước này có mắc nợ như thế nào. Đài Loan cũng loại trừ chuyện sẽ đấu đá với đối thủ đại lục để tranh giành đồng minh ngoại giao.

Tổng thống Honduras Xiomara Castro hôm 14/3 cho biết bà đã đề nghị bộ trưởng ngoại giao mở quan hệ chính thức với Trung Quốc. Nếu quốc gia Trung Mỹ chấm dứt quan hệ với Đài Loan, hòn đảo này sẽ chỉ còn lại 13 đồng minh ngoại giao.

Bộ trưởng Ngoại giao Honduras Eduardo Enrique Reina hôm 15/3 nói quyết định quay sang phía Trung Quốc một phần là do Honduras gặp khó khăn tài chính và nợ nần “ngập đến tận cổ”, bao gồm 600 triệu đô la nợ Đài Loan.

“Chúng tôi xin nhắc chính phủ Honduras rằng họ không nên thỏa mãn cơn khát của mình bằng cách uống thuốc độc, ngay cả khi hoàn toàn kiệt sức vì các nghĩa vụ trả nợ”, Bộ Ngoại giao Đài Loan nói.

Bà Reina cho biết Honduras đã yêu cầu Đài Loan tăng gấp đôi viện trợ hàng năm lên 100 triệu USD nhưng chưa bao giờ nhận được câu trả lời. Honduras cũng đã cố gắng đàm phán lại khoản nợ nhưng không có kết quả.

Đài Loan phủ nhận điều đó, nói rằng những bình luận từ Ngoại trưởng Honduras không phản ánh sự thật trong các cuộc trao đổi giữa hai bên. Đài Loan đã phản ứng tích cực với các đề xuất của Honduras từ đầu đến cuối.

“Chúng tôi vẫn đang cố gắng duy trì quan hệ ngoại giao, nỗ lực hết sức để đấu tranh, nhưng chúng tôi tuyệt đối sẽ không tham gia vào cuộc cạnh tranh tiền bạc với Trung Quốc”, Bộ này cho biết.

Phát biểu tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết các đồng minh cũ của Đài Loan như Panama, Cộng hòa Dominica và El Salvador đã chứng kiến “sự phát triển nhanh chóng” trong quan hệ song phương, mang lại cho họ “những lợi ích hữu hình”.

Trung Quốc sẵn sàng phát triển quan hệ với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Honduras, trên cơ sở nguyên tắc “một nước Trung Quốc”, ông Uông nói, đề cập đến quan điểm của Bắc Kinh rằng Trung Quốc và Đài Loan đều nằm trong cùng một quốc gia.

“Tôi tin rằng điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho sự phát triển kinh tế của Honduras và cho hạnh phúc của người dân”.

Hoa Kỳ, nước ủng hộ quốc tế quan trọng nhất của Đài Loan dù không có quan hệ chính thức, đang quan sát với sự lo ngại khi Trung Quốc gia tăng dấu ấn của họ ở Mỹ Latinh gây bất lợi cho Đài Loan.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 15/3 nói rằng Trung Quốc đưa ra nhiều lời hứa mà họ không thực hiện.

“Chính phủ Honduras nên biết rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đưa ra nhiều lời hứa đã không được thực hiện”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói.

Trung Quốc không cho phép các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc lại cũng duy trì quan hệ chính thức với Đài Loan, hòn đảo luôn bị Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của họ và không có quyền thiết lập quan hệ cấp nhà nước với các quốc gia khác, một lập trường bị Đài Loan cực lực phản đối.

(Nguồn: VOA)

Ông Putin: Nga đang đối mặt 'cuộc chiến trừng phạt'

(Ảnh minh họa).

Ông Putin nói Nga đang phải đối mặt "cuộc chiến trừng phạt" và kêu gọi tỷ phú, doanh nhân ưu tú tăng cường đầu tư để vượt qua khó khăn.

Phát biểu tại hội nghị Liên minh Nhà Công nghiệp và Doanh nhân Nga (RSPP) ở Moskva hôm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi các tỷ phú và doanh nhân ưu tú của đất nước đầu tư vào công nghệ, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp mới để giúp Nga vượt qua "những nỗ lực của phương Tây nhằm phá hủy nền kinh tế đất nước".

"Nga phải đối mặt với cuộc chiến trừng phạt nhưng đang nhanh chóng định hướng lại nền kinh tế, hướng tới các quốc gia chưa áp lệnh trừng phạt", ông Putin nói với các doanh nhân, đồng thời cảm ơn họ đã hỗ trợ nhà nước.

Ông cáo buộc phương Tây muốn hủy hoại nền kinh tế Nga và khẳng định cho đến nay, Nga đã vượt qua những nỗ lực này. Ông nhận xét thêm rằng những doanh nghiệp phương Tây ở lại Nga sau khi chiến sự bùng phát đã "quyết định thông minh".

"Chúng tôi nhận thấy xu hướng tích cực trong nền kinh tế Nga đang trên đà phát triển. Chúng tôi cũng kỳ vọng GDP quý II tăng trưởng đáng kể so với năm ngoái", Tổng thống Nga nhấn mạnh.

Ông lưu ý mức giảm GDP cao nhất trong năm ngoái được ghi nhận vào tháng 6. "Nguyên nhân là cuộc chiến trừng phạt, những thách thức chưa từng có trong nền kinh tế, thương mại toàn cầu và trong hệ thống quan hệ quốc tế. Bất chấp những thách thức đó, nền kinh tế của đất nước chuyển sang tăng trưởng vào tháng 7", ông Putin cho hay.

Theo ông, các công ty không nên cất tài sản ở nước ngoài mà nên đầu tư nhiều hơn trong nước. Ông cũng đưa ra một thông điệp cứng rắn tới những người giàu nhất nước Nga khi cho rằng họ cần suy nghĩ cho nhu cầu của đất nước hơn là lợi nhuận của bản thân. "Một doanh nhân có trách nhiệm là một công dân đích thực của Nga, của đất nước mình, một công dân hiểu và hành động vì lợi ích của quốc gia", ông Putin nói.

Hội nghị lần này là cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Putin và các tỷ phú hàng đầu Nga kể từ khi chiến sự bùng phát tháng 2/2022. Ông Putin khi đó nói với họ rằng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa lực lượng Nga vào Ukraine. Nhiều doanh nhân sau đó đã bị phương Tây áp lệnh trừng phạt.

(Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang