Truy tố kẻ sát hại, hiếp dâm rồi phân xác cô gái; Sống sót sau tin nhắn gạ sex; Clip 'làm tài xế cũng áp lực'; Mất bạn vì clip đánh ghen

TRUY TỐ KẺ MAN RỢ SÁT HẠI, HIẾP DÂM RỒI PHÂN XÁC CÔ GÁI CHIỀU 29 TẾT

Nguyễn Đăng Khoa (25 tuổi, ngụ thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) bị truy tố cùng lúc về các tội giết người, hiếp dâm, cướp tài sản.

Thông tin mới nhất về vụ việc

Ngày 11/5, Luật sư Nguyễn Hùng Quân (Đoàn Luật sư TP.HCM) - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại V.T.T (nạn nhân bị sát hại vào chiều 29 tết ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, Viện KSND TP.HCM đã ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Đăng Khoa (25 tuổi, ngụ thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) về các tội giết người, hiếp dâm, cướp tài sản.

Cáo trạng xác định đây là vụ án "Giết người", "Hiếp dâm", Cướp tài sản" xảy ra ngày 08/02/2024 tại phòng trọ số 14, địa chỉ số 103/18 Quang Trung, Khu phố 5, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, TP.HCM do Nguyễn Đăng Khoa thực hiện.

Vào ngày 06/02/2024, Nguyễn Đăng Khoa nảy sinh ý định cướp tài sản, giết, hiếp dâm chị T. Để thực hiện hành vi phạm tội, Khoa chuẩn bị hung khí, tạo cớ, dẫn dụ chị T. vào phòng trọ của mình, sau đó, dùng dao khống chế, tấn công cướp tài sản, giết, hiếp dâm chị T., rồi chặt xác phi tang nhằm che dấu hành vi phạm tội.

Viện KSND TP.HCM nhận định Nguyễn Đăng Khoa đã thực hiện hành vi phạm tội với động cơ đê hèn, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, dùng thủ đoạn tàn ác để phạm tội và có hành vi hung hãn nhằm che dấu tội phạm.

Hành vi trên là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây bức xúc trong dư luận nên cần phải xử lý nghiêm đối với bị can và răn đe, phòng ngừa chung đối với xã hội.

Hành vi của Nguyễn Đăng Khoa đã phạm các tội "Giết người" thuộc trường hợp "Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng", "Thực hiện tội phạm một cách man rợ", "Hiếp dâm", "Cướp tài sản" thuộc trường hợp "Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác", tội phạm và hình phạt được quy định tại các điểm e, i khoản 1 Điều 123, khoản 1 Điều 141 và điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị can Nguyễn Đăng Khoa được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thành khẩn khai báo, quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Phạm tội vì động cơ đê hèn, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng và dùng thủ đoạn tàn ác để phạm tội, quy định tại điểm đ, e, m khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tội ác man rợ của kẻ sát nhân

Nguyễn Đăng Khoa và chị V.T.T. cùng ở tại khu nhà trọ địa chỉ số 103/18 Quang Trung, Khu phố 5, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, TP.HCM (Khoa ở phòng trọ số 14, chị T. ở phòng trọ số 4).

Vào khoảng ngày 06/02/2024 (27/12/2023 âm lịch), Khoa nghĩ gần tết chị T. có tiền nên nảy sinh ý định và lên kế hoạch để cướp tài sản và hiếp dâm sau đó giết chị T. để phi tang. Để thực hiện ý định của mình, Khoa tự kéo tủ quần áo khỏi vị trí ban đầu chờ cơ hội để thực hiện hành vi.

Khoảng 15 giờ ngày 08/02/2024, khi thấy chị T. chuẩn bị dọn đồ để về quê ăn tết, Khoa nhờ chị T. qua phòng trọ số 14 của mình để giúp Khoa dời tủ quần áo. Khi đi qua phòng Khoa, chị T. mang theo 01 túi xách màu đen hình vuông đeo chéo trước ngực, bên trong có 3.000.000 đồng và 01 điện thoại Iphone 12 Pro màu xanh dương.

Khi vào phòng trọ của mình, Khoa đi đến khu vực bếp lấy con dao Thái Lan, cán nhựa màu vàng, dài 21 cm, lưỡi bằng kim loại dài 11 cm, rộng 2cm cầm trên tay phải chĩa dao về phía chị T. đe dọa, nói:

"Chị không được la, em chỉ lấy tiền thôi". Chị T. van xin, kháng cự nhưng Khoa vẫn sát hại rồi hiếp dâm nạn nhân. Sau khi quan hệ tình dục xong, Khoa lấy 01 lắc vàng và 01 nhẫn vàng trên tay chị T., 3.000.000 đồng và 01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 12 Pro trong túi xách chị T. bỏ vào túi quần đang mặc.

Tiếp theo, Khoa đi hiệu thuốc mua băng keo cá nhân để dán các vết thương ở tay do bị chị T. chống cự cắn. Trên đường về, Khoa dừng xe tháo sim điện thoại của chị T. vứt xuống đường và đi đến cửa hàng tạp hóa mua 01kg túi nilon màu đen loại 10kg và 01 ổ khóa để thực hiện kế hoạch man rợ.

Về phòng mình, Khoa đóng cửa, lấy điện thoại di động mở nhạc to và mở vòi nước chảy ra sàn tạo âm thanh lớn để tránh việc người ngoài nghe được tiếng động bên trong. Khoa đến khu vực kệ bếp lấy con dao rựa dài 39 cm, bản lưỡi rộng 6,7 cm để phân xác nạn nhân bỏ vào 06 túi nilon màu đen, tẩy rửa nhà nhà tắm và con dao gây án.

Khoảng 18 giờ cùng ngày, Khoa chạy xe chở 06 túi nilon chứa các phần thi thể của chị T. đến khu vực vắng người ở đường D4 phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Đức vứt xuống mép kênh. Sau đó, Khoa đón xe khách về nhà bạn gái là chị Nguyễn Thị Nguyệt ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Vào lúc 14 giờ 52 phút ngày 08/02/2024, chị V.T.H. là chị gái của chị T. nhận được tin nhắn của nạn nhân thông báo sẽ về nhà ở Đồng Nai để ăn tết cùng gia đình, nhưng đến tối vẫn chưa thấy về, mất liên lạc nên báo công an.

Qua điều tra, truy xét, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM xác định Nguyễn Đăng Khoa đang ở nhà chị Nguyễn Thị Nguyệt tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định nên phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Phù Cát di lý Nguyễn Đăng Khoa về Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để làm việc.

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Nguyễn Đăng Khoa đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như đã nêu trên, lời khai của Khoa phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

TỈNH TÁO, SỐNG SÓT SAU NHỮNG TIN NHẮN GẠ SEX

Không phân biệt già trẻ, nam nữ, các tin nhắn gạ sex được gửi theo nhiều đường: điện thoại, facebook, zalo, viber… để mời chào khách hàng. Chỉ cần “con mồi” tỏ ý quan tâm, một cuộc tình chóng vánh sau đó sẽ được thiết lập, có giá từ vài trăm đến vài tỷ đồng.

Không ai là ngoại lệ

Nhỡ tay bấm vào đường link “Phong nhũ phì đồn” (tên một tiểu thuyết nổi tiếng của Mạc Ngôn, dịch sát nghĩa là “Ngực to mông nở”), sau đó tài khoản zalo của tôi bị hàng loạt tin nhắn gạ sex tấn công. Các số điện thoại không có tên lần lượt để lại những lời nhắn mời chào: “đáp ứng mọi nhu cầu của bạn, các em gái gần khu vực bạn sống”, “những cô gái xinh đẹp phục vụ sex trên cả nước, giá cả ưu đãi”, “sinh viên phục vụ sex tận nhà”… Khi tôi đem chuyện này chia sẻ với nhóm bạn bè, mỗi người trong số họ lại đóng góp thêm nhiều tình huống bị gạ sex khác nhau.

“Một lần bà già tôi mượn smartphone của ông già nhắn tin cho con, thấy trong danh sách tin nhắn có hàng chục tin gạ tình. Bà già nhảy lên làm ầm ĩ cả nhà. Cũng may mấy tin nhắn ấy ông cụ chưa mở ra xem (do kém công nghệ) mẹ tôi mới thôi”, đây là câu chuyện của nhà báo Thế Hùng.

Chị Trang Phạm, chủ một thương hiệu bánh ngọt chia sẻ một câu chuyện còn oái oăm hơn: vì thường bán hàng online nên số điện thoại của chị không cài chức năng chặn số lạ, kết quả là có những ngày chị Trang nhận hơn chục tin nhắn mời tình.

“Thường thì tôi sẽ lơ đi những tin nhắn ấy, coi như là rác. Nhưng có lần con trai cầm điện thoại nhận đơn hộ tôi, tò mò, cháu nhắn lại một số điện thoại giới thiệu là sinh viên làm thêm. Sau đó zalo của tôi nhận được hàng tệp dài ảnh và video nhạy cảm. Từng có lần một người bạn kể cho tôi con trai cậu ấy mới 16 tuổi đã phải điều trị nghiện sex vì trót sa vào một Động Bàn Tơ trên tiktok. Tôi rất sợ, từ đó ngày nào cũng phải cho con “uống canh gà” (từ lóng chỉ những câu chuyện ngắn mang ý nghĩa giáo dục của bộ sách self help “Chicken soup” dịch ra tiếng Việt là “Quà tặng cuộc sống”).

Kỹ sư an ninh mạng Lê Tiến Hưng cho biết: Vì sự tiện lợi của điện thoại thông minh, các đối tượng trong những đường dây mua bán sex đã lợi dụng điều này để rải thư mời như một kiểu truyền thông giá rẻ. Khi đã có trong tay một tập số điện thoại, họ sẽ gửi tin nhắn chùm để trúng ai thì trúng. Nếu đối tượng cắn câu, chỉ cần nhắn lại một dấu chấm thôi, sẽ được bộ phận “chăm sóc khách hàng” tư vấn bất kể ngày đêm. Mọi việc sau đó như ngã giá, “chốt đơn” đều được giải quyết bằng những cú bấm bàn phím. Theo những phản hồi chúng tôi nhận được, khách hàng của những dịch vụ kiểu này không chỉ dừng lại ở đàn ông, mà có cả phụ nữ, trẻ vị thành niên…

Nạn nhân như sóng sau đè sóng trước

Lại nói, các kiểu tin nhắn mời tình như vừa kể trên chỉ là phần nổi của tảng băng có tên là “chợ tình online”. Đạo diễn Thanh Huy, người hiện đang làm một serie phim ngắn về vấn đề này cho biết: Cảm hứng làm phim bắt đầu từ các tin nhắn làm quen qua facebook của tôi. Họ có công thức cả: hình đại diện bao giờ cũng là một bức chân dung gợi cảm, câu mở đầu thì luôn là: chào anh, chúng ta đã quen nhau ở chỗ X,Y,Z nào đó, hoặc là xin hỏi anh mua sơ mi ở đâu mà đẹp thế, tinh vi hơn, họ sẽ hỏi một câu gì đó liên quan đến những thứ mình chia sẻ trên trang cá nhân.

Chỉ cần nhắn lại một câu, tức là cả một câu chuyện hoa tình sẽ được mở ra sau đó. Những đối tượng “săn gà” này tinh vi hơn nhóm gửi tin nhắn qua điện thoại quảng cáo dịch vụ sex. Họ lân la làm quen, bày tỏ tình cảm rồi mới nói chuyện “sâu hơn”. Quá trình này thường diễn ra vài ngày đến vài tuần. Tôi nhận được đủ kiểu xin tiền sau đó: nhỏ như xin tiền nạp điện thoại, mua mỹ phẩm đến mượn tiền để hoàn tất đơn hàng lớn, bảo lãnh với hải quan v.v… Có người còn thẳng thắn đề nghị tôi làm “bố đường” (sugar daddy), tháng chỉ cần chu cấp 30 triệu, muốn em làm gì cũng được”.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 5, Công an thành phố Hà Nội đã đưa ra thông tin cảnh báo nhân trường hợp người ông sau khi kết bạn làm quen và chat sex với tài khoản "Linh Linh" qua Zalo đã bị đối tượng đe dọa tung hình ảnh nhạy cảm lên mạng và bị tống tiền 200 triệu đồng.

Hay là trước đó, vào cuối năm ngoái, công an Nghệ An đã bắt giữ là Đào Thị Mộng Thường (sinh năm 1978), trú xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Thường tạo và sử dụng tài khoản Facebook “Đào Ngọc Minh” đăng các hình ảnh thiếu nữ trẻ đẹp và kết bạn làm quen, nhắn tin với một người đàn ông trú tại thành phố Vinh.

Quá trình nói chuyện thấy bị hại là người có tiền nên Thường nảy sinh ý định dùng bẫy tình để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Khi bị hại đã tin tưởng và có tình cảm yêu đương với nhân vật Ngọc Minh, Thường đã viện cớ cần tiền để lo công việc, mua sắm, trả nợ, làm thủ tục thừa kế, làm giấy tờ cá nhân… từ đó nhiều lần lừa đảo nạn nhân chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng.

Kỹ sư Lê Tiến Hưng tiết lộ, loại gạ tình lừa tiền này càng ngày càng tinh vi và có nhiều biến thể. Rất khó để trông chờ vào việc quét sạch những tài khoản mua bán sex vì quét chỗ này chúng sẽ mọc ra chỗ khác. Các trường hợp lừa tình dưới hình thức hẹn hò yêu đương thì càng khó kiểm soát hơn. Cho nên cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trong những tình huống này là nâng cao cảnh giác, đồng thời các phương tiện truyền thông cũng nên dành nhiều thời lượng đưa tin hơn với những ca bị lừa điển hình để mọi người “biết mà tránh”.

Bí kíp sống sót sau những tin nhắn gạ sex

Một nam nhà thơ có giao diện na ná một diễn viên điện ảnh chia sẻ kinh nghiệm “né gạ sex” của anh: “Thỉnh thoảng tôi sẽ có độc giả nhắn tin trao đổi qua facebook nên tạo thành thói quen trả lời cả những tin nhắn lạ. Nhiều lần gặp các cô gái “à ơi”, tôi đều áp dụng một cách xử lý như nhau, và khá hiệu quả.

Chẳng hạn, khi cô ấy nói trông anh quen quá, mình đã gặp nhau ở đâu rồi thì phải, tôi sẽ trả lời ngay: đúng rồi, lần trước em mới mua hộ anh 500 cuốn thơ còn gì, anh sắp xuất bản tập thơ mới, em lại ủng hộ nhé. Mười lần thì đến 9 người ta sẽ “lặn” ngay sau khi biết nhà thơ chả có cái “vẹo” gì. Còn một vài người lì hơn, cứ hỏi một câu tôi lại gửi một câu thơ, vài lần là các em chán hẳn”.

Tiktoker Linh Katrice sau nhiều lần bị các tin nhắn gạ tình quấy rối cũng đã đúc kết ra “sống sót chân kinh” gồm năm điểm “nhất định phải nhớ” như sau:

Thứ nhất: Cẩn trọng với những lời hứa hẹn mật ngọt bất ngờ, thiếu thực tế, đặc biệt khi mới quen biết vì kẻ lừa đảo thường tung ra những lời hứa hẹn hấp dẫn về tình yêu, tiền bạc, sự nghiệp để đánh trúng tâm lý, khiến bạn mất cảnh giác.

Thứ hai: Xác minh thông tin cá nhân bằng cách tìm kiếm thông tin về họ trên mạng xã hội, các trang web tìm kiếm, hoặc hỏi han bạn bè chung nếu có thể. Đừng vội tin tưởng vào những thông tin mà đối tượng cung cấp, cũng đừng bỏ qua những mâu thuẫn trong thông tin, hình ảnh, và lời nói của họ.

Thứ ba: Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân như địa chỉ nhà riêng, số điện thoại, hình ảnh nhạy cảm,... cho người mới quen biết trên mạng và nhất là những yêu cầu cung cấp thông tin tài chính, mật khẩu ngân hàng .

Thứ tư: Tìm cách gặp gỡ trực tiếp sau một thời gian trò chuyện trực tuyến để xác minh thông tin và quan sát cử chỉ, hành động của đối tượng. Nhớ là lựa chọn địa điểm an toàn, đông người, và báo cho người thân biết về kế hoạch của bạn.

Và cuối cùng: Cẩn thận với những yêu cầu tiền bạc: Kẻ lừa đảo thường sử dụng những lý do như khó khăn tài chính, bệnh tật, đầu tư,... để vay mượn tiền. Tuyệt đối không chuyển tiền cho người mới quen biết trên mạng. Ngoài ra, nếu bạn nghi ngờ bản thân đang bị lừa đảo, hãy chia sẻ với người thân, bạn bè tin cậy hoặc liên hệ với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

SỰ DUNG TỤC & CHỦ QUAN CHẾT NGƯỜI TRONG CLIP 'LÀM TÀI XẾ CŨNG ÁP LỰC'

Trước những hành vi trong loạt clip “làm tài xế cũng áp lực”, nhiều người bức xúc cho rằng điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, phản ánh thái độ chủ quan chết người của tài xế.

Gần đây, mạng xã hội liên tục xuất hiện các clip với nội dung "làm tài xế cũng áp lực", ghi lại tình huống tài xế tham gia giao thông có hành động phản cảm, dung tục, thiếu quan sát khi điều khiển ô tô.

VietNamNet đã phản ánh vấn đề trên và góc độ pháp luật liên quan qua bài viết “Lái xe vi phạm hàng loạt lỗi với clip 'làm tài xế cũng áp lực'”.

Sau bài viết, nhiều bạn đọc đã bày tỏ bức xúc về những hành vi trong các clip và cho rằng, rất dung tục, phản cảm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, thể hiện thái độ chủ quan chết người của tài xế.

Bạn đọc Thanh Hiền nêu ý kiến: “Trong những clip trên, cả tài xế và người ngồi ghế phụ đều thiếu ý thức trách nhiệm. Phải cấm giao xe cho những người này”.

Tương tự, bạn đọc Nguyễn Văn Hai nhấn mạnh, tất cả đều từ ý thức mà ra. Những clip này dù là thật hay dàn dựng để giải trí thì cũng đáng lên án.

Trước việc đại diện Cục CSGT chỉ ra hàng loạt lỗi, trong đó có lỗi không thắt dây an toàn xuất hiện trong các clip, bạn đọc Nguyễn Văn Hai bình luận: “Tôi biết nhiều người không thích thắt dây an toàn, kêu vướng víu khó chịu, hễ tới đoạn nào có công an mới thắt dây an toàn để tránh bị bắt lỗi, bị phạt. Vây nên khi tai nạn xảy ra, hậu quả không thể cứu vãn”.

Một số bạn đọc cho rằng cơ quan chức năng cần xử phạt các tài xế trong loạt clip vì hành vi vi phạm luật giao thông đã rõ ràng. Thậm chí, tình huống tài xế là người dàn dựng, tung clip lên mạng để "câu view" thì cần xử phạt thêm cả hành vi này.

Ở một góc nhìn khác, một số bạn đọc đặt vấn đề về việc một số tài xế tranh thủ "làm việc riêng", thiếu tập trung quan sát trong khi lái xe trên đường phố đông người.

Bạn đọc Hoàng Bách phản ánh: “Tôi thấy chuyện phổ biến hơn là tài xế vừa lái xe vừa buôn điện thoại rất lâu, đầu óc phân tán, lỡ có gì bất ngờ xảy ra trên đường thì không kịp phản xạ, nguy cơ tai nạn rất lớn”.

Trong khi đó, bạn đọc Trọng Khanh cho rằng, trong lúc lái xe, chỉ cần tranh thủ cởi áo khoác, tháo tất, đi giày... cũng có thể dẫn tới tai họa, đằng này còn quay ngang, quay ngửa, thân mật trên ô tô. “Nhiều người chủ quan quá”, bạn đọc này nhận xét.

Một bạn đọc khác nêu tình huống nhiều tài xế chủ quan, nghĩ rằng mình có kinh nghiệm lái tốt, điều khiển xe trên đường vắng, đẹp thì khó xảy ra tai nạn. Nhưng thực tế, việc lái xe gắn với an nguy, sinh mạng của bản thân tài xế và nhiều người khác, một khi xe còn lăn bánh trên đường thì chưa thể nói trước điều gì.

Bạn đọc Tú Nam nhắc lại câu nói “phía sau tay lái là sự sống” để nhấn mạnh vai trò của người lái xe, đồng thời nhắn nhủ “đã ngồi vào ghế lái, phải có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng”.

Còn bạn đọc Trần Ngọc Dương gửi thông điệp tới các tài xế: “Đừng bao giờ quên lái xe là công việc cần sự tập trung cao độ của các giác quan, sự nhanh nhạy và nhịp nhàng trong các phản xạ”.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Dương (giáo viên dạy lái xe hơn 10 năm) cho biết, lái ô tô là công việc lao động nặng nhọc, căng thẳng, thường xuyên phải quan sát và thực hiện các thao tác chính xác. Nếu lơ là, không tập trung hoặc chậm xử lý một chút là có thể xảy ra tai nạn nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội.

“Tài xế phải luôn ý thức rằng đang dùng chung đường với nhiều người khác (người đi bộ, người đi xe đạp hay người đang điều khiển phương tiện cơ giới khác) nên cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông, chấp hành sự điều khiển và chỉ dẫn của người điều khiển giao thông”, ông Dương nhấn mạnh.

MẤT BẠN BÈ VÌ CLIP ĐÁNH GHEN "TRẦN NHƯ NHỘNG"

Những ngày qua, chị Trần Như Nhật Lệ đã chặn và hủy kết bạn với hàng loạt bạn bè chia sẻ, bình phẩm hả hê trước clip đánh ghen "trần như nhộng".

Không chấp nhận lấy cảnh đánh ghen ra mua vui

Chị Nhật Lệ, 38 tuổi, ở Tân Phú, TPHCM chia sẻ, những ngày trước, chị khó chịu khi trên trang cá nhân của mình không ít bạn bè, chị em chia sẻ, cười cợt về clip đánh ghen, bắt quả tang chồng và nhân tình "trần như nhộng".

Thấy nhiều người trong danh sách bạn bè chia sẻ thông tin này với trạng thái hả hê, sung sướng, cười nhạo mà chị không khỏi rùng mình, ớn lạnh. Trong đó có cả những người được xem là tri thức, được nhiều người trọng nể, thường hay chia sẻ những bài học về đạo đức, về đạo làm người.

Chị từng đọc ý kiến của một người rằng: "Chuyện ngoại tình, đánh ghen, người ta lỗi lầm, sai trái với người bạn đời, con cái, gia đình họ; họ sai về mặt pháp luật chứ không phải sai với chúng ta".

Từ đó, chị nhận ra, mình không đủ tư cách để bình phẩm, đánh giá, cười cợt người khác.

"Cảm giác ức chế, tức giận trào lên trong tôi khi một người bạn đổ trạng thái bình phẩm "Hàng nhà "khủng" thế kia, chị đánh là phải", rồi tag (gắn thẻ) nhiều người vào, có cả tôi. Dưới đó là hàng loạt bình luận cợt nhả, thô tục.

Tôi lập tức hủy kết bạn với người này và chặn, hủy thêm một loạt người trong danh sách bạn bè của mình - những người lấy chuyện đời tư của người khác ra làm thú vui", chị Lệ kể.

Chị Lệ biết rõ "vắng mợ thì chợ vẫn đông", động thái của chị chẳng ảnh hưởng gì đến họ nhưng đây là cách chị thể hiện quan điểm, suy nghĩ, giá trị sống của bản thân.

Người mẹ lý giải thêm, con gái đầu của chị 14 tuổi, cháu mới bắt đầu dùng Facebook. Chị cẩn trọng trong việc dùng mạng xã hội bởi sau lưng mình, có con đang "quan sát".

Chị thường trao đổi với các con về nguyên tắc sử dụng mạng xã hội như không để lộ thông tin cá nhân; không chia sẻ, bình phẩm những thông tin riêng tư của người khác; tránh bạo lực trên mạng xã hội về ngôn từ, lời nói, hình ảnh; không vi phạm pháp luật…

"Dạy con như vậy nên vợ chồng tôi phải là người thực hiện các nguyên tắc này đầu tiên. Thật khó chấp nhận bố mẹ một mặt dạy con không đánh bạn, biết chia sẻ đồng cảm với nỗi đau của người khác, sống nhân ái còn mặt kia đi cổ vũ, tung hê cảnh tượng đồng loại đánh đập, kéo tóc, giằng xe, lột trần nhau", chị Lệ nói thêm.

Trẻ nhỏ nhìn vào những gì người lớn làm

Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Ánh, ở Đồng Nai cho biết, chị cũng đã hủy tương tác với khá nhiều người liên quan đến clip đánh ghen " trần như nhộng" những ngày qua.

Với chị, sử dụng mạng xã hội cần chỉn chu, gọn gàng hơn cả quần áo đang mặc trên người vì đây không chỉ là vẻ bề ngoài mà còn phơi bày con người, suy nghĩ, tâm hồn, giá trị bên trong của mình.

Con trẻ sẽ nhìn vào lời ăn tiếng nói, cách thể hiện, cách suy nghĩ của người lớn mà giờ đây, những điều này được thể hiện rõ nét qua mạng xã hội.

"Khi người lớn chia sẻ, hả hê với những clip đánh ghen kinh hoàng thì người tiếp cận những thông tin này chính là con cái chúng ta đấy", chị băn khoăn.

Chị Nguyễn Thị Ánh trải lòng, giờ đây người lớn rất dễ phê phán, chê bai con trẻ ngày nay bạo lực, vô cảm. Chúng ta lên án rồi lo lắng khi trẻ con đánh nhau, khi chúng vô cảm đứng hò hét, quay clip cảnh bạn bè đánh nhau. Nhưng hãy thử hỏi chúng nhìn vào ai?

"Con cái chúng ta nhìn thấy tràn lan cảnh tượng người lớn đang bạo lực hay đang cổ vũ, tung hê cho bạo lực, cho những hành vi làm nhục người khác.

Điều này các con thấy không chỉ trong đời sống thực mà còn tràn lan trên mạng xã hội, đặc biệt thể hiện rõ qua các clip đánh ghen được người lớn chia sẻ với tốc độ chóng mặt, với đủ bình phẩm tàn nhẫn, vô cảm, thô tục", chị Nguyễn Thị Ánh nói.

Chị Ánh cho hay, khi không thể mong chờ vào một mạng xã hội lành mạnh hay những người lớn lành mạnh, mỗi người vẫn có thể làm những gì trong khả năng. Chị từ chối việc cười cợt trên cảnh tượng đánh đập, xé áo xé quần, từ chối cười trên nỗi đau của người khác.

Nào chỉ có những clip đánh ghen kinh dị của người lớn, gần đây không thiếu những clip trẻ rạch mặt, kéo tóc, đánh tới tấp mũ bảo hiểm vào đầu đối phương, đánh hội đồng bạn xuất phát mâu thuẫn tình cảm, ghen tuông.

Khi được hỏi về những clip đánh ghen của trẻ nhỏ, bà Nguyễn Thùy An, chuyên viên tâm lý học đường một trường THCS tại TPHCM bày tỏ, đó là câu chuyện trẻ mới lớn rất quan tâm, rất nặng lòng vì liên quan đến vấn đề yêu đương, tình cảm.

"Trẻ đang nhìn thấy gì ở cách hành xử của người lớn trên mạng xã hội? Người lớn đánh ghen và tung hê lên mạng rồi tiếp đó là đám đông hả hê, hô hào, cổ vũ, hưởng ứng. Trẻ không nghe những gì chúng ta nói, chúng nhìn những gì chúng ta làm", bà An cảnh báo.

Cách hành xử của trẻ, theo bà An không chỉ thể hiện về quan điểm, lối sống chúng thụ hưởng mà hơn hết còn là phản ứng của việc chúng mất niềm tin vào bố mẹ, vào người lớn.

Nguồn: Kenh14; Soha; Vietnamnet; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang