Tương lai của tang lễ; Ôtô cũ đổ tới Phi; Giẫm đạp kinh hoàng ở El Salvador; Nhân tố chính ở Trung Đông; G7 chọn phản đối TQ

Tương lai của tang lễ

(Ảnh minh họa).

Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu lan rộng, một số chuyên gia cho rằng ngay cả khi chết, con người vẫn có thể chọn từ biệt cuộc sống theo cách thân thiện với môi trường hơn.

Trên podcast “The Climate Conversations”, người dẫn chương trình Julie Yoo đã có cuộc trò chuyện với ông Ang Ziqian - Giám đốc điều hành Ang Chin Moh Group, một trong những công ty tang lễ lâu đời nhất tại Singapore.

Khi ông Ang tiếp quản công ty của gia đình, quá trình chôn cất liên quan khá nhiều đến khí thải carbon - từ những chiếc quan tài khổng lồ và nghi lễ hỏa táng tạo ra khí nhà kính, đến việc dọn sạch đất lấy chỗ chôn cất.

“Tôi vào nghề năm 1995. (Hồi đó) công việc rất truyền thống”, Giám đốc Ang Chin Moh Group nói.

Ông Ang cho hay trong những ngày đầu, mọi người thường chọn cách chôn cất. Nhưng ngày nay, khoảng 82% người chết ở Singapore được hỏa táng và các tập tục như rải tro trên biển đã trở nên phổ biến.

Song những chiếc bình bằng sứ, đá granit hoặc đá cẩm thạch không thể hòa tan hay phân hủy trong nước và có hại cho môi trường.

“Tôi cảm thấy nó thực sự ảnh hưởng đến đa dạng sinh học biển và môi trường”, ông chia sẻ.

Do đó, ông đã tìm kiếm một giải pháp tốt hơn với những chiếc bình phân hủy sinh học làm bằng giấy tái chế và đất sét giấy có hình dạng giống vỏ sò, theo CNA.

“Người nhà đặt hài cốt hỏa táng vào bình, thả xuống biển. Chiếc bình trôi nổi trong khoảng 20-45 phút rồi chìm xuống đáy biển và phân hủy từ từ. (Phương pháp này) mang lại nhận thức xanh cho mọi người, rằng hành trình cuối đời cũng quan trọng không kém”, ông nói.

Thiêu xác bằng nước hay hỏa táng?

“Hiện có rất nhiều tin tức về phương pháp ‘aquamation’. Đây là quá trình thủy phân bằng kiềm, sử dụng nước và hóa chất mạnh chẳng hạn natri hydroxit và kali hydroxit”, ông Ang giải thích.

“Một số người có thể nói rằng (phương pháp này) rất thân thiện với môi trường vì không cần đốt thêm nhiên liệu như hỏa táng. Tuy nhiên, bạn cũng cần sử dụng năng lượng cho quá trình này”, ông nói.

Theo New York Times, phương pháp thủy phân bằng kiềm hiện được áp dụng hợp pháp tại 14 tiểu bang của Mỹ.

Mỗi năm việc chôn cất người chết ở Mỹ tiêu tốn khoảng 6 triệu mét gỗ, 4,3 triệu gallon chất lỏng ướp xác, 1,6 triệu tấn bê tông cốt thép, 17.000 tấn đồng và đồng thau, cùng 64.500 tấn thép. Do đó, việc lựa chọn các phương pháp thân thiện hơn với môi trường có thể hạn chế phần lớn sự lãng phí này.

Phân rã hữu cơ thi thể là gì?

Theo ông Ang, phân rã hữu cơ thi thể người là một cách sử dụng vật liệu để đẩy nhanh toàn bộ quá trình phân hủy. Quá trình này cũng cần năng lượng, nhưng thời gian phân hủy sẽ rút ngắn xuống chỉ còn vài tháng.

“Nếu kỳ vọng vào phương pháp phân rã hữu cơ thi thể người, (chúng ta) cần có nhiều nghiên cứu hơn và cân nhắc cách thực hiện. Song tất nhiên mọi quyết định đều có sự đánh đổi”, ông nói.

Theo Washington Post, khi lựa chọn phương pháp này, thi thể người chết sẽ được đặt vào một thùng thép chứa nước, nhiệt, vi khuẩn và phủ rơm. Sau khoảng 45 ngày, thi thể sẽ trở thành một khối đất giàu dinh dưỡng có thể dùng làm phân bón hữu cơ.

Ông Tom Harries, nhà sáng lập Earth Funeral - công ty cung cấp dịch vụ phân rã hữu cơ, cho biết phương pháp này đã được áp dụng cho mọi lứa tuổi, từ bào thai đến những thi thể trăm tuổi. Đất được trả lại cho gia đình của người đã khuất hoặc trải rộng khắp vùng trồng rừng trên bán đảo Olympic, ở Washington.

Phương pháp này chỉ tiêu thụ khoảng 40 gallon nước và một lượng điện khiêm tốn do đó tác động môi trường không đáng kể. Tính đến nay, phương pháp phân rã hữu cơ đã được hợp pháp hóa ở California, Washington, Oregon, Vermont và Colorado.

"Tang lễ xanh" sẽ lan rộng?

“(Câu hỏi này) nằm ở vấn đề cung - cầu. Các giám đốc nhà tang lễ thường cung cấp những gì khách hàng muốn. Khi có nhu cầu cao hơn, tất nhiên cũng sẽ có nhiều dịch vụ hơn…”, ông Ang cho biết, đồng thời nhấn mạnh nếu muốn áp dụng dịch vụ tang lễ thân thiện với môi trường nhiều hơn, các công ty cần phát triển cả về công nghệ và cách thức thực hiện.

“Những người thích ứng với lối sống xanh (ở Singapore) không nhất thiết phải là giới trẻ, chúng ta có cả người lớn tuổi. Họ chọn (dịch vụ tang lễ xanh) không phải theo phong trào mà là vì khi qua đời, họ muốn thi thể về với rừng núi”, ông nói thêm.

Lời khuyên cho kế hoạch tang lễ

“Hãy chọn thứ gì đó đại diện cho cuộc sống của bạn và cách bạn muốn được nhớ đến. Không có đúng và sai khi nói đến đám tang. Và không có đám tang nào giống nhau”, ông Ang chia sẻ.

“Tôi nghĩ điều quan trọng là truyền tải những mong muốn này đến người mà bạn yêu thương, chứ không chỉ giữ chúng cho riêng mình, vì bạn sẽ cần ai đó thực hiện chúng thay cho bạn”, ông nói thêm.

(Nguồn: Zing News)

Làn sóng ôtô cũ từ các nước giàu đổ tới châu Phi

Trong bãi xe đông đúc tại Benin, quốc gia ở Tây Phi, Rokeeb Yaya ngắm nghía một chiếc Ford Escape đời 2008 đang được rao bán với giá 4.000 USD.

Yaya tìm đến bãi xe mang tên Fifa, thành phố Cotonou, trung tâm kinh tế của Benin vì muốn chuyển từ xe máy sang ôtô. Anh để ý đến chiếc Ford Escape cũ màu đỏ, bởi xe Mỹ rẻ thường hơn các thương hiệu khác trong bãi.

Trong bãi xe Fifa, hàng trăm ôtô đỗ thành hàng dài. Một số xe sáng bóng, nhìn như mới, số khác đầy bụi, méo mó. Yaya không bận tâm đến lịch sử chiếc xe, mà chỉ quan tâm có đủ tiền mua hay không.

Câu chuyện về chiếc xe Ford tại một trong những bãi xe lớn nhất ở thành phố cảng Cotonou phản ánh một xu thế mới, khi những chiếc xe xăng đời cũ từ các nước giàu bắt đầu đổ bộ tới châu Phi, trong lúc các quốc gia phát triển chuyển dần sang xe điện.

Chiếc xe Ford Escape 14 năm tuổi được đưa từ Mỹ đến Benin năm ngoái, sau một cuộc bán đấu giá. Hồ sơ cho thấy xe từng trải qua ba đời chủ ở Virginia và Maryland, đã đi hơn 405.000 km. Xe từng bị triệu hồi vì lỗi hệ thống trợ lực lái, nhưng không giống một số xe khác trong cùng lô hàng, nó chưa từng gây tai nạn.

Chiếc SUV cũ chỉ là một trong số hàng triệu ôtô cũ được chuyển đến Tây Phi mỗi năm từ những quốc gia giàu có như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Nhiều chiếc kết thúc vòng đời ở Benin, một trong những châu Phi nhập khẩu xe đã qua sử dụng nhiều nhất thế giới.

Làn sóng ôtô cũ đến các cảng Tây Phi dự kiến tăng lên khi nhiều nước phương Tây dần chuyển qua sử dụng xe điện, hướng tới mục tiêu cắt giảm khí thải gây biến đổi khí hậu. Nhưng cùng với quá trình đó, những chiếc xe xăng không bỗng dưng biến mất.

Chúng được vận chuyển hàng nghìn cây số tới những nước đang phát triển như Benin, nơi dân số đang tăng lên cùng nhu cầu sử dụng xe hơi. Các quốc gia cho rằng tình hình này sẽ tác động tới khí hậu và môi trường ở những nước dễ tổn thương nhất trước khủng hoảng khí hậu, đồng thời làm suy giảm nỗ lực cắt giảm ô nhiễm, nguyên nhân khiến hành tinh nóng lên.

Thị trường xe cũ tăng gần 20% từ năm 2015 tới 2019, khi 4,8 triệu chiếc được xuất khẩu. Xu hướng này giảm nhẹ năm 2020 do Covid-19, nhưng đang tăng nhanh trở lại, theo Rob de Jong, quan chức Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP).

Mỹ xuất khẩu 18% xe cũ trên thế giới, theo dữ liệu của UNEP. Những chiếc xe này được đưa đi khắp nơi, tới Trung Đông và Trung Mỹ, nhưng nhiều nhất tới Nigeria, Benin và Ghana.

Một số ôtô được xuất ra nước ngoài là xe từng đâm đụng, ngập nước hoặc quá cũ, vốn được bán đấu giá để rã xác lấy linh kiện. Số còn lại là những chiếc xe ế mà các đại lý ôtô Mỹ tìm cách đẩy đi.

"Rát nhiều trong số đó là những chiếc Huyndai, Toyota đã được đi 2-5 năm", Dmitriy Shibarshin, giám đốc tiếp thị của công ty Vận tải Bờ Tây, đơn vị chuyên vận chuyển ôtô quốc tế, nói. "Đó là những loại xe giá rẻ được nhập tới châu Phi nhiều nhất".

Công ty của ông cùng nhiều đơn vị khác chuyên vận chuyển ôtô cũ từ các nước phát triển về châu Phi. Shibarshin thiên về dòng xe cao cấp hơn, nhưng cũng sẵn sàng vận chuyển xe giá rẻ.

Tại những quốc gia lớn như Kenya hay Nigeria, hơn 90% ôtô và xe tải đã qua sử dụng có xuất xứ từ nước ngoài. Ở Kenya, nơi de Jong đặt trụ sở văn phòng, lượng xe cũ được bán ra đã tăng gấp đôi sau 8 năm. Ông cho hay nhiều tuyến đường ngày trước rất thông thoáng giờ đây thường xuyên chứng kiến cảnh kẹt xe.

Nhu cầu xe cũ ở châu Phi rất lớn. "Thế hệ dân số trẻ đang ngày càng giàu hơn", Etop Ipke, CEO của Autochek Africa, trang web mua bán ôtô trực tuyến, nói. "Việc đầu tiên họ muốn làm khi có tiền là mua ôtô".

Tuy nhiên, không giống như ở Mỹ, rất ít người ở châu Phi có thể vay tín dụng để mua xe. Do đó, xe mới thường nằm ngoài tầm với của họ.

"Về cơ bản, đó là lý do chúng tôi không thể cải thiện chất lượng xe bán ra", Ipke nói. "Không phải người ta muốn đi xe cũ, mà do họ không đủ tiền mua xe mới".

Các chuyên gia nhận định nhu cầu ôtô cũ có thể bùng nổ khi phương Tây chuyển dần sang xe điện khiến nguồn cung xe xăng tăng lên và giá rẻ hơn. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay gần 1/5 số xe bán ra trên toàn cầu năm nay là xe điện, trong khi tỷ lệ này năm 2020 là chưa đầy 5%. Trung Quốc, châu Âu và Mỹ đang dẫn đầu thị trường xe điện.

Tại những bang Mỹ như New York hay Florida, nơi khách hàng mua nhiều xe điện hơn, các đại lý đang tăng cường bán những mẫu xe xăng cũ ra nước ngoài, theo Matt Trapp, phó chủ tịch của Manheim, công ty lớn chuyên đấu giá ôtô.

Những bang này cũng là nơi thương mại cảng biển phát triển mạnh, khiến nơi đây trở thành điểm lý tưởng để vận chuyển xe cũ qua châu Phi.

"Tôi không ngạc nhiên khi thấy xuất khẩu xe cũ đang phát triển mạnh", Trapp nói. "Chúng ta sẽ thấy thị trường sôi động hơn. Khi các đại lý nhận thấy thị trường nước ngoài có nhu cầu, họ sẽ tìm được cách vận chuyển ôtô cũ tới đó".

Trong một góc bãi xe Fifa có một chiếc Dodge Charger đã cũ, sản xuất từ 16 năm trước. "Chúng tôi vừa bán nó với giá 4.500 USD", người bán giấu tên nói, cho hay chiếc xe được nhập từ Mỹ hai năm trước.

Cạnh đó là chiếc Ford Winstar 24 năm tuổi, được chuyển từ Mỹ tới Benin năm ngoái. Đó là lựa chọn phù hợp với những người thu nhập thấp không đủ tiền mua xe đời cao hơn.

Abdul Koura, nhân viên kinh doanh xe cũ, cho hay các nhà nhập khẩu rất thích nhập xe từng bị tai nạn ở Mỹ và Canada. "Họ sẽ sửa sang lại và bán kiếm lời", Koura nói, cho hay ở bãi xe Fifa có hơn 30 chiếc nhập từ Canada.

Victor Ojoh, nhân viên kinh doanh xe cũ người Nigeria tại bãi Fifa, cho hay những chiếc xe cũ này có một số lỗi đặc trưng. "Xe phun nhiều khói chủ yếu đến từ Mỹ", Ojoh nói. "Xe từ Canada chủ yếu bị ngập nước và thường bị lỗi hệ thống điện".

Một số xe thiếu thiết bị kiểm soát khí thải, do đại lý tháo ra để bán lại trên thị trường chợ đen, với giá khoảng 100 USD, Ojo cho hay.

Hàng triệu xe từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản chuyển tới châu Phi và châu Á là xe "gây ô nhiễm hoặc không an toàn", theo UNEP. "Xe thường bị lỗi hoặc thiếu linh kiện, khiến chúng thải ra khí độc, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm và cản trở nỗ lực chống biến đổi khí hậu".

Năm 2020, Benin và 14 thành viên Cộng đồng Kinh tế Khối các nước châu Phi đã thống nhất bộ quy tắc khí thải của xe cộ trong khu vực, trong đó giới hạn chỉ nhập xe đã qua sử dụng trong vòng 10 năm, cũng như quy định về mức phát thải carbon của xe.

Hiện chưa rõ những quy định này được thực thi ra sao. Các quan chức UNEP, trong đó có de Jong, đã thảo luận với giới chức Mỹ và EU về việc đưa ra những quy định mới để ngăn chặn vận chuyển ôtô cũ nát tới các nước đang phát triển. Nhưng các cuộc thảo luận mới ở bước đầu và chưa đi tới bất kỳ cam kết nào.

De Jong cho rằng việc nước giàu đẩy xe xăng cũ tới các quốc gia đang phát triển sẽ không giúp ích gì cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu. "Trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, phát thải ở đâu không thực sự quan trọng", ông nói. "Cho dù ở Washington hay Lagos, không có gì khác biệt".

Ipke tin rằng châu Phi sẽ không trở thành "bãi thải" cho toàn bộ xe xăng cũ từ phương Tây. Anh hy vọng quá trình chuyển đổi sang xe điện sẽ sớm đến với lục địa này, dù đòi hỏi cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng sạc điện.

"Quá trình chuyển đổi ở châu Phi không nhất thiết đi từ ôtô cũ sang ôtô mới chạy xăng, mà có thể từ ôtô cũ sang xe điện", anh nói. "Tôi cho rằng châu Phi cần sẵn sàng chuẩn bị cho xe điện, dù là xe đã qua sử dụng hay xe mới, bởi đó là xu hướng thế giới".

Nhưng với Yaya, những điều này còn rất xa xôi. Anh đến bãi xe Fifa và quyết định xuống tiền mua chiếc Ford Escape cũ, bởi không còn lựa chọn nào khác. "Tôi chỉ đủ tiền mua loại đó thôi", anh nói.

(Nguồn: Vnexpress)

Giẫm đạp tại sân vận động ở El Salvador, ít nhất 12 người thiệt mạng

(Ảnh minh họa).

Ít nhất 12 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong vụ giẫm đạp tại sân vận động ở El Salvador hôm 20/5.

AP đưa tin, vụ việc xảy ra khi người hâm mộ chen lấn để vào sân xem trận tứ kết giữa đội Alianza và FAS tại sân vận động Monumental ở Cuscatlan (El Salvador). Sau đó, đến khoảng phút thứ 16 của trận đấu, trên khán đài bắt đầu nhốn nháo khi có những người bị thương được đưa xuống khu vực đường biên trên sân.

Cơ quan Cảnh sát quốc gia El Salvador (PNC) thông báo: “Đã có tình trạng chen lấn của những người hâm mộ cố gắng vào xem trận đấu giữa Alianza và FAS tại sân vận động Custatlan”.

Theo Bộ trưởng Y tế Salvador Francisco Alabi, các đội cấp cứu đã được triển khai và những người bị thương được chuyển đến các bệnh viện địa phương.

“Khoảng 90 người, bao gồm cả trẻ vị thành niên, đang được điều trị vết thương - hầu hết đều trong tình trạng ổn định”, ông Alabi cho biết.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Juan Carlos Bidegain cho biết, lực lượng phản ứng nhanh của cơ quan dân phòng đã có mặt tại hiện trường và hỗ trợ người bị ảnh hưởng. Hàng trăm nhân viên cảnh sát và binh sĩ cũng có mặt tại sân cùng nhiều xe cứu thương.

Tổng thống El Salvador Nayib Bukele cho hay, cảnh sát quốc gia và văn phòng tổng chưởng lý sẽ tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về vụ việc.

(Nguồn: Vietnamnet)

Nhân tố chính ở Trung Đông

Việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad lần đầu tiên sau hơn 12 năm tham dự cuộc gặp cấp cao của Liên đoàn Ả Rập diễn ra ở Ả Rập Xê Út được coi là sự biểu lộ đặc trưng nhất cho những chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc trong thời gian qua về chính trị ngoại giao ở Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.

Nhân tố đóng vai trò quyết định nhất là Ả Rập Xê Út và động lực thúc đẩy Ả Rập Xê Út thực thi những điều chỉnh chiến lược quan trọng đối với tương lai chính trị, an ninh, ổn định và hợp tác nội khu vực là việc Mỹ giảm trong khi Trung Quốc và Nga tăng cường quan tâm và can dự trực tiếp vào hợp tác với các nước trong khu vực.

Ở đây lại có chuyện lợi ích quốc gia. Ả Rập Xê Út nhận thấy phải điều chỉnh chiến lược trước khi quá muộn. Không bình thường hóa lại quan hệ ngoại giao với Iran thì không thể sớm chấm dứt được cuộc chiến ở Yemen. Trong khi đó, cuộc chiến khác phủ bóng xuống khu vực đã bùng phát ở Sudan - nơi mà Ả Rập Xê Út muốn gây dựng vai trò trung gian hòa giải và chấm dứt nội chiến chứ không phải trực tiếp gây chiến. Hòa giải với Syria giúp Ả Rập Xê Út không đẩy Syria xa hơn về phía Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, trong khi vốn đã có một số quốc gia trong khu vực dần bình thường hóa quan hệ với Syria.

Ả Rập Xê Út chủ xướng phát động nên cũng phải đi đầu trong việc chấm dứt cuộc đối địch ngoại giao với Qatar - được Ai Cập và một vài thành viên của tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh - cùng tham gia. Ả Rập Xê Út đã công khai thể hiện không còn tiếp tục nhất nhất tiền hô hậu ủng cho Mỹ như lâu nay, đồng thời hết sức thân thiện và tranh thủ Trung Quốc.

Gây dựng nên vai trò quyết định chính giúp Ả Rập Xê Út dần trở thành trung tâm quyền lực thật sự ở khu vực lớn này.

(Nguồn: Thanh Niên)

Các thành viên G7 chọn thế đứng phản đối Trung Quốc 'cưỡng ép kinh tế'

(Ảnh minh họa).

Khi các nhà lãnh đạo G7 gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Nga bằng cách mời Tổng thống Volodymyr Zelensky tới Hiroshima, một đối thủ khác cũng xuất hiện trong tâm trí họ - đó là Trung Quốc.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết Trung Quốc là "thách thức lớn nhất trong thời đại của chúng ta" liên quan đến an ninh và thịnh vượng toàn cầu, đồng thời Trung Quốc "ngày càng độc đoán ở trong và ngoài nước".

Và trong không chỉ một mà hai tuyên bố, các nhà lãnh đạo của các nền dân chủ giàu có nhất thế giới đã nói rõ với Bắc Kinh lập trường của họ về các vấn đề gây chia rẽ như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Đài Loan.

Nhưng phần quan trọng nhất trong thông điệp của họ tập trung vào điều mà họ gọi là "cưỡng ép kinh tế".

Đó là một hành động cân bằng khó cho G7. Thông qua thương mại, nền kinh tế của họ đã trở nên phụ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc, nhưng sự cạnh tranh với Bắc Kinh đã tăng lên và họ không đồng ý về nhiều vấn đề bao gồm cả nhân quyền.

Nay họ lo ngại rằng họ đang bị ở thế phải làm con tin.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã không ngại áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với các quốc gia khiến họ không hài lòng. Điều này bao gồm Hàn Quốc, khi Seoul lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và Australia trong giai đoạn quan hệ lạnh nhạt gần đây.

Liên minh châu Âu đặc biệt lo ngại khi Trung Quốc chặn xuất khẩu của Lithuania sau khi quốc gia vùng Baltic này cho phép Đài Loan thành lập một đại sứ quán trên thực tế ở đó.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi G7 lên án điều mà họ coi là "sự gia tăng đáng lo ngại" của "việc vũ khí hóa các điểm yếu kinh tế".

Họ nói rằng sự ép buộc này tìm cách "làm suy yếu các chính sách đối nội và đối ngoại cũng như vị thế của các thành viên G7 cũng như các đối tác trên toàn thế giới".

Họ kêu gọi "giảm thiểu rủi ro" - một chính sách mà bà Ursula von der Leyen, người đang tham dự hội nghị thượng đỉnh, ủng hộ. Đây là một phiên bản ôn hòa hơn của ý tưởng "tách rời" khỏi Trung Quốc của Hoa Kỳ, theo đó họ sẽ cứng rắn hơn trong ngoại giao, đa dạng hóa các nguồn thương mại và bảo vệ thương mại và công nghệ.

Họ cũng đã đưa ra một "khuôn khổ hợp tác" để chống lại sự ép buộc và làm việc với các nền kinh tế mới nổi. Mặc dù vẫn còn mơ hồ về cách thức hoạt động chính xác của điều này, nhưng chúng ta có thể thấy các quốc gia giúp đỡ lẫn nhau bằng cách tăng cường thương mại hoặc cấp vốn nhằm giải quyết bất kỳ sự phong tỏa nào do Trung Quốc gây ra.

G7 cũng có kế hoạch tăng cường chuỗi cung ứng cho các hàng hóa quan trọng như khoáng sản và chất bán dẫn, đồng thời tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để ngăn chặn hành vi hack và đánh cắp công nghệ.

Nhưng cây gậy lớn nhất mà họ dự định sử dụng là kiểm soát xuất khẩu đa phương. Điều này có nghĩa là họ làm việc cùng nhau để đảm bảo công nghệ của họ, đặc biệt là những công nghệ được sử dụng trong quân đội và tình báo, không rơi vào tay "những kẻ xấu" .

Hoa Kỳ đã làm điều này với lệnh cấm xuất khẩu chip và công nghệ chip sang Trung Quốc, bước đi mà Nhật Bản và Hà Lan đã tham gia. G7 đang làm rõ những nỗ lực như vậy sẽ không chỉ tiếp tục mà còn tăng lên, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

Họ cũng cho biết họ sẽ tiếp tục siết chặt "việc chuyển giao không phù hợp" công nghệ được chia sẻ thông qua các hoạt động nghiên cứu. Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác lo ngại về gián điệp công nghiệp và đã bỏ tù những người bị cáo buộc ăn cắp bí mật công nghệ cho Trung Quốc.

Vừa giữ quan hệ, vừa ngăn chặn TQ

Đồng thời, các nhà lãnh đạo G7 đã nói rõ rằng họ không muốn cắt đứt sợi dây liên kết.

Phần lớn ngôn ngữ của họ về cưỡng ép kinh tế không nêu tên Trung Quốc, trong một nỗ lực ngoại giao rõ ràng để không trực tiếp chỉ mặt Bắc Kinh.

Khi họ nói về Trung Quốc, họ giữ vững lập trường của mình theo một cách nhẹ nhàng.

Họ tìm cách xoa dịu Bắc Kinh, nói rằng các chính sách của họ "không nhằm gây hại cho Trung Quốc và chúng tôi cũng không tìm cách cản trở sự phát triển và tiến bộ kinh tế của Trung Quốc". Họ "không tách rời hoặc hướng nội".

Nhưng họ cũng gây áp lực buộc Trung Quốc phải hợp tác, nói rằng "một Trung Quốc đang phát triển tuân thủ các quy tắc quốc tế sẽ có lợi cho toàn cầu".

Họ cũng kêu gọi sự tham gia "thẳng thắn", theo đó họ vẫn có thể trực tiếp bày tỏ mối quan ngại của mình với Trung Quốc, và tỏ ý họ sẵn sàng giữ các đường dây liên lạc mở trong bầu không khí đang căng thẳng.

Chúng ta không biết về phần mình các nhà lãnh đạo và giới ngoại giao Trung Quốc sẽ tiếp nhận thông điệp của G7 như thế nào. Nhưng truyền thông nhà nước trong quá khứ đã đánh trả lại phương Tây vì đã cố gắng có được cả hai cách, bằng cách chỉ trích Trung Quốc trong khi cũng tận hưởng lợi ích trong quan hệ đối tác kinh tế của họ.

Hiện tại, Bắc Kinh đã chọn rút lại những lời hùng biện giận dữ thông thường để đáp trả công khai.

Trung Quốc rõ ràng đã lường trước được các tuyên bố của G7 và trong những ngày trước hội nghị thượng đỉnh, các phương tiện truyền thông nhà nước và các đại sứ quán của họ đã đưa ra các bài cáo buộc Hoa Kỳ về hành vi đạo đức giả và cưỡng ép kinh tế của chính Hoa Kỳ.

Vào tối ngày thứ Bảy, họ cáo buộc G7 "bôi nhọ và tấn công" Trung Quốc và gửi khiếu nại tới nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản.

Họ cũng kêu gọi các nước G7 khác không "đồng lõa trong việc ép buộc kinh tế" của Hoa Kỳ, đồng thời kêu gọi họ "ngừng liên kết với nhau để hình thành các khối độc quyền" và "kiềm chế và trừng phạt các nước khác".

Điều đáng chú ý là Trung Quốc cũng đã tìm cách tạo ra các liên minh của riêng mình với các nước khác, và vào cuối tuần trước, ngay khi hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc, Trug Quốc đã tổ chức một cuộc họp song song với các nước Trung Á.

Vẫn chưa rõ liệu kế hoạch của G7 có thành công hay không. Nhưng G7 có thể sẽ được hoan nghênh bởi những nước đã kêu gọi một chiến lược rõ ràng để xử lý các hành vi lấn lướt của Trung Quốc.

Chuyên gia về Trung Quốc và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Andrew Small ca ngợi tuyên bố này có "cảm giác về một sự đồng thuận thực sự", và ghi nhận rằng tuyên bố này đã thể hiện quan điểm "chung" của G7.

“Vẫn còn những cuộc tranh luận lớn xung quanh việc 'giảm rủi ro' thực sự có nghĩa là gì, một số hạn chế xuất khẩu công nghệ nhạy cảm nên đi bao xa và loại biện pháp tập thể nào cần được thực hiện để chống lại sự ép buộc kinh tế", Tiến sĩ Small, thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu Marshall của Đức, cho biết.

“Nhưng giờ đây đã có một khuôn khổ rõ ràng và công khai về cách thức cân bằng lại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc giữa các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến.”

(Nguồn: BBC)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang