TQ biến đổi kinh tế Phi; 'Thiên đường' của siêu giàu TQ; Đánh bom ở Pakistan; Nga siết vòng vây Bakhmut; NATO xoay trục sang Á

TRUNG QUỐC BIẾN ĐỔI NỀN KINH TẾ CHÂU PHI NHƯ THẾ NÀO?

(Ảnh minh họa).

Thương mại ở châu Phi đã thay đổi đáng kể trong 20 năm qua và Trung Quốc hiện là nhà cung cấp hàng hóa hàng đầu cho hơn 30 quốc gia ở châu lục này.

Theo trang tin Zerohedge.com mới đây, năm 2000, Trung Quốc chỉ là nguồn nhập khẩu hàng đầu của một số nước châu Phi như Sudan, Gambia, Benin và Djibouti. Hơn 20 năm sau, siêu cường châu Á này hiện là nhà cung cấp hàng hóa hàng đầu cho hơn 30 quốc gia trên "lục địa đen".

Mối quan hệ Trung Quốc - châu Phi đã được thúc đẩy mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua. Báo cáo từ chuyên gia nghiên cứu của Statista về Angola, Kenya và Tanzania, bà Julia Faria nêu rõ: "Giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước châu Phi đã tăng từ 5 tỷ USD lên 110 tỷ USD".

Tuy nhiên, đó không chỉ là thương mại một chiều: "Xuất khẩu của châu Phi sang Trung Quốc cũng tăng, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 62 tỷ USD, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Nhu cầu lớn về nguyên liệu thô của Trung Quốc ngày càng được đáp ứng bởi các nhà cung cấp ở châu Phi, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 14 tỷ USD vào năm 2020".

Không chỉ là mối quan hệ thương mại đơn thuần, Trung Quốc còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở châu Phi trong nhiều năm nay. Ngoài ra, quốc gia này còn là nguồn tài trợ 25% cho cơ sở hạ tầng ở lục địa này vào năm 2018.

Theo chuyên gia về các thị trường mới nổi Jason Mitchell của Investment Monitor, kể từ năm 2003, dòng vốn FDI hàng năm của Trung Quốc vào châu Phi đã tăng từ 74,8 triệu USD lên 5,4 tỷ USD vào năm 2018. Dòng vốn chảy vào châu Phi đã giảm xuống còn 2,7 tỷ USD vào năm 2019, nhưng sau đó - bất chấp đại dịch COVID-19 - vẫn tăng lên 4,2 tỷ USD vào năm 2020. Vốn FDI của Trung Quốc ở châu Phi đã tăng vọt, gần gấp trăm lần, từ 490 triệu USD năm 2003 lên 43,4 tỷ USD vào năm 2020.

10 quốc gia nhận FDI hàng đầu của Trung Quốc – chẳng hạn như Cộng hòa Congo (DRC) và Nam Phi – chiếm 63% tổng vốn FDI. Vào tháng 11/2021, tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi ở Dakar, Senegal, Bắc Kinh đã cam kết đầu tư tư nhân trị giá 10 tỷ USD vào châu Phi trong ba năm tiếp theo.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, chiếm 282 tỷ USD thương mại vào năm 2022. Trung Quốc đã thành lập 25 khu hợp tác kinh tế và thương mại tại 16 quốc gia châu Phi. Các khu hợp tác, có đăng ký với Bộ Thương mại Trung Quốc, đã thu hút 623 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư là 7,35 tỷ USD vào cuối năm 2020, theo Báo cáo thường niên về Quan hệ Kinh tế và Thương mại Trung Quốc - Châu Phi năm 2021.

Các khu hợp tác kinh tế và thương mại ở nước ngoài của Trung Quốc giúp thúc đẩy công nghiệp hóa địa phương trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, sản xuất, thương mại và hậu cần.

Các công ty Trung Quốc hoạt động trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế châu Phi. Gần một phần ba tham gia vào lĩnh vực sản xuất, một phần tư trong lĩnh vực dịch vụ và khoảng một phần năm trong lĩnh vực thương mại và xây dựng/bất động sản. Trong lĩnh vực sản xuất, McKinsey ước tính rằng 12% sản lượng công nghiệp của châu Phi - tổng trị giá khoảng 500 tỷ USD/năm - đã được xử lý bởi các công ty Trung Quốc. Về cơ sở hạ tầng, sự thống trị của các công ty Trung Quốc thậm chí còn rõ rệt hơn và họ chiếm gần 50% thị trường xây dựng theo hợp đồng quốc tế của châu Phi.

Tim Zajontz, nghiên cứu viên tại Trung tâm Chính trị Quốc tế tại Đại học Stellenbosch của Nam Phi, cho biết: “Các khoản đầu tư của Trung Quốc trên khắp châu Phi phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Tiếp cận các nguyên liệu thô là một trong số đó, đặc biệt là về dầu thô và các loại khoáng sản khác nhau hay tài nguyên chiến lược như coban, lithium và đất hiếm, những thứ cần thiết trên toàn cầu để sản xuất pin và chip".

Theo nhà nghiên cứu trên, các khoản đầu tư khác của Trung Quốc vào châu Phi cũng nhằm tìm kiếm thị trường theo nghĩa vốn được đầu tư một cách chiến lược để mở ra thị trường bán hàng mới cho hàng hóa Trung Quốc. Ví dụ, các công ty Trung Quốc đã giành được thị phần thống trị trong thị trường điện tử và công nghệ thông tin của châu Phi trong vòng chưa đầy một thập kỷ.

Hiện tại, hơn 10.000 công ty Trung Quốc đang hoạt động trên khắp lục địa châu Phi và kể từ năm 2005, giá trị của doanh nghiệp Trung Quốc ở đó đã lên tới hơn 2.000 tỷ USD, với 300 tỷ USD đầu tư hiện tại. Châu Phi cũng đã vượt qua châu Á để trở thành thị trường lớn nhất cho các dự án xây dựng ở nước ngoài của Trung Quốc.

Ông Zajontz cho rằng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở châu Phi chắc chắn sẽ trở nên lớn hơn trong tương lai. Trong suốt 20 năm qua, Trung Quốc đã hướng tới lục địa này để lấy nhiều tài nguyên thiên nhiên và năng lượng mà họ thiếu. Tuy nhiên, trong thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ đầu tư nhiều hơn vào các doanh nghiệp có trụ sở tại châu Phi để phục vụ các thị trường châu Phi đang phát triển nhanh chóng.

(Nguồn: Soha)

'THIÊN ĐƯỜNG' MỚI CỦA GIỚI SIÊU GIÀU TRUNG QUỐC

Singapore trở thành điểm đến lý tưởng cho giới siêu giàu Trung Quốc, do chính sách thân thiện, sự ổn định chính trị và việc sớm dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch Covid-19 hồi năm 2021.

Giống nhiều người Trung Quốc giàu có, sinh viên mới tốt nghiệp Zayn Zhang cho rằng Singapore có thể là nơi lý tưởng để cất giữ gia sản. Zhang hy vọng việc theo học tại một trường đại học ở Singapore - trung tâm tài chính châu Á - sẽ giúp anh được định cư tại đây.

Trong lúc chàng trai 26 tuổi theo đuổi việc học, vợ của Zhang đang tìm mua một căn penthouse trong tầm giá 4-5 triệu USD tại đảo quốc sư tử.

"Singapore rất tuyệt. Nơi này ổn định và mang lại nhiều cơ hội đầu tư", Zhang nói với Reuters tại một diễn đàn vào cuối năm ngoái. Gia đình anh có kế hoạch thành lập văn phòng gia đình tại Singapore để quản lý tài sản trong tương lai.

Theo Reuters, cũng tham dự diễn đàn này, một số người Trung Quốc cho biết gần đây họ đã chuyển đến Singapore, hoặc đang cân nhắc đến việc đó.

Bùng nổ văn phòng gia đình

Với chế độ thuế thân thiện và được coi là ổn định về mặt chính trị, Singapore từ lâu đã trở thành “thiên đường” của giới siêu giàu nước ngoài.

Tuy nhiên, nước này chứng kiến dòng tài sản mới từ năm 2021, sau khi trở thành một trong những nơi đầu tiên tại châu Á nới lỏng các hạn chế phòng dịch Covid-19.

Số lượng văn phòng gia đình của Singapore - nơi xử lý các khoản đầu tư, thuế, chuyển nhượng tài sản và các vấn đề tài chính khác cho giới siêu giàu - đã tăng từ 400 lên khoảng 700 vào năm 2021.

Các văn phòng gia đình nổi tiếng ở Singapore có thể kể đến như của James Dyson - nhà sáng chế máy hút bụi nổi tiếng, nhà đầu tư Ray Dalio và Zhang Yong - người sáng lập chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao.

Mặc dù không có số liệu thống kê mới nhất, người trong ngành cho biết mối quan tâm về văn phòng gia đình tăng vào năm 2022 và dự kiến tiếp tục đà này trong năm 2023.

Chung Ting Fai - luật sư hỗ trợ thành lập văn phòng gia đình - cho biết vào cuối năm 2022, ông nhận được một yêu cầu/tuần từ những người muốn chuyển ít nhất 20 triệu USD vào Singapore. Con số này đã tăng so với khoảng một yêu cầu/tháng vào năm 2021. Trong tháng 1, ông nhận tới 2 yêu cầu/tuần.

Ông Chung nói nhiều bậc cha mẹ đang tìm kiếm nơi thường trú cho con cái. Và ngoài Trung Quốc, vị luật sư còn nhận được câu hỏi từ các khách hàng tiềm năng ở Nhật Bản và Malaysia.

Một phần sức hấp dẫn của Singapore đối với giới nhà giàu là chương trình nhà đầu tư toàn cầu do chính phủ quản lý. Theo đó, những người đầu tư ít nhất 2,5 triệu SGD (gần 2 triệu USD) vào một doanh nghiệp, quỹ hoặc văn phòng gia đình có thể đăng ký xin visa thường trú.

Grace Tang - Giám đốc điều hành Phillip Private Equity, công ty điều hành một trong hai quỹ chương trình nhà đầu tư toàn cầu tại Singapore - cho biết mới đầu năm mới nhưng bà đã gặp gỡ nhiều nhà đầu tư tiềm năng, hầu hết là người Trung Quốc.

Bà cho biết trong khi một số đang thành lập văn phòng gia đình, những người khác mở trụ sở kinh doanh hoặc đầu tư vào các quỹ có trụ sở tại Singapore.

Đối tượng nước ngoài hàng đầu mua bất động sản tư nhân

Tài sản do Singapore quản lý đã tăng 16% lên hơn 4.000 tỷ USD vào năm 2021.

Dòng tiền đổ về Singapore là một phần của xu hướng nhiều người quay trở lại sau thời kỳ đại dịch. Năm 2022, Singapore có thêm 30.000 thường trú nhân và 97.000 người nước ngoài có thị thực lao động hoặc thị thực dài hạn khác, nâng tổng dân số lên 5,64 triệu người.

Điều này khiến giá thuê nhà tại Singapore tăng 21% trong 9 tháng đầu năm ngoái. Giá nhà cũng tăng vọt trong hai năm qua, khi người Trung Quốc đại lục tiếp tục là đối tượng nước ngoài hàng đầu mua bất động sản tư nhân đắt tiền.

Một dấu hiệu khác cho thấy dòng tiền đang đổ về Singapore là số lượng thành viên câu lạc bộ chơi golf tăng vọt. Chi phí để trở thành thành viên của Câu lạc bộ Golf Sentosa danh tiếng của Singapore đã lên tới 880.000 SGD cho người nước ngoài, cao hơn gấp đôi so với mức năm 2019, theo Singolf Services.

Desmond Teo - lãnh đạo mảng doanh nghiệp gia đình châu Á - Thái Bình Dương tại công ty tư vấn EY - cho biết dòng tiền hỗ trợ lĩnh vực dịch vụ tài chính và khởi nghiệp của Singapore tạo ra "hệ sinh thái phong phú" khiến quốc gia này trở nên hấp dẫn hơn.

(Nguồn: Zing News)

THƯƠNG VONG TRONG VỤ NỔ Ở PAKISTAN TĂNG CAO, HẦU HẾT NẠN NHÂN LÀ CẢNH SÁT

(Ảnh minh họa).

Ít nhất 28 người thiệt mạng, 147 người bị thương khi một kẻ đánh bom liều chết gây ra vụ nổ lớn bên trong thánh đường Hồi giáo ở thành phố Peshawar, phía tây bắc Pakistan.

Theo hãng tin AP và Reuters, nạn nhân hầu hết là cảnh sát vì thánh đường Hồi giáo bị tấn công nằm bên trong một khu phức hợp rộng lớn và cũng là trụ sở cảnh sát thành phố.

Saddique Khan, một cảnh sát cấp cao ở Peshawar cho biết, hiện chưa có ai nhận trách nhiệm về vụ đánh bom xảy ra lúc chiều nay (30/1). Tuy nhiên, lực lượng Taliban tại Pakistan thường bị quy trách nhiệm cho các vụ tấn công liều chết tương tự trước đây.

Kẻ tấn công tự sát đã kích nổ chiếc áo vest chứa bom khi hơn 200 tín đồ đang cầu nguyện bên trong hoặc hướng về thánh đường để cầu nguyện. Khu phức hợp thánh đường - trụ sở cảnh sát thành phố, nằm ở khu vực được bảo đảm an ninh chặt chẽ tại Peshawar và hiện chưa rõ tại sao kẻ đánh bom có thể xâm nhập vào sâu trong khu vực này mà không bị phát hiện.

Cảnh sát địa phương Zafar Khan cho hay, tác động của vụ nổ đã làm sập mái thánh đường, khiến nhiều người bị thương.

Sĩ quan cảnh sát Meena Gul, 38 tuổi, may mắn sống sót cho biết, anh đang ở trong thánh đường thì quả bom phát nổ. Gul cho hay, không biết làm thế nào mà bản thân vẫn còn sống và anh nghe thấy nhiều tiếng khóc, la hét sau khi quả bom phát nổ.

Cảnh sát cho biết, lực lượng cứu hộ đang cố gắng dọn dẹp đống đổ nát khỏi khuôn viên thánh đường và đưa những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát ra ngoài. Tại một bệnh viện gần đó, nhiều người bị thương được liệt kê vào dạng nguy kịch trong khi con số thương vong không ngừng tăng lên.

Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif ra tuyên bố lên án vụ đánh bom và yêu cầu cơ quan chức năng đảm bảo các nạn nhân được chăm sóc y tế tốt nhất. Nhà lãnh đạo này thề sẽ nghiêm trị những kẻ đứng sau vụ tấn công.

Peshawar là thủ phủ của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa giáp với Afghanistan và là nơi thường xuyên xảy ra các cuộc tấn công của quân nổi dậy.

(Nguồn: Vietnamnet)

NGA ÁP SÁT TUYẾN ĐƯỜNG HUYẾT MẠCH, KHÉP VÒNG VÂY CHẢO LỬA BAKHMUT

Giới chức thân Nga tại Donetsk cho biết, lực lượng thân Moscow trong khu vực đã kiểm soát một phần tuyến đường huyết mạch nối Chasov Yar với Bakhmut.

Trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn Tass hôm 30/1, ông Yan Gagin, chuyên gia chính trị - quân sự kiêm cố vấn cho người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, xác nhận các binh sĩ thuộc công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga đã áp sát và giành quyền kiểm soát một phần tuyến đường huyết mạch nối liền thành phố Chasov Yar với Bakhmut.

"Các binh sĩ của công ty Wagner đã kiểm soát một phần con đường. Các trận giao tranh quyết liệt vẫn đang diễn ra nhằm giành quyền kiểm soát toàn bộ tuyến đường tiếp viện này", ông Gagin nói.

Trước đó, người đứng đầu chính quyền thân Nga tại DPR Denis Pushilin nhấn mạnh việc cắt đứt tuyến đường nối Chasov Yar và Bakhmut đang là ưu tiên của quân đội Nga cùng các lực lượng đồng minh trong khu vực.

Theo ông Pushilin, tuyến đường trên chính là một trong số ít những đường tiếp tế còn sót lại của lực lượng phòng thủ Ukraine tại Bakhmut. Cắt đứt được tuyến đường huyết mạch này sẽ khiến điều kiện tác chiến của lực lượng này gặp vô vàn khó khăn do thiếu đạn dược, vũ khí, lương thực và thuốc men. Ngoài ra, nó cũng giúp quân đội Nga khép chặt vòng vây với Bakhmut, qua đó đẩy nhanh chiến dịch giành quyền kiểm soát "chảo lửa" tại miền Đông Ukraine.

Trước kế hoạch tấn công táo bạo của Nga, quân đội Ukraine cũng đã có những động thái đối phó khẩn cấp. Theo ông Andrey Marochko, quan chức thân Nga tại vùng ly khai Lugansk, một lực lượng lớn quân tiếp viện đã được Kiev điều đến khu vực thành phố Chasov Yar. Các chốt hỏa lực, chướng ngại vật và công sự cũng được lực lượng tiếp viện này dựng lên tại thành phố miền Đông Ukraine.

"Quân đội Ukraine đang tiến hành gia cố những cứ điểm phòng ngự cũ và xây dựng thêm những cứ điểm mới. Các chốt hỏa lực và bãi mìn cũng đang được khẩn trương triển khai", ông Marochko cho hay.

Tại Bakhmut, lực lượng phòng thủ của Ukraine cũng đang dàn trận và dựng chướng ngại vật để chuẩn bị cho viễn cảnh quân đội Nga đột kích vào bên trong thành phố với sự yểm trợ của xe tăng và pháo binh.

Từ nhiều tháng nay, quân đội Nga đã điều động nhiều binh sĩ và vũ khí hạng nặng nhằm nhanh chóng kiểm soát thành phố Bakhmut ở miền Đông Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận "nhiều cuộc giao tranh khốc liệt" đang diễn ra tại khu vực này, đồng thời khẳng định lực lượng quân đội Ukraine sẽ làm hết mình để giữ vững trận địa.

(Nguồn: Dân Trí)

NATO XOAY TRỤC SANG CHÂU Á

(Ảnh minh họa).

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã tới thủ đô Seoul – Hàn Quốc ngày 29-1, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nhằm củng cố mối quan hệ của liên minh quân sự này với các đồng minh của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tại Seoul, ông Stoltenberg gặp Bộ trưởng Ngoại giao Park Jin, Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong-sup và các quan chức cấp cao Hàn Quốc khác, đồng thời có khả năng hội đàm với Tổng thống Yoon Suk-yeol.

Reuters cho biết theo kế hoạch sau đó, ông Stoltenberg sẽ tới thủ đô Tokyo – Nhật Bản để tham dự các cuộc họp với Thủ tướng Fumio Kishida và giới chức địa phương.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Yonhap, ông Stoltenberg nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ đối tác giữa Hàn Quốc và NATO.

"Những gì xảy ra ở châu Á, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đều quan trọng đối với châu Âu, NATO và ngược lại… Chúng ta cần giải quyết các mối đe dọa và thách thức toàn cầu, bao gồm những thách thức đến từ Trung Quốc, bằng cách hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác trong khu vực" – ông Stoltenberg cho biết.

Tổng thống Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Fumio Kishida trở thành các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO với tư cách quan sát viên vào năm ngoái. Sau hội nghị này, Hàn Quốc cam kết tăng cường hợp tác về không phổ biến vũ khí hạt nhân, phòng thủ mạng, chống khủng bố, ứng phó thảm họa và các lĩnh vực an ninh khác.

Vào thời điểm đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo việc Hàn Quốc và Nhật Bản tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO và chỉ trích quan hệ đối tác ngày càng mở rộng của liên minh quân sự này ở châu Á. Triều Tiên cũng lên tiếng rằng sự can thiệp của NATO vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ làm mở rộng phạm vi của cuộc xung đột đang diễn ra ở châu Âu.

(Nguồn: Bauxite Việt Nam)

(Xem thêm:

=> Khủng hoảng dãy Alps; Sức hút dầu rẻ Nga; Cách mạng hàng không; Ukraine trừng phạt công ty Nga; Điểm nóng thế giới 2023 ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang