Trứng gà rẻ chưa từng có; 'Bẫy' du lịch độc, lạ, rẻ; Khách vay tiêu dùng 'bùng nợ' gia tăng; Chiêu quảng cáo độc của môi giới

Trứng gà rẻ chưa từng có

(Ảnh minh họa).

Sức tiêu thụ trứng của nhiều doanh nghiệp sản xuất, bếp ăn công nghiệp giảm mạnh khiến trứng gà giá chỉ từ 14.000-18.000 đồng/chục, bằng 2/3 so với năm ngoái.

Ngày 28/5, PV ghi nhận tại nhiều chợ dân sinh ở TPHCM như Phạm Văn hai (quận Tân Bình), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Khu phố 2 (quận Bình Tân)… trứng gà được bán cho người tiêu dùng chỉ với giá từ 18.000 đồng/chục trứng.

“Hơn một tháng qua, giá trứng gà xuống thấp, chỉ từ 14.000 đồng/chục, giảm từ 7.000-10.000 đồng/chục so với trước. Đây đều là trứng gà nuôi trong nước, hàng mới chứ không phải trứng tồn kho” - người bán trứng bên ngoài chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) khẳng định.

Không chỉ bán tại chỗ, nhiều người còn chở trứng bán dạo trên nhiều tuyến đường, vào cả khu dân cư chào mời khách. Trứng bán lưu động có giá chỉ từ 50.000 đồng/30 quả.

“Chưa lúc nào thấy giá trứng lại rẻ như vậy. Tôi mua nhiều cất để ăn dần” - bà Diệu (ngụ quận 8) chia sẻ.

Tại các siêu thị, mặt hàng trứng gà cũng có nhiều chương trình khuyến mãi như tặng thêm trứng, giảm giá... như trứng gà tươi Gfood giá bán từ 31.500 đồng/chục giảm còn 28.500 đồng/chục; trứng gà ta Vfood từ 46.000 đồng/chục, giảm còn gần 39.900 đồng/chục.

Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty TP Vĩnh Thành Đạt - cho biết, đơn vị cung ứng trung bình từ 700.000 - 1 triệu quả trứng/ngày ra thị trường. Theo ông, doanh số trứng thời gian gần đây sụt giảm khá nhiều.

Theo ông Thiện, trứng có 2 kênh tiêu thụ chính. Đối với kênh bán ở siêu thị, các gia đình mua về chế biến thức ăn thì không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí cả ở giai đoạn suy thoái kinh tế, lạm phát, dịch bệnh… trứng vẫn là mặt hàng bán tốt hơn vì giá rẻ, dinh dưỡng cao nên được khách hàng ưu tiên lựa chọn.

Tuy nhiên, thị trường trứng hiện nay “dội” chợ là do kênh bán cho các đơn vị sản xuất. Ví dụ như lò bánh, bếp ăn công nghiệp…

“Hiện nay chúng tôi bị giảm từ các kênh này đến 30 - 40%. Trứng dư thừa nên các siêu thị, điểm bán trứng liên tục giảm giá: mua 10 tặng 2, thậm chí mua 10 tặng 6... hoặc giảm giá từ 10-20% nhằm kích cầu. Khuyến mãi nhiều cầm chắc lỗ, ảnh hưởng rất nhiều đến nông dân” - ông Thiện cho hay.

Liên quan đến trứng gà ngoài thị trường có giá cực rẻ, chỉ 14.000-18.000 đồng/chục, 50.000 đồng/30 trứng… ông Thiện cho rằng nhiều khả năng là trứng tồn kho, đã để nhiều ngày hoặc hàng sắp hết hạn. Ông khuyến cáo, trứng mua về không để lâu được nên người tiêu dùng cần lưu ý. Trời nắng nóng nên trứng mau hỏng, do đó người bán giảm giá nhiều để bán được nhanh hơn.

Để tìm thị trường mới cho trứng gà, nhiều doanh nghiệp trong nước định hướng sẽ xuất khẩu trứng đã qua chế biến. Cụ thể, Công ty Vĩnh Thành Đạt đã đưa thành công một lô hàng trứng lỏng thanh trùng sang Hàn Quốc.

“Trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay, các nhà hàng khách sạn cao cấp vắng khách nên sản phẩm này của Vĩnh Thành Đạt chưa được tiêu thụ nhiều. Từ đó, chúng tôi đã chào hàng và đã xuất khẩu thành công sang thị trường Hàn Quốc” - ông Thiện chia sẻ.

Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, trứng gà bị ùn ứ do nghỉ lễ kéo dài, sản lượng tiêu thụ sụt giảm nên nhiều đơn vị phải bán giá rẻ để xả hàng. Hiện nay, giá trứng gà bán sỉ tại trại nuôi chỉ 1.650 đồng/quả, thấp hơn giá thành khoảng 500 đồng/quả nhưng người nuôi phải gồng lỗ vì không có giải pháp nào tốt hơn.

(Nguồn: Kenh14)

'Bẫy' du lịch độc, lạ, rẻ

Những ngày qua, cộng đồng mạng lan truyền hình ảnh một khách sạn đẹp như “chốn tiên cảnh” ở giữa Vịnh Hạ Long. Rất nhiều người đã hỏi han thông tin để đặt phòng. Tuy nhiên, mới đây, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã lên tiếng cho biết những hình ảnh này là không có thật. Sự việc góp thêm hồi chuông cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo, nhất là khi mùa cao điểm du lịch đã cận kề.

“Lùa gà” bằng hình ảnh ảo

Theo bản thiết kế có tên “Fantasy Ha Long Bay”, khách sạn có vị thế lưng tựa núi, nằm bên trong vùng lõi của di sản. Du khách có thể ngắm toàn cảnh vịnh nhờ thiết kế cửa kính 360 độ. Tại tầng 5 của khách sạn còn có một hồ bơi lớn. Thiết kế giếng trời đón ánh sáng ngập tràn không gian bên trong toàn khách sạn…

Bài viết nhận được hàng ngàn bình luận, lượt thích và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, kèm theo những lời ca ngợi như một siêu phẩm du lịch của Hạ Long. Nhiều người còn bình luận hỏi thông tin để đặt phòng.

Tuy nhiên, mới đây, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: Không bao giờ có một sản phẩm như vậy xây dựng giữa vịnh Hạ Long. Các đơn vị quản lý cảnh báo du khách nên tìm hiểu kĩ thông tin, tránh bị các đối tượng lừa đảo bán phòng nghỉ, voucher du lịch không có thật. Mỗi khi có sản phẩm mới “độc lạ”, du khách thường có xu hướng đặt thử ngay để trải nghiệm, trong khi nhiều người không phân biệt được ảnh thật, ảnh ghép trên mạng.

Vì thế, khả năng có nhóm du khách bị lừa mua phòng tại “khách sạn ảo” này không phải nhỏ.

Đầu tháng 5 vừa qua, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã phối hợp với Thanh tra Sở Du lịch tỉnh truy tìm các đối tượng lừa bán phòng khách sạn giá rẻ cho du khách có nhu cầu đến Huế du lịch.

Theo phản ánh của du khách, thông qua mạng xã hội, có một khách sạn thông báo, hệ thống của khách sạn này tại Thừa Thiên - Huế đang có chương trình giảm sâu giá phòng trong dịp nghỉ lễ. Tin rằng được giảm giá phòng khách sạn, du khách đã liên hệ để đặt phòng. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền cọc, du khách điện thoại xác minh thì mới biết hệ thống của khách sạn này không có cơ sở lưu trú ở Huế.

Trên nhóm “Review du lịch…”, từng xuất hiện một bài đăng của tài khoản “Manh Nguyen” cho thuê nguyên căn biệt thự ở tỉnh Hòa Bình với giá chỉ 5 triệu đồng/đêm kèm theo các hình ảnh “sang xịn mịn”. Người này yêu cầu khách chuyển khoản trước 50% tiền cọc để đặt phòng. Sau khi lừa được nhiều người, tài khoản này đã đột ngột “bốc hơi” trên mạng xã hội, còn du khách thì tá hỏa khi biết những hình ảnh khu biệt thự thực ra là của một khu nghỉ dưỡng ở tận… Indonesia.

Vào tháng 7/2022, hình ảnh về một homestay ở Ninh Bình cũng gây chú ý với thiết kế phòng ngủ bên trong hang đá và được rao giá 97 triệu đồng/đêm. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng cho biết, homestay này đã tận dụng một hang đá ngay sau nhà rồi kê giường đệm vào để chụp ảnh, thu hút sự chú ý còn thực ra công năng của nó chỉ là… khu nhà vệ sinh. Cơ sở này vốn cũng đã dừng hoạt động từ đầu năm nay.

Trả giá đắt vì “combo giá rẻ”

“Mình vừa bị lừa các bạn ạ. Mình đặt cho khách combo Hà Nội – Phú Quốc qua một facebook P.H. Khách đặt cọc 50% tiền rồi xong liên hệ không được…”, “Cảnh báo để mọi người khi đi du lịch không bị lừa như em…”, “Cả nhà cẩn thận, có 144 khách đang bơ vơ ở sân bay vì không có vé sau khi đặt tour Phú Quốc 3n2đ…”, “Nhà mình có ai book phòng hay vé máy bay của người này chưa ạ? Gia đình em vừa bị lừa một vố đau quá…”

Rất dễ đọc được những bài viết như thế trên các cộng đồng, hội nhóm du lịch. Sau 2 năm dịch bệnh bùng phát, khi du lịch được mở cửa trở lại, rất nhiều công ty lữ hành đã tung sản phẩm khuyến mại kích cầu du lịch. Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo du lịch cũng “tát nước theo mưa”, đánh vào tâm lý những khách hàng thiếu kinh nghiệm, ham rẻ… để lừa từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Anh Hoàng Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, vừa qua, gia đình anh có kế hoạch đi Đà Nẵng. Do đoàn hơn 12 người, muốn tiết kiệm chi phí nên anh đã lên Facebook tìm combo du lịch giá rẻ. “Khi được một tài khoản Facebook nhắn tin giới thiệu combo chỉ hơn 1 triệu đồng/người. Người này yêu cầu tôi chuyển khoản trước rồi sẽ cung cấp mã khách hàng và hướng dẫn chi tiết lịch trình đi lại.

Khi kiểm tra trang cá nhân Facebook và Zalo người này, tôi thấy có nhiều khách chia sẻ ảnh đi du lịch, bình luận dưới bài đăng khen uy tín nên tôi cũng tin tưởng chuyển khoản. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, người này liền khóa tài khoản Facebook, chặn luôn số điện thoại của tôi”, anh Nam cho biết.

Không bị lừa mất trắng như anh Nam nhưng chị Lan Hương (Ba Đình, Hà Nội) cũng có một kỳ nghỉ lễ 30/4 nhớ đời vì như đi “hành xác”. “Tôi thấy trên mạng đăng thông tin tua du lịch Đà Lạt giảm giá rẻ hơn nhiều so với bình thường nên đã đặt cho cả nhà đi nghỉ lễ.

Vào đến nơi mới biết, khách sạn 3 sao theo hợp đồng chỉ là phòng trọ cho thuê nằm cách xa trung tâm. Xe đưa đón đoàn trong cả kỳ nghỉ cũng cũ nát và không có điều hòa. Nhà hàng đặc sản mà trong tua giới thiệu chỉ là quán cơm bình dân, lèo tèo món. Biết là bị lừa nên ông xã tôi ngậm ngùi gọi thêm món dù giá đắt như cắt cổ”, chị Hương kể.

Một hình thức lừa đảo tinh vi hơn nữa, đó là giả dạng các doanh nghiệp, công ty du lịch. Hồi tháng 4 vừa qua, rất nhiều trường hợp phản ánh bị lừa đảo khi mua gói du thuyền Hạ Long 5 sao, với dòng quảng cáo “Chương trình khuyến mãi du thuyền Hạ Long Ambassador 5 sao, 3 ngày 2 đêm với giá chỉ 1,9 triệu/khách” (trong khi giá thực tế là 7,9 triệu/khách). Theo đó, kẻ gian đã xây dựng trang fanpage giả mạo, sao chép hình ảnh và nội dung y hệt fanpage chính chủ của du thuyền Ambassador.

Thông tin tài khoản ngân hàng đến mẫu hoá đơn đều được đăng ký dưới dạng doanh nghiệp tạo độ uy tín, khiến khách hàng rất dễ bị thuyết phục. Thậm chí, có người hơn 2 tuần sau mới biết mình bị lừa khi liên hệ với bên tư vấn thì phát hiện đã bị chặn facebook từ bao giờ.

Ngoài ra, các hình thức lừa đảo như “mời đi hội thảo nhận voucher du lịch miễn phí” cũng khá phổ biến thời gian qua. Khi có mặt tại địa điểm như thư mời, khách hàng đúng là được tặng voucher của resort/khách sạn, nhưng để sử dụng voucher (thường là có giá trị trong 2 ngày 1 đêm) đó thì khách phải ở ít nhất 3-4 ngày với giá thuê đắt đỏ.

Còn với “tua 0 đồng”, trong lịch trình thường sẽ không ghi rõ là vào các điểm tham quan phải mất thêm phí. Cho nên, vào mỗi điểm, khách lại được yêu cầu đóng thêm một khoản tiền mới được vào tham quan, hoặc sẽ bị ép mua các sản phẩm, dịch vụ ở đó. Thế mới có chuyện, nhiều cụ già hưu trí sau khi được mời đi “ du lịch 0 đồng ” đã phải mua về lỉnh kỉnh sữa bột và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Du lịch siêu rẻ chỉ tồn tại thời Covid

Ông Nguyễn Trung Đức – người sáng lập Vietrip Travel cho biết: “Những đối tượng lừa đảo thường dùng chiêu trò đánh vào lòng tham giá rẻ khiến không ít người bị mất lượng lớn tiền. Nhiều du khách nhẹ dạ cả tin, nghĩ rằng chỉ cần kiểm tra giấy phép hoạt động hoặc thông tin cá nhân của người bán là có thể yên tâm. Nhưng vẫn không hề an toàn”.

Theo ông Đức, hiện nay, việc thành lập một công ty để có con dấu khá nhanh và đơn giản nên kể cả ký hợp đồng hoặc thấy trên combo có dấu mộc đỏ cũng chưa thể chắc chắn. Do đó, để đảm bảo có chuyến đi chất lượng, khách hàng nên lựa chọn sử dụng dịch vụ của các đơn vị uy tín hoặc ưu tiên mua từ bạn bè, người quen.

Cũng theo các chuyên gia du lịch, “combo giá rẻ” không đồng nghĩa với lừa đảo. Tuy nhiên, khách hàng dễ bị “mắc bẫy” bởi những thông tin mập mờ. Nếu thấy gói dịch vụ có giá rẻ bất thường so với mặt bằng chung, hãy cẩn thận kiểm tra kỹ và đừng vội vàng đặt mua. Bởi du lịch siêu rẻ thực sự chỉ có trong thời gian COVID-19 khó khăn cần kích cầu mà thôi. Đặc biệt thận trọng khi đối tác yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.

Khi mùa cao điểm du lịch đã cận kề, các cơ quan chức năng nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Kiên Giang… cũng đã phải đăng thông tin cảnh báo du khách. Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang còn kết hợp Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, gỡ các bài đăng trên mạng có nội dung không chính xác về du lịch Phú Quốc, đăng tải đường dây nóng giúp du khách nắm thông tin chính xác, phản ánh kịp thời các hiện tượng lừa đảo.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, để thuận tiện cho việc tránh bị lừa đảo hoặc có chứng cứ khi bị lừa đảo, người mua cần lưu lại toàn bộ các thông tin liên quan trong quá trình giao dịch như thanh toán, e-mail, tin nhắn...

Khi giao dịch, người mua phải yêu cầu bên cung cấp dịch vụ làm hợp đồng với các điều khoản chi tiết về chuyến bay, khách sạn, giá vé, các chi phí phát sinh khác (nếu có), trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và các chế tài xử lý. Nếu thấy dấu hiệu lừa đảo thì phải báo ngay với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

(Nguồn: Soha)

Khách hàng vay tiêu dùng “bùng nợ” ngày càng nhiều

(Ảnh minh họa).

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tỉ lệ khách hàng vay tiêu dùng không trả nợ ngày càng cao và có hiện tượng rủ nhau "bùng nợ" công ty tài chính khiến nợ xấu tăng, lãi suất vay khó giảm.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước về sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TT của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đen, đồng thời kiến nghị loạt giải pháp hỗ trợ thị trường tài chính tiêu dùng.

Theo VNBA, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép gần đây gặp nhiều khó khăn, nhất là hoạt động thu hồi nợ. Việc đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án, công ty cho vay tiêu dùng nào vi phạm cần xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép để tạo sự công bằng, minh bạch cho thị trường.

Dù vậy, việc nhiều công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép cùng bị cơ quan chức năng kiểm tra đã ảnh hưởng tới hoạt động thu nợ đang bị đình trệ, nợ xấu tăng cao.

"Một số khách hàng mượn những thông tin công ty tài chính bị kiểm tra để tẩy chay, chây ỳ trả nợ và có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần. Tỉ lệ khách vay không trả nợ ngày càng cao, trong khi chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp" – ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, nói.

Chưa hết, gần đây xảy ra hiện tượng rủ nhau "bùng nợ" từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ "khủng bố", đòi nợ phản cảm… gây tác động xấu tới thị trường.

Tính đến cuối năm 2022, thống kê của VNBA cho thấy nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tăng 23,09% so với cuối năm trước và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.

Chưa hết, các công ty tài chính phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế đã ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh và hệ quả là lãi suất cho vay tiêu dùng điều chỉnh tăng, tác động trực tiếp tới người đi vay.

Do đó, VNBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có cơ chế quản lý riêng đặc thù với mảng tài chính tiêu dùng như quy định tỉ lệ nợ xấu chuẩn cho công ty tài chính ở mức cao hơn để phù hợp với đặc thù phân khúc khách hàng đa số dưới chuẩn, cho vay không có tài sản bảo đảm. Nghiên cứu, ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng; có chế tài xử lý phạt người đi vay cố tình chây ỳ trả nợ.

"Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của các công ty tài chính, nhất là việc thu hồi nợ, bán nợ, thuê tư vấn dịch vụ pháp lý… nhằm uốn nắn kịp thời. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan công an lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với những công ty biểu hiện vi phạm. Tuyên truyền để khách hàng không đánh đồng công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép với công ty cho vay tiền qua app, cho vay trực tuyến, tín dụng đen núp bóng..." – ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị.

(Nguồn: Người Lao Động)

Chiêu quảng cáo độc, lạ của môi giới: “Lỡ đánh rơi 2,5 tỷ đồng, cần tìm người nhặt được, hậu tạ một căn chung cư”

Để thu hút khách hàng quan tâm mua nhà, đất, nhiều môi giới luôn tìm cách sáng tạo nội dung đăng tải giới thiệu sản phẩm đầy thú vị, và thậm chí “giật gân” như vợ chồng chủ nhà ly dị cần bán gấp chia tài sản hay ngân hàng siết nợ phải cắt lỗ…

Tạo ra nội dung giới thiệu bất động sản sáng tạo được ví là khâu quan trọng trong việc tìm kiếm khách hàng. Đây là khâu bước đệm để môi giới có dữ liệu về khách hàng quan tâm, để tư vấn và tiến tới bước “chốt” khách.

Có lẽ trong “giáo trình cơ bản nhất” của nghề môi giới, việc đăng tải nội dung giới thiệu sản phẩm phải có “nghệ thuật” với mục tiêu: “Làm thế nào để thu hút khách hàng quan tâm, liên hệ mua?”

Đó là lý do mà nhiều thông tin đăng tải đều hướng tới tiêu chí: nhà thật đẹp và giá phải rẻ. Để tạo thêm sức hấp dẫn cho thông tin bán nhà, đất, nhiều môi giới còn tạo ra nội dung đầy độc đáo như: chủ nhà nợ ngân hàng, cần bán lỗ thật gấp. Hay, chủ nhà chuyển đi nước ngoài định cư, muốn bán nhà ngay.

Mới đây, trong diễn đàn cư dân khu đô thị, một môi giới đã tung ra lời quảng cáo đầy thú vị. Cụ thể: “Góc rơi đồ, vào hồi 7 giờ sáng nay trên đoạn đường đi từ ngã tư Khuất Duy Tiến sang Vinhomes Smart. Em có đánh rơi một túi ni lông đen buộc nịt bên trong có 2,5 tỷ đồng. Ai nhặt được cho e xin lại. Em hậu tạ một căn hộ 64m2, 2pn+1 tại khu vực Vinhomes Smart City".

Anh Nguyễn Hùng (Giám đốc kinh doanh của công ty bất động sản chuyên nhà đất ở Hà Nội) cho biết: “Với môi giới, việc thu hút người mua bằng thông tin quảng cáo, độc lạ rất quan trọng. Tuy nhiên, về phía người có nhu cầu mua thực, họ dễ rơi vào “bẫy” quảng cáo nhà giá rẻ, vị trí đẹp, chất lượng.

Đây là lý do mà rất nhiều người liên hệ với môi giới chỉ bởi thông tin quảng cáo quá hấp dẫn như nhà cắt lỗ rất sâu 30% hay nhà Hà Nội, ô tô vào nhưng giá chỉ hơn 1 tỷ đồng. Nhiều người mua nhà còn tá hoá vì đến quảng cáo nhà ở trung tâm Hà Nội nhưng đến khi được môi giới dẫn khách đi xem, căn nhà nằm vùng ven tận Thạch Thất, hay Quốc Oai”.

Anh Hùng chia sẻ thêm, bởi đó là khâu tìm khách hàng nên môi giới buộc phải tạo ra nhiều thông tin độc, lạ, cuốn hút.

Anh Nguyễn Mạnh, nhà đầu tư hơn 5 năm trong nghề thừa nhận rằng, loại hình nhà đất thổ cư quảng cáo trên mạng hay website thường bị “biến tướng” nhiều nhất. Thông thường, khi quảng cáo trên mạng, đó là căn nhà đẹp, giá rẻ giật mình… nhưng không có thật. Khi khách gọi điện liên hệ, môi giới sẽ tìm đủ các lý do như: chủ vừa bán, chủ không bán nữa, lỗi phong thủy… Mục đích của môi giới để đưa khách (người mua nhà thật) đến 1 căn nhà khác, không liên quan tới ảnh rao trên mạng.

Anh Mạnh cũng khuyến nghị người mua nhà nên cẩn trọng với các một số thông tin quảng cáo đất và nhà đất như: bất động sản được rao bán có giá rẻ bất thường so với giá thị trường. Hay số điện thoại dùng để đăng tin rao đăng rất nhiều bất động sản giá rẻ bất thường khác. Đồng thời môi giới không gửi trước vị trí bất động sản, và các giấy tờ pháp lý (chủ quyền,...) khi được đề nghị.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang