TQ 'làm sạch' không gian mạng; Vũ khí trí tuệ nhân tạo; Căng thẳng Serbia-Kosovo; Nga tấn công lớn Kyiv; Erdogan tái đắc cử

Trung Quốc mạnh tay làm sạch không gian mạng

(Ảnh minh họa).

Giới chức Trung Quốc đã xóa 1,4 triệu bài đăng trên mạng xã hội trong cuộc trấn áp kéo dài 2 tháng qua nhằm làm sạch không gian mạng.

Thông tin trên do Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cung cấp và hãng Reuters đăng tải mới đây.

CAC cho biết đã đóng 67.000 tài khoản và xóa hàng trăm ngàn bài đăng trên các trang mạng xã hội từ ngày 10-3 đến 22-5. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm làm trong sạch không gian internet tại Trung Quốc.

"Cuộc trấn áp mới nhất nhằm vào những bài đăng thông tin sai lệch, thu lợi bất chính và mạo danh quan chức nhà nước trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc như WeChat, Douyin hay Weibo" - nguồn tin từ CAC cho hay.

Nguồn tin này còn tiết lộ CAC đóng vĩnh viễn khoảng 8.000 tài khoản với cáo buộc lan truyền tin giả và thông tin độc hại. Khoảng 1 triệu tài khoản khác bị xử lý với hình thức từ xoá hết số lượng người theo dõi cho đến huỷ bỏ tính năng kiếm lợi nhuận.

Cơ quan quản lý Trung Quốc còn đóng hơn 100.000 tài khoản bị cáo buộc lợi dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để sản xuất tin giả hay xuyên tạc nội dung.

Số liệu từ CAC cho thấy trên không gian mạng Trung Quốc còn có gần 13.000 tài khoản quân sự giả mạo với những tên như "Bộ Tư lệnh Hồng quân Trung Quốc", "Lực lượng chống khủng bố Trung Quốc" hay "Lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc".

Bên cạnh đó, khoảng 25.000 tài khoản khác được xác định mạo danh các tổ chức công cộng, như trung tâm kiểm soát dịch bệnh hoặc viện nghiên cứu.

Chưa hết, còn gần 187.000 tài khoản mạo danh doanh nghiệp truyền thông, trong khi hơn 430.000 tài khoản bị cáo buộc cung cấp dịch vụ tư vấn hoặc giáo dục chuyên nghiệp mà không có bằng cấp chuyên môn liên quan.

Khoảng 45.000 tài khoản bị cấm cửa vì "phóng đại vấn đề nóng, theo đuổi quyền lực và kiếm tiền bất hợp pháp".

"Chiến dịch của chúng tôi có sự phối hợp của lực lượng cảnh sát, giám sát thị trường và các đơn vị khác. Chúng tôi kêu gọi cư dân mạng Trung Quốc tích cực tham gia giám sát và báo cáo những tài khoản vi phạm để duy trì không gian internet trong sạch, lành mạnh" - CAC nhấn mạnh.

(Nguồn: CafeF)

VŨ KHÍ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO: TƯƠNG LAI CỦA TÁC CHIẾN HAY MỐI ĐE DỌA TIỀM TÀNG?

Sự phát triển bùng nổ của công nghệ khiến vũ khí trí tuệ nhân tạo (AI) được dự đoán sẽ trở thành tương lai của tác chiến hiện đại, nhưng cũng gây ra những lo ngại về mối đe dọa của dòng khí tài này.

Từ cuối năm ngoái, ứng dụng có tên gọi ChatGPT đã tạo ra "cơn địa chấn" khi được trình làng. Ứng dụng này được xem là một trong những đột phá của trí tuệ nhân tạo và nó đã khiến giới chuyên gia dự đoán rằng trong tương lai thế giới có thể tiếp tục chào đón những hệ thống có nhận thức như con người, hoặc thậm chí sở hữu trí thông minh "siêu phàm".

Mặt khác, một số chuyên gia về AI cảnh báo rằng nếu con người không có các biện pháp kiểm soát, sự phát triển bùng nổ về công nghệ có thể gây đe dọa tới chính nhân loại, đặc biệt trong lĩnh vực vũ khí.

Cuộc chạy đua phát triển vũ khí AI

Trong bài viết trên tạp chí Foreign Policy, cây viết Michael Hirsh nhận định: "AI đang cách mạng hóa hoạt động tác chiến tương lai". Hiện có ít nhất 50 quốc gia đang nghiên cứu robot chiến trường, tích hợp AI vào các khí tài quân sự, trong đó cuộc đua của 3 "ông lớn" Nga - Mỹ - Trung đang diễn ra tương đối quyết liệt.

Cả 3 nước đều đang dồn các nguồn lực vào việc phát triển công nghệ AI trong vũ khí.

Mỹ trong những năm qua đã lên chiến lược về ứng dụng AI trong mọi lĩnh vực trong quân đội, từ thu thập thông tin tình báo, tới điều khiển khí tài quân sự. Năm ngoái, Mỹ từng thử nghiệm cho AI điều khiển tiêm kích F-16 như một phi công, ứng dụng khả năng của trí tuệ nhân tạo trong việc xử lý nhanh chóng một lượng lớn dữ liệu thu thập được để ra quyết định tấn công mục tiêu với tốc độ có thể còn nhanh hơn con người. Mỹ bắt đầu phát triển các hệ thống truy vết tên lửa đối phương tự động, có khả năng tấn công hỏa lực ngay từ khi chúng mới rời khỏi bệ phóng bằng dữ liệu thu thập từ vệ tinh, trong khi phát triển đội máy bay không người lái hùng hậu có khả năng tự tìm và tiêu diệt mục tiêu.

Trung Quốc cũng được xem là có những bước nhảy vọt nhanh chóng trong ứng dụng AI nhờ đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm cho công nghệ của tương lai. Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng, quốc gia tỷ dân đang theo đuổi phát triển nhiều loại vũ khí ứng dụng AI như xe tăng, tàu ngầm, tiêm kích, cường kích, máy bay ném bom, UAV. Theo nhiều chuyên gia, tham vọng của Trung Quốc là trở thành một nước đứng hàng đầu thế giới về công nghệ AI và ứng dụng AI vào công nghệ phát triển khí tài.

Tháng 3 năm nay, báo South China Morning Post dẫn thông tin từ các nhà khoa học quân sự Trung Quốc ngày 3/3 cho biết, họ đã tiến hành một cuộc thử nghiệm không chiến một đấu một giữa cặp máy bay không người lái (UAV). Đây là hai UAV cánh cố định, một chiếc do phi công AI điều khiển và chiếc còn lại do con người điều khiển từ mặt đất. Cuộc thử nghiệm được tiến hành trong các điều kiện thực chiến. Kết quả cho thấy phi công AI cho thấy khả năng vượt trội trong điều kiện cận chiến, liên tục lấn lướt đối phương do con người điều khiển.

Một bằng chứng cho thấy kỷ nguyên của công nghệ AI trong tác chiến đang tới rất gần chính là những diễn biến cho chiến sự Nga - Ukraine.

Theo giới quan sát, cuộc chiến kéo dài 15 tháng qua có thể là tiền đề cho sự ra mắt của các robot chiến đấu hoàn toàn tự động trên chiến trường. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới về tác chiến hiện đại, có thể so sánh với thời điểm mà súng máy xuất hiện dẫn tới sự tái định nghĩa lại các phương pháp chiến đấu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố rằng, trong kỷ nguyên mới, bên nào làm chủ được công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo sẽ là bên có sức mạnh "thống trị" được thế giới. Sự phát triển của công nghệ không người lái trong thời gian qua khiến các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến càng kéo dài thì khả năng các thiết bị tự vận hành xuất hiện càng lớn. Chúng sẽ tự xác định, khóa và tấn công mục tiêu mà không cần sự hỗ trợ từ con người.

Nga đang thử nghiệm robot chiến đấu Uran-9 ở Ukraine, vũ khí trông giống xe tăng với súng nòng 30mm, súng phun lửa và 4 tên lửa chống tăng. Ngoài ra, Lục quân Nga đã có kế hoạch phát triển một số loại robot chiến đấu mạnh hơn nữa, dựa trên các xe tăng uy lực T-72 và T-14 Armata. Những robot này có thể mang vũ khí hạng nặng và tự chủ tấn công mục tiêu dựa trên phần mềm đã lập trình sẵn.

Nga còn có tham vọng tăng cường tự động hóa các loại vũ khí và thiết bị thông thường do con người vận hành. Ví dụ, giống Mỹ đang làm với F-16, Nga cũng phát triển tính năng AI trên máy bay Su-57, hay còn gọi là phi công ảo, với mục tiêu có thể cho phép nó thực hiện hầu hết các nhiệm vụ mà không cần phi công người thật trong buồng lái. Ngay cả những chiếc xe tăng kiểu cũ cũng được tự động hóa và điều khiển từ xa.

Ngoài ra, trong cuộc chiến kéo dài hơn 15 tháng qua, cả Nga và Ukraine đều đang sở hữu dàn máy bay không người lái hùng hậu, lên tới hàng nghìn chiếc và chúng đang thể hiện uy lực trên chiến trường khi có thể phá hủy những vũ khí hạng nặng hiện đại nhất như xe tăng chiến đấu chủ lực, tàu chiến, máy bay. Ukraine cũng có đội xuồng tự sát có khả năng tự tấn công mạnh mẽ, đe dọa tới lợi thế của hạm đội Nga ở khu vực Biển Đen.

Zachary Kallenborn, nhà phân tích tại Đại học George Mason, cho biết: "Nhiều nước đang phát triển công nghệ AI. Rõ ràng, nó không phải là một loại vũ khí quá khó để chế tạo".

Chuyên gia quân sự Douglas Shaw nhận định: "Tôi có thể dễ dàng tưởng tượng ra một tương lai trong đó máy bay không người lái đông hơn số người trong lực lượng vũ trang khá nhiều.

Một ưu điểm lớn nhất của AI chính là công nghệ có thể khiến giảm thương vong trong các cuộc giao tranh. Bằng cách mở rộng đáng kể vai trò của thiết bị không người lái do AI điều khiển trong lực lượng không quân, hải quân và lục quân, mạng sống của con người có thể được bảo toàn. Hiện thời, nhiều nền quân đội đã phát triển các đội robot chiến đấu tự vận hành. Theo Asia Times, tương lai của tác chiến có thể là cuộc đối đầu của máy móc và công nghệ.

Những rủi ro tiềm tàng

Với sự phát triển mạnh như vũ bão của AI, các chuyên gia tỏ ra lo ngại về mối đe dọa của nó gây ra đối với nhân loại.

Thứ nhất, theo Foreign Policy, các phần mềm AI có thể giúp các cường quốc ra quyết định nhanh chóng hơn, trong vài phút, thay vì vài giờ hoặc vài ngày như hiện tại, nhờ khả năng xử lý lượng dữ liệu khổng lồ nhanh chóng. Đây là điều được xem khá rủi ro, nhất là khi các nước này nắm trong tay kho vũ khí hạt nhân. Chuyên gia Herbert Lin từ Đại học Stanford cảnh báo, việc phụ thuộc vào dữ liệu từ AI để đưa ra quyết định do trí tuệ nhân tạo tính toán nhanh hơn rất nhiều con người có thể khiến nguy cơ xung đột bùng phát lớn hơn.

Một mối lo ngại khác là công nghệ AI tiên tiến có thể cho phép những kẻ xấu như đối tượng khủng bố có được kiến thức và công nghệ trong việc chế tạo vũ khí gây chết người. Mặt khác, thông tin do AI cung cấp có thể bị vũ khí hóa một cách tiêu cực gây ảnh hưởng tới nhân loại. Ví dụ, kẻ xấu có thể dùng thông tin giả mạo để khiến AI đưa ra khuyến nghị sai lầm tới những người có quyền ra quyết định, gây ra rủi ro lớn.

Rõ ràng là một cuộc chạy đua vũ trang liên quan tới AI đang diễn ra và việc ngăn chặn nó không mấy dễ dàng. Trong một bức thư ngỏ vào cuối tháng 3, hơn 2.000 nhà lãnh đạo và nhà nghiên cứu công nghệ, bao gồm cả tỷ phú Elon Musk, đã kêu gọi các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới tạm dừng đào tạo các mô hình AI mới nhất vì lo ngại rằng chúng có thể dẫn đến thảm họa cho con người.

"Chúng ta phải tự hỏi rằng, chúng ta có nên phát triển những bộ óc phi nhân loại mà cuối cùng có thể đông đảo hơn, thông minh hơn và thay thế chúng ta không? Chúng ta có nên mạo hiểm và có thể dẫn tới kết cục mất kiểm soát nền văn minh của mình không?", bức thư ngỏ viết.

Mặt khác, về lý thuyết, AI trên vũ khí không người lái có thể nhận ra các mục tiêu trên chiến trường. Nhưng vấn đề lớn nhất mà các nhà hoạch định chính sách lo ngại chính là liệu công nghệ có đủ sự tin cậy để đảm bảo các vũ khí trên không tấn công nhầm vào những người không tham gia chiến đấu, ví dụ dân thường, hay không. Lo ngại này là có cơ sở trong bối cảnh các hoạt động tác chiến mạng, tấn công trực tuyến đang diễn ra với tần suất ngày càng lớn. Máy móc có thể có trí thông minh trong việc tính toán, nhưng thiếu đi cảm xúc, tri giác cần thiết khi đưa ra những quyết định quan trọng như con người. Chúng có thể thông minh hơn, nhưng đặt quyền ra quyết định vào máy móc và phần mềm có thể gây ra những hậu quả ngược khi chúng trở nên không còn có thể kiểm soát.

Hiệp ước kiểm soát vũ khí với AI?

Trong một báo cáo được công bố vào đầu tháng 2, tổ chức Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (Mỹ) cho biết AI và các công nghệ mới khác, như tên lửa siêu vượt âm, có thể "xóa mờ sự khác biệt giữa một cuộc tấn công thông thường và hạt nhân".

Báo cáo nói rằng cuộc cạnh tranh để "phát triển các công nghệ mới nổi cho mục đích quân sự đã tăng tốc với tốc độ nhanh hơn nhiều so với nỗ lực đánh giá những mối nguy hiểm mà chúng gây ra và những giới hạn trong việc sử dụng. Do đó, điều cần thiết là phải làm chậm tốc độ vũ khí hóa các công nghệ này, cân nhắc cẩn thận các rủi ro khi làm như vậy và áp dụng các hạn chế có ý nghĩa đối với việc sử dụng chúng cho mục đích quân sự".

Các chuyên gia nhận định, việc cố gắng hạn chế sự phát triển của AI là không hợp lý và có thể phản tác dụng. Tuy nhiên, con người cần bắt đầu cân nhắc tới mối đe dọa phát sinh khi các hệ thống AI tham gia vào hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động của con người, đặc biệt trong công nghệ vũ khí.

Trong thời gian qua, một số nước châu Âu, trong đó có Đức, đã bắt đầu hệ thống hóa các quy định về kiểm soát các vũ khí sát thương nhằm ngăn việc vũ khí gây chết người có thể hoạt động mà không cần sự can thiệp của con người.

Các chuyên gia cũng nhận định, giống vũ khí hạt nhân, các nước lớn giờ đây có thể cần phải tính toán tới hiệp ước kiểm soát vũ khí đối với khí tài sử dụng AI như "bộ não". Các cơ chế kiểm soát, thanh sát minh bạch cùng các quy định với giới hạn được đặt ra rõ ràng có thể giúp con người tận dụng những ưu điểm của AI, đồng thời giảm thiểu rủi ro các vũ khí thông minh trở nên mất kiểm soát và gây nguy hiểm cho chính nhân loại.

(Nguồn: Dân Trí)

Căng thẳng Serbia - Kosovo leo thang: Điểm nóng xung đột mới tại châu Âu?

(Ảnh minh họa).

Serbia hôm qua (27/5) đã điều động quân đội đến sát biên giới với vùng lãnh thổ Kosovo nhằm phản ứng trước các vụ đụng độ gần đây giữa chính quyền Kosovo và cộng đồng người Serbia thiểu số ở phía Bắc.

Căng thẳng giữa Serbia và Kosovo bất ngờ leo thang trong tuần này sau khi người thiểu số Serbia ở phía Bắc Kosovo tìm cách ngăn cản các thị trưởng sắc tộc Albania mới được bầu tiếp cận các toà nhà hành chính. Cảnh sát Kosovo đã sử dụng đạn hơi cay để giải tán người biểu tình. Giới chức y tế địa phương cho biết, khoảng 10 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ nổ ra sau đó. Chính quyền Kosovo cho biết các lực lượng an ninh chỉ đang làm nhiệm vụ của mình nhằm hỗ trợ các thị trưởng mới đắc cử tiếp cận với nơi làm việc. Trong khi đó, Serbia đã mô tả đây là một cuộc đàn áp nhằm cộng đồng người Serbia thiểu số, đồng thời đặt quân đội trong tình trạng báo động chiến đấu toàn diện và điều động các đơn vị tiến sát các khu vực biên giới.

Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Miloš Vučević nhấn mạnh: “Chúng tôi hi vọng Phái bộ gìn giữ hòa bình do NATO đứng đầu ở Kosovo sẽ hành động tích cực hơn nhằm đảm bảo an ninh, tự do, nhân quyền cho người dân sống tại Kosovo, để vùng lãnh thổ này không bị chia rẽ dù là người sắc tộc Serbia hay người Albania”.

Mâu thuẫn giữa cộng đồng người Serbia và Kosovo xảy ra khi chính quyền tổ chức bầu cử gây tranh cãi hồi tháng 4, theo đó những người Albania được bầu làm thị trưởng 4 thị trấn ở miền bắc Kosovo, nơi sinh sống chủ yếu của người Serbia. Lo ngại nguy cơ một điểm nóng xung đột mới tại châu Âu, Mỹ, Anh, Pháp, Italy và Đức hôm qua ra tuyên bố chung kêu gọi chính quyền Kosovo lùi bước, giảm leo thang căng thẳng.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, căng thẳng đang bị đẩy lên cao một cách không cần thiết, làm suy yếu nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Kosovo và Serbia.

Cùng ngày, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kêu gọi tất cả các bên giải quyết tình hình thông qua đối thoại. Theo Người phát ngôn NATO Oana Lungescu, phái bộ gìn giữ hòa bình do NATO đứng đầu ở Kosovo, vẫn đang cảnh giác cao độ trước diễn biến hiện nay. Trong khi đó, Đại sứ quán Nga tại Serbia chỉ trích hành động của chính quyền Kosovo nhằm chiếm giữ các tòa nhà hành chính ở những khu đô thị của người sắc tộc Serbia.

Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia từ năm 2008. Vùng lãnh thổ này có khoảng 1,8 triệu dân, trong đó 90% là người gốc Albania. Khoảng 120.000 người gốc Serbia sống tại miền Bắc Kosovo không công nhận chính quyền này. Một kế hoạch do Mỹ và Liên minh châu Âu hậu thuẫn đã được Serbia và Kosovo tuyên bố nhất trí hồi tháng 3 nhằm xoa dịu căng thẳng, với việc vùng lãnh thổ Kosovo đồng ý trao quyền tự trị lớn hơn cho người thiểu số Serbia. Tuy nhiên những căng thẳng mới này có nguy cơ khiến mọi nỗ lực bị “trôi sông đổ biển”./.

(Nguồn: Soha)

Nga phát động cuộc tấn công lớn nhất bằng drone vào Kyiv

Nga mở cuộc tấn công lớn nhất bằng drone vào thủ đô Kyiv của Ukraine trong đêm thứ Bảy kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Vụ tấn công xảy ra khi Kyiv chuẩn bị kỷ niệm ngày thành lập hôm Chủ nhật. Thị trưởng Vitali Klitscho cho biết một người đã thiệt mạng.

Lực lượng không quân Ukraine cho biết đã bắn hạ hơn 50 máy bay không người lái, nhưng không rõ liệu tất cả các máy bay không người lái bị hạ ở Kyiv hay trên khắp đất nước.

Ông Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, nói: “Lịch sử của Ukraine là một điều khó chịu từ lâu đối với những người Nga bất an”.

“Hôm nay là một ngày trừng phạt khác”, ông Zelenskyy nói hôm thứ Bảy. Ông cho biết 220 công ty và 51 cá nhân bị trừng phạt, "hầu hết trong số họ là người Nga - những kẻ làm việc cho khủng bố".

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật tình báo hàng ngày rằng các tập đoàn kinh doanh và truyền thông do nhà nước Nga hậu thuẫn muốn Bộ Kinh tế cho phép một tuần làm việc sáu ngày "trước nhu cầu kinh tế của chiến tranh mà dường như không được trả thêm tiền”.

Bộ Quốc phòng Anh đã đăng trên Twitter rằng các nhóm đã kiến nghị Bộ Kinh tế Nga cho phép một tuần làm việc dài hơn.

Bản cập nhật nói rằng bà Margarita Simonyan, được mô tả là "nhà tuyên truyền hàng đầu của Nga", gần đây đã kêu gọi công dân làm việc thêm hai giờ trong các nhà máy sản xuất vũ khí mỗi ngày sau công việc thường ngày của họ.

Bản cập nhật của Anh cho biết rằng những lời kêu gọi kéo dài một tuần làm việc mà không được trả thêm tiền "phản ánh cảm giác bắt buộc trong xã hội kiểu Xô Viết", đồng thời cho biết thêm rằng "lãnh đạo Nga rất có thể xác định hiệu quả kinh tế là yếu tố quyết định để chiến thắng trong chiến tranh”.

(Nguồn: VOA)

Tổng thống Erdogan tái đắc cử sau cuộc bầu cử vòng 2 ở Thổ Nhĩ Kỳ

(Ảnh minh họa).

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tái đắc cử sau khi cử tri đi bỏ phiếu lần hai ngày 28.5, theo dữ liệu không chính thức từ hãng thông tấn nhà nước Anadolu.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ cạnh tranh phiếu bầu với ứng viên Kemal Kilicdaroglu của liên minh đối lập, trong cuộc bỏ phiếu bổ sung được tổ chức hai tuần sau khi cả hai đều không đạt được mức 50% số phiếu để đắc cử ngay trong lần đầu cử tri đi bầu.

Theo hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, kết quả kiểm đếm từ 97% số thùng phiếu được mở cho thấy ông Erdogan đã nhận được 52,1% phiếu bầu, đánh bại đối thủ Kemal Kilicdaroglu, người giành được 47,9% số phiếu. Ủy ban Bầu cử Tối cao của Thổ Nhĩ Kỳ là cơ quan sẽ công bố kết quả chính thức.

Cuộc bầu cử quyết định không chỉ ai là người lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO với 85 triệu dân, mà còn cả hướng đi của nền kinh tế nước này trong bối cảnh đồng lira đã mất giá nghiêm trọng, cũng như chính sách đối ngoại và quốc phòng của Ankara sau những rạn nứt với phương Tây.

Bất chấp kết quả thăm dò dư luận, ông Erdogan (69 tuổi), người đã lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt 2 thập niên qua, vẫn dẫn trước đối thủ với cách biệt gần 5 điểm phần trăm trong vòng bỏ phiếu đầu tiên hôm 14.5. Chiến thắng ngày 28.5 sẽ cho phép ông ngồi ở vị trí lãnh đạo thêm 5 năm nữa, cũng như chủ trì các hoạt động đánh dấu 100 năm ngày thành lập Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại vào tháng 10 tới.

Ông Kilicdaroglu (74 tuổi) là ứng cử viên của liên minh 6 đảng đối lập, và là lãnh đạo của đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) do nhà sáng lập Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk thành lập. Liên minh của ông đã chật vật tìm cách lấy lại động lực sau vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã chúc mừng ông Erdoğan đắc cử. Trong một bài đăng trên Twitter, quốc vương al-Thani gọi ông Erdogan là "người anh em" và chúc ông thành công trong nhiệm kỳ mới. Trong khi đó, cũng trên Twitter, ông Orban ca ngợi "chiến thắng không thể nghi ngờ" của đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu trước người ủng hộ ở quê nhà Istanbul tối 28.5, ông Erdogan đã tuyên bố chiến thắng. “Chúng tôi đã hoàn thành vòng hai bầu cử với sự ủng hộ của người dân… Chúng tôi sẽ điều hành đất nước trong 5 năm tới”, Al Jazeera dẫn lời nhà lãnh đạo. Ông cũng tuyên bố rằng toàn bộ 85 triệu dân của Thổ Nhĩ Kỳ đều là “người chiến thắng”.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang