Tiêu chuẩn Hartz IV: Hướng dẫn thủ tục khi chuyển nhà

1- Phải chuyển nhà vì Trung tâm việc làm (Jobcenter) yêu cầu giảm chi phí thuê nhà

Trong trường hợp này, Jobcenter phải chịu hoàn toàn mọi phí tổn tìm nơi ở mới. Điều đó có nghĩa, các loại báo chí quảng cáo nhà đất, bao gồm cả quảng cáo tìm nhà, chi phí cho người môi giới, thậm chí toàn bộ tiền chuyển nhà đều do Jobcenter trả. Thường lúc ban đầu, họ chỉ chấp nhận trả một khoản đổ đồng, và chính người xin Hartz IV muốn tăng thêm trợ cấp thì phải tự trình bày hoàn cảnh - ví dụ không thể sử dụng loại xe lớn để chở đồ, hoặc những người muốn giúp mình thì không có bảo hiểm trách nhiệm (Haftpflichtversicherung) v.v...

Hãy đề nghị với Jobcenter tìm một hãng chuyển nhà với giá phải chăng nhưng đáng tin cậy, hoặc hãy tự đề nghị ba hãng khác theo ý riêng của mình. Nếu có thể tự chuyển nhà, người xin trợ cấp có thể xin thêm chi phí trả cho xe đi thuê, phí xăng dầu, người giúp đỡ, phí mua thùng để đóng đồ ... Tiền đặt cọc (Kaution) Jobcenter cũng phải tạm trả hộ, nhưng chỉ dưới dạng cho vay (trong trường hợp không thể lấy tài sản thế chấp hoặc không thể vay mượn chỗ khác) - sau đó, Jobcenter hàng tháng sẽ tự động khấu trừ 10% từ mức tiêu chuẩn cơ bản (theo Điều §42a SGB II) để thanh toán khoản nợ đó.

Tuy nhiên, trước khi được chấp nhận chuyển nhà, người xin trợ cấp cần lưu ý: Căn hộ mới phải phù hợp cả về giá cả lẫn kích thước (do Jobcenter của từng vùng ấn định). Sau khi tìm được căn hộ như ý, cần nộp mẫu hợp đồng vào Jobcenter để họ kiểm tra. Chỉ khi nào Jobcenter xác nhận bằng văn bản sẽ trả mọi phí tổn, lúc đó người xin Hartz IV mới có thể ký kết hợp đồng và sắp xếp việc chuyển nhà. Ngoài ra, người chuyển nhà lần đầu có thể đệ đơn xin kinh phí mua nội thất (đồ đạc nhà bếp, phòng khách v.v...).

2- Phải chuyển nhà vì một lý do quan trọng

Lý do quan trọng có thể là: có việc làm mới, ly hôn, ly thân, kết hôn hoặc cùng chuyển đến sống chung với nhau, hay không thể sống trong căn hộ cũ vì những lý do bất khả kháng như hỏa hoạn, ngập lụt, nhà cửa đổ nát, tranh chấp hay xung đột giữa người thuê nhà và chủ nhà, với hàng xóm láng giềng dẫn đến không thể cùng hợp tác (cần trình báo bằng chứng cụ thể), bệnh tật phát sinh hoặc nặng thêm vì môi trường sống không lành mạnh mà không thể khắc phục, hoặc tiếng ồn của máy bay, đường tàu hỏa chạy qua nhà, có sàn nhảy hoặc quán rượu ngay bên dưới nhà, không thể ngủ yên, dẫn đến bệnh rối loạn giấc ngủ trầm trọng (cần trình báo giấy chứng nhận của bác sỹ). Nếu có một trong những lý do quan trọng trên, người xin trợ cấp có thể chuyển nhà, các bước tiếp theo như phần 1.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

3- Chuyển nhà vì muốn thay đổi môi trường, sống gần bạn bè, người thân quen

Trong trường hợp này, Jobcenter sẽ không nhận trả bất cứ phí tổn chuyển nhà nào, kể cả lần đầu mua sắm các trang thiết bị (Erstausstattung). Đặc biệt cần lưu ý chọn căn hộ với giá thuê nhà và kích thước phù hợp, không vượt quá tiền thuê căn hộ cũ, vì Jobcenter vẫn chỉ trợ cấp đến mức đó thôi. Nếu chuyển nhà sang một vùng khác, thành phố khác, tiểu bang khác, cần tìm hiểu các mức tiêu chuẩn tối đa mà Jobcenter ở đó ấn định.

4- Khi con cái dưới 25 tuổi chuyển ra ở riêng (Umzug von U25)

Những thanh thiếu niên ở độ tuổi này còn sống chung với bố mẹ thì cũng không được chuyển ra ở riêng. Tuy nhiên, nếu không vì lý do quan trọng nào mà gia đình vẫn quyết định cho con chuyển ra, họ sẽ được Jobcenter trả cho 80% tính từ mức tiêu chuẩn Hartz IV, nhưng không nhiều hơn, kể cả tiền thuê nhà cũng không được. Lý do quan trọng để chuyển nhà ra ở riêng gồm những lý do như trong phần 3, thêm vào đó là các tranh chấp, bất hòa với bố mẹ (phải nộp bằng chứng là giấy của cảnh sát, của cơ quan thiếu niên-Jugendamt hoặc các cơ sở giúp đỡ, hòa giải gia đình), mang thai, được nhận học nghề, kết hôn, sống chung với bạn đời (Partnerschaft). Nếu được Jobcenter chấp nhận, cần nhanh chóng đệ đơn xin tiền mua sắm đồ đạc, trang thiết bị lần đầu (nộp kèm một danh sách liệt kê cụ thể những đồ cần mua vì Jobcenter sẽ đến tận nhà kiểm tra) - bao gồm tất cả các đồ gia dụng từ máy đun nước đến máy giặt, cũng như bát đĩa, dao dĩa, nồi niêu, xoong chảo, khăn tay, khăn tắm, đồ dệt kim, quần áo, đèn, rèm cửa, tủ, bàn, ghế, giường.v.v...

Tiêu chuẩn chi phí cho nhà ở và lò sưởi theo Điều §22 SGB II

(1) Jobcenter chỉ chấp nhận trợ cấp tiền thuê nhà và lò sưởi đúng theo mức tiêu thụ thật sự và phù hợp. Nếu người xin Hartz IV tự ý chuyển nhà, Jobcenter chỉ chấp nhận trợ cấp theo nhu cầu trước đó. Tùy theo lý do đặc biệt của từng trường hợp, nếu các chi phí cho nhà ở và lò sưởi vượt quá mức phù hợp theo qui định, chúng vẫn có thể được Jobcenter chấp nhận trả dười dạng ‘trợ cấp theo nhu cầu’, chừng nào người nuôi con một mình hoặc hộ gia đình đó không thể chuyển nhà hoặc giảm bớt chi phí này bằng cách khác, nhưng thông thường chỉ trợ cấp tối đa là 6 tháng.

(2) Nhu cầu nhà ở cần trợ cấp còn bao gồm cả các chi phí bắt buộc cho việc bảo tồn và sửa chữa nhà theo Điều §12, đoạn 3, dòng 1, số 4 SGB II, chừng nào những phí tổn này trong vòng 11 tháng không vượt quá mức cho phép. Nếu các chi phí bắt buộc cho việc bảo tồn và sửa chữa vượt quá nhu cầu nhà ở và lò sưởi theo đoạn (1), cần nhanh chóng đệ đơn xin cơ quan thành phố cho vay một khoản tiền để bù trừ vào số đó.

(3) Trước khi ký kết hợp đồng thuê nhà, người xin trợ cấp nên xin cơ quan thành phố bảo đảm tính chi phí cho nơi ở mới của mình - và cơ quan đó có trách nhiệm phải đảm bảo yêu cầu này, nếu việc chuyển nhà là cần thiết và các chi phí đều nằm trong mức cho phép.

(4) Khi thanh thiếu niên dưới 25 tuổi chuyển nhà ra ở riêng, họ chỉ được trợ cấp phí nhà ở và lò sưởi cho đến khi tròn 25 tuổi, nếu cơ quan thành phố chấp nhận yêu cầu đó trước khi hợp đồng thuê nhà được ký kết

- Lưu ý: Cơ quan nhà nước chỉ đảm bảo trợ cấp trong trường hợp:

1. Người muốn chuyển nhà không thể ở chung với bố mẹ vì những khó khăn xã hội nghiêm trọng,

2. Chuyển nhà vì lý do hoà nhập vào thị trường lao động.

3. Vì một lý do khác cũng quan trọng như vậy.

(5) Nếu đệ đơn xin trước, cơ quan nhà nước có thể nhận trợ cấp cho các chi phí mua sắm đồ đạc của căn hộ và phí vận chuyển cũng như tiền đặt cọc (Kaution, dưới dạng tiền vay lại).

(6) Nếu được Jobcenter trợ cấp tiền nhà ở và lò sưởi, người xin Hartz IV có thể đề nghị Jobcenter chuyển thẳng số tiền đó cho chủ nhà hoặc người có thẩm quyền khác, đặc biệt trong trường hợp:

1. Người xin trợ cấp đang nợ tiền nhà, có thể dẫn đến việc bị đuổi và hủy bỏ hợp đồng thuê nhà,

2. Người xin trợ cấp đang nợ tiền sử dụng năng lượng, có thể dẫn đến việc bị cắt nguồn năng lượng, 3. Khi người xin trợ cấp mang bệnh hoặc nghiện nặng,

4. Khi người xin trợ cấp bị ghi tên vào ‘danh sách đen’ (‘danh sách con nợ’, tiếng Đức là Schuldnerverzeichnis) của Tòa Amtsgericht thành phố.

(7) Chừng nào người xin trợ cấp được Jobcenter chấp thuận trả chi phí nhà ở và lò sưởi, họ cũng có thể xin trợ cấp để trả các khoản nợ khác nhằm đảm bảo giữ được nơi ăn chốn ở hoặc để khắc phục một hoàn cảnh khó khăn tương tự, đặc biệt nếu điều này hợp lý và cần thiết, bằng không họ sẽ bị đe dọa mất nhà, phải sống lang thang, vô gia cư.

(9) Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê nhà và chủ nhà kiện lên Tòa đòi huy ngang hợp đồng thuê nhà theo Điều §543, đoạn 1 và 2, dòng 1, số 3 kết hợp với Điều §569, đoạn 3 Luật Dân Sự, Tòa sẽ ngay lập tức thông báo với cơ quan thành phố những dữ liệu sau:

1. Ngày nhận đơn khiếu nại,

2. Họ tên và địa chỉ của hai bên nguyên/bị,

3. Mức thuê nhà hàng tháng,

4. Mức tiền thuê nhà còn nợ và khoản bồi thường thêm, và

5. Ngày xét xử.

Theo Điều §42a SGB II

(1) Jobcenter hoặc cơ quan thành phố chỉ cho vay tiền (tiếng Đức là Darlehen) trong trường hợp người xin trợ cấp không thể trang trải mọi nhu cầu bằng tài sản theo Điều §12, đoạn 2, dòng 1, số 1a và 4, Bộ luật Xã hội SGB II - có thể cho một thành viên hay một hộ gia đình cùng vay, và người vay tiền phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền đó.

(2) Chừng nào người vay tiền vẫn xin trợ cấp, hàng tháng họ sẽ bị trừ dần 10% từ tiêu chuẩn Hartz IV nhằm thanh toán nợ.

(3) Tiền nợ theo Điều §24, đoạn 5 phải dần hoàn trả lại toàn bộ ngay sau khi sử dụng, và tiền nợ theo Điều §22, đoạn 6 (tiền đặt cọc thuê nhà) cũng phải hoàn trả nốt phần còn lại ngay lập tức, khi chủ nhà trả lại nó cho người thuê nhà. Nếu số tiền người thuê nhà nhận lại từ chủ nhà không đủ để chi trả nốt tiền vay của Jobcenter, hai bên cần thỏa thuận lại việc hoàn trả nợ bằng cách xem xét hoàn cảnh kinh tế của ‘con nợ’.

(4) Sau khi không được nhận trợ cấp nữa, người vay tiền phải hoàn trả ngay phần còn lại cho Jobcenter. Tuy nhiên, họ cũng được xét lại hoàn cảnh kinh tế như trường hợp trên.

(5) Tiền nợ theo điều §27, đoạn 4 - khác với đoạn 4, dòng 1 - phải đến sau khi hoàn thành khóa học nghề mới phải trả. Đoạn 4, dòng 2 cũng như vậy.

(6) Nếu không có những thỏa thuận khác, tất cả những khoản tiền đã trả nhưng chưa đủ, trên hết sẽ được dùng để thanh toán khoản tiền cho vay lần đầu tiên.

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang