Tổng mức giải ngân 94.161 tỉ; Năng lượng tái tạo VN; Chạy đà loạt dự án cao tốc lớn; 'Lịch biểu' quan chức xộ khám 2022

TỔNG MỨC GIẢI NGÂN 94.161 TỈ ĐỒNG: THÁCH THỨC LỚN CỦA NGÀNH GIAO THÔNG

(Ảnh minh hoạ).

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, năm 2023 tổng mức giải ngân toàn ngành lên tới 94.161 tỉ đồng. Đây được coi là thách thức lớn. Do đó, ngay từ đầu năm 2023, toàn ngành đã tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, tập trung hoàn thiện thủ tục để khởi công các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam...

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, trong năm 2023, ngành giao thông đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng, nhất là tập trung hoàn thiện thủ tục để khởi công các dự án Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, nối thông đường Hồ Chí Minh; hoàn thành 8 dự án cao tốc Bắc-Nam Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Nha Trang-Cam Lâm, cầu Mỹ Thuận 2, Mỹ Thuận-Cần Thơ thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam...

Ngoài việc khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu hoàn thành cải tạo đoạn Hà Nội-Vinh-Nha Trang và khởi công 4 dự án trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh; tiếp tục chuẩn bị đầu tư, kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt kết nối các cảng biển quốc tế, cửa khẩu quốc tế, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-Long Thành, Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ.

Theo báo cáo, năm 2022 Bộ giao thông Vận tải đã khởi công 18 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 22 dự án, trong đó đưa vào khai thác đoạn Cao Bồ-Mai Sơn (dài 15,2km), Cam Lộ-La Sơn (dài 98,3km); thông xe kỹ thuật 3 đoạn cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 (Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây); khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 vào ngày 1.1.2023...

Tính đến 31.12.2023, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân khoảng 47.905 tỉ đồng, đạt 87% kế hoạch bổ sung, dự kiến đến hết tháng 1.2023 sẽ phấn đấu giải ngân 97% vốn ngân sách Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao.

Nhằm đảm bảo tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại công trường; phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu. Đơn vị này yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng, chỉ đạo các đơn vị kiểm soát tiến độ theo ngày/tuần/tháng; kiên quyết cắt chuyển khối lượng, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm theo quy định của hợp đồng.

Để tháo gỡ khó khăn đối với các dự án quan trọng quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu Nghị quyết của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù, bảo đảm nguồn vật liệu thi công, chỉ đạo các địa phương công bố kịp thời giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, nâng giá, ép giá vật liệu, hướng dẫn việc điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng của biến động giá…

Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải đã khẩn trương rà soát, phân bổ và giao chi tiết kế hoạch cho các nhiệm vụ, dự án đúng quy định, phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát không để dàn trải, manh mún, kéo dài; gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc bảo đảm tiến độ và chất lượng giải ngân.

Để đạt được các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho đất nước, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. “Phấn đấu giải ngân toàn bộ nguồn vốn bố trí trong kế hoạch 2023 lên tới 94.161 tỉ đồng, cao gấp 1,7 lần kế hoạch năm 2022 - đây được coi là thách thức rất lớn đối với ngành giao thông”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.

(Nguồn: Lao Động)

NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: 'VN CẦN NÂNG CẤP LƯỚI ĐIỆN QUỐC GIA' - BÀI 3

Bà Courtney Weatherby, Phó giám đốc Chương trình Nước, Năng lượng và Bền vững khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Stimson trả lời BBC về giải pháp để Việt Nam ngưng sử dụng than và chuyển sang năng lượng tái tạo.

BBC: Bà nhận định như thế nào khi Việt Nam có kế hoạch tăng nhập khẩu than để sản xuất điện trong khi vừa ký gói hỗ trợ hơn 15 tỷ USD để giảm điện than?

Bà Courtney Weatherby: Thách thức trong việc dùng than để sản xuất điện là ở một mức độ nào đó, nó sẽ bị kẹt lại như là một nguồn nhiên liệu chính cho các nhà máy điện than đã tồn tại cũng như cho các nhà máy điện than đang được xây thêm - nơi chính phủ VN đã ký các thoả thuận mua điện.

Các nhà máy điện than có tuổi thọ khoảng vài thập kỷ, và Việt Nam đã tăng thêm công suất cho chúng trong những năm vừa qua.

Việc này khiến Việt Nam tiếp tục phải sử dụng một khối lượng than để chạy các nhà máy này và đảm bảo sản xuất lượng điện cần thiết cho vài thập kỷ tới.

Trong khi về lý thuyết có thể xem xét đóng cửa những nhà máy này và/hoặc thay thế chúng bởi các nguồn năng lượng sạch hơn - ví dụ chuyển đổi sang các nhà máy sử dụng khí hoá hỏng (LNG).

Hoặc về lâu dài, tìm cách chuyển từ nhà máy điện than sang điện hạt nhân hoặc điện mặt trời. Việc này có thể rất tốn kém về lâu dài và có thể không phải là các lựa chọn hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Trong bối cảnh này, có thể đoán được trước rằng Việt Nam sẽ dự kiến tăng nhập khẩu than trong các thập kỷ tới để đảm bảo nguồn nhiên liệu cho các nhà máy hiện đang tồn tại.

Câu hỏi chính cần đặt lên bàn ở đây là có phải việc sử dụng than và việc nhập khẩu than có thể giảm thông qua các hình thức chuyển đổi năng lượng như đề cập ở trên - đới với các nhà máy cũ.

Hoặc qua việc ngưng các nhà máy điện than đang xây mới.

Hoặc thay thế điện than bằng các nguồn khác trong khi vẫn đảm bảo điện sản xuất ra vẫn có đủ và giá thành vẫn chấp nhận được.

Việt Nam dự kiến nhu cầu điện cho sản xuất sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Điều đó có nghĩa việc chuyển đổi nguồn năng lượng cần phải diễn ra cùng lúc với việc chính phủ mở rộng các nguồn năng lượng khác và cần đảm bảo vẫn sản xuất đủ điện.

BBC: Có một số đề xuất rằng Việt Nam nên tập trung vào đầu tư phát triển khí hoá lỏng, thay vì năng lượng tái tạo vốn đắt và rủi ro?

Bà Courtney Weatherby: Tôi cho rằng Việt Nam cần đầu tư vào cả năng lượng tái tạo và LNG, trong đó cần tập trung chuyển đổi sang năng lượng tái tạo về mặt lâu dài.

Hai cản trở lịch sử đối với năng lượng tái tạo là giá thành và rủi ro, hay còn gọi là tính không ổn định. Tuy nhiên, giá thành của năng lượng tái tạo đã hạ rất nhiều và đến nay không còn là vấn đề nữa.

Ví dụ, năng lượng mặt trời, đã giảm giá xấp xỉ 85% từ năm 2009 và tiếp tục giảm giá bởi quy trình sản xuất được mở rộng và cải thiện. Năng lượng giá cũng giảm ở mức tương tự trong cùng khung thời gian.

Thậm chí ngay giữa đại dịch, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế đã chỉ ra rằng chi phí cho cả hai nguồn năng lượng tái tạo trên tiếp tục giảm và đang ngày càng trở nên cạnh tranh.

Tại nhiều nơi, điện mặt trời hiện đang có giá thấp nhất trong các loại điện hiện có, tính theo mỗi kilowatt/giờ.

Về tính rủi ro, điện mặt trời và điện gió không còn là kỹ thuật mới nữa và đã có số liệu chứng minh điều này.

Rủi ro lớn nhất không nằm ở kỹ thuật mà ở việc hoà vào lưới điện.

Điện mặt trời và điện gió là các nguồn năng lượng thay đổi. Chúng hoạt động khác so với các nhà máy điện truyền thống bởi vì việc sản xuất chúng phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết hơn là theo nhu cầu.

Điều này thực sự là một thách thức đối với hệ thống điện - và đó là thách thức mà Việt Nam đang đối mặt hiện nay nếu không có sự phối hợp đầu tư để xây dựng một hệ thống điện hiện đại và mở rộng để có thể tiếp nhận sự chuyển đổi trong cơ cấu và cách thức sản xuất điện.

BBC: Việt Nam được đánh giá là có nguồn năng lượng gió và mặt trời dồi dào nhất khu vực châu Á. Theo bà thì đâu là giải pháp để Việt Nam thật sự phát triển được tiềm năng này?

Bà Courtney Weatherby:Thách thức đối với việc hoà vào lưới điện quốc gia là sự thật.

Việt Nam trong khoảng 5 năm qua đã nhảy vọt từ không có chút tỷ suất điện nào từ nguồn năng lượng tái tạo trong lưới điện quốc gia đến có từ 1/5 và 1/4 trong tổng công xuất lắp đặt đến từ năng lượng tái tạo.

Đây thực sự là một sự tăng trưởng nhanh chóng, và hầu hết công suất điện từ nguồn năng lượng tái tạo được sản xuất từ chỉ một số ít tỉnh thành ở Việt Nam.

Vấn đề lớn ở đây là không có sự đầu tư đầy đủ, toàn diện để nâng cấp lưới điện quốc gia.

Và do đó tại nhiều địa phương, lưới điện quốc gia đơn giản là không thể tải được điện từ các nguồn năng lượng tái tạo mới và luôn biến đổi.

Hệ thống lưới điện quốc gia được thiết kế để tải điện từ các nhà máy điện truyền thống và hiện không có sự linh hoạt để sử dụng tốt nhất nguồn năng lượng tái tạo được sản xuất.

Có một số thay đổi mà lưới điện quốc gia có thể thực hiện để tải được nguồn điện tái tạo. Ví dụ, tìm cách để tăng độ linh hoạt và phối hợp để giảm lượng điện từ nguồn truyền thống như than hay gas khi có dồi dào điện từ mặt trời và gió, sau đó lại tăng điện từ nguồn truyền thống khi nguồn điện từ mặt trời và gió giảm.

Theo dõi các thông số hoạt động và thời tiết - và áp dụng các kiến thức này vào kế hoạch truyền tải lưới điện - có thể giúp giải quyết vấn đề.

Nhưng thách thức chính ở đây là có giới hạn vật lý đối với lưới điện.

Trong bối cảnh này, nhập khẩu than trong ngắn hạn cho các nhà máy điện than đang tồn tại là cần thiết, nhưng chuyển đầu tư trở về các dự án điện than sẽ khoá Việt Nam vào một nguồn năng lượng được xem là 'hết thời' về mặt lâu dài.

Các nhà máy điện than mới có tuổi thọ hàng thập kỷ. Do đó các nhà máy điện than đang được xây dựng hiện này sẽ phải tiếp tục vận hành hàng thập kỷ tới.

Tiếp tục mở rộng vai trò của than có thể là một thách thức cho Việt Nam để đạt cam kết phát thải bằng không, đồng thời cũng là một thách thức trong cạnh tranh về mặt lâu dài.

Nhiều công ty thủ công và công nghiệp đang đóng vai trò quyết định trong việc giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng và là hành viên của chuỗi cung ứng đa quốc gia. Và các công ty đa quốc gia này hiện đang tìm cách đáp ứng các mục tiêu năng lượng tái tạo của riêng họ.

Tự 'khoá' mình vào điện than hoặc giảm thiểu vai trò của năng lượng tái tạo có thể khiến các công ty này gặp khó khăn hơn để đáp ứng các mục tiêu nói trên của họ, và khiến họ có thể phải xem xét để chuyển sang các nước nơi chính phủ hỗ trợ hơn đối với năng lượng tái tạo.

(Nguồn: BBC)

‘CHẠY ĐÀ’ HÀNG LOẠT DỰ ÁN CAO TỐC LỚN TRONG THÁNG 1

(Ảnh minh hoạ).

Dự kiến, 3 dự án đường bộ cao tốc và 2 dự án đường vành đai sẽ hoàn thành phê duyệt đầu tư trong tháng 1.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, báo cáo nghiên cứu khả thi cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (dài 117,5 km) đã hoàn thành và trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, dự kiến phê duyệt trong tháng 1. Tiến độ triển khai dự án cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu của Chính phủ.

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), hiện tại, các cơ quan chủ quản đã bàn giao cọc GPMB cho địa phương 91,7/117,5 km (đạt 78%). Các địa phương đang tích cực triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bảo đảm bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu khởi công trước ngày 30.6.

Đối với dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dài 53,7 km), Bộ GTVT và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt dự án đầu tư 2 dự án thành phần, đáp ứng tiến độ yêu cầu của Chính phủ.

Riêng dự án thành phần 1 do tỉnh Đồng Nai thực hiện dự kiến phê duyệt trong tháng 1, đáp ứng tiến độ khởi công trước ngày 30.6.

Công tác bàn giao cọc GPMB cho địa phương đã hoàn thành. Các địa phương đang tích cực triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bảo đảm bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu khởi công trước ngày 30.6.

Về dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dài 189,4 km), Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, công tác bàn giao cọc GPMB cũng đã hoàn thành.

Các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP.Cần Thơ đã tổ chức thực hiện bám sát tiến độ yêu cầu của Chính phủ, đến nay đã hoàn thành công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến phê duyệt trong tháng 1, đảm bảo tiến độ khởi công trước ngày 30.6.

Dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội (dài 112,8 km) đã được TP.Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh phê duyệt chỉ giới đường đỏ và hoàn thành bàn giao cọc GPMB.

Hiện tại, việc lập dự án đầu tư các dự án thành phần đang được triển khai (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đường song hành), dự kiến phê duyệt trong tháng 1.

Trong đó, tiến độ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần chậm so với yêu cầu của Chính phủ, dự kiến trình Bộ TN-MT phê duyệt trong tháng 1.

Riêng dự án thành phần 3, TP.Hà Nội đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi (đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư) để trình Hội đồng Thẩm định nhà nước trong tháng 1 và tổ chức đấu thầu rộng rãi nhà đầu tư trong nước theo quy định.

Với dự án đường vành đai 3 TP.HCM (dài 76,34 km), TP.HCM và các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ toàn dự án; hoàn thành công tác bàn giao cọc GPMB.

Đến nay, TP.HCM và tỉnh Long An đã phê duyệt dự án đầu tư các dự án thành phần, đang triển khai khảo sát, thiết kế kỹ thuật.

Các dự án thành phần do tỉnh Bình Dương và Đồng Nai làm cơ quan chủ quản dự kiến sẽ được phê duyệt dự án đầu tư trong tháng 1.

(Nguồn: Thanh Niên)

“LỊCH BIỂU” CÁC QUAN CHỨC, “ĐẠI GIA” XỘ KHÁM NĂM 2022

Năm 2022, khi toàn xã hội dần an yên trong trạng thái “bình thường mới” thì dư luận trong nước lại rúng động với “hội chứng hậu COVID-19” khi hàng loạt quan chức cấp cao, lãnh đạo các tỉnh thành bị bắt vì “nhúng chàm” trong 2 vụ đại án: “Kit test Việt Á” và “Chuyến bay giải cứu”. Cũng trong năm 2022, hàng loạt đại gia trong các lĩnh vực: chứng khoán, bất động sản, ngân hàng... bị phanh phui thủ đoạn “lùa gà”, “thao túng tâm lý” của những tập đoàn kinh tế lớn như: FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, AIC.

Vụ Việt Á - Tham nhũng có hệ thống

Đây là vụ án được coi là điển hình về “tham nhũng có hệ thống” do tính quy mô, xảy ra từ cơ quan, bộ ngành trung ương đến các địa phương. Kết quả điều tra xác định, Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào nhằm thu lợi bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng. Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, Việt Á chi “hoa hồng” lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.

Ngày 17-12-2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Phạm Duy Tiến (Giám đốc CDC Hải Dương) về tội: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Cũng trong thời điểm cuối năm 2021, Bộ Công an tiếp tục khởi tố 15 bị can khác liên quan đến 4 vụ án hình sự: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Liên quan vụ án Việt Á, ngày 7-6-2022, CQĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam các ông: Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế) và Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội). Đến ngày 17-9-2022, CQĐT Bộ Công an tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương). Mới đây nhất, ngày 30-11-2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Trịnh (trợ lý Phó thủ tướng) để điều tra về hành vi: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

“Chuyến bay giải cứu” - Án trong án!

Trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, trong năm 2020 và 2021, Nhà nước tổ chức gần 2.000 chuyến bay “giải cứu” để đưa người lao động, người Việt ở nước ngoài về nước an toàn. Cuối năm 2021, xuất hiện thông tin cho rằng có việc trục lợi giá vé các chuyến bay này.

Ngày 27-1-2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 cán bộ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) về tội “Nhận hối lộ”, trong đó có Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan; Phó Cục trưởng Đỗ Hoàng Tùng. Ngày 14-4-2022, Bộ Công an tiếp tục khởi tố ông Tô Anh Dũng- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cùng 2 cán bộ khác tại Bộ Y tế và Bộ Công an về tội “Nhận hối lộ”. Từ ngày 6-5 đến 25-7- 2022, Bộ Công an khởi tố thêm 8 người là lãnh đạo các doanh nghiệp và cán bộ, nguyên cán bộ Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT và Bộ Y tế.

Qua điều tra mở rộng, Bộ Công an tiếp tục khởi tố 19 người khác, trong đó có Nguyễn Quang Linh - Trợ lý Phó Thủ tướng; Nguyễn Thanh Hải - Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ; các cán bộ, nguyên cán bộ tại các lãnh sự quán Việt Nam ở Osaka (Nhật Bản), Angola và Nga. Mới đây nhất, ngày 22-12-2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 ông: Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) và Chử Xuân Dũng (Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) để điều tra về hành vi: “Nhận hối lộ” trong vụ án này.

Cũng liên quan đến “chuyến bay giải cứu”, trung tuần tháng 12- 2022, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã khởi tố vụ án hình sự về tội: “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” trên “chuyến bay giải cứu” công dân Việt Nam từ Nga về Việt Nam vào cuối năm 2020. Cơ quan chức năng xác định có 3 nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã lợi dụng “chuyến bay giải cứu” để vận chuyển trái phép lượng lớn rượu và thuốc lá có tổng giá trị hơn 9,2 tỷ đồng.

Chủ tịch FLC “làm xiếc” giá cổ phiếu

Với thủ đoạn tạo cung cầu giả, “thổi giá” cổ phiếu thuộc Tập đoàn FLC lên cao, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo thuộc cấp bán ra số lượng rất lớn, trong đó có một lượng cổ phiếu được “bán chui”, khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng. Hành vi “làm xiếc” giá cổ phiếu thuộc Tập đoàn FLC để thao túng thị trường chứng khoán để bán chui 74,8 triệu cổ phiếu (tương đương 1.689 tỷ đồng) đã giúp ông Trịnh Văn Quyết thu lợi bất chính khoảng 530 tỷ đồng.

Ngày 29-3-2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết (khi đó là Chủ tịch Tập đoàn FLC) cùng các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty liên quan về hành vi: “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

Ngày 25-8-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục khởi tố ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo Bộ Công an, từ năm 2014-2016, ông Quyết và đồng phạm làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng nhằm chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Tính đến ngày 24-2- 2021, Trịnh Văn Quyết đã chiếm đoạt tổng cộng 6.412 tỷ đồng.

Cú lừa hơn 8.000 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Để “hút” tiền các nhà đầu tư, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho phát hành trái phiếu nhưng lại không dùng cho các hoạt động kinh doanh như cam kết trong hồ sơ phát hành trái phiếu. Hơn 6.000 nhà đầu tư tin tưởng vào Tân Hoàng Minh đã “cống nộp” cho tập đoàn này hơn 8.000 tỷ.

Ngày 5-4-2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 7 người liên quan đến vụ án: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Trong đó có ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và ông Đỗ Hoàng Việt (Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh)- con trai bị can Đỗ Anh Dũng.

Chủ tịch AIC “đi đêm” với cựu Bí thư và Chủ tịch tỉnh để trúng thầu

Để trúng 16 gói thầu trang thiết bị y tế và xây lắp (2 gói thầu xây lắp và 14/17 gói thầu thiết bị) tại Dự án Bệnh viện Đồng Nai với tổng số tiền gần 666 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) đã hối lộ cho các ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) và Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cựu giám đốc BV Đồng Nai) tổng số tiền 43,8 tỷ đồng.

Ngày 29-4-2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về tội: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng bị can đã bỏ trốn và đang bị truy nã. Đến ngày 19-10-2022, ông Đinh Quốc Thái và ông Trần Đình Thành bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về hành vi: “Nhận hối lộ”.

Ngày 21-12-2022, TAND TP Hà Nội tiến hành xét xử sơ thẩm đối với 36 bị cáo liên quan đến vụ án trên. Trong đó, các bị cáo: Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ bị truy tố về tội: “Nhận hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; bị cáo Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai) bị truy tố về tội: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Các bị cáo còn lại bị truy tố về các tội: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong vụ án này có 8 bị cáo đang bỏ trốn, trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bị truy tố về các tội: “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đại án Vạn Thịnh Phát

Ngày 7-10-2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can đối với: bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 3 đồng phạm: Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng, Hồ Bửu Phương về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo Bộ Công an, các đối tượng trên đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 - 2019. Trong quá trình điều tra vụ án, có 762 công ty nằm trong diện bị “đóng băng” tài sản do thuộc sở hữu của các bị can, cá nhân, công ty có liên quan. Đến nay, có 14 bị can, cá nhân được xác định có liên quan đến vụ án.

(Nguồn: CADN)

(Xem thêm:

=> Sát Tết, xăng dầu lại nóng; Năng lượng tái tạo VN; Siết dịch vụ môi giới BĐS; Chỉ đạo 'không vùng cấm, không ngoại lệ' ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang