Tỷ phú đổ tới Vùng Vịnh; Ông Tập tăng ảnh hưởng ở Trung Á; Tuyên bố chung G7; Tương lai chính trường Thái; Biểu tình ở Israel

Các tỷ phú đổ xô tới Vùng Vịnh

(Ảnh minh họa).

Các quốc gia vùng Vịnh gần đây trở thành thỏi nam châm thu hút giới nhà giàu toàn cầu. Giới lãnh đạo khu vực này đang thử chiến lược mới nhằm duy trì thời kỳ bùng nổ này.

Hơn 30 chuyến bay chở các ngôi sao thể thao, tỷ phú công nghệ và những influencer đến Dubai mỗi ngày. Thành phố này chứng kiến các giao dịch bất động sản tăng vọt, Michelin Guide bắt đầu xếp hạng các nhà hàng, trong khi ca sĩ Beyoncé gần đây biểu diễn tại buổi khai trương xa hoa của Atlantis the Royal. Khách sạn này tự xưng là khu nghỉ dưỡng “siêu sang trọng nhất thế giới”, với mức giá lên tới 37.000 USD/đêm.

Cách đó khoảng hơn 800 km, ở Riyadh, ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo - người gia nhập một câu lạc bộ của Saudi Arabia vào tháng 12/2022 với mức lương 200 triệu USD/năm - đang sống trong penthouse của Kingdom Tower với bạn gái và các con. Nhiều người nhìn thấy Ronaldo di chuyển quanh thủ đô của Saudi Arabia trên chiếc Bentley.

Từng chỉ thu hút nhân tài chủ yếu từ khu vực xung quanh, vùng Vịnh đang trở thành thỏi nam châm thu hút giới giàu có toàn cầu, từ các chủ ngân hàng châu Âu tới người sáng lập công ty công nghệ Israel. Sự bùng nổ chủ yếu tập trung vào Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia, nhưng Qatar cũng đang góp mặt vào danh sách này, theo Wall Street Journal.

Nhờ ảnh hưởng từ World Cup 2022, Qatar liên tục đón đoàn châu Âu và châu Á, khẳng định vị thế là thị trường hấp dẫn cho các quốc gia đang tìm kiếm nguồn cung khí đốt tự nhiên mới.

Tham vọng thành trung tâm quyền lực độc lập

UAE và Saudi Arabia đang tự do hóa nền kinh tế với các chính sách và luật nhập cư lỏng lẻo, ít ràng buộc hơn với các quy định Hồi giáo khắt khe, thu hút khách du lịch và lao động nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Saudi Arabia - nền kinh tế lớn nhất khu vực - ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất trong nhóm nền kinh tế lớn vào năm 2022. Quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới dự kiến tiếp tục chứng kiến một năm 2023 khởi sắc.

UAE theo phía sau với 7,6% và Qatar tăng trưởng 4,8%, tốc độ nhanh nhất trong gần một thập niên.

Sự bùng nổ của khu vực vùng Vịnh đang tái cân bằng địa chính trị ở Trung Đông. Những nước này trở thành đối tác có ảnh hưởng nhất của Mỹ, nhưng cũng sẵn sàng theo đuổi các chính sách đối ngoại và lợi ích kinh tế đối ngược Washington.

Với tiền bạc, tài năng và quỹ nghệ thuật chảy đến và đi từ Bán đảo Arab, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan đang biến vùng Vịnh thành trung tâm quyền lực độc lập.

Họ nỗ lực làm hòa với Iran, chấm dứt xung đột ở Yemen và không còn cô lập Syria. Những động thái này làm dấy lên hy vọng về thời kỳ thịnh vượng lâu dài hơn, dù có thể không phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Trong khi đó, các thủ đô truyền thống của Arab như Cairo, Damascus và Baghdad, đang bị ảnh hưởng bởi hơn một thập niên xung đột, khủng hoảng kinh tế và quản lý yếu kém.

“Tất cả quy về một mối: Một hình ảnh vùng Vịnh mới. Tự tin là từ khóa của sân chơi này”, Abdulkhaleq Abdulla - nhà khoa học chính trị tại Đại học Emirates - cho biết.

Sự bùng nổ dẫn tới một số động lực tự do hóa xã hội. UAE - nơi 90% dân số là người nước ngoài - đã giảm thuế rượu, cho phép các cặp đôi chưa kết hôn sống chung và cấp thị thực khuyến khích mọi người ở lại lâu hơn. Quốc gia này hợp pháp hóa việc mang các sản phẩm chứa cần sa nhập cảnh, đồng thời sắp tới sẽ cho phép mở sòng bạc.

Saudi Arabia dự kiến bỏ lệnh cấm rượu. Nước này đã cho phép phụ nữ lái xe và nam giới cùng nữ giới không quen nhau ở chung trong không gian công cộng. Riyadh cũng theo đuổi gói kế hoạch trị giá 1.000 tỷ USD thu hút khách du lịch và thành lập hãng hàng không cạnh tranh với Emirates của Dubai và Qatar Airways.

Sự bùng nổ mới

Trước đây, Vùng Vịnh đã hưởng lợi lớn từ dầu mỏ, khi giá dầu thô tăng trên 100 USD/thùng.

Tuy nhiên, các quan chức và nhà kinh tế học cho biết sự bùng nổ lần này khác với sự bùng nổ từ dầu mỏ. Đây là thời điểm sau thỏa thuận Paris năm 2015, khi phương Tây đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo khiến các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh giật mình và nhận ra mình cần dùng lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch ngay bây giờ để đa dạng hóa nền kinh tế.

Thay vì chỉ gửi tài sản vào thị trường trái phiếu và chứng khoán phương Tây, các quốc gia vùng Vịnh hiện chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Các quỹ đầu tư quốc gia đang đổ hàng chục tỷ USD trong và ngoài nước.

Theo Global SWF, 5 trên 10 nhà đầu tư quốc gia hàng đầu năm ngoái đến từ vùng Vịnh.

“Sự bùng nổ này diễn ra ngay cả khi thị trường dầu không chạm mốc 100 USD (một thùng)”, Tarek Fadlallah - Giám đốc điều hành Nomura Asset Management - cho biết.

Giới kinh tế học cho biết suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn sẽ ảnh hưởng tới các quốc gia phụ thuộc vào thị trường năng lượng. Những rủi ro khác đến từ việc chi tiêu xa hoa ngang ngửa thời điểm bùng nổ trước đó.

Riêng Saudi Arabia, nước này có kế hoạch xây dựng tòa nhà cao hơn 500 m, một sân bay với tham vọng thành trung tâm quốc tế bận rộn hàng đầu thế giới và một trung tâm thành phố mới ở Riyadh.

Ưu đãi thuế thu nhập đã giúp Dubai thu hút dân công nghệ và quỹ bảo hiểm rủi ro từ San Francisco, London và New York.

“Dân công nghệ, chuyển tới Dubai. Crypto, chuyển đến Dubai. Thời trang, chuyển đến Dubai. Kể cả người nổi tiếng và ngôi sao mạng xã hội nữa”, Adel Mardini - Giám đốc điều hành Jetex - nói.

Năm 2022, UAE chứng kiến bước vọt lớn nhất thế giới về việc đón số lượng cá nhân giàu có - những người có hơn 1 triệu USD - lên hơn 92.600 người. Một cá nhân ẩn danh ở Dubai trả mức giá kỷ lục 15 triệu USD cho biển số xe chỉ có 2 ký tự: P7.

Thani bin Ahmed Al Zeyoudi - Bộ trưởng Ngoại thương UAE - cho biết để thu hút mọi người tới nước này, chính phủ đang xem xét các kế hoạch hưu trí tư nhân vốn đang không dành cho người nước ngoài và các cách giảm chi phí bảo hiểm y tế cho nhóm muốn nghỉ hưu ở nước này.

Hàng chục nghìn người Nga gần đây coi Dubai là quê hương thứ 2, tổ chức nhiều sự kiện và không gian văn hóa tiếng Nga trong một thành phố truyền thống nói tiếng Anh.

Những người mới đến góp phần vào cộng đồng vốn đã lớn. Năm 2019, Đại sứ quán Nga ở UAE cho biết 40.000 công dân Nga và 60.000 người nói tiếng Nga đang sống tại quốc gia có 9 triệu người. Ban quản lý sân bay Dubai cho biết lượng hành khách Nga đã tăng gấp đôi vào năm ngoái lên khoảng 1,9 triệu lượt so với năm 2021.

Hôm 6/1 vừa qua, nhà quảng bá sự kiện và âm nhạc Belarus Evgeniy Morozov đã tổ chức dạ tiệc tại phòng khiêu vũ khách sạn Burj Al Arab với sự góp mặt của ca sĩ xứ Wales Tom Jones - người rất nổi tiếng trong cộng đồng người nói tiếng Nga. Giá vé cao nhất dự dạ tiệc này là 4.000 USD.

(Nguồn: Zing News)

Ông Tập nỗ lực tăng ảnh hưởng ở Trung Á

Cam kết hỗ trợ gần 4 tỷ USD cho 5 nước Trung Á, ông Tập muốn gửi thông điệp rằng Trung Quốc là đối tác hào phóng và đáng tin cậy.

Chủ trì hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á tại thành phố Tây An ở tỉnh Thiểm Tây, đầu phía đông của Con đường Tơ lụa cổ xưa, Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 19/5 cam kết chi 3,72 tỷ USD "hỗ trợ tài chính và viện trợ" cho 5 quốc gia Trung Á, gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan.

Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi Trung Quốc thiết lập quan hệ với các quốc gia Trung Á cách đây 31 năm. Giới quan sát cho rằng các cam kết hỗ trợ được đưa ra tại hội nghị này là một phần trong nỗ lực của ông Tập nhằm thể hiện Trung Quốc là đối tác hào phóng và đáng tin cậy với Trung Á, khu vực từng thuộc phạm vi ảnh hưởng của Nga.

Hội nghị cũng diễn ra trong bối cảnh các lãnh đạo G7 nhóm họp tại Hiroshima, Nhật Bản để thảo luận về các vấn đề nóng của thế giới, trong đó có quan hệ với Trung Quốc. Trong tuyên bố chung ngày 20/5, G7 cảnh báo Trung Quốc về các hoạt động "quân sự hóa" ở châu Á - Thái Bình Dương, dù mong muốn xây dựng quan hệ ổn định với Bắc Kinh.

Theo Meaghan Tobin, nhà phân tích của Washington Post, điều này cho thấy ông Tập đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Trung Á, nhằm thúc đẩy một thế giới đa cực, nơi Mỹ không còn là siêu cường toàn cầu duy nhất.

"Các nước Trung Á hiểu rằng trong thế giới đa cực này, họ được kỳ vọng sẽ đứng về phía Nga và Trung Quốc", Niva Yau, thành viên của Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương ở Bishkek, Kyrgyzstan, nhận định.

Trung Á từng là nơi Con đường Tơ lụa lịch sử nối liền Trung Quốc với châu Âu đi qua. Khu vực này những năm qua trở thành chìa khóa cho Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc.

"Một năm trước, đã có rất nhiều cuộc thảo luận trong khu vực về việc liệu Trung Á có cần xoay trục, hướng về phương Tây hay không. Những gì diễn ra gần đây cho thấy Trung Á đã thể hiện lựa chọn của mình", Niva Yau nói thêm.

Ông Tập nói với các lãnh đạo Trung Á rằng Trung Quốc có thể hỗ trợ khu vực xây dựng năng lực quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật. Trong hội nghị thượng đỉnh, ông đã gặp từng lãnh đạo và ký kết các thỏa thuận song phương thúc đẩy đầu tư thương mại, cơ sở hạ tầng và công nghệ, thực hiện các thỏa thuận du lịch không cần visa.

Nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á diễn ra trong bối cảnh khu vực và thế giới chứng kiến nhiều biến động phức tạp liên quan đến chiến sự Ukraine. Tại hội nghị ở Tây An, Chủ tịch Tập Cận Bình đảm bảo với các nước Trung Á rằng "chủ quyền, an ninh, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ" của họ phải được bảo vệ.

Dù châu Âu và Mỹ đã cử các phái đoàn cấp cao tới Trung Á kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra cuối tháng 2/2022, giới phân tích cho rằng các nước trong khu vực đã không nhận được nhiều đầu tư từ phương Tây như họ mong muốn.

Trong khi đó, Trung Quốc đã dành nhiều ưu tiên cho Trung Á. Kazakhstan là điểm dừng đầu tiên của ông Tập trong chuyến công du nước ngoài sau ba năm Trung Quốc đóng biên ngăn Covid-19. Chuyến thăm diễn ra khi ông Tập trên đường tới Uzbekistan dự hội nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, vốn được Nga và Trung Quốc đồng sáng lập để đối trọng với ảnh hưởng của phương Tây.

Kazakhstan cũng là nơi ông Tập khởi động Sáng kiến Vành đai và Con đường năm 2013, trong đó Trung Quốc mạnh tay đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực Trung Á. Thương mại giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á đạt mức kỷ lục 70 tỷ USD trong năm 2022, tăng 22% trong quý đầu tiên năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.

Tại hội nghị ở Tây An ngày 19/5, ông Tập thông báo Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc mở rộng đường ống với Trung Á mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc và Công ty Quốc gia KazMunayGas của Kazakhstan đồng ý khai thác.

Kyrgyzstan gần đây cũng nhất trí giao dịch với Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Khi quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Nga ngày càng sâu sắc, đồng nhân dân tệ đã trở thành loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thị trường chứng khoán Moskva. Các nước từ Brazil tới Bangladesh cũng bày tỏ quan tâm tới giao dịch sử dụng nhân dân tệ.

Bắc Kinh coi việc thúc đẩy thịnh vượng kinh tế ở Trung Á là chìa khóa để ngăn nguy cơ bạo lực và bất ổn ở khu vực Tân Cương. Trong tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Tây An, các lãnh đạo Trung Á đã đảm bảo rằng họ sẽ không can thiệp vào chính sách của Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong, Đài Loan hoặc Tân Cương.

Phát biểu tại tiệc chào mừng các lãnh đạo Trung Á tới dự hội nghị thượng đỉnh, ông Tập khẳng định tăng cường quan hệ với khu vực này là "lựa chọn chiến lược" của Bắc Kinh, kêu gọi mở ra tương lai tươi sáng cho quan hệ của Trung Quốc với Trung Á.

"Ông Tập sẽ định vị mình là lãnh đạo có thể thúc đẩy hòa bình và phát triển toàn cầu", Zhiqun Zhu, giáo sư quan hệ quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học Bucknell ở Mỹ, nhận định về nỗ lực của ông Tập nhằm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á và trên thế giới.

(Nguồn: Vnexpress)

Hội nghị thượng đỉnh G7 ra tuyên bố chung

(Ảnh minh họa).

Ngày 20/5, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã ra tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima (Nhật Bản), trong đó để ngỏ cánh cửa hợp tác với Trung Quốc và tránh leo thang căng thẳng giữa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với nhóm các cường quốc phương Tây và Nhật Bản.

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh mong muốn “quan hệ ổn định và mang tính xây dựng” với Bắc Kinh, đồng thời phản đối “các hoạt động quân sự hóa” tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuyên bố của lãnh đạo G7 nêu rõ: “Cách tiếp cận chính sách của chúng tôi không nhằm gây hại cho Trung Quốc, cũng không tìm cách cản trở tiến bộ và phát triển kinh tế của Trung Quốc”.

Tuyên bố cũng khẳng định quyết tâm của các nước G7 trong việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các chuỗi cung ứng nhạy cảm, đồng thời nhấn mạnh “Sự vững vàng về kinh tế đòi hỏi hóa giải nguy cơ và đa dạng hóa”, đồng thời cam kết “giảm sự phụ thuộc thái quá vào các chuỗi cung ứng quan trọng”.

G7 cũng kêu gọi Trung Quốc nỗ lực tham gia giải quyết xung đột tại Ukraine.

Liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi phát triển và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đối với AI đáng tin cậy, trong bối cảnh giới lập pháp của các nước G7 tập trung vào công nghệ mới này. Các nhà lãnh đạo G7 cho rằng cách tiếp cận đối với việc đạt được tầm nhìn và mục tiêu chung về trí tuệ nhân tạo đáng tin cậy có thể khác nhau, song việc quản lý nền kinh tế kỹ thuật số cần tiếp tục được cập nhật phù hợp với các giá trị chung của nhóm. Tuyên bố đặc biệt đề cập đến AI tạo sinh, với việc các nhà lãnh đạo G7 khẳng định "cần ngay lập tức đánh giá các cơ hội và thách thức từ AI tạo sinh".

Về vấn đề khí đốt, tuyên bố chung cho biết các nhà lãnh đạo G7 tin rằng hoạt động đầu tư do nhà nước hỗ trợ trong lĩnh vực khí đốt có thể tạm thời phù hợp trong khi các quốc gia đang đẩy nhanh việc loại bỏ dần sự phụ thuộc vào Nga. Tuyên bố chung nêu rõ: "Chúng tôi nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tăng cường cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và thừa nhận rằng đầu tư vào lĩnh vực này có thể là phù hợp để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay cũng như giải quyết tình trạng thiếu hụt trên thị trường khí đốt do khủng hoảng gây ra".

Các nhà lãnh đạo G7 tái khẳng định cam kết lộ trình phi carbon hóa vào năm 2030 và cam kết mục tiêu đạt trung hòa khí thải trên lộ trình đến năm 2050. Tuyên bố nhấn mạnh các hành động khác nhau mà các nước đang tiến hành, trong đó có các chính sách đạt 100% hoặc tăng doanh số bán các phương tiện không thải khí vào năm 2035 và sau đó. Các chính sách bao gồm hành động nhằm đạt 100% xe chở khách bán mới vào năm 2035 là xe điện và thúc đẩy cơ sở hạ tầng và nhiên liệu trung hòa carbon bền vững, bao gồm nhiên liệu sinh học và tổng hợp. Tuyên bố chung nhấn mạnh: "Chúng tôi ghi nhận các cơ hội mà các chính sách này đem lại, góp phần vào lĩnh vực phi carbon hóa đường bộ, trong đó hướng đến mục tiêu vào năm 2030, 50% được bán ra trên toàn cầu là xe không thải khí".

Liên quan đến vấn đề an ninh lương thực, tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7 cho biết các nhà lãnh đạo kêu gọi tất cả các bên tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen "tiếp tục và thực hiện đầy đủ sự vận hành trơn tru của thỏa thuận ở mức tối đa có thể và tới chừng nào còn cần thiết". Các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện để tiếp tục chuyển ngũ cốc tới những người cần nhất.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng xác nhận sẽ tăng cường hỗ trợ về năng lượng và phát triển cho các nước mới nổi và đang phát triển; nhất trí thực hiện các bước để bảo vệ an ninh lương thực bị đe dọa bởi cuộc xung đột tại Ukraine. Ngoài ra, tuyên bố chúng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố chuỗi cung ứng các nguyên liệu công nghiệp quan trọng, chẳng hạn như chất bán dẫn, và thực hiện những biện pháp cần thiết để chống lại các hạn chế thương mại đơn phương. Các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ nguyên tắc "minh bạch, đa dạng hóa, an ninh, bền vững, uy tín và đáng tin cậy" trong việc xây dựng các mạng lưới chuỗi cung ứng.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng nhất trí thiết lập một sáng kiến mới để chống lại sự ép buộc kinh tế và cam kết thực hiện các bước để đảm bảo rằng bất kỳ chủ thể nào tìm cách vũ khí hóa sự phụ thuộc kinh tế sẽ thất bại và đối mặt với các hậu quả. Tuyên bố nêu rõ sáng kiến mang tên "Nền tảng phối hợp về ép buộc kinh tế" sẽ sử dụng biện pháp cảnh báo sớm và chia sẻ thông tin nhanh chóng về hành vi ép buộc kinh tế, với việc các nước thành viên sẽ họp tham vấn định kỳ. G7 kêu gọi tất cả các nước tham tuân thủ các nguyên tắc "minh bạch, đa dạng hóa, an ninh, bền vững, đáng tin cậy" trong việc xây dựng các mạng lưới cung ứng.

(Nguồn: Soha)

Tương lai chính trường Thái Lan sau cuộc bầu cử gây "địa chấn"

Các đảng đối lập tại Thái Lan đã quyết định liên minh với hy vọng thành lập một chính phủ mới có thể thay đổi nền chính trị của quốc gia Chùa vàng nếu thành công.

Trong một động thái bất ngờ, lãnh đạo đảng Move Forward (Tiến lên) Pita Limjaroenrat ngày 18/5 công bố liên minh với 7 đảng khác gồm Pheu Thai (Vì nước Thái), Thai Sang Thai, Thai Liberal, Prachachart, Fair, Plung Sungkom Mai và Peu Thai Ruamphalang.

Phát biểu tại họp báo, ông Pita cho biết, tất cả 8 đảng trên sẽ ký một Bản ghi nhớ (MoU) với các thông tin chi tiết sẽ được công bố vào ngày 22/5, trong đó ông vẫn đặt mục tiêu trở thành thủ tướng.

Ông Pita tiếp tục bày tỏ sự tự tin trong tiến trình thành lập chính phủ chiếm đa số ghế tại Hạ viện. Theo ông, một ủy ban sẽ được thành lập để tiếp tục thực hiện hiệu quả các công việc của chính phủ mãn nhiệm.

"Thông điệp chính của cuộc họp báo hôm nay là đảm bảo với người dân rằng liên minh của tôi đang hình thành vững chắc", lãnh đạo đảng Tiến lên tuyên bố. "Đã có động lực, có tiến triển và chúng tôi cũng có một lộ trình rất rõ ràng từ hôm nay cho đến ngày tôi trở thành thủ tướng", ông nhấn mạnh thêm.

Các bên tham gia liên minh do đảng Tiến lên dẫn đầu khẳng định họ được cử tri ủy nhiệm để chấm dứt gần một thập kỷ tồn tại của chính quyền được quân đội hậu thuẫn ở Thái Lan

Trong tuyên bố mới nhất, lãnh đạo đảng Vì nước Thái Cholanan Srikaew cam kết ủng hộ ông Pita trở thành thủ tướng và ủng hộ nỗ lực thành lập chính phủ mới của đảng Tiến lên.

Tuy nhiên, sẽ mất ít nhất 60 ngày để quy trình liên minh thành lập chính phủ này có kết quả và hiện vẫn còn nhiều rào cản đáng kể mà các bên liên quan phải vượt qua.

Cùng với 152 ghế mà đảng Tiến lên có được, liên minh 8 đảng theo kế hoạch của ông Pita sẽ có tổng cộng 313 ghế tại Hạ viện gồm 500 ghế, theo đó sẽ chiếm đa số vững chắc. Nhưng thách thức với liên minh 8 đảng của ông Pita hiện nay là nhận được lá phiếu từ 250 thành viên của Thượng viện, vốn được chính quyền quân sự bổ nhiệm sau cuộc đảo chính năm 2014.

Thượng viện thường đứng về phía các đảng do quân đội hậu thuẫn trong khi các đảng thân quân đội đều đã bị đánh bại. Tất cả các thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu cho ông Prayut Chan-o-cha làm thủ tướng sau cuộc bầu cử cuối cùng vào năm 2019, cho phép ông tiếp tục tại vị bất chấp chiến thắng của Pheu Thai trong cuộc bầu cử năm đó.

Số ghế 313 hiện có cũng chưa đủ để đảm bảo ông Pita được bầu chọn làm thủ tướng thứ 30 của Thái Lan. Theo Hiến pháp của Thái Lan, được đưa ra sau cuộc đảo chính năm 2014, Hạ viện và Thượng viện phải cùng nhau bỏ phiếu để chọn ra một thủ tướng mới.

Vì vậy, ông Pita sẽ không thể trở thành thủ tướng nếu như ông không có được sự ủng hộ của tối thiểu 376 phiếu tại Quốc hội, bao gồm cả Hạ viện và Thượng viện.

Chương trình nghị sự tiến bộ của đảng Tiến lên đã gây được tiếng vang trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua và đã giành chiến thắng với 151 phiếu bầu. Trong khi đó, đảng Vì nước Thái có liên hệ mật thiết với gia tộc chính trị Shinawatra, vốn luôn được dự đoán sẽ giành chiến thắng xếp thứ hai với 141.

Các cử tri trẻ đặc biệt bị thu hút bởi các chính sách của đảng Tiến lên, bao gồm đề xuất sửa đổi luật khi quân. Những người chỉ trích cho rằng, luật này thường bị lạm dụng để trừng phạt những người chỉ trích chính phủ, trong khi những người bảo thủ coi thể chế Hoàng gia là bất khả xâm phạm và kiên quyết phản đối sửa đổi luật này.

Một số thượng nghị sĩ đã nói rằng, họ sẽ không ủng hộ Pita làm thủ tướng vì họ phản đối bất kỳ thay đổi nào đối với luật khi quân.

Đây cũng là vấn đề gây trở ngại lớn khác đối với ông Pita trên con đường trở thành thủ tướng Thái Lan.

Đảng Bhumjaithai (Tự hào Thái Lan), giành nhiều ghế thứ 3 trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua với 70 ghế hôm 17/5 tuyên bố sẽ không liên minh và không ủng hộ lãnh đạo đảng Tiến lên làm thủ tướng sắp tới của Thái Lan do lập trường của ông Pita về cải tổ luật khi quân.

Đảng này cũng kêu gọi liên minh do đảng Tiến lên dẫn đầu tôn trọng tiếng nói của các đảng thiểu số, phù hợp với quy tắc dân chủ. Đảng Tự hào Thái Lan khẳng định hơn 5 triệu cử tri ủng hộ đảng này muốn đảng bảo vệ nền quân chủ.

(Nguồn: Dân Trí)

Biểu tình phản đối cải cách tư pháp ở Israel bước sang tuần thứ 20

(Ảnh minh họa).

Từ 19h ngày 20/5, hàng trăm nghìn người Israel đã một lần nữa tập trung tại 150 địa điểm trên toàn quốc trong cuộc biểu tình nay đã bước sang tuần thứ 20 nhằm phản đối kế hoạch cải cách tư pháp do chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu đề xướng.

Theo phóng viên TTXVN tại Israel, ngoài việc phản đối kế hoạch cải cách tư pháp vốn đang tạm hoãn từ cuối tháng 3, người biểu tình cũng phản đối kế hoạch phân bổ khoảng 14 tỷ NIS (khoảng 3,83 tỷ USD) cho các đảng cực hữu trong chính phủ liên minh, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối tháng này.

Theo các nhà tổ chức biểu tình, có khoảng 200.000 người đã đăng ký tham gia cuộc tuần hành trên phố Kaplan, nơi có tòa nhà hành chính nhà nước. Trong khi đó, ở thành phố cảng Haifa cũng có hàng nghìn người xuống đường hô khẩu hiệu phản đối chính phủ.

Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán về kế hoạch cải cách tư pháp có tiến triển, bất chấp việc Tổng thống Isaac Herzog phải lên tiếng thúc giục. Người dân Israel cũng kiên quyết không từ bỏ kế hoạch biểu tình phản đối chừng nào Chính phủ chưa hoàn toàn bãi bỏ kế hoạch gây tranh cãi này.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang