- Thời sự
- Thế giới
Hàn Quốc chủ động thúc đẩy nối lại cơ chế Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn vốn đã bị đình trệ từ 2019 cho thấy nỗ lực muốn phá bế tắc trong vấn đề Triều Tiên và nhu cầu để lại di sản của Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Sau hơn 4 năm liên tiếp bị trì hoãn, Hội nghị Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn lần thứ 9 cuối cùng sẽ được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc trong các ngày 26-27/5. Hội nghị lần này có sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Tổng thống nước chủ nhà Yoon Suk Yeol.
Nối lại truyền thống
Sự kiện này vốn được kỳ vọng tổ chức vào năm 2020 sau Hội nghị lần thứ 8 tại Thành Đô, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, sự bùng phát nhanh chóng trên diện rộng của đại dịch Covid-19 và quan hệ căng thẳng Nhật-Hàn xoay quanh vấn đề bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng ép của Hàn Quốc đã khiến việc tổ chức sự kiện này trở nên khó khăn. Việc đăng cai Thượng đỉnh ba bên lần thứ 9 sau một thời gian ngắt quãng cho thấy thành công ngoại giao của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol và phản ánh rõ hơn cách tiếp cận “nhiều giỏ” của ông Yoon đối với vấn đề Triều Tiên.
Bắt đầu từ năm 2008 tại Fukuoka, Nhật Bản, cơ chế Thượng đỉnh ba bên Trung-Nhật-Hàn được thành lập với ý định tổ chức thường niên nhằm thúc đẩy trao đổi thường xuyên và hợp tác giữa ba nước Đông Bắc Á. Mỗi nước lần lượt làm Chủ tịch luân phiên qua từng năm, theo thứ tự Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tuy nhiên, cơ chế này đã bị ngắt quãng 3 lần, mỗi lần kéo dài khoảng 3-4 năm.
Năm 2012, Thượng đỉnh lần thứ 5 do Trung Quốc chủ trì được tổ chức tại Bắc Kinh. Trong bối cảnh căng thẳng giữa ba nước gia tăng xoay quanh các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ, phải mất tới 3 năm để nước Chủ tịch tiếp theo là Hàn Quốc tổ chức Hội nghị lần thứ 6 tại Seoul năm 2015 nhờ các nỗ lực vận động của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.
Sau đó, khi đến lượt Nhật Bản đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 7 tại Tokyo năm 2016, ba nước đã quyết định trì hoãn việc này trong bối cảnh bà Park bị luận tội, dẫn đến bất ổn chính trị ở Hàn Quốc. Đến năm 2017, khủng hoảng THAAD (Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại Hàn Quốc) một lần nữa khiến cơ chế này bị hoãn do những căng thẳng nghiêm trọng trong quan hệ Trung-Hàn.
Phải đến khi người thay thế bà Park là cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In lên nắm quyền với chính sách “3 không” về vấn đề THAAD, Thượng đỉnh lần thứ 7 tại Tokyo mới chính thức được tổ chức năm 2018.
Tạo thêm dấu ấn
Có thể thấy, hai lần ngắt quãng của cơ chế Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn đều xảy ra khi đến phiên Hàn Quốc làm Chủ tịch, và lần tạm hoãn thứ 3 cơ bản là hệ quả của biến động chính trị ở Hàn Quốc. Trong khi đó, Hàn Quốc là nước đã chủ động đề xuất việc thành lập Ban Thư ký Hợp tác Ba bên (TCS) vào năm 2009, góp phần dẫn đến việc thành lập chính thức cơ quan này vào năm 2011 sau đó, đặt trụ sở tại Seoul.
TCS là một tổ chức liên chính phủ có mục đích thúc đẩy hợp tác lâu dài giữa ba nước Trung-Nhật-Hàn thông qua các khuyến nghị chính sách. Việc thành lập TCS đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thể chế hóa hợp tác ba bên vốn đã được bắt đầu từ năm 1999. Với thực tế này, việc Hàn Quốc có thể nối lại cơ chế Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn bị trì hoãn từ năm 2019 đến nay có thể được đánh giá là một thành công ngoại giao, một dấu ấn nhất định trong di sản nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm của ông Yoon Suk Yeol.
Không chỉ có ý nghĩa về mặt ngoại giao, sự kiện này còn là một nỗ lực của Hàn Quốc nhằm gửi đi thông điệp liên quan đến vấn đề Triều Tiên. Trước mối đe dọa hạt nhân và chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Yoon Suk Yeol đang theo đuổi cách tiếp cận “bỏ trứng vào nhiều giỏ”, vận động đa dạng các đối tác ở cả Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Trước đó, Tổng thống Yoon cần dành nhiều quan tâm và nguồn lực cho cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc ngày 10/4. Sau bầu cử, ông Yoon đã có thể tập trung nhiều hơn vào vấn đề Triều Tiên. Hàn Quốc đã và đang thúc đẩy việc chính thức nâng cấp quan hệ ASEAN-Hàn Quốc lên Đối tác chiến lược toàn diện vào cuối năm nay, nhân kỷ niệm 35 năm Đối tác đối thoại giữa hai bên. Vừa qua, Hàn Quốc và Campuchia cũng đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược trong chuyến thăm 4 ngày của Thủ tướng Campuchia Hun Manet đến Hàn Quốc từ 15/5. Gần đây, Hàn Quốc cũng có động thái đáng chú ý khi cử Ngoại trưởng Cho Tae Yul đến Bắc Kinh gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị (lần đầu tiên sau 6 năm) trong bối cảnh Trung Quốc còn tương đối “trầm lặng” về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay.
Nỗ lực tạo đột phá
Chuỗi các hoạt động ngoại giao nói trên thể hiện các nỗ lực của Hàn Quốc nhằm tìm ra “lối thoát” trong tình thế bế tắc trên bán đảo Triều Tiên hiện nay. Thay vì thay đổi cách tiếp cận cứng rắn của mình (trong đó có việc thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ và thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản trong khuôn khổ ba bên Mỹ-Nhật-Hàn), ông Yoon tìm cách vận động nhiều nước ở khu vực để tác động lên Triều Tiên, đưa nước này quay trở lại tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa.
Bằng việc tái khởi động cơ chế Thượng đỉnh Ba bên Trung-Nhật-Hàn chỉ gần hai tuần sau chuyến đi Bắc Kinh của Ngoại trưởng Cho và chuyến thăm Seoul của Thủ tướng Campuchia – đối tác gần gũi của Trung Quốc ở Đông Nam Á, Hàn Quốc đang ngầm gửi đi thông điệp khá rõ ràng cho phía Trung Quốc rằng nước này nên đóng vai trò lớn hơn nhằm ngăn chặn chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên.
Trong khi cựu Tổng thống Park Geun Hye đã không thể tiếp tục duy trì thường niên cơ chế Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn sau năm 2015, việc Tổng thống Yoon có thể tiếp nối đà tổ chức định kỳ hàng năm của cơ chế này sau năm 2024 hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhưng ít nhất tại thời điểm hiện nay, có thể thấy những tiến triển nhất định trong chiến thuật “nhiều giỏ” của Tổng thống Yoon kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 10/4.
Với chiến thắng giòn giã của Đảng Dân chủ (DPK), chính quyền của Tổng thống Yoon sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi thi hành các chính sách đối nội cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2027. Do đó, để có thêm thành tựu trong 3 năm còn lại trên cương vị Tổng thống, ông Yoon cần thúc đẩy nhiều hơn trên mặt trận đối ngoại. Và Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn lần thứ 9 tại Seoul là một nỗ lực nằm trong tổng thể chiều hướng đó.
Với việc 5 quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga bị bắt trong tháng qua, Tổng thống Putin dường như đang thúc đẩy nỗ lực chống tham nhũng trong quân đội.
Ủy ban Điều tra Liên bang Nga ngày 23/5 thông báo bắt Vladimir Verteletsky, lãnh đạo bộ phận mua sắm của Bộ Quốc phòng Nga, với cáo buộc lạm quyền liên quan đến một hợp đồng chính phủ năm 2022, gây thiệt hại hơn 70 triệu ruble (773.500 USD). Verteletsky là quan chức quốc phòng Nga thứ 5 bị bắt trong vòng một tháng gần đây.
Trước đó vài giờ, trung tướng Vadim Shamarin, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ quy mô lớn.
Khi tình hình trên chiến trường Ukraine trở nên thuận lợi hơn với Nga, Tổng thống Vladimir Putin dường như xem đây là thời điểm thích hợp để thúc đẩy nỗ lực thanh lọc quân đội sau những thất bại trên chiến trường trong năm 2022 và những cáo buộc tham nhũng ở Bộ Quốc phòng từng châm ngòi cuộc nổi loạn của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin hồi năm ngoái, theo giới quan sát.
Nỗ lực này bắt đầu từ ngày 23/4, khi Thứ trưởng Quốc phòng Timur Ivanov bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ. Kể từ đó, trung tướng Yuri Kuznetsov, người đứng đầu về nhân sự tại Bộ Quốc phòng, và thiếu tướng Ivan Popov, cựu chỉ huy từng chỉ trích giới lãnh đạo quân sự Nga về chiến dịch kém hiệu quả ở Ukraine, cũng đã bị bắt và điều tra với cáo buộc tương tự.
Cuộc cải tổ quyết liệt tại Bộ Quốc phòng được tiến hành sau khi Tổng thống Putin nhậm chức nhiệm kỳ 5 vào đầu tháng này. Một trong những động thái lớn về nhân sự của ông trong nhiệm kỳ mới là thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, đồng minh lâu năm, bằng nhà kinh tế Andrei Belousov.
Quyết định bổ nhiệm này được coi là nỗ lực nhằm hợp lý hóa nền kinh tế thời chiến của Nga, tập trung nguồn lực vào quân sự và chống tham nhũng trong chi tiêu quân sự.
Chiến dịch chống tham nhũng, làm trong sạch quân đội có thể không sớm kết thúc, khi hãng thông tấn nhà nước TASS ngày 23/5 cho biết cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò của nhiều người liên quan tới trung tướng Shamarin.
"Đối với ông Putin, cải tổ chính phủ là cách để lập lại trật tự, vì cuộc chiến ở Ukraine sẽ kéo dài và Nga cần tập trung các nguồn lực lớn trên chiến trường", Abbas Gallyamov, nhà phân tích chính trị tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, Mỹ, nói.
Loạt quan chức, tướng cấp cao Bộ Quốc phòng Nga bị bắt trong bối cảnh Moskva gần đây giành lại thế chủ động ở Ukraine, liên tục phá vỡ hệ thống phòng thủ của đối phương, trong đó có đợt tấn công mạnh mẽ vào khu vực biên giới Kharkov. Ông Putin nói rằng mục tiêu của chiến dịch tấn công Kharkov là tạo vùng đệm dọc biên giới, giảm nguy cơ các vùng lãnh thổ biên giới Nga bị tấn công.
Trung tướng Shamarin bị cáo buộc nhận hối lộ 36 triệu ruble, khoảng 400.000 USD, theo Ủy ban Điều tra Nga. Các nhà điều tra đã đóng băng toàn bộ bất động sản, tài sản và tài khoản ngân hàng của quan chức này, theo TASS. Trung tướng này phủ nhận các cáo buộc.
Trong khi đó, thiếu tướng Popov, cựu tư lệnh Tập đoàn quân 58, bị cáo buộc "lừa đảo trên quy mô đặc biệt lớn". Ông từng là người chịu trách nhiệm phụ trách tác chiến tại tỉnh Zaporizhzhia và tham gia chống đợt phản công quy mô lớn của Ukraine trong khu vực.
Popov năm ngoái gây chấn động dư luận Nga khi chỉ trích các lãnh đạo quân sự "cắt nguồn lực cho binh sĩ trong thời điểm khó khăn". Ông phàn nàn với Bộ Quốc phòng rằng lực lượng dưới quyền không được hỗ trợ đầy đủ, thiếu năng lực phản pháo, trinh sát pháo binh và chịu nhiều thương vong vì chiến dịch phản công của Ukraine.
Tháng 7/2023, ông mất chức tư lệnh Tập đoàn quân 58. Trong thông điệp ghi âm gửi tới các binh sĩ dưới quyền, ông nói mình bị cách chức vì "nói sự thật với các lãnh đạo quốc phòng", trong đó có tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga.
Với trường hợp của Popov, "ông Putin muốn cho các tướng lĩnh thấy rằng đây là hành vi bị trừng phạt và lòng trung thành là điều quan trọng", Gallyamov nói.
Thông điệp của ông Popov lặp lại những chỉ trích mà Prigozhin, ông trùm tập đoàn quân sự tư nhân Nga Wagner, từng đưa ra nhắm vào tướng Shoigu và Gerasimov, hai lãnh đạo cao nhất của Bộ Quốc phòng Nga. Wagner từng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp lực lượng Nga kiểm soát thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine hồi tháng 5/2023.
Một năm trước, ông trùm Wagner đã công khai chỉ trích các chỉ huy quân sự Nga, cáo buộc họ không đủ năng lực và tham nhũng, cũng như đổ lỗi về những thất bại trên chiến trường Ukraine. Ông đã tập trung nỗi bất bình của mình vào ông Shoigu và Gerasimov, yêu cầu chính phủ sa thải họ.
Cuộc tranh cãi công khai vượt tầm kiểm soát, dẫn đến cuộc nổi loạn của Wagner vào tháng 6 năm ngoái. Đây là thách thức chưa từng có đối với Tổng thống Putin và Điện Kremlin. Trùm Wagner sau đó chấm dứt cuộc nổi loạn theo thỏa thuận với Moskva. Hai tháng sau, Prigozhin cùng các thân tín thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay.
Ông Putin năm ngoái đã bác bỏ các cáo buộc mà Prigozhin đưa ra nhắm vào các lãnh đạo quốc phòng. Tuy nhiên, một năm sau, vị trí của ông Shoigu đã được thay thế và Thứ trưởng Ivanov, người thân tín của ông, bị bắt.
Ivanov, người đã giữ vị trí thứ trưởng quốc phòng Nga trong 8 năm, bị cáo buộc nhận hối lộ một triệu ruble. Ivanov trước đó từng bị cáo buộc cùng với gia đình sống xa hoa với những chuyến đi nước ngoài đắt đỏ, những bữa tiệc xa xỉ và nắm giữ nhiều bất động sản hạng sang.
Hệ thống chỉ huy trong Bộ Tổng tham mưu Nga cũng có nhiều xáo trộn. Trung tướng Shamarin, người hiện đối mặt với án tù lên tới 15 năm, là cấp phó của Tổng tham mưu trưởng Gerasimov. Ông Putin tuần trước nói rằng không có kế hoạch thay đổi nhân sự cấp cao nhất ở Bộ Tổng tham mưu vì cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra thành công.
Steve Rosenberg, nhà phân tích của BBC, cho rằng Tổng thống Nga không muốn hành động dưới sức ép lớn từ bên ngoài, như vụ nổi loạn của Prigozhin, thay vào đó sẽ chọn thời điểm hành động phù hợp.
Cuộc chiến Nga - Ukraine, bùng phát cuối tháng 2/2022, đã phơi bày vấn nạn tham nhũng trong quân đội Nga, theo giới quan sát. Các hành vi tham nhũng đã ảnh hưởng đến kho vũ khí của Nga, cũng như lực lượng chiến đấu và khả năng trang bị cho quân đội tiền tuyến.
John Foreman, cựu tùy viên quốc phòng Anh tại Moskva, cho biết các hành động quyết liệt của Nga trước đây chỉ nhắm vào các tướng trên chiến trường, trong khi những sĩ quan cấp cao ở Moskva gần như không bị ảnh hưởng. "Nhưng giờ đây, nỗ lực thanh lọc quân đội ở tiền tuyến đã được khởi động ở Moskva", ông nói.
Ông thêm rằng Điện Kremlin không còn lựa chọn nào khác ngoài kiềm chế nạn tham nhũng ngày càng tăng trong quân đội. Foreman nói "tham nhũng đang cản trở cuộc chiến đến mức họ phải làm gì đó. Ông Putin đã dốc toàn lực để giành thắng lợi trên chiến trường và bất kỳ trở ngại nào cũng đều phải xử lý".
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 23/5 cho hay cuộc chiến chống tham nhũng là "nỗ lực liên tục", dù không gọi đây là một "chiến dịch". "Đây là một phần không thể thiếu trong hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật của chúng tôi", ông nói.
Truyền thông Mỹ nói rằng Nga dường như đã biết cách gây nhiễu hệ thống internet vệ tinh Starlink của Ukraine, cắt đứt huyết mạch liên lạc của Kiev trên diện rộng.
New York Times dẫn nguồn thạo tin cho biết, công nghệ gây nhiễu của Nga dường như đã "bắt bài" được dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Ukraine.
Kể từ đầu cuộc chiến, quân đội Ukraine đã sử dụng Starlink của SpaceX để liên lạc, phối hợp tấn công và thu thập thông tin tình báo.
Tuy nhiên, báo Mỹ nói rằng, quân đội Nga được cho đã lần đầu tiên đánh sập hệ thống Starlink trên diện rộng bằng tác chiến điện tử trong thời gian qua, gây ra vấn đề nghiêm trọng cho lực lượng tiền tuyến Ukraine.
Các thành viên của Lữ đoàn tấn công số 92 của Ukraine phàn nàn với New York Times rằng Starlink đã trở nên rất chậm chạp vào đầu tháng này khi quân đội Nga tiến qua biên giới phía bắc để tấn công.
"Một ngày trước cuộc tấn công của Nga, Starlink bị sập. Nó trở nên rất chậm. Chúng ta đang thua trong cuộc chiến tác chiến điện tử", một binh sĩ có biệt danh Ajax nói.
Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng kỹ thuật số Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng Nga đang thử nghiệm các công cụ mới, phức tạp để "phá vỡ kết nối Starlink vì nó rất quan trọng đối với chúng tôi".
Ông cho biết Ukraine đang hợp tác với SpaceX để giải quyết tình trạng chập chờn này.
Theo báo Mỹ, Nga có thể đã gây nhiễu Starlink bằng cách triển khai các thiết bị tác chiến điện tử mạnh hơn và chính xác hơn.
Một phi công lái máy bay không người lái có biệt danh Kartel, nói rằng một số binh sĩ phải chuyển sang ứng dụng nhắn tin văn bản vì Starlink quá chậm.
Từ tháng 3, binh sĩ Ukraine nói với truyền thông Mỹ rằng họ liên tục gặp vấn đề khi kết nối với Starlink trong thời gian qua. Họ cho biết tốc độ kết nối với Starlink đã giảm và họ gặp tình trạng chập chờn khi cần dùng dịch vụ internet.
Vào tháng 4, một quan chức tác chiến điện tử của Nga từng tuyên bố Moscow đã biết cách bắt bài Starlink.
Starlink là dự án mạng vệ tinh xoay quanh các chòm sao của công ty SpaceX (Mỹ), cung cấp kết nối Internet trên toàn cầu, đặc biệt là phục vụ người dân ở những nơi xa xôi nhất trên Trái Đất.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, SpaceX đã cung cấp hàng chục nghìn thiết bị kết nối internet vệ tinh Starlink cho Ukraine. Ngay cả khi mạng di động và internet bị phá hủy do chiến sự, các thiết bị Starlink vẫn cho phép Ukraine duy trì kết nối.
Starlink cho phép quân đội Ukraine sở hữu một hệ thống thông tin đáng tin cậy và mạnh mẽ. Quân nhân Ukraine sử dụng các hệ thống này để phối hợp các nhiệm vụ phản công hoặc yêu cầu hỗ trợ pháo binh, cũng như điều khiển các thiết bị không người lái tấn công Nga.
Nga từng dọa bắn rơi vệ tinh Starlink với lý do chúng được sử dụng để phục vụ cho quân đội Ukraine để chống lại Nga.
Nếu Nga thực sự có thể làm nhiễu Starlink bằng tác chiến điện tử, đây được xem là tin dữ đối với Ukraine, vì điều đó có nghĩa là Moscow có thể ngắt được hệ thống thông tin liên lạc nòng cốt của đối thủ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 26/5 đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới, trong khi đất nước của ông đang nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công không ngừng của Nga trong cuộc xâm lược kéo dài 27 tháng của nước này.
Trong những tuần gần đây, lực lượng của Moscow đã tiến quân trên chiến trường và tăng cường không kích vào các thành phố, và Kyiv hy vọng cuộc họp vào tháng 6 tại Thụy Sĩ sẽ giúp gây áp lực quốc tế lên Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong đoạn video bằng tiếng Anh được quay bên trong một nhà in bị phá hủy và cháy đen hôm 23/5 trong một cuộc không kích của Nga, ông Zelenskyy nói rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ "cho thấy ai trên thế giới thực sự muốn chấm dứt chiến tranh".
“Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới vẫn đang đứng ngoài những nỗ lực toàn cầu của Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Toàn cầu – tới Tổng thống Biden, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Chủ tịch Tập, nhà lãnh đạo Trung Quốc”, ông Zelenskyy nói.
“Xin hãy thể hiện sự lãnh đạo của mình trong việc thúc đẩy hòa bình – hòa bình thực sự chứ không chỉ là sự tạm dừng giữa các cuộc oanh kích”.
Nga nói họ không thấy ý nghĩa của hội nghị này mà Moscow hiện không được mời tham dự.
Lời kêu gọi của ông Zelenskyy được đưa ra hai ngày sau khi các nguồn tin Nga nói với Reuters rằng ông Putin sẵn sàng ngưng cuộc chiến ở Ukraine bằng một lệnh ngừng bắn được đàm phán để công nhận các chiến tuyến hiện tại.
Ông Zelenskyy và những người ủng hộ Ukraine nói rằng lệnh ngừng bắn sẽ chỉ giúp Nga tái vũ trang và tập hợp lại lực lượng.
Trong những tháng gần đây, Nga đã đạt được những tiến bộ chậm nhưng ổn định dọc theo một số khu vực của mặt trận phía đông rộng lớn và đang cố gắng tiến sâu hơn vào khu vực đông bắc Kharkiv sau khi một cuộc tấn công trên bộ được phát động vào đầu tháng này.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters tuần trước, ông Zelenskyy nói rằng điều quan trọng là phải có càng nhiều quốc gia quanh bàn đàm phán hòa bình càng tốt. Ông Putin nói ông tin rằng các cuộc đàm phán có thể biến yêu cầu của Ukraine về việc Nga rút quân thành tối hậu thư dành cho Nga.
Trong động thái được truyền thông khu vực mô tả là nhằm thách thức yêu cầu của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về lập tức chấm dứt cuộc tấn công vào thành phố Rafah ở cực Nam Gaza, hôm qua (25/5), quân đội Israel tiếp tục mở thêm nhiều cuộc không kích và pháo kích dữ dội vào đô thị này, cùng nhiều thành phố khác trên khắp dải Gaza.
Theo hãng thông tấn Palestine cùng nhiều nguồn tin A rập, ngay từ sáng sớm qua, không quân Israel đã liên tiếp mở nhiều cuộc không kích vào khu vực trung tâm và phía Nam thành phố Rafah. Dẫn lời một số cư dân bên trong thành phố Rafah, các nguồn tin khẳng định tần suất các cuộc tấn công vào Rafah không hề giảm đi so với thời điểm trước khi Tòa quốc tế công bố phán quyết yêu cầu Israel dừng ngay lập tức chiến dịch tấn công vào Rafah. Một số quan chức Palestine và nhà bình luận khu vực đánh giá Israel hoàn toàn không có ý định thay đổi kế hoạch tấn công vào Rafah và đang công khai thách thức phán quyết của Tòa án quốc tế.
Liên quan đến vấn đề nối lại các cuộc đàm phán ngừng bắn, một quan chức Hamas tối qua khẳng định với hãng tin Reuters của Anh rằng thông tin về việc các cuộc đàm phán sẽ được nối lại tại Cairo, Ai Cập vào thứ 3 tuần tới, là không đúng sự thật. Quan chức Hamas nhấn mạnh các bên vẫn chưa có bất kỳ một lộ trình thời gian cụ thể nào cho việc khởi động lại các cuộc đàm phán đã bị đình lại từ nhiều tuần qua. Trước đó, một số nguồn tin khu vực nói rằng Israel đã nhất trí tham gia trở lại các cuộc đàm phán ngừng bắn trong tuần tới dưới sự trung gia của Ai Cập và Qatar, cùng sự hỗ trợ của Mỹ.
Cuộc xung đột đẫm máu kéo dài gần 8 tháng qua giữa Israel và Hamas mới chỉ đạt được một lệnh ngừng bắn ngắn ngày duy nhất cuối tháng 11/2023. Theo truyền thông khu vực, sự khác biệt quan điểm quá lớn giữa Israel và Hamas về các điều kiện ngừng bắn và trao đổi con tin, là nguyên nhân chính khiến hàng loạt vòng đàm phán liên tiếp được xúc tiến trong những tháng qua chưa đạt được đột phá cần thiết để tiến tới thỏa thuận.
Nguồn: Báo Quốc Tế; Vnexpress; Dân Trí; VOA; VOV
Các tập đoàn lớn cắt giảm lao động; Thảm họa rượu độc ở Lào; Truy nã ông Netanyahu; Israel chiếm toàn bộ Bờ Tây; Putin làm gì tiếp theo?
Mỹ: Người nhập cư ‘nháo nhào’; Nợ quốc gia phá kỷ lục; ‘Đế chế’ Trump & ảnh hưởng; Trump hoàn tất nội các; Chính sách TQ thời Trump 2.0
Các cam kết ở Thượng đỉnh G20; Chuyện lính Nga đào ngũ; Nga sửa chính sách hạt nhân; Kế hoạch 2 của Ukraine; Israel nhượng bộ Hamas
Ngành sữa TQ gặp rủi ro; Nga giáng đòn vào Mỹ; Bộ trưởng ngoại giao họp G7; Ukraine ‘khó chồng khó’ ở Kursk; Trận chiến giành Kurakhovo
Mỹ: Lý giải hiện tượng ‘bão bom’; Thế hệ 1 con nở rộ; Musk & kế hoạch giảm biên chế; Tour du lịch ‘trốn’ Trump; Sự tương phản với TQ
Mỹ: Nội các mới bị đe dọa; Thỏa thuận chuyển giao Nhà Trắng; Tương lai thời Trump; Chính sách thuế mới; ‘Chiến tranh tiền tệ’ tái diễn
Chính trường Philippines dậy sóng; Nội chiến Syria bùng phát; Kiev gặp khó vì ATACMS, vũ khí ồ ạt đổ về; Putin tăng ngân sách quốc phòng
Mỹ: Bão tuyết tấn công; Chi 10,8 tỷ đô cho Black Friday; Tham vọng siêu cường bitcoin; Bán vũ khí cho Đài Loan; Trump đe dọa BRICS
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá