Tin xấu cho nguồn cung gạo; TQ cạnh tranh vị thế sầu riêng; Cháy rừng Canada; 'Phá băng' quan hệ; Nga không kích dữ dội

'Tin xấu' cho nguồn cung gạo toàn cầu

(Ảnh minh họa).

Sự thay đổi lượng mưa do biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng lớn đến các nhà cung cấp gạo hàng đầu thế giới.

Nam Á đang gồng mình chuẩn bị đón mùa mưa tới chậm vào tháng 6 và những trận mưa thất thường trong tháng 6-9.

Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết mùa mưa hàng năm, chiếm 70% lượng mưa của Ấn Độ, dự kiến đổ bộ bang Kerala vào ngày 4/6, thay vì ngày 1/6 như thường lệ. Trong khi đó, công ty tư nhân Skymet Weather dự đoán lượng mưa tại Ấn Độ sẽ thấp hơn một chút so với thông thường.

Những hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến sản lượng gạo của các nhà cung cấp hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.

Đây là kết quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu nhanh do World Weather Attribution công bố hôm 17/5, khả năng khu vực Nam Á gặp nắng nóng gay gắt với mức nhiệt kỷ lục như tháng 4 vừa qua sẽ cao hơn ít nhất 30 lần, theo AP.

Tin xấu

Các mô hình khí hậu trên toàn cầu cho thấy “khả năng cao” hiện tượng El Nino sẽ quay trở lại vào tháng 6, thay thế La Nina.

El Nino và La Nina là hai kiểu khí hậu trái ngược nhau trên Thái Bình Dương. La Nina thường mang lại thời tiết mát mẻ, ẩm ướt trong khi El Nino báo hiệu khí hậu nóng và khô hơn.

“Chúng tôi tin rằng mùa mưa có thể đến chậm và dòng hải lưu không thể hình thành vì một số lý do. Nếu (mùa mưa) bị trì hoãn 4-5 ngày, nhiệt độ sẽ không giảm”, ông Mahesh Palawat, Phó chủ tịch phụ trách khí tượng và biến đổi khí hậu của Skymet Weather, cho biết.

Ông Palawat lý giải mùa mưa bị gián đoạn do tác động của một cơn bão ngược trên biển Arab và sự xuất hiện của cơn bão Fabien ở Ấn Độ Dương. Ông cho biết thêm vào đầu tháng 6, hướng gió trên Vịnh Bengal có thể bị lệch.

Điều đó có nghĩa thời tiết tại một số khu vực ở phía Nam Ấn Độ như Tamil Nadu, Telangana và Andhra Pradesh sẽ dịu đi. Nhưng những khu vực khác như ven biển Kerala và Karnataka có khả năng hứng chịu mưa lớn.

Ông Palawat nhận định còn quá sớm để dự đoán lượng mưa theo mùa trên khắp miền trung, miền đông và miền bắc nước này. Theo ông, mùa mưa có thể mạnh lên trong những ngày hè còn lại, bất chấp sự gián đoạn ban đầu và hiện tượng El Nino.

Nguy cơ thâm hụt lượng mưa

Trong khi đó, ông Raghu Murtugudde, giảng viên Viện Công nghệ Ấn Độ Bombay và giáo sư danh dự tại Đại học Maryland, cho biết: “Chúng ta đang chuyển từ mùa đông với La Nina sang mùa hè với El Nino. Đây là một tin xấu”.

“Nếu không có sự bù đắp cho El Nino, (mùa mưa) có thể bị trì hoãn dẫn đến thâm hụt (lượng mưa) khá lớn”, ông nói. Tuy nhiên, tác động tới mùa màng có thể kiểm soát được nếu mùa mưa diễn ra bình thường theo dự đoán của IMD.

Song khí hậu tại khu vực này có tầm quan trọng toàn cầu vì Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam là ba nhà cung cấp gạo hàng đầu thế giới, theo South China Morning Post.

Ông Palawat cho biết biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng đến sự phân bổ lượng mưa trong mùa. Theo đó, những ngày mưa dữ dội sẽ xen kẽ những ngày khô hạn và gây ảnh hưởng đến mùa màng, dù lượng mưa tổng thể theo mùa có thể vẫn tương đương những năm trước.

“Điều đó không có lợi cho nông dân vì không có thời gian phục hồi nước ngầm và dẫn đến lũ quét”, ông nói.

Theo ông Palawat, trong suốt một thập kỷ, sự nóng lên toàn cầu đã khiến hệ thống gió mùa phát triển trên Vịnh Bengal, sau đó chuyển hướng từ đông bắc sang hướng tây, làm giảm lượng mưa trên các vựa ngũ cốc phía bắc Ấn Độ.

Tổ chức World Weather Attribution ngày 17/5 cũng cho biết với việc nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,2 độ C kể từ cuối những năm 1800, các sự kiện trăm năm có một như đợt nắng nóng ở Bangladesh và Ấn Độ hiện có khả năng xảy ra 5 năm/lần.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng nếu không có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những sự kiện khắc nghiệt này gần như không thể xảy ra ở Lào và Thái Lan.

Theo bà Friederike Otto, giảng viên cao cấp về Khoa học Khí hậu tại Viện Biến đổi Khí hậu Grantham, kiểu mưa thất thường khi gió mùa có thể khuếch đại tác động và dẫn đến các đợt nắng nóng ẩm ướt.

“Chúng ta nhiều lần chứng kiến biến đổi khí hậu làm tăng đáng kể tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng - một trong những sự kiện thời tiết nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, các kế hoạch hành động chống nắng nóng chỉ được ban hành rất chậm trên toàn cầu”, bà nói.

(Nguồn: Zing News)

Trung Quốc tham vọng cạnh tranh vị thế sầu riêng với Đông Nam Á

Trung Quốc nuôi tham vọng tự trồng sầu riêng trên đảo Hải Nam nhằm cạnh tranh với các nước Đông Nam Á, dù gặp nhiều khó khăn về thổ nhưỡng.

Hai tháng một lần, chuyên gia sầu riêng người Malaysia Lim Chin Khee lại bay tới đảo Hải Nam, Trung Quốc để giúp nông dân ở đây phát triển loại cây đặc sản này tại đồn điền rộng hơn 404 ha. Lim, người sáng lập Học viện Sầu riêng gần Kuala Lumpur, đưa ra nhiều lời khuyên cho nông dân Hải Nam, trong đó có những hướng dẫn về tối ưu nguồn nước và phân bón.

Trung Quốc bắt đầu tham vọng phát triển hoạt động trồng cây ăn quả nhiệt đới trên khoảng 206.000 ha đất ở đảo Hải Nam vào những năm 1950, trong đó sầu riêng được kỳ vọng là cây chủ lực. Năm 2020, sầu riêng trên đảo bắt đầu phát triển mạnh nhờ công nghệ thúc đẩy chu kỳ tăng trưởng.

Hải Nam đã sẵn sàng thu hoạch sầu riêng đầu tiên trong năm nay, dự kiến đưa khoảng 2.400 tấn sầu riêng tự trồng ra thị trường trong tháng 6. Sầu riêng Hải Nam được kỳ vọng sẽ cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á, nguồn xuất khẩu chính mặt hàng sầu riêng tới Trung Quốc.

Việc những chuyên gia sầu riêng như ông Lim đến Hải Nam thể hiện sự tự tin của Malaysia và một số các quốc gia Đông Nam Á khác, rằng trái cây nhiệt đới của Trung Quốc sẽ không thể sớm thay thế hàng nhập khẩu.

Trung Quốc trong năm 2022 nhập khẩu hơn 824.000 tấn sầu riêng tươi, trị giá hơn 4 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với năm 2017. Lượng sầu riêng mà Trung Quốc nhập khẩu từ Thái Lan trị giá khoảng 3,1 tỷ USD.

Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy ngành nông nghiệp trong nước phát triển các loại nông sản nhiệt đới. Tại Thượng Hải, các loại trái cây như vải thiều, xoài, đu đủ, thanh long Trung Quốc có giá rẻ hơn và bán chạy hơn sản phẩm nhập khẩu từ Đông Nam Á.

Nhưng với sầu riêng, Lim cho rằng sản phẩm từ đảo Hải Nam sẽ khó tăng trưởng nhanh chóng, do nông dân ở đây phải thuê đất và các cơn bão thường xuyên quét qua hòn đảo, tàn phá mùa màng. Bởi vậy, ông tin rằng sầu riêng Trung Quốc là sự bổ sung hơn là cạnh tranh với sản phẩm từ Malaysia.

Sam Sin, giám đốc phát triển S&F Produce Group, trụ sở tại Hong Kong, cũng nhận định sầu riêng trồng tại khu vực khí hậu cận nhiệt đới như đảo Hải Nam không thể sánh được về chất lượng với sầu riêng Thái Lan, vốn đã rất nổi tiếng ở Trung Quốc đại lục. S&F Produce Group sở hữu nhiều đồn điền sầu riêng ở Thái.

"Tôi nghĩ điều này còn liên quan đến quan niệm về nguồn gốc xuất xứ của sầu riêng của người Trung Quốc", ông Sam nói. Nhiều người Trung Quốc coi Thái Lan là thiên đường nghỉ dưỡng và sầu riêng gắn liền với quốc gia này.

"Chúng tôi ghi nhận mức độ tăng trưởng nhanh chóng ở thị trường Trung Quốc", ông Sam cho biết, thêm rằng quy mô kinh doanh sầu riêng của công ty ở thị trường này đã tăng trưởng hai con số trong 9 năm qua.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng mang đến cho Đông Nam Á lợi thế, khi thuế trái cây từ khu vực này xuất khẩu đến Trung Quốc được cắt giảm.

RCEP đã giúp xoài, dừa và sầu riêng Philippines tiếp cận thị trường Trung Quốc, nơi những trái cây tương tự "khá khan hiếm", Aaron Rabena, chuyên gia nghiên cứu tại Tổ chức Con đường Tiến bộ Châu Á - Thái Bình Dương (APPFI) ở Manila, cho biết.

"Sản lượng trái cây nhiệt đới từ Hải Nam không ổn định và không thể đáp ứng được nhu cầu từ thị trường đại lục", ông Rabena nói, thêm rằng Trung Quốc vẫn phải tiếp tục nhập sầu riêng và quả roi.

Nhưng về dài hạn, giới chuyên gia cảnh báo sự tự tin của các "cường quốc sầu riêng" ở Đông Nam Á có thể lung lay khi Trung Quốc kết hợp giữa tham vọng tự chủ sầu riêng của mình với công nghệ tự động hóa và tiết kiệm chi phí giúp hạ giá thành.

Đảo Hải Nam có diện tích 32.900 km2, giúp các khu vực trồng sầu riêng trên đảo có quy mô rất lớn. Chuyên gia Lim cho biết quy mô này tạo lợi thế đáng kể so với các đồn điền sầu riêng nhỏ hơn ở Malaysia trong bất kỳ cuộc đua dài hạn nào.

Các chuyên gia cũng cho rằng sầu riêng Hải Nam có khả năng thay thế hàng nhập khẩu khi kỹ thuật trồng trọt của nông dân ở đây được cải thiện.

"Các trang trại trên đảo đã áp dụng loạt công nghệ tự động hóa để kiểm soát chi phí. Đây có thể là bài học cho Malaysia", ông Lim nói, cho biết thêm nông dân Hải Nam "rất háo hức" tìm hiểu về dinh dưỡng, kỹ thuật cắt tỉa cây và nâng cao chất lượng trái.

Du Baizhong, tổng giám đốc công ty nông nghiệp Youqi ở Hải Nam, cho biết đã cử nhân viên đến Đông Nam Á để nghiên cứu, đồng thời làm việc cùng Học viện Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc để rút ngắn chu kỳ tăng trưởng của cây sầu riêng từ 10 năm xuống ba năm.

Giám đốc Du thêm rằng Youqi đã tìm ra cách tự động hóa hệ thống tưới, quản lý phân bón và theo dõi thời tiết. Công ty dự kiến sản xuất 50 tấn sầu riêng trong năm nay.

Dù ông Du thừa nhận quy trình trồng sầu riêng ở Hải Nam đòi hỏi "nhiều công sức và biện pháp can thiệp thủ công" hơn so với ở Đông Nam Á, loại đặc sản này cùng nhiều hoa quả nhiệt đới khác một ngày nào đó có thể được Trung Quốc xuất khẩu, thậm chí là tới Đông Nam Á, các nhà phân tích nhận định.

(Nguồn: Vnexpress)

Khói từ cháy rừng ở Canada: người dân nghẹt thở, nhưng làm dịu các đám cháy do che khuất mặt trời

(Ảnh minh họa).

Khói từ các đám cháy rừng bao trùm miền tây Canada khiến chính quyền cảnh báo về sức khỏe ở một số thành phố nhưng cũng giúp làm dịu các đám cháy bằng cách ngăn chặn nắng nóng trên các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của đất nước này hôm 21/5, theo AFP.

Các vụ cháy rừng ở tỉnh Alberta đã khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán và thiêu rụi hơn 941.000 ha trong vài tuần.

Bà Christie Tucker thuộc cơ quan phòng chống cháy rừng Alberta nói trong một cuộc họp báo: “Nhiều người dân Alberta rõ ràng là không thể thoát khỏi khói vào cuối tuần này. Khói dày đặc ở nhiều nơi trong tỉnh. Nhưng họ cũng sẽ nhận thấy rằng nhiệt độ mát hơn so với việc nếu không có khói bao phủ mặt trời”.

Bà Tucker giải thích, ít nóng hơn, “có nghĩa là chúng ta đã chứng kiến các đám cháy ít bùng phát hơn”. Chỉ có năm đợt bùng phát mới được báo cáo kể từ thứ Sáu (19/5).

Mặt khác, bà nói thêm, lính cứu hỏa không thể bay máy bay thường xuyên để có được thông tin chính xác về quy mô và số lượng đám cháy đang bùng cháy trong vài ngày qua.

Bản đồ thời tiết cho thấy khói từ đám cháy bao phủ hơn 1 triệu dặm vuông (2,7 triệu km²) và kéo dài đến tận bờ biển phía đông của Bắc Mỹ và Bắc Cực.

Bộ Môi trường Canada đưa ra cảnh báo về chất lượng không khí kém gây ra “nguy cơ rất cao” đối với sức khỏe tại các thành phố Edmonton và Calgary, nơi bầu trời có màu cam và mùi khói phảng phất trong không khí.

Người dân được khuyến cáo hạn chế các hoạt động ngoài trời.

Cảnh báo về chất lượng không khí cũng được đưa ra ở một số bang của Mỹ khi những cột khói dày đặc từ Alberta bay qua biên giới.

Trong những năm gần đây, miền tây Canada liên tục bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt, cường độ và tần suất tăng lên do sự nóng lên toàn cầu.

Nhiệt độ cao nhất vào cuối tuần vào ban ngày trên mức trung bình là 28 độ C được dự báo sẽ giảm khoảng 10 độ vào ngày 22/5 và duy trì ở mức thấp trong suốt cả tuần.

Dự kiến sẽ có nhiều mưa hơn sau khi một số trận mưa rào quét qua Alberta vào cuối tuần này.

(Nguồn: VOA)

'Phá băng' quan hệ

Cách đây 11 năm, khi cuộc xung đột vũ trang dẫn đến nội chiến kéo dài dai dẳng tại Syria, nước này đã bị đóng băng tư cách thành viên trong AL.

Hôm 18/5, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đã đến Ả-rập Xê-út tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập (AL), đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo này tới Ả-rập Xê-út kể từ sau cuộc xung đột ở Syria vào năm 2011.

Việc Syria trở lại AL được coi là một sự kiện mang tính biểu tượng và phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ về cách nhìn nhận của các quốc gia trong khu vực về chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad.

Cách đây 11 năm, khi cuộc xung đột vũ trang dẫn đến nội chiến kéo dài dai dẳng tại Syria, nước này đã bị đóng băng tư cách thành viên trong AL. Trong bối cảnh đó, Ả-rập Xê-út tích cực ủng hộ các nhóm vũ trang đối lập cố gắng lật đổ Tổng thống Assad. Nước này thậm chí còn tài trợ vũ khí, tiền bạc cho các nhóm chiến binh.

Còn Qatar, ngay từ những ngày đầu tiên, đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho phe đối lập tại Syria. Jordan, nước láng giềng phía Nam Syria, cũng ủng hộ quân nổi dậy chống lại Tổng thống Assad nhưng chính sách của nước này chủ yếu đến từ những lo ngại về an ninh biên giới.

Nhưng hiện nay, các thành viên AL mong muốn đạt thỏa thuận trực tiếp với Tổng thống Assad. Vì vậy, liên minh gồm 22 thành viên này đã nhất trí khôi phục tư cách của Syria và chính thức mời ông Assad tham dự Hội nghị ngày 19/5 vừa qua.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang dẫn đầu khu vực trong việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Syria. Mới đây, trong thảm họa động đất xảy ra tại Syria hồi tháng 2, UAE đã chuyển 6.000 tấn lương thực, thuốc men và vật tư y tế; đồng thời gửi đội tìm kiếm và cứu hộ đến Syria để xác định vị trí của những người sống sót.

Tại Hội nghị 19/5 vừa qua, Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed đã mời Tổng thống Assad tham dự Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) do nước này đăng cai tổ chức vào cuối năm nay.

Ả-rập Xê-út cũng đóng vai trò thúc đẩy cho sự trở lại lần này của Syria. Mặc dù một số quốc gia Ả Rập như Qatar, Morocco chưa bình thường hóa quan hệ với Syria nhưng với tư cách là nhà lãnh đạo trong AL, Ả-rập Xê-út đã thuyết phục các thành viên khác không gây khó dễ cho chuyến thăm lần này của Syria.

Cái bắt tay của Tổng thống Assad và Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman trong Hội nghị hôm 19/5 chứa đựng sự nồng nhiệt nhưng cũng đầy tham vọng của các quốc gia Ả Rập.

Trên thực tế, Syria có thể không mang lại nhiều cơ hội tài chính hoặc kinh tế cho khu vực. Cần lưu ý rằng Mỹ và phương Tây vẫn giữ vững lập trường không bình thường hóa quan hệ, không dỡ bỏ trừng phạt và không tham gia tái thiết Syria.

Mọi hoạt động thương mại của Syria với các nước trong khu vực hay ngược lại vẫn bị kìm cặp bởi “Đạo luật Caesar” của Mỹ. Đạo luật này cho phép Mỹ trừng phạt các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực năng lượng, xây dựng hoặc kỹ thuật của Syria cũng như hỗ trợ tài chính cho chính quyền Tổng thống Assad. Vì vậy, dù các quốc gia muốn bình thường hóa quan hệ với Syria, họ cũng khó có thể hợp tác kinh tế hay đầu tư vào nước này, nếu vẫn muốn làm ăn với Mỹ.

Tuy nhiên, việc “phá băng” quan hệ với Syria mang lại ý nghĩa lớn hơn về mặt an ninh khu vực. Ngoài ra, Syria trở lại AL sẽ giúp khu vực này tăng cường đoàn kết, đẩy nhanh quá trình phát triển và tái thiết thế giới Ả Rập.

Với vị trí trung tâm địa lý, Syria sẽ góp phần giúp khu vực giải quyết những vấn đề cấp bách chung như buôn bán ma tuý, an ninh biên giới, khủng hoảng người di cư...

(Nguồn: Soha)

Nga mở đợt không kích dữ dội, nhiều khí tài Ukraine bị phá hủy

(Ảnh minh họa).

Trang AVP thông tin, đêm 22/5, Nga đã tiến hành một đợt tấn công lớn vào các cơ sở quân sự của Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Quân đội Nga đã tiến hành một cuộc không kích lớn vào các cơ sở công nghiệp quân sự ở Ukraine. Theo đó, đêm 22/5, các đơn vị Nga đã tiến hành một chiến dịch quy mô lớn với các cuộc không kích mạnh mẽ vào nhiều cơ sở hạ tầng công nghiệp quân sự của Ukraine.

Theo các nguồn tin của AVP, trong khuôn khổ chiến dịch này, các mục tiêu ở khu vực Odessa, Nikolaev và Dnepropetrovsk đã bị tấn công.

Những đón tấn công mạnh mẽ cũng đã nhắm đến các cụm tập kết thiết bị quân sự và binh lính của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở phía bắc Kharkov, cũng như trên lãnh thổ của vùng Zaporozhye do quân đội Ukraine kiểm soát.

Tại khu vực Dnepropetrovsk, có khoảng 15 đợt không kích được ghi nhận trong khu vực thành phố, hầu hết trong số đó tập trung vào cụm doanh nghiệp Yuzhmash. Đầu tiên, các máy bay không người lái Geran xác định vị trí của các hệ thống phòng không Ukraine và sau đó, tên lửa hành trình được sử dụng để phá hủy mục tiêu.

Các cuộc tấn công quy mô lớn với việc tấn công chính xác vào vị trí của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã cho thấy sự hiệu quả của Nga trong việc triển khai kế hoạch tác chiến. Tuần qua, kỷ lục về cường độ xuất hiện của máy bay không người lái và tên lửa hành trình triển khai đã được thiết lập.

Chiến dịch không kích hiện tại là một phần trong chiến lược của Bộ chỉ huy Nga nhằm gây thiệt hại tối đai cho các Lực lượng Vũ trang Nga trước kế hoạch triển khai một cuộc tấn công quy mô lớn mà Kiev đã tuyên bố trước đó.

Cũng trong ngày 22/5, trang AVP thông tin về đợt tấn công mới của Lực lượng Vũ trang Ukraine vào khu vực Belgorod. Theo đó, chiều 22/5, máy bay không người lái của Ukaraine (chưa rõ loại nào) đã được phát hiện trên bầu trời khu vực Belgorod.

Trong đoạn video mà các nhà báo của AVP có được, người ta có thể thấy một máy bay không người lái của Ukraine xuất hiện, nhưng chưa rõ đây là máy bay do thám hay máy bay không người lái cảm tử. Tuy nhiên, theo thông tin sơ bộ, quân đội Nga đã đẩy lùi được đợt tấn công của Ukraine.

Lực lượng Vũ trang Ukraine thường xuyên tiến hành các đợt tấn công vào vùng Belgorod. Điều này đã được thống đốc vùng Belgorod, Vyacheslav Gladkov lên tiếng xác nhận.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang