.gif)
TÌNH YÊU GIỮA CHA MẸ LÀ NỀN TẢNG VỮNG CHẮC CHO TÂM HỒN TRẺ
Bài học về yêu thương và hạnh phúc
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ học cách yêu thương không phải qua những lời dạy dỗ, mà từ cách cha mẹ đối xử với nhau mỗi ngày. Ánh mắt trìu mến, lời nói dịu dàng, hay sự sẻ chia thầm lặng - tất cả đều in đậm trong ký ức của con, trở thành bài học đầu tiên về yêu thương và hạnh phúc.
Khả năng kiểm soát cảm xúc
Khoa học đã chỉ ra rằng, trẻ lớn lên trong gia đình đầy ắp yêu thương sẽ có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt hơn, ít lo âu và phát triển mạnh mẽ hơn về mặt xã hội.
Mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn
Không khí gia đình là mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn con. Khi cha mẹ yêu thương, con lớn lên với sự bình an trong lòng. Khi cha mẹ xa cách, con dễ mang trong mình nỗi bất an và tổn thương.
Điểm tựa an toàn
Sự gắn bó bền chặt giữa cha mẹ còn là điểm tựa an toàn, giúp con dũng cảm khám phá thế giới và xây dựng những mối quan hệ lành mạnh sau này.
Món quà tinh thần vô giá
Một gia đình hạnh phúc không đòi hỏi điều gì quá lớn lao. Đôi khi chỉ là sự kiên nhẫn lắng nghe, một cái ôm nhẹ, hay lời động viên dịu dàng sau ngày dài mệt mỏi. Chính những điều tưởng chừng nhỏ bé đó lại tạo nên món quà tinh thần vô giá cho hành trình trưởng thành của con.
Nguồn: FB Ghi Chép Cùng Phương
HÀN MẶC TỬ - MỘT NHÀ THƠ LẠ KỲ, VỚI NHỮNG VẦN THƠ ĐỘC ĐÁO, ĐẦY KINH NGẠC VÀ KINH DỊ - PHẦN III
.gif)
Không có cái chết, không có ánh trăng, không có cả những lời khổ đau, ai oán, đó chính là điểm đặc biệt nhất của Hàn Mặc Tử khi viết bài thơ dưới đây.
Mùa xuân chín
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên dòng thiên lý. Bóng xuân sang
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
- “Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”
(Thơ Điên - Đau Thương - 1937)
1- Trên dòng thiên lý bóng xuân sang
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên dòng thiên lý. Bóng xuân sang
Cứ khoảng từ hai mươi ba Tết đổ đi, là cái nắng Sài Gòn bỗng trở nên đẹp ghê đẹp gớm. Nắng màu vàng chanh, hơi chói chang chút thôi, còn thì nó vừa đủ để làm rực màu đôi má, màu áo, và màu xuân.
Đọc bài Mùa Xuân Chín của ông Hàn Mặc Tử, tôi cũng thấy ông ấy tả màu nắng của mùa xuân nơi ông đang ngụ. Tuy nắng của nơi ông không rực rỡ như nắng Sài Gòn, nhưng nó vẫn ăm ắp vẻ yêu kiều, nhẹ nhàng, dịu dàng như một cô thôn nữ tuổi trăng rằm.
Ông dùng từ “ửng” cho nắng, để gán cho nắng có một tính cách như người, đó là mắc cỡ, là e thẹn, như cô gái hôm qua còn rất trẻ thơ, nay đã bắt đầu chuyển qua tuổi lớn, mười ba, mười bốn, mười lăm, mười sáu.
Và cái màu nắng ửng đó, còn là màu của khói mơ tan. Cái từ “mơ” này, không phải là mơ màng, mơ mộng, giấc mơ, mà “mơ” này là màu mơ. Màu mơ, như màu mỡ gà mà lợt hơn một chút. Người ta cũng hay sử dụng trong “con gà mái mơ”, nghĩa là con gà mái đó, có bộ lông màu mơ.
Màu nắng ửng, rồi màu khói mơ, rồi màu mái nhà tranh, rồi màu hoa thiên lý, tất cả những màu đó, đều được gọi là màu xuân. Màu xuân rất khẽ, màu xuân rất nhẹ, nhẹ đến mức, Hàn Mặc Tử thấy như là, cái bóng của xuân thôi, cái bóng của xuân sang.
2. Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi
Đọc câu: Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời, của Hàn Mặc Tử, làm tôi nhớ tới ngay câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, tả tiết thanh minh: Cỏ non xanh rợn chân trời.
Bức tranh xuân của Hàn Mặc Tử như được làm bằng lụa mềm, uyển chuyển, dịu dàng, đầy sắc xuân, sức xuân và hương xuân, qua hình ảnh: Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
Cũng giống như hai câu: Người đi, một nửa hồn tôi mất / Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ (Những Giọt Lệ), hai câu: Ngày mai trong đám xuân xanh ấy / Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi (Mùa Xuân Chín) cũng được giới ái mộ thơ ông, trong miền Nam, thuộc thế kỷ hai mươi, thuộc làu làu.
Vì nó quá hay!
Hổn hển như lời của nước mây
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây
Cái từ “vắt vẻo” trong dòng thơ đầu tiên của khổ này, làm tôi nhớ đến câu thơ của Thế Lữ trong bài Thiên Thai, cũng có từ “vắt vẻo”: Khi cao vút tận mây mờ / Khi gần vắt vẻo bên bờ cây xanh. Rồi những từ “hổn hển”, “thầm thĩ”, lại khiến tôi liên tưởng đến những hình ảnh vừa thơ ngây, mơn mởn đào tơ vừa như khiêu khích, vừa hồn nhiên vừa căng tràn sức sống tuổi đôi mươi. Đẹp làm sao!
4. Chí ấy năm nay còn gánh thóc
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
- “Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Đang vui như thế, thì đột ngột, Hàn Mặc Tử lại nhớ về làng quê cũ, khiến nỗi niềm bâng khuâng, từ đâu, ùa về, không sao ngăn được. Vẻ như tác giả bỗng xốn xang trong dạ. Xao xuyến, bùi ngùi, ngẩn ngơ như luyến tiếc.
Tác giả luyến tiếc gì?
Ngay từ tựa đề bài thơ, ông đã tả, đây là một mùa xuân chín. Chín rồi thì sao? Chín rồi là hết!
Ông còn mô tả, mùa xuân ấy, nó qua rất nhanh, nhanh như một cái bóng, thế nên mới: Trên dòng thiên lý bóng xuân sang. Tôi bất giác, nhớ đến bài thơ Lỡ Bước Sang Ngang của Nguyễn Bính: Tuổi xuân má đỏ môi hồng / Bước chân về đến nhà chồng là thôi.
Nghĩa là, Hàn Mặc Tử đang tiếc lắm, đang buồn lắm vì cái quy luật bất biến của con người, trẻ rồi sẽ già, chín rồi sẽ rụng. Hôm nay đông đúc: Bao cô thôn nữ hát trên đồi. Ngày mai, chỉ còn một mình: Chị ấy năm nay còn gánh thóc / Dọc bờ sông trắng nắng chang chang.
Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua (Vội Vàng), Xuân Diệu cũng đã từng nói thế mà!
Nguồn: FB Phạm Hiền Mây
NẮNG VÀ THƠ
.gif)
Nắng chảy tràn qua từng sợi tóc
Thơ ngồi lại trên đầu ngọn cỏ non
Dòng suối nhỏ thì thầm kinh nhật tụng
Thơ lắng nghe tiếng đá hát vu vơ.
Nắng vẽ hoa trên vành nón mẹ
Thơ nương theo về buổi chợ quê xưa
Mùi khô cá quyện cùng hương bồ kết
Thơ lẫn vào từng thớ vải thô may.
Nắng gối đầu lên vai người thợ mộc
Thơ khẽ gõ vào chiếc đục nằm yên
Gỗ thơm thở một nhịp đời vững chãi
Thơ mở bung từng thớ thịt thời gian.
Nắng phơi trên những sợi rơm mùa gặt
Thơ ru con ngủ giữa trưa vàng
Tiếng gà gáy vọng về từ kí ức
Thơ gom từng giấc mộng đã tan.
Nắng thức dậy trên đồi gió nhẹ
Thơ ngồi thiền giữa cõi vô ưu
Mỗi bước chân là một lần tỉnh thức
Thơ thắp đèn cho cõi lặng ban sơ.
Nắng không nói, mà thơ thì kể
Chuyện từng chiếc lá, cánh chim bay
Nơi nào còn người vun gieo lẽ sống
Thì thơ vẫn còn ngân vang tiếng đất trời.
Nguồn: FB Pháp Nhật
Đức Việt Online
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá